Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Tản mạn qua đêm  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 2 3 4 5 6 
Send Topic In ra
Tản mạn qua đêm (Read 15155 times)
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #45 - 21. Oct 2006 , 06:08
 
Văn hoá nói thật, văn hoá nói láo

Hàn Lệ Nhân


"Điều cốt yếu là nói một điều gì đó thật to lớn, rồi lặp đi lặp lại mãi, và cứ như thế, người ta tạo thành một sự thật."  [L'alouette, Jean Anouilh]


Tôi lưu tâm đến đề tài này từ khá lâu, nhưng chăm chú là phải kể từ khi ngẫu nhiên bắt gặp một hai, rồi nhiều sự kiện liên quan tới một vài nhân vật được một vài nơi truy thăng là "chính nhân" của dải đất chữ S, với vô số vật chứng không thể biện bác rằng họ thuộc hệ phái Nhạc Bất Quần: chúa nói láo, nói láo mà tự nhiên hơn hẳn nói thật. Nói cách khác, nếu không vướng cái duyên hay cái nợ chữ nghĩa thì mãn kiếp tôi cũng không sao biết được đó không phải là sự thật mà hoàn toàn là nói láo mang tính lừa bịp, lừa bịp cấp quốc tế. Cái duyên hay cái nợ chữ nghĩa đã đưa đẩy tôi thường xuyên chui vô văn khố các thư viện quốc gia nơi tôi đang an cư và sau này trên liên mạng. Trớ trêu là nhiều lúc tôi đi tìm tài liệu cho đề tài văn hoá "phi chính trị", lại tìm được tài liệu hoàn toàn "chính trị", trong đó có không ít sự nói-láo-như-thật mang tính lừa bịp mà tôi sẽ tản mạn trắng đêm nay, trắng đêm mai...

Tôi chưa có thói quen viết mà không có "chuyện", do đó trong bài này như thường lệ tôi sẽ "dựng chuyện" theo lối của tôi, không xuyên suốt theo dòng thời gian, chẳng nghiêm túc cần phải có theo nội dung mà chỉ cốt sao cho bài viết bớt khô, dễ trôi, cho chính bản thân tôi khi đóng vai độc giả như quí bạn đọc, vậy thôi. Và tất nhiên, những gì tôi tản mạn ra đây, dựa vào một vài sự kiện làm nền (chắc chắn không ít người đã biết), với đầy đủ xuất xứ tài liệu, và trong cố gắng có thể, tránh dùng tài liệu của "bè lũ phản động" ở nước ngoài, nhưng trong mọi hoàn cảnh, xin đừng vì thế mà đinh ninh là tôi nói thật; ngược lại, trước khi đọc tiếp, cứ từ bi phủ đầu giùm là tôi nói láo 100% đi cho tiện, tiện hơn là khi đọc câu của Lênin:"nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nửa sự thật là sự lừa dối", hoặc giả nói như André Gide: "những lời dối trá đáng ghét nhất là những lời gần giống với nói thật". Hơn nữa, chiếu theo định hướng gì gì đó, tội nói láo 100% được xem là vô tội, đôi khi lại kèm tờ giấy khen, còn tội nói thật từ 10% trở lên thì vô số tội.

1.
Xin mở đầu bằng huyền thoại Lê Văn Tám. Huyền thoại mà ai nhín chút thời giờ lưu tâm tới chuyện đất nước và đã có cơ hội bay nhảy thoải mái trong Internet đều biết đó đích thị là Huyễn thoại, gọi đúng tên là một thủ đoạn xúi trẻ con chấm chấm cho một mục tiêu nhất định mà chính người nẻ ra cậu bé Lê Văn Tám đã tự biết xấu hổ đến phải "chối chăn" trước khi cho tung ra thế giới sống và trước khi dùng máy bay sáu miếng bay vào thế giới ngược lại:

["Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám (1946), anh Liệu có nói (thật) với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa". "Không chỉ nói với mình tôi, ông Liệu còn nói cả với những người đồng nghiệp của tôi là hai nhà sử học Nguyễn Ðình Thanh và Nguyễn Công Bình, hiện nay cả 2 người này vẫn còn sống]. [A1]

Trích đoạn trên đây là lời của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam - tại Hà nội, cuối tháng 2 năm 2005, khi nói về lời nhắn gửi của ông Trần Huy Liệu - vừa là cha vừa là mẹ của cậu bé anh hùng Lê Văn Tám.

"Ông Trần Huy Liệu (1901-1969) được xem là một trong những nhà sử học hàng đầu và nhiều quyền lực tại miền Bắc Việt Nam những năm sau 1945, ngang hàng với nhà thơ lớn của nhân dân, Tố Hữu Nguyễn  Kim Thành (1920-2002). Ông Liệu giữ chức BT Bộ tuyên truyền và cổ động, Viện trưởng Viện Sử Học Việt Nam (Dân Chủ Cộng Hoà), và mất năm 1969."

Nhà thơ - hoạ sĩ - đạo diễn phim truyện Phan Vũ cũng tiết lộ với Quang Hùng, tác giả bài báo "Nghĩ về hình tượng Lê Văn Tám", rằng "ông không hề viết Lê Văn Tám - cây đuốc sống 10 tuổi, là anh hùng có thật. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn dùng sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật." (báo Thế Giới số 39 – Hà Nội, 27/09/2004).

Ðiều kỳ quặc là sau khi đạo diễn Phan Vũ và GS Phan Huy Lê tiết lộ sự thật về huyền thoại Lê Văn Tám là thật sự xạo, không một tờ báo hay một cơ quan truyền thông chính thống nào của Việt Nam cho đăng tin này.

Đến nay (10/2006) tôi truy cũng chưa ra, mặc dù GS Phan Huy Lê đã từng khẳng định với ký giả Khôi Nguyên, báo Người Việt Online (20/03/2005):

- [«Riêng về bản thân tôi, là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này một cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất."

Người Việt: Thưa giáo sư, tại sao lại không công bố sớm hơn sự kiện này?

GS Phan Huy Lê: Bởi vì, trong năm nay, nhà nước đang chuẩn bị rất nhiều ngày lễ lớn, trong đó có ngày 30 tháng 4. Tôi muốn công bố bài viết của mình trong một điều kiện bình thản hơn và không muốn việc của mình bị cuốn vào các sự kiện lớn khác. Tôi đang chờ đợi một dịp thuận lợi và nhất định là tôi sẽ làm.»] [A1]

Truy mãi, truy hoài đành thúc thủ - vì đã có đâu mà truy, tôi buộc phải lấn cấn giữa hai cái tôi:

-      Chính họ đã nói thật về họ, Internet chỉ đóng vai phổ biến giùm ra thôi, nhưng "lỡ phóng lao thì phải theo lao" bằng cách lấp lửng giữ im lặng là chiêu thức ly gián gây hoang mang hữu hiệu nhất; kéo dài, dài mãi cho đến ngày mai...

-      Với bản chất cố hữu "đến chết cũng không chịu nhận lỗi". Tao e rằng... e rằng...

-      Sao mày lại ngập ngừng ?

-      ... Tao e rằng: 1/ Họ vẫn vững tin "sự thật của ngày mai sẽ được nuôi dưỡng bằng sự dối trá của hôm qua"[1], do đó, 2/ Có nhiều khả năng GS Phan Huy Lê chỉ phổ biến bài viết kia khi ông ta không còn tại chức; 3/ Sau khi GS đã nghỉ hưu... như vẫn thường xảy ra từ bao lâu nay.

-      Ý số 1 không hẳn là sai. Chứng cớ là nửa thế kỷ trước họ đã thành công trong việc phù phép cái không thành cái có, mãi cho đến mươi năm gần đây. Nhưng, thời đại liên mạng như hôm nay và ngày mai, làm gì còn có chuyện đó. Hai ý về GS Lê thì nên thông cảm mà chờ thôi vì gì thì gì chứ cái "Sợ" vẫn là chính.  Dù sao tao cũng hiểu mày, mày yêu sự thật. Mày tin rằng dân ta cần biết sự thật của hôm qua để an tâm nhìn thẳng về phía trước, có điều, mày có lan man tính tới chuyện bộ tộc thứ 55 suy nghĩ sâu sát hơn không?

-      Sâu sát hơn là thế nào?

-      Dưới tầm nhìn của họ, 54 bộ tộc kia còn cần trăm sự dối trá hơn là một vài sự thật.

-      Mày nói thế có khác chi khẳng định là họ có lý, khi họ luôn luôn ởm ờ rằng 54 bộ tộc kia chưa sẵn sàng để được nhón nếm mấy chữ Tự Do, Dân Chủ dù đã đổ biết bao xương máu mới giành được cho... riêng họ từ 31 năm nay?

-      Mày chưa thể hiểu được. Mọi sự thật đều tốt để được moi ra, nhưng đấy mày xem, đặc biệt trên Internet, đã có bao nhiêu người – từ thế hệ 4x, 5x đến 7x, 8x, sẵn sàng để chịu nghe nói tới Cả Trăm Sự Thật mà không giãy nảy lên như đỉa trúng vôi, mà không cho là "tập đoàn phản động" ở nước ngoài nói láo, bịa đặt; huống hồ dân hương thôn, dân tận vùng sâu, vùng xa chưa có phương tiện tiếp cận với Internet. Hơn nữa,  kênh, đài và 600 tờ báo ở trong nước đều là dư âm ngân dài của từng tiếng a-hèm khô khốc thun lủn của bộ tộc thứ 55.

-      Ờ nhỉ, thảo nào trước 1975, "đất nước chưa yên ổn", cái tên của cậu bé anh hùng ảo Lê Văn Tám (LVT) đã được chính thức đưa vào sách giáo khoa tiểu học; sau 1975, lại được mang ra đặt để cho khá nhiều trường tiểu học (TTH) như TTH-LVT, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng – Bình Phước; TTH-LVT, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội...; trường trung học như trường Trung Học Cơ Sở LVT, Bình Thạnh – TPHCM; Quỹ học bổng LVT; nhiều nơi công cộng, đặc biệt nhất là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi tại phường Đakao, quận 1 - Sàigòn (có từ khoảng cuối thế kỷ XIX), được giải toả, san bằng thành công viên Lê Văn Tám (1984 - TPHCM) và dự án đào sâu xuống làm "ba tầng hầm bãi đậu xe" [B1]. Trong khi Mạc Đĩnh Chi (1280-1350) là một danh sĩ có thật của Việt Nam, thời hậu Lê, thế kỷ XIV. Và bao nhiêu người chết nằm yên dưới lòng đất Mạc Đĩnh Chi từ bao thế hệ – trong đó có mộ phần của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, cũng đều thật. Đúng là đoạn lòng lấy tên họ của một cái xác giả chồng đè lên bao nhiêu xác thân danh nhân tử sĩ thật, chỉ vì dị biệt về hai chữ "yêu nước". Thế mới biết, "tự thân lời dối trá vốn không đáng ghét, nhưng tại vì rốt cuộc nó làm cho vô số người tin nó" [2] và chết vì nó...[B2]

-      ... Ngoại trừ con cháu bằng xương bằng thịt thật, do tinh trùng thật của ông Bộ trưởng Trần Huy Liệu là sống vẩu ra. Và đau đớn cho vong linh ông Trần Huy Liệu là ông không có cơ hội để tự cải chính và đích thân tỏ lòng hối cải cho những lời dối trá của ông – làm chết khối con em người khác, trong đó có Đặng Thùy Trâm (1943-1970, với cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm); Nguyễn Văn Thạc (1952-1972, với cuốn Mãi Mãi Tuổi 20).

-      Hai cuốn này, đọc xúc động theo từng dòng. Chết ở tuổi 20 thì mãi mãi tuổi 20, có gì lạ. Những người có tài, có tâm như chị Đặng Thùy Trâm, như anh Nguyễn Văn Thạc và hàng triệu bộ đội trẻ vô danh khác, nếu không hề quen Lê Văn Tám hoặc may mắn biết rõ Lê Văn Tám Xạo thì chắc chắn sẽ mãi mãi tuổi 60, 70 là ít...

-      Cũng như thật đáng tiếc cho cụ Liệu là đã không rán chờ thêm vài năm để thụ hưởng vinh quang của cậu bé Lê Văn Tám, với tí ti khác biệt mà cụ Liệu (và ai đó) không liệu trước được: Xưa, cậu bé làng Phù Đổng đuổi được giặc Ân thì "công thành thân thoái", biến mất trên núi Sóc Sơn; còn nay, bầu bạn của cậu bé "thánh dzoóng" Lê Văn Tám (thay vì Trần Huy Tám) đuổi được giặc Ân rồi lại biến thành giặc Ân !

2.
Tập tài liệu mỏng, giấy láng, in đẹp, sang: "Lời di chúc của Chủ tịch Hồ-Chí-Minh và Lời kêu gọi và điếu văn của BCH-TƯ đảng Lao Động VN", Hà Nội 1969, trang 15 ghi:

«Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để các đồng chí, các chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài biết:

Đồng chí Hồ-Chí-Minh,
Chủ tịch BCH-TƯ đảng Lao Động VN,
Chủ tịch nước VNDCCH,


sau một thời gian bị bệnh và sau một cơn đau tim rất nặng, đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969, tại Hà nội, thọ 79 tuổi.»

«Ngày 3.9.1969, tin buồn của Việt Nam được phát trên đài phát thanh “…Chủ tịch Hồ-Chí-Minh đã từ trần”. Ở trong nước, nhân dân cả nước rơi lệ "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa..."». (báo Người Viễn Xứ, 05/05/2006): http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vinhdanhnuocviet/2006/05/567385/ )

Trong bao nhiêu năm trời, tôi là một trong vô số triệu người xác tín rằng trích đoạn trên là sự thật... Ấy rồi mấy năm trở lại đây, họ kín đáo thú nhận là ông Hồ qua đời trúng ngay ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969 ! (báo điện tử ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/leader.asp?topic=3&subtopic=91&leader_topic=7 )

Té ra bác chết trùng ngày Quốc Khánh của nước VNDCCH (1945-1975) nay là CHXHCN-VN: 02/09 (từ 1976) ! Ôi, "xác tín là kẻ thù của sự thật, còn nguy hiểm hơn cả lời nói dối".[3]  Tất cả là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng ! Mà kể ra tiền định cũng khéo chơi khăm, ngoắt ngoéo đối với một dúm dân mình: Hai ngày trọng đại nhất của họ thì họ phải khóc sáng, cười chiều; khác gì con số 30/04, trong một thời gian dài: phân nửa cười, phân nửa khóc; một nửa hô hê giải phóng, một nửa bai bải lái đi lái lại, bây giờ thì hầu như tất cả đã cùng nhau lái, vì đều là cộng sảng !

Trong năm 1992, tác giả Nguyễn Thi có ký tặng tôi cuốn "Lịch Sử Việt Nam minh giảng", nhà in Sudestasie (có nhà sách cùng tên – Paris 5 do Linh mục (đỏ) Nguyễn Đình Thi điều hành, trực thuộc Hội Việt Kiều Yêu Nước), tác giả tự xuất bản tại Paris năm 1992, ở trang 472 có đoạn:

«Hai mươi năm sau – 1989 vì có dư luận loan tin rằng: bản di chúc của ông Hồ bị sửa đổi và việc xây lăng là đi ngược với ý muốn của ông. Thông báo (số 151-TB/TW) ngày 19/08/1989 của BCT tiết lộ rằng: «Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hoả thiêu là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (khoá III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam và hải ngoại, bè bạn quốc tế, có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Vậy là chuyện sửa đổi, cắt sén bản di chúc của Bác đã là sự thật, không chối cãi được nữa.» Xem thêm "Tài liệu mật...":
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/09/3B9D6114/

Rõ ràng là "những viện cớ chẳng bao giờ cần được là sự thật, nói cách khác, nó là những lý do chứ không phải là viện cớ" [4], nhất là sau 14 năm "đất nước đã yên ổn"(1989).

