Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Sài Gòn của tôi  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 2 3 4 5 
Send Topic In ra
Sài Gòn của tôi (Read 10206 times)
HOA_HUNG
YaBB Newbies
*
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 17
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #30 - 24. Mar 2009 , 16:02
 
Chi My than,
lau lam khong co dip tham gia sinh hoat voi quy chi va quy co cua trương ban, vi minh co qua nhieu doi thay ve cong viec ve cuoc song, nen it co thoi gian , dao nay tương doi cung co phan hoi rong rai ve thoi gian , nen cung co tim toi bai vo cua cac ban hư tu cac noi gui ve ,goi la co chut dong gop vao trang bao dien tu cua trương Trung Hoc LVD ,
Back to top
« Last Edit: 10. Jul 2009 , 15:58 by HOA_HUNG »  

Một Mình vĩnh Biệt Cao Nguyên &&Mimosa Trả Cho Người Núi Non
 
IP Logged
 
HOA_HUNG
YaBB Newbies
*
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 17
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #31 - 10. Jul 2009 , 15:57
 
Than gui Chi My,
 lau lau moi co it thoi gian de vao tham trương ban , va xin dươc gui den quy thay co , quy chi , mot vai cau chuyen minh gop nhat dươc tren net ,
 Lam Son


Buổi Trưa Trong Tiệm Sách
Truyện Nguyên Nhung
Ông Nguyễn rất thích đọc sách. Hồi còn bé, hễ vào thư viện hay khi ở nhà, ông ngấu nghiến bất cứ cuốn gì vớ được. Học hành chẳng bao nhiêu, nhưng không ít thì nhiều nhờ đọc sách, kiến thức được mở mang. Mở như thế nào thì không biết, nhưng hễ ai nói tới chuyện gì ông cũng có khả năng góp vào được đôi câu cho có chuyện. Còn những chuyện vượt quá khả năng hiểu biết, ông nói lấp lửng ra điều " văn chương, chữ nghiã " vốn vẫn có những lắt léo bí ẩn không giải thích được bằng lời, mà nếu muốn hiểu thì mỗi người lại hiểu một cách, không ai giống ai.
Cũng đúng thôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu, tuỳ theo sự tiếp nhận cuả người đọc, cho nên ông ít khi góp ý hay bàn cãi về một tác phẩm, vì không khéo thì lộ cái dốt cuả mình ra, mà có khi lại bị đánh giá là người kém hiểu biết. Tốt nhất, "biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe", đó là ý nghĩ cuả ông, cuả giới chỉ thích đọc mà không biết viết. Còn giới nhà văn với nhau thì mỗi người một cõi, mỗi người là một thượng đế trong cõi thi văn cuả họ, nhân vật sung sướng hay hạnh phúc, xấu xí hay đau khổ , tha hồ được trí tưởng tượng cuả họ cho khóc cho cười, cho chết cho sống. Người đời thường nói đuà với nhau "văn mình vợ người", hay " hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ" chả biết có đúng không? Nhưng đa số có nhiều người chỉ đọc sách cuả mình , đọc đi đọc lại mãi không chán. Đứa con tinh thần mà, con mình dẫu không đẹp thì mình vẫn thương, huống gì nó được vắt từ tim óc .
Ông chỉ là một độc giả cuả các nhà văn, nhà thơ, thành thử ông “trung dung chính đạo”, hễ thích văn ai thì ông cũng cố dè sẻn chút tiền tiêu vặt để mua cuốn sách cuả họ. Nếu được nhiều người có lòng như ông thì đâu có câu : " văn chương hạ giới rẻ như bèo". Mấy lần ông định viết thư cho một tác giả mà ông ái mộ, nhưng sách in ra chẳng bán được bao nhiêu, với câu an ủi rằng sách vở thì có nhiều loại khác nhau, mà người đọc thì cũng nhiều loại khác nhau. Có cuốn vừa in xong còn nóng hổi, ngày ra mắt sách ì xèo người tới tham dự, nhưng xét về giá trị văn chưong vẫn không là sách quý, chẳng qua " nhất thân nhì thế " đó thôi. Giới nhà binh đọc sách thì phải có súng nổ, có đại bác, có xung phong, phi cơ bay lên bay xuống mới thành chuyện. Giới tù tội thì bắt buộc phải có đói, có rét, bị kỷ luật nằm trong " chuồng bò", gánh rau, gánh phân , khổ đến tận cùng bằng số. Riêng chuyện tình cảm xã hội là chung của mọi người, mỗi người mỗi kiểu khác nhau, thành thử ít có tác giả nào hoàn toàn được ái mộ trăm phần trăm, hay bị chê bai trăm phần trăm, vậy nếu đã là " nghiệp" thì cứ an tâm mà viết lách.
Suốt một tuần ở nhà, ông vẫn có thói quen ra phố vào ngày chủ nhật. Cái thú đi loanh quanh các tiệm buôn, ghé vào chợ mua vài món cần thiết, ghé ăn tô phở để lấy tờ báo, thế là "nhất cử lưỡng tiện", được cả món ăn vật chất lẫn món ăn tinh thần, mà chỉ mất có một lần tiền. Sau đó thế nào ông cũng ghé tiệm sách, nghe nói có vài cuốn sách vưà ra mắt độc giả, đọc quảng cáo thấy cũng hay hay, nhưng số tiền giá sách khiến ông băn khoăn, vì chỉ còn đúng mười lăm tiền trong túi. Phải tính toán tiền bạc cho văn chương chữ nghiã cuả các nhà văn như vậy, ông cũng cảm thấy hổ thẹn trong lòng, nhưng khổ nỗi tờ báo cho không ở các chợ hay các tiệm ăn, vẫn quyến rũ hơn vì có đủ mục trong đó. Trước tiên những tin tức cập nhật hằng ngày, hằng tuần xảy ra trên thế giới, ngoài nước trong nước vẫn làm người đọc thích thú theo dõi, sau đó mới rà rà qua mấy mục tử vi, mẹo vặt, chuyện trong nhà ngoài phố, tình ái cuả các ca sĩ, tài tử đang lên. Cuối cùng thì mới tới mục thi văn, nhưng món ăn tinh thần này phải có thì giờ nhẩn nha, không vội vã để ngốn ngấu ngay được.
Những người bận rộn không có thì giờ mó máy tới sách vở khá nhiều, cuộc sống bên này có mỗi hai ngày cuối tuần thì phải dành cho đám cưới, đám ma, shopping, đi nhà thờ, đi chợ, thế là hết. Còn những vị tuổi nhàng nhàng chưa già không trẻ như ông lại có thú đọc sách thấy cũng hiếm, nhất là khi bỏ tiền mua một cuốn sách, tác giả đã đăng nhão nhề mấy lượt trên các tạp chí biếu không, ông lại thấy lưỡng lự. Có khi đi chợ ông nhặt luôn được mấy số báo, tuần sau ông lại thấy bài ấy ở trong một tờ báo khác, tự nhiên ông khó chịu, như bị ăn hoài một món ăn, dẫu ngon tới đâu vẫn cảm thấy như không còn háo hức như lúc được ăn lần đầu tiên.
Ông nhớ hồi còn trẻ, thời cực thịnh cuả ngành báo chí, sách vở ở quê nhà. Báo cũng phải mua mà sách cũng phải mua, không thấy ai cho không biếu không như bây giờ. Những chiều thứ Bảy, những sáng chủ nhật tiệm sách đông nghẹt đám sinh viên, học sinh, những cặp tình nhân ríu rít đi có đôi có cặp vào lựa sách, rồi tấp qua Rex xem phim thì không có buổi chiều nào thơ mộng bằng. Giáo khoa, nghiên cứu, tự điển, tiểu thuyết, thi tập bán chạy như tôm tươi. Bây giờ nhìn thấy vẻ eo xèo cuả những tiệm sách, vẫn trăm hoa đua nở mà khách thưởng hoa thì thưa thớt ông lại thấy ngậm ngùi. Tuy thế, ông vẫn có cái thú tạt vào tiệm sách để ngắm nghiá những cuốn sách phẳng phiu đầy màu sắc, bày đầy trên những chiếc kệ gỗ cũng rất hấp dẫn, như đi xem tài tử giai nhân trảy hội ngày Xuân, chưa kể mùi thơm cuả giấy cũng quyến rũ không thua gì nước hoa. Rồi khi đọc những tác phẩm mình thích, thì đúng là đang hít thở cái hương hoa cuả văn chương vào tim óc. Giới nhà văn , nhà thơ bói đâu ra được một độc giả như ông, để mà cảm tạ một người vô danh có lòng với văn chương sách vở.
* * *Khi ông bưóc vào tiệm sách trời cũng đã xế trưa, ông chủ tiệm đầu hoa râm, đeo đôi kính lão đang ngồi chăm chú với cái máy điện toán. Ông ta liếc nhìn khách, nở một nụ cười xã giao rồi lại cắm cúi làm việc. Hình như thế giới cuả tiệm sách là thế giới cuả im lặng, khách cứ vào rồi ra, chả ai hỏi ai, chỉ khi nào tìm được cuốn sách, hay tạp chí muốn mua, họ đến quầy tính tiền rồi đi, chứ ít khi nghe tiếng chuyện trò như ở những quán ăn.
Bà vợ ông chủ có vẻ hiếu khách hơn, lẽo đẽo theo khách với một nụ cười tươi như hoa để cầu may, vì từ sáng đến giờ bà chưa bán được cuốn sách nào. Ngó bề ngoài, bà đánh giá ngay được khách thuộc thành phần nào, nên kiên nhẫn đi theo để chỉ dẫn. Bà chỉ một dãy những sách mới được trưng trên kệ gỗ, nhưng thấy khách liếc mắt qua nhìn sơ với vẻ hờ hững, bà bèn đi về phiá ông chồng lúc này cũng đang ngồi ngó ra ngoài sân nắng, nhổ râu. Chả biết làm gì thì ông ta cứ vặt râu cho đỡ buồn, rồi lại ngáp. Bên ngoài nắng đã lên cao, mới giờ này mà sao cơn buồn ngủ làm ông ta díu cả mắt.
  Khách lại thưa thớt, chỉ loe hoe vài người đi tới đi lui, cầm hết cuốn này lên rồi lại đặt cuốn kia xuống, băn khoăn lưỡng lự . Bà vợ đã đi vào nhà hâm bữa cơm trưa, ông chủ tiệm cứ ngáp ngắn ngáp dài, chắc ông ta đang mong có tay bạn nào rảnh rang, ghé qua đấu láo cho qua cơn buồn ngủ.
  Chỉ có mỗi người khách la cà lâu nhất là ông trong tiệm, đi đi lại lại mà chưa biết sẽ mua cuốn nào. Trước tiên , ông vẫn có thói quen đánh giá cuốn sách qua tên tuổi tác giả, rồi ngắm nghiá cái bià sách để thưởng thức trước khi " chọn mặt gửi tiền". Ông lại có thói quen gần giống hầu hết những người đi mua sách, gì thì gì cũng phải xem qua tiểu sử và hình ảnh cuả tác giả.
  Có nhiều người nay đã lên lão làng, lại cho in tấm hình còn trẻ măng, oai phong lẫm lẫm trong bộ chinh y thuở mới hai mươi tuổi. Có ông lại nhờ hoạ sĩ vẽ hộ theo trường phái lập thể, ngó qua thấy rất trừu tượng. Có cô văn sĩ hình rất đẹp, trông như nữ sinh mười tám tuổi. Chuyện này khiến ông cứ phải cười hoài một mình, vì chính ông đã tương tư một nhà văn nữ chỉ vì tấm hình ở ngoài bìa sách, lại mê tít giọng văn ngọt ngào cuả cô ta, ông cứ ao ước được gặp để xem dung nhan thần tượng. Nhưng khi tình cờ gặp người trong mộng bằng xương bằng thịt, ông đâm vỡ mộng, giận mình và thề rằng không bao giờ đi tìm một tác giả nào nưã, kể cả đàn ông cũng như đàn bà.
  Đấy là phần hình ảnh, còn tiểu sử và những lời khen tặng thì đã được in đầy bià sau, không bỏ phí một ô vuông nào. Ông thích đọc tiểu sử tác giả y như trẻ con học bài sử ký, vì nó có ghi rõ năm rõ tháng và sinh quán cuả tác giả, cùng những trường học và bằng cấp đã đạt được trong đời người. Cái này quan trọng lắm, vì nó là bảo chứng rõ ràng nhất để đánh giá một cây bút có tầm cỡ và trình độ. Hầu hết cuốn sách nào cũng có tiểu sử cuả tác giả, không vắn thì dài, chỉ có những tác giả tầm thường không xuất thân từ trường lớp nào, ngoài tấm hình trơn tru không thấy có phần tiểu sử. Phần này có nhiều kiểu khác nhau, có tác giả thì viết tiểu sử rõ ràng theo thói quen làm lý lịch hay khai hộ khẩu thời xã hội chủ nghiã, có lẽ bị ám ảnh phải thật thà khai báo chăng? Có ông cẩn thận hơn, khai rõ cả thuở hàn vi cho tới hồi cực thịnh, rồi quan quyền, tù tội đầy đủ, khiến nguyên một mảnh bià sau đặc kín những chữ.
  Ông cứ vưà đọc vưà tủm tỉm cười, khi tình cờ đọc những cái tiểu sử chả ăn nhậu gì tới tác phẩm cả, nhưng đó là nghệ thuật quảng cáo cuả mỗi người. Bây giờ đứng trước một hàng những cuốn sách còn phẳng lì , trơn láng bìa giấy cứng, ông bắt đầu chọn lựa một cuốn sách có giá trị mà lại vừa vặn với túi tiền cuả mình nữa. Khó quá đi thôi, cuốn nào cũng xứng đáng với công sức cuả tác giả, đủ loại từ biên khảo, dịch thuật hay phóng tác, lịch sử, dã sử, hồi ký và sáng tác. Hồi ký chiếm đa số trong hàng hàng lớp lớp những cuốn sách trong tiệm, hầu như mỗi tác giả là một vùng trời khác nhau, nhất là những hồi ký về chính trị hay lịch sử, thì cũng một thời kỳ ấy mà mỗi vị lại kể một khác, tuỳ theo góc cạnh và chỗ đứng cuả họ. Còn truyện dịch, ông chưa thấy ai qua mặt được tác giả dịch tác phẩm " Bố Già" ở thập niên sáu mươi, tuy là dịch bản nhưng đọc hấp dẫn từng câu, từng chữ. Ông không chịu nổi lối phóng tác truyện nước người ra nước mình, vì tư tưởng giữa hai nền văn hoá khác nhau, bối cảnh và ngôn ngữ , lối suy nghĩ hoàn toàn khác, nó chỏi nhau đến độ ngớ ngẩn. Chỉ có sáng tác là dễ viết nhất, vì nó chả đụng chạm tới ai, chuyện là chuyện đời thì nó giống nhau, ai cũng tưởng tượng ra được, chỉ cần sắp xếp sao cho có tình có lý.
  Có nên tin vào những lời tựa hay bài giới thiệu trong những cuốn sách không nhỉ? Sách là một món ăn tinh thần thì cũng phải " ăn " mới biết ngon hay dở, còn cứ liếc qua mấy trang đầu thì chưa ăn thua, bởi vì có những tác phẩm càng đọc càng thấm, càng thấy cái sâu sắc cuả truyện. Băn khoăn mãi mà chưa dứt khoát mua cuốn nào, vì chỉ có mười lăm đồng trong túi, ông đã nghe có tiếng cười nói tíu tít cuả một đám nhơ nhỡ đi theo một bà xồn xồn bước vào tiệm. Ông chủ tiệm đang ngồi gõ lạch cạch cái còm-piu-tơ, nhướng mắt lên nhìn, bà vợ lại đon đả mời khách. Tự nhiên ông cũng mừng giùm cho người chủ tiệm , và mừng cho nền văn hoá Việt Nam vẫn còn tồn tại được, bởi những lớp trẻ đang vươn lên ở xứ người. Khách đây là một bà xồn xồn với hai cô tre trẻ, chắc là ba mẹ con, thêm một anh thanh niên ngó bộ dạng là người yêu cuả cô con gái lớn. Bà chủ tiệm lại đon đả mời:
" Bà và cô cần loại sách nào?"
Hai nguời đàn bà toe toét cười. Cô gái hỏi:
" Có sách xem tử vi và so tuổi không hở bác?"
Hoá ra cô bé sắp lấy chồng, cô cần so tuổi để coi ngày làm đám hỏi đám cưới. Gì chứ thứ này rất sẵn, bà chủ mau mắn dẫn ba người đến chỗ để đầy những sách tử vi, lịch Đông Phương và bói toán. Cô chụp ngay lấy cuốn có bàn tay bên ngoài cuốn sách, rồi reo lên như tìm được tri kỷ:
" Đây rồi! " Cô nũng nịu gọi anh thanh niên:
" Anh nè, đưa tay đây em xem. Nắm chặt tay lại coi nào. Hai đường chỉ nhé, thế là tới hai lần vợ, thôi em chả lấy anh đâu."
Gã thanh niên càu nhàu, lườm cô gái:
" Chúng nó chỉ viết nhảm, thế mà cũng tin".
Bà mẹ đã lựa xong cuốn tử vi đẩu số, rồi bà nhìn quanh quẩn, nói trống không:
" Có cuốn " Con ma vú dài" không?"
Bà chủ tiệm kiên nhẫn:
" Sách đó cuả ai hở bà?"
Cô con gái vội kéo tay mẹ, giọng hơi mắc cở:
" Không có cuốn đó đâu má. Đó là phim bộ Hồng Kông mà, má phải qua tiệm Video."
    Rồi bốn người kéo nhau ra quầy tính tiền, cô con gái còn mua thêm một cuốn tiểu thuyết diễm tình " Mười đêm không ngủ " nữa. Họ kéo nhau đi, chỉ oòn lại ông là người khách duy nhất trong tiệm, với bao nhiêu cuốn sách đẹp phây phây đang chờ ông chọn về làm bạn.
 Ông cầm hết cuốn này lên, rồi lại đặt cuốn kia xuống, giá có tiền thì ông bưng về hết để khỏi phụ lòng anh em cầm bút. Vốn đa cảm, ông ứa nước mắt khi nghĩ đến cái nghề mà thiên hạ cứ bảo là bạc bẽo, thầm phục sự can đảm cuả các nhà văn, nhà thơ. Thời buổi khó khăn, bỏ bao nhiêu công sức để vắt óc vắt tim viết được một cuốn sách, bỏ mấy ngàn đồng để in, để rồi thu vào từng chục bạc với nỗi vui sướng vẫn có người mua sách, đọc sách cuả mình. Họ đâu có cái can đảm hay trâng tráo để tự khen ngợi văn chương cuả mình, theo kiểu : " Phở ngon không cần bột ngọt, đầy đủ mùi vị hấp dẫn", vì văn chương khi được in thành truyện, đã cho ra đời để đến tay người đọc, là nó đã thuộc về đám đông, và chỉ được đánh giá bởi độc giả mà thôi.
Những cuốn sách trên kệ gỗ cứ đập vào mắt ông những hàng tựa thật nổi, thật đẹp. Có những tác phẩm đồ xộ dầy hằng bốn trăm trang nằm im lặng như một nấm mộ đẹp, ông nhìn thấy đã mấy năm rồi mà vẫn còn trên kệ sách. Có những tác phẩm khiêm nhượng hơn , với bìa màu trang trí lộng lẫy, buồn so như cô gái có nhan sắc mà duyên phận lại hẩm hiu. Vốn đa cảm, ông hay lẩn thẩn nghĩ chuyện này ra chuyện kia, với cái đà này thì mong gì mươi, mười lăm năm nữa, liệu rằng những đám già thích đọc sách như ông tiêu diêu miền cực lạc, còn ai đọc nữa để bảo tồn Văn hoá Việt.
  Thỉnh thoảng lại có người ghé vào mua cái CD vài đồng bạc, hay tờ tạp chí hai đồng . Nhà văn với nhà báo là hàng xóm cuả nhau, cũng chịu chung số phận một trời lận đận. Nhưng có những tạp chí hay nhật trình, lấy được nhiều quảng cáo thì họ sống nhờ vào đó, còn mấy tờ ít quảng cáo chỉ trông cậy vào độc giả xa gần thì thê thảm hơn, ít ra gia đình họ phải có nền kinh tế vững vàng, báo bổ chỉ là thứ nghiệp chướng mà vợ con họ phải ghé vai vào gánh vác. Chưa kể trăm thứ " tiền oan nghiệp chướng" khiến đã có người mai miả : "ghét ai thì cứ xúi người ấy làm báo". Nhà văn đã khốn khổ vì sách, nhà báo cũng khốn khổ vì báo, sách báo đưa qua tiệm sách thì kể như tung lá đi bốn phương Trời mười phương Phật, hiếm khi thấy " lá rụng về cội".
   Óc tưởng tượng khiến ông cứ nghĩ xa hơn. Mai mốt đây nếu Trời cho ông sống lâu trăm tuổi, vẫn yêu thích văn chương, nhưng mắt mũi mờ mịt có thấy gì đâu mà đọc. Ông chủ tiệm và bà chủ tiệm, những người chọn nghề bán sách làm nghề cao quý để gần gũi văn chương, sách vở, chắc khó lòng tìm được người để nối tiếp nghề nghiệp cao quý này. Và, những tiệm sách Việt Nam cứ từ từ biến mất hẳn ở hải ngoại. Một nhà văn nổi tiếng đã từng than thở với ông:
" Viết chỉ vì cái nghiệp, lại là cái nghiệp khổ, " đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách cứ trời gần trời xa". Bỏ một số vốn kha khá để ra một tác phẩm, vưà bán vưà cho, chỉ mong gỡ lại vốn, để khi nào có dịp lại có tiền làm cuốn khác. Đó là kinh nghiệm " lấy ngắn nuôi dài", trả bớt cái nghiệp khổ để kiếp sau khỏi vướng vào nghiệp cầm bút."
* * *Cuối cùng thì ông cũng phải rời tiệm sách, vì ngoài kia nắng đã nghiêng vai chiếu cái nắng chói chang vào cửa tiệm. Thấy ông kề cà lâu quá mà chưa chọn được cuốn sách nào, ông chủ tiệm nhìn ông với cái nhìn thiếu thiện cảm, làm như ông là kẻ đang ăn cắp chữ nghiã không bằng.
Ông thò tay vào túi, mười lăm đồng chỉ mua được có một cuốn sách mà cuốn nào ông cũng muốn mua. Ông thương quá những hình ảnh tác giả trang trọng ở bià sau cuốn sách, ông thương quá những giòng chữ đều đặn viết bằng những đam mê và khắc khoải cuả nhiều đêm không ngủ, những ray rứt, những nghĩ suy trăn trở cuả tác giả đã gửi gấm hồn mình qua nhân vật cuả truyện, để rồi nằm chơ vơ trên kệ sách mờ dần với lớp bụi thời gian.
Với mười lăm đồng quả chưa xứng đáng cho công lao cuả những người vắt tim óc ra thành chữ kia, nhưng biết làm sao bây giờ? Ông ngần ngừ mãi rồi chọn một cuốn cuả nhà văn nữ, chỉ vì tội nghiệp tác giả không có phần tiểu sử ở mặt bià sau.
Nguyên Nhung
Back to top
« Last Edit: 10. Jul 2009 , 15:57 by HOA_HUNG »  

