Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - ĐẤT NƯỚC TÔI  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 2 3 ... 5
Send Topic In ra
ĐẤT NƯỚC TÔI (Read 13032 times)
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
ĐẤT NƯỚC TÔI
08. Mar 2007 , 20:20
 
Tôi trở về nhà sau một chuyến bay dài đỏ mắt. Không biết ai là người đầu tiên đặt tên cho những chuyến bay đêm là “đỏ mắt” thật là hay. Chập chờn giữa thức và ngủ cả mười ba, mười bốn tiếng thì chắc chắn mắt xanh như cô Kiều của cụ Nguyễn Du cũng thành mắt đỏ. Chữ nghĩa mang ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của ta rất nhiều, có những chữ mình không thể nào thay bằng chữ khác được. Mỗi lần đi, về giữa Việt Nam và Mỹ tôi vẫn lúng túng giữa về Mỹ, hay về Việt Nam. Việt Nam là quê hương của mình thì mình về là đúng rồi, nhưng ở Mỹ có một mái nhà, mảnh vườn, cái bếp của mình thì mình nói là về đâu có sai. Nhưng sao lúc từ giã Việt Nam, chào những người thân quen, nói tiếng trở về Mỹ lòng vừa ấm áp vừa thấy buồn buồn. Ba mươi năm sống ở Mỹ mà vẫn chưa mờ nỗi nhớ quê hương, vẫn bất chợt một hôm nào đó, không cần phải là có nắng thu hay có mưa đông, chỉ là một buổi chiều như tất cả mọi buổi chiều, đang ngồi uống ly trà bỗng khựng lại nhớ về một buổi chiều nào rất xa xôi ở quê nhà thăm thẳm, về cái xóm cũ, về cái ngõ vào nhà, về cái vũng nước đọng ở cái ổ gà đâu đó, về cây trứng cá, về cái bể nước mưa. Rồi lan man nhớ về trường cũ, về buổi hẹn hò đầu tiên, người yêu thứ nhất, người tình thứ hai. Chao ôi, nhớ ơi là nhớ! Nước mắt ứa ra, bỗng thèm được về quê ngay lập tức. Thế mà về Việt Nam đến tuần lễ thứ ba là bắt đầu nhớ về cái nhà ở Mỹ. Không biết mấy chậu cây có ai tưới hộ không? Mùa Ðông này tuyết có rơi không? Nhớ về mấy người thân, mấy người bạn đang mong mình về, rồi lại nhớ về cái sạch sẽ, cái tiện nghi và chỉ ước gì được về ngay để ngủ trên cái giường của mình thay vì phải ngủ ở khách sạn.

Chao ôi! chỉ một chữ về mà có trăm điều muốn nói.

Anh Sơn, ông anh họ của tôi, du học từ thập niên 60. Bây giờ ngoài 60 tuổi, anh đã đi du lịch khắp nơi trên thế giới, anh nói:

- Bao giờ về Việt Nam tôi vẫn thích nhất.

Tôi nói :

- Tại vì Việt Nam là quê hương của mình, nên tự nhiên mình yêu. Thế thôi!
Anh bảo:

- Ðúng vậy!

Chúng ta chắc ai cũng yêu quê hương của mình, tự nhiên như yêu cha mẹ, con, cháu hay yêu chính bàn tay, bàn chân mình. Thế thôi! Thật là dản dị. Thế là anh em rủ nhau thu xếp về Việt Nam. Về Việt Nam vào dịp cuối năm, vào dịp thiên hạ kéo nhau “về quê ăn tết” rất là đông nên phải mua vé từ tháng sáu.

Tôi cứ tính tới tính lui xem phải đem những gì? Vì lần này đem theo cả chồng con, sẽ dự tính đi nhiều nơi nên không thể đem theo những thùng quần áo lạnh về Bắc cho họ hàng ở quê được. Thôi đành giữ lại chờ dịp sau. Cứ cách hai, ba năm tôi về thăm Việt Nam một lần. Mỗi lần về lại thấy một Việt Nam đổi khác, nghe những câu chuyện khác về Việt Nam. Hai cậu con trai của tôi mới về lần thứ nhất, đã thấy xôn xao rủ nhau cuối năm trở lại không có bố mẹ đi theo. Chắc trong máu hai cậu, những giọt nào thuộc về mẹ cho mình đang dành chỗ đứng.

Chúng tôi đi trong một Hà Nội đầy gió, người Hà Nội đặt tên cho gió này là Gió Mùa Ðông Bắc. Có không biết bao nhiêu thi sĩ, bao nhiêu nhạc sĩ đã xúc động về những cơn gió này và viết ra bao nhiêu tác phẩm làm thăng hoa đời sống con người để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống. Khí hậu của tháng Mười Một và tháng Chạp âm lịch là khí hậu lạnh và đẹp nhất trong năm của miền Bắc. Gió hay trở lạnh đột ngột như một người đi xa bỗng trở về không báo trước. Có thể mới buổi sáng trời còn rất ấm không có gì báo hiệu là một ngày lạnh, nhưng đến trưa gió ở đâu bỗng kéo về chật phố. Gió chen chúc vào đám đông đang đi trên đường, gõ cửa những ngôi nhà, hàng quán, ngồi sát vào những người buôn bán hai bên vỉa hè rất là hồn nhiên. Chẳng cần nói năng gì cả. Chỉ cần có mặt, tôi đến, tôi ngồi xuống và tôi ở lại. Giống như Caesar ngày trước I came, I saw, I conquered. Thế là mọi người chạy ùa đi mua áo ấm để ngồi chung với gió.

Chúng tôi đã được đi, được ngồi chung với Gió Mùa Ðông Bắc trong suốt mười ngày ở Hà Nội.

Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc.  

Suốt từ Sài Gòn, đi xe ca theo tour Tiền Giang, Hậu Giang, Phan Thiết, Nha Trang, Hà Nội rồi bay ra Phú Quốc, ta nhìn thấy sự phồn thịnh luôn luôn đi bên cạnh nghèo đói một cách rất rõ ràng. Miền Bắc, miền Trung ở quê vẫn còn khổ và nhiều người rất nghèo trong khi ở thành phố Sài Gòn, Hà Nội, hàng đêm người ta đổ xô ra phố tiêu tiền (không biết tiền ở đâu ra mà nhiều thế!) Ở những nhà hàng, những quán ăn thì người trong nước tiêu phung phí hơn Việt Kiều. Thử vào một chỗ ăn chơi như vào bar chẳng hạn, thì có thể chỉ nhìn chai rượu gọi sẽ nhận ngay ra ai là Việt Kiều ai là Việt Việt (chữ một cậu cháu tôi dùng để gọi người trong nước). Việt Kiều xài sang gọi chai rượu 150 mỹ kim, trong khi đó Việt Việt gọi chai rượu 1.500 mỹ kim. Tôi quê mùa, hỏi cháu:

- Chai rượu gì mà đắt vậy?

- Con không biết, nhưng thấy họ trả 1.500 mỹ kim cho chai rượu; họ đi năm, sáu người tiêu một buổi tối năm ngàn đô là chuyện nhỏ.

Nghe nói một tối tiêu năm ngàn đô là chuyện nhỏ thì chắc ai cũng biết cái xuất xứ của những số tiền nhỏ đó thật là mù mịt.

Ăn uống ở các tiệm bây giờ cũng đắt hơn gấp năm sáu lần của ba năm trước và không ngon. Trung bình chúng tôi ăn một bữa cho một người là từ ba cho đến bẩy mỹ kim. So với ở Mỹ thì rẻ, nhưng với tiền lương của một người trung bình là 700.000 đồngViệt- khoảng hơn 40.00 mỹ kim một tháng- thì làm sao trả được. Tôi tự hỏi, Sài Gòn bây giờ hình như không ai nấu ăn trong nhà hay sao mà tối nào các tiệm, các quán cũng tấp nập khách ăn? Bao giờ nhìn chung quanh các bàn cũng rất nhiều người địa phương ngồi ăn, phần đông là giới trẻ, và trung niên. Trên bàn đầy ắp thức ăn và bia, nước ngọt.

Lương của một công chức không biết con số thật là bao nhiêu? Tôi có một người em họ xa ở Hà Nội, làm phó giám đốc một công ty nhà nước gì không rõ mà anh đi xe BMW, khi chúng tôi tới thì vợ đang du lịch ở Singapore, con thì đi du học ở Mỹ, một năm hết ba mươi ngàn Mỹ Kim tiền học, chưa kể chi phí ăn ở. Nghe mà giật mình. Theo cách anh nói chuyện thì ở Việt Nam bây giờ du học tự túc ở Pháp và Ðức như một phong trào cho các con ông lớn. Học giỏi hay không thì chưa rõ, nhưng mà đã là con của những ông lớn thì phải xuất ngoại, phải du học. Sang bên đó không học được thì ở chơi một thời gian, may mắn kiếm được người lấy thì ở lại, không thì về.

Nghe anh nói, tôi nhớ đến một ca làm việc của mình ở Mỹ. Khi tôi đến thăm tại gia cho một sản phụ được hưởng Phiếu Y Tế (Medical Coupon) tôi mới biết đó là một sinh viên Việt Nam du học tự túc, có bầu và ở lại. Cô là sinh viên du học mà không nói được một câu Anh Ngữ nào. Căn nhà cô ở thuê là một apartment water front. Tôi hỏi tiền đâu mà cô trả tiền nhà thì được cô cho biết căn apt. này cha mẹ cô chuyển tiền sang mua, trả bằng tiền mặt, cho một người bà con có quốc tịch Mỹ đứng tên. Nghe mà giật mình, vì tôi biết căn apartermen đó ở Seattle ít nhất là 400.000 Mỹ kim, bởi gần sát mặt hồ.

Khi có những người giầu không rõ xuất xứ lợi tức như thế thì người nghèo có xuất xứ rất rõ ràng. Họ sống bằng những món tiền kiếm được hàng ngày rất khiêm tốn. Nếu đi dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm ta sẽ luôn luôn bắt gặp những người (một cụ già, hay một đứa trẻ đang tuổi đi học) bán vé số, hoặc nước trà. Bán vé số thì lấy vé của nhà nước đi bán lại mỗi vé số giá có hai ngàn, không biết lời được bao nhiêu? Trong khi đó giá một gói xôi khoảng bốn ngàn đồng- một Mỹ kim bằng 15.900 đồng-Vốn liếng của người bán nước trà tất cả chắc chưa đến ba Mỹ kim: Một cái ấm ủ trong cái khăn cũ kỹ, vài cái ly thủy tinh nhỏ, năm ba cái kẹo lạc, kẹo vừng. Họ ôm cái gia sản bán buôn đó trong vòng tay gầy guộc, mời khách bên hồ. Hy vọng họ kiếm đủ cơm ăn cho một ngày hôm đó. Ngay ở trong khu phố có tấp nập khách du lịch, thỉnh thoảng ta vẫn thấy một người gánh hai cái thúng hầu như chẳng có gì trong đó, chỉ có vài ba mớ hành, mấy củ su-hào, mấy quả chanh đem đi bán. Chắc đây là những thứ kiếm được trong vườn nhà. Tiền thu về may ra đủ cho một gói xôi, hay hai chiếc bánh mì không nhân. Có cô bé lên năm cầm từng chiếc kẹo cao su lẻ bán cho du khách, cô bé nhỏ xíu, đen thui, ốm nhách mà cái mặt tươi như một bông hoa Mười Giờ chạy theo con gái tôi, đưa cái kẹo ra mặc cả bằng thứ tiếng Mỹ ngô ngọng, thấy vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Cô con gái tôi trêu cho em cười bằng cách nói tiếng Việt cũng ngô ngọng với em và gần như muốn bế em lên, vì em bé xinh quá!

Ôi tuổi thơ Việt Nam! Khi em lớn lên, em sẽ có ước vọng gì?

Ði càng về miền quê càng thấy những người nghèo. Ở những nơi ruộng nước như lối vào Tam Cốc, Bích Ðộng ở Ninh Bình hay Suối Trong, Suối Ðục ở Chùa Hương thì những người dân quê vẫn ngâm một nửa người trong nước nguyên ngày mò ốc, lưới tép kiếm ăn. Một kí tép khoảng hai chục ngàn, ngâm nước nguyên ngày được khoảng ba đến năm kí, kiếm được 60.000 -100.000 đồng cho nguyên một gia đình bốn năm người, trong đó có cả tiền học cho con. Trẻ con đi học cho biết đọc, biết viết rồi nghỉ vì không có tiền trả tiếp, lại đi ngâm mình dưới nước giống cha mẹ thôi. Suốt một đời họ ngâm dưới nước. Người chèo thuyền chỉ cho chúng tôi xem một vài nấm mộ chôn một nửa chìm dưới nước, nói là mộ của những ông bà cụ già suốt đời mò cua, xúc tép ở đây, họ muốn con cháu họ chôn mình như thế, vì họ đã có câu: “Sống ngâm da, chết ngâm xương” để chỉ đời sống gắn liền với nỗi vất vả này.

Du khách Âu Châu đổ vào Việt Nam một ngày một đông hơn, sau sau vụ khủng bố11/9/2001. Cả nước sống về nguồn lợi thu nhập được của du khách. Du khách nước ngoài vào, mang theo bao sự thay đổi. Việt Kiều đóng một vai trò không nhỏ trong môi trường này. Mỗi người đem một ít về cho thân nhân, giúp vốn buôn bán, xây lại nhà cửa, mai mối cho lấy chồng nước ngoài.

Cho nên ta thấy có những con hẻm lầy lội, nghèo nàn tự nhiên mọc lên một cái nhà hai ba, thậm chí bốn từng. Cửa kính, cửa sắt đứng cô đơn như một anh hề sau khi vãn hát. Những cô gái được tân trang từ đầu đến chân để lấy chồng nước ngoài, trông như những con búp bế vô hồn. Ðã có một số cô bằng lòng lấy bất cứ ai, dù đó là anh cắt cỏ hay rửa chén bên Mỹ, bên Úc. Ngay cả một anh ăn tiền tàn tật cũng vẫn lấy. Cứ lấy để đi đã, sang đó không ở được thì bỏ. Những câu chuyện đó bây giờ không có gì là mới lạ nữa, chỉ có sang bên đó mà sau năm năm không bỏ chồng thì mới gọi là “Lạ”. Người không có thân nhân lo cho thì sẽ rơi vào bất cứ một bàn tay không lương thiện nào đó, và đã xẩy ra bao nhiêu thảm kịch. Ban đầu thì còn là chuyện thương tâm, sau đi đến nỗi quốc nhục.

Nhiều cô gái quê lớn lên trong cảnh nghèo sẽ làm bất cứ điều gì, không đắn đo để được thoát ra cảnh mò ốc, bắt cua, làm ruộng. Cô ở tỉnh thì chạy theo những nhu cầu vật chất và cũng một phần muốn có một cuộc sống nhàn nhã, không phải vật lộn với đời sống xã hội khó khăn hiện tại, nên họ không ngần ngại làm gái bao cho những người nước ngoài. Chúng tôi đã gặp trên con đường từ Bắc vào Trung, ra Nam một vài cô rất trẻ, khoảng 17 đến 22 đi cặp đôi với những người đàn ông luống tuổi nước ngoài như Thụy Sĩ, Ðức, Pháp, Ðại Hàn, Ðài Loan.v.v. Trên bãi biển Phú Quốc nơi chúng tôi tắm, một lúc chúng tôi gặp ba người Ðức độ ngoài sáu mươi tuổi cùng tắm với ba cô gái Việt rất trẻ. Họ ngồi ngay ở mấy cái võng, và bàn ăn dưới gốc dừa cạnh chúng tôi. Họ nói tiếng Anh với mấy cô, mấy cô nói rất ít, ngoài lắc, gật và cười ròn rã. Một lúc sau có thêm một người nữa dắt một cô đến, họ làm quen và nhập bọn với nhau. Họ ngồi ngay cạnh chúng tôi, nên dù không chú ý cũng nghe rõ tiếng những người đàn ông nói với nhau:

- Gái ở đây hiền và dễ bảo hơn gái Sàigòn.

- Sống ở đây, cần bao nhiêu một tháng, kể cả tiền trả cho mấy cô này?

- Rẻ lắm, chỉ độ năm trăm mỹ kim thôi.

Hình ảnh mấy ông già da nhăn nheo đó đùa rỡn dưới biển với mấy cô má hồng còn lấm tấm mấy cái mụn dậy thì, trông chẳng khác gì cảnh ông nội, ông ngoại ra bơi với cháu. Thật đáng buồn!

Tôi nhìn sang con gái tôi, cô đang nằm phơi nắng trong bộ áo tắm, cuốn tiểu thuyết The memoirs of a Geisha úp trên mặt, tôi thấy cô thật là may mắn biết bao! Cô được đi học, cô có việc làm tử tế, cô kiếm sống được bằng kiến thức và lòng tự trọng. Nếu cô chẳng may sinh ra và lớn lên trong một cái làng, cái tỉnh nghèo nàn nào đó Việt Nam, không được đi học đến nơi, đến chốn, thì có gì bảo đảm cô sẽ không là một trong những cô gái đang bơi lội dưới kia? Cái nghèo khó luôn luôn kéo theo cái bất hạnh.

Giữa mênh mông sóng biển, nhìn những cô gái trẻ đang bơi trong nước, bỗng những cành đào Nhật Tân hiện ra trong trí tôi. Những cành đào hiếm hoi còn sót lại năm nay ở làng này vì người ta đang cào xới đất để xây những cao ốc trên đó. Rồi những cô gái làng này không còn hoa đào để bán, không còn đất để trồng cúc, trồng lay-ơn, trồng hoa hồng nữa. Họ sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sống? Họ sẽ lại ra những bãi biển với những người đàn ông già như ông nội hay sao?

Khu đất cổ truyền trồng hoa, nổi tiếng về hoa đào Nhật Tân còn không cứu được, còn bị san bằng để xây cao ốc thì những cô gái Nhật Tân có ai cần để ý tới là họ sẽ trôi ra biển hay đi về đâu!

Người thanh niên hai mươi tám hướng dẫn tour cho chúng tôi than:

- Tụi con bây giờ, những người lợi tức thấp, khó kiếm vợ và kiếm bồ lắm. Họ cặp với người nước ngoài hết rồi cô ơi!”

Tôi hỏi.:

- Nhưng các cô ở miền quê như Phú Quốc này, thì làm sao gặp được những người du khác ở xa đến, trong khi họ lại không biết ngoại ngữ?

- Dễ lắm cô ạ. Cứ cô nào đi trước kiếm được một người thì lại chỉ dẫn giới thiệu cho cô sau. Mấy ông du khách đó lại giới thiệu cho nhau. Cứ cái đà này thì con gái Phú Quốc chẳng còn ai cho tụi thanh niên chúng con ở đây nữa. Mấy tỉnh miền Tây bây giờ cũng thế hết, con gái họ bỏ đi Sàigòn kiếm sống bằng cách làm gái bao cả

Anh ta nói như một tiếng than. Tôi ngồi im nghe không biết nên an ủi thế nào.

Ở Sàigòn thì gặp mấy người chạy taxi kể lể:

- Cô ơi! Mấy thằng cha Ðại Hàn bây giờ nó khôn lắm. Nó sang đây giành giật của Việt Nam vừa đàn bà vừa tiền. Nó không cần biết tiếạngViệt, nó bỏ tiền ra thuê một cái mặt bằng, thuê bao luôn một côợ ở đây đứng trông tiệm (bán đồ cho khách du lịch) làm người ở và làm vợ tạm thời cho nó. Cô ta được trả vài ba trăm đô một tháng là mừng lắm rồi. Làm ăn một thời gian vài ba năm thôi, hết hạn, nó trả tiệm lại, trả cô nhà quê ra đường, ôm tiền về nước. Mấy thằng Ðài Loan cũng vậạy. Còn mấy ông già Việt Kiều nữa cô ơi! Ðến tuổi hưu trí rồi, về Việt Nam kiếm một cô bồ chỉ bằng tuổi con gái, con dâu mình. Giữ đấy, như một thứ vợ nhỏ, cho một tháng hai ba trăm đô la. Mỗi năm đi, về hai, ba lần hưởng thụ. Cơm bưng, tình bưng đến tận miệng. Trong khi ổng không có ở đây thì các cô muốn làm gì thì làm, khi ổng qua thì các cô phải hoàn toàn phụng sự ổng là được rồi.

Anh nói thêm:

- Chuyện này đều đều từ nhiều năm nay rồi. Các cô rủ nhau, dắt mối cho nhau, Ðại Hàn giới thiệu cho Ðại Hàn, Ðài Loan giới thiệu cho Ðài Loan,Việt Kiều giới thiệu cho Việt Kiều. Mỗi người một tiêu chuẩn, một dịch vụ khác nhau. Ai cũng vui vẻ hài lòng cả.

Tôi nghe, mà lòng buồn ruời ruợi. Có lẽ những phụ nữ chọn cuộc sống này họ thấy còn hơn là phải sang Ðài Loan làm nô lệ cho cả một gia đình, hay bị bán vào những nơi họ không hề lựa chọn. Tôi nhớ đến một bản tin đọc được ở báo trong nước về một người đàn bà Việt Nam muốn sang Ðài Loan kiếm tiền giúp gia đình. Hai vợ chồng vay mượn một số tiền mười ngàn mỹ kim để được sang bên đó làm công nhân, hay ở mướn gì đó qua trung gian môi giới. Không biết vì một lý do đau thương, tủi nhục nào, người vợ đã không cho chồng biết, âm thầm chịu đựng rồi đi đến chỗ tự tử chết. Người chồng vừa đau đớn vừa bị món nợ mười ngàn mỹ kim hối thúc, tự tử chết theo vợ, để lại mấy đứa con thơ.

Thử hỏi có bản tin nào đau thương hơn bản tin này  

Trong khi đó thì ở một mặt khác của xã hội, những cô gái của cả Sài Gòn, Hà Nội bây giờ sống rất là thời thượng. Họ đi làm những công việc văn phòng chỉ để lấy danh nghĩa đi làm, họ có một nguồn lợi tức ở đâu đó cung cấp chuyện tiêu pha ăn, mặc hàng ngày cho họ mình không biết. Họ rất giỏi về lãnh vực tìm bạn Việt Kiều trên mạng. Mỗi tối ngồi hàng giờ để chat với một ai đó, rồi đưa đến hò hẹn. Một cậu Việt Kiều ở Mỹ hay Úc, trước khi về Việt Nam, có thể tìm trên mạng cho mình một cô bồ ra tận phi trường đón. Cô ta nói tiếng Anh tương đối, hướng dẫn các dịch vụ ăn chơi, cô chỉ bảo tận tình và cho cậu cái cảm tưởng là cô không đến vì tiền của cậu (cô có tiền rồi!) cô sẵn sàng mời cậu về nơi cô ở thay vì ở khách sạn (tình cho không, biếu không), cô hiền lành, chiều chuôỳng hết mình, rồi cô cho cậu biết cha mẹ cô là những người có địa vị trong xã hội, cô mời cậu ra Bắc hay lên Ðà Lạt, hoặc Nha Trang gặp họ. Trong khi chuyện trò, cô thường nói là “Em không thích sống ở Mỹ”, cô cho cậu cái cảm tưởng cậu là người may mắn, gặp được một cô không giống những cô mà trước đây cậu thường nghe tả. Có thể cậu Việt Kiều này sẽ gặp ông bố của cô bồ là một Kỹ Sư nhà nước hay một ông bác sĩ thật (Một bác sĩ xuất thân là y tá và được thăng bác sĩ nhờ tuổi đảng thâm niên). Và cô “không thích sống ở Mỹ đâu” chỉ có nghĩa là cậu lấy cô rồi cậu sẽ ở lại Việt Nam, và cô có cơ hộỳi vào quốc tịch Mỹ. Có trời mà biết những gì sẽ sẩy ra sau tấm màn sân khấu này.

Những vở kịch này hiện nay đang diễn ra thường xuyên ở Việt Nam. Những người thân quen ở Việt Nam chỉ biết dặn dò:

- Cháu coi chừng đấy, gái Việt bây giờ có cả ngàn chiêu, không biết đường nào mà đỡ đâu.

Tôi được nghe kể, còn một phương cách kiếm chồng nước ngoài cao hơn thế nữa là các cô con ông lớn thứ thiệt, có đăng ký tên trong những cái bar sang trọng. Khi chủ nhân thấy có một đám khách Việt Kiều trẻ nào, thuộc loại mặt mũi sáng sủa, lịch sự, học thức, ăn xài sang vào bar là lập tức họ thu dọn chiến trường, dẹp hết những cô tầm thường đang làm việc ở đó, gọi những cô gái con các ông lớn trong danh sách đến. Các cô ăn nói lịch sự, có học đến làm quen chuyện trò với khách, và sau một buổi tối, nhiều cậu đã được mời về nhà, giới thiệu với gia đình. Nhà sang trọng, có xe hơi, và tài xế riêng, cha mẹ niềm nở đón tiếp. Hỏi ra thì được biết cha mẹ các cô toàn là những nhân viên cao cấp của chính quyền cả. Những cậu được mời này, chắc chắn sẽ quay lại và kết thân cùng cô gái. Mọi việc kế tiếp thì chỉ có Trời mới biết là sẽ được xếp đặt như thế nào.

Ôi! Những chuyện quê nhà thì nói sao cho hết. Chuyện vui thì qua mau, chuyện buồn thì ở lại. Mỗi lần về là một lần xót xa. Cứ nhủ lòng thôi không về nữa. Thế mà một hai năm sau, nguôi ngoai một chút lại thu xếp quay về.

Hà Nội bỗng dung nhan đổi khác nhờ những cơn Gió Mùa Ðông Bắc. Thanh niên, thiếu nữ giấu trong chiếc áo len, áo dạ, những mơ ước lãng mạn của mình. Họ khoác tay nhau ngồi xuống những quán ăn đơn sơ ngay ở vỉa hè. Chuyền tay nhau những chén lục tào xá, bánh trôi, bánh chay. Họ ăn bằng mơ mộng của tuổi trẻ, ăn bằng hoang mang của những ngày cuối năm, ăn bằng nôn nao của mùa xuân đang tới. Gió lãng mạn, gió phiêu du, gió làm gầy những con phố, làm trái tim đập dịu dàng và làm những bài thơ bỗng nghiêng xuống, nằm sát vào những chiếc lá cuối đông.

Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc.