Có thể nói thêm "một sai lầm giả chưa chắc đã là một chân lý thật" [5], vì bọn đàn ông  - đứng đầu là tôi - hay vu, quy đàn bà càng đẹp càng hay nói dối, nhưng theo kinh nghiệm cả tin của bản thân, tôi cho rằng những người anh em trong bộ tộc thứ 55 "nói dối, nói bịp giỏi đến nỗi người ta không thể tin cả những điều họ nói ngược lại" ! [6]

-      Mày rối rắm chi kỳ vậy? Ngược lại của nói láo tức nói thật, không phải sao?

-      Trên nguyên tắc, chỉ đơn giản thế. Nhưng khổ nỗi: Gây niềm tin không khó. Phá vở niềm tin cũng không khó. Lấy lại niềm tin thì nhất định không dễ. Lấy lại niềm tin của cả một dân tộc là vô phương. Mà phỉnh phờ rồi phá vở niềm tin của cả một dân tộc là cái tội nặng gấp vạn lần tội phản quốc !

Đàn ông dối đàn bà thì cùng lắm cũng chỉ làm một hai mệ xất bất xang bang; đàn bà dối đàn ông thì ba bốn trự xang bang xất bất thế thôi, chứ bộ tộc thứ 55 mà nói láo là hàm sự kiên định lừa bịp đại đại quy mô, là làm ăn cực cực lớn, vì có bàn, có luận... mật, có nghị, có quyết... mật, có giơ tay nhất trí rồi vỗ tay... cũng mật nốt, nghĩa là tốn rất nhiều thời giờ vàng bạc mã và nước bọt; chứ đâu có ba bảy hâm mốt, manh mún vụn vặt trong tình cảm phổ thông giữa hai phái tính thuộc 54 bộ tộc kia.

3.
Tôi còn nhiều, rất nhiều tài liệu về các sự kiện "lịch sử" bịa đặt khác - từ tiểu sử, huyền thoại... đến đạo văn, đạo thơ, đạo công..., tản mạn lai rai cũng được không dưới trăm đêm; nhưng tạm ngưng ở hai sự kiện trên, vì xét cho cùng, «thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các sự kiện lịch sử» (Quang Hùng: tài liệu đã dẫn). Tôi quan niệm, nơi nào thời nào cũng yêu sự thật, và tôi tin chắc rằng dân tộc ta, với bản tánh xuề xoà lại hay quên, sẵn sàng tha thứ cho mọi láo lếu khi kẻ gây ra sự láo lếu thẳng thắn tỏ lòng phục thiện. Vả lại, trọng tâm của bài này là tản mạn sơ qua về Nói Láo, Nói Thật trong... thời bình:

-      Xin lỗi mày: Bất cứ thằng khùng, con tửng nào cũng thừa khả năng nói sự thật, còn muốn nói láo cho ra tuồng thì cũng phải được "thiên phú khẩu nghệ", phải có "nhân tạo chính quy", hay tệ lắm cũng "chuyên tu tại chức" chứ bộ. Chưa hết, phải thiền định đến mức diệt tiệt cái tánh Xấu Hổ nữa kià; như mùa hè hồi mới qua, mày đã một lần lén nhìn trộm thế giới của mấy ôông, mấy mệ da trắng văn minh, văn hoá tồng ngồng thỗn thện Nê-chơ 100%, nào chơi vũ cầu, chơi bóng chuyền, chơi Pétanque (ném bi sắt = chơi boule), kể cả chơi... ở Sainta Maria (nam Pháp)...

-      ... Ừ, kinh thật, mày nhắc mới nhớ. Ai đời, cả bầy biết bị nhìn trộm thì tỉnh queo, lại ngoắc tay mời vô gần mà coi cho đã, còn thằng nhìn trộm lại rùng mình bỏ chạy, xấu hổ dùm cho họ...

-      Đấy là tại mày chưa kinh qua ải nhập môn...

-      Trình độ thiền diệt thẹn của bầy Nê-chơ và quí ngài chính trị gia nước mình, kể cũng đạt thiệt. Song, đã đành diệt thẹn là một tiêu chuẩn không-có-không-được trong nghề nói láo, mày đừng quên là "ngôn ngữ lừa dối ngôn từ, ngôn từ lừa dối tư tưởng" ? [7]

-      Mày ngụ ý "nói một đàng, làm một nẻo"? và "ngôn từ đã được ban cho con người để ngụy trang tư tưởng của nó?[8]

-      Chứ còn gì nữa. Mày chậm hiểu đến là bó cả tứ chi, vạn sự khởi đầu nan mà. Sách vở dạy rằng "thỉnh thoảng cứ nói thật vài lần, để khi nói láo người ta sẽ tin ngay".

-      À, đó là cách ngôn của ông cụ Jules Renard. Renard này là cái họ Tây, chứ không phải là con chồn, con cáo hay con hồ ly tinh nghe mày. Mà này, người ta có thể cùng một lúc lừa dối được trăm người, triệu người nhưng người ta không thể lừa một người đến ba lần.

-      Trong chính trị tầm quốc gia, quốc tế, bị lừa một cú cũng đã trắng mắt, bã đời. Nhưng cái dân thông minh, cẩn trọng như dân mình, hình như bị chính trị lừa, bị chính trị bịp dài dài mà có trắng mắt bã đời tí nào đâu !

-      Vậy mới là Rồng, vậy mới là Tiên. Chứ là người thì đã hoà thành Tàu phù... à không, thành "...Đại Hán, Bá Quyền Nước Lớn" ngàn phần trăm từ Bắc thuộc lần thứ hai (43-544) !

-      Đa số người mình vẫn cho chính trị là chuyện của "bề trên", của giai cấp huy chương tràn ngực, giấy khen kín tường hay bằng cấp đầy tay, nên nhắm mắt khoán trắng: thua thì bình thản chịu chung thiệt, mà được lại cúi đầu chịu thiệt hung hơn. Ai vô nhà mà nhớn nhác lân la gãi chuyện "bề trên", cứ như rằng không bị "ban" phép tái nhập cảnh, thì cũng được "soi lúp", lững lơ "ngâm đó", có có không không, có không không có...

-      Bá ngọ đời, sống ninh thân phù da nhờ lừa bịp kiểu mấy ngài chính trị gia đỏ nhà mình kể cũng sướng nhỉ, chẳng chế tài nào rớ quá gót chân các ngài.

-      Có chứ sao không !

-      Thôi đi mày, đừng linh tinh chế bậy mà  phạm tội vi hiến đấy, dẫu hiến pháp đối với các ngài chỉ là xấp giấy lộn...

-      Nạn nhân cuối cùng của sự nói láo có tổ chức lại là các thành viên của tổ chức đó. Dẫu bất thành văn, nhưng "hình phạt dành cho những tay nói láo chuyên nghiệp, là trọn kiếp họ không thể tin ai được nữa"[9], kể cả giữa họ với nhau !

-      Ối giời tưởng gì. Hình phạt kiểu này, mỗi vị còn cầu được kéo dài 200 năm. Còn những người chủ trương nói lên sự thật?

-      Thời đại chi mô. Nói láo cũng thành tổ chức; nói láo có chết là chết người khác, vô tội vạ lại được khen thưởng. Còn nói lên sự thật lại chết mình, thế mới kỳ.

-      Lóng liếc mần chi, có phải muốn nói vụ bà ký giả Anna Politkovskaya bên Nga bị mấy viên đạn Sự Thật bắn gục hôm 07/10/06 vừa qua chứ gì?

-      Ờ, quả có mé mé ý đó thật. Mày đã lật lá bài nằm úp, thì xin nói luôn: Bà Anna Politkovskaya bị ám sát là điều chính bà ta cũng đã tiên liệu, hoặc cũng không có gì ngạc nhiên: Bà lỡ nắm chặt trong hai tay quá nhiều sự thật gai góc và - thay vì mở ra từng ngón một của từng bàn tay, để cho sự thật rớt ra lần lần mà không gây nguy hiểm đến những người nằm trong sự thật và cả người nắm được sự thật -  bà đã làm ngược lại nên mới ra nông nỗi.[10]

Nhưng dù sao cũng là chuyện xứ người. Ở xứ Tiên-Rồng chúng mình đâu man rợ thế; chưa thật sự nghe chuyện sự thật làm chết người, chứ u đầu, sứt trán, biệt tăm, bóc lịch, đấu tố [A2]... vì lỡ dại nói thẳng, nói thật đúng theo quốc sách và quyết tâm của "bề trên" thì gần như cơm bữa.

-      Mày thông minh mà chậm hiểu quá. Theo mày, quốc sách là gì?

-      Trong trường hợp này, tạm gọi chung là chính sách áp dụng cho cả nước, có tính tuyên truyền...

-      Tuyên truyền là gì?

-      Là đánh động dư luận...

-      Dư luận là gì?

-      Là trộn lộn ít sự thật và nhiều sự không thật... như quảng cáo, như... tuyên truyền về "tìm đường cứu nước"..., về liệt sĩ sống Nguyễn Văn Bé, về anh hùng tí hon Lê Văn Tám Xạo...chẳng hạn.

-      Quảng cáo, tuyên truyền à, vậy này nha:

«Ai đó qua đời và mong được lên gặp ai đó trên cõi nào đó như ước nguyện trong lời di chúc. Thời gian đầu trên cõi vô ưu, ai đó an nhiên tự tại, khi ngâm lại thơ ai đó, lúc nghêu ngao mấy bản nhạc ca tụng ai đó, có hôm lại đánh cờ... một mình.

Bữa kia, ai đó trông thấy trên một đám mây ngũ sắc gần chục tiên nữ mơn mởn hở hang ngồi quây quần vui vẻ lắm. Tức thời ai đó vội đâm đơn xin được chuyển lên đó, vô phúc làm sao ai đó lại được chuyển xuống điạ ngục. Thôi thì qủy đầu trâu mặt ngựa, nanh sừng ghê gớm, đứa ngắt đứa véo, đứa thọc đứa đâm... mấy đứa đun sôi chảo dầu to tướng chờ chiên ai đó.

Hoảng hồn ai đó thét lên khiếu nại:

- Tôi đâu có xin chuyển đến nơi đây. Chắc chắn phải có sự lầm lẫn về hành chánh rồi các ngài ơi !

- Ủa, quỷ chúa  ngạc nhiên. Ông chẳng đã có ký một tờ đơn xin chuyển hộ khẩu sao?

- Đúng vậy, nhưng là để xin được chuyển lên đám mây có các tiên nữ kia mà !

- Thì đúng quá rồi. Đám mây và mấy tiên cô kia là Bản Doanh Cục Tuyên Truyền của Địa Ngục đó, ông già ơi !»[11]

-      Mày cứ ưa lối xiên xẹo mẹo dậu.

-      Chẳng lẽ tuyên truyền là nói thật, là không xuyên tạc?

-      Mày quên là "có một thứ kinh khủng hơn sự xuyên tạc, đó là sự thật" [12]. Thôi, trở lại huyền thoại "thánh dzoóng" họ Lê: Nền giáo dục nhi đồng đặt nền tảng trên hình ảnh Lê Văn Tám giả thì làm thế nào đào tạo được Lê Văn Tám thật?

-      Điều này phải hỏi người hiền mới trong BGD-ĐT. Vả lại, biến giả thành chân mới hay, mới tài, mới là "đỉnh cao...

-      ...Thôi, thôi... trăm lạy mày, ngàn lạy mày. Thuộc ngướu ra rồi, vẹt mãi. Cứ tạm cho là mày chí lý. Ngoài ra, ngụp lặn quá lâu trong một quốc giáo nói láo ăn tiền, trên dưới đều tri hành hợp nhất giáo lý lừa bịp ăn liền: A lừa B, B bịp C, C lừa D, D bịp A... Cứ thế tạo thành một xã hội cực kỳ ổn định, cực kỳ giàu mạnh, cực kỳ công bằng, cực kỳ dân chủ, cực kỳ văn minh... với một và duy nhất một phương châm: Nói láo có "chất lượng" cao được giá hơn nói thật !

-      Nhưng rốt cuộc, nói thật là gì ? Nói láo là gì?

-      Là thế này:

«Dưới thời Andropov, một phi hành gia Liên Sô được đặc biệt chọn cho phi vụ thám thính vũ trụ.

Mấy năm sau anh trở lại mặt đất nhằm thời Gorbatchev. Anh trở thành anh hùng dân tộc, được TBT Gorbatchev và toàn thể ủy viên Bộ Chính Trị long trọng đón tiếp trong Điện Cẩm Linh.

Trong buổi tiệc, Gotbatchev hỏi nhỏ phi hành gia:

-      Nè đồng chí. Hiện nay, trên cõi đời nầy không ai ngoài đồng chí có đủ thẩm quyền trả lời cho sự bí ẩn nầy: Cứ nói thật. Đồng chí có gặp Thượng Đế và cõi Thiên Đường không?

-      Thưa đồng chí TBT. Có, tôi có gặp Thượng Đế, Đức Giê-su trong cõi Thiên Đường trên không phận Palestine và Đức Thích Ca ở cõi Niết Bàn trên không phận Népal (Bắc Ấn Độ)...

-      Tôi biết chắc là như thế. Gorbatchev chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Đồng chí phải thề độc với tôi là không tiết lộ sự thật nầy với bất cứ ai khác !

Phi hành gia tuyên thệ giữ kín chuyện động trời nầy. Sau đó, anh được mọi quốc trưởng trên thế giới thỉnh mời qua chơi xứ họ. Đức Giáo Hoàng cũng dành một buổi trà nước tay đôi với anh. Đức Giáo Hoàng hỏi nhỏ anh:

-      Con yêu quí. Con là người đầu tiên được du lịch vũ trụ lâu ngày nhất. Cha chỉ cần hỏi con duy nhất điều nầy: Cứ nói thật. Con có gặp Thượng Đế và cảnh Thiên Đường không?

Phi hành gia trực nhớ lời thề độc với Gorbatchev bèn trả lời:

-      Thưa Đức Thánh Cha, con không hề thấy một dấu tích gì chứng minh có Thượng Đế và cảnh Thiên Đường...

-      Ta biết chắc là như thế. Đức Giáo Hoàng chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Con phải thề độc với ta là không tiết lộ sự thật nầy với bất cứ ai khác !»[13]


Hàn Lệ Nhân
[Tản mạn qua đêm 18]

Ghi chú:
[A1] Nguồn:
http://100years.vnu.edu.vn:8080/BTD.../2006/05/N7825/
http://dactrung.net/baiviet/noidung...Clf8KfbCQ%3D%3D
http://aevn.fr/index.php?s=d24764771f3bb37d779b09040b7b3235&showtopic=569
http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=20677&z=2

[A2] Đấu tố nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (10/2006):
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=2486
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1193
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=50325&z=3

[B1]
http://www.vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1681&cap=3&id=3406


[B2]
[«Các cơ quan thông tin của ta đưa hình tượng Lê Văn Tám đã xả thân đốt kho xăng của giặc gây xúc động lớn và cổ vũ mạnh mẽ thanh thiếu niên, trong phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm. Các tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược. Nhiều trận đánh làm địch hoảng sợ như trận phục kích khu quân sự ở vùng ngoại ô Tân Định ngày 24-9-1945, diệt 200 tên; trận tấn công bất ngờ trại lính Pháp trên đường Duvuê (Hùng Vương ngày nay) diệt 100 tên, trận phục kích ở Gò Vấp ngày 28-9-1945, bắn chết tên đại tá Diuy. Ngày 30-9-1945 đội TNXP Đoàn Dũng và Đoàn Tiến phục kích tại cầu chữ Y diệt 2 xe chở đầy lính Pháp; ngày 25-9-1945, một đội du kích phá Khám lớn giải phóng tù chính trị, đột nhập vào tận nhà tên ĐờliNhông diệt 3 sĩ quan địch.»] (Thanh niên cả nước hăng hái tham gia bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng - Thành đoàn TP-H.C.M). Nguồn:
http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/data/news/2006/5/1039/chuong 4.htm
http://www.doanthanhnien.org.vn/tulieu/data/lichsudoan/materialsdata.2006-02-27....