Một Mình vĩnh Biệt Cao Nguyên &&Mimosa Trả Cho Người Núi Non
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: CHỊ HỒNG LƯU
Reply #32 - 28. Nov 2009 , 09:35
 
Hao Nhien Nguyen Tan Ich
Căn nhà của ông bà Nội tôi để lại nằm ngay khúc quanh của con đường làng. Một con đường đất rộng, ba chiếc xe bò có thể tránh nhau một cách dễ dàng. Cái cổng với hai trụ tròn xây bằng gạch nâng tấm bảng gỗ có viền hoa văn với ba chữ đại tự : NGUYỄN TỰ ĐƯỜNG  màu vàng nhụ. Bên trên là mái cong lợp bằng loại ngói âm dương trông như vẩy con rồng. Bên trái đoạn đường từ cổng vào nhà là hồ sen . Đến mùa hoa sen nở hương thơm tỏa ngát cả một vùng. Lối đi xung quanh bờ hồ có lan can sơn màu đỏ, nơi mà bác Cả, cha tôi và cụ Tú Mẫân thường hay dạo chơi và đàm đạo thơ văn vào những buổi chiều hè. Khu nhà xây gồm ba dẫy theo hình chữ U. Dẫy giữa làm nơi thờ tự. Dẫy bên trái là khu của vợ chồng bác Cả và người con gái tên Hồng Lưu mà chúng tôi thường gọi là Chị Hai . Dẫy bên phải là phần của gia đình cha mẹ tôi. Tiếp giáp ba khu nhà là cái sân lót gạch bát tràng rộng thênh thang.
   Năm tôi lên ba, chị Hồng Lưu, con bác Cả về nhà chồng. Chồng chị còn là một thư sinh, con cụ Bang Hoành ở miệt trong. Anh Thân chồng chị Hồng Lưu theo Tây học, đang học lấy bằng Thành Chung ở trường Khải Định ngoài Huế. Anh chị chỉ được gần nhau trong ba tháng nghỉ Hè  Tháng 12 năm 1946,Việt Minh tuyên cáo “Toàn quốc kháng chiến”. Họ phát động phong trào “Tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống”. Kêu gọi toàn dân triệt hạ tất cả nhà cửa, vườn tược, bỏ thành thị tản cư đến vùng nông thôn. Quốc lộ Một hoàn toàn bị cắt đứt.
Anh Thân chồng chị Lưu bị kẹt ngoài Huế kể từ ngày tháng đó. Chị trông ngóng tin tức  mỏi mòn. Một năm, hai năm rồi bảy năm chị chờ đợi. Vào đầu năm 1952, chị từ quê chồng về thăm gia đình . Đêm ấy chị bàn thảo với bác Cả và mẹ tôi: - Ba ngày nữa con sẽ đi Huế tìm chồng con.Mẹ tôi hỏi :- Tình hình ngăn sông, cấm chợ và lạ cảnh lạ người làm sao con đi ?
- Quyết tâm là đi được. Con sẽ theo chân những người đi buôn, rồi dò đường ra Huế. Chị Hai vừa nói vừa nắm chặt tay bác tôi và mẹ tôi  như để  cho hai người thân được yên lòng.
- Nhưng con ơi, Bác tôi tiếp : 
- Thân gái dặm trường, từ đây ra Huế xa hàng mấy trăm cây số làm sao con chịu đựng nổi. Thôi thì ở nhà chờ đợi vài năm nữa rồi hẵng hay. Bác tôi vừa khuyên nhủ vừa vuốt mái tóc cháy nắng của con gái. Hai ngày sau, Bác tôi moi dưới chân giường lấy ra một chiếc hộp thiếc đưa cho chị tôi. Trên mặt hộp có mấy tờ giấy bạc Tín phiếu (tiền của Việt Minh phát hành tiêu dùng trong vùng) còn lại là toàn bạc Đông Dương hình người gánh dưa. Bác tôi, nước mắt lưng tròng nắm tay chị Lưu dặn dò:
- Con cố giữ mình. Mẹ khấn nguyện  Phật Trời phò hộ cho con ra đi được suôn sẻ. Khi gặp được chồng con rồi, có điều kiện thuận lợi thì tin cho gia đình mừng. Chị Lưu ôm bác Cả và mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi đứa nào cũng sụt sùi trước cảnh chia tay. Chị đến ôm hôn từng đứa em một. Giọt nước mắt của chị rơi trên má tôi khiến cho tim tôi nhói đau tưởng chừng chị ra đi không còn trở lại. Ngày đám cưới của chị, lúc từ biệt về nhà chồng, chị cũng nước mắt giọt vắn giọt dài nhưng lòng tôi lại vui mừng hớn hở. Chúng tôi được nghe pháo nổ rộn ràng, được ngắm xem họ hàng chưng diện áo quần sặc sỡ đủ màu. Anh rể tôi, mặc bộ vét-tông vải tít-xuy màu trắng, mang đôi giày da màu trắng và chiếc nón cối cũng màu trắng theo thời trang Âu phục bấây giờ. Chị Lưu mặc áo cặp lụa hồng, quần lãnh trắng, guốc cao gót, tay cầm dù hồng được anh rể tôi đưa lên chiếc xe hơi màu đen lánh có dải lụa đỏ thắt nơ treo trước đầu xe.
  Ngày nay, chị Lưu từ biệt gia đình đi tìm chồng trên đất lạ quê người với tấm thân gầy gò, tàn tạ. Bộ áo quần vải ta đen nội địa dãi dầu mưa nắng đã trở màu bạc phếch. Hai hình ảnh trái ngược đó như khắc sâu trong ký ức của tôi không bao giờ phai nhạt.
Chị Lưu ra đi vào lúc trời vừa hừng sáng. Chị em tôi tiễn chân chị đến ngã ba huyện lộ mới quay về. Từ ngày đó gia đình tôi không được tin tức gì về chị.
Mãi đến hai tháng sau, vào một buổi chiều mùa Đông. Một người mặc áo tơi, đội nón lá đi vào nhà tôi dưới cơn mưa tầm tã. Người thanh niên trẻ tuổi nhưng gương mặt rắn rỏi, phong sương đi thẳng vào nhà để nguyên áo tơi ướt dầm dề nước mưa, đưa cho Bác tôi một gói giấy rồi quày quả ra đi, không nói một lời nào. Bác tôi cầm gói giấy mà cả người run lên. Chị em chúng tôi cũng vô cùng hồi hộïp. Chẳng biết bên trong gói giấy ấy có những gì. Tin vui hay tin buồn, niềm hạnh phúc hay nỗi đau thương tang tóc. Dù trong cơn nôn nóng, cả nhà cũng đành chờ đến tối mới dám mở ra. Ngừa cảnh “tai vách mạch rừng”, mẹ tôi vội mang gói giấy bỏ vào ống tre nơi chuồng heo để che mắt những cặp mắt cú vọ đang làm công tác theo dõi “kẻ thù của giai cấp công nông”.  Trời mới chập choạng tối, chúng tôi đã vội vã lên đèn. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét, bác Cả khui gói giấy vừa nhận lúc xế chiều. Dù người khách lạ không nói gì nhưng chúng tôi đoán biết đó là tin tức của chị Lưu. Đúng là quà của chị Lưu gởi về gồm một lá thư và xấp tiền tín phiếu. Thư chị viết :
   “ Kính thưa Mẹ và thím Ba, từ lúc con ra đi đến nay đã trên một tháng. Con theo mấy người đi buôn lậu vừa trốn tránh công an Việt Minh vừa phải đi bộ suốt mấy ngày mới tới khu giáp ranh.  Từ quê mình đi bộ đến An Tân đợi đêm xuống mới lên chuyến đò dọc. Từ đây đi suốt  đêm mới ra đến chợ Được, Quảng Nam. Từ chợ Được đi bộ men theo những con đường làng đầy đụn cát mất trên nửa ngày thì đến Tiên Đõa. Tại đây, bên bờ Nam sông Faifoo (Hội An) ban đêm Việt Minh kiểm soát ngăn chặn “Bọn Dinh Tề ” *(Danh từ Việt Minh gọi những người trốn sang vùng Quốc Gia). Bờ Bắc trở ra  do lực lượng của Pháp và Nghĩa Dũng Đoàn của  chính phủ Bảo Đại đóng đồn trấn giữ.  Trong lúc chờ đợi để lấy thêm tin tức về đường đi nước bước, con tận dụng số tiền mẹ cho mua hết hàng hóa rồi theo đoàn người trở vào An Tân bán lại cho con buôn đi tuyến đường trong Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định. May mắn là những chuyến hàng của con đi trót lọt nên kiếm được một số tiền khấm khá. Nay con gởi lại số tiền mẹ đã cho con để phòng khi đau yếu. Đồng thời con biếu các em một ít để mua giấy bút đến trường. Tình hình ranh giới hiện nay rất căng thẳng, công an Việt Minh kiểm soát gắt gao lắm. Lý do là những ngày vừa qua có một số người từ Quảng Ngãi trốn qua vùng Tề tại địa điển nầy,  như thầy Nguyễn Ngọc Ngư (1), Ông Phạm Văn Diêu (2), ông Hồng Tiêu(3) và bác sĩ Huỳnh Tấn Đối (4) người huyện Bình Sơn. Con biên thư nầy cho mẹ và thím Ba trước khi con thực hiện chuyến đi. Hy vọng ơn trên độ trì cho con thoát được. Cuối thư, con cầu chúc Mẹ và Thím cùng  mấy em luôn được khỏe mạnh. Mong một ngày nào đó chúng ta sẽ đòan tụ. Con gái của mẹ." Nghe chúng tôi đọc xong thư, bác Cả và mẹ tôi  nước mắt chảy ròng. Đêm đó và những đêm kế tiếp, bác tôi không ngủ được cứ trằn trọc mãi, hêùt than vắn thở dài lại ngồi dậy nhai trầu. Bác thắp hương lên bàn thờ rồi bó gối ngồi trên giường lâm râm khấn nguyện.
      
                                 * * *
Suốt tuần lễ qua, một người đàn bà điên quần áo xốc xếch không biết từ đâu tới, miệng cứ nói lầm bầm không ra lời, đi nghều nghễu qua lại trên quãng đường từ làng Tiên Đõa đến chợ trời Kiến Tân nằm về tả ngạn con sông Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam  Đêm nay dưới cơn mưa rả rích của những ngày vào Đông, người đàn bà điên lại ra đi trong bóng tối mịt mùng. Cơn mưa dần dần nặng hạt từ lúc xế chiều kéo dài đến khuya và cũng có thể đến ngày mai. Nước đã ngập trắng xóa cánh đồng dọc theo con sông trước mặt. Người đàn bà điên đi trong đêm tối không mấy người để ý đã vượt qua đoạn đường của lực lượng canh phòng Việt Minh. Bỗng, một loạt súng nổ vang. Bà điên phóng người xuống dòng sông. Đêm đen cùng với dòng nước đục ngầu đang chảy xiết đã cuốn người đàn bà điên mất dạng trong thoáng chốc. Ba ngày sau, người đàn bà điên xuất hiện trong đoàn người đi nhận cơm của trại Quy-Thuận-Hội-An. Bà ta hoàn toàn tươi tỉnh với bộ áo quần rộng thùng thình của trại cấp phát.  Trong danh sách tiếp nhận những thường dân bỏ vùng Việt Minh trốn sang vùng Quốc Gia, người đàn bà giả điên , ấy khai tên Nguyễn Thị Hồng Lưu, sinh quán tại Quảng Ngãi.    Trời Phật ạ, đó là chị Hai con của Bác tôi. Gia đình tôi biết được tin này nhờ người đi buôn ở chợ trời Kiến Tân bên này sông Hội An thông báo. Cả nhà như trút được gánh nặng suốt hai tháng liền . Bác tôi thì luôn miệng cảm ơn Trời Phật. Chị Lưu khai với Ủy Ban Tiếp Nhận rằng, chồng chị hiện ở thành phố Huế. Anh ấy bị kẹt bảy năm không về nhà được. Nay chị xin chính phủ cho phép ra Huế thăm chồng.
 
                             * * *
  Gần nửa tháng trôi qua, chị Nguyễn Thị Hồng Lưu lơ ngơ, láo ngáo trên thành phố Huế như mang lạc xuống đồng. Ban đêm vào chùa xin nghỉ, ban ngày chị đi khắp hang cùng ngõ hẻm hỏi thăm tên Võ Hoàng Thân học sinh trường Khải Định nhưng chẳng một ai biết cái tên học trò xa lạ cách nay đã sáu, bảy năm, không gốc gác, không địa chỉ. Quả thật, chị Lưu như đang làm công việc mò kim đáy biển. Chị tỉnh táo lắm nhưng người ta nhìn chị như nhìn kẻ thất chí.   Cuối cùng tiền hết, sức khỏe mòn mỏi, chị Lưu đành phải đi xin việc làm để nuôi sống bản thân và tiếp tục tìm chồng.  Sự may mắn đến với chị là được một gia đình ở gần cửa Đông Ba nhận vào làm việc nhà và trông coi hai đứa bé.  Chủ nhà là một thiếu phụ còn khá trẻ sinh trưởng tại Huế nên bà luôn giữ nếp sống và cung cách của người phụ nữ chốn kinh thành. Vẻ mặt dịu dàng thuần hậu, một nét đẹp đài các nhưng bình dị, lại nói năng từ tốn, điềm đạm khiến cho người người mến phục. Chồng bà là một sĩ quan thuộc lực lượng Việt- Binh- Đoàn của chính phủ Bảo Đại. Hai đứa bé có khuôn mặt bầu bĩnh, hồng hào trông rất khôi ngô. Đứa trai 3 tuổi, đứa gái lên 2. Ngay từ giờ phút đầu, chị Lưu đã cảm thấy  quyến luyến với cái gia đình này và đặc biệt là hai đứa nhỏ. Chị âm thầm làm việc, giữ kín tông tích của mình. Lợi dụng những ngày lễ lạc, chị xin phép chủ nhà đến các nơi hội hè trà trộn vào đám đông may ra tìm được manh mối về anh Thân, chông chị. Một buổi sáng, bà chủ đi chợ, chị Lưu tắm cho hai đứùa nhỏ. Chị đang mặc áo quần cho bé trai, bất ngờ bé gái chạy lững thững mang cả mình nước vào phòng ngủ của bố mẹ nó. Chị Lưu vội chạy theo vào buồng. Thình lình, chị nhìn thấy một bức ảnh lồng trong khung đặt trên đầu tủ đối diện với cửa ra vào. Một chàng Sinh viên Sĩ quan mặc bộ lễ phục ôm vai bà chủ nhà. “Một cặp vợ chồng đẹp như tranh vẽ, thật xứng đôi vừa lứa”. Chị Lưu tấm tắc khen và nghĩ thầm  trong bụng: “Ông Tơ bà Nguyệt khéo xe”. Tấm ảnh như thu hút cả tâm hồn và tình cảm của chị. Người chồng trong bộ quân phục uy nghi cùng với nét mặt cương nghị kề bên là khuôn mặt trái soan hiền hòa của người vợ với ánh mắt sáng rực tình yêu. Chị ngắm ảnh say sưa quên cả hai đứa nhỏ bên ngoài. Bất chợt, chị phát giác ở khuôn mặt người đàn ông trong ảnh  có nét gì rất quen thân. Chị đến sát bức hình xem kỹ hơn. Và để nhìn được rõ ràng hơn nữa, chị mở tung cánh cửa sổ cho ánh sáng ùa vào phòng. Bỗng, tim chị nhói đau, đôi mắt mờ dần rồi đôi chân khuyï xuống. Chị gục đầu trên chiếc giường nệm trước mặt. Không khóc, nhưng lòng chị đớn đau, tê dại. Chị kêu lên : “Sao con tạo lại trớ trêu thế này, hở trời!” Lồng ngực chị như muốn vỡ ra. Những cơn đau dồn dập như bóp nát quả tim chị.  Như hàng trăm mũi dao thi nhau rạch nát ruột gan. Chị  ngất lịm.  Chị Lưu đã nhận ra chồng chị trong ảnh, anh Võ Hoàng Thân! Người chồng đã xa cách bảy năm. Người mà chị có thể hy sinh mang sốùng của mình để tìm đến. Người đã khiến cho chị mất bao nước mắt nhớ thương đêm ngày. Người mà chị đã dành cả tuổi đời thanh xuân dâng hiến và đợi chờ. Ngày từ biệt vợ lần cuối cùng ra Huế tiếp tục học, anh Võ Hoàng Thân còn mang dáng nét thư sinh. Giờ đây khuôn mặt rắn rỏi, đĩnh đạc hơn nhưng làm sao chị quên được chấm nốt ruồi bên dưới đôi môi  đầy đặn đó. Làm sao chị quên được chiếc mũi cao và to thể hiện tính kiên cường của đấng nam tử. Bà chủ đi chợ về thấy người làm bị bất tỉnh liền  gọi bác sĩ đến cấp cứu kịp thời.  Ngày hôm đó chị Lưu cáo bệnh và xin bà chủ được nghỉ vài ngày. Chị nằm trong phòng không đoái hoài đến ăn uống.  Chị để mặc cho nước mắt trào ra, để mặc cho nỗi đau đớn từng đợt đến cào xé trái tim chị. Trái tim của người đàn bà nhân hậu nhưng không tránh được nỗi ghen tức điên cuồng. Mặc dầu bà chủ nhà rất quan tâm đến chị nhưng chị từ chối tất cả những ân cần mà  bà  dành cho. Ngày hôm sau, với đôi mắt sưng húp vì khóc, chị Lưu xin nghỉ việc.  Bà chủ nhà nhìn đôi mắt chị, ngạc nhiên hỏi :
-   Có chuyện gì đã xảy ra cho chị vậy ?
 -  Tôi vừa nhận được tin chồng của tôi chết rồi.
  Bà chủ nhà đến nắm tay chị, với tâm trạng củangười bạn, bà chia sẻ nỗi  đau mất mát của người vợ. Bà tỏ ý tiếc rẻ một người giúp việc lúc nào cũng làm tròn bổn phận như chị và một mực thương yêu con trẻ , bà tiếp:
 -   Rất tiếc là anh Thân chồng tôi không có nhà để giúp đỡ được phần nào cho chị. Nghe nhắc đến tên Thân, chị Lưu òa lên khóc rồi ôm mặït chạy vào phòng tức tưởi.  Sáng ngày hôm sau chị Lưu lên đường về lại quê nhà.
                      
