Trường Trung Học Lê Văn Duyệt
https://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl
Tin Tức >> Tin Tức >> Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần
https://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1169567007

Message started by dacung vào ngày 23. Jan 2007 , 04:43

Title: Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần
Post by dacung vào ngày 23. Jan 2007 , 04:43
Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần, hưởng thọ 77 tuổi
2007.01.22
Thy Nga, phóng viên Đài RFA

Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng được kính trọng trong thời chiến tranh Việt Nam vừa từ trần vào lúc 3 giờ 20 phút sáng ngày thứ Hai, 22 tháng Giêng năm 2007 ở bang Virginia Hoa Kỳ, hưởng thọ 77 tuổi.


Tướng Ngô Quang Trưởng, Photo courtesy Wikipedia.

Sau nhiều tháng trời bị bạo bệnh, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng anh hùng của cuộc chiến đã giã từ mọi người để về nơi yên nghỉ.

Một vị tướng tài ba

Ông chết mang theo biết bao bí mật của cuộc chiến, nhất là những bí mật mà ông không may liên hệ trực tiếp - hay phải đóng vai nhân chứng - trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Sinh ngày 13 tháng 12 năm 1929, Tướng Ngô Quang Trưởng được biết đến về tài tham mưu, về nghệ thuật chỉ huy và về những chiến công lẫy lừng mà ông đạt được, đặc biệt trong thời gian ông làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I vào đúng thời điểm chiến cuộc đang ở mức tàn khốc nhất.

Ông là người trực tiếp chỉ huy mặt trận Trị Thiên hồi 1972 mà quân sử thế giới vẫn còn nhắc đến khi nói về trận chiến Cổ Thành Quảng Trị, và chẳng ai ngạc nhiên khi thấy tạp chí Time xuất bản ở Hoa Kỳ chọn ông là một trong những vị tướng tài của miền Nam trong cuộc chiến.

Ông nổi tiếng là một quân nhân tôn trọng kỷ luật. Hình ảnh mà những nhà báo săn tin ở chiến trường không thể nào quên được là cảnh ông từ trên xe díp hay từ trực thăng bước xuống, bao giờ cũng với chiếc mũ sắt nghiêm chỉnh đội trên đầu, với chiếc áo giáp mặc ngoài chiếc áo 4 túi, với chiếc quần nhà binh ủi thật thẳng và đôi giầy bốt đờ sô bóng như gương soi, chứng tỏ dù ra mặt trận, đối đầu ngay cả với cái chết, ông luôn luôn chứng tỏ cho các sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp biết lúc nào cũng phải là một người lính gương mẫu.

Tinh thần gương mẫu của ông được thể hiện ngay cả vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút các đơn vị nhảy dù về bảo vệ thủ đô Sài Gòn, và sau đó chỉ thị cho ông phải bỏ Huế, bỏ ngõ một vùng đất chiến lược rất quan trọng.

Mặc dù biết đây là một quyết định quá táo bạo về mặt quân sự có thể đưa đến chuyện thắng bại, nhưng ông chỉ làm công việc của một người lính thuần túy là trình bày nhận xét của mình cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội biết, và chấp nhận thi hành mọi quyết định được đưa ra từ Dinh Ðộc Lập.

Nhắc đến ông, người ta cũng không thể quên trong thời gian cuộc chiến đang xảy ra, ông còn được người dân và các binh sĩ biết đến với lời xưng tụng, ca ngợi ông là một trong số rất ít “tướng sạch” của miền Nam.

Câu “Nhất Thắng, Nhì Thanh, Tam Chinh, Tứ Trưởng” dành cho 4 vị tướng liêm khiết nhất của miền Nam mà hầu hết mọi người đều biết đã xác định rõ vị trí của ông đối với quân đội và với xã hội, giữa thời buổi đầy nhiễu nhương do chiến tranh gây nên.

Nỗi buồn cùng với vận nước

Dù là tướng điều khiển cả một quân khu, nhưng ông sống rất đạm bạc, với những bữa cơm ở mặt trận chẳng khác gì phần ăn của một binh sĩ dưới quyền.