Về Sài Gòn để được chen lách giữa những đám xe cộ, nhất là xe gắn máy. Ðể nhìn khói bụi mù đường, nghe những tiếng gọi nhau ơi ới, những tiếng rao hàng, hòa vào giữa tiếng xe nổ, tiếng còi xe inh ỏi. Ðể trong lúc chen lấn giữa dòng người, dòng xe, thỉnh thoảng lại nhìn cái bảng tên đường lạ hoắc, cố đoán ra trước đây là đường gì? Rồi chợt nghe đau nhói trong ngực về một kỷ niệạm thân yêu cũ ở con đường mình đang đi. Nước mắt ứa ra, hình dung lại một buổi chiều êm ả đã xa lắm rồi. Tình đã quan san từ đáy mắt (Ðinh Hùng)
Về để lại đi xuồng máy nguyên ngày trên Tiền Giang, ghé vào những rạch, chỗ người dân làm bánh tráng, làm kẹo dừa, đan võng, đan giỏ, để được ngắm những người dân miềm Nam giản dị, chất phác, nhìn những vất vả của người mẹ, người cha:

Quê hương là cây cầu khỉ
khẳng khiu như cánh tay cha
quê hương gánh hàng nặng trĩu
mẹ về tất tả chợ xa
quê hương áo bà ba trắng
khăn lau lệ mẹ vắt vai
quê hương mồ hôi cha đổ
cho con miếng ngọt miếng bùi.
(tmt)

Về để đi ra Bắc, lên tận Yên Bái, đến ngôi nhà sát bên sông Hồng của người anh họ, được soi mặt trong thau nước múc lên ở lòng sông, có phù sa lắng hồng đáy chậu. Ðược ngồi trong một cái bếp còn đun củi, bám đầy bồ hóng, được dùng gáo múc nước, được ăn măng trúc, măng mai. Nhớ về câu thơ cũ trong bài Trấn Thủ Lưu Ðồn:

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

Về để được chen chân đi trong phố cổ Hà Nội nhỏ hẹp, có rác và cống trên từng bước đi, được đi trong nắng, trong gió Hà Nội nhớ lại thủa ấu thơ, ngơ ngác đi qua nhà thờ xưa như đứa bé tan Lễ ra, lạc mẹ:

Lâu lắm em mới về Hà Nội
đi trên viên gạch tuổi thơ ngây
gió mùa đông bắc làm em khóc
Hà Nội, anh ơi phố rất gầy!
(tmt)

Mấy ngày hôm nay Hà Nội lạnh, Hà Nội vào Tết, Hà Nội chạy ùa ra phố mua áo ấm, gió mùa đông bắc thổi vạt áo bay tung, hai mẹ con đi sát vào nhau, chen chân trong khu chợ đêm trong phố cổ. Cảm tưởng hương vị của một ngày cuối đông đang tan trong cổ mình như những câu thơ:

Hà Nội rủ nhau mua áo ấm
gió mùa đông bắc thổi qua len
khăn san quàng vội vào cổ gió
trên vai một chiếc lá rơi nghiêng
(tmt)

Người, xe, hàng quà hai bên vệ đường cùng đan vào nhau, gần như dẫm lên chân nhau. Hàng Ðào với những cửa tiệm sang trọng bán quần áo tơ lụa cho du khách, Hàng Bạc lấp lánh những vòng vàng những xuyến bạc, và kiềng trạm, Hàng Mã một mầu đỏ đến căng từng mạch máu của đèn lồng, giây pháo giả, vàng mã. Người ta đổ xô đi mua về để đốt cho ông Táo lên trời. Cứ thế đi theo dòng người, hai mẹ con bập bềnh trôi.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Bùi Giáng)

Ðúng là mùa xuân đang về trước mặt cho con gái và sau lưng là cả một giấc miên trường của đời sống mà người mẹ đã đi qua.

TRẦN MỘNG TÚ
__._,_.___
www.take2tango.com/Data/Image/news/02-2007/Tuan%203/HaNoi03.jpg
Back to top
« Last Edit: 08. Mar 2007 , 20:22 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #1 - 12. Mar 2007 , 21:36
 
Sổ Tay Thường Dân
Lần đầu nhìn thấy tên của mình, bên cạnh tên một cô bé học cùng lớp – được viết thật to trên bảng, lồng khung trong hình một quả tim – mặt tôi bỗng đỏ bừng lên vì ngượng ngập, sung sướng và... hạnh phúc! Hạnh phúc ở tuổi ấu thơ sao mà giản dị, nhẹ nhàng, lảng xẹc (và dễ ẹc) như vậy – hả Trời. Tôi vẫn cứ nhớ mãi cái cảm giác hơi choáng váng, có pha lẫn một chút ngây ngất, rạo rực như thế – cho mãi đến bây giờ.

Và bây giờ thì chắc chắn ông Hà Sĩ Phu cũng sẽ choáng váng (thấy mẹ luôn) khi “bỗng” nhìn thấy tên mình bên cạnh tên bà... Tôn Nữ Thị Ninh! Tôi cũng sợ rằng ông ấy sẽ không cảm thấy rạo rực, ngất ngây, sung sướng hay hạnh phúc gì cho lắm – khi có một người phụ nữ (thứ dữ) như bà Ninh đột ngột xuất hiện và đi (sát ngay) bên cạnh cuộc đời mình, như thế
Lần đầu nhìn thấy tên của mình, bên cạnh tên một cô bé học cùng lớp – được viết thật to trên bảng, lồng khung trong hình một quả tim – mặt tôi bỗng đỏ bừng lên vì ngượng ngập, sung sướng và... hạnh phúc! Hạnh phúc ở tuổi ấu thơ sao mà giản dị, nhẹ nhàng, lảng xẹc (và dễ ẹc) như vậy – hả Trời. Tôi vẫn cứ nhớ mãi cái cảm giác hơi choáng váng, có pha lẫn một chút ngây ngất, rạo rực như thế – cho mãi đến bây giờ.
Và bây giờ thì chắc chắn ông Hà Sĩ Phu cũng sẽ choáng váng (thấy mẹ luôn) khi “bỗng” nhìn thấy tên mình bên cạnh tên bà... Tôn Nữ Thị Ninh! Tôi cũng sợ rằng ông ấy sẽ không cảm thấy rạo rực, ngất ngây, sung sướng hay hạnh phúc gì cho lắm – khi có một người phụ nữ (thứ dữ) như bà Ninh đột ngột xuất hiện và đi (sát ngay) bên cạnh cuộc đời mình, như thế. Dù biết thế, và dù cũng hết sức áy náy cho ông Hà Sĩ Phu, tôi vô cùng tiếc là đã không không có cách chi giúp cho đương sự thoát khỏi tình huống rất khó khó khăn (và khó coi) như hiện cảnh. “Chuyện tình” giữa bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Hà Sĩ Phu (kể) cũng hơi dài.Xin được bắt đầu bằng một bài báo ngắn – với tựa là “Sống Ðời Chùm Gửi” của Nguyễn Triều, trên báo Người Lao Động, số ra ngày 1 tháng 8 năm 2004 – như sau:“Khách uống cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 không lạ gì một thanh niên bán vé số ngoài ba mươi tuổi bị liệt chân, di chuyển bằng tay trên hai chiếc ghế gỗ. Ðáng chú ý ở chỗ, tháp tùng theo anh là một thanh niên trẻ hơn, cao lớn và khoẻ mạnh. Mọi việc diễn ra đã được lập trình sẵn: Người thanh niên liệt chân vào quán mời khách, anh chàng ''hộ pháp'' lên xe lăn ngồi chờ!”
“Có một cặp khác, bà lão ''cổ lai hy được ''hộ tống'' bởi một thanh niên khoảng hai muơi tuổi. Qui trình làm việc của cặp này được ''phô tô'' giống hệt cặp kia. Rõ ràng ở đây hai anh chàng khỏe mạnh kia đang sống nhờ vào đôi chân què quặt của người thanh niên và cái dáng lom khom của bà lão bẩy muơi” (Người Lao Động, 1/8/2004).
Tưởng gì chứ “sống nhờ” vào sự khốn cùng, và nỗi bất hạnh của kẻ khác thì ở Việt Nam (bây giờ) kể như là chuyện nhỏ, và là chuyện vô cùng phổ biến. Có nhiều trường hợp “rõ ràng” hơn và tệ hại hơn nhiều nhưng Nguyễn Triều không biết; hoặc giả, tuy cũng có biết nhưng nhà báo (quốc doanh) thấy không “tiện” nói.

Xin đơn cử vài trường hợp (hơi) khó nói. Năm 2002, sau chuyến đi thăm những trại cùi ở Việt Nam, linh mục Ðinh Thanh Bình đã tường thuật như sau:Trên danh nghĩa hiện thời, nhà nước quản lý 21 trại cùi ở Việt Nam. Tuy nhiên ban điều hành các trại đa số vẫn là do các nữ tu đứng đầu... Trại phong Di Linh hiện giờ có 350 bệnh nhân, nhưng chỉ có 147 người đủ tiêu chuẩn trợ cấp 15 Úc Kim một tháng của chính quyền. Số còn lại 200 người thì mặc kệ tụi mày, sống chết mặc bay, tao không cần biết. Nhà nước chỉ giỏi cướp công, mỗi lần đưa phái đoàn ngoại quốc đến thăm để xin tiền, nhà nước sẽ đưa tới Di linh, vì Di Linh là một trọng điểm kiểu mẫụ Xin được bao nhiêu, vô túi ai không biết, vì Di linh không hề nhận được thêm đồng cắc nàọ Tôi rời Di Linh, để lại thêm một số tiền, ít ra cũng nuôi được vài bữa cơm qua ngày cho 200 người cùi thiếu tiêu chuẩn không biết làm sao mà sống được cho đến mùa Tết tháng sau (Những kẻ bất hạnh, Thông Tin Berlin.)

Thêm một hoàn cảnh (khó nói) khác.
“Chị tôi rủ đi thăm một trường câm điếc ở Sông Bé... Chúng tôi chất thức ăn lên xe, bánh mì ổ, nồi ''la gu’ (lỏng chỏng thịt bò sắt cục, khoai lang trôi trong nước súp đùng đục), thùng chè đậu quơ cái vá mới thấy cái. Chị bảo ít vậy chứ nấu từ 3 giờ sáng, mà cũng nhiều người góp của lắm nghe mới đủ một bữa trưa cho mấy đứa nhỏ.”

“Chúng tôi đem thức ăn vào nhà bếp để hâm lại. Trường có hai dẫy dành cho học sinh nam và nữ cách nhau một sân rộng và một hàng ràọ Tôi được Sơ hiệu phó giới thiệu với một người đàng ông có tuổi tầm vóc trung bình, ốm, nét mặt thông minh đang ngồi trong căn phòng của ban Giám hiệu: Ðây là anh B, hiệu trưởng, đảng viên nhưng rất cởi mở...”

“Rồi ông và Sơ thay nhau nói về thành tích của trường. Năm 1886, các cha người Pháp dòng Phao–lồ thành lập, đến nay có 270 học sinh nhưng vì thiếu tiền nên nhà nước chỉ nuôi 250 đứa, mỗi tháng phát 55 ngàn cho mỗi em, thành thử nhu cầu bức thiết của trường không phải là giấy mực hay sách giáo khoa mà là thực phẩm...” (Lý Không Minh. Ngày Về Của Qủi. Ðồng Dao , Victoria , 1977, 33).

Sao (đ... mẹ) mâm nào cũng có tụi nó ngồi sẵn ở đó – vậy cà? Kể cả những mâm ăn mà “khoai lang trôi trong nước súp đùng đục, thùng chè đậu quơ cái vá mới thấy cái” mà bao kẻ đã phải dành dụm, chắt bóp để chia sẻ với những đứa bé thơ câm điếc. Qúi vị đảng viên cộng sản Việt Nam khiến tôi liên tưởng đến hai người đàn ông “hộ pháp” – luôn luôn ngồi chờ một bà lão già và một thanh niên khuyết tật đang bò lê bán vé số – ở đường Nguyễn Chí Thanh, Sài Gòn.

Hai người này đã bị ông nhà báo Nguyễn Triều gọi là những kẻ sống đời ký sinh hay chùm gửi. Lời kết án này e (hơi) vội vã, và cũng có phần (quá) khắt khe. Ðẩy xe lăn cho một người già nua hay phế tật đi bán vé số là một hình thức cộng sinh, một cách hợp tác để sinh tồn, dù cách phân công trông (có vẻ) hơi khó coi chút đỉnh.

Và nó chỉ “có vẻ” thế thôi chứ chưa hẳn đã thế. Không ai biết đích xác liên hệ giữa những người trong cuộc ra sao và chuyện họ chung sức làm ăn được chia chác thế nào. Còn cái cách kiếm tiền của Ðảng và Nhà Nước CSVN (dựa trên lòng trắc ẩn mà nhân loại dành cho những người dân kém may mắn nhất ở xứ sở này) thì rõ ràng (và hòan toàn) không sòng phẳng.
Sơ Giám Ðốc Trung Tâm Mai Hoà, nơi chăm sóc cho những bệnh nhân liệt kháng ở Củ Chi, đã cho biết thế này:
“Một triệu Ðô La Mỹ viện trợ khi tới tay trung tâm may ra còn một triệu đồng Việt Nam” (Trung Tâm Mai Hoà, Phóng sự đặc biệt của Linh mục Đinh Thanh Bình, Thiên Lý Bửu Toà).
Một cá nhân có thể sống cuộc đời chùm gửi nhưng một dân tộc thì không. Theo đuổi chính sách sống bám là chủ trương của một chế độ bệnh hoạn; đã thế, còn huyênh hoang và tự mãn về lối sống đời ký sinh của mình thì kể như là hết thuốc.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh có thể coi như là một thí dụ tiêu biểu và điển hình cho cái loại người hết thuốc (chữa) như thế. Với cương vị Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Ðối Ngoại Quốc Hội, cuối năm 2004, bà Ninh đã được phái đến Hoa Kỳ gần một tháng. Chuyến công du này trên danh nghĩa có mục đích nhằm cải thiện mối tương giao (vốn chưa bao giờ tốt đẹp) giữa Việt Nam với Mỹ, và với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở đất nước này.

Theo ngôn ngữ của báo chí của người Việt ở hải ngoại thì bà Tôn Nữ Thị Ninh có nhiệm vụ đi “giải độc”. Bà Ninh đi đâu, gặp gỡ những ai, giải độc (hay rải độc) thế nào..., tôi tuyệt đối không hề bận tâm. Tôi không có rảnh rỗi đến thế.

Dù thế, tôi vẫn hết sức kinh ngạc khi đọc tường những bài phỏng vấn của báo chí ở Việt Nam dành cho bà Ninh – sau chuyến đi này. Bà Ninh giễu cợt khi kể lại những biểu tình phản đối sự hiện diện của mình ở Hoa Kỳ, và đối với cộng đồng người Việt tị nạn ở nơi đây – cái tập thể mà hằng năm vẫn chăm chỉ và đều đặn gửi về VN vài ba tỉ đô la – bà Tôn Nữ Thị Ninh đã (thỏ thẻ) bỏ nhỏ như sau:

“Mình là thế thượng phong của nguời chiến thắng, mình cần chủ động, người ta không thể chủ động được do mặc cảm, cũng không thể yêu cầu ngươi ta đi trước, họ đứng ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lich sử” (Thanh Niên, 25/12/2004, Mục tin tức xã hội).
Dân Việt có thành ngữ (thú vị) là “đi xa về nói khoác". Tôi cũng thuộc loại người khoác lác, cỡ một tấc đến Giời, nhất là sau khi đã uống sương sương vài ba ly Cognac, nhưng nghe qua miệng lưỡi của “Madame Ninh” thì (chợt) biết mình còn yếu cơ  thấy rõ.

Cái nhìn của tôi về thế sự, xem ra, cũng không được “bao la và trời biển” như “Bà Ðại Sứ". Tôi hoàn toàn (và tuyệt đối) không thấy ra “cái vị trí thuận lợi trong tiến trình lịch sử “của nhà đương cuộc Hà Nội trong hiện cảnh. Nếu dân làng Ba Ðình đang thực sự ở “thế thượng phong” thì qúi quan chức ngoại giao như ông Nguyễn Ðình Bin, Nguyễn Phú Bình và bà Tôn Nữ Thị Ninh đâu đến nỗi phải bị gậy túa đi khắp mọi nơi. Tôi cũng có dịp đi qua nhiều xứ sở, gặp đủ kiểu và đủ cỡ hành khất nhưng chưa thấy ai đi ăn xin với giọng điệu hợm hĩnh (và ngu xuẩn) quá cỡ như vậy.

Thái độ láu cá và trơ tráo của bà Tôn Nữ Thị Ninh khiến tôi thấy nhớ (và thương) ông Hà Sĩ Phu hết sức. Loại người như bà Ninh tôi mới thấy lần đầu nhưng sĩ phu họ Hà chắc phải đối diện thường xuyên nên ông mô tả diện mạo cũng như phương thức sinh hoạt của họ vô cùng chính xác:

“Thế giới sinh vật đã cho ta những ví dụ rất rõ về vấn đề này. Con đường tiến hóa là: Sinh vật đơn bào phải đa bào hóa, trên cơ sở đa bào mới phân hóa thành những cơ quan khác nhau, giữa các cơ quan ngày càng có sự ''phân công'' rành rọt nhưng ngày càng phối hợp với nhau chặt chẽ bởi sự chỉ huy càng ngày càng tập trung của hệ thần kinh. Cứ thế mà tiến hóa từ thấp lên cao, và cuối cùng xuất hiện loài người chúng ta.”

“Nhưng có những sinh vật đơn bào không đi vào con đường đa bào hóa mà thích nghi bằng cách ''tu sửa vặt'', ''bổ sung vặt'', khiến cho bên trong cái tế bào duy nhất của nó cũng có đủ thứ như một cơ thể đa bào: có một chút tượng trưng cho ''tim'', một chút tượng trưng cho ''dạ dầy, một chút ''thận'', một chút ''giác quan'', một chút ''thần kinh'', một chút ''chân tay''... Chúng kéo dài cái cấu trúc ''cổ lỗ'' ấy suốt mấy triệu năm, và vĩnh viễn không thể ''gia nhập'' vào con đường tiến hóa chung được nữa. Nếu chỉ lấy sự ''sống chết'' để đo mức độ tiến hóa thì những sinh vật đơn bào ấy hẳn là ''caó hơn con người người nhiều, vứt ra bất cứ cống rãnh nào chúng cũng sinh sôi”.

“Ðiều kiện để có sự tiến hóa là phải có nguy cơ bị tiêu diệt: Nếu không tiến hóa nó sẽ bị diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn! Sự ''tu sửa vặt'' chính là ''giải pháp'' giúp cho sinh vật ''lách'' qua được sự đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt, vượt qua nguy cơ bị tiêu diệt mà không cần đến con đường chính thống, nhưng chính sự ''thành công'' này đã tách nó ra xa con đường chung và không tiến hóa cao được nữa”. (Ðôi Ðiều Suy Nghĩ Của Một Công Dân. Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tháng 1 năm 96, trang 99 và 100).

Bước vào kỷ nguyên toàn cầu, trong thời kỳ đất nước đổi mới, quí vị lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng có nhiều “tu sửa vặt” và “bổ sung vặt” rất thành công. Ít nhất thì họ cũng thành công trong việc giữ cho chế độ chưa bị sụp đổ. Và chính sự “thành công” này đã tách nó ra xa con đường chung và không tiến hóa cao được nữa!

Báo chí quốc nội cũng mô tả chuyến đi của bà Tôn Nữ Thị Ninh là thành công. Nếu đúng thế theo tôi đây chưa hẳn đã là điều đáng mừng mà (không chừng) còn là chuyện đáng lo. Ðể cho những những sinh vật đơn bào hay nói rõ ra là sán lãi sống ký sinh (thành công) trong cơ thể của mình không phải là chuyện đáng lo sao?
Tưởng Năng Tiến


Back to top
« Last Edit: 12. Mar 2007 , 21:37 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #2 - 19. Mar 2007 , 12:19
 

Vợ Hay Nợ ?

Người viết: NGUYỄN DUY AN

Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Infor-mation Technology của National Geographic. Bài của ông là truyện về Việt Nam cưới... nợ.

Tuấn thẫn thờ lê chân bước ra bãi đậu xe của tòa án trong chán chường và tuyệt vọng vào một buổi chiều cuối đông... Trời lạnh lắm, nhưng cái buốt giá ngoài trời chẳng thấm vào đâu so với cái lạnh và nỗi đau trong tim của chàng.

Tuấn lên xe ngồi ôm tay lái nhưng không biết sẽ về đâu. Chàng “phải tránh xa, ít là 100 feet (khoảng 30 mét) cô vợ trẻ đẹp” mới bảo lãnh từ Việt Nam qua được hơn tuần nay, nhưng chưa một lần được thực sự làm chồng. Bây giờ tất cả đã trở thành một con số không (0) to tướng theo lệnh của quan tòa! Thêm vào đó, Tuấn còn phải cung cấp nơi ăn chốn ở và tiền chi dùng cho cô vợ hụt liên tiếp 12 tháng sắp tới, đổ đồng mỗi tháng 2 ngàn Dollars để cô có đủ thời gian học thêm tiếng Anh cũng như học nghề.

Đã có lần Tuấn nghe một người nào đó than thở “con là nợ, vợ là oan gia”, nhưng với chàng bây giờ thì vợ không còn nữa, con cũng không, chỉ còn có “nợ”!

Cuối năm ngoái Tuấn về Việt Nam thăm gia đình. Nghe lời rủ rê của bạn bè, chàng đến chơi và làm quen với Liên, một cô gái nổi tiếng xinh đẹp và dễ thương trong vùng, vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp 12... Hình như nàng đã có bạn trai là một sinh viên đang lưu học trên Thành Phố, nhưng tự tin vào cái mác Việt Kiều của mình, Tuấn bất chấp tất cả, chỉ mong muốn chiếm cho bằng được người đẹp.

Hôm đầu tiên đến nhà chơi, Tuấn đã không chiếm được cảm tình của Liên, nhưng mấy ngày sau tình hình có vẻ khả quan hơn vì mẹ nàng rất quý mến Tuấn. Chỉ còn vài tuần nữa Tuấn phải trở về Mỹ! Chàng nhờ người chị cả dẫn tới gặp cha mẹ của Liên để chính thức xin hỏi cưới nàng.

Gia đình nàng cũng không đến nỗi “cổ lỗ sĩ” nên đã gọi Liên ra cùng ngồi nói chuyện. Mẹ nàng, bác Trinh lên tiếng trước:

- Được anh thương đến em nó, thật là quý hóa lắm, nhưng để tôi gọi em Liên ra nói chuyện trước mặt người lớn cho phải phép.

Bác Trinh ra nhà sau một lúc thật lâu rồi mới cùng con gái trở lại phòng khách. Tuấn hơi thất vọng khi thấy nét mặt của Liên không được tươi tỉnh lắm, nhất là đôi mắt nàng có vẻ hững hờ như đang đi lạc vào một cõi vô định...

- Cháu chào cô Thu. Liên chào anh Tuấn.

Tuấn vội vàng đứng lên, định kéo ghế cho Liên, nhưng nàng đã nhanh nhẹn ngồi xuống bên cạnh mẹ. Bác Trinh quay sang nói:

- Cô Thu tới xin hỏi cưới con cho anh Tuấn, mẹ muốn con cùng ngồi bàn công việc luôn. Con nghĩ sao?

- Thưa mẹ, thưa cô... Con đang đi học, và cũng còn ít tuổi quá.

Tuấn hiểu rõ ý nghĩa “chối từ” trong câu nói của Liên, nhưng chàng đã bàn trước với chị, nên cứ ngồi “hiền” để chị Thu phân trần:

- Liên đừng ngại. Thật ra nếu hai đứa thương nhau, chị xin phép hai bác để làm cái lễ hỏi nho nhỏ, rồi lên xã làm giấy đăng ký kết hôn thôi, vì Tuấn cũng sắp trở lại Mỹ trong nay mai. Thủ tục giấy tờ bảo lãnh cũng mất cả năm là ít. Khi có giấy đăng ký, Tuấn có thể làm giấy bảo lãnh cho Liên theo diện hôn thê, rồi bao giờ giấy tờ xong xuôi, tuỳ hai em, muốn làm lễ cưới bên này rồi đi, hoặc cứ sang bên đó rồi làm đám cưới sau cũng được. Nhưng có cái lễ hỏi, chụp hình chụp ảnh cho Tuấn mang qua Mỹ cũng dễ dàng làm giấy tờ bảo lãnh hơn. Bác Trinh Nghĩ sao?

- Tôi thì không biết gì về ba cái vụ giấy tờ cả. Có điều nếu anh thương em nó, và muốn tiến tới thì cứ thế mà làm cũng được.

- Mẹ à... Chúng con chỉ mới quen biết nhau vài tuần, con xin mẹ cứ để chúng con từ từ tìm hiểu nhau đã, nếu hợp rồi lo giấy tờ...

Nghe Liên trả lời mẹ, Tuấn sợ chị mình trả lời không ăn khớp, vì cũng như bác Trinh, chị Thu đâu có biết gì về thủ tục bảo lãnh, những gì chị ấy nói ra chẳng qua là do Tuấn dặn trước.

- Liên nói rất đúng, nhưng anh nghĩ nếu mình chờ tới lúc đó mới bắt đầu làm giấy tờ, lại phải chờ thêm một vài năm nữa. Nếu như Liên không chê anh, chúng ta cứ xin phép cha mẹ làm một bữa cơm gia đình cho đúng thủ tục, rồi mình lên xã đăng ký để anh về Mỹ xúc tiến ngay việc bảo lãnh, càng sớm càng tốt. Nếu như sau này Liên cảm thấy không hợp với anh, Liên vẫn có thể từ chối không đi; chúng mình cũng chưa bị ràng buộc gì trong phép đạo, mà hôn thú đời cũng chưa xong, anh nghĩ cũng đơn giản thôi. Tuy nhiên, anh thật lòng thương em, và hy vọng với thời gian Liên sẽ hiểu anh hơn, và chúng ta có thể tiến tới.

Bác Trinh cũng nói thêm vào:

- Anh Tuấn đã nói thế, mẹ nghĩ cũng tốt đó con ạ. Mình làm một bữa cơm gia đình để hai bên ra mắt anh em bà con họ hàng, rồi chúng con cứ đăng ký giấy tờ, bao giờ giấy tờ bảo lãnh xong xuôi rồi ta tính chuyện cưới xin sau cũng chẳng sao.

- Mẹ nói thế thì con biết trả lời sao nữa! Con chỉ sợ... nhỡ rồi chúng con không hợp nhau, lại mang tiếng với họ hàng!

- Tiếng tăm chi con. Thời bây giờ người ta lấy Việt Kiều hà rầm đó. Ai cũng lo giấy tờ bảo lãnh trước rồi mới lên cha, lo gì... Ý anh Tuấn muốn tổ chức một bữa cơm ra mắt thì mẹ cũng ưng, nhưng nếu con ngại thì chúng con cứ âm thầm lên xã đăng ký làm giấy tờ. Khi nào chắc ăn, có giấy tờ đi Mỹ rồi ta tổ chức đám hỏi, đám cưới một lần cũng được.

Chị Thu vội vàng nói thêm vào:

- Gia đình em muốn thưa với hai bác cho em Tuấn đi cái lễ hỏi nho nhỏ để cho “danh chính ngôn thuận”, nhưng mọi sự tuỳ thuộc hai bác và em Liên cả.

- Vậy để tôi bàn lại với ông nhà tôi và anh chị con Liên, rồi vài ngày nữa ta tính nhé.
- Vâng, bác định sao chúng em xin theo... Nhưng nhà em cũng xin phép bác cho em Tuấn đưa Liên đi sắm ít “lễ vật đính hôn” cho đầy đủ kẻo lại mang tiếng với làng nước là Việt Kiều đi hỏi vợ mà không thấy có lễ vật gì cả.

- Cô thư thả cho vài hôm... Có chi ta cứ để tuỳ hai đứa.