                        * * *
Ngày xưa, cái sân lót gạch bát tràng trước nhà, gia đình tôi làm nơi đập lúa, phơi bắp, đâïu và phơi đường mía. Nay nhờ cái sân rộng thênh thang ấy mà bác Cả và mẹ tôi biến thành khoảnh vườn tự túc trồng các loại rau quả dư ăn còn mang ra chợ bán. Cái hồ sen nay trở thành hồ nuôi cá, nhờ đó mà gia đình tôi không lâm vào cảnh thiếu thốn . Thi hành  quốc sách của nhà nước “Tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống” căn nhà thờ ba gian cũng được tháo gỡ xuống chỉ còn trơ lại nền nhà để rồi chúng tôi cũng tận dụng cuốc lên trồng đậu phụng.Chiều nay, chị em tôi phụ giúp mẹ và bác Cả gánh nước tưới vườn rau vừa mới bón phân. Thình lình chị Lưu xuất hiện ngoài ngõ. Chị ôm gói quần áo ủ rũ vào nhà. Bác tôi buông chiếc bình vòi sen chạy đến ôm chị vào lòng. Vốn có thể chất khỏe mạnh, tinh thần cứng cỏi, thế mà nay chị lại mềm nhũn, rũ xuống trong vòng tay mẹ chị. Chúng tôi đến giúp bác Cả  đưa chị vào nhà. Đoán biết là việc tìm chồng của chị bị thất bại nên chẳng ai dám hỏi han điều gì. Chị tịnh dưỡng được vài ngày rồi kể lại những ngày tháng mà chị đã trải qua nơi kinh thành Huế. Đến ngày thứ ba, công an địa phương đến nhà áp giải chị đến cơ quan huyện làm việc. Chị khai rõ ràng là chị đã ra Huế tìm chồng, nhưng khi biết được chồng đã chết thì chị quay về sống với gia đình . Giới chức an ninh của Việt Minh nghi chị làm gián điệp cho Pháp, vì vậy họ chuyển chị đếùn nhà giam tỉnh .Từ ngày biết chắc anh Thân đã có vợ và hai đứa con ở Huế, chị Lưu xem như chồng chị đã chết. Chị không muốn cảnh hạnh phúc của gia đình đó bị xáo trộn, bởi vợ con anh hòan toàn vô tội. Ngay cả anh Thân, chị cũng không hề có một lời trách móc. Chị cho đó là hoàn cảnh tạo nên , là định mệnh an bài.Qua mấy tháng bị điều tra, khai thác liên tục, tinh thần chị Lưu hoàn toàn bị suy sụp. Những lần chúng tôi vào nhà giam thăm, chị cứ  nói lầm bầm trong miệng. Nhiều lúc chị ngồi một mình hướng tầm mắt vô hồn về nơi cõi xa xăm. Tình trạng nầy khiến cho những người làm công tác điều tra đặt thêm nghivấn: “Giả điên là nghề của gián điệp địch để qua mắt cán bộ an ninh của ta”. Từ nghi vấn đó đã trở thành kết luận trong hồ sơ phúc trình lênthượngcấp : “Nguyễn Thị Hồng Lưu là điệp viên của Pháp”.Tòa án Nhân dân Liên khu Năm mở phiên xử đặc biệt dành cho một “nữ gián điệp của Pháp” đã xâm nhập từ vùng Tề vào vùng Tự Do. Bản án kết luận như sau :  “Nhờ mạng lưới tình báo nhân dân của ta chặt chẽ nên đã bắt được tên nữ điệp viên nguy hiểm của địch tại địa đầu ranh giới. Nay, Hội đồng xét xử  tuyên án tử hình tên phản quốc Nguyễn thị Hồng Lưu đã manh tâm làm gián điệp cho giặc”..Mười lăm ngày sau, chị Lưu bị xử bắn tại Rừng Cầy. Hôm ấy, bác tôi nằm liệt giường, chỉ có hai chị em tôi đến chứng kiến. Người ta quấn dây chung quanh thân thể chỉ còn da bọc xương của chị vào trụ gỗ . Phía sau lưng là ụ đất cao để ngăn đạn. Ánh mắt vô hồn của chị nhìn về nơi cõi xa. Một vị linh mục già đến làm phép giải tội và ban phép lành cho chị.  Người ta bịt mắt chị mà chẳng khác nào bịt căïp mắt người đã chết rồi. Khi viên chỉ huy ra hiệu bằng thủ lệnh, bốn xạ thủ đồng loạt nã đạn vào người chị. Chị Lưu khụy xuống kéo theo cả phần dây cột. Một khắc sau, máu từ ngực chị thấm đỏ cả thân trước vạt áo màu lam. Viên thủ trưởng của toán hành quyết đến bắn vào nơi thái dương của , chị môït phát súng an ủi khiến toàn thân chị giật mạnh rồi đầu chị gục xuống làm rớt chiếc khăn bịt mắt. Ngay lúc đó, chị em tôi cùng kêu lên “chị Hai ơi,” rồi chạy vụt đến ôm xác chị gào khóc. Người ta đẩy chúng tôi ra, rồi bỏ xác chị trong quan tài bằng ván cây gòn đã để sẵn tại địa điểm xử bắn do địa phương cung cấp. Bác Cả tôi làm đơn xin mang xác chị về chôn tại nghĩa địa của gia đình.
Hiệp định Geneve 1954, chia đôi đất nước. Tất cả các lực lương Việt Minh tập kết ra Bắc. Chính phủ Quốc Gia tiếp thu vùng Liên khu Năm. Khi tình hình đã ổn định, Anh Thân nghe tin vợ trước đã mất, vội vã đưa vợ sau từ Huế về Quảng Ngãi đến nhà Bác tôi để tạ lỗi. Vợ chồng anh chị ấy đến trước bàn thờ chị Hai thắp hương khấn lễ. Bỗng, chị vợ anh Thân thất thanh kêu lên : “Kìa , Chị Lưu!”  Gương mặt thất thần tái mét, hai tay run lẩy bẩy như người lên đồng, chị chỉ vào  khung ảnh người quá cố trên bàn thờ rồi quỵ xuống. Anh Thân vội vàng đỡ vợ đứng lên mà chẳng biết việc gì đã xảy ra  Bà chủ nhà gần cửa Đông Ba ở Huế đã nhận ra người giúp việc cho mình ba năm về trước là vợ trước của chồng. Bà quỳ bên bàn thờ khấn vái :“ Chị Lưu ơi, giờ đây em mới vỡ lẽ chị đã liều chết đi tìm chồng. Khi phát giác chồng mình đã yên bề gia thất, chị lại âm thầm quay về mà không hề có một lời trách móc kẻ đã giật hạnh phúc của mình. Ngày ấy chị đã khóc đến sưng húp cả đôi mắt, bỏ luôn ăn uống. Thế mà chị nói dối với  em rằng: “Nghe tin chồng chết nên chị phải trở về quê.” Ôi, tâm hồn chị cao thượng quá, tấm lòng chị bao dung quá. Chúng em xin chịu tội trước linh hồn chị.” Chị Thân quỳ mọp trước bàn thờ một hồi lâu đến khi Mẹ tôi đỡ dậy thì khuôn mặt chị đã  đầm đìa nước mắt. Chị ôm Bác tôi nói trong nghẹn ngào “ Mẹ ơi, xin mẹ tha lỗi cho con. Từ nay con sẽ thay chị Lưu như là con đẻ của mẹ. Vợ chồng con sẽ lo phần phụng dưỡng mẹ già.Sau đó, vợ chồng anh Thân xin phép Bác tôi được để tang, xây mộ và hàng năm về lo ngày giỗ của chị. Riêng phần đề nghị đưa bác Cả về Huế sống với anh chị và các cháu thì Bác tôi từ chối bởi Bác còn phải lo mồ mả của ông bà.
      Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
 
GHI CHU      
(1) Nguyễn Hữu Ngư sau vào Sài Gòn, bút hiệu Nguyễn Ngu Í
(2) Phạm Văn Diêu tác giả “Việt Nam Văn Học Giảng Bình”                                                                          (3) Hồng Tiêu em ruột ông Bút Trà (báo Sài GònMới)                                                                     (4) Huỳnh Tấn Đối, Bác sĩ Quân y trưởng viện Quân y Liên khu Năm bỏ VM trốn ra Đà nẳng mở phòng mạch
Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re:     GIÒNG ĐỜI...
Reply #33 - 28. Nov 2009 , 09:44
 
Duy Lạc.
 
         Tôi sinh ra vào thế hệ của thập niên 30. Thế hệ của chúng tôi chịu nhiều xáo trộn điên đảo nhất trong giòng lịch sử 60 năm của dân tộc (1930-1990). Chúng tôi may mắn là nhân chứng của nhiều sự hưng vong của bao chế độ và cuối cùng được nhìn tận mắt sự sụp đổ ngoạn mục của chế độ Cộng sản bạo ngược khắp thế giới. Đó cũng là một niềm an ủi cuối đời cho thế hệ chúng tôi, những người chống cộng sản phải bỏ nước ra đi lang thang, bơ vơ, chịu nhiều bất hạnh, mang nhiều nổi đau buồn trên đất khách.
       Ngày xưa từ tuổi nhi đồng qua thời niên thiếu, chúng tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của luân lý đạo đức Khổng Mạnh qua các tập "Luân Lý Giáo Khoa Thư" ở nhà trường. Trong xã hội lúc bấy giờ, một thời văn chương lãng mạn của các nhà thơ: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hàng Mạc Tử, Chế Lan Viên.v.v... và nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh đã mang lại cho chúng tôi một ít mơ mộng về tình yêu (Hồn Bướm Mơ Tiên), hay ý thức mơ hồ về các hoạt động cách mạng (Đôi Bạn). Sau đó từ năm 1935-1945, dòng nhạc tiền chiến trữ tình và lòng yêu nước của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Tô Vũ, Đặng Thế Phong.v.v... đã thật sự thấm nhập tâm hồn tuổi trẻ vừa lãng mạn vừa khơi động tình yêu tổ quốc của tuổi thanh niên. Kế đến thế chiến thứ hai vào giai đoạn chót bộc phát dữ dội. Bom đạn của chiến tranh bắt đầu tàn phá quê hương. Nương theo sự thất trận của Nhật, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp nổi dậy, cuối cùng đi đến ngày 19-8-1945, ngày toàn quốc khởi nghĩa mà bọn Việt Minh Cộng sản quỷ quyệt cướp lấy công đầu. Và cũng từ hoàn cảnh đó, đám thanh niên thế hệ chúng tôi một số vào rừng, vào bưng, vào chiến khu để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Một số khác vì còn trẻ tuổi, phải bỏ thành phố tản mác về vùng quê để tạm lánh cư. Cũng như mọi gia đình khác, cha mẹ chúng tôi vội vã bỏ hết gia sản chạy về vùng quê miền Trung. Từ đó đời tôi bắt đầu một khúc quanh: cơ cực cũng lắm, hạnh phúc cũng nhiều, chạy dài suốt một thời niên thiếu. Tôi dần dần yêu thích cảnh sống đồng quê. Say sưa với núi cao, biển rộng, rừng thông, đồi cát, ruộng mía, nương khoai với những hình ảnh của đình chùa, miếu mão. Tôi yêu thương làng tôi qua lũy tre xanh. Con đường nho nhỏ thông reo. Ngôi đình cổ kính nằm bên chân đồi. Tôi mê nhất những buổi trưa hè ngồi nghe tiếng thông vi vu, réo rắt một điệu nhạc buồn như tiếng sáo diều từ lưng đồi vọng lại.  Tuổi thơ của tôi thấm đậm tình quê hương từ những ngày tháng êm đềm thơ dại đó.
Những năm đầu kháng chiến, gia đình tôi chưa đến nỗi sa sút. Tôi được đi học tạitrường Trung học cấp huyện, cất ngay trong làng. Ở miệt thôn quê thời kháng chiến, sự học hành bị gián đoạn nên học sinh tuy ngồi chung lớp nhưng tuổi tác chênh lệch nhau. Trong lớp "Đệ nhất niên" của tôi có độ mươi cô nữ sinh. Các cô thuộc người làng hoặc từ những làng kế cận đến học. Phần nhiều nữ sinh thuộc gia đình giàu có trong đám hương mục ngày xưa như Chánh Tổng, Xã Trưởng, Hương Lý, Hương Hộ.v.v... Các cô tuy là gái quê nhưng trông cũng xinh đẹp lượt là lắm. Tôi thời đó học hành dốt nát, chỉ thích lêu lỏng ngoài đường. Chuyện nhà trốn tránh, chuyện bạn bè thì mau mắn. Tôi lang thang suốt xóm trên làng dưới, tập đàn ca với đám nữ sinh cùng lớp, ít khi có mặt ở nhà.. Công việc nặng nhọc trong gia đình tôi giao cho chú em kế gánh vác. Mẹ già nhiều lúc mắng mỏ rầy la, tôi vẫn trơ mặt thịt. Đã vậy tôi còn tơ tưởng yêu đương. Tôi yêu tha thiết một cô em tên Nga cùng lớp. Em ngồi dãy bàn trước mặt. Tôi còn nhớ chiếc áo chemise lụa mỏng và chiếc quần lãnh đen của em. Em có đôi mắt nhung huyền sâu thẳm như đáy hồ thu mà tôi tự nguyện chết đuối trong đó những lần em quay lại nhìn tôi cầu cứu. Đôi môi em đỏ hồng gợi cảm. Những lúc em ban phát cho tôi một nụ cười cám ơn khi tôi cho cóp bi bài toán là những lần tim tôi như ngừng đập. Em thường liếc xéo tôi mỗi khi tôi trêu chọc. Cái nguýt dài, con mắt có đuôi, kèm theo một nụ cười mỉm của cô gái dậy thì, có lúc là một "message" ưng chịu kín đáo của thời đó. Thật tình lúc bấy giờ tôi không đoán được Nga có cảm tình gì với tôi chưa. Nhưng riêng tôi, tôi đã mê tít nàng. Cứ mỗi ngày cô em nghỉ học là mỗi ngày tôi thẩn thờ nhớ nhung. Tôi tương tư nàng như Nguyễn Bính tương tư "Cô hàng xóm"
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn...
  Tuy yêu thương mê mẩn như thế, tôi chưa dám nói một lời yêu thương cùng nàng. Hồi đó tôi đen đúa xấu trai. Tóc chải bảy ba có thêm một chút tango ổ quạ ngay trước trán (thời trang 1945). Tôi gầy đét và cao lêu nghiêu như cây sậy. Thật tình nhìn kỹ tôi chả giống con giáp nào! Tôi chỉ được tiếng "người Sàigòn" và một chút tài mọn về đàn ca hát xướng. Vì vậy, tôi chủ quan nghĩ rằng em đã cảm tình với tôi. Một hôm vào dịp nhà trường tổ chức đi cắm trại qua đêm ở một rừng dừa ven biển. Dĩ nhiên tối hôm ấy có đốt lửa trại và thi đua văn nghệ, giữa mấy trăm học sinh cùng trường. Tôi táo bạo ghi tên tham dự, cốt để chứng tỏ với Nga về khả năng văn nghệ của mình.. Đêm hôm đó, trước đám đông đảo học sinh, tôi đơn ca bản nhạc "Nhớ Chiến Khu", một bài ca tủ của tôi, "Còn đâu trong chiến khu trên rừng chiều. Bên đèo tiếng suối reo, ngàn thông réo..." Tôi đang mơ màng vừa ca vừa diễn xuất bộ mặt sầu sầu của anh Vệ quốc Quân nhớ nhà, nào ngờ đến đoạn cao nhất của bài hát, một phần vì khớp, một phần vì nhìn thấy cô nàng đang theo dõi mình, tự nhiên tôi té giọng kim, dứt đoạn, rồi ngừng ngang nửa chừng. Tôi đúng như trời trồng giữa tiếng vỗ tay la ó của đám học sinh. Tôi xấu hổ, tay chân thừa thải, mặt đỏ bừng chỉ muốn độn thổ cho xong. Tội nghiệp Nga, nàng cúi đầu thương hại cho tôi. Rồi có một lần, chuyện phải đến đã đến, Nga ngỏ lời mời tôi đến nhà nàng chơi vào chiều thứ bảy. Tôi sung sướng nhận lời. Dịp này nhất định tôi sẽ  bộc lộ tâm sự với nàng bằng một lá thư. Mấy ngày liền tôi ngồi nắn nót viết bức thư tình đầu tiên. Tôi còn nhớ rõ bức thư viết dài và hay lắm. Tôi diễn tả mối tình say đắm của mình. Văn chương lãng mạn và ướt át vô cùng. Trong bức thư tôi còn làm dáng về vốn Pháp văn của mình bằng hai câu bất hủ "L'homme sans amour comme  La Terre sans Lumière" mà tôi thuổng được ở mấy bức thưtình của bà chị tôi. Chiều hôm ấy, tôi băng mấy cánh rừng dương để đến nhà nàng. Nhà Nga xinh xắn bao quanh bởi một vườn cau và một hàng rào bông bụp tím nhạt. Vườn có nhiều hoa và cây ăn trái. Tôi dạo chơi thơ thẩn trong vườn cùng nàng suốt buổi tối. Nàng bóc bưởi mời tôi ăn. Tôi trèo cây hái khế tặng nàng. Cứ như thế mãi cho đến khi trăng treo đầu ngọn cau và hoa bưởi bắt đầu tỏa hương thơm ngát, tôi mới từ giã nàng; Trước khi về tôi dúi vội bức thư vào tay nàng. Nàng ngập ngừng e thẹn nhận lấy thư tôi.  Sau ngày trao bức thư tình, tôi cảm thấy yêu đời, mơ mộng nhiều hơn. Và trong khi  tôi nao nức đợi chờ hồi âm, thì hỡi ơi! Hai câu Pháp văn bất hủ tôi viết cho nàng được loan truyền khắp nơi nhất là trong đám nữ sinh. Mấy bà chị họ, mỗi lần gặp tôi đều tủm tỉm cười, làm tôi xấu hổ vô cùng. Tôi loáng thoáng đoán rằng tôi đã lầm và quá chủ quan, chớ nàng không hề yêu thương hay tình cảm gì với tôi. Nàng đã đem bức thư của tôi bêu rếu để làm trò cười. Từ đó tôi không nhìn nàng. Tôi đau khổ hận đời, hận nàng, và trốn học luôn...
  Cho đến một ngày trước khi xuống tàu bỏ trốn vào Nam, vì vô tình hay cố ý, Nga chận tôi trên con đường làng vắng vẻ, gương mặt xanh xao, ánh mắt buồn buồn. Nàng khóc thật nhiều và giải thích với tôi rằng nàng đã yêu tôi. Chuyện bức thư là lỗi bất cẩn của nàng (Nga cho người bạn gái mượn quyển sách trong đó có dấu bức thư). Nàng trách tôi tại sao bỏ học và trốn tránh không nhìn mặt nàng. Lần đầu tiên tôi run run cầm tay nàng, nhìn sâu vào đôi mắt lệ nhạt nhòa, thổn thức không nói một lời, bởi vì ngày tôi nhận được hạnh phúc tình yêu đầu đời và cũng là ngày tôi xót xa chia tay mối tình học trò ngắn ngủi đó. Ngày hôm đó, tôi đau đớn vĩnh biệt Nga mà chính nàng không hề hay biết.
   Con thuyền đưa tôi vào Nam chập chùng giông bão. Giông bão xô dạt con thuyền. Giông bão ngay trong lòng tôi..Tôi có người em kế, cùng trạc tuổi. Chúng tôi là hai thái cực. Chú Lâm hiền hòa thích sống trong gia đình. Tôi mê cuộc đời hải hồ lang bạt. Lớn lên, hai anh em cùng vào quân đội. Tôi đi lính Không Quân đồn trú tại Pleiku.. Chú đi sĩ quan Thủ Đức đóng đồn ở Daksut. Những ngày cao nguyên sôi động, nhiều lần từ trời cao, tôi xót xa nhìn chú bị vây hãm dưới đồn. Anh em tuy đóng quân cùng một vùng nhưng chả bao giờ gặp nhau. Thỉnh thoảng hành quân ngang đồn, tôi bay thấp để chào chú, hoặc liên lạc FM để thăm hỏi sức khỏe và nhắn tin nhà, thế thôi. Vậy mà chú Lâm vẫn vui vẻ sống cuộc đời gian khổ bộ binh. Mãi đến ngày bỏ nước ra đi, chú ra đi một mình không kịp đón gia đình vợ con. Những năm tháng xa quê hương, chú Lâm vẫn sống cảnh đơn lẻ ở một tiểu bang xa lắc xa lơ. Nhưng mấy năm gần đây, chắc có lẽ chịu hết nổi cảnh "Đồn Lẻ Chiều Xuân" chú đã âm thầm bước thêm bước nữa để nếm mùi "một cảnh hai quê". Thật tội nghiệp!
  Hôm Tết vừa qua, nhân dịp đi công tác cho hãng ở Hà Nội, Lâm ghé Sàigòn thăm nhà và về làng thăm quê cũ. Một sự việc bất ngờ và cảm động là chú Lâm đã tìm được dấu tích của Nga ngày xưa. Đuợc biết nàng đã trốn ra Bắc năm 1956 và sau ngày Viẽt cộng cưỡng chiếm miền Nam, nàng trở về với quân hàm Đại úy và là vợ lẽ của một ông tướng già Việt cộng. Hiện nay nàng đang ở Sàigòn, khu cư xá sĩ quan Chí Hòa và ông tướng già đã chết. Trước khi trở về Mỹ, Lâm có đến tìm gặp nàng. Nga sững sốt mừng rỡ khi nhận ra Lâm em của tôi. Nàng vui vẻ kể chuyện xưa về tôi với chú Lâm và nói rõ lý do vì sao nàng bỏ xứ ra đi. Trong câu chuyện thăm hỏi, Lâm đã cố khơi lại chuyện tình ngày xưa của chúng tôi. Lâmnói: "Anh tôi vẫn nhắc nhớ về chị."  Nàng cúi đầu lặng lẽ, giọng buồn buồn: "Dạ vâng, tôiđoán thế." Và nàng cảm động cho biết người làng đã kể: Có lần tôi một mình lái xe về thăm vườn cũ tìm lại người xưa, và người xưa không còn nữa. Lâm tiếp tục thăm dò: "Chị có biết anh tôi ngày xưa làm gì không?"  "Dạ tôi biết, nghe nói anh ấy là một phi công trong Không Lực Cộng Hòa."  "Chị có oán hận, căm thù gì chúng tôi không?"  Nga lắc đầu cười chua chát, "Tôi không nghĩ đến điều đó, và chẳng bao giờ nghĩ như vậy, nhất là đối với anh ấy..."  Nàng trả lời với đôi mắt mơ màng xa vắng. Chắc có lẽ chú Lâm đã vô tình khơi dậy những kỷ niệm thời học trò của nàng. Những kỷ niệm tưởng như đã chôn vùi dưới lớp bụi thời gian sau bốn mươi năm xa cách. Và trong buổi chiều hôm đó, theo lời nhật xét của chú Lâm, Nga như "lội ngược giòng thời gian" tìm sống lại quãng đời con gái ngây thơ, cùng với mối tình thơ mộng và đẹp nhất của đời nàng. Vì đó là mối tình đầu và mối tình không có đoạn cuối.
Hồi Âm "GIÒNG ĐỜI..."
Nga Sàigòn.
   