Câu hỏi: "Thanh-thiếu-niên-Lê-Văn-Tám" không hề hấn gì, hề ?

[1] Antoine de St-Exupéry; [2] Marcel Arland; [3] Friedrich Nietzsche; [4] André Maurois; [5] Pierre Dac; [6] Ý trong câu này, hình như tôi đã đọc được của George Courteline (?); [7] Adam Mickiewicz; [8] Edward Young; [9] Mượn ý Bernard Shaw; [10] Mượn ý Jean le Rond d'Alembert; [11] HLN: Cười Xả Hơi Cả Nước; [12] Talleyrand; [13] HLN: Cười Xả Hơi Cả Nước.
Back to top
« Last Edit: 26. Jan 2007 , 00:32 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #46 - 25. Oct 2006 , 05:33
 
 

Mấy năm sau anh trở lại mặt đất nhằm thời Gorbatchev. Anh trở thành anh hùng dân tộc, được TBT Gorbatchev và toàn thể ủy viên Bộ Chính Trị long trọng đón tiếp trong Điện Cẩm Linh.

Trong buổi tiệc, Gotbatchev hỏi nhỏ phi hành gia:

-      Nè đồng chí. Hiện nay, trên cõi đời nầy không ai ngoài đồng chí có đủ thẩm quyền trả lời cho sự bí ẩn nầy: Cứ nói thật. Đồng chí có gặp Thượng Đế và cõi Thiên Đường không?

-      Thưa đồng chí TBT. Có, tôi có gặp Thượng Đế, Đức Giê-su trong cõi Thiên Đường trên không phận Palestine và Đức Thích Ca ở cõi Niết Bàn trên không phận Népal (Bắc Ấn Độ)...

-      Tôi biết chắc là như thế. Gorbatchev chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Đồng chí phải thề độc với tôi là không tiết lộ sự thật nầy với bất cứ ai khác !

Phi hành gia tuyên thệ giữ kín chuyện động trời nầy. Sau đó, anh được mọi quốc trưởng trên thế giới thỉnh mời qua chơi xứ họ. Đức Giáo Hoàng cũng dành một buổi trà nước tay đôi với anh. Đức Giáo Hoàng hỏi nhỏ anh:

-      Con yêu quí. Con là người đầu tiên được du lịch vũ trụ lâu ngày nhất. Cha chỉ cần hỏi con duy nhất điều nầy: Cứ nói thật. Con có gặp Thượng Đế và cảnh Thiên Đường không?

Phi hành gia trực nhớ lời thề độc với Gorbatchev bèn trả lời:

-      Thưa Đức Thánh Cha, con không hề thấy một dấu tích gì chứng minh có Thượng Đế và cảnh Thiên Đường...

-      Ta biết chắc là như thế. Đức Giáo Hoàng chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Con phải thề độc với ta là không tiết lộ sự thật nầy với bất cứ ai khác !»[13]


Hàn Lệ Nhân
[Tản mạn qua đêm 18]

Anh Bạn thân mến,
  Tôi khoái nhất là đoạn Đức giáo Hoàng hỏi một câu, và nghe anh chàng phi hành Gia trả lời , thiết là động trời
ha ha ha
Back to top
« Last Edit: 25. Oct 2006 , 05:34 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #47 - 25. Oct 2006 , 23:37
 
Bonjour anh LS,

Đáng lý ra phải vẽ thêm buổi trà đàm về Thiên Đường giữa Gorbatchev và Đức Giáo Hoàng. Cả hai đều chân tâm nói thật, nhưng bên nói có, bên nói không. Quyết liệt, không nhượng bộ. Rốt cuộc phải nhờ tới trọng tài, ngẫu nhiên trọng tài được đôi bên chọn lại là anh phi hành gia. Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Anh phi hành gia sẽ phân xử ra sao ? Mời ông bạn trả lời. HLN, Wink
Back to top
« Last Edit: 26. Oct 2006 , 07:30 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #48 - 26. Oct 2006 , 07:29
 
Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
The thi cho topi hoi, neu doi thoai co chan dung nghia la phai the hieu nhu the nao?? anh ban than men
  ,
Toi co the tim thay o anh ca mot kho tang chu nghia
Back to top
« Last Edit: 26. Oct 2006 , 07:31 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #49 - 26. Oct 2006 , 08:43
 
"Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã."

Câu này chỉ có một và duy nhất một ý là lấy sự Nhã nhặn làm căn bản hàng đầu, nhất là trong đối thoại trên Internet. Anh LS cũng thấy đó, đối thoại trên Net là đối thoại ảo (vì có ai biết ai thực sự là ai đâu), nhưng lại rất thật vì qua cách phát biểu của mỗi cá nhân, Net vẽ cho người đọc, nếu để ý, hình dung ra không khó đương sự như thế nào, về mặt tư duy, trình độ kiến văn và thậm chí hoả hầu hàm dưỡng. Nói cách khác, câu "văn là người" cũng không sai. Mình nảy ra câu này từ khi tham gia các bàn luận linh tinh trên Net, ít nhiều liên quan tới tình hình đất nước, đặc biệt khi đấu với các "cổ cò khăn đỏ" 6x, 7x; chẳng biết họ "tiên học lễ hậu học văn " kiểu nào mà rất dễ nổi bồ đề gai đến loạn ngôn, văng tục, nhất là khi vĩ nhân xứ Nghệ bị/được đưa lên bàn "chích". Lạ lùng !

Tóm lại, mình quan niệm: Trong đối thoại "bất đồng quan điểm", dù có gay gắt thế nào chăng nữa, cũng cần phải Nhã trong diễn đạt, Sáng trong ý tứ, Vững trong Nội dung (chưa tính tới văn phạm, chính tả). Trên Net thì đi mô mà vội, cứ thủng thỉnh vì Cơm chưa nấu, gạo vẫn còn !

Còn đối thoại "có chân dung" với các "cổ cò khăn đỏ" mọi lứa, dám bị bề hội đồng là cái chắc ! Anh LS còn nhớ hay không trận đấu đẩm máu ở quán cơm sinh viên trong Cité Univertaire (Paris 14) trong năm 77 hay 78, giữa sinh viên Đoàn Két và sinh viên tị nạn? Đối thoại "có chân dung" giữa người VN khác chính kiến thường là thế đấy !
Back to top
 

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
VSN
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 308
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #50 - 26. Oct 2006 , 13:31
 
hanlenhan wrote on 26. Oct 2006 , 08:43:
"Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã."
.....
Còn đối thoại "có chân dung" với các "cổ cò khăn đỏ" mọi lứa, dám bị bề hội đồng là cái chắc ! Anh LS còn nhớ hay không trận đấu đẩm máu ở quán cơm sinh viên trong Cité Univertaire (Paris 14) trong năm 77 hay 78, giữa sinh viên Đoàn Két và sinh viên tị nạn? Đối thoại "có chân dung" giữa người VN khác chính kiến thường là thế đấy !


Hello ban Hàn,
Hình như lần cuối gặp nhau ở Paris (1981), bạn Hàn có giới thiệu cho tôi một nhóm anh em trong đó có một thầy thuộc phái Hoà Hảo . Tôi còn nhớ có đi theo các anh chị em này vào metro trong xắc có đủ đồ để có thể 'đối thoại có chân dung' khi gặp.
Có lẽ sau này ở Paris không còn chuyện 'đối thoại có chân dung' nữa phải không ? Nhóm Việt Kiều Yêu Nước khắp nơi đều không còn nữa. Một phần cố đấm ăn xôi, bám theo người có quyền có chức để làm ăn. Phần còn lại tan hàng hoặc chống đối chế độ và được chế độ vùi dập như kẻ (nội) thù !

Thân mến,
VSN

 
Back to top
« Last Edit: 26. Oct 2006 , 13:32 by VSN »  
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8
Reply #51 - 28. Oct 2006 , 05:53
 
Văn hoá thi ca, văn hoá thi hót


Hàn Lệ Nhân


"Con yêu ơi, hãy coi chừng những lời nịnh hót: Càng nhiều đường càng dễ hư răng." (Bà hầu tước De Sévigné).

Lữ Bất Vi là một lái buôn giàu có tại nước Tần, mưu định cấy người họ Lữ vào vương tộc họ Doanh nhà Tần bằng cách đem hầu thiếp là ca kỹ đẹp người, múa giỏi tên Triệu Cơ, đang có mang hai tháng, tặng cho Dị Nhân, con giữa của An Quốc Quân và thứ thất Hạ Cơ phu nhân, thời Dị Nhân bị đưa qua nước Triệu làm con tin. Dị Nhân đinh ninh đứa bé trong bụng Triệu Cơ là máu mủ của mình. Triệu Cơ ở lại nước Triệu. Dị Nhân về nước Tần. Qua tài thương thuyết của Lữ Bất Vi, Dị Nhân được chánh thất Hoa Dương phu nhân nhận làm con nuôi, đổi tên là Tử Sở. Tử Sở được An Quốc Quân nâng lên làm con đích tự, khắc dấu ngọc làm bằng, hứa sẽ chọn làm thái tử một khi ông được lên ngôi. Triệu Cơ sinh ra Triệu Chính tại đất Triệu.

Mười năm sau, Tử Sở lên ngôi, lấy vương hiệu là Tần Trang Tương Vương, phong Lữ Bất Vi làm thừa tướng, cho đón mẹ con Triệu Cơ trở về Tần. Triệu Cơ được sắc phong làm hoàng hậu, Triệu Chính thành thái tử Doanh Chính.

Tần Trang Tương Vương làm vua được 3 năm thì qua đời. Doanh Chính nối ngôi ở tuổi 13, xưng vương hiệu là Tần Thủy Hoàng Đế, phong thừa tướng Lữ Bất Vi làm trọng phụ, Triệu Cơ thành Hoàng Thái Hậu. Vị chi Lữ Bất Vi đã thành công trong âm mưu biến vương tộc họ Doanh nhà Tần thành ra họ Lữ. Lữ Bất Vi có tài trị quốc, song song là tật kiêu ngạo, chuyên quyền, ức chế người người, đặc biệt ức chế thiếu đế Tần Hoàng Chính.

Lữ Bất Vi cho biên soạn ra bộ sách Lữ Thị Xuân Thu, áp dụng vào việc điều hành đất nước. 3.000 xá nhân, kẻ sĩ  trong phủ đều khen là tuyệt phẩm. Lữ Bất Vi cho bày sách Lữ Thị Xuân Thu ở cửa thành Hàm Dương, treo giải là ai thêm, bớt được một chữ trong Lữ Thị Xuân Thu sẽ được thưởng 1.000 lượng vàng; trong hai tháng trời không có ai tỏ thái độ, do đó càng cuồng ngạo.[1]

Tần Thủy Hoàng lớn lên trong cấm cung, lén đọc được Lã Thị Xuân Thu. Cho đến một buổi tiệc có mặt Lữ bất Vi và đông đủ bá quan văn võ, Tần Thủy Hoàng ra mặt chống lại cha ruột, thừa tướng trọng phụ Lữ Bất Vi, công khai chỉ trích Lữ Thị Xuân Thu, đại để như sau:

-      Trụ vương có một nàng sủng phi xinh đẹp, kiêu căng và rất hiểm ác, coi thường các đại thần trong triều; hãm hại bất kỳ ai làm nàng phật ý. Một lần nàng sinh được một đứa con, chẳng may dung mạo đứa bé lại khác hẳn người sinh ra nó, tức người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Nàng sợ thiên hạ nói con nàng xấu xí nên triệu bá quan lớn nhỏ vô coi đứa bé. Sau khi các quan coi xong, nàng hỏi: Đứa bé có đẹp không? Các quan đồng loạt xum xoe kẻ thi ca, người thi hót: Đứa bé rất đẹp !

Kể tới  đây, Tần Thủy Hoàng quay sang đặt câu hỏi với bá quan:

-      Chư khanh có biết tại sao không ai dám nói thật không?

Rồi tự trả lời:

-      Tại vì bá quan văn võ sợ chết, sợ bị bêu đầu ! [2]

1.
Trong Tuyển Tập Hoài Thanh, cuốn 1, nxb Văn Học – Hà Nội 1982, có 19 bài phê bình văn học Việt Nam, chia thành: Sáu bài viết về đại-văn-tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sáu bài dành cho đại-thi-tài của phó thủ tướng Tố Hữu Nguyễn Kim Thành; một cho thi-nhân Sóng Hồng tức nguyên TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu; một cho thi-sĩ Xuân Thủy, nguyên Bí Thư Trung Ương ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, trưởng phái đoàn hoà đàm Paris. Tóm lại, trong số 19 bài phê bình, chỉ có vỏn vẹn 14 bài dành cho 4 lãnh tụ đảng và nhà nước.

Về thơ chúc Tết của nhà-thơ-lớn-của-dân-tộc Hồ Chí Minh:

Mừng năm mới, mừng xuân mới,
Mừng Việt Nam, mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,
Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua;
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hoà bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
(Xuân Tân Sửu – 1961)


Hoài Thanh, tác giả cuốn "Thi Nhân Việt Nam-1941" lừng danh, đã thi ca:

"Những câu thơ chúc Tết của Bác nhiều khi chỉ là lời nói thường, nhưng rõ ràng không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào. Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói. Đằng sau lời nói có một con người vô song, một cuộc đời vô song, có cái sáng suốt, cái kiên gan của một chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu, có ý chí sức mạnh của một dân tộc anh hùng, có cả những ý tưởng cao đẹp nhất của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do đó, mà từng chữ, từng câu dầu bình thường thôi vẫn có một sức nặng khác thường trong lời thơ Bác". (trang 106).

Về bài thơ trên, Nguyễn Hưng Quốc nghễng ngãng nghe ra âm giai, tiết tấu khác:

"Chỉ mấy câu chúc Tết ngây ngô của Hồ Chí Minh mà Hoài Thanh còn tán ra om sòm và khen ngợi nức nở như vậy thì ai cũng hiểu khi Hồ Chí Minh làm được vài bài thơ hơi hơi có vần, hẳn Hoài Thanh sẽ sụp xuống mà lạy, coi "bác" còn hơn Nguyễn Du. Thảm. Trong sự sai lầm về phương pháp phê bình, còn có sự sa đoạ về nhân cách." (Văn Học VN dưới chế độ cộng sản, trang 303, nxb Văn Nghệ, USA 1991).

Tập ký bằng thơ Nhật Ký Trong Tù [3] có bài Người Bạn Tù Thổi Sáo (Nạn hữu xuy địch):

Hán văn:

Ngục trung hốt thinh tư hương khúc,
Thanh chuyển thê lương, điệu chuyển sầu;
Thiên lý quan hà vô hạn cảm,
Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu.