Trong lúc cả nhà xôn xao bàn tán về việc “lấy chồng Việt Kiều”, thì Liên xin phép cha mẹ đi Thành Phố một hôm để bàn với người chị theo chồng về buôn bán ở chợ Tân Định. Nghe Liên xin phép, mẹ nàng mừng lắm, vì chính Trang, cô chị của Liên đã có lần nói với bà “con Liên nhà mình xinh lắm, để con tìm xem có anh Việt Kiều nào đường được con giới thiệu cho nó. Cỡ như nó lấy chồng bên này làm chi cho uổng.” Liên xin phép cha mẹ lên thành phố không phải để hỏi ý chị Trang, nhưng là để bàn bạc với Hùng. Nàng lên tìm người yêu để tính toán xem phải sắp xếp thế nào cho tình yêu hai người không đi vào ngõ cụt. Không biết hai đứa bàn tính với nhau ra sao mà hôm sau Liên cùng chị Trang trở về, và đồng ý nhờ chị dẫn đi sắm “lễ vật đính hôn” với Tuấn, nhưng không làm đám hỏi hay tiệc tùng gì hết, chỉ âm thầm lên xã đăng ký xin kết hôn với Việt Kiều. Lên xã xong phải ra Huyện, rồi lại lên Tỉnh... Tới khi Tuấn cầm được mảnh giấy “Đăng Ký Kết Hôn” chứ cũng chưa phải Hôn Thú thì chỉ còn một ngày nữa chàng phải về Mỹ.

Tuấn đã có ý định khi làm xong giấy tờ sẽ xin phép đưa Liên đi Nha Trang hay Đà Lạt chơi mấy hôm trước khi về Mỹ, nhưng bây giờ đã hết hy vọng. Tuấn đã không thực hiện được ý định “đen tối” là tìm cách gài bẫy cho Liên vào chuyện đã rồi cho ăn chắc, nhưng “hay không bằng hên”, cái số của Tuấn không được hên cho lắm! Người ta vẫn thường nói “đỏ tình thì đen bạc”, nhưng với Tuấn lúc này thì tình chưa được, mà bạc thì tốn kém cũng không ít vì phải chiêu đãi, quà cáp cho bao nhiêu người mới xin được tờ giấy “tạm”. Thôi thì tương lai còn dài, “cơm chưa nấu, gạo vẫn còn đó”, chẳng mất đi đâu mà sợ thiệt.

Mấy tháng sau Tuấn gởi giấy tờ về để Liên nộp đơn xin xuất cảnh. Lúc này nàng đã học xong trung học, và theo đề nghị của Tuấn, Liên lên thành phố ở với chị Trang để đi học thêm tiếng Anh chứ không cần thi vào đại học làm gì cho thêm mệt. Mặc dầu Liên lên thành phố ở với chị nhưng Tuấn vẫn chu cấp dư thừa... Nàng sắm thêm son phấn, quần áo đẹp, có máy vi tính nối mạng để liên lạc email với Tuấn, có xe Dream II để chiều chiều cùng người yêu ra ngoại ô hóng gió! Trong lúc Tuấn xúc tiến thủ tục bảo lãnh cho Liên theo diện Hôn Thê, thì Hùng và Liên cũng cậy nhờ người anh họ của Hùng là Hiệp, một luật sư bên Mỹ “nghiên cứu và hướng dẫn” tìm cách để Liên qua được Mỹ nhưng không phải làm vợ Tuấn, rồi từ từ bảo lãnh Hùng qua sau. (Một việc không ai ngờ là người luật sư Tuấn đến nhờ giúp đỡ làm giấy tờ bảo lãnh cho Liên cũng chính là Hiệp, người anh họ của Hùng). Đã có lúc Liên cảm thấy áy náy lương tâm, chỉ muốn nói thật với Tuấn để xé bỏ tờ giấy “Đăng Ký Kết Hôn”, nhưng Hùng lúc nào cũng có đủ lý do để thuyết phục nàng đi theo kế hoạch của chàng.

Liên đã đồng ý vì thời buổi này làm gì còn chuyện “một túp lều tranh với hai trái tim vàng!” Hùng mới ra trường với mảnh bằng kỹ sư cơ khí, nhưng ngày ngày vẫn phải chạy mánh buôn bán ở chợ trời vì không kiếm được việc làm. Và nếu như có tìm được việc làm, lương kỹ sư ở Việt Nam gom góp cả năm cũng không bằng số tiền Tuấn gởi về hàng tháng cho Liên tiêu dùng. Thôi thì “một liều, ba bảy cũng liều”, nàng đành nhắm mắt đưa chân... Cùng lắm, nếu kế hoạch không thành, nàng làm vợ Tuấn cũng không đến nỗi phải khổ vì người ta thường nói “lấy người yêu mình thì sung sướng hơn là lấy người mình yêu”. Bằng chứng là nàng không yêu Tuấn, nhưng nàng vẫn dung dăng dung dẻ, tiền bạc rủng rỉnh, chỉ ăn rồi bát phố vì Tuấn yêu nàng!

Trong lúc Liên cùng người yêu tận hưởng những ngày “hạnh phúc bên nhau” thì Tuấn phải kiếm việc làm thêm hai ngày cuối tuần ở nhà hàng để phụ vào đồng lương khiêm tốn của một công nhân lắp ráp dữ kiện điện tử. Những ngày mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, Tuấn cũng cố gắng theo bạn bè đi học Đại Học Cộng Đồng, nhưng vì mất căn bản từ lâu, và những nhu cầu cấp bách phải giúp đỡ gia đình còn ở Việt Nam, chàng đã nghỉ ngang để đi làm. Tuy nhiên, nhờ tính siêng năng cần mẫn, sau 10 năm miệt mài với công việc “lắp ráp”, Tuấn đã “sống lâu lên lão làng” nên tương đối cuộc sống đã ổn định, và cũng dành dụm mua được một căn chung cư hai phòng ngủ, chờ ngày gặp “ý trung nhân” để xây tổ ấm. Chuyến về Việt Nam năm ngoái Tuấn đã tiêu sạch bao nhiêu vốn liếng để dành của chàng. Từ ngày trở lại Mỹ, vì hàng tháng phải gởi cho Liên một ngàn, rồi tiền lo giấy tờ luật sư nên tài chánh của Tuấn càng ngày càng chật vật. Thôi thì chịu khó “cày” thêm một “job” (công việc) ở nhà hàng Tàu vào cuối tuần để kiếm thêm, coi như bù vào số tiền giúp Liên ăn học, chuẩn bị lo cho tương lai... Nhưng rồi chàng lại phải "refinance" (tái tài trợ) căn chung cư để lấy ra mấy chục ngàn gởi về cho Liên xây nhà mới “báo hiếu cha mẹ trước khi theo chồng về xứ lạ.”

Khi nhận được giấy báo từ văn phòng luật sư Hiệp cho biết Liên đã có "visa" (giấy nhập cảnh) vào Mỹ, chỉ cần nộp tiền lệ phí giấy tờ và mua vé máy bay, chuẩn bị ngày đoàn tụ, Tuấn đã nghỉ việc mấy ngày dọn dẹp lại căn chung cư, mua giường mới, chăn nệm mới... chuẩn bị đón "vợ". Sau khi suy đi tính lại, Tuấn quyết định mua một chiếc xe Toyota Camry đời mới làm quà cho Liên vì chàng có thể dùng số tiền hàng tháng vẫn gởi về cho nàng để trả tiền xe. Mua xe mới cho Liên chàng chỉ phải trả mỗi tháng 500 Dollars, vẫn còn thoải mái hơn số tiền một ngàn hằng tháng chàng vẫn gởi cho Liên suốt cả năm nay, đó là chưa kể những khoản "đột xuất" như tiền lo giấy tờ, tiền đưa mẹ đi bác sĩ...

Để chia sẻ niềm vui "đoàn tụ với người vợ trẻ đẹp", Tuấn mời Hiệp cùng mang hoa hồng ra phi trường đón Liên. Có một điều Tuấn không ngờ là Liên và Hiệp đã từng liên lạc email và điện thoại với nhau nhiều lần trước đó qua sự giới thiệu của Hùng, người yêu của Liên và là em họ của Hiệp. Vừa trông thấy Liên bước ra trong bộ quần áo rất hợp thời trang, Tuấn vội vàng tiến đến, một tay trao hoa, một tay dang rộng để ôm Liên vào lòng, nhưng Liên đã đưa tay cản:

- Anh Tuấn đừng làm vậy, kỳ chết!

Tuấn hơi sững sờ trước phản ứng của Liên, nhưng tự an ủi rằng nàng mới từ Việt Nam qua, chắc còn e lệ... Tuấn quay lại, định giới thiệu vị "ân nhân" đã giúp chàng lo thủ tục bảo lãnh, nhưng Hiệp đã lên tiếng trước:

- Chúc mừng Liên đã tới được "vùng đất hứa". Tôi là luật sư Hiệp, Hùng khỏe chứ?

- Ồ, anh Hiệp. Liên đang lo không biết làm sao để liên lạc được với anh. Cám ơn anh đã ra phi trường đón Liên.

Trong lúc Hiệp chưa biết phải giải thích ra sao thì Tuấn đã lộ vẻ khó chịu:

- Hai người quen nhau trước rồi hả? Hùng là ai?

Không ai lên tiếng trả lời, mà biết trả lời làm sao bây giờ! Sau một phút do dự, Liên lên tiếng:

- Hùng là bạn em bên Việt Nam, và là em họ của anh Hiệp. Lúc nhận được giấy tờ của anh gởi về từ văn phòng của luật sư Hiệp, Hùng có giới thiệu em với anh Hiệp để nhờ giúp đỡ trong bước đầu còn bỡ ngỡ ở đất khách quê người.

- Em không phải sợ điều đó, anh sẽ lo cho em tất cả.

- Nhưng có người giúp đỡ vẫn hơn chứ anh, vả lại anh Tuấn là luật sư...

- Thôi được, mình đi lấy hành lý rồi anh đưa em về. Cám ơn anh Hiệp đã giúp đỡ trong thời gian qua.

Hiệp không ngờ Liên xinh đẹp và nhanh trí như thế. Chàng đánh trống lảng:

- Đó là bổn phận của văn phòng chúng tôi. Xin chúc mừng hai người. Tôi xin phép về trước nhé.

Liên còn muốn hỏi Hiệp nhiều điều nhưng không biết nói sao, đành lặng lẽ bắt tay và gật đầu từ giã. Nàng hơi bị giao động trước vẻ lịch thiệp và trí thức của Hiệp. Trước đây nàng so sánh Tuấn với Hùng, cả hai đều tương đương "bên tám lạng, bên nửa cân" nên nàng chỉ nhắm mắt đưa chân theo kế hoạch của Hùng vì nàng không hề yêu Tuấn. Chỉ một vài lần nói chuyện trong điện thoại và email qua lại với Hiệp, cũng không có gì đặc biệt, nhưng bây giờ, tuy mới gặp mặt lần đầu, nàng đã hoàn toàn bị động trước người anh họ "hào hoa phong nhã" của Hùng... Nàng chợt cảm thấy thương hại Tuấn, nên khẽ nắm tay chàng thỏ thẻ:

- Bây giờ sao anh Tuấn?

- Ờ... Chúng mình đi nhận hành lý rồi anh đưa em về. Anh nghỉ mấy ngày đưa em đi chơi cho biết đó biết đây.

Lúc hai người ra xe, Tuấn trao cho Liên một bao thơ dầy cộm:

- Chiếc xe này anh mới mua tuần trước để làm quà cho em. Giấy tờ đều đứng tên em, cả hồ sơ bảo lãnh và đơn xin "Thẻ Xanh"... đều nằm trong đó cả. Em cứ giữ lấy rồi từ từ anh sẽ hướng dẫn em làm quen với nếp sống bên đây.

- Anh Tuấn tốt với Liên quá.

- Đó là bổn phận của anh mà cưng.

Hai người đi ăn rồi về nhà. Tình hình có vẻ khả quan hơn... cho tới khi Tuấn đòi vào phòng ngủ chung giường thì Liên làm dữ. Ban đầu còn nhỏ nhẹ, nại lý do hai đứa chưa chính thức làm đám cưới, nhưng càng lúc càng gay go, Liên dọa sẽ gọi cảnh sát nếu Tuấn làm ẩu. Tuấn hơi ngạc nhiên không hiểu sao cô vợ mới từ Việt Nam sang lại rành luật lệ bên Mỹ quá, nhưng chàng đâu biết Liên đã được Hùng và luật sư Hiệp chỉ vẽ trước khi rời Việt Nam. Liên giận dữ đóng sập cửa phòng ngủ rồi khóa trái bên trong. Tuấn ấm ức lắm nhưng chỉ dám đứng ngoài chửi đổng nho nhỏ vì cũng đã khuya rồi, không dám làm phiền hàng xóm trong chung cư.

Phần vì giờ giấc thay đổi, phần vì không dự phòng trước phản ứng của Tuấn, Liên không dám ngủ. Nàng mở bao thơ của Tuấn đưa hồi chiều xem có gì trong đó. Tờ giấy đầu tiên đập vào mắt nàng chính là tập hồ sơ do văn phòng luật sư Hiệp đưa lại cho Tuấn, gồm tất cả giấy tờ bảo lãnh nàng, và ngay ở trang bìa có ghi đầy đủ số điện thoại của Hiệp, kể cả số nhà riêng và điện thoại di động. Như người sắp chết đuối nắm được miếng ván, Liên gọi ngay cho Hiệp:

- Hello.
- Dạ có phải luật sư Hiệp không ạ?
- Vâng, tôi đây. Xin hỏi ai đầu giây ạ?
- Em Liên đây anh.
- Ồ Liên, mọi sự tốt đẹp cả chứ? Tuấn đâu mà Liên gọi anh giờ này?
- Ông ấy đang làm dữ ngoài kia, đòi vào ngủ chung, em không chịu. Anh giúp Liên với.
- Anh đã nói hôm trước rồi, bí quá thì quay số 911.
- Nhưng em đâu biết nói gì với họ.
- Em không cần giải thích, cứ kêu "help" rồi đừng cúp máy, cảnh sát họ sẽ đến ngay. Bao giờ có cảnh sát tới cứ đưa số của anh cho họ liên lạc. Không sao...

Tuấn đang hậm hực bên ngoài, nghe tiếng nói chuyện rầm rì bên trong, đoán chắc Liên đang gọi điện thoại cho ai đó, chàng phá cửa rồi lầm lũi bước vào, quát tướng lên:

- Cô to gan lớn mật lắm. Tôi đã lầm nuôi ong tay áo.

- Anh Tuấn bình tĩnh lại đi, em có làm gì sai trái đâu! Chúng mình không thể ngủ chung vì không phải là vợ chồng.

- Tôi đã chẳng đem lễ đi hỏi cô là gì? Ai bảo lãnh cô sang đây?

- Anh Tuấn mà làm dữ Liên gọi cảnh sát.

- Tôi chấp cô đó.

Liên bấm vội số 911 như lời Hiệp dặn, chưa kịp nói "help" thì Tuấn đã giáng cho nàng một cái tát nẩy lửa. Liên khóc thét lên bên ống nghe điện thoại. Tuấn càng điên tiết thêm, tát cho nàng một cái nữa rồi hậm hực bứt giây điện thoại. Liên chỉ ngồi khóc trong khi Tuấn lôi hết cha mẹ, ông bà của Liên ra chửi rủa. Cực chẳng đã, Liên phải hét lên:

- Đồ hèn hạ, vũ phu, bần tiện...

Một cái tát ngang mặt làm Liên im bặt vì máu mũi chảy dàn dụa. Cũng lúc đó cảnh sát đập cửa bên ngoài với lời đe dọa "nếu không mở ngay, họ sẽ phá cửa vào". Cực chẳng đã, Tuấn phải ra mở cửa. Hai người cảnh sát bước vào, một người đứng giữ Tuấn, một người bước về phía phòng ngủ để quan sát hiện trường. Khi trông thấy Liên mặt ướt đầm nước mắt và máu mũi, anh ta ra lệnh cho người bạn đứng ngoài còng tay Tuấn lại, và quay sang hỏi Liên xem chuyện gì đã xảy ra. Liên vừa khóc vừa trao tờ giấy có số điện thoại của luật sư Hiệp cho người cảnh sát. Sau mấy phút nói chuyện với Hiệp, người cảnh sát trao điện thoại cho Liên và ra phòng khách làm việc với Tuấn.

Khi Hiệp đến nơi thì cảnh sát đã sẵn sàng để dẫn Tuấn về bót, và "nhờ" Hiệp chăm sóc cho Liên.

Tuấn chỉ bị giữ một đêm rồi được thả với cái hẹn tuần sau đi hầu tòa... Nhưng khi về tới chung cư thì Liên không còn, đồ đạc của nàng mang từ Việt Nam cũng đi theo, kể cả chiếc xe mới "cáo chỉ" cũng "cuốn theo chiều gió" mặc dù Liên chưa biết lái xe. Tuấn chỉ còn một mấu chốt duy nhất là luật sư Hiệp, người đã giúp chàng bảo lãnh Liên qua Mỹ, và cũng có mặt tại "hiện trường" đêm trước. Tuấn gọi điện thoại và để lại không biết bao nhiêu lời nhắn trong máy, nhưng mãi tới hôm phải ra tòa Hiệp mới gọi lại cho chàng.

- Tôi sẽ gặp anh Tuấn ở tòa. Liên sẽ cùng đi với tôi vì nàng vẫn tá túc đàng nhà tôi từ hôm anh bị cảnh sát...

- Thằng láu cá. Cả tuần nay sao mày không gọi lại cho tao? Mày làm gì con vợ tao rồi?

- Anh ăn nói lịch sự một chút nghe... Cô ta không phải là vợ anh. Anh hiếp đáp cô ta, việc đó sẽ có luật pháp lo, nhưng tôi sẽ dạy cho anh một bài học đích đáng nếu như anh còn ăn nói lỗ mãng với tôi.

Tuấn bực mình cúp máy cái rụp rồi chửi trời, chửi đất, chửi hết mọi người.

Tuấn chỉ ra tòa cho khỏi mang thêm tội trốn chạy chứ chứng cớ rành rành trong biên bản của cảnh sát, còn chối cãi vào đâu. Lúc thấy Hiệp đứng lên bênh vực Liên trước tòa, Tuấn giận lắm nhưng thua lý hoàn toàn. Khi nghe đọc phán quyết của tòa, Tuấn cũng dửng dưng vì với chàng giờ này cuộc đời chẳng còn gì quan trọng nữa: "Chiếc xe đứng tên Liên, của nàng. Tuấn giữ lại chiếc xe cũ. Từ nay không được tới gần cô Liên trong phạm vi 100 feet (khoảng 30 mét). Hàng tháng phải trợ cấp cho Liên đi học thêm tiếng Anh cũng như học nghề." Một phán quyết vô lý, nhưng Tuấn cũng chẳng buồn tranh cãi, cũng không cần phải viết đơn kháng cáo làm gì, chàng ký tên chấp nhận rồi uể oải ra xe.

Quá mệt mỏi và căm hận, Tuấn nằm gục xuống ghế xe mơ mơ màng màng... "Xe mới thuộc về nàng, nhưng nợ mua xe hàng tháng Tuấn vẫn phải trả. Căn chung cư là mồ hôi nước mắt của chàng từ bao nhiêu năm nay, bây giờ coi như thuộc về ngân hàng vì Tuấn đã rút hết tiền ra, gởi về cho Liên xây nhà báo hiếu cha mẹ trước ngày rời Việt Nam..." Vội vàng bảo lãnh một người không yêu mình sang đây làm vợ đã là một lỗi lầm to lớn, nhưng cho nàng mấy cái bạt tai trong lúc nóng giận còn tai hại hơn vạn lần!

Một giọng nói quen thuộc của Hiệp vọng tới từ một chiếc xe đậu gần đấy: "Tờ giấy đó chẳng có giá trị gì bên Mỹ này. Liên phải nhớ anh là luật sư, không việc gì em phải sợ cả. Chờ ít tháng lấy tiền trợ cấp của Tuấn cho em tiêu xài, nhận được Thẻ Xanh rồi chúng mình làm đám cưới... Liên muốn đi Âu Châu hay về Việt Nam hưởng tuần trăng mật?"

Việc duy nhất mà Tuấn có thể làm lúc này là ngồi bật dậy, nổ máy xe phóng như lao vào đêm tối.

Nguyễn Duy-An
__._,_.___
Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #3 - 25. Mar 2007 , 20:24
 
Tạp ghi của một chuyến trở về

Trương Văn Tân
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại học Cần Thơ, tôi có cơ hội được đến đây thỉnh giảng. Bốn mươi năm trước, chính phủ Việt Nam Cộng hoà nhận thấy tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long đã quyết định thành lập Viện Đại học Cần Thơ với ba phân khoa chính là Nông nghiệp, Khoa học và Sư phạm. Ngày hôm nay, Đại học Cần Thơ là một đại học tổng hợp bao gồm nhiều phân khoa kể cả khoa Y Dược. Khoa Nông nghiệp vẫn là khoa chủ lực, có chương trình đào tạo cao học với học vị thạc sĩ (Master) và tiến sĩ (PhD).

Những con đường sình lầy trong khuôn viên đại học, những căn nhà tiền chế dùng làm phòng học mà tôi biết ở những năm cuối thập niên 60 bây giờ là những con đường xe chạy rợp bóng cây với những bụi hoa nhiệt đới nở thật đẹp, dẫn đến những toà nhà hoành tráng dùng làm phòng học, phòng nghiên cứu và phòng làm việc của ban giảng huấn. Vào những năm đầu mới thành lập, trường còn phải "mượn" giảng viên của Đại học Sài Gòn đến giảng dạy. Ngày hôm nay nhà trường có một ban giảng huấn trẻ, ưu tú và nhiệt tình. Ở khoa Công nghệ nơi tôi làm việc với các đồng nghiệp, số tuổi trung bình của các giảng viên vào khoảng 35. Nguyện vọng của ban quản trị nhà trường là các giảng viên phải có ít nhất bằng thạc sĩ được đào tạo tại nước ngoài.

Được biết hiện nay Đại học Cần Thơ và Đại học Đà Nẵng là hai đại học Việt Nam có nhiều liên hệ giáo dục và giao lưu quốc tế đứng đầu cả nước. Khoa Công nghệ của Đại học Cần Thơ vừa mới được thành lập gần 5 năm đào tạo kỹ sư với tên gọi tiếng Anh là "College of Technology" (theo tôi từ chính xác nên là: Faculty of Engineering) . Khoa mô phỏng theo Đại học Bách khoa Tp HCM (tên cũ: Trung tâm Kỹ thuật Quốc gia Phú Thọ), ngoài những bộ môn đã có từ lâu như công nghệ Điện (electrical engineering) , công nghệ Hoá (chemical engineering) , khoa Công nghệ đặt trọng điểm giảng dạy và nghiên cứu về Vật liệu học (Materials Sciences), chú trọng đến các loại vật liệu tiên tiến (Advanced Materials).

Trong bối cảnh là một trường đại học nông nghiệp, chính sách giáo dục và nghiên cứu của Đại học Cần Thơ đa dạng và có tầm nhìn xa. Phần lớn khoa Công nghệ (kỹ sư) của các đại học Việt Nam vẫn phân chia các bộ môn công nghệ không khác gì thời Pháp thuộc. Ngoài Viện Vật liệu trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hà Nội, tôi nghĩ không có một đại học Việt Nam nào chú trọng đến khoa Công nghệ Vật liệu (Materials Science/ Engineering) . Khoa này đã là một phân khoa chính thức của các đại học tại Bắc Mỹ, Nhật, châu Âu hơn nửa thế kỷ nay. Trong vài thập niên gần đây, nó đã trở thành một khoa quan trọng tại Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Iran.

Bộ môn này liên quan đến việc khảo sát những đặc tính và ứng dụng của các loại vật liệu như ceramics (gốm), kim loại và polymers (plastics - nhựa). Nó đòi hỏi người học và nghiên cứu phải có một kiến thức đa ngành về Hoá học, Vật lý, Toán học và biết áp dụng những môn này vào việc cải tạo hoặc biến chế vật liệu cho một ứng dụng nhất định. Những vật liệu có thể là chất cách điện, chất dẫn điện hoặc bán dẫn. Những ứng dụng bao gồm những việc trong cuộc sống đời thường như chống ăn mòn (cầu, tàu bè, máy bay...), những dụng cụ điện tử, pin mặt trời, cho đến những áp dụng trong của thế kỷ 21 như vật liệu thông minh và công nghệ nano. Sự trì trệ trong việc phát triển khoa Công nghệ Vật liệu tại các đại học Việt Nam có thể phát sinh từ sự tôn sùng cách học thuần lý của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, chỉ biết dựa trên toán và vật lý lý thuyết. Cách học này sản sinh ra những nhà lý luận tuyệt vời "trên trời" nhưng lại lơ ngơ trong ứng dụng.

Liên quan đến việc học toán, có một số người trong nước thường thắc mắc hỏi tôi, "Người Việt Nam ở nước ngoài làm nghiên cứu khoa học chắc giỏi hơn người nước khác?", "Tại sao mình lại giỏi hơn người khác?" tôi hỏi lại. "Vì ta giỏi toán"! Thật ra, người Việt Nam nghiên cứu không thua cũng không hơn, học không giỏi cũng không kém hơn người nước khác. Nhưng sinh viên Việt Nam có cái khuyết điểm chung là dễ tự mãn, không có sự khiêm tốn của sinh viên Nhật, sự cần cù của sinh viên Trung Quốc và sự trầm lặng hiền hoà của sinh viên Thái Lan. Ta đã tự tạo cho ta một huyền thoại "giỏi toán" và để huyền thoại vây quanh ta, trở thành người tù của ảo tưởng "đỉnh cao trí tuệ". Học sinh Mỹ không giỏi toán như học sinh Việt Nam, nhưng Mỹ là cường quốc khoa học kỹ thuật đứng đầu thế giới. Học sinh Ấn Độ, Nhật Bản chắc chưa bao giờ có huy chương vàng Olympic Toán, nhưng là những nước nhất nhì thế giới về công nghệ thông tin, điện tử và những công nghệ tiên tiến khác.

Một người quen, bây giờ là giảng viên đại học, thổ lộ với tôi rằng anh đã từng là học sinh giỏi toán. Anh đã được chọn vào những "lò" luyện toán để cuối cùng được tuyển chọn tham gia thi Olympic Toán. Anh đã được dạy giải những bài tích phân sao cho thật nhanh, nhưng không ai nói cho anh biết ý nghĩa của tích phân là gì. Mãi đến sau này, anh mới biết tích phân chẳng qua là một dạng của phép tổng (summation). Hoá ra, khi những cuộc thi Olympic được xem như những cuộc thi giao hữu ở những nước khác, thì chính phủ Việt Nam xem như là một "quốc sách" đào tạo những học sinh chỉ biết làm toán như cái máy để đi thi lấy tiếng, nhưng không biết áp dụng.