Anh Duy thân mến,
     Em ngồi viết lá thư này cho anh khi cơn mưa vừa mới tạnh. Cơn giông miền nhiệt đới ào ạt, kéo dài độ chừng hai tiếng đồng hồ, nhưng cũng đã làm cho cái nóng oi bức của Sàigòn dịu bớt. Mưa đã dứt, chỉ còn những giọt nước nhỏ thỉnh thoảng tí tách rơi trên miếng tôn mỏng hứng nước bên hiên nhà. Nghe tiếng giọt nước gõ đều đặn, rồi nghe tiếng nhịp tim mình đập, em bỗng thấy hình như mình mang một tâm trạng bồi hồi. Đặt bút viết là thư này cho anh, lòng em cũng cảm thấy bồi hồi như thủa ấy cầm tay anh lần đầu, mà không ngờ cũng là lần chào ly biệt.... Không biết rồi lá thư này có thể đến tay anh? Nếu may mà thư đến, đọc xong anh sẽ nghĩ gì? Thôi em cũng liều... Cầm bằng như gió mang đi...
  Tuần trước em đến thăm chị Hạnh, người bạn làm việc cùng cơ quan với em trước đây. Chị ấy xin phục viên sớm, vì đồng lương nhà nước trả không đủ sống. Chưa kể là đôi ba tháng nhà nước không có tiền phát cho nhân viên. Chị Hạnh bây giờ làm nghề buôn chui sách báo nước ngoài. Ở chỗ này thì em phải giải thích thì anh mới rõ tại sao ngày nay nước mình lại có cái nghề lạ như vậy. Từ ngày các nước xã hội chủ nghĩa anh em ngưng viện trợ, nhà nước cần ngoại tệ nên họ đã mở cửa, khuyến khích người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương. Tuy có lệnh kiểm soát gắt gao ở các cửa khẩu hải quan những món hàng quốc cấm như sách báo tuyên truyền của phe tư bản, nhưng tệ nạn tham nhũng tràn lan không có cách gì  ngăn cản nổi. Vì thế, du khách chỉ cần đút lót vài ba bao thuốc thơm, chiếc đồng hồ rẻ tiền..v.v... thì cái gì to như con voi qua cũng lọt. Người dân ở quê nhà bây giờ không ai thèm đọc báo nhà nước, ngày nào ngày ấy tin tức đều nhai đi nhai lại một luận điệu cũ rích. Người ta còn khôi hài nói rằng chỉ có tin tức khí tượng là không sặc mùi tuyên truyền, còn hầu hết  đều...cuội! Vì thế dân chúng mới lén lút thuê hoặc mua lại báo chí bằng Việt ngữ hay bằng "ngoại ngữ xuất bản tại nước ngoài. Gặp em, chị ấy vội kéo vào buồng trong nói nhỏ:
 - Này Nga, tôi có món quà này, chắc Nga sẽ thích vô cùng Em chưa kịp hỏi chi ấy món quà gì, chị Hạnh đã dúi vào tay em một tờ báo. Chị nói: - Dấu cho kỹ vào người đi! Về nhà, chờ đêm khuya thanh vắng rồi hãy đem ra đọc. Đọc để xúc động vì "người ta" còn nhớ tới mình  Nhìn trang bìa tờ báo có hình một nửa chiếc máy bay phản lực đậu trên phi đạo và tên tờ báo là Ngàn Sao, lại nghe chị Hạnh nói bóng gió xa xôi, em linh cảm một điều gì đó rất mơ hồ. Nửa năm trước, chú Lâm từ bên Mỹ đi công tác cho hãng về Việt Nam đến thăm em. Chú ấy nhắc đến anh, đến tình cảm anh vẫn âm thầm dành cho em. Giác quan thứ sáu xui em liên tưởng đến một điều gí đó (mơ hồ thôi) rằng anh, chàng Phi công Cộng Hòa lãng mạn, có thể đem chuyện tình hai đứa dệt thành văn? Cầm tờ báo trên tay, em run còn hơn bị B-52 trải thảm hay như hồi sơ tán phòng không ở Việt Bắc. Chị Hạnh trấn an:
  - Làm gì mà run dữ vậy? Bề nào Nga cũng là cựu sĩ quan quân đội nhân dân, công an nào dám đụng đến?
Em run không phải là sợ công an khám xét thấy mình mang món hàng quốc cấm. Em run vì không hiểu điều dự đoán của mình có phải là sự thực. Em run vì liên tưởng đến người bạn năm xưa vẫn còn nhớ đến mình. Anh đừng cười em già rồi mà còn vớ vẩn.  Chị Hạnh là người bạn sát cánh với em vào thời kỳ chiến đấu dọc Trường Sơn. Chị ấy cũng là con nhà tiểu tư sản như mình, nên em thường nhỏ to tâm sự trong những lúc dừng quân. Em có kể cho chị ấy nghe về anh, người bạn học cùng trường thủa thiếu thời. Về nhà, chờ đêm khuya thanh vắng, mọi người đều đã say giấc nồng, em len lén đem tờ báo ra chong đèn lên đọc. Em đọc từng trang, rồi em dừng lại ở bài viết mang tên tác giả Duy Lạc, "Chắc chắn là anh đây rồi?!" Em tự nhủ: Quả nhiên đúng như điều em dự đoán. Thời gian trôi nhanh quá anh nhỉ? Thấm thoát đã bốn mươi năm rồi còn gì? Bao nhiêu tấn tuồng dâu bể diễn ra! Bao nhiêu nước chảy dưới cầu! Hai mái tóc xanh của đôi trẻ ngày nay đã bắt đầu điểm trắng.   Chiến tranh bùng nổ, anh từ Sàigòn về lánh nạn ở quê nhà. May mắn thay giặc chưa thể tràn về vùng đất của mình, nên chúng ta có một thời kỳ bình yên. Khí thế bừng bừng của phong trào giành độc lập xứ sở bốc cao khiến tất cả thanh niên hăm hở lên đường làm anh vệ quốc quân. Tuy bọn mình còn nhỏ mà trong trí óc non nớt cũng đã thấy lòng rộn ràng vui thích như đi trẩy hội ngày Xuân. Em còn nhớ đêm liên hoan, anh hát bài "Nhớ Chiến Khu". Lúc bấy giờ nghe giọng anh run run, em cứ tưởng anh vì cảm thương nỗi nhớ nhà của anh vệ quốc quân trong núi rừng thâm u; nào dè anh run ...vì ánh mắt ngưỡng mộ va say mê theo dõi của em. Thì ra nhãn lực của em cũng khá đấy anh Duy nhỉ? Dạo ấy lần đầu tiên nghe anh trả bài thầy giáo, em mới để ý thấy cách phát âm của anh khác với những học trò con trai trong huyện. Chẳng hạn, "mờ mịt" thì anh phát âm thành  mờ mịch" hay "vui quá" thành "vui góa".  Và còn nhiều chữ độc đáo nữa.. Mới đầu bọn học trò trong lớp, rồi về sau bọn học trò của cả trường thường nhại cách phát âm ấy để trêu ghẹo anh. Thoạt tiên em cũng cười hùa theo bọn chúng, nhưng thấy anh chẳng phản ứng gì, mà chỉ nhún vai cười khỉnh rất là... Sàigòn, tự nhiên em đâm ra thích cái giọng ấy mới kỳ chứ! Mỗi lần đến giờ học, em đều cầu mong thầy giáo gọi anh lên trả bài để em được nghe cái giọng ngồ ngộ ấy.  Anh còn nhớ lần đi cắm trại đầu tiên do nhà trường tổ chức trước vụ Hè 51 không? Lớp mình chia làm bốn toán mà anh thì ở toán A, còn em ở toán B. Khi đến nơi, ai nấy đều lo căng lều dựng trại của toán mình, trong lúc đó anh lại chạy sang loay hoay giúp em làm chuyện này chuyện kia. Cử chỉ lăng xăng của anh có vẻ vụng về, khiến cho em vừa buồn cười vừa cảm động. Vì thế, buổi tối họp lửa trại, em mới lén dúi vào tay anh củ khoai em vùi trong bếp lúc nấu cơm chiều. Em còn trêu:  - Trại sinh bên toán B ăn hết "thịch" (thịt) cá rồi, em chỉ còn củ khoai nóng này tặng anh dùng đỡ cho "dzui"!  Chẳng những anh không giận vì bị em nhái giọng, anh chìa tay ra cầm củ khoai một cách hồn nhiên, mà miệng còn ấp úng nói gì nghe không rõ, em bỗng cảm thấy thương anh chi lạ!  Dân trong làng kế cận khu cắm trại, tối đến xong việc đồng áng cũng ra tham dự trò chơi lửa trại của đám học sinh. Ánh lửa hồng chờn vờn nhảy múa ngọn thấp ngọn cao, nhịp nhàng lung linh với tiếng đàn guitar bập bùng của anh tạo nên cảnh tượng kỳ ảo rất liêu trai. Con Thủy, con gái ông Xã Tài; con Nhạn, con gái ông Lý Trân, ngồi bên em cứ huých cùi chỏ vào hông em từng chập, mỗi lần chúng nó trông thấy anh gật gà gật gù theo điệu nhạc trầm bổng. Dường như lúc bấy giờ anh say sưa với âm thanh của từng nốt nhạc, không thèm biết gì đang xảy ra chung quanh. Khách quan nhận xét, cả huyện mình đâu có cậu học trò nào chơi đàn ngọt như anh? Chúng nó cũng khoái và để ý "người Sàigòn" có mái tóc chải bảy ba tango lắm đấy! Anh có biết rằng anh đã lọt vào mắt xanh của bọn học trò con gái tinh quái ấy không?  Em còn nhớ tính anh ít nói. Trong lúc mọi người ngồi huyên thuyên, thình thoảng anh chêm một câu pha trò hóm hỉnh mà nhiều khi người nghe không tinh ý, phải mất ba, bốn ngày sau mới hiểu. Cái tính "nghịch" ấy ngày nay anh vẫn không bỏ. Trong bài "Giòng Đời", em vẫn đọc thấy thấp thoáng cái văn phong đó. Anh cao lớn, nhưng không gầy như cây sậy và anh đâu có đen đúa xấu trai như anh tự chế diễu mình trong bài văn? Lại còn bày đặt tự chê mình học dốt! Xong màn văn nghệ và đọc tin thời sự về những chiến thắng công đồn đả viện của bộ đội cụ Hồ cho dân chúng nghe, bọn học trò chạy xuống bờ biển nô đùa với sóng nước. Em nhớ đêm đó trăng lên muộn và trời trong xanh không một vẩn mây. Hình như đốm lửa trại cuối cùng tàn lụi rồi trăng mới lên. Khác với những học trò khác cùng lớp, anh không xuống bờ cát giỡn nước, giỡn trăng. Em thấy anh ngồi tựa lưng vào một cây dừa lả ngọn và đôi mắt đăm chiêu nhìn ra trùng khơi. Anh ngồi yên một cách thư thái, tự tại, đẹp như một pho tượng! Em biết rồi, người đó đang mơ mộng vì người đó đang yêu?! Lúc bấy giờ những cơn sóng bạc đầu phản chiếu ánh trăng nhấp nhô vờn nhau xô vào bờ, có làm cho tim anh xao xuyến, hởi người nghệ sĩ với cây đàn?      Em là con gái, trời ban cho em cảm nhận bén nhạy hơn con trai. Kinh nghiệm đời trải qua, chắc bây giờ anh đã hiểu rõ điều đó. Hồi ấy, mới thoáng thấy cử chỉ ân cần và ánh mắt trìu mến của anh nhìn em trong lớp học, ngoài sân trường, em đã đọc được ý nghĩ thầm kín của anh. Nhưng em là con gái, đặt biệt vào thời buổi ấy, luân lý và bản tính rụt rè của phụ nữ đâu cho phép em có một cử chỉ gì gọi là biểu đồng tình, dù trong thâm tâm em cũng rất cảm mến anh. Cũng có những đêm nằm một mình vẩn vơ bên cửa sổ ngắm trăng, bỗng nhiên ngửi thấy mùi hoa cau bưởi từ đâu đưa lại, em chợt thèm có anh bên cạnh để... ngắm anh (!) Hoặc để luồn những ngón tay thon nhỏ của mình vào tóc người yêu. Đó là cái rạo rực rất tự nhiên của người con gái ở tuổi dậy thì khi biết mình đang có một anh chàng đang ngấm nghé.  Em đã đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư anh trao. Vì sự bất cẩn của em, con nhỏ Thủy - con gái ông Xã Tài - đọc trộm lá thư em dấu trong sách cho mượn, thế là nó đem đi mách lẻo với mọi người, gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc khiến anh sinh lòng oán hận em. Nếu lá thư ấy bị một người bạn gái nào khác đọc thì chẳng đến nỗi nào. Đằng này con nhỏ Thủy vốn thầm yêu trộm nhớ anh, nên khi nó vớ được lá thư là nó kháo ầm lên để anh phải thẹn thùng với đám bạn gái của em và hai bà chị họ. Nghĩ lại, em chẳng phiền trách gì nó. Âu cũng là tại sợi chỉ hồng không se duyên cuộc tình chúng mình!
  Ngày anh cầm tay em lần đầu (và cũng là lần cuối), em đã khóc, đã hết lòng gạn hỏi tại sao anh bỏ học và cố tình lẩn tránh em. Anh cứ lầm lì im lặng. Không ngờ bữa đó anh đã quyết định xuống tàu trở lại chốn phồn hoa. Tuổi trẻ thường hay đặt tự ái quá cao! Anh đi biền biệt để lại cho em nỗi nhớ đoạn trường. Em thẩn thờ biến nhác việc học hành và công việc trong nhà. Ba mẹ không hiểu chuyện cứ rầy la. Bỗng nhiên em cung sinh lòng trách cứ anh. Anh đã từ phương xa lại, mình gặp gỡ nhau, anh gieo vào lòng em một vết thương, rồi anh lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt. Bạn bè em một đôi đứa đem lòng thương hại, vài đứa trêu ghẹo em mang mối sầu tương tư. Em lại càng giận anh hơn.
    Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước. Một số người trong làng xã tập kết ra Bắc. Gia đình em vẫn ở lại vì thuộc thành phần địa chủ. Tổng Thống Diệm về nước, đẩy mạnh chiến dịch Tố Cộng. Gia đình em không bị ảnh hưởng gì, vì người ta biết thời ấy ai cũng chống Tây. Nhưng chỉ có một số cán bộ Tố Cộng của ông Diệm lợi dụng quyền thế, thấy em có nhan sắc nên họ gây nhiều khó dễ để cưỡng bách em trao thân gởi phận. Nếu em liều mình nhắm mắt đưa chân, chắc chắn em sẽ cũng được yên thân. Nhưng tính em ương ngạnh, không chấp nhận sự hà hiếp, em bèn tìm đường lên núi để rồi ngả về phía bên kia. Thân gái dậm trường, liều mình bỏ gia đình ra đi đến phương trời vô định, em nào muốn làm,một cuộc phiêu lưu? Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đẩy em thành một kẻ ruồng bỏ quê hương!
      Anh Duy  yêu dấu,
Nhiều đêm em đã khóc, vì nỗi bơ vơ của mình nơi xứ lạ quê người. Em nhớ đến anh thật nhiều. Nhớ đến kỹ niệm của những đêm trăng ở làng quê mình, của những buổi chiều hai đứa rong chơi lang thang trên bờ ruộng lúa vừa mới gặt, của mùi hương ngai ngái từ gốc rạ thoảng đưa trong gió. Và em còn nhớ đến cái giọng Sàigòn ngồ ngộ của anh nữa!Sự đãi ngộ ở miền Bắc không tốt đẹp như những gì mà "người ta" đã  ngọt ngào dụ dỗ em. Cũng như những bộ mặt đàn ông nham nhở (xin lỗi anh) tìm đủ mọi cách chiếm đoạt em. Ở vào bước đường cùng, lần này em đành nhắm mắt đưa chân. Em kết hôn với một ông sĩ quan già hơn em mười lăm tuổi. Trong bài "Giòng Đời" anh kể rằng em làm lẽ một viên tướng già là không đúng sự thực. Nhưng mà thôi, không sao! Làm vợ chính thức hay làm lẽ, số phận em vẫn hẩm hiu "bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!"  
    Chiến tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt.  Phi cơ oanh tạc hầu như mỗi ngày. Đa số nhân dân miền Bắc đều mong mỏi được quân đội miền Nam giải phóng, vì họ hết chịu đựng nổi đói khổ và cuộc sống hắc ám, rình rập. Em là người miền Nam tập kết muộn. Tập kết vì tưởng mình sẽ đến một nơi như thiên đàng, chứ không phải vì lý tưởng hay bị huyễn hoặc bởi cái chủ nghĩa hứa hẹn không còn cảnh người bóc lột người! Em chỉ tha thiết một điều: Chiến tranh sớm chấm dứt, hòa bình mau trở lại để em được quay về xóm làng xưa. Em tình nguyện xung phong đi chiến trường B (tức là xuôi Nam ) với hy vọng nhìn lại Bố Mẹ già và đàn em dại. Em lên đường như một người tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, chứ không phải là kẻlênđường "làm nghĩa vụ quốc tế" như người ta cổ võ đề cao. Trở về đó, em lại nghe tin đồn phong phanh rằng anh đã trở thành người phi công khu trục của chính quyền Sàigòn. Chao ôi! có lần nào anh say sưa oanh kích mà dưới ấy là chỗ đóng quân của em? Nếu chẳng may bị trúng đạn phòng không, anh nhảy dù xuống và em là người băng bó cho anh, thì không hiểu bọn mình phải xử trí ra sao trong tình huống ấy? May mà điều ấy không bao giờ xảy ra để chúng ta khỏi bị ngỡ ngàng.  Có lần em nhặt được tờ truyền đơn kêu gọi chiêu hồi từ trên phi cơ thả xuống. Em vội dấu kỹ tờ truyền đơn vào lần túi áo trong để chờ dịp thuận tiện là trốn thoát, nhưng cơ hội không bao giờ đến với em cả!
     Khi miền Nam được "giải phóng", em nghĩ rằng đây là cơ hội em có thể tìm gặp người bạn tình năm xưa.. Em biết rằng gặp nhau thì đôi ta mỗi đứa ván đã đóng thuyền, không còn hy vọng gì chấp nối, nhưng ít nhất mình cũng còn được thấy nhau sau mấy mùa chinh chiến. Niềm hy vọng ấy vội tan biến khi em biết rằng anh đã ra đi nước ngoài. Tâm tình em xen lẫn hai nỗi buồn, vui: Buồn vì không gặp được anh và vui vì anh không phải rước cảnh tù đày. Anh còn nhớ Loan, em gái của em. Nó kết hôn với Cảnh, một người Thiếu tá trong quân đội Cộng Hòa. Chồng nó bị đưa đi "học tập cải tạo", rồi chết vì lao lực trong rừng thiêng nước độc và vì thiếu dinh dưỡng. Loan nhờ chồng em can thiệp cho Cảnh. Như anh biết đấy. Tuy chồng em là tướng Việt cộng mà cũng đành bó tay bất lực. Từ đó Loan không bao giờ nhìn mặt em nữa. Chị em cật ruột bỗng hóa thành kẻ thù. Nỗi khổ tâm ấy do ai gây ra, mà một mình em phải hứng chịu sự khinh khi của gia đình? Tại sao em phải chịu nhiều điều oan nghiệt thế hở anh Duy?  Năm kia, chú Lâm về Sàigòn, chú ấy kể rất nhiều chuyện về anh. Em vô cùng xúc động vì anh vẫn giữ được trong ký ức hình ảnh và tình cảm trân trọng đối với người bạn gái đầu đời. Vận nước điêu linh, thế hệ chúng mình chẳng may phải hứng chịu nhiều thua thiệt. Thật là vô ý khi hai kẻ yêu nhau trở nên vô tình quay mũi súng bắn vào nhau. Ước mong sao những lớp người thuộc thế hệ mình nhìn rõ chân lý để cùng nhau xây dựng lại xứ sở hoang tàn bởi một thứ chủ nghĩa ngoại lai phi nhân. Mình phải có bổn phận nói rõ cho con cháu nên lấy thương yêu, chứ không phải hận thù, bù đắp những lỗi lầm của người đi trước. Có như thế thì mới hàn gắn được những đổ vỡ lớn lao trong quá khứ.  Đúng bốn mươi năm trước, dưới rặng dừa ở làng quê, anh e ấp trao em lá thư tỏ tình. Anh nao nức chờ đợi hồi âm. Em chưa kịp hồi âm thì không may xảy ra chuyện hiểu lầm. Bốn mươi năm sau, (nhờ đọc được bài văn của anh trên báo), từ phương trời này, một người đàn bà góa bụa và mái tóc đã bắt đầu điểm sương lại ngồi viết thư cho người bạn tình xa cách nửa vòng trái đất để kể lể chuyện đời. Xin cám ơn anh đã cho em một chút nắng trong buổi chiều tàn, "Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh!" Đời em truân chuyên đã gặp nhiều bất hạnh, nhưng kể từ khi đọc những dòng tâm tư của anh trên trang báo, em cảm thấy được an ủi phần nào. Bây giờ thì em mới biết ở nơi cuối trời xa thẳm kia có một chàng trai Sàigòn thủa nào vẫn còn giữ trong tim hình ảnh của em
Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi Theo dấu thời gian: Sài Gòn lóng
Reply #34 - 06. Jan 2010 , 07:57
 
Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám”.

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi. farm4.static.flickr.com/3285/2615089108_5a375dbe86.jpgv=0
Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.


Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.

Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là “đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn", gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là “đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là “múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ” với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi” tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ”, "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám”. Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.
Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà”, "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...

Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng theo cách American style - tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "không - ai - mời - ai"farm3.static.flickr.com/2123/2201638980_0a7dbcbe33.jpgv=0
Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói "lemon question" tức chanh hỏi - chảnh.

LÊ VĂN SÂM
Back to top
 
 
IP Logged
 
NgocDoa
Gold Member
*****
Offline


I Love Me Now!

Posts: 1704
U S A
Gender: female
NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐÃ BỊ ĐỔI TÊN
Reply #35 - 03. Apr 2010 , 18:00
 
Để nhớ Sài gòn của những ngày tháng cũ, cũng như để biết Sài gòn bây giờ đã thay đổi ra sao. Mời cả nhà cùng tham gia viết vào danh sách các con đường đã bị đổi tên.
Đá xin mở đầu...



Trước năm 1975        Từ năm 1975


Bùi Chu                                 Tôn Thất Tùng

Bùi hữu Nghĩa                        Nguyễn thị Nghĩa

Cách mạng 1 tháng 11 (GĐ)   Nguyễn văn Trỗi

Chi Lăng (GĐ)                        Phan Đăng Lưu

Cộng Hòa                               Nguyễn văn Cừ

Cộng Hòa (GĐ)                       Nguyễn Kiệm

Công Lý                                  Nam kỳ khởi nghĩa

Cường Để                                Đinh Tiên Hòang

Đòan Thị Điểm                        Trương Định

Duy Tân                                  Phạm Ngọc Thạch

Gia Long                                 Lý Tự Trọng

Hiền Vương                             Võ thị Sáu

Hồ Văn Ngà                             Nguyễn thị Hồng Gấm

Hồng Thập Tự                         Nguyễn thị Minh Khai

Hùynh Quang Tiên (GĐ)           Đặng văn Ngữ

Khổng Tử                                Hải Thượng Lãng Ông

Lê văn Duyệt (Gia định)           Đinh Tiên Hòang (nối dài)

Lê văn Duyệt (Sài gòn)            Cách Mạng Tháng 8

Lục tỉnh                                   Hồng Bàng

Minh Mạng                               Ngô Gia Tự

Ngô Tùng Châu                        Lê thị Riêng

Ngô Tùng Châu (GĐ)                Nguyễn Văn Đậu

Nguyễn đình Chiểu                   Trần Quốc Toản

Nguyễn Hoàng                          Trần Phú

Nguyễn Hùynh Đức (GĐ)           Hùynh văn Bánh (GĐ)

Nguyễn Phi                               Lê anh Xuân

Nguyễn Phi Khanh                    Thạch Thị  Thanh

Nguyễn Trung Trực                   Bến Nghé
 
Nguyễn văn Học (GĐ)               Nơ Trang Long

Nguyễn Văn Sâm                      Nguyễn Thái Bình

Perus Ký                                   Phạm Hồng Phong

Phạm Đăng Hưng                      Mai thị Lựu

Phan Đình Phùng                       Nguyễn đình Chiểu

Phan Thanh Giản                       Điện Biên Phủ

Phát Diệm                                Trần đình Xu

Thái Lập Thành                         Đông Du

Thái Lập Thành (GĐ)                Phan xích Long

Thọai Ngọc Hầu (GĐ)                Phạm văn Hai

Thống Nhất                               Lê Duẫn

Tổng Đốc Phương                     Châu văn Liêm

Trần Hòang Quân                      Nguyễn Chí Thanh

Trần Quốc Tỏan                        3 tháng 2

Trần Qúy Cáp                           Võ văn Tần

Trần Văn Thạch                        Nguyễn Hữu Cầu

Trịnh Minh Thế                         Nguyễn Tất Thành

Trương Minh Giảng                   Trần Quốc Thảo

Trương Minh Ký (GĐ)                Lê văn Sỷ

Tự Do                                       Đồng Khởi

Tự Đức                                     Nguyễn văn Thủ

Võ Di Nguy                               Hồ Tùng Mậu

Võ Di Nguy (GĐ)                       Phan Đình Phùng

VõTánh                                     Nguyễn Trãi

Võ Tánh (GĐ)                           Hòang văn Thụ

Yên Đổ                                     Lý Chính Thắng

Back to top
« Last Edit: 15. Apr 2010 , 14:49 by NgocDoa »  

-“Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it is really cooperating with it)
Given by Martin Luther King
 
IP Logged
 
Mytat
Gold Member
*****
Offline


Peace - Love - Happiness

Posts: 5276
Gender: female
Re: NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐÃ BỊ ĐỔI TÊN
Reply #36 - 03. Apr 2010 , 20:26
 
NgocDoa wrote on 03. Apr 2010 , 18:00:


Trương Minh Giảng                   Trần Quốc Thảo




Đá ơi , sao Oai lại nhớ là đường Trương Minh Giảng là đường Nguyễn Văn Trổi , có phải đường TMG có cái rạp chiếu bóng , chợ TMG và Đại học Vạn Hạnh phải không?

Back to top
« Last Edit: 03. Apr 2010 , 20:29 by Mytat »  

Friendship is a rainbow between 2 hearts sharing 7 colors: hoahong.gif Secret hoahong.gif Truth hoahong.gifSadness hoahong.gifFaith hoahong.gif Happiness hoahong.gifRespect hoahong.gif Love hoahong.gif
 
IP Logged
 
NgocDoa
Gold Member
*****
Offline


I Love Me Now!

Posts: 1704
U S A
Gender: female
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #37 - 03. Apr 2010 , 22:04
 
Đúng rồi EmWhy! lúc đầu các "anh ấy" nhầm! NVT toan đặt bom ở cầu Công Lý (bạc má hồng) để ám sát ngài Mc. Namara, nhưng không thành. Anh Trỗi bị bắt và bị xử bắn. Vì quá "hồ hỡi" nên các "anh ấy" tưởng NVT hồi đó tính làm "đại sự" ở cầu TMG nên mới đổi đường Trương Minh Giảng và cả Trương Minh Ký thành NVT. Sau sửa sai, mới mang NVT qua bên đường Cách mạng 1/11, nơi có cầu Công lý; đặt lại tên cho đường TMG là Trần quốc Thảo, và TMK là Lê văn Sỷ.
Nhưng có sụ thay đổi một chút so với trước năm 1975 mợ Oai à! Trước năm '75, TMG chạy dài từ Trần quý Cáp đến cổng xe lửa số 6 (gần Nguyễn huỳnh Đức); từ cổng xe lửa số 6 đến lăng Cha Cả là Trương Minh Ký (nhà Đá).
Sau '75, đường Trần quốc Thảo chấm dứt ở cầu TMG, qua khỏi cầu là đường Lê văn Sỷ. Như vậy hiện nay Đại học sư phạm (ĐH Vạn Hạnh cũ), chợ TMG, rạp Minh Châu nằm trên đường Lê văn Sỷ.
Hơi dài dòng, phải không?
Chắc mợ ra đi từ ngày còn NVT?
Back to top
« Last Edit: 04. Apr 2010 , 07:32 by NgocDoa »  

-“Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it is really cooperating with it)
Given by Martin Luther King
 
IP Logged
 
Jasmine
Senior Member
****
Offline



Posts: 316
TIM HIEU VE VAI TEN GOI O SAIGON
Reply #38 - 18. Apr 2010 , 14:54
 
TIM HIEU VE VAI TEN GOI O SAIGON

PHAM DINH LAN, F.A.B.I.


            Sai Gon nhap tich Viet Nam vao nam 1698.  Trong qua trinh phat trien Sai Gon mang nhieu an dau cua van hoa Trung Hoa hon la van hoa Khmer mac du no nam tren dat Thuy Chan Lap, mot phan cua lanh tho Cambodia.  Phan dat nay duoc sap nhap vao ban do hanh chanh Nam Ha ke tu nam 1757.  Sai Gon tro thanh mot thanh pho va mot giang cang quan trong tu khi Phap chanh thuc chiem ba tinh mien Dong Nam Ky vao nam 1862.  Tu do anh huong van hoa va kien truc Phap duoc tim thay o Sai Gon.
            Trong bai viet nay chung toi co tim hieu nguon goc cua vai ten goi quen thuoc o Sai Gon.

Sai Gon


            Theo tu nguyen Sai la cay; cui va Gon la cay gon.  Sai Gon la ten dich nghia tu chu Prei Kor cua nguoi Khmer tuc la rung gon.  Vung Binh Hoa, Go Vap, Cay Mai, Phu Lam hien nay van con sot vai cay gon cao lon.
            Cay gon duoc tim thay nhieu o My Chau nhiet doi, Dong Nam A, Phi Chau.  Ten khoa hoc cua cay gon la Ceiba pentanda, thuoc gia dinh Bombacaceae.  Cay gon duoc nhieu dan toc o My Chau, Phi Chau va Dong Nam A xem la thieng moc.  Nguoi ta trong gon de lay trai va hot.  Trai gon kho co nhieu soi dung de lam bong gon, don nem, goi, ao am.  Trai gon non duoc nguoi Khmer an nhu rau cai.  Hot gon co nhieu chat beo.  Dau gon duoc dung de chien xao hay dung trong ky nghe san xuat xa bong.  Hot, la, vo, nhua cay gon dung de lam thuoc tri kiet ly, suyen, binh duong lieu, kinh nguyet, binh ve than va ca tieu duong nua.  Than cay gon dung lam thuoc phao. 
            Vung Sai Gon duoc nguoi Khmer goi la Prei Kor.  Vay ten goi Sai Gon la chu dich nghia tu chu Prei kor.  Gia thuyet nay kha tin hon gia thuyet cho rang Sai Gon la chu am tu chu Tay Cong cua nguoi Minh huong dau tien den khai pha vung dat nay.  Tay Cong nghia la quan Viet Nam nhan cong pham cua Chan Lap (Chen La) vi nuoc nay nam ve phia tay.


Ben Nghe


            Song Ben Nghe am chi song Sai Gon.  Chu ‘nghe’ la am thanh tu loai sau phat ra cho khong phai ‘nghe’ la bo con hay trau con (bo nghe, trau nghe).  Cach day 300 nam vung Sai Gon bay gio con hoang vu.  Duoi song co sau.  Cop xuat hien o vung Cho Quan nen co chuyen truyen khau ve viec ong Tang An danh cop.