Tháng Tư năm 1975, cuộc chiến kết thúc, ông và gia đình sang Hoa Kỳ định cư ở ngay thủ đô Washington của nước Mỹ. Thỉnh thoảng người ta gặp ông trong những sinh hoạt của cộng đồng. Vẫn với vóc dáng gầy gò, với mái tóc cắt thật cao và điếu thuốc lá cầm trên tay, ông dường như ngồi nghe nhiều hơn là nói.

Ông từ chối trả lời báo chí về chuyện tại sao lại tuân theo quyết định của Tổng Thống Thiệu bắt phải bỏ Huế và Quảng Trị; ngay cả khi có người chỉ trích ông đã sai lầm khi thi hành quyết định đó, ông cũng chẳng lên tiếng giải bày.

Nhưng theo những người thân với ông kể lại thì ông rời Việt Nam với nỗi buồn của một tướng lãnh đã đem hết sức mình ra bảo vệ đất nước nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận sự thua cuộc, và có thể nói hầu như chắc chắn là nỗi buồn này đã sống cùng với ông cho đến lúc ông từ trần.

Một ngôi sao sáng của cuộc chiến Việt Nam vừa tắt. Một thiên tài quân sự mới vĩnh viễn ra đi. Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, và xin dùng những lời tưởng niệm dành cho ông để thay những nén hương trầm, đốt lên cho người vừa khuất.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2007 Radio Free Asia

Title: Re: Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần
Post by nguyen_toan vào ngày 24. Jan 2007 , 15:45
Đề  Đốc Chung tấn Cang  đã  qua  Đời

Tin  báo  Cali Today  cho  biết :Đám tang  của  Trung tướng Ngô quang Trưởng  Tư lệnh Quân đoàn I kiêm Vùng  I Chiến thuật  chưa cử  hành ,  thì  sáng Thứ Tư  24 /1  theo  giờ  địa phương  Cali  cho  biết  Đề đốc Chung Tấn Cang cựu Tư lệnh  Hải Quân /QLVNCH cũng  đã từ trần  .

đây  là tin buồn  của  Gia đình Hải Quân nói riêng  của Quân lực Việt Nam  Cộng Hoà  nói chung .

Title: Anh Hùng Tiếng Để Nghìn Thu
Post by LAM SON vào ngày 05. Feb 2007 , 10:58
Anh Hùng Tiếng Để Nghìn Thu
tùy bút Ngọc Thủy



Kính tiễn biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
Anh hùng tiếng để nghìn thu
Sử xanh còn chữ "trượng phu" lưu truyền
                                (Cụ Phan Bội Châu)

  Buổi sáng đầu tuần, sáng thứ hai của mùa đông Cali sũng ướt sương mù nên tiếng chim kêu của góc vườn nhà tôi hôm nay chợt lặng im, buồn tẻ. Chỉ có tiếng chuông reo điện thoại vang lên liên tục của nhiều anh chị em bằng hữu ở một số nơi gọi báo tin buồn: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vừa vĩnh viễn ra đi vào lúc canh khuya, gần rạng sáng thứ Hai ngày 22/1.2007.

  Tôi bàng hoàng thương - tiếc,… dẫu biết ai cũng một lần phải từ giã chốn trăm năm cõi tạm. Và ông tuổi hạc cũng cao, đau yếu từ mấy năm nay, làm sao cưỡng lại được mệnh số với thời gian. Huống chi theo lời cổ nhân thì “Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”, mà ông là một trong hàng danh tướng lẫy lừng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã một thời tung hoành cung kiếm dọc ngang ngày trước. Nhưng hơn ba mươi năm qua, từ ngày quê hương đổ nát, ông đã sống hết cuộc đời còn lại trong thầm lặng cô đơn ở xứ người. Nghĩ tới việc ông đi mà hồn còn vương lại khói bụi sa trường năm xưa cùng đoạn trường gian lao của Tổ Quốc còn giăng giăng vây bủa, khiến tôi không nén được nghẹn ngào cảm xúc trước hung tin.