Tôi vào một hiệu sách xem qua một số sách đại học. Những kệ sách giáo khoa đại học tại các nhà sách phản ảnh khuynh hướng học nặng về lý thuyết, phần lớn bày bán những sách bài giải Toán, Lý, Hoá. Sách giải toán chiếm gần 80%, bao gồm đủ mọi đề tài: Hình học, Đại số, Vi tích phân v.v... Sách giáo khoa viết ở một trình độ bình thường, không hơn những quyển sách xuất bản vài chục năm trước. Tác giả vẫn còn lấn cấn trong việc giải thích một khái niệm khó hiểu bằng một ngôn ngữ giản dị. Các sách giáo khoa tiếng Anh rất thành công về mặt này, vì mỗi lần tái bản người học có thêm dữ liệu, hình ảnh minh hoạ, nhiều thí dụ, bài tập liên quan và đề nghị các sách tham khảo đọc thêm. Không có sách giáo khoa chuyên đề cho những năm cuối đại học hay sau đại học. Trừ một vài quyển sách Vật lý của hai nhà Vật lý Nga nổi tiếng, L. Landau và E. Lifshitz, rất ít sách dịch từ tiếng nước ngoài. Bản dịch tiếng Việt từ những quyển vật lý và khoa học đại chúng tiếng Nga là những bản dịch đồ sộ rất công phu, dễ hiểu. Giá cả lại phải chăng, nếu không nói là quá rẻ (sách dày 800 trang, giá $8 USD). Sách dịch không thịnh hành có lẽ vì độc giả quá ít, không bán được. Điều nầy rất khác biệt với Nhật Bản, hầu hết những sách nổi tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc... của tất cả mọi môn học, ngành nghề, từ khoa học đến văn học đều có bản tiếng Nhật. Sách dịch trở thành một nguồn tri thức ngoại nhập và món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nhật Bản hơn hai trăm năm nay.

Các đại học Việt Nam hiện nay chỉ là nơi cung cấp nhân lực có học vị kỹ sư hoặc cử nhân cho những doanh nghiệp. Mặc dù nhiều đại học đã có kinh nghiệm giáo dục, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và khoa học tự nhiên với chiều dài hơn nửa thế kỷ, cộng với vài chục ngàn tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ, đại học Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ là nơi cung cấp một nền tảng tri thức cần thiết trong quá trình "nghiên cứu và phát triển" cho việc phát minh và biến phát minh thành những sản phẩm thương mãi hữu dụng.

Nguyên nhân chính đầu tiên vẫn là tiền đâu. Cái vòng luẩn quẩn vì không tiền nên không thể nghiên cứu sản phẩm bán ra tiền. Đâu là bước đột phá? Tiếp xúc với đồng nghiệp làm việc tại đại học và các viện nghiên cứu Việt Nam, tôi được biết có những đề án nghiên cứu rất hấp dẫn, nhưng kinh phí nhận được từ trung ương chỉ có vài ngàn USD cho một đề tài, trong khi với đề tài tương tự tại các nước Âu Tây, số tiền cần thiết phải 50 đến 100 lần nhiều hơn. Có một điều phấn khởi và đáng mừng là nghe đâu Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng gia kinh phí nghiên cứu khoa học theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Có nghĩa là kinh phí sẽ được tăng lên gấp 10 hoặc thậm chí 100 lần cho các đề án cấp nhà nước. Nếu theo phương thức "nghiên cứu khoa học là quá trình biến tiền thành tri thức", thì tri thức gặt hái được sẽ tỉ lệ thuận với số tiền cung cấp nếu được sử dụng đúng chỗ. Vì nguy cơ tham nhũng, ta cũng chớ vội mừng khi tiền có gia tăng nhưng hội đồng thẩm định đề án nghiên cứu và cơ chế giám sát sử dụng kinh phí chưa được thành hình.

Tham nhũng trong khoa học sẽ rất khó phát hiện vì những thành quả và thất bại trong nghiên cứu khoa học phần lớn vượt ra ngoài sự hiểu biết và cách lý giải thông thường. Nếu không có một hội đồng chuyên môn độc lập thẩm định các đề án và cơ quan giám sát kinh phí khi đề án được chấp nhận thực thi, và nếu không có những biện pháp phát hiện và trừng trị những vi phạm tài chính, tham nhũng trong khoa học sẽ lan tràn và xảy ra trong nhiều tình huống ngụy trang rất tinh vi. Với các đề án cấp nhà nước, hội đồng thẩm định cần phải có ý kiến phản biện của chuyên gia nước ngoài về mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, kết quả có thể gặt hái và các khoản kinh phí của đề án.

Đại học tại chức và đại học địa phương là một hiện tượng đặc thù Việt Nam nhưng khá phổ biến, manh nha từ nhu cầu kinh tế, sự tôn vinh bằng cấp hơn là vì học thuật. Ở nhiều đại học, số "sinh viên" tại chức cũng gần bằng sinh viên thực thụ. Nhu cầu có bằng cử nhân, kỹ sư nở rộ trong giới quan quyền cho việc trang sức địa vị và thăng quan tiến chức. Người dạy có thêm thu nhập, người được "dạy" sẽ có mảnh bằng với điều kiện thi cử dễ dãi, đôi bên đều có lợi đúng theo nguyên tắc bách chiến bách thắng "win - win" của chủ nghĩa kinh tế thị trường. Chỉ có nền học thuật thì suy đồi và bị thui chột.
 
Đại học địa phương được lập nên chỉ cần một toà nhà với một vài phân khoa. Gần Sài Gòn, người ta thấy có đại học Bình Dương, đại học Bà Rịa-Vũng Tàu, đại học Tiền Giang. Ở miền Tây, cách đại học Cần Thơ non 100 km là đại học An Giang. Đại học Bạc Liêu gần đó rồi sẽ được thành lập. Tôi nghĩ không lâu cũng sẽ có đại học Kiên Giang, đại học Đồng Tháp v.v... Nó đi ngược khuynh hướng tập trung hoá các đại học nhỏ thành một đại học lớn để thống nhất giáo trình, nâng cao chất lượng giáo dục và đơn giản hoá cung cách quản trị hành chính. Việc này chính phủ Úc thực hiện rất thành công và hiệu quả 15 năm trước. Nó cũng đi ngược lại chính sách thành lập đại học đẳng cấp quốc tế mà các bậc trí giả trong, ngoài nước bỏ nhiều công sức hoạch định, bàn tán sôi nổi từ mấy năm qua.

Trong một thập niên gần đây, chính phủ đã liên tục kêu gọi sự đóng góp và hợp tác chất xám Việt Kiều. Thậm chí, có những đại học như đại học Cần Thơ viết thư ngỏ kêu gọi hợp tác quốc tế trên bình diện tổ chức cũng như cá nhân. Cũng theo chiều hướng này, không ít những người Việt Nam làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại nước ngoài đều mang một hoài bão phục vụ quê hương. Tuy nhiên, sự kêu gọi của chính phủ như một lời chào khách sáo, chỉ mang tính chất tuyên truyền không cụ thể. Thói quen ngửa tay nhận viện trợ vô hình trung đã thâm nhập rất sâu vào tư duy của giới giáo dục và làm công tác khoa học. Muốn tận dụng chất xám Việt kiều thì chính phủ phải có một ngân khoản đầu tư cho những vấn đề hợp tác cụ thể lâu dài, bao gồm từ việc nhỏ như chuyện đi lại ăn ở, chi phí hội thảo, mở những lớp học chuyên đề, tổ chức dịch thuật sách giáo khoa, đến chuyện lập ra những tiện nghi giáo dục cho con cái, nhà ở cho những người muốn trở về hợp tác trung hạn hoặc dài hạn.

Phần lớn cá nhân những người làm công tác khoa học tại nước ngoài chỉ ở mức lương trung bình. Họ có thể rất giàu về kiến thức chuyên môn, nhiều nhiệt tình nhưng không sung túc trên mặt tài chính. Những cá nhân này thường tận dụng những chuyến đi hội thảo hoặc thăm nhà tại Việt Nam bỏ thì giờ và tiền túi tự nguyện đến các đại học và viện nghiên cứu trong nước để trao đổi chuyên môn. Hình thức này đã có từ nhiều năm qua, nhưng vì bản chất "tự nguyện" nên thường chỉ là cục bộ, ngắn hạn. Hiệu quả như cơn gió thoảng trên mặt nước hồ thu.

Từ những kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy có một sự chênh lệch về mục đích giữa chủ và khách. Phía chủ cần tiền, cần tri thức, cần sách vở, cần tài liệu nhưng có lẽ tiền là quan trọng hơn hết, trong khi khách chỉ có thể cung cấp tri thức, tài liệu trong ngành chuyên môn của mình, mặc dù những tri thức này biết sử dụng khéo léo cũng có thể là nguồn tiền của vô tận. Cho đến bây giờ, lời kêu gọi hợp tác và lợi dụng chất xám Việt Kiều chỉ là lời nói suông, không có giá trị thực tế, ngay trên bình diện giao lưu đơn giản.

Một cơ duyên đã đưa tôi đến tỉnh Bình Dương. Bình Dương đứng đầu cả nước trong việc thu hút những khoản đầu tư của các công ty nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan và Hàn Quốc. Ngoài vị thế chiến lược ở gần Sài Gòn, Bình Dương xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở và tạo nhiều điều kiện kinh doanh dễ dãi cho công ty nước ngoài. Khu công nghiệp "Vietnam Singapore Industrial Park" trên quốc lộ nối liền Sài Gòn-Bình Dương là một biểu hiện thành công của chính sách đầu tư của tỉnh Bình Dương.

Trên những hương lộ dẫn đến những huyện Tân Uyên, Tân Lương tiếp giáp với chiến khu D khi xưa, xuất hiện rất nhiều nhà máy sản xuất, phần lớn của các trung tiểu xí nghiệp Đài Loan. Nếu không có những hàng chữ Hoa và chữ Anh bên ngoài toà nhà, thì không ai biết đó là những công ty Đài Loan. Đọc được tên công ty, nhưng bảng hiệu không cho biết họ sản xuất những sản phẩm gì. Phương thức "úp úp mở mở" này có lẽ phản ảnh lối kinh doanh âm thầm không khoa trương, làm giàu trong im lặng cố hữu của người Hoa, khác hẳn kiểu "chơi nổi" của một vài doanh nhân nước ta; chưa vào "top 100" hay thậm chí "top 1000" người giàu nhất hành tinh thì đã có người mua chiếc xe hơi Maybach 62 đắt nhất thế giới đáng giá 1 triệu USD, chạy rong làm thiên hạ lác mắt cho vui! Những người Đài Loan, Hàn Quốc làm việc ở đây dễ dãi chấp nhận với nếp sống yên bình của một tỉnh lỵ. Các tiệm ăn đặc sản Đài Loan mọc lên rải rác trên quốc lộ. Thực khách ra vào dập dìu các quán "mộc tồn" hữu nghị Hàn Việt, với các món "cờ tây" làm theo khẩu vị ta lẫn khẩu vị Hàn.

Những đầu tư nhỏ đưa đến đầu tư lớn. Trong những ngày tôi ở Việt Nam, giới truyền thông đưa bản tin hàng đầu về tập đoàn Kumho sản xuất vỏ xe nhất nhì của Hàn Quốc chính thức ký kết một văn kiện làm nhà máy tại Bình Dương. Những đầu tư lớn nhỏ này đã hoàn toàn làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh Bình Dương. Những khu rừng cao su rộng lớn âm u, có một thời là một trong những nguồn sản xuất quan trọng, bây giờ được san phẳng để cung cấp mặt bằng cho những khu công nghiệp tương lai. Những thanh niên, thiếu nữ ở đây bây giờ không phải những anh nông dân hay cô thôn nữ, quanh quẩn trên những mảnh vườn cha ông để lại, chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi. Họ tìm mọi cách để nâng cao trình độ học vấn và học tiếng Anh để xin việc ở những công ty nước ngoài. Họ sẽ được trả lương khoảng 1 triệu VND/tháng (60 USD) cho lao động bình thường, 2 triệu (120 USD) cho công việc văn phòng. Số lương nhỏ nhưng đủ để giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó ở thôn quê.

Những trung tiểu xí nghiệp sản xuất những sản phẩm mang tính chất "trung tiểu" như giày dép, quần áo, đồ gia dụng, các sản phẩm chế biến từ gỗ v.v... Việt Nam mang lại cho doanh nghiệp nước ngoài một nguồn lao động rẻ. Ngược lại, tuy những xí nghiệp mang công việc cho người dân địa phương, nhưng trên đường dài phát triển không mang một ích lợi kỹ thuật nào cho nền kinh tế quốc dân. Công nghệ điện tử, tin học, y sinh học, công nghệ nano, công nghiệp sản xuất máy móc chính xác (precision machinery) là những ngành mũi nhọn tạo nên sự giàu có cho một đất nước, vẫn chưa thấy manh nha ở các khu công nghiệp này. Tất cả đầu tư nước ngoài, theo sự quan sát phiến diện của tôi, chỉ ở công nghệ "trung" đến công nghệ "thấp," bao gồm công nghệ lắp ráp.

Bình Dương không phải là nơi độc nhất có nhiều khu công nghiệp. Trên quốc lộ 1 về miền Tây đi qua tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, những khu công nghiệp lớn, nhỏ mọc lên như nấm. Thành lập khu công nghiệp có lẽ thành một cái "mốt" trên toàn quốc. Dù không phải là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi có cảm giác là các tỉnh tranh nhau thu hút đầu tư, nếu không được đầu tư nước ngoài thì đầu tư nội địa. Hệ quả là số cung nhiều hơn số cầu. Nhiều khu công nghiệp không rộng lớn nhưng đất đai thừa thãi, cả khu chỉ có lèo tèo một vài nhà máy nội địa. Cũng giống như các khu phố của người Việt hải ngoại, khi có một tiệm bán phở đắt khách thì vài tháng sau sẽ có một tiệm phở khai trương kế bên. Cứ như thế mà phát triển thì một khu phố nhỏ sẽ có năm sáu quán phở cùng thi đua thu hút số khách ăn nhất định.

Tính sáng tạo và đa dạng hoá không thấy ở những khu công nghiệp. Cần Thơ nằm ở một vị trí chiến lược trung tâm, tiếp giáp với Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, là vựa lúa Việt Nam, một khu vực với tiềm năng vô hạn trong việc khai thác tôm cá nước ngọt, hải sản, và cũng là trung tâm sản xuất hoa quả nhiệt đới toàn quốc, nhưng tôi không thấy một khu "nông công nghiệp" nào trong đó có những nhà máy cao cấp chế biến nông phẩm, đóng hộp hoa quả ngũ cốc. Được gọi là Tây Đô, nhưng Cần Thơ đã mất đi nhiều dịp để biến thành phố này trở thành một trung tâm sản xuất nông ngư nghiệp cho cả nước.

Việt Nam đang chuyển mình để hội nhập thế giới và thế giới cũng đang dang tay chấp nhận Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy. Việt Nam sẽ là một con rồng châu Á, bay lên như cá vượt vũ môn. Tuy rằng có muộn nhưng còn hơn làm thân phận con cá chép lượn lờ lửng lơ mãi trong ao! Nhưng cho đến bây giờ, con rồng Việt Nam sẽ bay được bao xa, theo phương hướng nào, vẫn là một hàm số có nhiều ẩn số. Trước những thắng lợi cục bộ, nhà nước cũng không quên nhắc nhở người dân qua những chương trình TV, radio, rằng "một lần nữa, những thành quả rực rỡ về kinh tế và ngoại giao là một bằng chứng hùng hồn khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và nhà nước". Sao chỉ có Đảng và nhà nước, còn sáng kiến nhân dân ở đâu?

Trên đường phố Sài Gòn thỉnh thoảng xuất hiện những băng rôn điện tử to đùng "Thành phố Hồ Chí Minh: thành phố của anh hùng". Vâng, theo tôi đây là thành phố của những anh hùng chạy xe ôm vài ngàn đồng cho một cuốc xe về nuôi vợ con, bất kể những buổi trưa nắng gắt hay những cơn mưa tầm tã; anh hùng là những người buôn bán nhỏ bên lề đường, ở những quán cóc bán cà phê, cơm, phở; những anh thợ hớt tóc tận tâm phục vụ khách hàng với một loạt nghiệp vụ làm đẹp, kể cả cạo mặt, lấy ráy tai với giá bèo 60 cents US; anh hùng là một đoàn quân nam phụ lão ấu bán vé số từ 7 đến 70 tuổi nhẫn nại năn nỉ khách mua ở tất cả hang cùng ngõ hẻm. Tôi cũng thấy những anh hùng nông dân "miệt vườn" thấp cổ bé miệng sinh sống dọc theo những khúc đường liên tỉnh gần quê tôi, mịt mù bụi đường những ngày nắng ráo, lầy lội bùn đất những ngày mưa. Họ phải hít thở hàng tấn bụi mỗi ngày trong 2, 3 năm qua, con cái họ phải chịu những chứng bệnh hen suyễn với một thái độ chấp nhận số phận, không một lời than vãn, trên một đoạn đường đầy hang lỗ không hơn 10 km, chỉ vì nhà nước "thiếu" tiền tu sửa. Những "anh hùng" này là giai cấp nghèo "mới" trong nền kinh tế thị trường, nơi mà sự phân cực giàu nghèo càng lúc càng gia tăng. Họ là những thành phần cốt cán làm xã hội chuyển mình, làm ăn lương thiện, chắt bót từng đồng, nhưng bị xã hội bỏ quên.

Nhìn sự phát triển của khu công nghiệp Bình Dương, qua sự tiếp xúc với những đồng nghiệp làm công tác khoa học, và nhìn vào chính sách phát triển khoa học công nghệ của nhà nước, phải nói là chưa có sự đối thoại và liên thông giữa khoa học, kinh tế, doanh nghiệp và công nghiệp sản xuất. Nếu nhà nước không có những chính sách cụ thể, "ngôn hành hợp nhất", dùng người đúng chỗ, và nếu tiềm năng chất xám Việt kiều không được sử dụng triệt để, hệ quả tất nhiên sẽ là nội lực quốc gia phát xuất từ những thành quả nghiên cứu của khoa học kỹ thuật tạo ra tiền của, vật chất chắc còn lâu lắm mới thành hình. Mãi mãi, Việt Nam chỉ là nơi tập họp của "anh hùng" xe ôm, những người mua gánh bán bưng lam lũ không biết bao giờ thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Khi đề cập đến sự phát triển và giàu có của Singapore, Lý Quang Diệu có lần trả lời báo giới Việt Nam, "Tôi không phải là người tài, nhưng tôi biết sử dụng người tài đúng chỗ".

12 March 2007
Trương Văn Tân

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #4 - 26. Mar 2007 , 04:45
 
Quote:
Tạp ghi của một chuyến trở về

---------
12 March 2007
Trương Văn Tân



Anh Lam Sơn ơi ,

My cũng post y chang bài này ở mục đọc báo  Cheesy, My mới xóa đi rồi. Cám ơn anh nhiều lắm  Wink


Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #5 - 26. Mar 2007 , 14:43
 
Đặng-Mỹ wrote on 26. Mar 2007 , 04:45:
Anh Lam Sơn ơi ,

My cũng post y chang bài này ở mục đọc báo  Cheesy, My mới xóa đi rồi. Cám ơn anh nhiều lắm  Wink


cam on chi My
Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #6 - 29. Apr 2007 , 22:08
 
Lải Nhải Đời Tôi 1959 - 1969
Lưu Nhơn Nghĩa

Cuối năm 1958, Thủ khoa Nghiã không nhận lên Đệ Tam, tôi lao đao lên Sài Gòn tìm trường tư học tiếp.  Đọc báo thấy tên trường Hoàng Vịệt ở đường Phan đình Phùng, gần nhà nhứt, tôi chưa dám đi xa, chưa quen đường, hay chạy lạc.  Ngày ngày đạp xe đạp từ đường Triệu Đà Chợ Lớn. Tôi ở nhà thân nhân bán gạo, than, dầu lửa, gạo chất tới gác.  Ở Châu Đốc thanh thản đã quen, SG xa lạ, cao sang, tôi cứ nhìn các cô để tóc đuôi ngựa, đẹp quá.  Tôi thì quần kaki xanh mốc, mồ hôi đổ ướt mình trên xe đạp, mắc cở.

Năm 1958, dân SG đã quen tên đường bằng tiếng Việt, nhớ năm trước đi trại hè, ngủ tạm trườngTiểu học Phan đình Phùng, hỏi dân xích lô máy không biết, chỉ nhớ tên đường Richaud (?).  Dân còn khá thảnh thơi, nhiều anh xích lô đạp nằm ngủ trưa hay đọc báo bên đường.   Người Pháp và ảnh hưởng văn hoá Pháp rất mạnh, các cô trường Pháp cứ tự nhiên nói tiếng Pháp ngoài phố.   Các ông còn mặc quần short trắng, aó trắng, vớ cao, ngồi ăn sáng quán Vĩnh Lợi, trên dĩa có miếng bánh mì, lát fromage, trái chuối già. Ông dùng dao cắt trái chuối thật gọn, tự nhiên, động tác rất noble. Áo dài cổ cao, vạt áo chấm gót.  Nón Tây ( nón cối ) vẫn còn.

Đường SG còn cây cao bóng mát, xe đạp rất nhiều, xe bus cũng dư cung cấp phương tiện di chuyển rẻ tiền, thấy xe ngựa còn lọc cọc trên tuyến đường Bảy Hiền, năm 1965 mới không còn. Xích lô đạp, xích lô máy rất thông dụng.   Taxi là xe Renault nhỏ, hai ngựa, màu xanh dương.  Xe gắn máy ( Mobylette, Sach, Velo Solex, Gobel, Puch ) khá nhiều dành cho công chức, học sinh ít dùng, xe Mobylette chừng hơn $6000.  Ai cũng khen đồ Tây tốt và bền nhứt, cũng như tiếng Tây hay nhứt.   Các cô mặc áo dài trắng, ẻo lả, đội nón lá, chạy Solex đẹp lắm. Xe hơi có Peugeot, Renault, Citroen, Simca, vài chiếc xe Huê Kỳ.  Hàng hóa Tây được chuộng, ảnh hưởng Mỹ chưa mạnh như sau nầy.

SG mới có phong trào Đại nhạc hội, nhạc nhớ miền Bắc rất thịnh, bảng " Nhớ về Hà Nội, Chuyến đò vỹ tuyến,...Nhạc sĩ miền Bắc chi phối nền văn học và giáo dục miền Nam.   Trường tư cũ ít, trường Nguyễn văn Khuê, Lê bá Cang... Trường tư lớn do người Bắc mở khắp SG, thêm lớp dạy thêm, học sinh đông lắm, mở trường là có học sinh, thời thanh bình, thanh niên nô nức đi học. Thời vàng son của giáo sư.

Tôi chọn ban B, hy vọng khá toán để thi lại Trung học Đệ nhứt cấp.   Bàn học chật chội, 6 đứa, lớp chừng trên 80 đứa, khỏi trả bài, khỏi điểm danh, chỉ kiểm soát học phí, khoảng $300/ tháng (?).   Lần đầu học chung với nữ sinh, sĩ số nữ sinh chừng 1/3 tổng số, có lẽ ban B, ít nữ sinh.   Nhớ Thủ Khoa Nghĩa thời tôi, sĩ số nữ sinh là 1/4. chỉ có 1 lớp A va 3 lớp nam sinh.   Nữ sinh trường tư không có đồng phục, áo dài màu đẹp lắm, hình như đẹp hơn nữ sinh Châu Đốc(?).   Học sinh gốc Bắc khá đông, toàn bộ giáo sư đều gốc Bắc.   Tôi nhớ luật sư Trần văn Tuyên dạy Pháp văn, đủ biết là lương giáo còn cao, sau nầy luật sư không ai dạy học thêm.   Thầy Nguyễn Phố, nhà văn Hư Chu dạy học còn hơi hướng nhà nho.

Lớp có ban đại diện, trưởng lớp là chị Trần khánh Tuyết, ở Châu Đốc chỉ biết già G. làm mấy năm liền.   Chị Tuyết rất hoạt động, nói tiếng Pháp rất hay. Lúc đóng kịch Molière, chị đóng vai chánh, tôi khôn hồn lựa vai phụ ngắn đóng cho qua.V Tôi chỉ quen chị duy nhứt, chị coi tôi như em.   Sau năm học, mất liên lạc tới năm 2005, tình cờ liên lạc qua email, nghe tin tôi bịnh, chị tức tốc qua Brisbane thăm tôi đầu tháng 1/2007, 45 năm, tâm sự chuyện cũ cả tuần chưa chán.   Chính chị dạy tôi chơi correspondant, bạn thư, tôi quen Kazuko, Annette Fricker..,viết thư say sưa.   Suốt năm, không thu thập gì, toán lý hoá quá kém.   May là tôi mua sách học thêm sinh ngữ.   Ở Châu Đốc lay quay bài chép trên bảng.   Ở SG nhiều thư viện và tiệm sách, được cuốn nào, tôi học ngấu nghiếng cuốn đó. Bây giờ nhớ lại thấy mình ngu, tôi học các bài toán "tủ", vô thi trật tủ thì chịu chết. Đọc được cuốn Grand Coeur ( Tâm hồn cao thượng ), Sans famille say sưa, có khi cảm động ngậm ngùi. Sau khi học thuộc lòng cuốn Les mots Anglais, tôi ôm tự điển học, rồi dành trọn buổi học thêm ở Centre Culturel Fransais gần Sở thú, rồi học thêm chương trình Anh ở trường Mỹ chung với con cháu dân ngọai quốc thường.

Năm 1960, lại rớt Trung học thêm hai keo, hết chuyện nói.   Tôi ít về Tri Tôn sống trong địa ngục gia đình có đứa con thi rớt, hàng đêm nghe chửi, rớt thì học cours luyện thi.   May mà gặp trường tư thục Hàn Thuyên có Đệ nhị ban C, ban C khó đậu, học sinh quá ít, mở lớp không có lời, sau năm đó trường dẹp ban C, hú viá.   Giáo sư dạy cho có, giảng lang bang. Ông Nguyễn D D, có tiếng là nhà văn, không tốt nghiệp Đại học nào, vào ngâm thơ Hàn mặc Tử, dạy không hết chương trình.   Giáo sư Sử Địa cũng tà tà, không biết chương trình theo, miễn học sinh vui, không phá phách là được.   Giáo sư Pháp văn thì cà kê chuyện cá nhân mình.   Mỗi năm thi hai kỳ cho có, lúc vào thi thật thì phú thác cho trời.   Giám khảo chấm thì hà tiện điểm, vào oral thì được dịp mắng thí sinh để tỏ uy quyền. Chỉ có ban A, B, trúng toán lý hoá là xong. Năm đó cả lớp tôi đậu Tú Tài đúng ba đứa. Thời đó, miễn còn đi học là còn hoãn dịch. Tránh được toán lý hoá là yên thân, tôi không trông cậy giáo sư trường, chỉ chuyên lo học thêm, tới đâu hay tới đó. Những bài toán lý hoá không còn ám ảnh. Ban C thi chỉ có bốn môn viết, Việt, Anh, Pháp, Sử Địa.Tôi tìm an vui trong những lá thư ngoại quốc, ước mơ lãng mạn.

Năm 1961, xách gói lo thi thêm kỳ thi Trung học đã bỏ oral, hy vọng tìm được niềm vui, bớt áp lực gia đình chòm xóm. Năm thứ ba, nghĩa là lần thứ năm lại rớt. Tôi không về quê, viện lý do thi Tú Tài. Lại chuẩn bị hồ sơ thi Trung học kỳ hai, lần thứ sáu, hết đường vô Quốc gia Sư phạm, thất thần như chết chưa chôn, mặt ngơ ngơ ngáo ngáo. Đang ngồi ăn cơm, ông già tôi ở quê lên, hầm hầm, trước mặt mọi người, " Mặt gà mở cửa mả, sao không nhào vô xe lửa chết đi ".   Nghe chửi đã quen, mà tôi có biết xe lửa chạy đường nào mà tự tử. Ổng nói với bà già tôi, " Tao xài nó trước mặt thằng H. con H. cho nó nhục. " Tôi chịu nhục đã quen suốt ba năm, vết thương bây giờ còn hằng trong đầu, không cách gì xoá được.   Về An Giang nộp đơn xong trở lên SG thì có kết quả Tú Tài, vậy là không cần bằng Trung học, tôi cũng có về thi cho vừa lòng nhà, tôi không theo dõi kết qủa vì biết chắc là rớt.