Việt ngữ:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
Lên lầu, ai đó ngóng trông nhau.
(HCM: NKTT, trang 36, nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học – Hà Nội 1960)


Đặng Thai Mai thi ca [« Chỉ bốn câu thôi. Nhưng thật sự là một vở kịch, một vở kịch một màn. Một anh tù chơi sáo. Âm điệu véo von, sầu não. Một thính giả, người cùng hội cùng thuyền. Hiểu nhau nhiều, cám cảnh vô vàn vì nỗi nhớ nhung đất nước "ngàn dặm quan hà". Và cách tường một người khuê phụ đang dạn bước lên lầu trên để nghe cho thấu triệt hơn. Một ống sáo, một bản nhạc. Ba nhân vật xa lạ ở ba vị trí, ba cảnh ngộ, trong ba tư thế. Tuy vậy giờ này một tiếng tre đã tập hợp họ lại trong một niềm thông cảm véo von da diết»] (Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 3, trang 56 – nxb Văn Học, Hà Nội 1970).

Hoàng Trung Thông thi hót [«Nghe một người tù thổi sáo diễn tả nỗi lòng nhớ quê hương trong một âm điệu thê lương, Bác lại cảm thấy am điệu thê lương ấy chính đang rung lên trong nỗi lòng nhớ nước da diết của mình, và "muôn dặm quan hà khôn nỗi xiết". Muốn lên cao để nhìn thấy quê hương mà quê hương nào có thấy.«] (Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác, báo Văn Nghệ số 667).

Hà Minh Đức vừa thi ca:

[«Khúc nhạc tư hương của người bạn tù cũng gợi lên ở Bác tấm lòng yêu nước, và câu thơ "muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi" vừa đúng với cảnh ngộ của hai người và có thể cả người thứ ba ở chốn xa xôi. Rồi hình ảnh người thứ ba là ai? Trong mạch tình cảm nhân aí thì "khuê nhân" có thể hình dung là vợ của...người bạn tù, nhưng nếu xét cả trên mạch tình cảm yêu nước, thì khuê nhân có nghĩa rộng ra như là hình tượng của người nhớ mong trông ngóng: Vợ trông đợi chồng, nhân dân trong nước chờ mong người cán bộ cách mạng.«] (CT-HCM, nhà thơ lớn của dân tộc, sđd trang 23);

vừa thi hót:

[«Thơ của Hồ chủ tịch là giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc và là hoa thơm, lộc quý của mọi nhà... Hồn thơ vĩ đại này lại thuộc về người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc từ trước tới nay.»] (sđd, trang 5 & 6).

Thảo nào Hoài Thanh rất khách quan khi nhận xét rằng [«Thơ Bác càng nghe, càng đọc, càng hay. Nhưng không một ai có thể tự hào đã thấy hết cái hay, đã hình dung hết tầm cao và chiều sâu trong thế giới thơ của Bác».] [3]

Hèn chi Xuân Diệu lại chẳng vô tư có cùng một ý nghĩ tương tự:[«Có những câu có thể coi là quá giản dị, nhưng tại sao tôi đọc đi đọc lại vẫn cứ thấy một cái gì trong đó mà mình rút chưa hết»] [4]

Và cũng là lẽ tất nhiên khi Tố Hữu viết [« Gọi Bác là "nhà thơ lỗi lạc" nghe cứ thế nào ấy, nhưng đó lại là đúng... Nhật Ký Trong Tù thực là tập thơ lớn»] [5]

2.
Sóng Hồng tức TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu,"vị lãnh tụ xuất sắc và nhà văn hoá lớn của dân tộc" [6] có bài thơ:

Cách thềm măng mọc lô nhô
Giáo gươm du kích trước giờ xuất quân
Tiếng còi giục giã chiều xuân
Lệnh đâu tập họp như gần như xa
Mùa hè suối cuốn bên nhà
Ầm ầm binh mã xông ra chiến trường
Thu sang lá rụng đồi sương
Tiễn đưa chiến sĩ lên đường lập công
Đêm đông lần lữa bên song
Mải mê đọc sách đèn chong canh tàn...


Và được lý-luận-phê-bình-gia Vũ Đức Phúc (bí danh Nguyễn Hồng Kỳ) thi hót:

[«Từ Nguyễn Du trở đi, chúng ta đã thấy nhiều nhà thơ làm thơ lục bát rất hay, mỗi người mỗi phong cách, chứng tỏ thơ lục bát của ta là "thiên biến, vạn biến", các nhà thơ hiện đại như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu đều mỗi người có một phong cách thơ lục bát riêng rất hay. Tố Hữu viết nhiều bài thơ hùng hồn, nhưng phong cách lục bát của anh là đằm thắm, đậy tình cảm. Phải đến Sóng Thần thì chúng ta mới thấy lục bát hùng hồn, bừng bừng như núi lửa, rất mới lạ. Nhiệt tình cách mạng sôi nổi, ý chí gang thép và lòng tin vững chắc của nhà thơ là những nhân tố chính khiến cho Sóng Hồng sáng tác được nhiều bài thơ cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ người đọc, trước hết là nhiều bài thơ lục bát. Tinh thần chiến đấu cao cả của nhà thơ chi phối cả những hình ảnh thơ ca dưới ngọn bút Sóng Hồng một cách tự nhiên.»] ( Nhà Thơ VN, nhiều tác giả, nxb Văn Học – Hà Nội 1984, trang 15).

Nguyễn Hưng Quốc, thêm một lần, có lối thẩm âm khác đối với bài thơ trên:

[« Không có bất cứ câu nào trong bài thơ trên mà lại không lổn nhổn sáo ngữ. Cả bài thơ là tập họp những câu, chữ, những tình, ý cũ mèm. Người sáng tác ra bài thơ ấy là một kẻ bất tài. Người huênh hoang tán dương bài thơ ấy không những có khiếu thẩm mỹ kém cỏi mà lại còn có tư cách rất đáng tội nghiệp.»] (sđd, trang 304).

Vũ Thư Hiên viết "Trong các cuốn Văn Tuyển người ta đưa cả thơ Sóng Hồng vào, có những bài chỉ trên mức vè thôn xóm một chút, chỉ vì nhà thơ Sóng Hồng chính là ông Trường Chinh đáng kính. (Đêm giữa ban ngày, trang 328, nxb Thiện Chí, Liên Bang Đức, 1997).


-      Cái cực hay của các lý-luận-phê-bình-gia-công-chức là duy ý chí vắt cho ra cái không có trong tác phẩm và làm thế nào cho cái không có hoá ra có, khít khao với những "tính", những công thức đã được tiền chế trong đầu trước khi đọc tác phẩm.

-      Tao không hiểu mày nói gì?

-      Nghĩa là thi ca, thi hót qua tác giả, chứ không qua tác phẩm. Nói cách khác, "khi tán tụng, không cần phải dè dặt, không cần phải giới hạn, vì chẳng bao giờ người ta đi quá lố đâu" (Michel Audiard).

-      Mày nói rõ chút nữa đi.

-      Giả dụ những câu "thơ" nêu trên, ở dưới ký một cái tên khác thì nó có được ca, được hót tợn thế không?

-      ! ! !

-      Bố khỉ, mày tổ sính nói chuyện "ý tại ngôn ngoại" trong văn hoá mà nỡ bắt tao "hiện thực" thì còn đếch gì là văn chương nữa ! Động não tí đi con.

-      Mày làm khó tao,vậy tao động não theo lối của tao, như thế nầy:

["Giuộc ông tôn ông là Vladimir Maïakovski nội hoá. Cả nước biết đến ông nhờ ông giàu thi hứng nâng và đỡ bề dưới của bề trên. Một hôm, ngồi ngâm lại bài thơ Đường Sang Nước Bạn [7] của ông cho bề trên nghe. Chẳng hiểu vì vô tình hay cố ý, bề trên thí vãi ra một cái bũm. Maïa nội hoá nắc nỏm khen :

- Chà, chà ... cái rắm hôm ni răng mà thơm lọa rứa !

Bề trên sụ mặt, không vui :

- Tôi nghe nói, người ta ăn cao lương mỹ vị vào, có tiêu hoá thì mới tốt. Mà tiêu hoá đều theo lẽ rắm phải thối. Vậy mà bây giờ rắm tôi lại thơm, có phải là điều bất tường không ?

Tức thời Maïa nội hoá cong bàn tay lại, vớt không khí một cái, đưa lên ngửi, xít xoa :

- Chu choa, bây chừ nó lại thúi rồi tề. Cái rắm của bề trên kể cũng hơn người, loạ hí !] [8]

-      Động não kiểu mày gợi cho tao nhớ "tích" này:

[«Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên:

-      Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch Đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om sòm đến thế?

Chế Lan Viên cưới hức hức:

-      Thơ phú gì cái thằng cha ấy?! Vũ Thư Hiên thấy hay à ? Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ.

-      Thơ phú là chuyện tôi mù tịt, mới phải hỏi anh.

Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

-      Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen tuốt.

Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của hai câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại:

"Bác Mao không ở đâu xa,
"Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao !" ?»]
(Vũ Thư Hiên: sđd, trang 325)



-      Nãy giờ, chúng mình chỉ tào lao thiên địa chuyện nhiều người bợ một người. Tao hỏi mày, trên cõi phàm này, có hay chăng phép mầu tự bợ như tụi kiếm khách, hiệp sĩ luyện khinh công, luyện phi thân trong truyện chưởng ?

-      Người phàm làm thế nào mà có được phép mầu ?

-      Tao đồng ý là theo lẽ phàm thì không thể, nhưng bằng chữ nghĩa thì được chứ sao không !

-      Mày muốn nói đến trường hợp trên Internet, một người tạo ra nhiều nicknames, chẳng hạn người đó dùng nick A đăng một bài chi đó, rồi lại đẻ ra nick B, nick C... để ca, để hót bài của nick A ?

-      Internet là mới đây thôi, còn trễ tàu. Chứ hơn nửa thế kỷ trước có nơi đã xuất hiện "phép mầu" đó rồi.

-      Thôi đi bố, đừng dựng chuyện...

-      Này nha:

[«Dưới a tỳ có một con ma mù, bù lại ma mù này có khiếu đặc biệt là chỉ cần ngửi văn mà biết được văn hay hay văn dở, thậm chí nói ra luôn tên tác giả. Một con ma nọ, hồi mới xuống, không tin dư luận nên muốn thử tài ma mù, đưa một bộ sách ra hỏi. Con ma mù cầm đưa lên ngửi, đáp :

- Hồng Lâu Mộng !

- Sao biết ?

- Ngửi có mùi xác thịt.

Con ma sáng đưa tiếp một cuốn khác. Ma mù lại đưa lên ngửi, đáp :

- Chiến Tranh và Hoà Bình !

- Sao biết ?

- Vì có mùi bom đạn.

Ma sáng ma mãnh đưa cùng lúc hai cuốn khác. Không cần ngửi, con ma mù trả lời liền :

- Vừa Đi Đường Vừa Kể... Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của ...

- Sao chưa ngửi mà biết ?

- Vì thum thủm mùi tự nâng bi ! Và chính ông là tác giả ! [9]

- Sao biết ?

- Văn và Người có cùng một mùi hợm hĩnh !»] [8]


Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 19)

Ghi chú:
[1] Theo Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch Nhượng Tống, trang 297 – nxb Tân Việt, Sàigòn 1963.

[2] Theo phim Tần Thủy Hoàng, DVD số 4/20, 1988. Sủng phi này là Tô Đắt Kỷ, vốn là giống hồ ly hiện hình (theo sách Phong Thần, bản dịch của Tô Chẩn, nxb Tín Đức Thư Xã – Sàigòn 1961).

[3] Tập Nhật Ký Trong Tù – HCM, gồm 114 bài thơ chữ Hán + bản dịch ra chữ Việt, 252 trang, nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học - Hà Nội 1960, nếu truy nguồn gốc "cổ thi Trung Quốc" mà tác giả "mượn nhưng quên nói" trong đó và ghi hết ra đây e phải tản mạn thêm dăm bài khác, ở đây chỉ xin đơn cử hai trùng hợp lạ lùng:

a/  Bài Khai Quyển (Mở đầu tập nhật ký), trang 13:

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.

Việt ngữ:

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.


Câu đầu "lão phu nguyên bất ái ngâm thi" vốn là của Thiệu Nghiêu Phu, đời Tống bên Trung Quốc.

b/ Bài "Nạn Hữu Chi Thê Thám Giam" (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), trang 72:

Quân tại thiết song lý
Thiếp tại thiết song tiền
Tương cận tại chỉ xích
Tương cách tự thiên uyên.

Việt ngữ:

Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.


Bốn câu trong bài này vốn "mượn" từ bốn câu cuối trong bài Tương Giang (Sông Tương):

Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

Dịch nghĩa:

Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy,
Cùng uống nước sông Tương.


Sách Tình Sử thời nhà Châu bên Tàu chép: Nàng Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, xúc cảm làm thành bài Tương Giang. Trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, câu 365-366:

Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.


(Bùi Khánh Diễn: Kim Vân Kiều, trang 58, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, và bản hiệu khảo Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội 1925, cũng ghi tương tự).

v.v và v.v... Thôi, đành tạm bằng lòng với câu phát biểu để đời của nữ ca nhạc sĩ Phương Uyên: "Copy là học tập lẫn nhau", chứ biết làm sao bây giờ !
http://vietnamnet.vn/diendan/2004/04/58154/
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=27836&ChannelID=10

[4] Hà Minh Đức: CT-HCM, nhà thơ lớn của dân tộc, trang 23 – nxb KHXH, Hà Nội 1979.

[5] Tố Hữu: Những bài học lớn trong thơ Bác, báo Văn Học số 95, ngày 20/05/1960.

[6] Lê Hoài Nam: Làng Hành Thiện (báo Văn Nghệ):
] http://famille.dangvu.free.fr/hanhthien/village_culturel_de_hanh_thien.htm

[7] Toàn văn bài Đường Sang Nước Bạn ; xem thêm: Cũng những thằng nịnh hót (Hữu Loan):

http://www.filelodge.com/files/room18/482668/duongsangnuocban.doc

http://www.filelodge.com/files/room18/482668/0CungNhungThangNinhHot-HL.doc

[8] HLN: Cười Xả Hơi Cả Nước.

[9] Hà Minh Đức: Những tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, nxb Khoa Học Xã  Hội – Hà Nội 1985, trang 132 ghi: "Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện...". Ghi thêm: Trong Từ Điển Bách Khoa VN, tập 4 – 2005, ở vần T (trang 21-734), không có tên T. Lan & Trần Dân Tiên.
Back to top
« Last Edit: 06. Nov 2006 , 07:33 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8-9
Reply #52 - 06. Nov 2006 , 07:01
 
Đọc lại thơ Bác

Hàn Lệ Nhân


Nàng Thơ mà biết nói năng,
Mấy vần  "kiệt tác" hàm răng chẳng còn.



Tập Nhật Ký Trong Tù của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học - Hà Nội 1960, gồm 113 + 1 bài thơ chữ Hán + bản dịch ra quốc ngữ [1], dày 252 trang - được coi là ấn bản "khung" cho các bản dịch Việt và ngoại ngữ sau này - có tổng cộng mười hai (12) chú thích do người dịch ghi thêm, nhưng chỉ có hai (2) chú thích về xuất xứ Hán thi. Hai chú thích này là:

1/ [«Bài "Bệnh trọng" (Ốm nặng), trang 201:

Hán văn
Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt,
Nội thương Việt địa cựu sơn hà;
Ngục trung hại bệnh chân tân khổ,
Bản ưng thống khốc khước cuồng ca.

Việt ngữ
Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh,
Nội thương đất Việt cảnh lầm than;
Trong tù mắc bệnh càng đau khổ,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.