  Trước mắt tôi như hiện ra dáng người cao gầy với khuôn mặt trầm tĩnh dường chất chứa nhiều suy tư của ông, nhưng nụ cười hiền của ông lại làm sáng đẹp hẳn khuôn mặt khi ông vui vẻ trong lúc truyện trò. Bởi ông vốn là người nghiêm trang, ít nói, lại luôn mang trong trái tim gánh nặng Nỗi Sơn Hà từ ngày rời xa Tổ quốc Việt Nam.

  Làm sao ông có thể quên được những ngày tháng trải qua cùng các chiến hữu quân binh lính của ông với vận nước thăng trầm trong thời gian chiến đấu bảo vệ Tự Do Hạnh Phúc cho miền Nam Việt Nam, gắn bó với quân và dân mà ông rất thương mến, nhất là những ngày tháng cam go ở Huế và Đà Nẵng khi ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn I và tiếp đến là Tư Lệnh Quân Đoàn I. Là vị sĩ quan xuất thân từ khóa IV Cương Quyết, Trừ Bị Thủ Đức (1954). Mười năm sau vị Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Dù này đã góp mặt trong trận đánh thắng lớn ở Quảng Tín tiếp theo những trận điều quân chiến thắng lẫy lừng khác ở các mặt trận Đà Nẵng, Quế Sơn, Đông Hà, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) .v.v… trong những năm sau.

Từ lúc đảm nhận chức vụ Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn I (1966), ông đã có mặt cùng tất cả các quân binh sĩ trong khắp các trận đánh thư hùng oanh liệt ờ địa đầu giới tuyến là nơi chịu áp lực đánh phá nặng nề nhất của CSBV như trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân ở Huế, với sự đề cao cảnh giác trong những ngày hưu chiến, ông vẫn cùng với các quân binh sĩ túc trực ngày đêm trong tư thế sẵn sàng ứng chiến và đã chống trả mãnh liệt để đánh bật cuộc xâm lăng hung hãn này vào năm 1968. Rời khỏi Huế - Đà Nẵng để làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV một thời gian. Ba năm sau, tình hình mặt trận miền Trung lại sôi bỏng hơn lúc nào hết trong chiến dịch Nguyễn Huệ với kế hoạch xâm lăng đại quy mô của cộng quân đánh thẳng vào Trị - Thiên cuối tháng Ba năm 1972.

  Tháng 5/ 1972, Tướng Ngô Quang Trưởng về lại Vùng I giữa thế quân đang hồi căng thẳng, Cộng quân vừa chiếm giữ Quảng Trị. Để tìm lại con đường yên lành cho dân, vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I đã nhanh chóng điều động các đạo quân tinh nhuệ, những Sư Đoàn Dù và Thủy Quân lục Chiến tạo thành chiến thắng to lớn vẻ vang, đã tái chiếm được Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16-9-1972 sau hơn năm tháng chiến đấu thật dũng mãnh. Để dành lại từng tấc đất thân yêu, biết bao hy sinh xương máu của những người chiến sĩ anh hùng và dân lành vô tội đã đổ xuống trong cuộc chiến xâm lăng tàn bạo này. Bao nhà tan cửa nát, niềm tự hào của người dân nơi đây là  thành trì Quảng trị oai phong bề thế với bốn cửa Tiền Hậu Tả Hữu uy nghi, có đồn đinh Công Tráng kiên cố, có hào lũy đào sâu bao bọc chung quanh, nhưng không kém phần thơ mộng với hồ hoa sen hoa súng bốn mùa nở ngát hương thơm..

Những con đường Bờ Hồ nối liền các ngả tư Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Gia Long, Hồ Đắc Khanh rợp bóng mát cây già, êm êm tiếng guốc khua vang những buổi học trưa chiều cùng những buổi họp chợ vừa tan. Bổng chốc, đời sống người dân hiền nơi đây đây đã bị giặc Cộng gây nên cảnh khốn khổ tang thương. Thành hào xưa xây đắp từ bao đời nhà Nguyễn, mà không lâu trước đó (năm 1885) còn là nơi vua Hàm Nghi nương náu trước khi vào chiến khu, đã không còn gì ngoài cảnh tường rơi ngói đổ điêu tàn  dưới đạn bom tàn phá của CS. Những ngày khói lửa vào mùa hè năm 1972 đau thương chưa kịp ráo khô giòng lệ đỏ, chưa kịp dựng xây lại những hoang tàn đổ nát do giặc thù gây ra thì miền Nam thân yêu của chúng ta đã bị cưỡng chiếm.