Năm đó, cả SG chỉ có bốn trường có Đệ Nhứt C, Gia Long, Petrus Ký, Chu văn An, Trưng Vương. Trường tư không đủ học sinh, may là Hồ ngọc Cẩn Gia Định có ban C, dành cho dân lục tỉnh lên, hình như năm sau lại dẹp. Lớp không có nữ sinh, 2/3 học sinh gốc Bắc. Thi viết có ba môn, Triết, Anh, Pháp, oral cũng có môn Triết Anh Pháp, ba môn nầy đủ dập toán lý hoá vạn vật. Năm nầy vui vì không bị áp lực toán lý hoá, ít thấy đứa nào lo lắng thi cử, thế nào cũng đậu. Thầy Huỳnh Hoà, giáo sư Pháp văn lớp tôi lại là Chánh chủ khảo của Trung tâm duy nhứt ở trường Gia Long. Bọn tôi hầu hết vào Văn khoa, Sư phạm và Hành chánh, một số du học. Hơn nửa lớp ở Mỹ. Vài bản nhạc thịnh hành," Tiếng hát Mường luông, Kiếp nghèo, Em ơi nếu mộng không thành thì sao.."

Thời thế bắt đầu thay đổi, cuộc sống vội vả hơn, xe gắn máy nhiều hơn, bắt đầu thành nhu cầu. Xe bus bị dẹp. Xe gắn máy khan hiếm, command lâu, phải quen biết. Giá xe tăng khá nhiều. Không khí chánh trị ngột ngạt, rất sợ mật vụ. Anh em chỉ chơi với bạn học cũ từ Trung học lên, thấy người lạ là lã vã nói chuyện khác. Nữ sinh viên rất ít, hình như héo hắt, vài đứa chương trình Pháp còn khá tươi tắn. Sinh viên gốc Bắc nhiều hơn.   Tôi gặp lại thầy học Hồ ngọc Cẩn ghi danh học chung. Đi đâu cũng nghe than phiền bà Ngô đình Nhu, con bà là Lệ Thủy không hiểu sao ghi danh học Văn khoa, mật vụ vào giử an ninh và chổ ngồi cho cô. Trường cách dinh Gia Long con đường, dinh được rào kẻm gai . Tôi ghi danh học Dự bị Anh, khi lên chứng chỉ, tôi đổi qua Việt Hán dễ đậu và dễ học vì tôi gốc Hoa.

Rạp hát Đại Nam có máy lạnh đầu tiên, rồi dần dần nhiều rạp hát quanh khu quận Nhứt có máy lạnh. Công chức hay vào xem buổi trưa tránh nóng. Đây là một hiện tượng, lần đầu ngồi phòng lạnh sướng lắm. Thông thường, chỉ có quạt máy, nóng bức, khán giả đã quen chịu nóng. Nhiều rạp bình dân, chiếu hai phim, permanent, xem đi xem lại suốt ngày cũng được. Phim nói tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ, dù là phim Cowboy. Rạp Long Phụng chiếu phim Ấn Độ thường xuyên, nhiều khán giả ghiền nhạc Ấn Độ du dương. Phim VN biến đâu hết. Lúc còn ở Châu Đốc, có một loạt phim VN, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nuơng, Quan Âm Thị Kính, Ngưu Lang Chức Nữ. Hồi đó Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng còn trẻ đẹp lắm. Trước khi bắt đầu, khán giả phải đứng lên chào cờ, sau đó là bài " Suy tôn Ngô Tổng thống " ( sau tháng 11/1963 thì không còn bài suy tôn. ) Chợ Lớn thì tuồng Tàu, hát tiếng Quảng tôi không nghe được Đại nhạc hội càng phổ thông, Trần văn Trạch, Tùng Lâm, Vân Hùng, Thanh Thuý,Tuý Phượng..,thấy quảng cáo ở rạp Thanh Bình. Đài phát thanh, chưa có TV, ban Thăng Long và ban kịch Dân Nam phổ thông nhứt. Khán giả đông, cải lương thịnh hành, dù là gánh Kim Chung, Bắc di cư. Thời cuả Thanh Nga, Thành Được, Út trà Ôn.

SG thanh bình khá lâu, từ 1954, ngưng chiến. Tháng 11/61, nghe tin đão chánh, dân chúng sợ, ùn ùn mua gạo, than, nước mắm, dầu lửa dự trử. Tiệm mấy cậu tôi ở đường Triệu Đà và Lê văn Duyệt bán lên giá, hễ có tin gì bất an, dân SG mua thực phẩm. Than củi có thời khan hiếm, chưa xài điện, nhà nghèo xài củi. Than đước Cà mau, than sầm, than tạp. Tôi nhớ có chở bán tạ than cho nhà người Pháp ở villa sang trọng đường Hồ xuân Hương. Mỗi lần có tin đồn về biến cố nào đó, tiệm than gạo bán không kịp. Tủ lạnh chưa phổ thông. Sau đó, có hai chiếc phi cơ ném bom dinh Độc Lập, than gạo lại lên giá.

Cố vấn Mỹ khá nhiều ở SG, năm 1961 đã vô Tri Tôn cất đồn Châu Lăng, khuynh hướng học tiếng Anh phát triển mau, Hội Việt Mỹ rất đông học viên. Các cơ quan Mỹ tuyển mộ nhân viên, thấy người bạn học mặc đầm phấn son, đứng trong đám đông chờ trước cơ sở Mỹ, tôi thấy bất ổn, lo lo.

Chắc người già còn nhớ và than phiền bộ luật Gia đình của bà Nhu, cấm ly dị. Dân biểu Trần tấn Phát Châu Đốc hay ghé nhà chơi, hơi túng, phải nuôi hai vợ, hỏi sao không nghe ông tuyên bố gì, ông thú nhận, "Trời ơi, nó bôi tên tôi rồi sao ?" Mỗi lần lễ lớn, SG tràn ngập bộ đồng phục xanh dương của Thanh niên Cộng Hoà của ông Nhu và Thanh nữ Cộng Hoà cuả bà Nhu.

Bắt đầu kiểm tra trưng binh, ngoài thẻ căn cước, thanh niên phải có thêm giấy "Tình trạng hợp lệ quân dịch và thẻ cử tri đi bầu. Xin giấy chứng chỉ nầy không phải dễ, chầu chực ở bến Chuơng Dương, sắp hàng dài, nộp hồ sơ, đủ thứ giấy tờ, giấy về trể, đi đường dễ bị Cảnh sát hốt vì giấy cũ hết hạn,. Ngày nay, người ta không cảm được cái sợ sệt về giấy tờ. Trước 1/11/63, đão chánh ông Diệm, nghe lịnh " Giới nghiêm trên toàn lãnh thổ VN ", nghe rợn người, đi đâu cũng như mật vụ theo dõi, bọn tôi ít liên lạc nhau, sợ sợ. Ngày nay chúng ta quên cảm giác đó trong xã hội thanh bình là điều phước.

Nhớ năm còn ở New Zealand, tối thứ bảy hay có party ở Đại học, bọn nó chơi tới sáng. Độ gần 11 giờ đêm, bọn tôi bồn chồn muốn về, dù biết không có giới nghiêm. Trong những năm Philippine khủng hoảng Tổng thống Marcos, ra đường giờ giới nghiêm chết như chơi. Nhóm ca sĩ Phi đến Chrischurch NZ tham dự trình diễn South Pacific Contest. Mấy anh ca sĩ Phi lần đầu xuất ngọai, đứng thập thò trước cửa hotel, nôn nóng thèm đi chơi cho biết Chrischurch về đêm. Họ chờ cảnh sát hỏi, " Mấy giờ chúng tôi phải về hotel ?", lập đi lập lại nhiều lần mà mấy anh Cảnh sát NZ không hiểu ý câu hỏi." Việc gì ông hỏi tôi ?" Ông trưởng đoàn Phi phải mất thì giờ giảng nghiã chữ " curfew ", cho ví dụ ở Phi, nếu đi quá giờ giới nghiêm thì bị bắn. Anh Cảnh sát NZ cười xòa, chữ curfew nó chỉ là ngôn ngữ thời Trung cổ, quả là anh ta quên từ ngữ nầy, " Cám ơn ông dạy tôi chữ curfew, ở NZ không có giới nghiêm, ông đi về giờ nào mặc ông." Người Phi dạy Anh ngữ cho người Anh, kể thật lý thú.

Sau cuộc đão chánh 11/63, không khí nhẹ thở hơn. Sinh viên hoạt động rầm rộ, hội thảo, biểu tình chống trung lập của De Gaule Pháp, rồi Nguyễn Khánh đão chánh, than, gạo lên giá, lên thì khó xuống.Tổng hội Sinh viên được bầu lên, các lãnh tụ hầu hết gốc Bắc và Trung. Tôi cũng chạy theo đuôi cho vui, thường họat động ở các Cô nhi viện, tránh chánh trị.

Mỹ đổ quân vào, nhân viên cơ sở Mỹ nhiều quyền lợi hơn, quân nhân Mỹ đi đầy đường, xích lô đạp, xích lô máy, taxi làm ăn lên, không rước khách VN, báo chí lên tiếng nhưng không thay đổi gì được. Hệ thống xe bus đã dẹp, phương tiện di chuyển là xe gắn máy, các tiệm buôn xe giấu hàng để bán chợ đen. Xe Mobilette xanh đã có từ 1961. Vật giá bắt đầu leo thang dần dần, công chức hạng thấp bắt đầu thấy khó khăn.

Khoảng năm 1965, đợt Honda dame 50cc đầu tiên nhập cảng cho quân nhân, xe rất đẹp so với xe Pháp.Tin đồn là hàng Nhựt không bền, sẽ bán kí lô như thời thế chiến, giá xe Honda xuống giá thê thảm vài tháng đầu, ai bán được thì bán, bán không được thì để xài tạm, xe vẫn chưa có vấn đề .Chừng năm sau, Honda đàn ông và Suzuki, Yamaha, thêm radio cassette ào ạt chiếm thị trường VN, thay thế hoàn toàn hàng hoá và lối suy nghĩ thời thuôc địa, nghiã là hàng Pháp chưa hẵn tốt nhứt thế giới. Lúc thi vào Đệ Thất, rất ít học sinh chọn Pháp văm làm sinh ngữ một, cứ 4 lớp Anh văn mới có một lớp Pháp văn. Ngày nay, Pháp văn không còn trong chương trình Trung học, thời đã qua, thế hệ trường Tây thuộc địa đã già, ở các trường Đại học, uy thế nằm trong tay mấy ông cố vấn Mỹ.

Sau năm 1963, văn học nghệ thuật còn trong vòng ảnh hưởng bắc, tuy những bài hát nhớ đất Bắc không còn nghe hát thường xuyên trên đài SG như trước, khuynh hướng nhạc chuyển sang tình yêu, rồi nhạc mới của lính. Sinh viên gốc Bắc bị Nam hóa dần, nói giọng Bắc lai Nam, số sinh viên Nam tăng dần, hiểu và thân nhau hơn. Cuốn " Hương rừng Cà mau " làm sinh khí văn chương miền Nam bừng dậy, tác phẩm nầy được đón nhận nồng nhiệt, Sơn Nam nổi tiếng từ đó.Trước đó có nhà văn Bình nguyên Lộc, nhưng còn chìm ít ai biết. Các nhà văn gốc bắc thường viết quanh đề tài SG.

" Honda ôm " xuất hiện năm nào ?, chắc phải sau khi nhập cảng đợt xe Nhựt, khoảng năm 1967. Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm. Hình như giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đở lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo bảo vệ nhau, tiền chia chát sau đó . Lần đầu tiên, nhóm xe Taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi. Lúc đó tương đối còn sống được, sau nầy đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp công an chìm cũng chạy xe ôm. Rỏ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á Châu, chổ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn nầy. Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng chạy suốt từ SG ra Vũng Tàu không nằm đường. Xe Pháp như Mobilette, Sach, Puch chạy không nỗi, yên xe nhỏ, chông chênh. Năm 1970, chiếc Honda cũ chừng $70 000. Tôi mua chiếc xe Puch $25 000., thay đồ lô, gảy căm, nổ vỏ, đứt thắng, đứt dây số đều đều. Chủ là ông Đặng đình Đáng đầu cơ sai, giấu cả kho xe chờ lên giá bán cắt cổ. Trước đó chiếc xe Puch ba đèn trên $50 000, chưa dễ mua được. Ông sập tiệm, để họa cho ai mua xe ông. Tôi chỉ chạy đi học, chạy thêm năm đi làm, chiếc xe lết như rùa, sửa rồi cũng vậy. Ở Thái Lan cũng có xe hai bánh chở khách, không biết nước nào có trước.

Khi quân đội Mỹ đổ vào VN, bar mọc lên theo nhu cầu chung quanh khu Mỹ đóng. Dân liên hệ đến Mỹ kiếm tiền dễ dàng nên họ xài rộng rãi, hàng hoá Mỹ mua đi bán lại, đổi dollars, rác Mỹ cũng phải thầu..Luơng công chức VN không theo kịp thời giá, lóp ngóp. Họ nuôi gà trong nhà lấy trứng bán, tạm ổn ngắn hạn.

Khoảng năm 1969, có phong trào nuôi chim cúc rầm rộ khắp SG. Cơn sốt chim cúc lạ lùng, giá lên hàng ngày, tin đồn lang ra. Trước đó, trong báo Hương Quê, báo Nông nghiệp viết về cái lợi nuôi cúc, chất dinh dưỡng của trứng cúc...Chủ cái ở đâu không biết, tung chim cúc ra bán, rồi cho người đi mua với giá cao hơn, lại cho người khác mang ra bán với giá cao hơn nữa, cứ thế tiếp tục. Khi giá hết lên, cặp cúc dám lên $16 000, ( hơn 2 tháng lương giáo sư Đệ nhị cấp ) họ bán ra hết và không mua lại. Người nuôi cúc chờ kẻ mua ngày nầy qua ngày nọ, bầy cúc vô dụng, sạt nghiệp, có người biết ngưng đúng lúc thì có lời. Lúc đó, công chức bị mắc lừa nhiều nhứt. Tôi tự hỏi, gia đình công chức muốn ăn con gà $700 còn ngại ngùng, mâm cơm công chức đông con, cơm và rau muống làm chuẩn, chim cúc dù bổ như sâm cũng không mắc tới vậy. Mấy ông Kinh tế gia, Tiến sĩ báo chí đâu đâu không đặt vấn đề, lên tiếng giải thích đúng lúc cho bà con nghèo nhờ. Mấy ông có chia chát vụ nầy không?

Khi Việt Nam hoá chiến tranh, quân đội và nhân viên Mỹ rút đi, giới bán bar quen xài hào phóng bị thất nghiệp ngang, việc làm không dễ tìm, họ xoay sang nghề beer ôm, họ uống và dụ cho khách uống càng nhiều càng tốt, ăn tiền huê hồng chủ, nghề không cần vốn, chủ cũng khỏi trả tiền mướn các cô, độc lập. Tôi chưa được thưởng thức thú beer ôm, không phải tôi tốt, vì chưa tới giờ. Thời đi học, lo quân dịch, đi làm , lo kiếm tiền và học bỗng. Thường đêm, sau giờ dạy kèm hay học thêm, tôi chỉ ghé khu Ngả Bảy Phan thanh Giản ăn tối. Đêm nào cũng như đêm nào, tô phở xe đẩy, khúc bánh mì fromage và ly sinh tố. Cô bán sinh tố, da trắng, đoan trang, chưa bao giờ thấy cô đùa cợt. Nét mặt vui nhưng không lơi lã, đóa hoa huệ cao sang sao xuất hiện nơi tầm thường vất vả nầy?. Hai người đã quen mặt nhau, xa thấy nhớ. Đêm mưa tầm tã, cô đậy xe sinh tố, ngồi trên ghế, dựa hiên trường Phan sào Nam, hai đứa nhìn mưa. Hai tâm sự khác nhau. Tôi vừa ở Goethe Institut ra, lão Dr Hol lười như quỷ. Lão dạy chưa giảng hết bài thơ Heidenroeslein ( hoa hồng trong đầm lầy ), thì có điện thoại, lão biến mất luôn cả buổi học. Tôi nao lòng nhớ mấy câu thơ, Sah ein knabe ein Roeslein steln, Roeslein aưf der Heiden . War so jung und morgenschoen,..Anh là thằng bé thấy hoa hồng nhỏ trong đầm lầy, tươi đẹp như buổi sáng , Em là đoá hoa hồng nhỏ. Tình yêu là đoá hoa hồng nhỏ có gai trên đầm lầy, thằng bé say tình bị gai hồng đâm. Mưa vẫn rai rức, không ai rời nhau được, mong cho mưa suốt đêm. Sáng đó tôi nhận giấy nhập ngũ. Chợt em nhìn tôi ngập ngừng , " hôm nay chạy khá không anh ?".,tôi giống anh Honda ôm, vậy là qúy hơn. Cả năm sau, mặc quân phục về thăm, mắt em sáng lên, bất giác đỏ mặt, " Anh bỏ...đi lâu quá vậy?. Quên xay cho anh ly sinh tố , có nhớ anh thích mùi gì không, Tuyết?

Cùng lúc, chiến tranh khốc liệt sau Mậu thân, nhạc Trịnh công Sơn đáp đúng nhu cầu chán chiến tranh, quán cà phê mọc lên. Chỉ cần dàn âm thanh, căn phòng trong hẽm cũng không sao. Thanh niên vào ngồi quán nghe nhạc uống cà phê quên đời, cho đời quên họ.

Brisbane, ngày 15/1/2007 

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Chữ với Nghĩa.  Chán thật
Reply #7 - 06. May 2007 , 07:57
 
30 tháng 4 rục rịch đến thêm lần thứ 32 với người Việt hải ngọai.  Ba mươi hai năm khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.  Ba mươi hai năm của ly tán bên này bên kia đại dương.  Ba mươi hai năm của tiếng Việt biến thiên nhọc nhằn.  Ba mươi hai năm tôi góp ít dòng về tiếng Việt bên ni, bên nớ.

Giải phóng mặt bằng: cái này tôi chỉ mường tượng được ý nghĩa thôi, không chắc là đúng.  Có thể là san bằng chăng?  Mặt bằng là thế nào, mà mặt không bằng nó ra làm sao ?  Trong tóan học ta có mặt phẳng.  Thế thì mặt bằng có khác với mặt phẳng không.  Mà nhóm chữ “giải phóng mặt bằng” thường hay xuất hiện trên báo chí bên VN liên quan đến đất đai, nhà cửa.  Cho nên tôi đóan chừng là họ nói về căn nhà, một đơn vị diện tích nào đó.  Sở dĩ đóan như thế vì cũng có nhóm chữ “thuê mặt bằng” trên báo chí bên ấy.  

Nhưng sao lại phải “giải phóng” nhỉ ?  Hóa ra là cái nhà, cái lô đất ấy nó bị áp bức, bị đô hộ à ?  Mà ai bóc lột nó, ai bóp hầu bóp cổ nó cơ chứ ?  Rồi nó có kêu cứu, có làm đơn thưa kiện gì không để được “giải phóng” ?  Một mớ câu hỏi như thế chẳng tìm ra câu trả lời thỏa đáng nào cả.
Nếu phải nói theo cái lối tiếng Việt miền Nam trước 1975 thì phải nói thế nào ?  San bằng khu nhà, lô đất thay cho “giải phóng mặt bằng” được không thưa quý cụ ?  
Nếu “giải phóng mặt bằng” mà dịch sang tiếng Anh theo cái kiểu word by word thì nó thành ra “liberation of platform” hay “platform liberation”.  Dịch lối nào nó cũng ngô nghê.  Có lẽ tôi dốt thật quý cụ ạ.  “Demolish the property” có cụ bảo là cũng tàm tạm.  Chả biết nghe ai bây giờ.  

Phi vụ:  báo chí bên ấy bây giờ tường thuật những vụ làm ăn phi pháp thường dùng chữ 2 chữ “phi vụ”.  Chữ “phi” trong trường hợp này không thể bảo rằng là dùng thay cho “phi pháp” được.  Nhảm lắm !  “Phi” là “không có” (như “phi thương bất phú” – không buôn bán không giàu được”) hoặc là “bay” (như phi cơ – máy bay).  Ngày xưa trước 75, ta dùng “phi vụ” để chỉ chuyến bay như thường thấy trong các bản tin chiến sự.  Người Việt hải ngọai vẫn dùng như vậy.  Nhưng đã có một số nhỏ báo chí bên này thỉnh thỏang cũng dùng “phi vụ” theo nghĩa là ăn phi pháp như báo chí bên nhà.  Một vài con sâu đã và đang bò vào tô canh hải ngọai rồi đấy.

Sự cố kỹ thuật: cái này ngày xưa đài truyền hình VN gọi là “trục trặc kỹ thuật” mỗi khi đang “anh tiền tuyến, em hậu phương” tự dưng lại xuất hiện một cái hình cánh quạt với đầu ông mọi da đỏ.  Và cái tiếng è è cà chớn.  “Trục trặc” nghe nó có phải VN không.  “Sự cố” nghe nó ra “nàm thao” ấy !  Tôi đóan nó là tiếng Tàu.  Nhưng lại dốt tiếng Tàu nên không hiểu rõ.  
Ở Mẽo này nó gọi là “tếch ních cồ đíb phi quyn ti”.  Phải không thưa quý cụ ?

Xịn:  ngày xưa phe ta gọi là “số dzách”, “thượng hạng”.  Nguyên ngữ chợ trời Hùynh Thúc Kháng nó là “ô ri din”.  
   Mẽo trắng, mẽo đen, mẽo vàng, mẽo nâu có một lô tiếng.  Nào là “hot”, “top of the line”, “the best”.  Gì nữa nhỉ ?

Chảnh:  Cái này thường xuyên xuất hiện trên các blog của đám choi choi.  Bà bán tạp hóa, anh đạp xích-lô trong ngõ trước 75 vẫn phang khách hàng khó tính bằng câu: “Xí, nghèo mà làm phách, làm tàng !”  Thú thật, chữ “Chảnh” này tôi không biết đã từ đâu ra nhưng coi mòi cũng đã bắt đầu len lỏi vào cái cộng đồng VN ta bên này rồi.

Con dế, con Dylan:  Hỏi ra mới biết các ông thợ viết VN bên nhà đang nói tới cái điện thọai di động và cái xe gắn máy Dylan.  Có tay còn gọi cell phone là “con a-lô” nữa mới là tức cừơi.  Nếu cứ cái kiểu này thì một ngày u ám nào đó ta sẽ có hàng lọat “con nhà”, “con xe”, “con gọi là …”, vân vân và vân vân

Máy vi tính:  phe ta ngày xưa gọi là “điện tóan”.  Cái này nằm vào trong mục thuật ngữ khoa học nên khó phán xét.  Trước năm 75, chỉ có hai chữ tương đối thông dụng cho dân trong ngành ở VN là “computer” hoặc “computing”.  Ta quen gọi “computer” là máy điện tóan.  Ngày nay hai chữ “micro computer” dù đã xuất hiện từ cả hơn 20 năm rồi nhưng người Mỹ chỉ gọi tắt là “computer”.  Nếu là máy cá nhân thì gọi là “PC”, “desktop”, “laptop”.

Phần mềm:  thằng bạn thân VN ra trường giữa thập niên 80 bên California đã tự diễu mình bắng cách tự gọi là “kỹ sư phần mềm”.  Đầu óc đương nhiên là méo mó rồi.  “Software” bên này ta gọi là “nhu liệu điện tóan”.  Các ông bên VN nghĩ rằng phải có mùi nước mắm cho nó “độc lập” nên gọi là “phần mềm”.  Vậy thì hardware các ông bên ấy gọi rằng chi ?  “Phần cứng” chăng ?  Điệu này thằng bạn Cali chắc phải vào trường học tiếp rối.  “Liền ông” đi với “kỹ sư phần cứng” nó mới hách xì xằng chứ phải không các cụ ?  “Kỹ sư phần mềm” nghe chán mớ đời.

Triển khai và Giản đơn:  chỉ ngược lại với cách dung chữ của miền Nam trước 75.  Ấy, cái gì các ông ấy không đẻ ra được thì các ông ấy cho lộn đầu chơi hay trộn thập cẩm cho nó khác người.  Nhất định là không thể giống cái “bọn Ngụy”.  Nhờ thế mới có các thứ như “lính thủy đánh bộ”, “tên lửa”, “máy bay lên thẳng”, “nhà đẻ Từ Dũ”.

Nhưng ngọan mục nhất vẫn là 4 chữ “Học Tập Cải Tạo”.  Nghe hiền khô à.  Bởi vậy hệ thống giáo dục này đã đào tạo ra không biết bao nhiêu cao học và tiến sĩ.  7 năm đến 18 năm thì không cao học mí lị tiến sĩ thì là cái gì ?  Dốt lắm thì cái anh thiếu úy rằn ri nhà ta cũng chớp được cái cán sự của trường đại học Suối Máu, Hà Nam Ninh, Bù Gia Mập, Chí Hòa…  Ông Phan Nhật Nam phe ta chắc phải có đến 2, 3 cái “Ph.D”.  Ông ấy mới có đại úy thôi nghe quý cụ !  Mà ông ấy cặm cụi đèn sách dưới mái trường cải tạo những 14 năm, trong đó có ít năm kiên giam vì cái tội bướng.  Có một điều ngộ nghĩnh là chẳng có ông nào tốt nghiệp từ các trường cải tạo mà đầu óc lại bị gột rửa được.  Trái lại nhiều ông còn trở nên khéo tay hơn lúc còn làm quan to súng ngắn ngày trước.  Các ông mang về cho mẹ, cho vợ, cho con nào lược chải đầu, kẹp tóc, trâm cài đầu, chuỗi tràng hạt bằng các thứ vật liệu quẩn quanh trong tù.  Và y như rằng 10 ông thì 9 ông lo dọt ngay hoặc ra đi trong các chương trình HO.  Chả thèm nhớ đến nền giáo dục XHCN cùng sự khoan hồng của “Bác” mí lỵ “Đảng”.  Uổng công “Bác” thiệt !

Chữ với Nghĩa.  Chán thật !
Back to top
« Last Edit: 06. May 2007 , 07:58 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Tại sao phải Hoà-Giải
Reply #8 - 06. May 2007 , 11:09
 
TinParis . Lý chánh Trung là một  người CS nằm vùng trong GH Thiên chúa Giáo. Xin quý vị đừng cho y là một người  theo đạo Thiên Chúa nhưng đường lối Dân Tộc.Khi dùng chữ sai, ý nghĩa có khác. Chúng ta nên nhớ điều đó. Chính ngay Gs Nguyễn ngọc Huy, lúc đó còn không biết LCT là ai , nên mới tham dự cuọc Hội Thảo nầy.