Chú thích số 9, trang 246:

"Hai câu đầu bài thơ này dựa theo hai câu:

Ngoại cảm Hán thiên tân vũ lộ,
Nội thương Hàn địa cựu sơn hà.


trong bài "Trương Lương tố đa bệnh" của Hoàng Phan Thái tức đầu xứ Thái, một nhà nho huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chống chế độ quân chủ, bị xử tử đời Tự Đức".»]

2/ [«Bài "Thanh Minh" (Tiết Thanh Minh), trang 215:

Hán văn
Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lung lý tù nhân dục đoạn hồn;
Tá vấn tự do hà xứ hữu?
Vệ binh dao chỉ biện công môn.

Việt ngữ
Thanh minh lất phất mưa phùn,
Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa.
Tự do, thử hỏi đâu là?
Lính canh trỏ lối thẳng ra công trường.


Chú thích số 10, trang 246:

Bài thơ này dựa theo một bài thơ nổi tiếng đời Đường:

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn;
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.»]

Tưởng cũng nên nói thêm: Bài "Thanh Minh" này là của Đỗ Mục (803-852) đời Đường:

[center]Việt ngữ
Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à ?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài
(Tương Như dịch)


Trong bài tản mạn "Văn hoá thi ca, văn hoá thi hót", tôi đã chú thích bổ túc:

3/  Bài "Khai Quyển" (Mở đầu tập nhật ký), trang 13:

Hán văn
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.

Việt ngữ:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.


Câu đầu "lão phu nguyên bất ái ngâm thi" vốn là của Nghiêu Phu Thiệu Khang Tiết (1011-1077), đời Bắc Tống bên Trung Quốc. Hơn nữa, thời gian bị Tàu Tưởng bắt giam, ông Hồ mới có 52 tuổi (1890-1942), sao đã tiêu cực tự nhận là "lão phu"?, ngược lại, mới trên 50 mà đã tích cực tự phong là "cha gia dân tộc", cũng như là người Việt 100% mà bị nghi là "Hán gian" ! (bài Thế lộ nan 3 - Đường đời khó khăn 3, trang 21):

Hán văn
Trung thành ngã bản vô tâm cứu
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
Xử thế nguyên lai phi dị dị
Nhi kim xử thế cánh nan nan.

Việt ngữ
Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.


4/ Bài "Nạn Hữu Chi Thê Thám Giam" (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), trang 72:

Quân tại thiết song lý
Thiếp tại thiết song tiền
Tương cận tại chỉ xích
Tương cách tự thiên uyên.

Việt ngữ:

Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.


Bốn câu trong bài này vốn "mượn" từ bốn câu cuối trong bài Tương Giang (Sông Tương):

Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

Dịch nghĩa:

Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy,
Cùng uống nước sông Tương.


Sách Tình Sử thời nhà Châu bên Tàu chép: Nàng Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, xúc cảm làm thành bài Tương Giang. Trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, câu 365-366:

Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.


(Bùi Khánh Diễn: Kim Vân Kiều, trang 58, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, và bản hiệu khảo Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội 1925, cũng ghi tương tự).

Nay nhân đọc lại thơ chữ Hán của nhà thơ Hồ-Chí-Minh (1890-1969), tôi nhận thấy tác giả lẫn các dịch giả trong Viện Văn Học – Hà Nội (1960) vì quên hay sơ sót không ghi chú sự "vay mượn", nên mạo muội góp thêm vài chú thích may ra giảm bớt phần nào sự khuất tất về những "tác-phẩm-vĩ-đại" của một người, nghe truyền thông trong nước khẳng định đã được Unesco truy thăng là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại" từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước; tuy nhiên truy thăng cao quí đó mang mã số thế nào, ai biết xin chỉ rộng lòng chỉ cho.

5/ Bài "Trung Thu 2" (Trung Thu 2), trang 51:

Hán văn
Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,
Thu nguyệt thu phong đời điểm sầu;
Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.

Việt ngữ
Trung thu ta cũng tết trong tù,
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.


Câu "Tâm tùy thu nguyệt cộng du du" có gốc từ câu "tâm tùy hồ thủy cộng du du" (tấm lòng theo với nước hồ xa xa) trong bài Tống Lương Lục (Tiễn Lương Lục) của Trương Thuyết (Trương Duyệt) đời Đường:

Hán văn
Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu,
Nhất kiến cô phong thủy thượng phù .
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp,
Tâm tùy hồ thủy cộng du du .

Việt ngữ
Ba Lăng trông xuống Động Đình,
Nước thu lai láng, núi xanh thập thò.
Thần tiên dễ gặp được mô,
Tấm lòng theo với nước hồ xa xa.
(Trần Trọng Kim: Đường Thi, trang 354).


Ngoài ra:

6/  Bài "Đăng sơn" (Lên núi):

Hán văn
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

Việt ngữ
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
(Xuân Diệu dịch)


Câu "Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu" có gốc từ câu "Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu" trong bài "Thuật hoài" nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão (1255-1320):

Hán văn
Hoành sáo giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Võ Hầu.

Việt ngữ
Vung giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng hổ át sao Ngưu.
Công danh ví để còn vương nợ,
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.
(Trần Trọng Kim dịch)


7/ Bài "Phỏng Khúc Phụ" (Thăm Khúc Phụ):

Hán văn
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại ?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.

Việt ngữ
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
(Đặng Thai Mai dịch)


Câu "Khổng gia thế lực kim hà tại" vốn lấy từ câu "Các trung đế tử kim hà tại" (con vua  trong gác giờ đâu tá?) trong bài "Đằng vương các tự" của Vương Bột (647-675) đời Đường:

Hán văn
Đằng vương cao các lâm giang chữ
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.

Việt ngữ
Bên sông đây gác Đằng Vương
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai ?
Cột rồng Nam phố mây bay
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều
In đầm, mây vẩn vơ trôi
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
Đằng vương trong gác giờ đâu ?
Trường giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
(Trần Trọng San dịch)


Trong bộ "Đại cương văn học sử Trung quốc" tập 2, trang 18 của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), nxb Nguyễn Hiến Lê - Sàigòn 1964, cũng có dịch nghĩa bài này.

8/ Bài "Nguyên Tiêu" (Rằm tháng giêng):

Hán văn
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Việt ngữ
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Xuân Thủy dịch)


Câu "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" lấy từ câu "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền" trong bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế (756-), đời Đường:

Hán văn
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Việt ngữ
1.
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều, Tản Đà dịch)
2.
Trăng tà tiếng quạ vẳng sương rơi
Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài
Ngoài lũy Cô Tô chùa vắng vẻ
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai
(Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều, Trần Trọng San dịch)


9/ Bài "Tặng Trần Canh đồng chí" - đại tướng cố vấn quân sự Trung Cộng, "sáng tác" năm 1950:

Hán văn
Hương Tân mĩ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Địch lai phóng khứ nhất nhân hồi.

Việt ngữ
Sâm banh, rượu ngọt, chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà ngựa giục đi
Say khướt sa trường cười chớ vội
Chẳng cho địch thoát một tên về.


vốn "mượn" gần nguyên si từ bài "Lương Châu Từ" của Từ Vũ Vương Hàn (687-726) đời Đường:

Hán văn
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Việt ngữ
1.
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
(Trần Quan Trân dịch)
2.
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say đàn đã rền vang dục rồi.
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu !
(Trần Trọng San, dịch)
3.
Rượu bồ rót chén dạ quang,
Trên yên, sắp uống, nghe vang đờn tì.
Say nằm bãi cát, cười chi?
Xưa nay chiến địa, sống về những ai?
[Nguyễn Hiến Lê dịch, sđd trang 208]


Tôi không bàn về nội dung của những bài thơ chữ Hán lừng danh của tác giả họ Hồ, vì tôi không muốn hùa "khen phò mã tốt áo", khi mà trên mặt chính thống từ non nửa thế kỷ trở lại đây, các tác phẩm đó đã được đọc, được học và chỉ được độc quyền khen, khen càng sâu, càng xa, càng tốt rồi. Do đó, trong bài này, tôi chỉ "chú thích" trong khả năng có thể, phần thơ chữ Hán. Bài sau, bài sau nữa - khi hội đủ duyên – tôi sẽ "chú thích" phần thơ thuần Việt của tác giả Hồ-Chí-Minh, để xem tài "vận dụng sáng tạo" của ông "nhuần nhuyễn" cỡ nào trong việc nín thinh vay mượn từ Kiều và từ ca dao, thành ngữ Việt Nam. Nhưng dù sao, đêm nay cá nhân tôi vẫn đành tạm bằng lòng với câu nói để đời của nữ-ca-nhạc-sĩ-tài-danh Phương Uyên: "Copy là học tập lẫn nhau"[3], chứ biết làm sao bây giờ !

Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 20)

----------------------
Ghi chú:
[1]
- [«Bản dịch đầu tiên của Nhật  Ký Trong Tù được Viện Văn học cho xuất bản vào năm 1960. Bản dịch này có nhiều ưu điểm, nhưng từ 1960 đến nay thì những bài thơ dịch của Bác đã được bổ sung đầy đủ, mới đầu có 114 bài nhưng sau đó đã đủ 133 bài.»] (Vietnamnet) và (SKHCN-ĐồngNai.):

http://www.vnn.vn/giaoluu/2003/5/12158/

http://www.dost-dongnai.gov.vn/ttchitiet.asp?idd=864

- [«Trong hơn 13 tháng bị “đá qua đá lại” 18 nhà lao của bọn Tưởng, Bác đã viết tập “Nhật ký trong tù” gồm 134 bài thơ (kể cả bài “Mới ra tù tập leo núi”), là tập thơ bằng chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng tư duy nghệ thuật của nó chủ yếu lại thuộc một loại khác so với truyền thống..»] ( Quân Đội Nhân Dân ):

http://72.14.221.104/search?q=cache:rO9WH3u8-UoJ:www.quandoinhandan.org.vn/60nam...

[2] [«Ngày 27/08/1950, Trần Canh (Chen Gen, 1903-1961) tới bản doanh của Việt Minh ở Thái Nguyên, gặp ông Hồ và Lã Quý Ba. Ông Hồ ôm hôn Trần Canh và đọc một bài thơ do chính ông "sáng tác" để chào mừng và ca ngợi Trần Canh.»] (Hứa  Hoành: Huyền thoại & sự thật...):
http://www.vietnamdaily.com/index1.php?c=article&p=14242

[3]
http://vietnamnet.vn/diendan/2004/04/58154/
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=27836&ChannelID=10




Back to top
« Last Edit: 22. Feb 2007 , 06:48 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 1-2-3-4-5-6-7-8-9-10
Reply #53 - 08. Nov 2006 , 21:36
 



HẢY LẮNG NGHE LỜI DÂN NÓI

Bài viết được góp nhặt trên net , nhưng không biết tác giả )

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Từ thời khai hoang mở cõi vùng châu thổ này, ông cha ta đã sớm "bắc" những chiếc cầu bằng tre tạm bợ để giải quyết khó khăn trong việc đi lại ngang những con sông con kênh nhỏ.
Và câu hát ru quen thuộc vào một buổi trưa hè:
"Ầu... Ợ.. Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo rập rình khó đi.."
Hình ảnh chiếc cầu tre (cầu khỉ) quá đỗi thân thương nó đã đi vào câu hát ru ầu ơ của mẹ. Giọng mẹ ngọt ngào êm ái theo từng nhịp võng đong đưa. Mỗi lần được nghe lại câu hát ấy dù chỉ thoáng qua thì trong lòng mỗi chúng ta lại bồi hồi xao xuyến, một nỗi nhớ quê hương dâng trào.
Chiếc cầu khỉ không chỉ là hình ảnh được mượn để diễn đạt sự khó khăn, trắc trở và nghèo khổ của người dân nơi đây ngày xưa, câu hát ấy đã được đúc kết từ thực tế khó khăn của cuộc sống, từ thực tế những chiếc cầu khỉ. Nếu ai đã từng đi qua cầu khỉ một lần thì chắc không thể nào quên được cảm giác vừa run vừa sợ, sợ bị lọt xuống sông bất cứ lúc nào. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì cây cầu khỉ đã gây ra bao trở ngại cho việc vận chuyển giao thông cũng như việc học hành và tiếp nhận những cái mới.
Theo những thông tin tôi tìm hiểu được thì trong giai đoạn 2003-2005, mỗi năm nhà nước sẽ hộ trợ 15 tỷ đồng cho 13 tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó thật sự là một điều đáng mừng, đáng vui cho bà con miền Tây.
Đến nay sau 3 năm thực hiện dự án trên hình ảnh những chiếc cầu khỉ vẫn còn tồn tại. Không cần phải đi vào vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh để tìm cây cầu khỉ mà ngay cặp hai bên đường quốc lộ 91 đoạn thuộc địa phận quận Ô Môn - thành phố Cần Thơ, tôi đã bắt gặp rất nhiều cầu khỉ vẫn còn "lắt lẻo bắc ngang sông". Hầu hết chủ nhân của những cây cầu khỉ này là những hộ nghèo không có khả năng bắc cầu ván hay cầu ximăng. Khi thấy tôi chụp hình cây cầu khỉ trước cửa nhà mình, một bà cụ già trong ngôi nhà lá bước ra, bà ta là chủ nhân của cây cầu khỉ này. Bà nhìn tôi và im lặng, đợi tôi chụp xong thì bà đã nói với từ trong nhà ra:
- Nghèo quá cô ơi! Không có tiền bắc cầu ván! Tui già cả đi lại cũng khó khăn, tụi cháu nội tui cũng vậy. Mỗi lần nó đi ngang cầu là tui sợ lắm! Nhưng biết làm sao bây giờ. Nhà có mấy công đất làm không đủ ăn thì tiền bạc đâu mà mua ván, mua cây làm cầu ván!
Tôi hỏi bà chính quyền địa phương không hỗ trợ hay giúp đỡ gì hay sao nhất là trong thời gian qua nhà nước đang quyết tâm xóa cầu khỉ. Bà trả lời tôi với vẻ mặt ngao ngán:
- Tui không thấy ai nói năng, giúp đỡ gì hết! Cô thấy xung quanh đây, nhà nào khá thì làm cầu ván, nhà nào giàu thì làm cầu bằng ximăng. Còn nghèo thì phải chịu thôi! Xài được hai ba năm thì thằng con trai tôi lại đi mua vài cây tre về bắc lại. Lúc này trời mưa gió trơn trợt, nó lại gần sập rồi. Phải lo tiền mua trẹ.. nữa rồi!
Rồi tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình bà thì bà cho biết:
- Tội nghiệp mấy đứa cháu nội của tôi mỗi lần trời mưa trời gió tụi nó đi học rất khó khăn. Tập vở phải đựng trong bọc nilông buộc thật chặt để lỡ qua cầu có rớt xuống sông thì không bị ướt. Nhà nghèo quá cô ơi, chỉ có một chiếc xe đạp cũ đi lại, muốn đi đâu cũng khó. Nếu có tiền thì bắc cây cầu ván trước rồi tính gì tính... chứ mua xe gắn máy thì cũng không chạy qua cầu khỉ được!
Không chỉ trường hợp gia đình của bà cụ già này, cả một xóm nhà lá nghèo gần đó không thể bắc nổi một cây cầu ván mà đang vẫn phải sử dụng chung một cây cầu khỉ.
Cái tên của cây cầu tre được ông bà ta "kêu cho vui" là "cầu khỉ ", nó cũng mang một "ý nghĩa" trong đó. Tôi đã nghe một người dân nơi đây trả lời vui khi nghe tôi hỏi nguồn gốc của cái tên "cầu khỉ". Tôi nhận được một lời giải thích:
- Mỗi lần bạn đi qua cây cầu khỉ thì bạn phải đi bằng 2 chân (tất nhiên!) nhưng bạn cũng phải dùng 2 tay để vịn nếu không sẽ "lọt tủm" xuống sông ngay! Tất nhiên là "Tứ chi đều phải vận động"... Thế là cái tên "cầu khỉ" ra đời!
Sau khi nghe xong tôi cũng thấy mắc cười với cách giải thích như vậy nhưng nghĩ lại thì càng buồn, càng thấm thía hơn cái khổ của sự nghèo khó.
Ngoài những cây cầu khỉ, dọc theo kinh rạch người ta còn bắt gặp những cây cầu khác. Đó là những cây "cầu cá vồ".
Tôi xin phép không mang đến bạn hình ảnh những cây cầu cá vồ này, vì sự tế nhị trong lúc tôi đến đây tìm hiểu và định chụp một vài bức ảnh làm tư liệu nhưng có người "đang đi cầu và "nhiều người" khác đang đứng đợi xung quanh!
Chính tôi cũng không tin là cặp con đường quốc lộ này lại còn tồn tại những cái "cầu tiêu thiên nhiên" như thế. Điều đáng quan tâm là những cái "hầm cá vồ" có đường nước thông thương "vô-ra" với con sông cặp bên đường quốc lộ. Người dân nơi đây lại sử dụng chính nguồn nước đó trong sinh hoạt hằng ngày như: Tắm, giặt, rửa... và nước được gánh lên, đổ vào lu, lóng phèn cho trong và uống. Tôi cũng không thể hình dung được là có bao nhiêu mầm dịch bệnh trong nguồn nước này. Thế mà, chính quyền địa phương nơi đây không nghe - không thấy - không có trách nhiệm gì dù nó nằm san sát đường quốc lộ.
Tôi đã hỏi một người đang đứng đợi đi cầu cá vồ (xin phép được giấu tên) và được anh cho biết:
- Dân nghèo, không có tiền xây cầu tiêu máy! Cả xóm xài chung một cây như thế này, đêm khuya đi cũng bất tiện lắm. Nhưng biết làm sao bây giờ, không ai bỏ tiền ra..
Thế thì những chính sách, dự án về "xóa cầu khỉ - cầu cá vồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long" chỉ là những dự án, dự kiến trên giấy tờ mà thực tế thì sao vẫn còn nhiều "lắt lẻo" thế này!