Ben Thanh


            Ben Thanh la ben nuoc gan cai thanh.  Ben nuoc do la ben Bach Dang bay gio.  Gan do co cai cho goi la cho Ben Thanh.  Do la Cho Cu Sai Gon nam tren duong Ham Nghi gan ben Bach Dang.  Con cho Ben Thanh bay gio la cho moi cat sau khi Phap thiet lap nen do ho cua ho o Nam Ky.  Cho moi nay cach xa ben nuoc gan 2 cay so.  Ben Thanh cung am chi Sai Gon. 

Bon Binh


            La cong truong truoc cho Ben Thanh bay gio.  Cho Ben Thanh cung duoc goi la cho Bon Binh.  Do la noi co tuong Phu Dong Thien Vuong (1965).  Goi la Bon Binh hay Bon Ken vi linh Phap tap hop dien tap va thoi ken moi ngay tai day.  Sau cuoc khung hoang Phat Giao nam 1963 Bon Binh nay duoc goi la Cong Truong Quach Thi Trang, ten mot nu sinh, bi ban chet trong cuoc bieu tinh Phat Giao nam 1963.

Duong Xe Lua Giua


            Truoc nam 1954 tu Sai Gon vao Cho Lon co xe lua dien.  Duong ray xe lua dat chinh giua duong.  Duong xe lua giua chi duong Gallieni tuc duong Tran Hung Dao.  Duong xe lua nay chay qua duong Grimaud (Pham Ngu Lao) den cuoi duong La Somme (Ham Nghi).

Dinh Norodom


            Dinh Norodom la dinh Doc Lap sau nay.  Bay gio la dinh Thong Nhat.  Norodom la ten cua mot vi vua cua Cambodia ky thoa uoc nhan su bao ho cua Phap o Cambodia nam 1863.  Ong mat nam 1904.  De den dap cong lao cua ong, Phap dung ten ong de dat ten dinh to lon nhat va con duong rong lon nhat o Sai Gon.  Ngay 09-03-1945 Nhat dao chanh Phap va bat toan quyen Decoux tu dinh nay dem len Loc Ninh quan thuc.  Sau khi Nhat dau hang do doc Thierry d’Argenlieu duoc bo nhiem lam cao uy Dong Duong (nhu toan quyen).  Ong song va lam viec trong dinh Norodom.  Nam 1955 cao uy Ely trao tra dinh nay lai cho thu tuong Ngo Dinh Diem

Dinh Thong Doc


            Thong doc la nguoi Phap dung dau guong may cai tri o Nam Ky.  Dinh thong doc la noi thong doc o va lam viec.  Do la dinh Gia Long nam tai goc duong Gia Long va Cong Ly.  Nam 1962 dinh Doc lap bi oanh tac hu hai nang ne.  Tong thong Ngo Dinh Diem va gia dinh ong Ngo Dinh Nhu don ra dinh Gia Long o va lam viec cho den khi bi lat do vi cuoc dao chanh ngay 01-11-1963.

Ma Nguy


            Ma nguy la mo chon tap the 1,831 nguoi tham gia cuoc noi loan cua Le Van Khoi nam 1833 o Nam Ky.  Nam 1835 quan trieu dinh tai chiem thanh Gia Dinh va huy bo thanh nay.  Tat ca nhung nguoi trong thanh nay deu bi xu tu chon tap the trong ma nguy lich su nay.  Ma nguy nam o Dong Tap Tran la noi linh Phap tap ban bia.  Dong Tap Tran nam trong khuon vien Hoc Vien Quoc Gia Hanh Chanh tren duong Tran Quoc Toan (duong 3 thang 2).

Truong Ao Tim


            Truong Ao Tim la truong trung hoc dau tien danh cho nu sinh o Nam Ky.  Goi la truong Ao Tim vi nu sinh phai mac ao tim.  Phap goi la Ecole des Filles sau doi thanh truong nu trung hoc Gia Long tuc College Gia Long.  Xin dung nham nghia cua chu college va college cua Phap va Anh.  College cua Phap la truong trung hoc de nhat cap tuc cap hai bay gio.  Sau khi hoc het 4 nam, hoc sinh phai thi tuyen vao lop seconde (de tam hay lop 10) o truong Petrus Ky de hoc chung voi nam sinh.

Truong Thay Dong


            Do la truong Taberd lau doi nhat o Nam Ky do cac giao si Thien Chua Giao lap.  Sau nay truong tro thanh truong La San dich am cua ten Thanh Saint Jean Baptiste de Lasalle.  Truong nay co truoc khi thong doc De Lagrandiere cho xay dinh Norodom.  Thay dong la cac su huynh (freres) Thien Chua Giao dac trach viec giao duc.

Duong Kinh Lap


            Duong kinh lap la duong Charner tuc duong Nguyen Hue chay tu ben Bach Dang thang vao toa do chanh.

Nha Hat Tay


            Nam tren duong Catinat (Tu Do) bay gio la Dong Khoi.  Nam 1956 nha hat Tay tro thanh Quoc Hoi.  Tu nam 1967 den 1975 do la ha vien Viet Nam Cong Hoa.

Vuon Bo Ro


            ‘Bo Ro’ am tu tieng Phap Jardin des Beaux Jeux la khu vuon noi co cau lac bo the thao (Cercle Sportif Saigonnais) voi cac tro choi tao nha cua nguoi Tay Phuong nhu coi ngua, boi loi, danh kiem, quan vot v.v.  Do la noi giai tri lanh manh cua cac nha cai tri Phap thoi thuoc dia va gioi thuong luu Viet Nam sau nam 1954.  Nam 1963 tuong Taylor va tuong Minh ban ‘quoc su’ tren san quan vot trong hoi quan the thao nay.  Sau nam 1954 vuon nay duoc doi thanh vuon Tao Dan phong nghia cua chu Beaux Jeux cua Phap.  Trong khuon vien vuon Bo Ro co san da banh lau doi va quan trong nhat thoi Phap thuoc. 

Vuon Ong Thuong


            Vuon Ong Thuong la vuon Bo Ro hay vuon Tao Dan.  Truoc khi nguoi Phap den no duoc goi la Vuon Ong Thuong.  Ong Thuong la ta quan Le Van Duyet, tong tran Gia Dinh Thanh (Nam Ky).  Ong duoc ban tuoc Cong duoi trieu vua Gia Long.  Nguoi mien Nam goi ong la duc Thuong Cong.

Lang Ong Ba Chieu


            Lang la tu ngu dac biet danh cho vua chua dung de chi mo ma.  Lang Ong Ba Chieu la mo cua ta quan Le Van Duyet.  Ta quan la mot trong Ngu Quan Do Thong chi huy quan doi.  Chuc vu nay nhu thong che ngay nay.  Nguoi dung dau trong Ngu Quan Do Thong la trung quan do thong.  Ta quan Le Van Duyet la khai quoc cong than cua nha Nguyen.  Vua Minh Mang khong thich ong vi ong ung ho con cua hoang tu Canh, co cam tinh voi dao Thien Chua nhu Nguyen Phuc Anh (vua Gia Long) ma ong theo pho trong luc nguy nan va vi viec chem dau Huynh Cong Ly, cha cua mot ai phi cua vua Minh Mang, roi muoi dau goi ve Hue.  Khi ong con song vua Minh Mang khong dung den ong boi ong la mot khai quoc cong than.  Va lai ong co the luc o Nam Ky.  Khi ong mat mo cua ong bi san phang va xieng xich.  Thuoc ha cua ong bi bat bo giam cam.  Ong Nguyen Dinh Huy, than sinh cua nha tho Nguyen Dinh Chieu (Do Chieu), chi la mot vien chuc nho lam viec cho toa tong tran Gia Dinh Thanh cua ta quan Le Van Duyet cung phai lanh ne su trung phat. 
            Duoi thoi Phap thuoc co nhieu vu an khong tim ra su that nguoi ta phai dan toi pham den Lang Ong Ba Chieu de the.  Nguoi ta tin rang ta quan Le Van Duyet rat linh hien.  Sau nam 1954 vao dip dau Xuan nguoi ta thuong den Lang Ong Ba Chieu khan vai de xin loc dau nam.

Nha Tho Huyen Si


            Nha tho xay dung do su dong gop tai chanh cua Philippe Le Phat Dat tuc huyen Si.  Huyen o day la chuc huyen ham (honoraire) vi duoi thoi Phap thuoc chuc tri huyen khong con o Nam Ky.  Tuy vay nguoi Phap ban tuoc huyen ham nay cho nhung nguoi giau co, co the luc va huu ich cho Phap.  Ton Tho Tuong la doc phu Tuong.  Do Huu Phuong la tong doc Phuong mac du nhung chuc tong doc, tri phu, tri huyen hoan toan bien mat khi Phap truc tri Nam Ky.  Con Si khong phai la ten ma la danh hieu ‘hoc si’.  Mot nguoi biet quoc ngu, noi ranh tieng Phap, tot nghiep truong thong ngon va theo dao Thien Chua nhu Philippe Le Phat Dat duoc xem la hoi du dieu kien de duoc goi la ‘hoc si’.  Philippe Le Phat Dat la ong ngoai cua Nam Phuong hoang hau tuc Marie Therese Nguyen Huu Hao (1).


Dat Thanh Tay


            Dat Thanh Tay la nghia trang cua nguoi Phap va nhung nguoi Viet Nam co Phap tich, co dao hay co quyen the.  Francis Garnier bi Giac Co Den cua Luu Vinh Phuc giet chet o O Cau Giay, Ha Dong, duoc cai tang o day.  Tong thong Ngo Dinh Diem, Ngo Dinh Nhu, Ngo Dinh Can, tuong Le Van Ty deu duoc chon o day.  Co mot vai linh hai quan Nga bi Nhat danh bai trong tran hai chien Tsushima thoat chay ve phia nam bi binh chet va chon o Dat Thanh Tay nay.  Sau nam 1954 Dat Thanh Tay duoc goi la Nghia Dia Mac Dinh Chi.  Vao dau thap nien 1980 nhung ngoi mo trong nghia dia nay duoc cai tang.  Hai cot cac thuy thu Nga va tong thong Ngo Dinh Diem, Ngo Dinh Nhu va Ngo Dinh Can duoc cai tang o Ap Dong Ba , xa Tan Thoi, huyen Thuan An (Lai Thieu).

Ben Nha Rong


            Ben Nha Rong nam tren song Sai Gon noi xuat phat cac chuyen tau di Phap truoc kia.  Tai day co mot toa nha tren noc co hinh con rong nen nguoi ta goi la ben Nha Rong cho de nhan.  Nha Rong la cach noi nom na am chi vua Gia Long, vi vua khai sang ra  nha Nguyen va la nguoi co cam tinh voi Phap qua su giup do cua giam muc Pigneau de Behaine, nguoi dai dien cho Nam Ha ky hiep uoc Versailles nam 1787 voi thuong tho bo ngoai giao Phap la De Montmorin.  Neu chiet tu ra ta se thay:
Nom                            Han-Viet
Nha                              Gia
Rong                            Long

Nha Be


            Nha lam bang tre noi tre mat nuoc tai noi giao luu cua song Sai Gon va song Dong Nai de phat gao va nuoc cho khach thuong ho lo buoc song qua ngay.  Nha be nay do Vo Huu Hoang tuc Thu Huong dung tien lam ra.  Tren Cu Lao Pho o Bien Hoa co mot ngoi chua lon goi la chua Thu Huong.  Cai nha be tao phuc duc cho Thu Huong nay tro thanh mot dia danh nam cach Sai Gon 10 km.  Dac diem cua Nha Be nam trong cau hat sau day:
Nha Be nuoc chay chia doi.
Ai ve Gia Dinh, Dong Nai thi ve.
            Vi Nha Be la noi hai song Sai Gon va Dong Nai hop luu truoc khi do nuoc ra bien.  Di theo song Sai Gon thi ve Gia Dinh.  Di theo song Dong Nai thi ve Bien Hoa.

Thanh O Ma


            Thanh O Ma nam trong tu giac gioi han boi duong Arras (Cong Quynh), Freres Louis (Vo Tanh), Nancy (Cong Hoa), Pham Viet Chanh (duong moi lap sau nay).  Phap goi la Camp aux Mares (camp: trai linh; mares: dam ao) vi trong vung co nhung cho trung bi dong nuoc khi troi mua.   O Ma am tu chu aux mares ma ra.  Tong Nha Canh Sat Quoc Gia dat trong thanh O Ma nay.  Vi tri cua nha Vien Thong truoc kia la mot san da banh Stade Saigonnais cua doi vo bien Phap.

So Ba Son


            Chu Ba Son la hai am gian doan cua chu reparation.  So Ba Son tuc arsenal de reparation la co so cua hai quan cong xuong tren duong Luro tuc Cuong De sau nam 1954.  U sua tau nam tren rach Ben Nghe (Arroyo de l’Avalanche.  Avalanche la ten chiec tau Phap vao ban pha vung nay truoc tien) chay ngang hong So Thu Sai Gon.  So Ba Son, nha den Cho Quan (2), so Truong Tien (3), so Hoa Xa (4) la nhung noi thu hut nhieu cong nhan o Sai Gon vao dau the ky 20.

Kham Lon Sai Gon


            Kham Lon Sai Gon nam gan dinh thong doc (dinh Gia Long va phap dinh Sai Gon.  Do la khuon vien cua Thu Vien Quoc Gia va Phu Quoc Vu Khanh Van Hoa truoc nam 1975.  Nguoi mien Nam biet  Kham Lon Sai Gon qua cuoc khoi nghia cua Thien Dia Hoi Phan Xich Long, viec cam tu nha cach mang Nguyen An Ninh va cuon Ngoi Tu Kham Lon cua Phan Van Hum (1929).  Nam 1953 Kham Lon Sai Gon bi dap pha.  Kham doi ve Chi Hoa (Hoa Hung).

Ky Hoa va Dat Ho


            Do la hai dia danh nho trong vung Sai Gon- Gia Dinh bi nguoi Phap ghi sai nhung lai duoc nguoi Viet nam dung cho toi ngay nay.
Ten goi cua Viet Nam                           Dia danh do Phap ghi sai
Ky Hoa                                                Chi Hoa
Dat Ho                                                 Da Kao.
            Bay gio nguoi ta biet Da Kao, Chi Hoa cho khong biet Dat Ho va Ky Hoa.

Cau Bong


            Do la chiec cau noi lien Binh Hoa va Da Kao.  Nguoi ta tranh khong goi la Cau Hoa ma goi nom na la Cau Bong vi Ho Thi Hoa la ten cua mot hoang hau nha Nguyen goc o Linh Xuan Thon, huyen Binh An, tinh Bien Hoa va la  me cua vua Thieu Tri.  Neu dung Han Viet thi Cau la Kieu va Bong la Hoa thi ta co Hoa Kieu tuc kieu dan Trung Hoa!

Cau Thi Nghe


            Cau do ba Nguyen Thi Khanh, ai nu cua tuong Nguyen Cuu Van, bat cho chong di lam viec.  Tuong truyen ba la vo mot ong nghe nen nguoi Phap goi la Thi Nghe.  Bay gio Thi Nghe tro thanh mot dia danh.  Tren ban do hanh chanh Thi Nghe la lang Thanh My Tay nam ben kia rach Ben Nghe ma nguoi Phap goi la Arroyo de l’Avalanche vi tau chien Avalanche cua Phap la chiec tau dau tien ban pha tren rach nay. 
            Tuong Nguyen Cuu Van danh tan quan Chan Lap do Xiem La yem tro vao nam 1714 nghia la truoc khi toan the Thuy Chan Lap (Nam Bo bay gio) duoc sap nhap vao Nam Ha.  Nhung chua Nguyen da thiet lap guong may hanh chanh vung chac tu Bien Hoa xuong Sai Gon- Cho Lon bay gio voi su thanh lap Bien Tran Dinh. 
Chiec cau go ma chung ta de cap duoc bat vao the ky 18.  Luc ay viec hoc hanh thi cu chua hoan chinh lam sao co mot cong dan nao o Nam Ha (phia nam song Gianh) dau tien si de duoc goi la ong nghe va ba Nguyen Thi Khanh duoc goi la ba nghe tuc la vo cua mot tien si?  Phan Thanh Gian la nguoi dau tien dau tien si o Nam Ky.  Ong dau tien si nam 1826 duoi trieu vua Minh Mang.  Duoi trieu vua Gia Long (1802-1820) chi co thi huong ma thoi.  Co phai chang chong ba Nguyen Thi Khanh ten la Nghe? 
         
Cau Ong Lanh


            Chu ‘lanh’ la chu goi tat cua chuc ‘lanh binh’ vao the ky 19.  Cau Ong Lanh la chiec cau lam ra theo linh cua mot lanh binh.  Lanh binh la nguoi trong coi viec quan su trong mot tinh nho.  Chuc vu nay tuong duong voi thieu ta hay trung ta ngay nay.  Ngay xua goi ten mot nguoi co chuc quyen, lon tuoi hay giau co la mot su khiem nha va that kinh.  Vi ly do do nguoi ta chi goi tat chuc vu nen nhung the he sau nham tuong do la ten cua mot nguoi nao do.
            Chiec cau bay gio do nguoi Phap xay cho khong phai chiec cau nguyen thuy thoi Ong Lanh lam bang go.

Binh Tri Giang


            Ten cua rach Ben Nghe ma nguoi Phap goi la Arroyo de l’Avalanche.  Do la con rach chay gan So Thu Sai Gon va Cau Bong.

Go Vap


            Go Vap la mot dia danh cach Sai Gon 9 km ve phia bac.  Ten goi Go Vap la do su hien dien cua cay vap ma ra.  Cay vap duoc tim thay nhieu o An Do, Scri Lanka (Tich Lan), ban dao Dong Duong.  Cac nha thuc vat hoc goi la thiet luc moc (ironwood) hay nag Champa.  Do la mot thieng moc doi voi nguoi Chiem Thanh, An Do, Scri Lanka va cac dan toc trong vung Dong Nam A.  Ten khoa hoc cua cay vap la Mesua Ferrea (5) thuoc gia dinh Clusiaceae.  Hoa cay vap rat thom.  Nhua hoi doc.  Nguoi ta dung cay vap lam nha, dong ban ghe, ngach duong ray xe lua, cam xe bo.  No la quoc moc cua dan dao Scri Lanka.  Dau vap dung tri ngua, dau thap khop, tri gau tren da dau.  O Scri Lanka san phu uong nuoc sac cua hoa cay vap sau khi sinh.  Cay vap co nhieu duoc tinh: khang khuan, khang nam, khang viem va diet trung lai.
            Ngay nay Go Vap la mot thanh pho hien dai nen khong ai tim thay dau vet cua cay vap nua.

Lang Cha Ca


            Mo ma cua vua goi la lang.  Cha ca la vi co dao cao va lon tuoi.  Cha Ca o day am chi giam muc Pigneau de Behaine (Ba Da Loc), nguoi mo nguoi Phap giup cho Nguyen Phuc Anh danh nhau voi quan Tay Son.  Ong tham gia giac mua danh vao cac tinh do nha Tay Son cai tri.  Ong mat truoc khi Nguyen Phuc Anh thong nhat dat nuoc bang cach danh bai nha Tay Son.  Nguyen Phuc Anh cho cu hanh mot dam tang theo nghi thuc vuong gia cho ong.  Mo cua ong duoc goi la lang.  Vao thap nien 1980 mo nay bi boc do.