Trong cuộc hội-thảo về vấn-đề Hoà-Giải Dân-Tộc do Hội PAX ROMANA tổ-chức tại Nhà Thờ Tân-Định ngày 21-4-1974,Giáo-Sư Lý Chánh Trung,với tư-cách thuyết-trình-viên trong cuộc hội-thảo đã đặt ra ba câu hỏi:
1. Tại sao phải Hoà-Giải?
2. Hoà-giải với ai?
3. Làm thế nào để đi đến Hoà-Giải?
Vì thì giờ dành cho mỗi tham-luận-viên quá ngắn,mỗi người chỉ phát-biểu có 8 phút,nên Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy đã dùng trọn phần thời-gian này để trả lời câu hỏi thứ ba,câu quan-trọng hơn hết.Sau đây là nguyên-văn phần tham-luận của Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy.
                                    *****

 Chúng tôi chỉ xin đóng góp ý-kiến về câu hỏi thứ ba mà Giáo-Sư Lý Chánh Trung đặt ra là "Làm cách nào để đi đến sự Hoà-Giải?" vì những lý-do sau đây:

1.Về hai câu hỏi trên,là "Tại sao phải hoà-giải?" và "Hoà-giải với ai?" chắc là không có sự khác-biệt bao nhiêu giữa những người tham-dự cuộc hội-thảo này.
2.Câu hỏi thứ ba là câu hỏi quan-trọng và thiết-yếu hơn hết nên chúng tôi xin để phần thì giờ dành cho tham-luận-viên vào việc khai-triển câu trả lời cho đầy đủ.
 
Chúng tôi nghĩ rằng muốn trả lời câu hỏi thứ ba này,trước hết,chúng ta phải tìm xem những trở-lực cho sự hoà-giải ở chỗ nào.Có thấy những trở -lực đó rồi,chúng ta mới có thể tìm cách phá tan nó để thực-hiện sự hoà-giải được.
 Trái với quan-niệm của một số người,chúng tôi nghĩ rằng hiện nay,trở-lực đó không phải do các cường-quốc đã và đang can-thiệp vào vấn-đề Việt-Nam mà ra.Giữa Huê-Kỳ với Nga-Sô và giữa Huê-Kỳ với Trung-Cộng,đang có xu-hướng hoà-giải và việc vãn-hồi hoà-bình ở Đông Dương nằm trong khuôn-khổ của sự hoà-giải đó.Trong thực-tế,các cường-quốc nói trên đây đã phải giảm bớt rất nhiều việc cung-cấp võ-khí và đạn dược cho các phe lâm-chiến trong vùng này.
 Vậy,trở-lực chính cho sự hoà-giải hiện ở phiá người Việt-Nam chúng ta nhiều hơn.
                                               
 Xét tình-thế các nước bị chia đôi,phân nửa nằm trong tay cộng-sản,phân nửa nằm trong tay những người không Cộng-sản,chúng ta có thể nhận thấy rằng chiến-tranh giữa hai bên do phe cộng-sản gây ra chớ không phải do phe không cộng-sản và phe cộng-sản chỉ gây chiến khi họ thấy rằng họ mạnh hơn phe không cộng-sản.
 Ở nước Đức,phe cộng-sản yếu hơn phe không cộng-sản nên hai bên đã sống yên-ổn với nhau cho đến ngày nay.
 Ở Triều-Tiên,lúc đầu phe cộng-sản  ở Bắc Hàn mạnh hơn nên mở trận chiến-tranh xâm-lăng Nam Hàn.Đến khi bị đẩy lui về phiá bắc vĩ-tuyến 38 và thấy Nam Hàn có lực-lương tương-đương với mình,họ mới để cho Nam Hàn yên.
 Ở Việt -Nam,cộng-sản Bắc Việt cũng cho rằng họ mạnh hơn phe không Cộng-sản.Bởi đó,họ cố gắng tranh-đoạt chánh-quyền Miền Nam Việt Nam bằng cách tổ- chức Mặt Trận Giảithanks.gifhóng,và sau này,còn mang cả quân-lực của họ từ Miền Bắc đánh vào Miền Nam Việt Nam..
 Việc ký-kết Hiệp-Định Paris chưa chấm dứt chủ-trương thôn-tính Miền Nam Việt Nam của họ,vì họ nghĩ rằng sau khi Huê-Kỳ rút quân,cán cân lực-lượng quân-sự đã nghiêng về phiá họ.Bởi đó,họ vẫn còn cho xâm-nhập vào Miền Nam Việt Nam rất nhiều cán-binh và võ-khí để tiếp-tục cuộc chiến-tranh.
 Với mấy trăm ngàn binh sĩ và một số luơng võ-khí đủ để đánh lớn trong mấy tháng ở Miền Nam Việt Nam,cộng-sản Bắc Việt có thể mở cuộc tấn-công qui-mô như hồi Tết Mậu Thân hay hồi năm 1972.
 Người không cộng-sản ở Miền Nam Việt-Nam không thể nào chấp-nhận sự hoà-giải nếu Bắc Việt còn duy-trì một áp-lực quân-sự thường-trực và lớn như hiện nay.Bởi đó,việc rút quân Bắc Việt ra khỏi Miền Nam Việt-Nam là điều tất-yếu cho sự hoà-giải.
 Nhung nếu Bắc Việt rút quân thì Mặt Trận Giảithanks.gifhóng sẽ còn quá yếu và lo sợ người không cộng-sản sẽ lấn ép và tiêu-diệt họ nên phiá cộng-sản,nếu có chịu rút quân đi nữa,thì cũng chỉ chịu rút khi nào họ tin chắc rằng sau đó,Mặt Trận Giảithanks.gifhóng sẽ còn tồn-tại trên chánh-trường Miền Nam Việt-Nam.

Vậy,điều-kiện tất-yếu để có sự hoà-giải là:

1. Phiá người không cộng-sản phải mạnh để cộng-sản hết hy-vọng thôn-tính được Miền Nam Việt-Nam bằng võ-lực và chấp-nhận rút quân Bắc-Việt về Miền Bắc.
2. Mặt khác,phiá người không cộng-sản phải chấp-nhận một chế-độ dân-chủ tự-do và cởi mở để Mặt Trận Giảithanks.gifhóng có thể sống yên-ổn trong chánh-trường Miền Nam Việt Nam mà không sợ bị thanh-toán.
 
Muốn đóng góp vào việc thực-hiện sự hoà-giải dân-tộc,chúng ta cần phải tạo những điều-kiện cần-thiết trên dây cho sự hoà-giải đó.Nhưng chúng ta phải làm việc gì trước?
 Hiện nay,một số người chủ-trương hòa-giải đã đặt trọng-tâm vào việc làm áp-lực với chánh-phủ Việt-Nam Cộng-Hoà để đòi-hỏi chánh-phủ Việt-Nam Cộng-Hoà phải nhượng-bộ trước những đòi hỏi của cộng-sản.Chúng tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm chiến-thuật tai-hại vì những lý-do sau đây:
1°)Những người làm như vậy rất dễ bị những người cầm quyền ở Miền Nam Việt-Nam cho là về cánh với cộng-sản,dọn đường cho cộng-sản chiếm Miền Nam Việt-Nam,và chống-báng lại mạnh mẽ.Điều này làm cho phe không cộng-sản ở Miền Nam phân-hoá và yếu sức.Trong tình-thế đó,Cộng-Sản lại càng nhiều hy-vọng chiến-thắng và càng kiên-trì hơn trong ý-định thôn-tính Miền Nam Việt-Nam,chớ không thật-tâm hòa-giải.
2°) Xét cơ-cấu tổ-chức và tình-thế về mọi phương-diện của hai phe cộng-sản và không cộng-sản thì việc làm cho phe không cộng-sản nhượng-bộ tương-đối dễ-dàng hơn việc làm cho phe cộng-sản nhượng-bộ.Khi phe cộng-sản đã thực-sự chấp-nhận hoà-giải rồi thì phe không cộng-sản không thể cưỡng lại áp-lực của nhơn-dân và thế-giới mà từ-khước giải-pháp hòa-giải được.Trái lại,dầu cho phe không cộng-sản đã chấp-nhận sự hòa-giải rồi,chưa chắc ai đã ép được phe cộng-sản chấp-nhận sự hoà-giải,nếu quả-tình họ không muốn.
Trongtình-thế đó,muốn đạt mục-tiêu mong ước:

1°/Trước hết chúng ta phải thực-hiện sự hòa-giải giữa người không cộng-sản với nhau.Người không cộng-sản dầu sao cũng có những quan-niệm căn-bản về đời sống và về chánh-trị như nhau,nếu họ không hòa-giải được với nhau thì còn mong gì hòa-giải với  người cộng-sản vốn có những quan-niệm căn-bản về đời sống và về chánh-trị hoàn-toàn khác biệt với mình? Người không cộng-sản hòa-giải với nhau được thì cộng-sản hết hy-vọng khai-thác những cái mà họ gọi là mâu-thuẫn trong hàng ngũ không cộng-sản và bớt tin-tưởng nơi sự thắng-lợi cuối cùng của họ.
2°/Người không cộng-sản cũng phải hợp-tác nhau để cải-thiện tình-thế về mọi mặt:chánh-trị,xã-hội,kinh-tế để cho Miền Nam Việt-Nam mạnh hơn hiện nay.Việc làm này chỉ có thể thực hiện bằng những cuộc gặp gỡ,tiếp-xúc,trao đổi ý-kiến với nhau trong tinh-thần cởi mở và xây-dựng,chớ không thể thực-hiện bằng sự tố-cáo,bôi lọ,xỉ-vả nhau một cách hằn học và bừa bãi.
3°/Ngoài ra,chúng ta còn phải gây một áp-lực từ dư-luận để đòi hỏi cộng-sản phải rút quân Bắc-Việt ra khỏi Miền Nam Việt-Nam để cho phiá cộng-sản thấy rõ họ không thể nào đặt một giải-pháp trong đó họ có thể giành lấy phần ưu-thế.
4°/ Sau hết,chúng ta phải vận-động cho những người không cộng-sản chấp-nhận dung-nạp Mặt Trận Giảithanks.gifhóng như là một lực-lượng chánh-trị có quyền tự-do hoạt-động ở Miền Nam Việt-Nam,nếu họ từ bỏ việc dùng võ-lực để tranh-đoạt chánh-quyền.
 Việc rút quân Bắc-Việt ra khỏi Miền Nam Việt-Nam và chấp-nhận quyền tự-do hoạt-động của Mặt Trận Giảithanks.gifhóng ở Miền Nam Việt-Nam có thể xem như là những điều-kiện mà hai bên trao đổi với nhau trong tinh-thần tương-nhượng và hai bên đều phải chịu tương-nhượng như vậy thì mới đi đến sự hòa-giải được.
 Để kết-thúc bài tham-luận này,chúng tôi xin góp thêm ý-kiến về tánh-chất của sự hoà-giải mà chúng ta có thể đạt được.Điều mà có lẽ mọi người chúng ta ở đây mong muốn là một sự hoà-giải hoàn-toàn,phát-xuất từ tận đáy lòng mỗi người Việt-Nam.
 Nhưng thành-thật mà nói,điều này rất khó thực-hiện ngày nào mà người cộng-sản còn cuồng-tín nơi chủ-nghiã của họ và còn xem là kẻ thù không đội trời chung những người không chấp-nhận chế-độ cộng-sản.Việc cải-hoán tâm-hồn người cộng-sản là một việc làm ngoài khả-năng của những người không cộng-sản.Vì đó,cái hoà-giải mà chúng ta có thể đạt được chỉ sẽ là một sự hoà-giải hình-thức bên ngoài,chấm dứt sự chém giết nhau một cách qui-mô,nhưng không chấm dứt được sự thù ghét nhau.
 Nhưng mặc dầu không hoàn-mỹ,sự hòa-giải hình-thức đó cũng vẫn hơn là sự tiếp tục chém giết nhau,và dầu sao,chúng ta cũng có thể hy-vọng rằng sau một thời gian dài dặc miễn cưỡng sống chung với nhau một cách hoà-bình,hai bên cộng-sản và không cộng-sản sẽ chịu đựng sự có mặt của nhau một cách dễ dàng và từ bỏ hẳn ý-định dùng võ-lực thanh-toán lẫn nhau.

                          NGUYỄN NGỌC HUY
             (trích  DI CẢO IV , từ trang 92 đến 101)

Back to top
« Last Edit: 06. May 2007 , 11:11 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Cái Miệng
Reply #9 - 03. Jun 2007 , 19:12
 
Cái Miệng


Phiếm của Tiểu Tử
Cái miệng có hai chức năng chánh: ăn và nói. Xưa nay ít có ai để ý đến những chức năng phụ của cái miệng – tiếng là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng – như : ngáp, ợ, ho, khạc, thở khi nào bị nghẹt mũi v.v… Có lẽ tại vì nó…hạ cấp quá nên bị coi thường ! Và cũng tại vì có sự coi thường đó mà người ta chỉ chú trọng dạy trẻ con học ăn học nói thôi. Thành ra, lớn lên, phần đông ngáp ơi ới không che miệng, ợ ồng ộc nghe chỏi lỗ tai, ho thẳng vào mặt người đối diện, còn khạc nhổ thì tùm lum bất cứ chỗ nào…Trong chuyện phiếm này, tôi cũng theo "truyền thống" để chỉ viết về hai chức năng " ăn và nói " của cái miệng.
Ăn…Từ hồi còn nằm trong bụng mẹ, con người đã biết ăn ( Ông Trời sanh ra như vậy ! ) Mới lọt lòng, không ai dạy, kề vú vào miệng là đã biết…đớp (Về sau, khi đã thành nhơn, có đòi đớp như hồi bêbê là một…cái gì khác chớ không phải là ăn ! ) Thành ra " ăn " là một bản năng. Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn, chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết ( Ăn…hối lộ không nằm trong " diện " tự nhiên trời sanh này ! ) Khái niệm " chết vì không có gì ăn hay có mà ăn không được " chỉ đến với con người khi con người có đủ trí khôn. Khỗ nỗi, khi có đủ trí khôn, con người lại đòi " ăn ngon ", biết chê biết khen, biết chế biến món này món nọ để ăn cho " khoái khẩu ". Cái " ăn ", vì vậy, đã chiếm…đỉnh cao của trí tuệ loài người, đến nỗi có câu "dĩ thực vi tiên" ( ăn trước đã ! ) và ở Việt Nam miền nào cũng quảng cáo rầm rộ " món ăn đặc sản " để làm…chảy nước miếng du khách ( Ở Hà Nội bây giờ "chảy nước miếng hay chảy nước dãi " được gọi là " toát mồ hôi lưỡi " ! Từ ngữ cách mạng vốn…trừu tượng ! ) Trên thế giới, ngành du lịch xứ nào cũng giới thiệu thật nhiều về " cái ăn " ngay sau khi cho xem phong cảnh hùng vĩ hữu tình. Để thấy cái miệng tuy nhỏ xíu như vậy mà đã…đẻ ra chữ " ăn " thật to tổ chảng !
Trong từ ngữ thông thường, chữ " ăn " lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo, nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải…đứng trên đứng trước ! – Ví dụ như " ăn quịt, ăn gian, ăn trộm, ăn cướp" v.v…Tiếng " ăn "…ăn nhậu gì với những chuyện " quịt, gian, trộm, cướp ", vậy mà phải có lãnh đạo " ăn " vào đó nghe nó mới…xuôi lỗ tai ! Rồi thì…ăn tùm lum, lúc nào ở đâu cũng thấy ăn: ăn giỗ, ăn cưới ( Hồi xưa còn nói "ăn đám ma " nữa ! ) ăn khánh thành, ăn lên lon, ăn Tết, ăn đầy tháng , ăn thôi nôi, ăn…hối lộ v.v…Chỉ có " ăn " thôi, vậy mà cái miệng sao mà " lắm chuyện " !
Bây giờ, xin nói đến " nói ".
Con người nếu sống một mình chắc không cần phải biết nói ! Thật vậy, biết nói để nói với ai ? Rồi, bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải "nói " để hiểu nhau. Mới đầu nói bằng…tay chân ( bây giờ gọi là " ra dấu " ) Lần hồi, chắc ra dấu…mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói ( Dầu sao, mỏi miệng vẫn…dễ chịu hơn mỏi tay ; cái trí khôn của con người bắt đầu…ló dạng ! ) Cái miệng , ngoài chức năng " ăn " của Trời cho, bây giờ có thêm chức năng " nói " do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì.
Con người mới sanh ra chưa biết nói, chỉ biết khóc ! Các nhà văn gọi đó là " tiếng khóc chào đời ". Hay quá ! Thật vậy, nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói ? Rồi từ chỗ " oa oa " đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu. Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách, học nói cho có lễ độ, học nói cho thanh tao. Có một điều lạ là những tiếng…chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách " tài tình " ! Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề, dĩ nhiên – Nhà Nước Việt Nam còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu, nói những lời " dao to búa lớn " theo…phong cách xã hội chủ nghĩa, nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì. Cái "nói" – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm…cách mạng ! Than ôi !
Nói về " nói ", con người nói thôi…đủ thứ. Nào là " nói thánh nói tướng "," nói láo nói phét ", " nói hành nói tỏi ", " nói trăng nói cuội "…Rồi " nói phang ngang bửa củi ", " nói dộng trong họng người ta", " nói trên trời dưới đất ", " nói mà cái miệng không kịp kéo da non ", " nói như con két "…v.v.. Cái miệng nói nhiều hơn ăn, bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị…no nói đâu để mà phải ngừng ?
Tóm lại, cái miệng là để ăn và để nói. Vậy mà chính cái miệng nó "hành" con người. Ông bà mình hay nói :" Bịnh từ miệng mà vào, Vạ từ miệng mà ra ". Đúng quá ! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sanh chuyện. Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói ?
Ở Việt Nam, Nhà Nước ta đã thấu triệt cái " chân lý " vừa kể cho nên đã…phân loại cái miệng : miệng của nhân dân và miệng của Nhà Nước. Cái miệng của nhân dân là cái miệng " ăn " còn cái miệng của Nhà Nước là cái miệng " nói ". Nhà Nước " quản lý " cái miệng ăn nên chỉ cho ăn vừa phải, đúng tiêu chuẩn, để nhân dân đừng…bị bịnh ! ( Bệnh từ mồm mà vào, đúng thế đấy…Ta đã học tập và triển khai cái chân lý ấy từ thời…không có gì để ăn cơ ! ) Còn " nói " thì nhân dân không nên nói, bởi vì " nói " là mang vạ vào thân đấy thôi. Để Nhà Nước nói, bởi vì Nhà Nước, đã là đỉnh cao trí tuệ của loài người, biết nói thế nào để không bao giờ phải…mang vạ vào thân. Và bởi vì cái miệng của Nhà Nước là loại miệng nói không sợ…mòn, không phải tốn tiền mua và dự trữ đồ phụ tùng thay thế. Cho nên đừng ngạc nhiên sao ở Việt Nam chỉ nghe có Nhà Nước nói và nói không bao giờ…ngừng ! Ngoài ra, Nhà Nước vì thương dân nên khi thấy dân há miệng định nói là đưa tay bịt miệng ngay kẻo dân mang vạ vào thân, tội nghiệp ! Một cử chỉ…đẹp như vậy mà thiên hạ cứ…vo tròn bóp méo !
Nếu " ăn " là để sống thì " nói " là để cảm nhận rằng mình đang sống. Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi…
Tiểu Tử

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #10 - 03. Nov 2007 , 21:48
 
 Xin được gửi tiếp theo đây một vài mẩu chuyện , góp nhặt trên các trang Web , những mẩu chuyện ngắn ngõ hầu cống hiến cho các bạn một vài phút giây thư giản sau một ngày làm việc mệt nhọc, Lời xưa có nói:" mua vui củng đặng một vài trống canh "

             GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI
Tiếng bà Mai the thé vang trong hành lang phá tan bầu không khí im lặng buồn tẻ nơi căn nhà trọ: "Này các em, 12 giờ trưa nay có người đến xem mắt. Nhớ tắm rửa sạch sẽ trang điểm cho bắt mắt người ta nghe chưa. Các em ra phòng tiếp khách trước nửa giờ vì chị có vài điều muốn căn dặn tụi em".
Cái tin khách tới đã đem lại niềm vui phấn khởi cho những cô vừa mới đến nhập 'cuộc chơi lấy chồng ngoại quốc'. Còn đối với những ma cũ ở lâu căn nhà này mà vẫn chưa được ai rước về làm vợ như Út Lành chả hạn thì tin kia chỉ làm họ lo sợ thêm cho thân phận của họ mà thôi.
Thật vậy làm sao Út Lành không cồn cào ruột cho được khi thấy số tiền cô nợ bà Mai ngày càng chồng chất theo thời gian chờ đợi. Cô chỉ còn hai tuần cuối để thử thời vận mà thôi. Suốt hai tuần qua bà Mai cứ đe răn với Út Lành rằng dẫu 4 tháng đã qua, nhưng vì thương tình Út hiền lành nên bà cho ở lại thêm 2 tuần nữa. Nhưng nếu không ai rước Út Lành về làm vợ thì cô phải hoàn lại chi phí cho bà ngay lập tức. Còn nếu như không có tiền thì cô phải đi khách cho đến khi nào hết nợ. Nghĩ đến động mãi dâm, cô gái quê vừa tròn 18 tuổi đời tên Út Lành bỗng rùng mình lạnh xương sống.
Nếu không may phải bị đẩy vào đó thì cô còn mặt mũi nào để nhìn thấy cha mẹ họ hàng, bà con lối xóm ở dưới quệ Giấc mơ đổi đời tươi sáng lấy được một người chồng ngoại quốc khá giả để gửi tiền về nuôi gia đình như người mối lái tả chưa thấy đâu mà giờ đây Út Lành chỉ thấy một tương lai đen tối sắp chụp lên đầu cộ Út ngậm ngùi soi thân phận mình trong gương, uể oải đánh một lớp phấn hồng lên má và tô đỏ đôi môi. Nhìn hộp phấn thỏi son hoàn toàn xa lạ với mình chỉ mới cách đây 4 tháng, Út Lành nghe đau nhói trong tim. Cô tự hỏi bộ mặt phấn son này rồi sẽ đưa cuộc đời cô đi về đâu.
Tiếng bà Mai the thé gọi mọi người vào gặp bà cắt đứt dòng suy tư của cô gái quệ Khi các cô đã đông đủ, bà Mai dặn dò: ' Khi khách đến các em phải cởi hết quần áo cho họ xem. Cưới vợ cũng tốn kém nên người ta cần xem xét kỹ lưỡng mọi chỗ. Nếu có ai lỡ nặng tay làm các em đau hay khó chịu thì các em không được nhăn mặt than phiền mà phải tươi cười. Các em phải biết chiều khách thì người ta mới cưới các em về làm vợ'.
Nói xong bà nhìn Út Lành rồi lên giọng:
"Các em có nhớ lần trước không ? Con Út Lành vì không nghe lời chị, đẩy tay khách ra chỉ vì ông ta làm đau ngực nó, cho nên họ đâu thèm cưới con Út về làm vợ. Khách chưa được sơ múi gì với con Út mà nó đã cự tuyệt. Như thế thử hỏi xem có thằng đàn ông nào dám bỏ tiền cưới nó về làm vợ."
Bà Mai cười cười nhìn Út Lành rồi miả mai: "Này Út Lành, em chỉ còn 2 tuần để thử thời vận thôi đấy nhé. Nếu hôm nay mà em không biết nhịn, khéo chiều khách thì em phải tính toán nợ nần cho sòng phẳng với chị. Nhà chị không còn chỗ để chứa em mãi đâu".
Nói xong bà Mai ra lệnh cho các cô đứng theo thứ tự. Người nào ở lâu nhất trong nhà này, có nghiã là món hàng ế ẩm thì phải đứng hàng đầu. Còn cô nào trẻ đẹp mới ra lò thì được xếp đứng sau cùng. Món hàng ế ẩm đứng hàng đầu ngày hôm nay không ai khác hơn là Út Lành. Út Lành chạnh lòng chợt nhớ tới ngày hôm nào cô vẫn còn là món hàng tươi được đứng chót. Nào ngờ đâu chỉ 4 tháng sau cô đã trở thành miếng thịt trâu ôi làm gai mắt bà Mai. Cô ngậm ngùi đâu ngờ được rằng trinh tiết của một cô gái hiền lành vẫn chưa đủ sức hấp dẫn lôi cuốn những ông chồng già khó tính.
Có tiếng chuông reo. Bà Mai vội vã ra đón khách. Khi khách bước vào phòng, 12 cô không hẹn cùng tự động cởi hết quần áo ra cho khách ngắm nghiá. Ông khách chạc độ thất tuần, mồm móm, lưng gù tóc bạc, chân đi khập khễnh.
Mấy cô không dấu được nỗi lo âu thất vọng hiện trên ánh mắt. Đoán được điều đó bà Mai lừ mắt đe dọa:
"Tụi em phải cười lên. Đứa nào mặt bí xị chị sẽ đuổi liền ngay tức khắc".
Chỉ nghe đến chữ đuổi mọi người như cái máy nhoẻn nụ cười thật tươi nhưng trong lòng thầm khấn xin ông bà phù hộ cho mình khỏi bị chọn làm vợ.
Có lẽ đây là lần đấu tiên trong đời người khách già được chứng kiến cảnh 12 toà nhà thiên nhiên lồ lộ nên ông ngẩn ngơ một lúc khiến bà Mai phải nhắc khéo với người thông dịch là mời ông ta chọn hàng. Ông già từ từ lấy kính lão ra đeo và tiến về món hàng đầu tiên là Út Lành. Thấy ông ta nhìn chăm chăm vào bộ ngực nở nang như muốn nuốt sống, Út Lành khó chịu lấy đôi bàn tay che ngực khiến người khách cụt hứng. Thấy thế bà Mai vội nhanh nhẩu ra lệnh cho Út tiến lại gần ông khách hơn để ông ta nhìn cho kỹ. Không những thế bà còn nói với thông dịch viên là xin ông khách cứ tự nhiên xem xét kỹ lưỡng các cộ Được chủ nhà bảo thế, ông khách tha hồ đê mê sờ soạng trên cơ thể cô gái quệ
Chưa bao giờ Út Lành cảm thấy tủi hổ bằng lần này. Nhục vì bị một ông già đáng tuổi ông nội mình sờ nắn thân thể, ngay cả chỗ kín nhất của đời người con gái ông cũng muốn xem cho rõ. Cô muốn thét to lên cho vơi nỗi nhục. Nhưng cô không kêu được vì món nợ bà Mai làm cô tắt tiếng. Ông khách già nâng cầm Út Lành bảo cô há to miệng để ông khám răng. Sau đó ông quay sang hỏi giá bao nhiêu. Bà Mai nhanh nhảu ra dấu 3000 đô. Ông khách bĩu môi lắc đầu chê mắc bảo là chỉ có bộ ngực là coi được còn da mặt lại đen đôi bàn chân nứt nẻ, gốc gác con nhà làm ruộng thì làm sao có giá đó.
Sau đó ông ta đi táy máy những cô còn lại. Thái độ của ông đối với những cô kia cũng thô lỗ như trên. Nhưng có lẽ vì giá bán qúa cao so với khả năng mình nên ông đành quay trở lại món hàng rẻ nhất là Út Lành. Ông ta đòi bớt 50% . Nhưng bà Mai lắc đầu lên tiếng giạy đời: "Lấy gái đẹp ông chỉ thêm mệt óc vì phải canh chừng những kẻ theo tán nó. Thà ông lấy con bé quê xấu xí này còn khỏe thân hơn. Không những thế ông khỏi tốn tiền đi bác sĩ vì nó còn trinh tiết nên không thể truyền bệnh sang cho ông.
Như đánh trúng tim đen của ông già dịch gần đất xa trời nên ông ta xuôi lòng.
Tuy nhiên ông ta vẫn kỳ kèo đòi bớt giá trước khi mua.
Bà Mai lại lên tiếng: 'Giá $3000 đô là rẻ lắm rồi còn gì ! Thời nay muốn mua một chiếc xe cũ chạy được thì ông cũng phải chi ít nhất 3000 đô. Nhưng ông cũng chỉ xài được 1 thời gian ngắn rồi vứt đi. Trong khi đó ông bỏ cùng số tiền trên mà lại lấy được một cô gái trẻ về phục vụ sinh lý suốt đời cho ông. Thế thì thứ nào rẻ và bền hơn thứ nào."
Rốt cuộc bà Mai bớt 15% cho ông khách keo kiệt vì bà muốn tống khứ món hàng ế đi cho lẹ để còn thay cô mới vào. Sau đó bà Mai gọi Út Lành ra một chỗ dỗ ngon ngọt ép cô ưng thuận. Bà hứa nếu cô chịu lấy ông ta thì bà sẽ đưa cho ba má cô 5 triệu đồng. Cô gái quê ôm mặt khóc nức nở. Bà Mai lại vỗ về khuyên nhủ: "Út Lành này, chị thấy nếu em lấy ông ta thì cuộc đời em còn sướng hơn là đi khách để trả nợ cho chị. Đàn ông già nó ít sức nên em chỉ phải chiều nó ít hơn là đi khách 10 lần một ngày. Lúc đó em sẽ mệt hơn, chưa kể đến chuyện chúng nó có thể truyền bệnh sida sang em. Lỡ em ngả bệnh chết sớm thì lấy ai lo cho ba má em. Bỗng tiếng người thông dịch nói vọng vào cho biết khách muốn đi về. Bà Mai lo sợ mất mồi liền đổi giọng với Út Lành : ' Giờ cô có chịu lấy nó không ? Hay là cô muốn ngày mai tôi đưa cô đi vào nhà thổ? Tôi cho cô 5 phút để suy nghĩ". Nói xong bà chạy vội ra ngoài tiếp khách.
Út Lành ôm mặt nghẹn ngào trong tiếng nấc: "Ba má ơi ! con đã bị đẩy vào con đường cùng không có lối thoát ! Con đâu ngờ đời con phải lấy 1 ông chồng già tàn tật đáng tuổi ông nội mình!".
Giấc mơ đổi đời của cô gái quê khi mới bước vào căn nhà này giờ đây đã biến thành ác mộng hãi hùng xé nát đời cộ Trong giây phút tuyệt vọng Út Lành mong có một phép lạ kết liễu đời cộ Nhưng thần chết chỉ biết lắc đầu xót thương cho thân phận oan trái của một tuổi xuân sắp bị dập vùi.
Năm phút sau bà Mai chạy vào mặt lạnh lùng hỏi Út Lành muốn lấy sự chọn lưa. nào. Út Lành thẫn thờ gật đầu chấp thuận. Bà Mai thở dài nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Bà bảo Út Lành về phòng nghỉ ngơi cho khoẻ để mai còn đi mướn áo cưới và Út Lành sẽ theo chồng về Đài Loan nội trong tuần tới.
Đêm đã về khuya. Những giọt mưa lạnh buồn rơi trên mái. Buồn như tiếng nấc của đời người con gái bất hạnh khóc tuổi xuân lịm chết. Buồn như màu tang đen đang phủ lên giấc mơ đổi đời của cô thôn nữ hiền lành khờ khạo. Nhưng Út Lành hỡi ! Cuộc phiêu lưu lấy chồng Đài Loan của cô chưa hẳn sẽ chấm dứt ở nơi đây. Cô nào hay còn nhiều chặng đường tủi nhục khác đang rình rập cô và những cô dâu khác khi đặt chân lên xứ người.
Cô nào nghe được tiếng khóc của hàng mấy chục ngàn chị em phụ nữ VN ngày phải làm người ở, tối phục vụ sinh lý cho cả gia đình chồng. Cô nào thấy được cảnh người vợ trẻ bị chồng đánh đập tàn nhẫn, trói tay chân để nhét thuốc phá thai vào miệng? Cô nào thấu được tiếng rên rỉ của người vợ bị chồng bóp cổ vì không chịu đi khách? Những tiếng thét đau thương đó đã làm trấn động dư luận thế giới. Thế nhưng ở xã hội VN lạnh ngắt tình người, những tiếng thét kia đã được nhà nước bưng bít để họ còn tiếp tục làm giầu trên dịch vụ lấy chồng ngoại quốc, dẫu biết rằng những cô dâu VN đó sẽ có nhiều sắc xuất trở thành những con vật tế thần trong cuộc bán buôn nô lệ tình dục mặc cho ngoại bang tha hồ khai thác.
Chỉ còn vài ngày nữa là cô sẽ đi làm dâu Đài Loan. Tôi cầu chúc cô mọi điều may mắn. Cầu mong người chồng già xấu xí kia còn nhân tính để cô vẫn chỉ là người vợ độc quyền trong cuộc đời ông ta. Tôi muốn khóc khi phải viết gửi đến cô lời cầu chúc này, vì tôi biết đó là sự nhục nhã ít nhất mà cô phải gánh chịu nơi xứ người. Nhưng tôi cũng ngậm ngùi chia sẻ nỗi tủi nhục chung với cô - người con gái VN bất hạnh trong cơn lốc đổi đời đầy oan khiên nghiệt ngã.
Biết đến bao giờ nhà nước biết thương dân và lo cho dân giống như các xứ dân chủ khác, để người phụ nữ VN nghèo khổ vẫn có được cơ hội xây tổ ấm với người mình thương giống như bao phụ nữ khác trên thế gian này?