Back to top
« Last Edit: 08. Nov 2006 , 21:39 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 10-11
Reply #54 - 11. Nov 2006 , 11:16
 
Lại đọc thơ Bác

Hàn Lệ Nhân


Khen ai khéo tạc bình phong,
Ngoài long, lân, phụng trong lòng gạch vôi !

(Ca dao VN)


Ngoài cuốn Nhật Ký Trong Tù mà tôi đã say mê đọc đâu vài chục lần, tôi còn đọc nhiều, rất nhiều thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, kể cả hàng hàng lớp lớp những sách, những bài "nói-thẳng-nói-thật" về thi tài của một người vừa là "tượng trưng cho thời đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam", vừa nghe nói là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại", do đó đương nhiên "Thơ của Người là ánh sáng của cuộc đời hiện tại và mãi mãi là cuốn sách chỉ đường cho tương lai". Tôi chịu khó "rà" thật kỹ "Thơ Người" cũng chỉ mong sao "rút" ra kỳ được chút "đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" làm vốn lận lưng trong quá trình tập viết. Rốt cuộc, điều tôi "rút" ra được là thế nầy: Đọc riết buộc tôi để ý và nảy ra chút thắc mắc, trong cùng một con người "vĩ đại" mà sao phần thơ chữ Hán của Người lại có trình độ cao vượt bứt phần thơ thuần Việt, từ ngôn ngữ, ý tứ cho đến cấu trúc, văn phong..., đến nỗi nếu không biết trước tất cả là của cùng một tác giả (nhờ cái chữ ký như một thương hiệu bất khả chê), thiệt tình đố ai mà ngờ.

Ai tò mò đặt Nhật Ký Trong Tù kèm phần Việt ngữ, cạnh phần thơ thuần Việt của thi-hào-họ-Hồ, sự chông chênh lạ lẫm sẽ lộ rõ đến ngỡ ngàng, ngẩn ngơ rồi hoang mang, bàng hoàng: Phải chăng đó là nguyên do tác-giả-đa-tài-đa-ngôn-ngữ đã không tự dịch thơ mình ra tiếng mẹ đẻ hầu "nhân dân lao động anh hùng" dễ thưởng thức và dễ học tập, học thi hơn, mà cứ mặc ai "muốn dịch sao cũng được"? [1]

Trường hợp xấp ngữa này làm tôi tự động liên tưởng tới hai nhân vật trong bộ chưởng Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung:

«Có hai anh em sinh đôi giống nhau như tạc từ mặt mày đến tiếng nói và dáng điệu là Cừu Thiên Lý (có bản dịch gọi là Cừu Thiên Trượng) và Cừu Thiên Nhận. Ông anh Cừu Thiên Lý ngo ngoe vài chiêu thức đuổi ruồi nhưng cực giỏi việc bịa đặt lừa đảo;  ngược hẳn ông em là Cừu Thiên Nhận, bang chủ Thiết Chưởng Bang, võ công trùm đời, đặc biệt môn Thiết Chưởng và môn khinh công nên được quần hào võ lâm mệnh danh là Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu (tay sắt nổi trên nước). Trong thời gian Cừu Thiên Nhận ẩn tích trau luyện "Ngũ Độc Thần Chưởng" chờ Hoa Sơn Luận Kiếm kỳ 2, Cừu Thiên Lý lợi dụng có tướng mạo giống em nên thường mạo danh để mà mắt bàn dân thiên hạ ròng rả hơn 20 năm trời... mà không ai phân biệt được giả chân, cho đến khi bị Quách Tỉnh điểm huyệt "thiên đột" (huyệt nhột và ngứa), chịu không thấu Cừu Thiên Lý bèn cung khai ngọn nguồn...» [2].  Ôi, cũng như nếu không bị Internet "điểm huyệt" thì mấy ai biết được ai đó đích thực là ai...

Tôi cũng có để ý thấy, không hiểu nguyên do sâu và xa nào đã khiến thi-hào-họ-Hồ lẫn các phê-bình-gia-văn-học XHCN, trước sau, lấp la lấp lửng xem nhẹ tênh phần chú thích sự vay mượn ý tứ của thiên hạ, của nhân dân. Phần thơ chữ Hán của thi-hào-họ-Hồ, tôi đã tự nguyện trong khả năng hạn hẹp chú thích bổ túc một phần nhỏ trong bài "Đọc Lại Thơ Bác", đêm nay, như đã hứa, xin tiếp tục cho trọn nghĩa "xung phong" góp phần đưa "châu về hợp phố ".

A. Bổ túc phần thơ chữ Hán (Nhật Ký Trong Tù, Hồ-Chí-Minh, Viện Văn Học – Hà Nội, 1960)

1/ Bài Giải trào (Nói cho vui), trang 105:
Hán văn
Ngật công gai phạn trú công phòng,
Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng;
Ngoạn thủy du sơn tùy sở thích,
Nam nhi đáo thử diệc hào hùng !

Việt ngữ
Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Binh lính thay phiên để hộ tùng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng !


Câu "Nam nhi đáo thử diệc hào hùng" vốn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ [1778-1858] trong bài "Kẻ Sĩ":
......
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương.
Sĩ làm cho bách tuế lưu phương,
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ tri gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch...
(Theo sách "Đạo làm người của Nguyễn Công Trứ" của Vũ Ký,
trang 173, nxb Kim Ý - Sàigòn 1962).


2/ Bài "Nhập Tĩnh Tây huyện ngục" (Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây), trang 17:

Hán văn
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm,
Thiên thượng tinh vân trục vũ vân;
Tinh vũ phù vân phi khứ liễu,
Ngục trung lưu trú tự do nhân.

Việt ngữ
Trong lao tù cũ đón tù mới,
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Mây mưa, mây tạnh bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do.


Câu "Thiên thượng tinh vân trục vũ vân" vốn là anh em song sinh với câu "Giang thượng tinh vân tạp vũ vân" trong bài "Đỗ Công Bộ Thục Trung Ly Tịch" của Lý Thương Ẩn [831-858] đời Đường:

Hán văn
Nhân sinh hà xứ bất ly quần
Thế sự can qua tích tạm phân
Tuyết Lĩnh vị quy thiên ngoại sứ
Tùng Châu do trú điện tiền quân
Toạ trung túy khách diên tĩnh khách
Giang thượng tinh vân tạp vũ vân
Mỹ tửu Thành Đô kham tống lão
Đương lô nhưng thị Trác Văn Quân
(Toàn Đường thi Quyển 539 - bài 90, theo Xích Bích Kiều)
http://www.thuvienvietnam.com/article-559--0-0.html

Việt ngữ
Đời người có chỗ nào không có sự chia ly?
Vì chiến tranh nên mới tạm xa nhau
Tuyết Lĩnh chưa trở về người sứ giả ngoài ngàn dặm
Tùng Châu còn dừng lại vị điện tiền tướng quân
Trong bàn tiệc người say còn mời rượu người tỉnh
Trên mặt sông đám mây trong xen lẫn với đám mây tạp
Rượu ngon ở Thành Đô không xua đi được tuổi già
Nhưng trong quán rượu vẫn còn Trác Văn Quân đứng bán .
(Tiệc rượu chia tay với Đổ Phủ ở Thục trung, TinhNguyenVien01 dịch nghĩa)

http://www.thuvienvietnam.com/modules.php?name=Forums&file=viewtopic&t=1908&star...


B. Chú thích phần thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh

1/ Trong cuốn tài liệu mỏng "Lời Di Chúc của Chủ tịch Hồ-Chí-Minh" – Hà Nội 1969, trang 9, có câu:

"Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay",


làm tôi ngờ ngợ, nhớ tới cụ Tiên Điền cũng có câu:

Còn non, còn nước, còn trời,
Còn về, còn nhớ đến người hôm nay.
(Kim Vân Kiều, câu 557-558, Bùi Khánh Diễn, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971).


2/ Trong bài Ca Sợi Chỉ, câu 3 và 4:

Mẹ tôi là một đoá hoa
Thân tôi trong sạch tôi là cái bông
Xưa tôi yếu ớt vô cùng,
Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.


làm tôi liên tưởng tới:
1.
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
(Kim Vân Kiều, câu 2521-2522, sđd, trang 223)
2.
Ta đây như cây trong rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
(Thi Ca Bình Dân VN, tập 2, trang 467, Nguyễn Tấn Long & Phan Canh, nxb Sống Mới, Sàigòn 1969)


3/ Trong "Thư gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ (MTDTGPMNVN)", đề ngày 06/09/1967, có hai câu:

Đến ngày thống nhất nước nhà,
Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng !


làm tôi nhớ tới đoạn Thúy Kiều dựa oai Từ Hải để oán trả ân đền:
.......
Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng.
[Kim Vân Kiều, câu 2435-2436, sđd trang 218]


4/ Trong bài "Tặng các cụ lão du kích":

"Tuổi cao chí khí càng cao,
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng".


Hai câu "Tuổi cao chí khí càng cao, múa gươm giết giặc ào ào gió thu", sao mà chẳng mấy khác với:

Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu vị ào ào gió thu.
(Chinh Phụ Ngâm, câu 23-24, Đặng Trần Côn & Đoàn Thị Điểm).


5/ Vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương có đem biếu nhà-thơ-chủ-tịch-Hồ-Chí-Minh mươi quả cam và được Hồ chủ tịch đáp tạ bằng thơ:

Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây !
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai.
(Cảm ơn người tặng cam, HCM)


Câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", đã đến lúc phải trả lại cho dân gian Việt Nam:

1.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
2.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước sông nầy nhớ suối từ đâu.
3.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
4.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
Đường đi cách bến cách sông,
Muốn qua giòng nước, nhờ ông lái đò!
5.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay, giần sàng.
(Thi Ca Bình Dân VN, Nguyễn Tấn Long & Phan Canh, nxb Sống Mới 1969)


và câu "phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai" lại là của cụ Tố Như:

Thương vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
(Kim Vân Kiều, câu 3209-3210, sđd trang 262)


6/ Một lần vĩ-nhân-xứ-Nghệ trở về thăm làng Sen, trong bài phát biểu có câu:

Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình !


thế rồi từ đó, hai câu này "phải" thuộc tác quyền của Bác-Hồ: "người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết (Phạm Văn Đồng). Tuy nhiên, câu "Quê hương nghĩa nặng tình sâu" vốn nằm trong ca dao từ vạn đại:

1.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Thấy hoa gạo đỏ rủ nhau cùng về.
2.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Đất quê chôn chặt “nhúm nhau” của mình.
(Thi Ca Bình Dân VN, sđd);


và  ai hơi hơi thuộc Kiều, chắc chắn sẽ bị / được chưng hửng vì "nói rứa mà nỏ phải rứa" khi câu "Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình", lại cũng của cụ Nguyễn Du, thác lời Thúy Vân trong cảnh Kim-Kiều tái ngộ:

Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình !
(Kim Vân Kiều, câu 3069-3070, sđd trang 254)


7/ Trong bài "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ VN" có câu:

[«Bác Hồ nói:

"Nay tuy châu chấu đấu voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra".»],

http://www.vnuhcm.edu.vn/congtac/so 73-74/01.htm


là hoàn toàn không đúng sự thật, nếu không muốn nói là Bác đã nhận vơ rất tự nhiên, rất vô tư, vì từ ngàn xưa ca dao ta đã lưu truyền hai câu:

Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.


8/ Trong một bức thư gửi cho "ngụy binh", đề ngày 15/01/1951, Hồ chủ tịch có câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Con Hồng, cháu Lạc phải thương nhau cùng !


và báo giới Miền Bắc cứ buộc cho là do Bác "phát minh", trong khi kho tàng ca dao đã di lưu từ bảy mươi đời:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người chung một nước phải thương nhau cùng !


9/  Trong bài "Sáu Mươi Tuổi":
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên.
(HCM)


thì ca dao đã có:

1.
Ăn được ngủ được là tiên,
Không ăn, không ngủ là tiền vất đi !
2.
Ăn được, ngủ được là tiên,
Kém ăn biếng ngủ, mất tiền thêm lo.


9/ Trong cuốn Về Giáo Dục Thanh Niên, bài Khuyên Thanh Niên, HCM, trang 87, nxb Thanh Niên - Hà Nội 1977, được mào đầu bằng 4 câu thơ, với ghi chú "Thơ Hồ chủ  tịch, nxb Văn Học - Hà Nội 1967, trang 37":

Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.


thì từ xưa thật là xưa, ca dao tục ngữ Việt Nam đã dạy:
1.
Người có chí thì nên,
Nhà có nền thì vững.
2.
Ai ơi không chóng thì chầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
3.
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
4.
Ai ơi giữ chí cho bền,
Mặc ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.


Và nếu truy thêm chút đỉnh sẽ gặp mùi cổ thi Trung Quốc:

Hán văn
Tạc sơn thông đại hải
Luyện thạch bổ thanh thiên
Thế thường vô nhân sự
Nhân tâm tự bất kiên.

Việt ngữ
Sớm sớm lên đỉnh núi
Đội đá vá trời xanh
Bền gan không nản chí
Việc khó cũng thành công.


10/ Cũng trong cuốn sách nói trên, trang 104, bài  Nói Chuyện Với Nam Nữ Thanh Niên Học Sinh Các Trường Trung Học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), có dẫn câu:

[«Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà»]

phiá dưới ký tên Hồ Chí Minh.