Cổ Thành Quảng Trị ngày đó còn lưu lại chút dâú tích bi hùng lịch sử nay đã bị san bằng. Tiếc hận thay!  Có còn chăng là lửa khói còn quyện chặt trong lòng đau dân tộc cùng bao người mỗi khi nhớ đến nghĩ về mảnh đất Trị Thiên của mùa hè kinh hoàng 1972. Nhưng cùng lúc trong tâm trí mọi người, lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn ngạo nghễ tung bay dưới bầu trời nắng ấm quê hương như dàn cờ chiến thắng hò reo trong nỗi vui mừng của muôn quân dân trong buổi sáng ngày các chiến sĩ QLVNCH cắm cao ngọn cờ Tổ Quốc trên bờ thành Đinh Công Tráng. Tung Bay!

  Binh nghiệp lẫy lừng của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vang xa và gắn liền với những biến cố thăng trầm, trọng đại của đất nước. Tôi biết đến ông qua lời khen tặng được lưu truyền rằng ông là một trong bốn ông Tướng trong sạch, thanh liêm từ lúc tôi còn ngồi ghế trung học. Ông được sự kính trọng bởi không những là vị Tướng cầm quân tài ba lại còn nhân đức, luôn đặt tình yêu đất nước lên hàng đầu, thương lính thương dân hết mực. Là người nhận lãnh trách nhiệm cuộc lui binh của Quân Đoàn I xẩy ra vào giữa tháng 3-1975, gánh nặng lịch sử của vận hạn đất nước thăng trầm lại một lần nữa đặt trên vai ông. Nước Mất Nhà Tan, ông nghiêng vai đón nhận những lời phê phán, chê trách cũng có, cảm thông cũng nhiều. Ông không lên tiếng bởi lòng ông đã vỡ nát từ ngày buông tay theo cơ đồ sập đổ.

  Lần đầu có dịp gặp ông vào tuần lễ độc lập Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn trong ngày Đại HộI Thủy Quân Lục Chiến năm 2003, tôi hỏi ông về quá khứ tháng ba năm 1975, ông nhìn tôi rồi trả lời với hai câu thật ngắn: “Đâu còn gì để nói và không có gì để nói nữa cô Ngọc Thủy à”. Sự im lặng qua đi một vài giây, ông nghĩ gì sau đó tôi không biết nhưng tôi thấy thông cảm câu trả lời của ông. Buồn và tiếc thay, có nói gì thì miền Nam thân yêu cũng đã không giữ được và bây giờ chúng ta còn gì để nói nếu không là những hành động tích cực và hữu hiệu cho sự đấu tranh sớm dành lại sự Tự Do - Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam.

Tôi nghĩ đến những câu chuyện và một số người, nếu chưa có dịp nói lên được điều lợi ích cho dân tộc, cho thế hệ con em cần hiểu rõ ngọn nguồn những biến cố lịch sử một cách đúng đắn, thì thà im lặng hơn là nói ra những lời nói và sự việc khiến mọi người phải đau lòng, nhức nhối. Tôi cũng chợt nghĩ đến sự cô đơn và sự trống trải khủng khiếp của ông trong ngày cuối cùng rời bỏ Đà Nẵng, vụt chốc cả một quân đoàn biến mất, những người thân yêu nhất là vợ con cũng chẳng biết ở đâu lúc ấy. Ông biết làm gì với thế cuộc đã đổi xoay. Một mình giữa bãi biển Tiên Sa ngày ấy, ông lặng nhìn non cao biển rộng quê hương một lần cuối. tất cả những nỗi niềm ông xin trao gởi lại cho Nước Non, ngàn năm như vách đá dội lại tiếng đau vỡ âm thầm. Như sự khép kín của ông từ bao năm nay, vẫn im lặng âm thầm, từ khi nghiêng vai bước xuống cuộc đổi đời, xa Tổ Quốc!