Back to top
« Last Edit: 03. Nov 2007 , 21:50 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #11 - 03. Nov 2007 , 21:53
 
    NƠI CÓ  NGÔI ĐÌNH CỦ

Tôi theo bọn thợ rừng, giạt về Tầm Lanh. Đi kiếm sống mà chui vào xó xỉnh nơi góc rừng này, không mong gì ngóc đầu lên nổi. Cái xóm đìu hiu hẻo lánh đến não lòng. Thế nhưng tôi ở lại đã ba năm. Đời yên mà quạnh lắm. Nơi đây có chừng vài mươi mái nhà nằm đơn độc xa nhau, im lìm vắng vẻ. Nghe nói, ngày trước Tầm Lanh cũng không đến nỗi tiêu điều đến thế, nhưng chiến tranh cứ đẩy con người bỏ xóm đi xa dần. Sau chiến tranh, chẳng ai còn nghĩ đến chuyện quay về chốn cũ, để chiều chiều ngồi bó gối, ngó lên ngọn rừng, nghe vượn hú.
Hồi tôi mới tới đây, Ba Canh nói: "Chú em đừng ngại, chuyện gì rồi cũng sẽ quen đi. Việc đo đạc, tính giá cả, chỉ cần biết bốn phép toán cộng trừ nhân chia là đủ. Còn công việc sau đó, hơi vất vả một chút. Tôi sẽ chỉ cách cho chú em làm. Đóng cọc, vác củi sắp vào từng thước khối... Tiền bạc không có dư, nhưng cũng sống được qua ngày." Thế đấy. Tiền bạc không có dư, nhưng cũng sống được qua ngày. Tôi phụ việc với Ba Canh, làm nơi bãi đất ở cuối xóm, giáp với bìa rừng. Gỗ súc và củi từ trong rừng đem ra chất đống nơi đây, chờ chuyển đi các nơi xa. Dân xe be, và bọn thợ rừng gọi bãi này là Bến Củi.
Bến Củi nằm trong địa phận Tầm Lanh, nhưng trong những giao tiếp làm ăn, người ta quen nói Bến Củi. Càng về sau, nhắc đến Tầm Lanh không còn mấy người biết nữa. Mọi sinh hoat rộn rịp của Tầm Lanh, chỉ diễn ra nơi Bến Củi, chừng vài tiếng đồng hồ vào giữa trưa, khi bọn thợ từ rừng ra, lái gỗ từ các nơi tới. Lăng xăng đo đạc, trả giá. Xuống củi từ những xe bò xe trâu, hoặc cẩu những thanh gỗ súc lên xe be. Xong, họ chia tay. Bọn thợ xách cưa trở vô rừng. Và lái gỗ cùng những chiếc xe be rời Bến Củi bằng con đường đất ngoằn nghèo dài hun hun hút, dưới những tán lá rậm hai bên đường. Tôi là kẻ thất cơ lỡ vận phải vào Tầm Lanh kiếm sống đã đành. Có một thành phần khác, không ai ngờ, cũng vào đây. Đó là những cô đã một thời đem thân xác mình phục vụ cho khách mua hoa nơi các phố thị đông người. Nay nhan sắc đã tàn phai, không còn đủ sức bon chen với đám đàn em mới vô nghề. Họ quay ra đón khách dọc đường, lưu động theo các chuyến xe chạy đường xa, có khi còn vào tận chốn rừng sâu với bọn thợ rừng.
Mỗi lần nhìn thấy các cô em tóc tai rối bời gió bụi trên chuyến xe đi đến, hoặc mặt mũi bơ phờ từ rừng trở ta, lòng tôi trắc ẩn. Có lẽ họ cũng nhìn thấy tôi là kẻ hết thời, không hơn gì "con vạc ăn sương" như họ. Cùng một nòi lưu lạc, dễ thông cảm nhau, và từ đó sinh ra cảm tình. Buổi trưa. Tôi ngồi trốn nắng dưới bóng cây. Một cô sà đến, ngồi kế bên, nói rất tự nhiên như đã quen thân tự kiếp nào: "Em đi lưu diễn nhiều nơi, Chưa thấy nơi nào buồn như nơi này." Tôi cười vì hai tiếng "lưu diễn", và lắc đầu nhẹ, tỏ ý chán đời, đồng cảm. Tôi hỏi: "Em tên gì?" "Kiều." "Tên thật của em hả?" "Không. Hồi em mới bước chân vô nghề, có thằng cha tự xưng thi sĩ, gọi em là Thúy Kiều. Nghe cái tên cũng hay hay, em xưng Thúy Kiều luôn.
Không biết tại sao, khi em nói tên em là Thúy Kiều, có nhiều người cười. Chắc họ biết tên giả. Em bỏ bớt chữ Thúy, chỉ còn Kiều. Em xài tên Kiều cho đến bây giờ." "Sau này, nếu có ai còn cười nữa, em thêm chữ Giáng, thành Giáng Kiều. Người ta sẽ hết cười." "Ừ, Giáng Kiều. Tên cũng đẹp." Cô thò tay vào xú chiêng móc ra một gói thuốc Hoa Mai. Bao thuốc bèo nhèo, điếu thuốc cong queo. Cô châm lửa hút vài hơi rồi trao cho tôi "Hút đi. Nhìn chi mà nhìn dữ vậ?" Tôi nói: "Xú chiêng chứ đâu phải túi đựng đồ mà cho gói thuốc vào trong ấy." "Em còn nhét cả tiền nữa. Thời quỷ vương, bọn cướp giựt đầy đường. Mang bóp đầm, đi õng eọ, dễ làm mồi cho tụi nó lắm." Tôi ngó vơ vẩn ra bìa rừng. Cô nhìn tôi một lúc, lại nói: "Năm bảy năm về trước, cặp vú em no tròn đầy đặn. Bao nhiêu thằng mê em, chỉ muốn vục mặt vào đó. Còn bây giờ thì..." Cô bỏ lửng câu nói.
Tôi hỏi: "Bây giờ thì sao?" "Hỏi mỉa em hả?" "Không. Anh đang nghĩ đến luật đào thải phũ phàng khắc nghiệt của tạo hoá." Cô khoát tay: "Ối. Hơi đâu mà nghĩ luật này luật kia cho mệt. Em chỉ hận lũ đàn ông. Đàn ông là thứ mới chuộng cũ vong, là thứ phản bội, trời đánh thánh đâm." Tôi kêu lên: "Trời đất! Có phải vì nóng nực, làm em nổi giận bất thường? Em hận thằng nào thì chửi thằng đó. Sao bỗng dưng lại trút căm hờn vào anh?" "Em không nói anh." "Anh không phải đàn ông sao?" "Đàn ông, nhưng em trừ anh ra." Cô cười. "Thôi, mình lại quán uống nước đá đi anh. Em bao." Và đứng dậy, nắm tay tôi kéo đi.
Đang đi, cô hỏi: "Anh mấy tuổi?" "Bốn mươi ba." "Vợ con ra sao?" Cô liếc mắt, dí ngón tay vào trán tôi. "Đừng nói với em rằng anh còn độc thân nhe." "Em điều tra giống như công an phòng thẩm vấn." "A a..., nhắc đến công an, em lại nổi sùng. Bọn nó ruồng bắt tụi em, đưa vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm. Phục cái mả cha nó, chứ phục hồi gì. Đứa nào "thâm niên công vụ" như em, nó đẩy đi lao động, phơi nắng cháy da. Đứa nào còn trẻ đẹp, nó giữ lại, chơi ngày chơi đêm muốn ngất xỉu, kêu trời không thấu. Những thằng công an của trại Phục Hồi Nhân Phẩm, bản mặt thằng nào cũng tái mét xanh xao, mắt quầng thâm vì chơi bời trác táng quá độ. Có thằng ghẻ lác đầy mình, con vi trùng giang mai đã rúc vô tận xương tủy của nó rồi." "Em hay bắt quàng, từ chuyện nọ xọ chuyện kia." "Thôi, trở lại chuyện của anh. Vợ anh đâu?" "Gửi cho bà già vợ nuôi. Còn anh lo nuôi thân anh."
Cô ngó tôi, cười cười: "Hỏi thiệt nhe. Có thích em không?" "Đừng hỏi tầm phào." "Cái mặt làm bộ sầu đời, cách nói chuyện cà tững của anh, nhiều em gái ngây thơ chịu lắm. Tụi mình kết duyên thành chồng vợ được đấy." "Để ôm nhau chết đói hả?" "Em tình nguyện đi làm nuôi anh." "Đi khách đem tiền về nuôi anh?" "Không. Em chán cái nghề này lắm rồi." Chúng tôi ngồi dưới chái hiên quán Ba Canh. Chị Ba chủ quán mang nước đến, rồi bỏ đi ngay như muốn tránh mặt. Cô Kiều nhìn theo sau lưng chị Ba, kề tai tôi, nói nhỏ: "Em còn lạ gì con đĩ ngựa này. Nó đỏng đảnh với mấy thằng xe be ngoài chợ, Ai chẳng biết," "Thôi. Chuyện người ta. Mắc mớ gì em." "Hứ! Cái thứ rượn đực, còn làm ra vẻ khinh người. Khó ưa." Cô nguýt dài.
Đuôi mắt đã có dấu hiệu xếp nếp thời gian. Tầm Lanh chỉ có một quán tạp hoá duy nhất của Ba Canh, nằm kế Bến Củi. Bên hông quán, che thêm cái chái dùng làm nơi bán thịt rừng, và nước đá giải khát buổi trưa cho những người sinh hoạt nơi Bến Củi. Ba Canh giao quán cho vợ con trông coi. Còn anh, lo chạy vòng ngoài. Vào rừng mua lại thịt tươi từ các tay săn bẫy thú, hoặc theo xe be ra chợ bổ thêm hàng hóa về cho vợ. Nhiều khi công việc bề bộn, vợ anh phải thay thế ra chợ bổ hàng. Việc này cũng mất khá nhiều thời gian, phải ở lại qua đêm, hôm sau mới có chuyến xe vào lại Tầm Lanh.
Vì phải ở lại qua đêm, nên chị Ba mang nhiều tai tiếng lăng nhăng với dân xe be và lái gổ. Người ta xầm xì về chuyện này, nhưng Ba Canh không hề hay biết. Trời sanh ra anh để nhìn đời theo con đường thẳng, chứ không phải để nghi ngờ dò xét ở những khúc quanh. Trời nắng loá. Trông ra Bến Củi, mặt đất dường bốc hơi thành gợn sóng. Những xe be đã bắt đầu rục rịch, chuẩn bị rời bãi. Cô Kiều nói: "Em phải về. Anh có muốn em ở lại không?" "Anh không có tiền." "Miễn phí cho anh." "Anh trú miễu ở đình. Làm bậy Quỷ Thần vật chết. Thôi, em về đi." "Về lần này, có lẽ em không trở vô nữa. Em muốn đổi nghề, kiếm chuyện khác làm ăn." "Ừ, được đấy. Em cũng lớn tuồi rồi. Phải nghĩ tới tương lai." Cô than thở: "Em muốn về quê cũ, làm lại cuộc đời.
Nhưng em hư quá, vô phương quay về." "Thì đi nơi khác. Buôn gánh bán bưng gì cũng được." "Phải có một căn bản gia đình, mà em thì cô đơn, anh ạ." Cô thở dài. Tôi an ủi: "Từ từ, em cũng sẽ kiếm được người thương em." Ngoài bãi, có tiếng kêu ơi ới. Xe sắp rời Bến Củi. Cô đứng dậy: "Em đi nhe. Chắc mình không gặp nhau nữa đâu." Cô bước đi xa, còn ngoảnh đầu ngó lại. Bỗng cô trở gót, quay vào cầm tay tôi: "Coi... kìa..., cái mặt buồn buồn, dễ ghét. Bộ thương em hả?" "Thôi mà, đừng có đùa. Bao nhiêu người dòm ngó." "Dòm, kệ họ. Mai mốt có ra chợ, nhớ tìm em nhe?" Tôi hối: "Được rồi. Em đi đi. Trễ chuyến xe bây giờ." Cô lầm lũi đi nhanh ra Bến Củi, lên xe, đưa tay vẫy vẫy. Tôi trông theo, cảm thấy nao nao. Không biết lòng mình ra sao nữa.
Tôi ngồi lại với nỗi trống không, buồn vô cớ. Chị Ba bước ra hiên, dọn những ly tách trên bàn, nói: "Cặp kè với loại người ấy, chỉ mất mặt." "Nói chuyện thôi. Đã có gì đâu?" "Còn muốn có gì nữa hả? Anh Ba Canh giúp anh có cơm để sống, chứ không phải để anh đem tiền bao gái." "Chị thấy tôi có lạng quạng với ai không?" "Chuyện khuất lấp ban đêm, chỉ có trời biết. Còn chuyện ban ngày, đã rõ trắng đen. Bạ ai cũng tán tỉnh, thượng vàng hạ cám không chừa thứ nào." Thái độ và lời lẽ của chị Ba làm tôi ngạc nhiên.
                                        ( Còn tiếp )
Back to top
« Last Edit: 03. Nov 2007 , 21:54 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #12 - 03. Nov 2007 , 21:55
 