Ong Hoanh, Ong Tram


            O Sai Gon va Nam Ky ngay xua nguoi ta dung hai chu ‘Ong Hoanh’, ‘Ong Tram’ de am chi nhung nguoi ngang nguoc, long hanh dung suc manh va be dang de hiep dap ke khac.  Ong Hoanh, Ong Tram khong phai la chuc tuoc trong chanh quyen hay hoc vi trong gioi nho gia nhu ong Cong (cu nhan), ong Nghe (tien si).
            Ong Hoanh ten that la Nguyen Van Ham va Ong Tram la Nguyen Van Tram.  Ca hai la thuoc ha cua Le Van Khoi, duong tu cua ta quan Le Van Duyet.  Trong thoi ky Le Van Khoi tam chiem Nam Ky ong Hoanh va ong Tram hong hach, ngang nguoc hiep dap dan chung nhung khong ai dam than van gi ca.  Khi quan trieu dinh van hoi trat tu  nam 1835 ong Hoanh va ong Tram bi giai ve Hue hanh quyet.

Xam Nua Con Rong


            Vao dau the ky 20 nhung tay anh chi, giang ho bat tuy o Sai Gon thuong xam minh, hoc bua Ta Lon, hoc gong hay vo nghe de chung minh su gan da va ban linh cua minh cho nguoi khac ne so.  Xam minh rat dau.  Vi vay nguoi xam ca con rong day vi, vay tren lung hay nguc va bung duoc xem la nguoi gan da trung thanh voi nhung khau hieu xam tren minh hay tay chan nhu:
Tu hai giai huynh de.
Ninh tho tu bat ninh tho nhuc.
            Tu chuyen xam minh de chung minh su gan da co cum chu ‘xam nua con rong’ nham che nhao nhung nguoi nhat gan nhung gia dang anh hung nen moi xam nua con rong khong vi, khong vay da voi bo chay.

Dia Danh Mang Chu ‘Tan’   


        Vao cuoi the ky 18 Nam Ky la dia ban giao tranh giua quan Tay Son va ho Nguyen.  Sau khi cuoc noi chien cham dut nhieu dia danh mang chu Tan xuat hien o Sai Gon- Cho Lon- Gia Dinh nhu Tan Thoi, Tan Son Nhut, Tan Son Hoa, Tan Dinh, Tan Kieng (Tan Canh), Tan Lan, Tan Binh, Tan Khanh, Tan Long, Tan Hoi, Tan Dong Hiep, Tan Thanh Dong…nhu de danh dau mot cai gi moi me sau cuoc chien tan pha khoc liet.

Cot Co Thu Ngu


            Cot co tren bo song Sai Gon.  Do la noi cac thanh nien Sai Gon ngoi noi du thu chuyen tao lao.   Nguoi Phap goi noi nay la Pointe des Blagueurs (Mui dat cua ke noi doc).  Chu ‘thu ngu’ la dich nghia tu chu blagueurs (ke noi doc; khoac lat) ma ra vay.

Thay Thong


            Theo dung nghia thay thong la thong ngon dich tieng Phap ra tieng Viet.  Khi Phap vua chiem ba tinh mien dong Nam Ky (Bien Hoa, Gia Dinh va Dinh Tuong), truong thong ngon (Ecole des Inperpretes) duoc mo o Sai Gon de dao tao cong su vien lien lac giua nguoi Phap va nguoi ban xu.  Duoc hoc va tot nghiep truong nay la mot danh du va mot dam bao ve viec lam vung chac lai duoc luong bong cao so voi loi tuc cua da so nong dan thoi bay gio.  Truong Vinh Ky la nguoi Viet Nam dau tien day o truong nay.  Le Phat Dat (huyen Si) hoc va tot nghiep truong thong ngon nay.
            Chu ‘thay thong’ dan dan mat nghia goc cua no.  Sau nay khi noi den ‘thay thong’ nguoi ta nghi den ‘thay thong nha day thep’ tuc nguoi lam viec cho buu dien.

Con Co


            Buu dien Sai Gon som duoc thanh lap khi nguoi Phap thiet lap guong may cai tri cua ho o day sau nam 1862.  Thoi ay dan ta hoan toan xa la voi tem tho nen khong biet goi la gi cho on.  Goi la con tem vi nghe nguoi Phap goi no la timbre (Anh: stamp).  Goi la con niem vi thay no dung de dan len bao tho nhu de niem kin cai tho vay.  Goi do la con co vi thay hinh con co tren con tem.
            Nguoi mien Nam goi nguoi chi huy canh sat la ong co.  Chu ‘co’ o day la cach phat am Viet hoa chu dau cua chu commissaire de police.

Da Ba Bau


            Da Ba Bau la ten cua mot con duong trong tinh Cho Lon (6) thoi Phap thuoc.  Ten duong nay lam cho nhieu nguoi ngac nhien vi khong phai la ten cua mot nguoi nao hay mot danh nhan nao.  Neu hieu theo hieu truc tiep thi cang kho chiu hon.  Nghia thuc su cua Da Ba Bau la quan cua ba Bau duoi tang cay da.

Nha Thuong Chu Hoa


            Do la bao sanh vien Tu Du ngay nay.  Chu Hoa la mot nguoi Hoa giau co va co Phap tich.  Ong la nguoi tai tro su xay cat binh vien nay.  Ten cua ong la Hui Bon Hoa.  Ong co nhieu dien san va nha cua o Sai Gon va Nam Ky.  Duong Ly Thai To o Sai Gon mang ten Hui Bon Hoa duoi thoi Phap thuoc.  Khi mat thi the cua ong duoc dat trong mot quan tai thuy tinh.  Nguoi duong thoi ban tan it nhieu ve chuyen nay.  Nguoi thi khen ngoi su giau co nen khi chet co quan tai thuy tinh.  Nguoi khac lai noi chuyen Am Duong Ngu Hanh de dung thanh phim.
PHAM DINH LAN, F.A.B.I
Chu Thich
(1)     Vi co Phap tich nen phai giu goc cua ten cha la Nguyen Huu Hao.  Ten Viet cua ba la Nguyen Huu Thi Lan.
(2)     CEE:  compagnies des Eaux et Electricites
(3)     Travaux Publiques
(4)     Chemin de Fer
(5)     Trong chu Ferrea co chu ‘fer’ co nghia la sat vi cay vap co go nang va ran chac nhu sat.
(6)     Duoi thoi Phap thuoc Cho Lon la mot trong 21 tinh cua Nam Ky.
Back to top
 

hoahong.gif...hoahong.gif...hoahong.gif
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #39 - 12. Sep 2010 , 02:19
 
Tôi còn nhớ , có một bản nhạc viết về Sài Gòn , đó là bài hát mang tên , Sài Gòn Niềm Thương Nhớ khôn Nguôi : Bat đầu với giòng chử : Cầm tờ thư ( nhầu ) nát trao tay , viết tên Sài Gòn. Sài gòn hai tiếng thân thương , Xin gửi đến Diễn đàn bài viết về Sài Gòn ,

                       CÀ PHÊ SÀI GÒN XƯA

Bạn đã uống cà phê nhiều, bạn biết muốn pha một ly cà phê tuyệt vời đâu có khó. Cà phê loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà phê mít đặc quánh mà vô vị, hãy chọn một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi được 70% đoạn đường rồi; muốn kẹo thêm nữa hả? Muốn hưởng cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưỡi phải không? Dễ mà, thêm vào chút xác cau khô là xong ngay. Bạn muốn có vị rhum, thì rhum; bạn thích cái béo béo, thơm thơm của bơ, cứ bỏ chút bretain vào. Bạn hỏi tôi nước mắm nhĩ để làm gì à? Chà, khó quá đi, nói làm sao cho chính xác đây! Thì để cho nó đậm đà. Đậm làm sao? Giống như uống coca thì phải có thêm chút muối cho mặn mà đầu lưỡi ấy mà. Uống chanh đường pha thêm chút rhum cho nó ra dáng tay chơi. Như kẻ hảo ngọt nhưng vẫn cắn răng uống cà phê đen không đường cho lập dị. Thèm đá muốn chết nhưng cứ chốn bạn nhậu thì nằng nặc đòi uống chay không đá cho giống khác người, cho đẳng cấp. Tôi không biết, không tả được, mời bạn hãy thử và tự cảm nhận lấy. Bạn đòi phải có tách sứ, thìa bạc; bạn nói phải nghe nhạc tiền chiến, phải hút Capstan (dộng vài phát hết gần nửa điếu và rít đỏ đầu), Ruby hay Basto xanh mới đã đời, thú vị phải không? Bạn đã có đủ những gì bạn cần, sao lại cứ thích đi uống cà phê tiệm? Tôi không trách bạn đâu. Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền “uống” con người tại quán cà phê; “uống” không khí và cảnh sắc cà phê; “uống” câu chuyện quanh bàn cà phê và nhiều thứ nữa. Vậy thì mời bạn cùng tôi trở lại không khí cà phê Sài Gòn những năm cuối 1960 và đầu 1970.
Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên; hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Cứ như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia; nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.

Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công. Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ “chữ nghĩa” lắm; “ông”, “bà” nào cũng tha tập cours quằn tay, cộng thêm các tập san Sử địa, Bách khoa, Văn và vân vân...
Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may áo dài Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó xéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung tâm Thực nghiệm Y khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm, chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại. Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.
Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành một cái “mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người. Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán - những thanh niên xốc xếch một chút, “bụi” một chút (làm như không bụi thì không là trí thức)- đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly. Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài. Quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó. Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì, nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xang lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười, trừ cô chị. Những năm 1980, Cà-phê Hồng không còn, tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn vào chốn xưa và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển “chim di” giờ mờ mịt phương nào?
Viện Đại học Vạn Hạnh mở cửa muộn màng nhưng ngay từ những năm đầu tiên nó đã thừa hưởng được những thuận lợi to lớn về tâm lý, cùng với những tên tuổi đã giúp cho Đại Học Vạn Hạnh được nhìn vừa như một cơ sở giáo dục khả tín, vừa như một tập hợp của những thành phần trẻ tuổi ý thức và dấn thân. Tuy nhiên, dường như cái hồn của Đại Học Vạn Hạnh được đặt tại một tiệm cà phê: Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó xéo về phía chợ Trương Minh Giảng. Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thướt, có vẻ chữ nghĩa. Các nhóm làm thơ trẻ đang lên và đang chiếm đều đặn nhiều cột thơ trên báo chí Sài Gòn ngồi đồng từ sáng đến tối để... làm thơ. Nhưng đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau. Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh cho đến ngày cuối cùng. Nắng Mới nay không còn. Những con người cũ tứ tán muôn phương.
Có một quán cà phê thân quen nữa không thể không nhắc đến: Quán chị Chi ở gần đầu đường Nguyễn Phi Khanh, kế khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh và rất dễ thương, nằm phía sau rạp Casino Đa Kao. Ở đó có những con đường rất nhỏ, những ngôi nhà mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín vỉa hè, trầm lắng cô liêu và im ả tách biệt lắm mà mở cửa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được với người đối diện bên kia đường. Quán chị Chi độ chín mười thước vuông, chỉ đủ chỗ để đặt ba bốn chiếc bàn nhỏ. Quán không có nhạc, không trưng bày trang trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen trắng, cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy một bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu làm nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng chữ nhỏ: “Hôm qua con đã đi học rồi mà”. Khách đến với chị Chi không phải coi bảng hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo, mà hoàn toàn do thân hữu truyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến luyến trở lại. Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà; loại trà mạn sen, nước xanh, vị chát nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất, thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái của một người mập, vừa đủ cho hốp nước nhỏ. Ấm có ba loại, được gọi tên ra vẻ “trà đạo” lắm: độc ẩm, song ẩm và quần ẩm, nhưng hồi đó chúng tôi thường “diễn nôm” theo kiểu “tiếng Việt trong sáng” thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bự. Trà được uống kèm với bánh đậu xanh - loại bánh đặc biệt của chị Chi- nhỏ, màu vàng óng và mùi thơm lừng. Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất, trông cũng có vẻ phong lưu nhàn tản và thanh cao thoát tục lắm. Quán chị Chi giờ đã biến tướng ít nhiều nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cũ.
Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê mới, và thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng... Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ - Hình như là Đào Duy Từ - gần sân vận động Thống Nhất bây giờ, có một quán cà phê không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giã thác Cam Ly, hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra. Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lan xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướm của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, nhưng giỏ gùi sơn nữ, những cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ những gốc cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất ... Đa La. Ngày khai trương, Đa La chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả, với những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà... Đa La đông vui, chứng kiến sự nở hoa và tàn úa của nhiều mối tình. Nhưng Đa La vắng dần những người khách cũ và đóng cửa lúc nào tôi không nhớ.

Cà phê Hân ở Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao là quán thuộc loại sang trọng, khách phần lớn ở lớp trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn ghế ở đây đều cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn nào cũng có đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở Hân chắc là quan trọng lắm, lớn lắm; nhìn cái cách người ta ăn mặc; trông cái vẻ người ta thể hiện là biết ngay chứ gì; có lẽ cả thời sự, kinh tế tài chánh, văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy là xa lạ với dân ngoại đạo cà phê. Nhưng Hân là một nơi hết sức đáng yêu, đáng nhớ của nhiều người, dù ngồi quầy là một ông già đeo kính như bước ra từ một câu chuyện của văn hào Nga Anton Chekov. Về sau, đối diện với Hân có thêm quán cà phê Duyên Anh của hai chị em cô Hà, cô Thanh; cô em xinh hơn cô chị và được nhiều chàng trồng cây si. Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, đã trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị em ở trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc ngay góc Hồng Thập Tự - Cường Để còn nhớ, cũng như nhớ món bánh cuốn ở đình Tây Hồ bên trong chợ Đa Kao thờ cụ Phan, nhớ quán cơm “lúc lắc” trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nữ sinh viên vừa đi lên căn gác gỗ vừa run khi được mấy chàng mời cơm.
Bạn nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn họ ngậm ống vố, đeo kính cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa, anh em nào muốn có không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió; anh em nào muốn có chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp, vào quán Hương Xưa, ở đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta đối đãi với nhau cũng rất đẹp. Cũng đừng quên nhắc đến quán Chiêu, hẻm Cao Thắng. Rồi còn cà phê hàng me Nguyễn Du, cũng Beatles, cũng Elvis Presley như ai ; và cả pha chút Adamo quyến rũ. Giá ở đây thật bình dân nhưng thường xuyên chứng kiến những pha so găng giữa học sinh hai trường nghề Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ.

Chán cà phê thì đi ăn nghêu sò, bò bía, ăn kem trên đường Nguyễn Tri Phương, góc Minh Mạng hoặc bên hông chợ Tân Định. Phá lấu đã có góc Pasteur-Lê Lợi, nhưng chỉ dành cho các bạn có tiền. Rủng rỉnh tí xu dạy kèm cuối tháng có Mai Hương (nay là Bạch Đằng Lê Lợi). Quán Mù U, hẻm Võ Tánh, chỗ thương binh chiếm đất ở gần Ngã tư Bảy Hiền dành cho những bạn muốn mờ mờ ảo ảo. Muốn thưởng thức túp lều tranh mời đến cà phê dựa tường Nguyễn Trung Ngạn gần dòng Kín, đường Cường Để. Rồi quán cà phê Cháo Lú ở chợ Thị Nghè của một tay hoạ sĩ tên Vị Ý. Cao cấp hơn có La Pagode (đổi thành Hương Lan trước khi giải thể), Brodard, Givral. Thích xem phim Pháp xưa, phim Mỹ xưa và ngồi... cả ngày xin mời vào rạp Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi để chung vai với đám đồng tính nam. Vào Casino Sài Gòn có thể vào luôn hẻm bên cạnh ăn cơm trưa rất ngon tại một quầy tôi đã quên tên. Nhưng rạp Rex vẫn là nơi chọn lựa nhiều nhất của SV, cả nghèo lẫn giàu. Cuộc sống SV cứ thế mà trôi đi trong nhịp sống Sài Gòn. Nghèo nhưng vui và mơ mộng. Tống Biệt hành, Đôi mắt người Sơn Tây sống chung với Cô hái Mơ. Đại bác ru đêm sánh vai với Thu vàng. Ảo vọng và thực tế lẫn vào nhau. Thi thoảng lại pha thêm chút Tội ác Hình phạt, Zara đã nói như thế! Che Guervara, Garcia Lorca. Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin tặng anh, tặng chị, tặng em, đặc biệt là tặng tất cả những ai tha hương có lúc bỗng bàng hoàng nhận thấy, dường như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở cà phê Hồng, Thu Hương, hay đâu đó ở quê nhà.

LƯƠNG THÁI SỸ - AN DÂN












Back to top
« Last Edit: 16. Nov 2017 , 05:56 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi. CÁI GIỌNG SÀI GÒN
Reply #40 - 12. Sep 2010 , 08:37
 
From: Nam Hoang 
Chuyện "Cái Giọng Saigon"

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy…

Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi...
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong
Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg..." khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy...
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam , có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế.

Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.

Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…

Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”

Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.
Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.

Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn.. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…
Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"hoado "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen.

Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi.

Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tùy vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy.
Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.

Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn.

Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Nam hoàng



Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: NHỮNG ĐIẠ DANH MANG TÊN ÔNG , BÀ Ở SÀI GÒN
Reply #41 - 05. Oct 2010 , 07:13
 
Những Địa Danh Mang Tên 'Ông', 'Bà' Ở Sài Gòn

From: Kim Nguyen <nguyenkimchuc@yahoo.com>
Sent: Mon, October 4, 2010 7:54:14 AM
Subject: Đia danh Ông và Bà ở Saigon

Những Địa Danh Mang Tên 'Ông', 'Bà' Ở Sài Gòn


BÀ.
Đầu tiên được nói đến Bà Nghè, tên gọi hồi trước của con rạch Thị Nghè quận 1 sát bên Sở thú Sài Gòn. Trong Gia Định phú do Phan Văn Thị sáng tác có câu ví ngộ nghĩnh.
Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt, lá chàm rai.
Tôi chịu thua, tìm cả trong tự điển cây "chàm rai" là cây gì, mà lá nó xanh dữ vậy.

Nội ô Sài Gòn -còn có một bà cũng nổi tiếng đó là Bà Chiểu, nằm trên địa bàn phường 1, 2 và 14 thuộc quận Bình Thạnh.
Khu vực này có cái chợ cùng tên Bà Chiểu tấp nập ngày đêm, chủ yếu là bán lẻ. Có câu ca dao, nghe cũng vui tai:
Xe mui chiều thả chung quanh
Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi.

Có lẽ nổi tiếng nhất trong các bà là Bà Điểm. Tương truyền bà Điểm là một chủ quán nước chè vùng Tân Thới Nhứt, Hóc Môn, có 18 thôn vườn trầu, nơi đây Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định từng hoạt động (khoảng năm 1861).

Nói cho ngay, người Sài Gòn xưa hay đặt cho con rạch, chiếc cầu, một địa danh, một con đường, con hẻm một cái tên (hoặc bà hoặc ông) trước là dễ nhớ, sau là ghi lại công tích của người đó góp cho dân trong vùng; thứ nữa nhìn hình vóc của khu vực đó mà đặt.

Thí dụ: Bà Quẹo, là khu vực gồm các phường 13, 14 quận Tân Bình.
Ai đi trên đường Cách mạng Tháng Tám nối liền đường Trường-Chinh lên Tây Ninh, vọt thẳng biên giới với Cam-pu-chia, có một ngã ba, nếu nhà ở hướng lộ 14 thì quẹo trái (rẽ) vào.