     Nhìn những lớp mây trắng trôi trong bầu trời xám lạnh của buổi sáng mùa đông hôm nay, tôi chợt nhớ đến buổi sáng se se lạnh trong lần đến thăm cô chú Ngô Quang Trưởng vào một ngày chớm thu, mới đó mà đã gần ba năm. Hôm đó tôi vui thích được dạo quanh khu vườn rộng phía sau nhà cô chú có những hàng thông xanh tỏa bóng mát cao che, có mấy luống hoa, vàng, đỏ, tím hồng xinh xinh đang nở thắm bên hiên nhà, Được Tr/T chụp cho mấy tấm hình thật đẹp bên hòn đá non bộ mà Tr/T đã bỏ nhiều công sức chăm sóc tỉa gọt và vun quén thêm mấy loại cây kiểng, tạo âm thanh tiếng nước chảy róc rách như tiếng gọi từ suối nguồn, mắt ngắm đá, hoa trên khối hình non bộ trước mặt mà lòng dào dạt như khí phách đại thần Cao Bá Quát thấp thoáng đâu đó chăng, bởi xưa và nay cũng dễ gặp nhau ở mối đồng chung tâm cảm:

“Núi cao nhất: Thái Sơn, Hành, Nhạc!
Sông Hoàng Hà, Giang, Hán đâu bì!
Sống quanh bên ba thước võng treo kia
Mà trùng điệp, nước đẹp non kỳ đều được thấy
Bao hào kiệt thánh hiền trong ấy
Cùng với ta, hết thảy bạn bè quen!”

  Để trí não ông, một vị Tướng đã nhiều phen xuất trận lẫy lừng, đã từng xông pha trước ngàn tên muôn giáo cùng bao chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ miền Nam Tự Do thân yêu thuở nào, nay muốn được tịnh dưỡng nhàn du, thâm tâm an lạc qua những cơn vượt sóng ba đào của thế cuộc vần xoay:

“Lắng tinh thần, sạch lâng bao nghĩ ngợi
Im lìm mà như tới cõi thần du…”
(Cao Bá Quát)
 
  Tiếc thay đời người trôi nhanh qua như giấc mộng phù vân. Thế là chúng ta đã mất đi người dũng tướng nhân từ thao lược của miền Nam thân yêu thật rồi. Trong nỗi xúc động bàng hoàng, tôi vội liên lạc với một vài người bạn để lo giúp việc mua vé máy bay gấp xem thế nào. Anh Nguyễn Phán (cựu Trung Tá  TĐT/TĐ 8 TQLC) từ Houston cho biết sẽ có mặt ngay vào khoảng trưa mai tại DC để phụ lo tang lễ cùng quân cách với các Hội Đoàn Quân Nhân ở Hoa Thịnh Đốn cùng gia đình Tr/T Ngô Quang Trưởng vì ngày an táng ông được dự định vào thứ Năm giữa tuần. Tôi cũng thật tình muốn đến tiễn đưa linh cửu và chào ông lần cuối nên vội gọi cô bạn Ngọc Yến, thật may cô tiểu muội này sẵn sàng cho tôi mượn một free airline ticket của hãng máy bay Southwest, có thể đi ngay vào sáng sớm thứ Tư để kịp có mặt tham dự tang lễ. Vé đã có, nhưng chẳng ngờ công việc sắp xếp không xong nên cuối cùng phải gọi cho đại huynh Nguyễn Phán biết tin là tôi không thể đi kịp theo như dự tính. Hai anh em chỉ còn biết chia xẻ nỗi ngậm ngùi tiếc thương ông cùng nhau, bởi tôi không muốn gọi đến cô Kim Nhung (hiền thê của cố Tr/T Ngô Quang Trưởng và cũng là người con gái đầu lòng của cố nhà văn Thạch Lam) lúc này vì biết cô đang rất bận rộn với đại tang gia và bối rối với niềm đau mất mát quá lớn. Lời chia buồn xin được chia xẻ cùng cô sau vậy. Và tôi chỉ kịp có được một bài viết ngắn ngay lúc này để tỏ bày lòng thương tiếc của tôi đối với một Người mà tôi luôn luôn kính mến.