Câu dẫn này – tuy không là thơ - lại làm tôi sửng sốt thực sự, vì tôi tin quyết ai có chút tò mò về thế giới ngoài Việt Nam đều biết hai năm rõ mười, câu nói nầy là của cố Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963), trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1961 tại Washington:

«Đừng hỏi dân tộc đã làm gì cho anh, mà nên hỏi anh đã làm gì cho dân tộc»[3]


(Don't ask what the country can do for you, but ask what you can do for the country." / "Ne vous demandez pas ce que votre pays peut faire pour vous, mais demandez-vous ce que vous pouvez faire pour votre pays", 20/01/1961).
http://fr.wikipedia.org/wiki/John_Fitzgerald_Kennedy - Citations

Rồi từ sự sửng sốt trên, tôi nhớ lại đã có lần nêu ra trong một vài bài viết khác về tầm tự trọng của một số "danh nhân" ở xứ ta, hơn nửa thế kỷ qua, qua việc nhận vơ trí tuệ của người làm của mình, chôm chỉa từ một câu nói đến hai dòng thơ qua nguyên bản nhạc... và tôi chỉ muốn gào lên, gào to lên sao cho vọng về tận khởi điểm của 4.000 năm văn hiến mà tôi hằng tự hào từ hồi mới lớn ! Nay, tiện thể xin ghi gom lại một lần cuối:

11/ Câu nói "từ dân, do dân, vì dân" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là phát biểu của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), sau trận chiến Gettysburg ngày 19 tháng 11 năm 1863:

"... and that government from the people, by the people, for the people"
http://showcase.netins.net/web/creative/lincoln/speeches/gettysburg.htm

"La démocratie, c'est le gouvernement du peuple, par le peuple, pour le peuple" (A. Lincoln)
http://www.evene.fr/citations/auteur.php?ida=151&p=2

12/  Câu "mười năm trồng cây, trăm năm trông người" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là quốc sách của Quản Di Ngô từ thời Chiến Quốc bên Tàu:

"Nhất niên chí kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế sách một năm không gì bằng trồng lúa, kế sách mười năm không gì hơn trồng cây, kế sách trăm năm không gì hơn trồng (giáo dục) người).

Ngoài xã hội, vô nhà người mà không xin phép, không gõ cửa đồng nghĩa với tà tâm "ăn trộm"hoado vô nhà người, mượn tài vật mà không ngỏ lời là "ăn cắp". Trong văn nghệ, mượn ý tứ của người mà không ghi xuất xứ là "nhận vơ". Chân thường nhân "ăn cắp", "ăn trộm" cái xấu hổ chân thường nhân riêng chịu, không lây lan cho ai. Ngụy vĩ nhân "nhận vơ" cái xấu hổ trở nên "vĩ đại", hơn nữa tiếp tục nhồi nhét đồ "nhận vơ" vào đầu trẻ nít, thanh thiếu niên; duy ý chí "nặn cục đất ra ông Táo", quanh co ngụy biện cho "đồ nhận vơ", cái xấu hổ sẽ thành "vĩ đại" trong cái "vĩ đại", chóng chầy cũng biện chứng thành cái "bình thường" của nhà nhà, cho khít với luật chơi "thượng bất chánh, hạ tắc loạn", hay:

Người trên ở chẳng chính ngôi,
Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.
Người trên ở chẳng được cao,
Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.
(Ca dao VN)


Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 22)

Ghi Chú:
[1]
http://danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=comments&op=Reply&pid=7109...

[2] Lược theo Anh Hùng Xạ Điêu tập VI, trang 182-186, nguyên tác Kim Dung, bản dịch Phan Cảnh Trung & Đà Giang Tử, nxb Hương Hoa – Sàigòn, 1964.

[3] Trong cuốn Tôn Giáo và Dân Tộc, Lý Chánh Trung, trang 16, nxb Lửa Thiêng – Sàigòn 1972, có dẫn câu này và cũng ghi rõ là của JF Kennedy.









Back to top
« Last Edit: 12. Nov 2006 , 09:58 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tản mạn qua đêm 10-11
Reply #55 - 22. Jan 2007 , 16:45
 

Anh Hàn Lệ Nhân ơi ,

My nghe Miên Thuỵ nói ở Hoà Lan bị bão , không biết chỗ anh có bị ảnh hưởng gì không ?
Anh có đêm nào tản mạn nữa  thì xin cho cả nhà nghe với nhé  Wink
Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
TÔI ĐẾN THĂM EM
Reply #56 - 22. Jan 2007 , 20:34
 
TÔI ĐẾN THĂM EM

Giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt; giữa những bộ quần áo đủ màu, đủ kiểu; giữa những chiếc xe bóng loáng lao vun vút; giữa những tài tử giai nhân đang dìu nhau trong đêm Giáng Sinh, tôi và một số bạn bè đến thăm em. Vâng, chúng tôi đến thăm em tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Không, em không phải là người chết, nhưng em là kẻ sống. Kẻ sống trong thế giới của những người chết.
Em dẫn chúng tôi vào bằng con đường tối tăm, để tránh công an. Nghĩa trang này, theo lời em, là nơi tụ họp nhiều tệ nạn, từ xì ke, du đãng đến ma túy, gái điếm nhất tại Sài Gòn. Có lẽ vì địa thế của nó và những tệ nạn xã hội khác nên nạn cướp giật những người đi đường cứ sảy ra nhan nhản. Không ai muốn đi ngang nơi này, nhất là vào ban đêm. Em cảm ơn chúng tôi đã dám can đảm, bỏ qua những lời đồn đại xấu của nơi này mà đến thăm gia đình em và các em mồ côi khác vào đêm Giáng Sinh hôm nay. Nghe em nói thế, tự dưng tôi bỗng rùng mình lo sợ. Tôi không sợ em, nhưng biết đâu còn bao nhiêu người khác sẽ đánh chúng tôi để cướp đi những món quà giáng sinh mà chúng tôi mang đến tặng các em.
Vòng quanh qua các ngôi mộ được khoảng 15 phút thì chúng tôi đến một nơi như giàn trận mà chúng tôi đã được coi trong phim tàu. Nào là cờ, nào là lá chắn, cây che. Tiến gần một chút chúng tôi mới nhận ra rằng đó chính là nơi mà gia đình em và các em mồ côi khác ở. Nó là những tấm giấy bằng cartoon, hay bằng những tấm áo mưa được mắc vào hai ngôi mộ, và giữa lòng hai ngôi mộ đó chính là nơi các em ở - Nơi kẻ sống ở giữa người chết.
Chúng tôi chia nhau ra, một số ngồi chơi với các em, số khác đi thăm những "ngôi nhà" bằng giấy giữa những ngôi mộ bên cạnh. Còn tôi thì ngồi tiếp xúc với một cụ già mà mọi người gọi là "Trưởng Làng" trong ngôi nhà bằng giấy của cụ. Cụ hết lời cám ơn anh em chúng tôi đã đến thăm làng của cụ. Cụ nói rằng nghĩa trang này có nhiều tệ nạn và nhiều người xấu lắm, nhưng không phải ai sống trong nghĩa trang này đều xấu cả. Làng của cụ là làng lương thiện, từ cụ già đến các em nhỏ đều sống bằng nghề đánh giày hay bán vé số. Cụ càng kể tôi càng cảm nhận được những "bông sen" giữa chốn "bùn nhơ," tôi càng cảm thấy Chúa đã ban cho tôi quá nhiều so với những mảnh đời bất hạnh này.
Nhìn quanh “nhà” của cụ, tôi thấy có ba cục đá nằm gần nhau, chắc là để dùng vào việc nấu nướng, có một cái nồi, hai ba cái chén, và một cục gạch khá sạch sẽ nằm riêng một góc, tôi liền buột miệng hỏi ngớ ngẩn: "Cục gạch kia là của cụ hả?" Cụ bẽn lẽn trả lời: "Cụ gạch đó tôi dùng để gối đầu ngủ đêm, và chỗ anh ngồi là nơi tôi ngủ, cái thùng rỗng anh đang ngồi lên là cái thùng tôi dùng để đi múc nước..." Cụ huyên thuyên kể toàn bộ gia tài mà cụ có, như là không có dịp nào khác để kể!
Khi các người anh em của chúng tôi đã trở về từ các ngôi nhà bên cạnh, họ gọi tôi ra để phát quà cho các em để chúng tôi còn kịp đi đến chỗ khác. Phần quà của mỗi em thật đơn giản, chỉ khoảng 1 dollar: gồm có một gói bánh, một gói kẹo, một hộp sữa ông thọ, nửa ký sữa bột và trên hết là có thêm một gói kẹo “M and M” mà tôi đã đích thân mang từ Mỹ về. Tuy đơn giản, nhưng những thứ mà các em nhận được hôm nay cả đời các em không dám mơ tới. Các em chỉ có thể nhìn thấy nó bày bán trên các siêu thị mà thôi, chứ làm sao có tiền mà mua.
Khi phát quà gần xong, bỗng tôi nghe có tiếng một số em nhỏ la to: "Công an tới! Công an tới!" Đã được dặn trước, bạn bè tôi mỗi đứa một nơi chạy toán loạn, riêng tôi có lẽ vì thân phận việt kiều không quen chạy trốn, mà có chạy thì cũng không biết đâu mà chạy nên được cụ trưởng làng dẫn trốn vào ngôi nhà bên cạnh nhà cụ. Nằm đó tôi không dám thở, tôi nghe rõ từng tiếng công an hạch hỏi cụ và những người lớn. Và cuối cùng họ cũng ra về, tôi thở một hơi thật thoải mái, cảm tạ ơn Chúa đã che chở cho tôi không phải được nghỉ đêm Giáng Sinh trên đồn công an.
Để tránh công an để ý, cụ trưởng làng không dẫn tôi ra khỏi nghĩa trang mà để một nhóm trẻ em trên chục đứa đưa tôi đến chỗ đã hẹn trước với nhóm bạn. Nhìn thấy tôi, đứa nào cũng nở nụ cười ra mặt, có đứa còn nói giỡn: "Sao, ông việt kiều có còn dám đi tới chỗ kế tiếp không?"
Tạm biệt các em với hai hàng nước mắt tuôn trào, chúng tôi lên xe Honda trở về điểm xuất phát để lấy quà và lại tiếp tục làm những ông già noel trong đêm giáng sinh với những mảnh đời bất hạnh.
* * * * *
Lạy Chúa, nhìn lên có lẽ chúng con không bằng ai, nhưng nếu nhìn xuống, chúng con cảm nghiệm được rằng Chúa đã ban cho chúng con rất nhiều. Xin cho chúng con biết chia xẻ, một tấm áo, một manh quần, một đồng bạc để tất cả mọi người trên thế giới này sẽ không còn bị ngăn cách bởi hố sâu của địa vị, của hận thù, của ghen ghét, nhưng sẽ trở nên "một tấm bánh, một thân hình và một nhiệm thể trong Đức Kitô!"
LM. Martino Nguyễn Bá Thông
(Hayyeuthuongnhau. org)


Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 10-11
Reply #57 - 26. Jan 2007 , 00:31
 
Văn hoá nhân vật


Hàn Lệ Nhân


[«Tạo hoá sinh ra bao nhiêu chủng loại người, có bấy nhiêu chủng loại vật và loài người đối xử với loài người ra sao, loài vật đối xử với nhau y như vậy.

Đã có bao nhiêu người sống trên xương máu và đời sống của những người vô tội : Có những kẻ như cọp, luôn luôn tàn bạo và độc ác; có những kẻ như sư tử với chút vẻ ngoài rộng lượng; có những kẻ như gấu, thô tục và tham lam; có những kẻ như sói, chiếm đoạt và tàn nhẫn; có những kẻ như chồn, sống bằng nghề chính là lừa bịp.

Đã có bao nhiêu con người từng quan hệ với các "bạn của loài người" ! Chúng nó tiêu diệt đồng loại, chúng nó săn bắt để vừa lòng kẻ đã nuôi dạy chúng nó; có những con luôn luôn theo đuôi chủ, có những con canh giữ nhà cho họ. Có những con thuộc họ Lái, bị buộc xích, sống nhờ vào giá trị bản năng, được tiền định dành cho chiến tranh do đó hội đủ sự cao sang của lòng can đảm; có những con thuộc họ Ngao, cuồng nhiệt mà phẩm chất chỉ là sự cuồng bạo; có những con, ít nhiều vô tích sự, thường chỉ biết sủa và lắm khi biết cắn; kể cả những con thuộc nòi ma-xó.

Có những con khỉ đực và những con khỉ cái, qua các điệu bộ, ra tuồng có trí năng và chuyên môn làm điều ác; có những con công mang nhiều vẻ đẹp, do tự chán ngán cái giọng của mình nên phá hoại những nơi chúng ở. Có những con chim chỉ đáng quý là nhờ vào sự líu lo và màu sắc. Có bao nhiêu con vẹt huyên thiên không dứt và chẳng bao giờ nghe những gì chúng nói; có bao nhiêu con chim khách và quạ khoang tỏ ra thân thiện chỉ để đánh cắp; có bao nhiêu con chim mồi chỉ sống nhờ cướp bóc; có bao nhiêu loài vật thuần hậu và yêu chuộng sự bình yên chỉ để làm no bụng các đồng loại khác.

Có những con mèo luôn luôn ở thế rình rập, ranh mảnh và bất nghĩa nhưng lại có những bước chân nhung; có những con rắn lục, duy cái lưỡi quá độc, phần còn lại đều hữu ích; có những con nhện, những con ruồi, những con rệp và những con rận luôn luôn gây bất tiện và khó chịu; có những con cóc chỉ gây sự kinh hoàng và có nọc độc; có những con cú sợ ánh sáng.

Bao nhiêu loài vật sinh sống dưới lòng đất để tự bảo tồn ! Bao nhiêu con ngựa đắc dụng cho loài người trong cơ man công việc,  bị bỏ rơi khi năng lực không còn;  bao nhiêu con bò lao lực trọn đời để làm giàu cho kẻ đã buộc ách vào cổ chúng; bao nhiêu con ve sầu mãn đời chỉ để hát rong; bao nhiêu con thỏ rừng sợ hãi mọi thứ; bao nhiêu con lợn sống trong bợm bãi và trong ổ rác; bao nhiêu con vịt mồi phản bội đồng loại bằng cách quyến dụ đồng loại lọt lưới; bao nhiêu quạ và kênh kênh sống bằng đồ hư thối và những xác chết ! Bao nhiêu con chim di trú, để sống còn, bay từ nơi nầy sang nơi khác và gây ra vô số nguy hại ! Bao nhiêu con bọ dừa khinh xuất và không mục đích; bao nhiêu con bướm tìm lửa để tự thiêu ! Bao nhiêu con ong mật tôn trọng thượng cấp và giữ vững kỷ cương và kỹ nghệ ! Bao nhiêu con ong bầu lang thang và biếng nhác, sống bám vào những con ong mật ! Bao nhiêu con kiến, nhờ tính dự phòng và cần kiệm, đã tự giảm bớt mọi nhu cầu !  Bao nhiêu con cá sấu làm bộ than thở để rồi nuốt tươi những kẻ dám đụng tới sự thở than của chúng ! Và bao nhiêu loài vật bị khuất phục bởi không ý thức được sức mạnh của mình !