Hay Bà Đô, là con rạch ở phường 1, quận 5, thông từ các ao, đầm ra rạch Bến Nghé, nay bị lấp rồi. Bà Đô còn là tên chiếc cầu ở đầu đường Hàm Tử bắc qua rạch Bà Đô (còn gọi là Thị Đô). Dân chèo ghe ở Sài Gòn hồi trước, qua đây hay hát:
Kể từ chợ Sỏi trở vô
Xóm Lá là chợ, Thị Đô là cầu.

Hay như Bà Thuông, tên chiếc cầu trên kênh Tàu Hũ, từ đầu đường Tản Đà đến đầu đường Phú Định. Trong Gia Định phú có câu ví rất hay:
Giếng Bà Nhuận rạch cam tuyền, trai gái nhảy thỏa tình khát vọng
Cầu Bà Thuông đường quan lộ gần xa đều phỉ chí quy lai.

Tên cầu, tên rạch, tên khu vực nào đó có từ Bà rất nhiều. Như: rạch Bà Bướm có tên từ 1902 ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 chảy vào sông Sài Gòn, nay nằm trong khu chế xuất Tân Thuận

Sông Bà Cả Bảy chảy qua hai xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi dài 15 km từ ranh giới với Tây Ninh đến sông Láng Thé.

Bà Hom vừa là khu vực phường 13, 14, quận 6 giáp ranh với Tân Bình và Bình Chánh, vừa là chiếc kênh ở xã Tân Tạo.

Bà Tàng, vừa là các rạch ở phường 7, quận 8, cũng là tên chiếc cầu bắc qua rạch Lào trên đường Phạm Thế Hiển. Rồi Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp... cũng là cầu, là rạch, là tên riêng vùng đất.

Như tên Bà Khắc là chiếc cầu xưa ở vùng Cầu Kho quận 1. Khắc trong tiếng Nam Bộ còn gọi là Khấc, để cầu khỏi trơn trợt.
Trong bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh có câu:
Trên cây Da Còm, nỡ để ông già gùi đội
Dưới đường Cầu Khắc, chi cho con trẻ lạc loài.
Chiếc cầu Bà Khắc (hay Khấc) này thời nay không còn nữa.

Nhiều tên đường cũng tên bà, như đường Bà Huyện Thanh Quan trên địa bàn phường 6, 7, 9 quận 3, hồi Pháp có tên là Rue Nouvelle, đến năm 1920 đổi thành Pierre Fladin. Năm 1955 mới có tên Bà Huyện Thanh Quan đến ngày nay.
Bà Ký là đường trên địa bàn phường 9, quận 6.
Bà Lài là đường nối từ đường Phạm Văn Chí với Lò Gốm, nay tên đường mới là Đặng Thái Thân.
Bà Lê Chân ở Tân Định. Năm 1906 có tên là Frostin. Đến 19-10-1955 đổi lại thành đường Bà Lê Chân.
Bà Triệu nằm sau Bệnh viện Chợ Rẫy, thời Pháp có tên là Merlande. Năm 1955 mới đổi thành Bà Triệu..
Chắc là còn nhiều "bà" nữa mà người viết chưa có vinh hạnh làm quen xin mọi người tìm thêm nữa.
Cũng lạ, khi đặt tên cho cái rạch, con sông, chiếc cầu, hay địa danh một vùng đất gắn với một bà nào đó, thì có cả ca dao, câu hát, câu ví dí dỏm
Nhưng, với cánh đàn ông thì thiệt là khô khan, chả thơ phú, câu vè, câu đố nào. Dù sao, có bà thì phải có ông, bởi thiếu ông nghe như trống trải trong lòng vậy.

ÔNG
Ở Sài Gòn - thành phố Saigon, địa danh mang tên năm ông sau đây, cứ nhắc tới thì cả nam, phụ, lão, ấu ai cũng rành.

Đầu sổ là Ông Lãnh. Gắn liền với Ông Lãnh là chiếc cầu. Dạ, Cầu Ông Lãnh, rồi chợ Cầu Ông Lãnh, và phường Cầu Ông Lãnh (Nói nhỏ: chỗ này hồi trước bụi đời dữ lắm nghen, nay thì đỡ nhiều rồi). Đúng là có cầu, có chợ, có phường 100%, nhưng thử hỏi cắc cớ: vậy Ông Lãnh là ai vậy, thưa bà con, thì nghe chừng ngắc ngứ lắm! Có giả thuyết cầu này do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 - 1866) đóng quân ở đồn Cây Mai, Thủ Thiêm và tại đình Nhơn Hòa, quận 1 gần chiếc cầu. Vả lại, năm 1885, Cụ PétrusTrương Vĩnh Ký có viết rằng chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng này, chớ không phải ai khác. Cũng có người bảo, cầu này ở cạnh một ông lãnh sự, nên đặt chết tên luôn. Nghe chừng chuyện này không thuyết phục mấy.

Hai là Ông Thượng. Người Sài Gòn trọng tuổi một chút nghe đến vườn Ông Thượng thì biết ngay là Công viên văn hóa Tao Đàn thuộc quận 1 bây giờ. Chớ hỏi bọn trẻ, chưa chắc hiểu vườn Ông Thượng ở đâu. Vả lại, Ông Thượng là tên dân gian gọi tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt những thập niên 20 và 30 của thế kỷ 19. Nghe nói, vườn Ông Thượng hồi đó hay có gánh hát đến biểu diễn, cả cải lương lẫn hát bội, và Nguyễn Đình Chiểu hồi nhỏ cũng hay đến đây coi tuồng hát bội.

Ba là Ông Tố. Giồng Ông Tố là vùng đất thuộc quận 2, hồi năm nẳm, ở vùng này còn nhiều cọp beo và nhiều ve lắm, nên có câu:
Coi cọp, xuống Thị Nghè
Ăn ve, lên Ông Tố.
Ve mà nướng lên ăn cũng thơm như cào cào, châu chấu vậy. Không rõ ông Trương Vĩnh Tố có làm quan chức gì, chỉ biết ông ở gần đấy và khu đất cao (gọi là giồng) có lẽ là của ông chăng?

Bốn là Ông Tạ. Là chợ mang tên một thầy thuốc nam nổi tiếng Trần Văn Bỉ (còn gọi là Tạ Thủ)....Còn một  Ông Tạ nửa  ở  Thủ Đức  gọi là Tạ Công Tử, chuyên đưa người  sang sông  đi chùa ở Quận 9, không lấy tiền ... Chợ Ông Tạ còn là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 của quận Tân Bình. Nói thêm: Dân ghiền thịt chó nghe đến chợ Ông Tạ là gợi ngay đến các hàng thịt chó nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám treo lủng lẳng cả chục con thui vàng rực, coi bắt mắt lắm.

Năm là Ông Thìn. Cầu Ông Thìn bắc qua sông Cần Giuộc, nối hai xã Đa Phước và Quy Đức, huyện Bình Chánh trên tỉnh lộ 50. Dân gian truyền rằng Ông Thìn là tên người lái đò đưa khách sang sông. Cầu Ông Thìn được bắc dã chiến năm 1925, nay đã nâng thành cầu đúc dài 162 m.
   
Có cái tên ông rất nổi tiếng ở Sài Gòn này. Đó là Lăng Ông (dân thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu).  Đây là lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, được xây trên khuôn viên khá rộng 18.500 m2.
Nghe rằng tác giả công trình này về sau xây lăng Tự Đức ở Huế. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Lăng Ông là di tích kiến trúc nghệ thuật. ở lăng có bốn cột gỗ chạm rồng rất đẹp ở chánh điện. Cổng tam quan có cây thốt nốt tạo vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch.

Ở Sài Gòn, còn có Chùa Ông là chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường) tại xã Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức.

Tên đường chỉ duy nhất có Ông ích Khiêm. Gắn với tên ông còn có rạch, cầu Ông Buông ở quận 6 (dài độ 2.800 m từ ngả ba rạch bến Trâu và Tân Hóa tới rạch Lò Gốm); rạch Ông Cái ở quận 2, rạch Ông Cốm, 

Ông Đồ ở Tân Túc, Bình Chánh, rạch Ông Điền từ đất Cần Giuộc đổ vào sông Nhà Bè, rạch Ông Đội ở quận 7, rạch Ông Mưu ở Bình Chánh; rạch Ông Nghĩa ở xã An Thới Đông, Cần Giờ từ rừng lá đến sông Lòng Tàu.
Có cầu Ông Lớn bắc qua kinh Tàu Hủ; cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Thìn, cầu Ông Tiều...
Rồi đập Ông Hiền ở xã Bình Hưng dài đến ba cây số.
 
Quả tình, gắn với tên ông thì còn nhiều lắm, nhưng xin tạm dừng ở đâỵ

Nguyễn Trí Đức.



Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi. CÁI GIỌNG SÀI GÒN NÓI TIẾNG LÓNG
Reply #42 - 17. Oct 2010 , 10:13
 
Theo dấu thời gian: Sài Gòn Tiếng lóng ,

Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám”.

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi.
Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.


Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.

Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là “đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn", gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là “đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là “múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ” với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi” tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ”, "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám”. Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.
Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà”, "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...

Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng theo cách American style - tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "không - ai - mời - ai".

Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói "lemon question" tức chanh hỏi - chảnh.

LÊ VĂN SÂM 


Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #43 - 12. Apr 2011 , 13:14
 
GIỌNG NÓI SAIGON

Và bây giờ… nghe lại. Một bài phân tích hay và đúng
Đầu năm mời anh chị đọc lại. Với tôi, giọng nói Sàigòn mãi mãi hay hơn giọng Bắc Kỳ Hà Nôi gốc Nghệ đang lan tràn trong nước.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he xuống dưới ấy…
Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá ! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi…
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong
Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong không thì hổng có biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẩu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hônggg…” khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, đem gương hay kiến  soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm. Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được, người đó sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách trú (người Hoa hay chú ba tàu), những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ còn có giọng tha thiết của người con gái xứ Huế trầm tư mới cùng được ví von như thế…
Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào… mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, thứ giọng chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, nó chính là cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng… Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.
Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen !” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen !”.
Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen !”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy ?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau,  lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen !”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen !”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”
Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à !” khá nhiều, như một thói quen, như cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.
Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn..
Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy !” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen !”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm “v” như “về, vui, vườn, võng” có cảm giác sao sao ấy, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh… cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer… Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là khách trú (người Hoa), và một số dân tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa như đàn ông không mặc quần mà quấn sà rông, nhà giầu quê bận bộ áo bà ba mầu trắng, làm ăn khi giao tiếp phải có chầu “nhậu”, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì,cái ki …” là tiếng mượn của khách trú, những từ như “xà quầng, mình ên…” là tiếng của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Điển hình như tiếng “địt”, có nghĩa là cái  bụng nó sả hơi. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó… vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.
Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa !”; “Mới dìa/dzề hả nhóc ? – Dạ, con mới! “… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ…dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳng hay…
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”… người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê !” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó xinh lắm !”, “Nhỏ đó ngoan !”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực !” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe !” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều, tiền ít coi !”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, kiểu bắt chước Tây, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi !” “Ngon làm thử coi !” “Cho miếng coi !” “Nói nghe coi !”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.
Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta ?” “Sao rồi ta ?” “Được hông ta ?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi !”. Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô thiển mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó… tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như “cậu cậu – tớ tớ” của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn “ưa” tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì “Dì ơi dì…cho con hỏi chút…!” – còn lớn hơn thì dĩ nhiên là “Bác ơi bác…” rồi. Khi gọi một cách thân mật có ý khuyên bảo với một em nhỏ, người Sài gòn thường nói “Nầy, chú em…”
Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng – Bà đó = bả – Anh đó = ảnh – Chị đó = chỉ
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông ? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm…Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng, anh Sáu Lèo …
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng “anh-chị-em” đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành “Hai ơi Hai, em nói nghe nè…” và “Gì dzạ Út ?”… Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ “Út ơi…con nhờ chút !” hoặc với mấy chị tôi thì “Hai ơi Hai… em nói nghe nè !”. Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể “anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba…” một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.  Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh. Cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ !” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
Yên Huỳnh (Theo Hải Phan)
12.02.2011

Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: Sài Gòn của tôi
Reply #44 - 17. May 2011 , 01:01
 
Đại Vệ Chí Dị – Cái đuôi trâu


Người Buôn Gió – Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66.

Bấy giờ lạm phát cao lắm, ngoài kẻ chợ dân tình lao xao suốt về giá cả thực phẩm tăng cao mãi mà không ngừng. Nhiều người nghèo lo toan chạy ăn từng bữa. Lâu lắm rồi người nước Vệ mới phải đối mặt với từng bữa cơm như thế.

Triều đình nhà Sản theo lệ thường lại đổ lỗi đó là nguyên nhân khách quan, tình hình các nước lân bang xa gần đều thế cả, nào là khắp thiên hạ đâu đâu cũng lạm phát.

Có mấy kẻ không tin, ngồi với nhau hặc rằng:

- Nếu không có vụ đóng thuyền của triều đình, thất thoát hàng nghìn vạn lượng bạc thì liệu có lạm phát thế này chăng ?

Kẻ khác nói chêm vào:

- Thì giờ triều đình ta in thêm tiền để giải thoát cho chuyện ấy, bởi thế giá cả mới tăng lên. Trước một quan của ta mua được yến gạo, giờ mua được nửa yến. Nửa yến còn lại là chạy vào ngân khố triều đình để trang trải vụ đóng thuyền. Sự đời chỉ có vậy thôi , hà tất phải luận nhiều cho tốn rượu.

Chuyện đóng thuyền lỗ hàng trăm ngàn lược bạc như thế, tất không dễ gì mà qua mắt được thiên hạ dễ dàng. Tất cả chuyện này đều do Bạo mà ra.

Bạo vốn ít học, thưở hàn vi đeo túi cứu thương đi trong quân, nhờ tướng mạo khôi ngô, quyết đoán mà nhanh chóng leo lên làm đội trưởng. Sau này Bạo được cân nhắc nhiều chức vụ, nhưng làm đâu hỏng đấy. Lúc trông nom vùng dầu khí xứ Quảng, Bạo làm chín năm liền không đâu vào đâu, bao nhiều tiền của đổ vào nhưng thùng không đáy. Bù lại Bạo bỗng có nhiều bạc nén để xoay sở những chức vụ khác trong triều, nhất là những chức vụ liên quan đến ngân khố, tài chính, kinh doanh của đất nước.

Bạo cũng là tể tướng hứa nhiều nhất, Bạo hứa chống tham nhũng trong triều quyết liệt khi nhậm chức. Nhưng sau này Bạo thú nhận trong thời gian làm tể tướng, Bạo không cách chức hay xử lý một quan lại nào tội tham nhũng.

Ở vụ đất đai của người theo Đạo Trời ở kinh kỳ, Bạo hứa trả đất. Sau đó thì cũng không thấy nhắc đến nữa.

Bạo hứa sẽ kiềm chế lạm phát, nhưng rồi thì giá cả cứ thế mà tăng.

Thất hứa với triều đình trong vụ xử lý tham những, thất hứa với dân theo Đạo Trời về đất đai, thất hứa với nhân dân vì giá cả. Nhưng Bạo không phải là không có công với đất nước.

Công lớn của Bạo như Bạo nói là làm vị thế nước Vệ được dâng cao. Vị thế thì có mài ra mà ăn được không thì không rõ, cần phải lý luận nhiều để giải thích. Nhưng thời của Bạo thì nhiều nước trong thiên hạ đúng là có quan tâm đến nước Vệ hơn thời trước.

Bởi thời của Bạo làm tể tướng, nước Vệ có nhiều cái mà ngoại bang có thể dễ dàng mua được. Từ tài nguyên, đất đai, rừng, biển đâu đâu chỗ nào cũng có thể mua được quyền sở hữu dài hạn trong vài chục năm với giá rẻ mạt…. nhiều mặt hàng hấp dẫn như thế, bảo sao mà các nước khác không thích thú với hình ảnh nước Vệ, chuyện vị thế dâng cao phần lớn là từ đó mà ra. Nhưng dưới cái tên mỹ miều là địa điểm hấp dẫn đầu tư.

Nói lại về chuyện đóng thuyền, bây giờ dư luận trong ngoài triều sôi sục lắm. Bạo lấy làm lo lắng mới triệu bộ hạ đến bàn. Có kẻ thủ túc của Bạo làm trong bộ Hình quê ở xứ Trường Yên mới nói rằng:

- Xưa kia ở quê tôi ngài Đinh Bộ Lĩnh thịt cả con trâu của người ta cho thuộc hạ đánh chén, sau đó dùng cái đuôi cắm xuống đất. Rồi phao rằng trâu chui xuống đất trốn, kẻ chủ trâu tưởng thật cầm đuôi trâu mà kéo lại. Đứt cái đuôi trâu ra, Đinh Bộ Lĩnh mới la rằng vì kéo không đúng cách mà trâu trốn được mất. Thế là kẻ kia vừa mất trâu lại vừa chịu tiếng kém cỏi không hiểu biết. Nay chuyện đóng thuyền này cũng nên theo kế đó mà làm.

Bạo mới luận rằng:

- Thế phải tìm trong thiên hạ kẻ nào nắm đuôi trâu ?

Thủ hạ kia tâu:

- Có kẻ tiến sĩ họ Cù người Vũ Quang, nay đang trú ở kinh thành, bấy lâu nay vẫn chỉ trích triều Sản nhà ta dân chúng nghe theo nhiều lắm, chọn kẻ đó là phù hợp.

Lại nói về Họ Cù tên chữ là Võ, vốn tính cương trực, vì ngay thẳng mà bỏ việc quan về nhà, thường ngày hay phê phán những lầm lỗi của triều đình, người nước Vệ trọng Cù tiên sinh nhiều lắm. Mùa đông năm Canh Dần triều đình cho người bắt đột ngột Cù Tiên Sinh, đợi sang năm Tân Mão vào lúc mệnh của Cù tiên sinh gặp tứ hành xung mới đem ra kết án tù. Sau đó nói thác qua loa rằng vì những người như Cù tiên sinh chống phá, đất nước mới không ổn định dẫn đến chính sách không thông cho nên chủ trương kinh tế như đóng thuyền, năng lược bị phân tán, thiếu tập trung dẫn đến thất thoát.

Nhà Sản bỏ tù Cù tiên sinh xong, mới rao với thiên hạ rằng việc thất thoát đóng tàu thế là đã rõ nguyên do, dừng lại ở đó, không điều tra thêm để giữ ổn định, chấn chỉnh đội ngũ xốc tới những nhiệm vụ mới khôi phục đất nước.

Bạo tài tình nhờ có sao chiếu mệnh may mắn và tài năng ứng biến hơn người, sau thưởng công cho kẻ bày mưu kế đuôi trâu, năm Tân Mão Bạo cất nhắc cho vào làm đại thần nghị chính.

Âu cũng là lẽ đời, nơi này mất tiền thì nơi khác có kẻ nhặt được, người này bị bỏ tù thì có kẻ khác được thăng chức. Nhưng nếu kẻ gian bị tù, kẻ tham bị mất của thì là vận nước đó, xứ đó đang hưng thịnh. Còn ngược lại có phải là nước đó đang đến hồi mạt rồi chăng ?

Người Buôn Gió

http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/299/299
Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 2 3 4 5 
Send Topic In ra