  Đầu năm 2007, thời tiết không tốt. Cơn bão tuyết bao trùm gần hết nước Mỹ. Nhiều người thiệt mạng vì không chịu nỗi cái lạnh của mùa đông năm nay. Tuy con số người phải rời bỏ cõi đời này trong cái băng giá đột ngột của trời đất không là bao nhiêu nhưng đó vẫn là tấm màn đen bao phủ xuống một xứ sở văn minh và khoa học tiến bộ vượt bậc.

  Cũng ngay trên nước Mỹ này, tin Trung Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần trong mùa lạnh giá, nhiều người ngẩn ngơ, không tin mà phải tin vì… dù sao thì ông cũng đã già (1929-2007, năm nay ông 78 tuổi)! Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ngả bệnh cách đây ba năm, ung thư phổi. Chiều chúa nhật 21 tháng 1 năm 2007, vì sức khỏe yếu, người nhà đưa ông vào bệnh viện, được tiêm thuốc giảm đau, ông ngủ êm rồi yên nghỉ hẳn, lúc đó 3 giờ 20 phút sáng ngày thứ hai 22 tháng 1 năm 2007.

  Nhìn tấm hình ông ngày nào, thấy ông rắn rỏi trẻ trung, dù hồi đó, tháng 4 năm 1975, ông đã gần năm mươi tuổi! Không thấy báo nào đưa hình mới nhất của ông. Đài truyền hình Việt ngữ STBN, đài BBC, báo chí khắp nơi có đăng, chiếu ảnh ông, nhưng cũng là ảnh cũ. Ôi, tấm ảnh ngày xưa… Xưa, cũng là thời đất nước mình biển dâu dồn dập, dân tộc đang oằn mình trước trận chiến cuối cùng: miền Nam Việt Nam mất vào tay quân xâm nhập miền Bắc…

  Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn I & Vùng I từ năm 1972 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Ông luôn luôn làm tròn nhiệm vụ được quốc gia và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tin cậy giao phó: đánh bật được Cộng quân ra khỏi thành phố Huế trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, tránh cho dân lành thoát khỏi cảnh máu đổ thịt rơi trong những ngày đón xuân, sau khi hàng chục ngàn người dân đã bị CSBV tàn sát dã man, oan uổng. Chỉ huy thành công việc tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, thu hồi toàn bộ những phần đất bị Cộng quân lấn chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh.

  Đại Tướng Norman Shwarkopf của Mỹ, trong cuốn Hồi Ký viết vào năm 1992 đã ca tụng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là một vị anh hùng. Đ/T Norman Shwarkopf nhớ lại trận đánh tại thung lũng Ia Drang ở Đức Cơ gần biên giới Miên - Việt tỉnh Pleiku. Ông như thấy rõ trước mặt, luôn luôn, một người chiến thắng không kiêu ngạo nhưng vô cùng uy nghi. Riêng tôi khi đọc bài viết “It Doesn’t Take a Hero” của Đ/T Norman Shwarkopf, dường như cũng thấy rõ trước mắt, hoài hoài, một vị Tướng hiền hòa giản dị nhưng vô cùng lẫm liệt. Một vị Tướng giỏi tài thao lược khi ra trận, bén nhậy như ánh sáng sắt thép của lưỡi gươm được tuốt ra khỏi vỏ, không dung tha bất cứ quân thù xâm lấn giết hại dân lành nào. Nhưng vẫn ắp đầy tình người nhân ái trong niềm đau khổ riêng khi xếp lại gươm đao.