Mọi phẩm chất nêu trên đều có trong loài người, và con người đối xử với đồng loại ra sao, loài vật đối xử với nhau y như vậy !»] (Theo La Rochefoucauld)

*


Trong mấy cuộc đối thoại - bị lén ghi âm - giữa hai con người đồng chủng, bên nầy là dân bên kia là bạn dân, tôi mới nghe được (và không đủ can đảm ghi ra đây) làm tôi trực nhớ, lục lại đoạn văn này:

[«Một chú cừu con đứng uống nước ven một dòng sông, một con sói trông thấy và muốn tìm cớ để nhai chú ta. Con sói đứng ở phía thượng nguồn nhưng vẫn cáo buộc cừu đã làm đục nguồn nước của hắn. Cừu đáp rằng "tôi chỉ uống có chút đỉnh lại ở phía hạ nguồn thì làm thế nào vấy đục được nước ở phía thượng nguồn". Sói, đuối lý, viện cớ khác: "Tao biết năm ngoái mầy đã chửi bố tao". ─ Làm sao tôi có thể chửi bố bác được vì năm ngoái tôi chưa sinh ra đời?", cừu trả lời. Nhưng sói cười khẩy "Mầy có đủ lý lẽ để tự vệ, nhưng tao vẫn ăn mầy như thường."»] (Ésope).

Karl Marx phân biệt con người và con vật ở chỗ: "Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo ứng dụng cho đối tượng: do đó con người cũng nhào nặn đối tượng theo qui luật của cái đẹp."

Cái đẹp của con sói, đặc biệt khi nó đói, đối với đối-tượng-trừu là tìm cách nuốt đẹp theo bản năng hay qui luật thiên nhiên mà chẳng mảy may ân hận: Loài vật rút ngắn được mọi tranh chấp bằng vũ lực. Đó là cái đẹp của rừng xanh. Còn trong xã hội loài người, đâu thể tệ như thế vì loài người nghe nói nơi nơi đều đã có luật pháp văn minh – cái mà loài vật không có bởi không cần - song vì lý do nào đó "chưa kiện toàn được luật pháp, người ta chứng minh vũ lực" vì "luật pháp mà không có vũ lực là bất lực", đúng vậy; có điều "vũ lực mà thiếu luật pháp là bạo lực" (Pascal): Loài người cho vũ lực là công lý ! Thảo nào bao nhiêu năm nay, tôi thường nghe con người đã khéo ứng dụng bạo lực với đối-tượng-người bằng cách nhào nặn với hai chữ rất đẹp: Nhân Danh !

Do đó, ai sao không biết chứ cá nhân tôi không thể thản nhiên tiếp tục nhân danh con số mấy ngàn năm lịch sử hay quá khứ hoặc văn hiến để dạy con trẻ tự hào, tôi nghĩ đó có khác gì cấy vào chúng mầm tự sát, khi mà bài học của lịch sử hoàn toàn viết bằng máu, xem ra vẫn là chút le lói nhập nhoè của những miểng kim cương li ti rời rạc, có rọi tới hiện tại tí nào đâu, mà đáng lý ra "hiện tại tức là dĩ vãng đã cuốn lại để cho ta hành động, mà dĩ vãng tức là hiện tại mở ra để cho ta hiểu biết" (W & A Durant - Nguyễn Hiến Lê).

Với phương tiện truyền thông liên lục địa và quá dễ dàng ngày nay, tôi xin thú thật đối với con trẻ, tôi mất hết can đảm loè cái nhân giả, lờ cái thú thật, như xưa các bậc trưởng thượng – khi hướng về nguồn cội, đã áp dụng với trang lứa chúng tôi. Con trẻ đã đặt những câu hỏi mà tôi đành giấu chút tự thẹn còn sót lại bằng cách đánh trống lảng hay nhìn mông lung im lặng. Và tôi tự hỏi: Có hay không phương trình nhân văn và khoa học nghiền, nấu ngàn miểng kim cương để gộp thành một viên hột soàn năm bảy ca-ra? Đơn cử như con-người-Nhật, sau 1945, nhào nặn vạn cục đất thó thành biệt thự; như con-người-Đức, từ thập niên 1990, tổng hợp mọi dị biệt để vững chãi là đại cường? Hai chủng loại nầy có đáng chính danh là giống người mới mà mấy cụ ông Mác-Lê-Mao chủ trương trồng hay không?


Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 12)
Back to top
 

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
hanlenhan
Full Member
***
Offline



Posts: 127
Gender: male
Re: Tản mạn qua đêm 10-11-12
Reply #58 - 26. Apr 2007 , 05:54
 


"Lịch sử" Tư Tưởng Hồ Chí Minh


Hàn Lệ Nhân


Cho tới tháng Tư 2007, Việt Nam dưới sự lãnh đạo ưu việt của ĐCSVN quang vinh có tổng cộng bốn bản Hiến Pháp: 1946, 1959, 1980 và 1992.

Hiến Pháp VNDCCH-1946 được sửa đổi lần thứ nhất vào năm 1959, tại sao ?

– Trước thành tựu to lớn trong chính sách Cải Cách Ruộng Đất quá ghê rợn khiến toàn Miền Bắc sôi sục vùng lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn buộc lòng đẩy TBT kiêm trưởng ban CCRĐ Trung ương là ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu ra làm bia "hy sinh". Ông Trường Chinh bị cách chức nhưng được "hạ cánh an toàn". (Hai năm sau [1958], ông Trường Chinh trở lại làm phó thủ tướng, chủ tịch Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội [1960-1981]… rồi Tổng Bí Thư lần thứ nhì, kế vị ông Lê Duẫn qua đời năm 1986). Ông Hồ Chí Minh sụt sùi, nghẹn ngào rơi lệ đọc diễn văn thú nhận "sai lầm", "xin lỗi" nhân dân Miền Bắc, hứa "sửa sai" và cho "sửa đổi" Hiến Pháp hầu xoa dịu quốc dân.

Hiến Pháp VNDCCH / CHXHCNVN-1959 được sửa đổi vào năm 1980, tại sao ?

– Năm 1979, trong lúc CSVN đánh chiếm xứ Miên Cộng ở phía Nam (1979-1989) thì ở phía Bắc, Tàu Cộng đưa quân qua "dạy cho Việt Cộng" bài học thứ nhất, do đó « tình hữu nghị Việt-Trung đời đời bất diệt »  đã được hiến định thành bản kết án « bọn bá quyền Trung Quốc và bè lũ tay sai của chúng ở Kampuchia ». Thực chất của việc sửa đổi Hiến Pháp lần nầy là phe thân Nga thanh trừng phe thân Tàu trong nội bộ ĐCSVN, đồng thời vừa ve vuốt dân chúng bằng hàng loạt mỹ từ như Dân Chủ, Tự Do…nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

Hiến Pháp CHXHCNVN-1980 được sửa đổi vào năm 1992, tại sao ?

– Điều 38, bản Hiến Pháp-1980 ghi : «  Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam ».

Cuối năm 1991, chế độ CS muôn năm sụp đổ (chỉ sau 74 năm hiện hữu) và trong khi Liên Bang Sô Viết rã thành 12 mảnh, thì ở Tây Âu 12 mảnh khác hợp lại thành một. Sự phá sản toàn diện của XHCN tại Nga và Đông Âu là nhát Búa-Liềm chí mạng đối với ĐCSVN « bách chiến bách thắng », nhất là trên phương diện « tư tưởng chỉ đạo ». Ngày Chết của cơ sở tư tưởng chỉ đạo Marx-Lênin tại thành trì Liên Sô vĩ  đại lại là ngày Nghén của Tư Tưởng Hồ Chí Minh khởi từ bản Hiến Pháp CHXHCNVN-1992, được thông qua « để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới ».

Năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh không hề có trong ba bản Hiến Pháp 1946, 1959 và 1980.

Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Câu rằng « dưới ánh sáng (đã lịm) của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng (mới ló) Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (ngụ ý trụ giữ chế độ) trong thời kỳ quá độ (ngụ ý thời kỳ khủng hoảng toàn diện) lên chủ nghĩa xã hội (ngụ ý chủ nghĩa tư bản với ngụy danh Kinh tế thị trường định hướng XHCN) ;

Câu rằng « lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động » chỉ xuất hiện từ 1992: "Lịch sử" Tư Tưởng Hồ Chí  Minh thực sự được bắt đầu như  thế. Nhưng TTHCM là gì ? Các cán bộ lý luận chính trị mọi cấp được chỉ thị phải ráo riết động não, vận dụng mọi cách, cấp bách "sáng tạo" ra bằng được "nội dung" cho cái tựa TTHCM, trong cơn đại địa chấn tư duy đang lao thẳng vào Ba Đình.

Trong tạp chí Cộng Sản số 435 (03/1992) có bài « Để tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam cho hành động », ký tên Song Thành, có nội dung cực kỳ « lúng túng, gượng gạo ». Lúng túng là phải, gượng gạo cũng đúng thôi vì « khó quá », vì từ hồi cậu Ba dưới Bến Nhà Rồng biến thành Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bắc Bộ Phủ, cho đến ngày chấm hết của chủ nghĩa Marx-Lênin ở Liên Sô, cả thế giới và ở Việt Nam nói riêng, có ai nghe nói tới cái tựa Tư Tưởng Hồ Chí Minh ?

Cán bộ Song Thành lý giải « cũng như mọi sự vật mới ra đời, Tư Tưởng Hồ Chí Minh không phải ngay từ đầu đã được thừa nhận và khẳng định ». Lời của tác giả Song Thành hoàn toàn hợp lý, hợp lẽ. Đúng vậy, chủ nghĩa Marx đã phải trần thân kinh qua nhiều biến thiên chính trị,  kinh tế, xã  hội… trên thế giới mới được « thừa nhận, khẳng định » và áp dụng tại Nga năm 1917,  nghĩa là 34 năm sau khi Karl Marx qua đời, năm 1883. Có điều, chủ nghĩa Marx có cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital / Le Capital) làm nền tư tưởng cho phong trào Cộng Sản quốc tế, còn Tư Tưởng Hồ Chí Minh dựa vào trước tác, bút tích nào của nhân vật có tên họ khai sinh là Nguyễn Sinh Cung / Nguyễn Tất Thành ?

Tôi đã rà đọc đâu mươi lần « Hồ Chí Minh Toàn Tập » và riêng bản thân tôi nhận thấy phần « sâu sắc » hầu hết nằm trong những bài huấn thị, diễn văn, những lời kêu gọi thông thường, chấm phá cơ man trích đoạn, vay ý mượn tứ của người khác nhưng triền miên lơ đãng quên ghi xuất xứ. Chẳng lẽ Tư Tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ được rút ra từ ruột Nhật Ký Trong Tù (1), Thơ Chúc Tết… hoặc từ « Vừa Đi Đường Vừa Kể… » « Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của  Hồ Chủ Tịch » mà tôi u mê không thấy ? Còn nếu « tinh thần tự lực, tự cường » là « cốt lõi của Tư Tưởng Hồ Chí Minh » như lời ông Trần Đình Hoan (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trả lời báo VietNamNet-21/05/2003, thì tội nghiệp cho hai chữ Tư Tưởng dăm phần, tủi cho Tư Tưởng Marx bội phần, nhưng bù lại con Rồng, cháu Tiên càng vững tin, hãnh diện và bái phục tinh thần tự lực, tự cường từ ngàn xưa của hai Bà Trưng, một Bà Triệu...!

Lâu ni tôi thường xuyên "tham quan" các trang Web chính thống của ĐCSVN để tiếp tục theo dõi họ phù phép biến tu hú ra phượng hoàng, để rình xem họ kiên trì mày mò xác lập Tư Tưởng Hồ Chí Minh ra sao, tới đâu rồi nhưng cá nhân tôi vẫn không "cầu thị" được gì ngoài nỗi chua xót rằng họ, ĐCSVN, vẫn trường kỳ khinh nhờn trình độ dân trí của con dân nước Việt vốn đã có bề dày « mấy nghìn năm lịch sử » và năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh huyễn hoặc được lòng vòng lòng thòng bằng ê hề vải vụn bấu víu từ áo Marx-Lê-Mao, Stalin… và u ê « công dân giáo dục », « đạo lý làm người » nồng mùi…Nho Giáo cấp phổ thông, có thể tóm gọn nhưng không sợ thiếu trong tám chữ Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư, mà đặc biệt trong hiện tình đất nước, vẫn chỉ có giá trị trên giấy ấy vì có « học mà  không hành » nên « càng học tập càng tăm tối » (Phạm Trần). Tuy nhiên, TTHCM, theo họ, « có hạn chế » song nhất định « không có sai lầm » ! Nhưng, một cách cụ thể - dù tương đối - TTHCM đích thị là gì thì chưa thấy ai « tinh lọc », « hệ thống hoá » để nó « sải bước cùng thời đại ». Chẳng biết rồi đây phải truy tìm tận cõi nào khác.

Như vậy :

•      Phải chăng « ở đây sự kiên định còn có dáng dấp của các nhà nho e ngại đụng chạm đến những tín điều đã (lỡ) dấn thân phụng sự và có thể là những lợi ích nhất thời (?)...» (Dương Trung Quốc, TTK Hội Khoa Học Lịch Sử VN, Đại biểu Quốc Hội-XI CHXHCNVN: Đóng góp ý kiến văn kiện ĐH-X, 12/05/2005).

•      [ «Phải chăng đây chỉ là một cách dễ dãi để che giấu thất bại về tư tưởng, che giấu một sự bất lực trong tư duy: dùng những tên tuổi gắn liền với nhiều thắng lợi lịch sử để.… đi ngược lại con đường những người ấy đã vạch ra ?
•      Phải chăng tư tưởng Mác-Lênin không những không có khả năng ngăn chận những sai lầm, thất bại của những đảng cộng sản cầm quyền, nó còn không có khả năng rút kinh nghiệm, phân tích, vạch ra những nguyên nhân thất bại, vạch ra đường lối mới để tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên phải thêm vào đó Một cái Tên để khơi ý !»] (Phạm Huy Đường: đọc sách Tư Tưởng HCM và Con Đường Cách Mạng VN, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, nxb Chính Trị Quốc Gia, HN 2000)

Theo chân và thánh hoá một lãnh tụ vĩ đại cỡ cụ Hồ Chí Minh suốt thời gian tròm trèm nửa thế kỷ mà mãi đến 23 năm sau ngày "Người" qua đời (1969) người ta mới rục rịch rì rầm rồi rôm rả rộn rạo rồi ríu ra ríu rít phát giác ra rằng « Bác vô vàn kính yêu » của người ta có...Tư Tưởng ! Quả là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, rất xứng đáng được đưa vào chương trình Chuyện Lạ Việt Nam XHCN !

Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 22)

Ghi chú:
(1) Xem "Đọc lại thơ Bác" và "Lại đọc thơ Bác" (HLN)

Tài liệu tham khảo chính :
-      Chủ nghĩa Mao không có Mao (Hoàng Lê Khổng Doãn Hợi, nxb Thông Tin Lý Luận, HN 1982)
-      Hồ Chí Minh Toàn Tập (nxb Sự Thật, HN 1978.)
-      Dọn Đường Về Nước (Nguyễn Hữu Nghĩa, nxb Làng Văn, Canada 1992)
-      Bốn bản Hiến Pháp của VNDCCH / CHXHCNVN
-      Internet








Back to top
« Last Edit: 27. Apr 2007 , 21:07 by hanlenhan »  

Đối thoại giữa chúng ta là đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã.
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tản mạn qua đêm 10-11-12-13
Reply #59 - 27. Apr 2007 , 10:03
 


Anh Hàn Lệ Nhân ơi ,

Cám ơn anh cho đọc Tản Mạn Qua Đêm  Wink
Nọ nay vắng anh, anh Bình_SV nọ nay cứ mong anh và đùa là chắc anh bị đòn rồi  Tongue Cheesy , My thì nghĩ chắc anh đang nghiên cứu thêm vài kiểu mắt nữa  Wink

Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 2 3 4 5 6 
Send Topic In ra