  Những ngày đầu tháng Tư năm 1975 là những ngày sôi bỏng nhất của cuộc chiến Quốc-Cộng, chính phủ Mỹ không còn nhiệt thành giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa nữa kể từ tháng Giêng năm 1973. Mỹ ký với Việt Cộng và Bắc Việt Nam, Hiệp Định Paris đồng ý rút quân, để mặc miền Nam tự lo liệu lấy sự sống còn. Cuộc tấn công của Cộng quân vào thị trấn Ban Mê Thuột sáng sớm ngày 10 tháng 3 năm 1975 gây kinh ngạc và xáo trộn gần như toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mất niềm tin ở người Mỹ, ông tha thiết xin viện trợ, Mỹ làm ngơ. Để sẳn sàng ứng phó với tình hình ngày càng xấu bởi lãnh thổ quá rộng khó bề kiểm soát, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân danh Tư Lệnh Tối Cao của quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông ra lệnh… di tản chiến thuật: Quân Đoàn II từ Pleiku rút về Nha Trang, Quân Đoàn I từ Huế lui vào Đà Nẵng. Cuộc di tản chiến thuật ‘không tiền khoáng hậu” gây đổ vỡ từng mảng lớn đất đai và cả lòng dân. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lung túng và mở cấp tốc những phiên họp, hết Sài Gòn ra tới Cam Ranh. Kết quả những phiên họp ấy là… bỏ hẳn Cao Nguyên Trung Phần và xóa sổ Vùng I! Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ngỡ ngàng. Ông không hiểu tại sao Tổng Thống Thiệu lại thay đổi kế hoạch bảo vệ ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai. Tr/T Trưởng muốn tử thủ Huế để giữ Thành lại, vì ông tin các binh lính, lực lượng Quân - Sư Đoàn của ông đủ tinh thần và dũng mãnh để chống trả với địch quân…

  Không một ai trách móc Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vì ai cũng biết ông là một vị Tướng hết lòng thương Lính thương Dân. Suốt ba mươi mốt năm nương náu xứ người, ông không hề cất tiếng than van hay đổ lỗi cho ai. Ông sống lặng thầm, trong đớn đau, trong tủi thẹn: Chí lớn không tung được trời xanh và Dân Tộc Việt Nam bao giờ mới tìm được Hạnh Phúc - Tự Do.

  Đến nỗi ông ngả bệnh mà cũng cắn răng chịu đựng. Ba năm trời dài lê thê… cho tới khi yếu sức vào bệnh viện… nghe nói ông đã yêu cầu Bác sĩ tiêm cho thuốc giảm đau vào những giờ phút cuối cùng. Và ông đã ra đi lặng lẽ… mãi ngàn thu!

  Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ở mãi mãi trong lòng quân dân Việt Nam mỗi lần nhớ nhắc lại câu “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng”. Đó là bốn vị Tướng có nhiều công trận, quyền uy cao nhưng không hề biết tham nhũng hay hối mại quyền thế!

 Tin từ các đài phát thanh, truyền hình, báo chí Việt & Mỹ cho biết: xác Trung Tướng Ngô Quang Trưởng quàn tại Fairfax Memorial ở Virginia, bắt đầu thăm viếng từ thứ Tư 24 tháng 1/2007. Ba giờ chiều ngày 25/1/2007 ông được hỏa thiêu sau khi được các Hội Đoàn cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện phủ lá quốc kỳ trên quan tài, long trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách cho một người chiến sĩ anh hùng đã hết lòng phnụg sự cho Tổ Quốc .

  Sao tang lễ tiễn đưa ông vội vàng thế nhỉ?!
  Ngày thứ Năm giữa tuần, có nhiều người xin nghỉ phép không được để đến nhà quàn chào ông lần cuối?  Tôi thầm hỏi giữa hai giòng nước mắt. Đường quá xa xôi, mà ngày tiễn biệt ôi quá cận gần!

  Lúc ông khoác nhung y năm 1954, khóa IV trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tôi chưa ra đời. Gần hai mươi năm sống trong lòng đất nước, tôi chưa một lần được gặp hay thấy ông. Ra hải ngoại, ít nghe ai nhắc ông bởi ông từ chối mọi tiếp xúc hoặc đề cập ngợi khen, Nhưng tôi nghe qua nhiều anh em bằng hữu, đọc thêm sách báo nên biết tiểu sử, tấm lòng và công lao của ông đối với Tổ quốc, nên thầm ngưỡng mộ. Sau này bổng có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc với ông, tôi biết thêm, sau ngày đổ vỡ quê hương, ông cảm khái lặng im trong nỗi niềm đau xót riêng mang, tôi càng kính trọng ông hơn.

  Ngày ông mất, tôi tiếc mình chỉ có hai giòng nước mắt khóc tiễn đưa… không đến được để chào ông lần cuối. Thương ông quá chừng, cả một đời binh nghiệp gánh nặng hai vai.
   Kính trọng ông biết bao lúc quyền uy không cao ngạo mà luôn nghiêng vai sát cánh thật gần với Lính với Dân.

  Xa Tổ quốc, ông thà im lặng để giữ tròn tiết tháo, vẫn một lòng tha thiết mối u hoài nhớ Nước như tâm cảm người chí sĩ Phan Bội Châu khi xưa:

“Hằng ngày dựa lầu ngóng về Nam mà ngậm ngùi
lòng rối bời như mây gỡ không ra
cơn mưa rào đêm khuya, ngồi khóc thầm
bóng chiều đã xế, trăng vừa hé, nhạn bay về bơ vơ
không có ngọn lửa rực để đốt hết nỗi sầu
lại thêm cuồng phong mang giận đến
nhìn bóng mình, tự thương rồi lại ngẫm buồn
đồng bào còn như thế, ta có đáng xót xa gì!”

  Hôm nay, Tướng công Ngô Quang Trưởng đã hạc nội mây ngàn về phía trời Nam hẳn rồi. Tôi chân thành tiễn biệt ông với muôn vàn kính trọng và luyến tiếc:

“chiến sĩ hành bất khứ hồi
Tướng Ngô Quang Trưởng đúng người Chinh Nhân
ông đi khi Đất Nước cần
ông không về bởi vì Dân chưa Hòa
từ khi đeo kiếm cung ngà
oằn vai hai chữ Nước Nhà tiến lên
Sử xanh ông đã rạng tên
cuộc đời xa xứ hết phiền từ đây
hồn ông thành khói thành mây
bốn phương trời đất vương đầy nhớ thương”
n.t.

  Kính chào vĩnh biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Xin được phép miễn chúc ông về miền Cực Lạc mà mong mỏi ông ở hoài hoài, sống mãi mãi trong lòng các chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng bào Việt Nam.

ngọc thủy

 

Title: Re: Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần
Post by nguyen_toan vào ngày 05. Feb 2007 , 11:23
Cám  ơn  bạn Lam  Sơn   đã  post   một  bài   viết  Hay  về  tướng  Trưởng  . Cũng  xin  cám  ơn  nhà văn nữ  Ngọc Thuỷ ,đã  làm   tôi  phải  rơi  lệ  .

Title: Re: Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần
Post by LAM SON vào ngày 08. Feb 2007 , 12:21
Cảm ơn anh bạn, chính tôi củng là một nhân chứng, vì bản thân tôi đã trải qua những tháng năm dài trong quân ngũ, và những ngày tháng sau cùng , tôi củng đã có mặt tại Quân Khu I , trong cuộc chiến vừa qua, nơi phần vấn công luận tội, thì có lẻ còn hơi sớm ( vì kẻ thù chung vẩn còn đó,), riêng phần tôi, về Trung Tướng Ngô quang Trưỡng, ông chính  là Tư lệnh chung cuả nhửng quân nhân  chiến đấu bảo vệ Quân Khu I , Ông xứng đáng là vị Tướng Quân vừa có đức Độ vưà có tài năng, phải chăng Ông Sinh Bất phùng thời, hay là chính vì CƠ TRỜI VÀ VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM ,????????

Trường Trung Học Lê Văn Duyệt » Powered by YaBB 2.4!
YaBB © 2000-2009. All Rights Reserved.