Chị đâu có quyền nói những lời gay gắt như thế với tôi. Nghĩ tới tình nghĩa anh Ba Canh lâu nay, tôi không nỡ phản ứng làm mất lòng người vợ của anh. Tôi nói: "Chị hơi nặng lời đấy." Và bỏ đi ra bãi. Bến Củi không còn ai. Tôi một mình vác củi chất vào từng thước khối theo những cây cọc, Ba Canh đã đóng sẵn từ trước. Hôm nay, anh theo xe ra chợ lấy hàng. Tôi làm mãi đến xế chiều. Khô cổ, khát nước, mồ hôi đầm lưng áo.
Trời đứng gió, oi nồng. Muốn vào quán để uống ly nước đá, nhưng nghĩ lại thái độ khó chịu của chị Ba, tôi ngại. Tôi đi chếch về phía tây Bến Củi, nơi có ngôi đình, lâu ngày không được trùng tu. Hồi mới tới đây, trông thấy một bên hiên đình quằn xuống sắp đổ. Hình ảnh hư hao tàn tạ cuốn hút lòng tôi. Tìm ở đâu cho xa. Một nơi chốn mà người đời quên lãng, sẽ là nơi trú ngụ an toàn cho con chim tơi tả trước cơn dông thời cuộc. Mái đình xưa, lợp ngói âm dương, phủ màu rêu xám. Cuối nóc đình, chỗ giáp với đầu hồi, có gắn con hạc bằng đồng thau, xoãi cánh như đang cố sức một cách tuyệt vọng, chấp chới bay lên để thoát khỏi sự sụp đổ của thời gian, nhưng đôi chân tội nghiệp cứ dính chặc với ngôi đình. Phía sau con hạc, cỏ dại và những cây con mọc đầy trên mái. Lớp lớp rêu cỏ, âm thầm nói lên biết bao điều ý nghĩa. Những ai hăm hỡ xẻ gỗ dựng đình từ thế kỷ trước, đều khuất bóng cả rồi. Thần linh phiêu hốt nơi đâu, mà tượng gỗ xiêu xó nơi này. Dù không được trùng tu, nhưng số phận ngôi đình vẫn còn may mắn.
Nhờ vào vị thế địa dư hẻo lánh, và không có tiếng tăm linh hiển vang xa, nên ngôi đình thoát được cái hoạ san bằng, bởi chiến dịch triệt hạ những đình chùa lăng miếu, quét sạch nền văn hoá cũ của bao đời cha ông để lại. Đã bao nhiêu đêm, tôi nằm trăn trở dưới mái hậu liêu, sau đình. Nghe chim đớp muỗi vỗ cánh chạm xạc xào trong khóm lá ngoài kia. Nghe tiếng dơi chí choé cắn nhau giành chỗ đậu, dưới mái ngói bên hàng hiên sắp đổ. Thấm thía nhứt là tiếng vạc kêu sương, rớt xuống tự trên lưng chừng trời. Dường như trong tịch mịch lặng im, tiếng vạc lẻ loi, làm tôi thấy rõ hơn về nỗi quạnh hiu của lòng mình. Những đêm trăng tỏ, tôi thường đứng trông ra Bến Củi. Những khối củi mập mờ nhìn từ xa, giống như những chiếc xe tăng đang lổn nhổn tiến về phía bìa rừng. Bồi hồi nhớ lại thời còn chiến tranh. Một binh lực hùng mạnh là thế, bỗng một ngày tán loạn rã tan.
Chuyện vô lý, tưởng chừng như cơn mơ. Đến khi lủ khủ dắt nhau vào tù, mới bừng ra sự thật. Từ ấy trở đi, lý lịch tôi mang một dấu ấn lớn, không mong gì xoá được để làm lại cuộc đời. Tôi về Tầm Lanh như người xưa bất đắc chí, quay về sằn dã. Ẩn nhẫn mà sống. Nhưng, sao bất cứ nơi nào, tôi cũng thấy bi đát. Hoàn cảnh một cô Kiều trưa nay, cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi có hơn gì cô đâu. Đời đã lâm vào thế bí. Trở lui không được, tiến tới không xong... Đêm đã khuya. Sương xuống lạnh màu trăng. Hình như có tiếng chân ai dẵm lên những phiến lá khô ngoài sân đình. Tôi nhỏm dậy. Một người vừa bước đến bên thềm hậu liêu. Tôi ngạc nhiên: "Chị Ba. Có gì gấp mà giờ này ra đây?" "Cũng có chút việc." Chị nói nhỏ giọng. "Tôi có thể giúp chị không?" Vừa hỏi, tôi vừa vén tấm mùng, vắt lên nóc. Chị e dè ngồi xuống mép giường: "Anh có giận tôi không?" "Giận chuyện gì?" "Hồi trưa, tôi lỡ lời." "Không đâu. Chị nói cũng đúng. Tôi hay rà rê với mấy cô ấy." "Tôi biết anh làm thế, vì buồn." "Vâng. Tán gẫu cho qua ngày." "Nhưng anh phải lựa người chứ." "Có tính chuyện lâu dài đâu mà chọn lựa?" "Giữa ban ngày, kề vai bá cổ với gái điếm, không sợ người ta cười sao?" "Cái thân cùng đinh mạt kiếp như tôi, còn sợ ai cười nữa?" "Thấy chướng quá, tôi có nói nặng lời. Anh buồn không?" "Tôi buồn, nhưng không phải buồn chị" Chị ngó tôi, cười cười: "Buồn ai?" "Buồn vì... buồn. Thế thôi."
Tôi ngập ngừng lúng túng. Cảm giác có điều gì bất thường. "Buồn vì cô đơn hả?" Con mắt chị liếc nhẹ, gợi tình thì thôi. Dưới ánh trăng khuya nghiêng rọi vào hậu liêu, nét mặt chị Ba có sức quyến rũ lạ lùng. Mùi xà bông chanh trên tóc, mùi đàn bà quyện vào nhau thoang thoảng. Những đêm nằm một mình dười mái hậu liêu, tôi thèm được ôm một người đàn bà. Nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ người ấy là chị Ba. ""Nói đi. Có phải buồn vì cô đơn?" Chị lẵng lơ nhìn tôi, và đưa tay vén mớ tóc giạt qua một bên cổ. Bộ ngực vun đầy của chị phập phồng dưới lớp áo mỏng. Tôi chống đỡ sự quyến rũ một cách yếu ớt: "Chị Ba ơi..., còn anh Ba Canh." Nói thế, nhưng hình ảnh Ba Canh đã mờ nhạt trong trí tôi rồi.
Chị nói: "Ảnh đi ra chợ. Anh cũng biết mà." Hơi hướm từ cổ chị Ba phả vào mũi tôi, cám dỗ. Và tôi cũng nghe rõ cả hơi thở hồi hộp của mình nữa. Có tiếng dơi kêu chí choé bên kia hàng hiên. Bỗng dưng, tôi cảm tưởng như tất cả những bức tượng ngả nghiêng đóng bụi trong đình, đều chỗi dậy. Quỷ Thần kéo nhau ra hậu liêu, đứng nhìn chị Ba và tôi. Tôi chợt nhớ lại ngày còn bé, đọc chuyện Một Vị Quan Thanh Liêm đời xưa, trong sách Giáo Khoa Thư: Có người mang của hối lộ đến. Vị quan từ chối. Người ấy nói: "Xin quan cứ nhận. Chuyện này không ai biết." Vị quan nói: "Sao lại không? Ông biết. Tôi biết.
Quỷ Thần Trời Đất biết." Chuyện của Chị Ba và tôi đêm nay, dù anh Ba Canh không biết, nhưng chị Ba biết, tôi biết, và Quỷ Thần Trời Đất biết. Ngọn đèn lương tâm leo lét sắp tắt rồi. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, bước xuống giường, ra đứng ngoài hiên, lơ lãng nhìn trăng. Tôi gọi, vừa tha thiết, vừa khước từ: "Chị Ba ơi... Về đi. Lỡ có người trông thấy thì... chết." Chị ngỡ ngàng, ngồi sững lâu lắm. Tội nghiệp chị. Tôi muốn quay lại ôm lấy cái thân thể chín muồi dục vọng, ngả trên mặt giường, âu yếm. Đời có ra sao thì ra. Bất ngờ chị nói: "Thôi, tôi về. Đã theo tán tỉnh mấy con đĩ, còn lên mặt đạo đức làm cao." Câu nói như một gáo nước lạnh dội xối vào mặt tôi, bừng tĩnh. Chị thay đổi nhanh vô cùng.
Mặt lạnh băng, vùng vằng bỏ đi. Không biết nghĩ sao, chị dừng lại, ngập ngừng: "Anh hứa không nói với ai?" "Vâng. Tôi hứa." Chị quay lưng. Thấp thoáng dưới trăng, bóng chị Ba mờ khuất ngoài Bến Củi. Tôi nằm thức suốt đêm. Thầm tiếc dịp may, nhưng cảm thấy yên lòng. Ngày mai, nhìn lại anh Ba Canh mà không hề thấy ngượng. Bình minh lên. Quạ kêu trên đầu cây sao già. Tiếng quạ kêu nghe thảm. Trong tiếng quạ sáng nay, dường như có thêm một điều gì thảng thốt. Có lẽ, hồn tôi bắt đầu nhuốm bệnh? Mọi sinh hoạt của Tầm Lanh, Bến Củi vẫn bình thường. Chị Ba đối với tôi, cũng bình thường. Nhiều khi tôi tự hỏi, chị có còn nhớ gì trong đêm ấy không? Khó mà biết được ý nghĩ của chị.
Trong cái đầu của mỗi người đàn bà, có cả một kho tàng bí mật. Anh Ba Canh bao giờ cũng tử tế. Lòng anh đơn giản. Anh tưởng lòng người cũng đơn giản như anh. Anh thường khuyên tôi, nên tìm một người đàn bà goá, để gán ghép hai cuộc đời cô đơn làm một. Vì quá thật thà, anh đâu biết rằng có những cặp vợ chồng đang sống trên lưỡi dao cạo. Đến một ngày nào đó, hiểu ra thì con tim đã bị cứa nát rồi. Chừng nào anh Ba Canh mới thấu được lòng dạ chị Ba? Lúc ấy, liệu anh làm sao với con tim chảy máu của mình? Ba năm tôi ở Tầm Lanh. Kẻ lạ chợt đến chợt đi. Tình người dưng nước lã.
Tôi nương tựa vào gia đình Ba Canh, và coi đây là chỗ thân tình duy nhất. Đứa con gái lớn của anh, tên Mận, học hành dang dở. Tôi đến chơi, thường vẫn dạy thêm cho Mận về văn học, sử ký, địa dư, khoa học thường thức. Năm mười lăm tuổi, Mận nghĩ chuyện gì ở trên đời, tôi cũng thông suốt. Có lần, Mận hỏi: "Chú ơi, muối lấy từ đâu?" Tôi nói: "Từ trong nước biển." "Tại sao nước biển có muối nhỉ?" "Vì nước biển mặn." "Tại sao nước biển mặn?" "Vì nước biển có muối." Cái kiểu trả lời theo chu kỳ vòng tròn của tôi, làm hai chú cháu cười ngất. Năm mười sáu tuổi, Mận nói: "Chú ngon hơn ông Nguyễn Công Trứ." Tôi hỏi: "Tại sao?" "Ông Nguyễn Công Trứ đang làm quan, bị hất xuống làm lính, vẫn chạy theo sau chiếc xe công danh réo gọi ơi ới, để leo lên nữa. Còn chú, nghe ba cháu nói, cũng đang làm quan gì đó, rồi bị đi tù, trở về đi vác củi, chứ không thèm chạy theo cách mạng."
"Hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác. Không so sánh thế được đâu. Cháu đừng nhắc chuyện cũ, để chú được yên thân làm nghề vác củi." Năm mười bảy tuổi, Mận nói: "Chú ơi, chú giống ông Trần Tế Xương." Tôi hỏi: "Ổng là thi sĩ. Chú là tiều phu. Sao lại giống nhau được?" Mận lật quyển sách, đọc: Một trà, một rượu, một đàn bà Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta Chừa được thứ nào hay thứ ấy Có chăng, chừa rượu với chừa trà. Rồi ngước lên nhìn tôi: "Chú cũng vậy. Không chừa được đàn bà." "Đàn bà đâu? Chú đang sống một mình mà." "Hừm... Cháu thấy mấy cô làm... điếm, bu vào chú nói chuyện hoài." "Ừ, thì nói chuyện cho... vui." "Không được. Chú phải chừa cái thứ ba luôn." Tôi kêu: "Trời ơi. Chú đâu phải thầy tu mà chịu đủ thứ điều răn, giới luật?" Mận khẳng định: "Người tốt không giao thiệp với người xấu." Trong mắt Mận, tôi là người tốt. Mận không muốn tôi lân la gần gũi những người mà Mận cho rằng xấu. Mận đâu biết trên cõi đời ô trọc này, không thể nhìn bề ngoài con người mà tỏ được vàng thau. Mận thừa hưởng tấm nhan sắc tương đối mặn mà của mẹ, còn tính nết ra sao, chỉ có trời biết. Một chiều, nghỉ việc sớm. Tôi thơ thẩn trên sân đình. Mận đến, nói: "Má cháu bảo đem biếu chú trái dưa hấu đầu mùa." Và đặt trái dưa xuống bậc thềm.
Tôi nói: "Tránh chỗ đó. Coi chừng mái hiên sập xuống bất cứ lúc nào." Chúng tôi vòng ra đứng trước tiền đình, cửa chính. Mận nhìn cánh cửa, mối mọt hư hao: "Cái đình này, ghê quá." "Cháu có vào bên trong bao giờ chưa?" "Hồi nhỏ, cháu thường vào mỗi khi có dịp cúng đình. Nghe nói Thần đình được sắc phong của vua. Sắc đựng trong cái hộp gỗ, để bên cạnh bức tượng." "Mình vào coi thử đi." Tôi mở cửa chính điện. Bụi thời gian lả tả, rơi đầy trên tóc trên vai. Mùi cứt dơi xông nồng lên mũi. Nền đình lót gạch Tàu, bản lớn. Dấu chân chúng tôi in trên màu bụi xám. Ánh sáng bên ngoài hắt qua cửa chính mờ mờ, đủ nhìn thấy bàn thờ, và bức tượng. Hai tấm liễn màu đỏ rủ xuống hai bên, viết bằng Hán tự. Bụi phủ, nhện giăng. Tượng Thần không lớn mà uy nghiêm. Hộp đựng sắc vua phong làm bằng gỗ mun, được che bởi miếng vải lụa điều. Tôi giở miếng vải lụa. Trên nắp hộp có khắc hình một con rồng khảm xa cừ.
Tôi toan mở, Mận ngăn: "Không được." Tôi quay lại nhìn: "Sao không?." "Chẳng phải ai cũng có thể mở hộp ra coi được đâu." "Vậy, ai có thể mở?" "Cháu nghe nói, chỉ những vị chức sắc phải làm lễ xin phép Thần, trước khi mở hộp." "Những vị chức sắc, bây giờ ở đâu?" "Không biết." Mận đứng nép vào tôi, ngó dáo dác chung quanh. "Mình đi ra, chú. Vào đây, cháu thấy sờ sợ." Vì tôn trọng tín ngưỡng và tập tục lễ nghi của ngưới đời trước, tôi không mở hộp để coi sắc phong thần vua ban, Tôi nói: "Mai cháu đem cây chổi cho chú mượn. Chú muốn quét dọn bên trong ngôi đình." "Không. Đừng động đến mọi vật bên trong." Chúng tôi ra tới cửa chính. Bất ngờ, thấy chị Ba đứng sẵn nơi tiền đình. Tôi gọi: "Chị Ba." Như thay thế một lời chào. Mặt chị có vẻ khác thường: "Các người làm gì trong ấy?" Mận nói: "Chú định coi sắc vua." "Hừ... Sắc vua?" Chị nắm tay Mận lôi về. Không thèm ngó đến tôi. Tôi gặp lại Ba Canh ngoài bãi, hôm sau. Anh không nói gì.
Thái độ rất lạnh. Không chịu nổi sự im lặng của anh, tôi lên tiếng hỏi: "Chị Ba có nói với anh điều gì về tôi?" Anh ngừng tay làm việc, rút thuốc ra hút, và đứng suy nghĩ. Mãi lâu sau, anh nói: "Tôi quý chú em, coi như người nhà. Không ngờ, chú tệ quá." Anh thở dài. "Nhưng chị nói những gì?" "Những gì, chú cũng biết rồi. Con Mận còn khờ. Chú là người hiểu biết. Miếu đình là chốn linh thiêng. Sao lại đem nhau vào trong ấy làm... bậy? Không sợ Quỷ Thần quở phạt?" "Có phải chị Ba thêu dệt chuyện này?" "Ai dám thêu dệt chuyện động trời như thế." "Anh chị đã hỏi kỹ lại con Mận chưa?" "Nó chối. Khóc kêu oan. Làm sao nó có thể nhận một hành động tồi bại?" Tôi gắt: "Anh cũng tin lời chị sao?"
"Không tin vợ thì tin ai?" Nếu vợ tôi không bắt gặp tại trận, chỉ nghe lời đồn, thì cũng khó tin được." "Bắt gặp tại trận thế nào?" "Chú là người trong cuộc, chú biết rõ hơn ai hết. Tôi không nói là vì còn nể mặt nhau." Tôi muốn đấm ngực, than trời. Mận khóc, kêu oan. Còn tôi, kêu với ai? Đính chính thế nào? "Bây giờ anh tính sao?" Tôi hỏi. "Chuyện xảy ra quá đột ngột, tôi chưa biết đường nào giải quyết. Đàn bà nhiều khi sáng suốt hơn mình. Vợ tôi nói, không nên làm ồn lên vụ này, vì danh dự của chú và con Mận. Nó phải giữ danh giá để mai kia còn lấy chồng nữa. Chú nên rời khỏi Tầm Lanh, cắt đứt ngay mối tình vụng trộm này." Cái câu, chú nên rời khỏi Tầm Lanh, làm tôi hiểu rõ ý định của chị Ba.
Chị không hiểu lầm. Chỉ vì không muốn tôi còn lảng vảng quanh đây, sợ một lúc nào đó, tôi sẽ tiết lộ cái đêm trăng cũ, có lần chị đến mái lậu liêu. Nếu lần ấy, tôi đồng tình với chị, thì hai người cùng giữ bí mật. Và chị cũng không cần phải dựng đứng lên một điều không có thật giữa tôi và Mận. Bây giờ, dù tôi có vạch rõ âm mưu của chị Ba, thì anh Ba Canh cũng sẽ cho rằng tôi đặt điều bêu xấu vợ anh, để chạy tội cho mình. Tôi nói: "Anh Ba, mai tôi rời Tầm Lanh theo ý của chị. Xin anh nhắn với chị rằng, vì muốn bảo vệ danh giá của mình, chị đã vu oan cho tôi và con Mận." "Vu oan? Tôi không nghĩ thế. Và cũng không hiểu chú muốn nói cái gì?" "Hiểu sao được, khi anh đang sống ngọt ngào trên lưỡi dao cạo? Tôi và con Mận đã bị đứt tay rồi. Không biết chừng nào tới anh?" Trên chuyến xe rời Bến Củi, tôi thấy Mận đứng dưới mái hiên, ngùi trông theo. Chẳng biết Mận có khóc hay không. Bóng xế hắt hiu trên đầu cây sao già. Ngôi đình vẫn im lìm như ngày tôi mới đến. Ba năm. Cây rừng Tầm Lanh mọc rễ trong tôi. Tôi nhổ gốc ra đi. Không có ai vẫy tay làm đưa tiễn.
Lâm Chương      

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #13 - 03. Nov 2007 , 22:34
 

   LÀNG XƯA XÓM CỦ;
Mme Ngôhoahong.gif:
Chí-Hoà Hoà Hưng

Hổng hiểu sao lại chia ra Chí-Hoà và Hoà-Hưng vì có vẻ như cả hai địa danh ni là cùng một vùng. Nếu quả thiệt là hai vùng khác nhau thì không rõ ranh giới phân chia bắt đầu từ khúc nào? Chí-Hoà Hoà Hưng chạy dài theo dường Lê Văn Duyệt Sài gòn (khác với đường Lê Văn Duyệt Gia Định có Lăng Ông Bà Chiểu) Giới hạn bởi hai đầu, đầu trên là Công trường Dân chủ, và đầu dưới là nghĩa địa Đô-thành.
Vị thế :
Công trường dân chủ đúng ra chỉ là một bùng binh sáu nhánh.
Đường Lê Văn Duyệt bị cắt ngang nơi đây nên nó chiếm hết hai nhánh, những nhánh còn lại là Trần Quốc Toản, Yên Đỗ, Tú xương. Nhánh cuối cùng thiệt nhỏ và thiệt ngắn là ngõ tắt trổ thẳng vào đường Phan Than Giản (có nhà thương Bình Dân) mà tui quên tên mất rồi!
Cũng trên đường Phan Thanh Giản này có trường trung học Áo Tím Gia Long của cô Hoàng Lan Chi và có chùa Xá-Lợi. Tui đã từng là dân canh me (đứng toòng teng dưới gốc cây để chờ ... me rụng) ăn hàng chuyện nghiệp tại đây, từ gỏi thu đủ khô bò cho tới đậu đỏ bánh lọt. Ăn xong thì nhào vô chùa lễ Phật và ... thành tâm xám hối! Riêng chuyện ngôi trường con gái ni của cô HLC thì để cổ kể cho mình nghe mới thập phần hấp dẫn.
Cũng tại cái bùng binh ni có dinh của ngài trung tướng Mai Hữu Xuân, nằm giữa hai đường Tú Xương và Yên Đỗ. Đường Tú Xương có Ký túc xá sinh viên Mai Khôi của các cha dòng Đắc-Lộ, có trường Regina Pacis và sau này có thêm trụ sở Caritas.
Đường Yên-Đỗ ngắn thôi, có con hẻm nhỏ là nơi Học giả Nguyễn Hiến Lê sống lặng lẽ với bà vợ thứ, nó cũng có đường Kỳ Đồng đổ vào.
Đường Kỳ Đồng với nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của các cha dòng Chúa Cứu Thế, tui kêu nó là nhà thờ trắng vì nó sơn trắng để phân biệt với một nhà thờ khác có tên nhà thờ hồng sẽ nói sau. Nhà thờ ni có ông cha trẻ Nguyễn Ngọc Lan hùng biện hết ý. Sau này nghe nói cha Lan ‘vào đời’ chống chánh phủ, một thời gian sau thì ổng vứt mẹ nó cả áo dòng mà tà tà đi lấy vợ. Cũng lại nghe nói vợ ổng là người say mê những bài giảng của ổng rồi bả a lê hấp bưng ổng về làm màn nâng khăn sửa cà vạt luôn cho gọn việc sổ sách! Tui đã theo những khoá cấm phòng tại nhà thờ ni vì ... ham vui, nhưng tui cũng đã thành tâm nghe kinh cầu Đức mẹ hằng cứu giúp để thấy lòng được yên ủi.

Đầu giới hạn dưới của CH-HH là Nghĩa địa Đô Thành. Đối diện nghĩa địa nầy là một trại lính. Tiếp cận với nghĩa địa là một con đường nhỏ dẫn vào cư xá sĩ quan Chí Hoà, y hình tên nó là đường Bắc Hải thì phải (?). Tại nghĩa địa ni con cousin cà chớn của tui bị thằng kép đưa vào làm màn hăm dọa, hễ bỏ nó thì bỏ xác luôn lại đây. Con ni ớn quá nên phải xuất giá vu qui, khóc như cha chết mẹ chết mà lết về nhà chồng. Chồng nó là một thằng pháp kiều (lại kiều, chán quá xá !) gốc Pakistan, thằng ni sau về làm giám đốc hãng sữa Foremost ở Thủ-Đức và nhờ vậy tui được đớp cà rem hộp mệt nghỉ.

Qua khỏi nghĩa địa thì đường Lê Văn Duyệt biến thành LVD nối dài (nối thêm thì phải dài ra là cái cẳng) và là bắt đầu giang sơn của các vị anh hùng Lê Nguyễn Hiệp, Trò Tê vv...
Tui hiền lành hổng dám phiêu lưu, thành ra cứ tới nghĩa địa là tui thắng cái két rồi gài số de liền. Chuyện ba cái giáo xứ ông Hiệp kể ra thì tui bù trất, trừ xứ An-Lạc. Tui có vào đây một lần để thăm một bà cô họ và đi lễ với bà. Than ôi, họ đọc kinh bằng tiếng chi mà tui hổng hiểu, nó cứ ê a dài dằng dặc, bao nhiêu ông thánh bà thánh được họ lôi ra hết đặng xin cầu bầu tuốt luốt (cầu vậy cho chắc ăn, khỏi có màn bên trọng bên khinh mất lòng ai ráo !)

Chi tiết :
Từ bùng binh đi ngược xuống nghĩa địa Chí Hoà, bên tay phải là Quân vụ thị trấn, có xe quân cảnh lúc nào cũng hằm hè xét giấy (trốn lính) hay hốt mấy ông lính leo rào quá hạn phép (người ta nói bị phạt trọng cấm, nghĩa là bị giam, nói nôm na là lãnh củ, mỗi củ tương đương một ngày) Đối diện Quân vụ thị trấn là một khu nhà khang trang theo kiểu townhouse của công chức trung lưu (xin đừng lộn nó với cư xá công chức). Xích xuống chút nữa cũng bên phải là con đường cụt dẫn thẳng vào khám Chí-Hoà. Đầu con đường này, chỗ ngã ba có một tiệm phở bắc, lúc nào cũng đông khách. Trên đường ni có cư xá công chức. Tui phải nói thêm về cái cư xá ni. Tưởng tượng vầy ha, giữa Sài Gòn hoa lệ chật hẹp đông đúc thinh không có cái ốc đảo vuông vắn đầy những vi-la mát rượi, hướng vào chính giữa là một công viên rộng. Dân của cư xá phần lớn là công chức cao cấp. Gần cư xá ni có một quán cà phê nhỏ. Ông chủ quán chạy xe gắn máy Goebel tóc mây bềnh bồng và đeo kiếng râm 24/24... người thì thậm xấu hát thì thậm hay ... ông ấy chính là ca sĩ Ngọc Long đó và ông ấy hát bài Lệ Đá Xanh tuyệt lắm lận ! Xéo xéo quán phở phiá bên kia là một căn nhà nhỏ có giàn bông giấy đỏ, nhà tui đó nha. Ông Hiệp đã từng qua lại trước nhà tui cả hơn 2000 lần, nhưng vì ... vô duyên đối diện bất tương phùng, thành ra tui hổng hân hạnh quen biết ổng, dám có vụ uýnh lộn đôi lần với ổng tại ngay xe nước đá bên hông chùa Xá lợi vì chuyện canh me hổng chừng ha ông? Trên đường Lê Văn Duyệt, qua khỏi đường Chí Hoà, đối diện phiá bên kia có một cái nghĩa trang nhỏ mang tên Nghĩa trang của Người Hồi Giáo. Ngay cổng nghĩa trang ni thấy có vài gia đình Hồi giáo ở, nhìn cách ăn mặc y hình họ gốc chà dà pakistan thì phải (thằng anh rể Foremost của tui dám ba má nó đứng chần dần ở trỏng hổng chừng) Đi xuống nữa thì tới rạp cinê Thanh Vân, cạnh rạp TV là phòng mạch ông BS Nguyễn Văn Phúc. Ông khám bệnh kỹ lưỡng, chỉ cho toa khi cần, ông không mị dân nên rồi không được tiếng mát tay, khách hàng nghèo ông khám miễn phí luôn. Ông đã là thần tượng của tui và chính ông đã mở đường cho tui đi vào y nghiệp sau này. Đối diện rạp TV là một quán tạp hoá sách vở học trò và chuyên cho mướn truyện. Từ đây tui đã rinh về nhà biết bao là bí kiếp thần công rồi bế môn tu luyện. Có lần luyện kỹ quá nên tẩu hỏa nhập ma, sáng sau quên cả đi thi, dĩ nhiên là ăn roi mây quắn đít! Cạnh quán sách có con hẻm sâu, tận trong cùng là trường tiểu học Chí Hoà. Cổng sau của trường này dẫn thông sang hàng loạt những ngõ ngách hẹp khác rồi dẫn thẳng ra đường Chí Hoà có cái cư xá công chức nói ở trên. Xích xuống chút nữa cùng bên với rạp hát TV là một cái hẻm khác, đầu hẻm có xe đậu đỏ bánh lọt của vợ chồng một ông tàu, lúc nào cũng đông khách vì ngon hết ý. Sau này lại có thêm bà bán bánh cay. Bánh cay làm bằng khoai mì xay nhuyễn trộn ớt rồi dùng muỗng cà phê dích một miếng nhỏ thả vào chảo dầu sôi chiên cho vàng. Trờiii ... nhớ lại còn chảy nước miếng. Đối diện bên kia là đầu đường Tô Hiến Thành. Đường ni có chợ Chí Hoà và nó dẫn ra tới đường Nguyễn Tri Phương nối dài. (Lại nối dài nữa. Hồi trước thì Đường NTP chạy từ ngã sáu chợ lớn đụng Trần quốc Toản là hết, sau mở thêm đường thành ra lại nối cho dài là vậy. Có cái chợ cá tên là chợ cá TQT. Viện Hoá Đạo nằm ngay góc Nguyễn Tri Phương-Trần Quốc Toản này) Qua khỏi đường Tô Hiến Thành là chợ Hoà Hưng. Chợ Hoà Hưng không khang trang bằng chợ Chí Hoà nhưng sầm uất hơn, có lẽ vì đường Lê Văn Duyệt lớn hơn đường Tô Hiến Thành chăng ? Hai cái chợ ni có con hẻm thiệt nhỏ phía sau lưng ăn thông với nhau, mùa mưa đi chợ bùn dích văng tới cả tóc ! Tại chợ Hoà Hưng tui đã gặp mối tình đầu. Tui ra đó mua bún và tầu hũ chiên cho mạ tui xong là xề qua xạp bán hoa gần đó. Yên chí , tui chỉ yêu hoa thôi còn bà bán hoa thì tui hổng dám đụng tới, bả dữ tàn mạt luôn. Có muốn ngắm chi thì cũng ngắm xa xa thôi nha, tới gần xạp quá bả xua như xua tà. Mà trời ơi ngắm bông thì tui ngắm hoài hổng chán, thành ra có lúc tui toan tính nữa lớn mượn tiền sang cái xạp rồi ngồi chồm hổm bán bông, vừa có nghề sanh nhai vừa tha hồ dòm đã con mắt ! Cuối chợ Hoà Hưng là một đống rác. Má ơi bự kinh khủng, nhứt là về chiều. Rác rến từ trong chợ được lôi hết ra đây. Ngay cạnh đống rác là tiệm phở bắc Tương Lai của một cặp vợ chồng bắc kỳ thiệt cũ (45 hổng chừng) Buôn bán kiểu đó thì dĩ nhiên ế ẩm hổng khá. Sau này ông bà chủ dẹp tiệm phở xoay nghề bán nồi niều xoong chảo thấy cũng phát đạt. Đối diện chợ là phòng mạch của BS Trần Minh Tùng, ông ni sau thành tổng trưởng y tế trong chánh phủ Nguyễn Văn Thiệu. Gần phòng mạch là tiệm thuốc tây của một bà già Bắc cực kỳ sang trọng. Bà có hai thằng con trai du học từ tây về, thằng nào thằng nấy lầm lì ít nói, hổng gentlemen mẹ gì ráo ! Sau tiệm ni bán lại và biến thành chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng của Nguyễn Tấn Đời Qua khỏi chợ Hòa Hưng là con hẻm bự có tên Cống Bà Xếp. Trong Cống Bà Xếp ni có trại gia binh (hạ sĩ quan) và có ga Hoà Hưng. Hồi chiến tranh leo thang, xe lửa được Mỹ trưng dụng vào việc chuyên chở nhân công làm sở Mỹ từ SG đi Long Bình. Chuá nhựt mô hổng có bài vở ngặt nghèo, tui cùng mấy thằng em họ nhảy xe lửa sáng đi chiều về, xuống tuốt Biên-Hoà ngoạn cảnh. Từ hẻm Cống Bà Xếp ni nếu đi hoài thì ra tuốt đường Kỳ đồng, cũng có một con hẻm khác rộng rãi khanh trang tiếp nối đâu gần đó, dẫn ra cổng xe lửa số sáu Trương Minh Giảng và ra tới y hình cả đường Nguyễn Huỳnh Đức tuốt bên Phú Nhuận nữa, nếu tui hổng lầm. Cùng bên đường vào Cống Bà Xếp là một cây xăng bự, y hình đây là cây xăng duy nhứt trong vùng thì phải. Buối tối trời nóng con nít ra đây chơi rần rần và mua nước đá nhận ở mấy cái xe do Các-chú đẩy tới bán. Đối diện cây xăng phía bên kia là một con hẻm khác của giới trung lưu. Nhà cửa trong con hẻm ni khang trang rộng rãi hơn. Cạnh con hẻm là một ngôi biêt thự thiệt lớn cây cối um tùm của hai ông dược sĩ đã nói ở trên, sau này nó thành hãng bào chế thuốc. Cạnh hãng bào chế thuốc là một ngôi biệt thự mới và nhỏ. Biệt thự ni là của cặp Nguyễn Xuân Oánh –Thẩm Thuý Hằng. Thỉnh thoảng người đẹp Bình Dương xuất hiện đi chợ, có bà người làm cắp giỏ phía sau. Con nít người lớn hiếu kỳ theo rần rần như đám rước đèn vậy. Tui có lần đang ngắm bông thì gặp nàng tới mua bông. Đố bạn vậy chớ bông thiệt và bông biết nói tui ưa cái nào hơn và tại sao ?? Nói trúng có thưởng đàng hoàng. Xích xuống dưới chút nữa là nghĩa địa, đối diện bên kia là một trại lính tui hổng nhớ tên, y hình trại Hoàng Hoa Thám thì phải.
Chí-Hoà Hoà-Hưng tới đây là giang san chấm dứt.
Nói thiệt thì tui ở đây cũng lâu nhưng hổng quen ai chi nhiều vì tui bận quá xá, hễ hổng học là tui lo luyện chưởng (bộ nào tui luyện cũng nhuyễn nhừ hà) cuối tuần thì mắc ra thăm xạp bông còn không thôi nhảy xe lửa xuống tuốt Biên Hoà. Tại Biên Hoà tui gặp mối tình thứ nhì (cũng lại là hoa nhưng hoa dại) Sau này khi chuyện bút nghiên của tui tuột dốc thì ba tui sắm cây roi mây để sẵn góc nhà. Tui vốn nhát hìu thành ra đành giã biệt sân ga, giã biệt luôn cả cô hàng cho mướn truyện. Thì buồn chớ sao, nhưng hổng buồn bằng cái bữa ra chợ hay tin xạp bông đã sang lại cho bà bán bún chả. Xạp bông thì còn dòm cầm hơi rồi thấy mình quí phái hẳn lên, chớ xạp bún chả thì trần tục quá, mà ra đứng xớ rớ ngó không cũng kỳ !

Bây giờ thì tui đang ở ngoại quốc. Tui ra ngoại quốc sống đã lâu mà in hình chưa hề nhớ cảnh nhớ nhà. Tui bận lu bù hổng rảnh nên rồi ba cái đó tui kỵ vì nó tốn kém năng lượng lãnh nhách. Tui đang mắc chăm chỉ hướng về tương lai. Vậy rồi thinh không cũng tại ông Hiệp mà bữa nay tui ngồi xuống viết về quê cũ. Có thiệt là tui nhớ nhà không vậy cà ? Tui ngờ là không. Quê cũ nó hổng phải là của mình nữa rồi. Hổng phải tui nói đâu nha ông Hiệp, ông già tui nói đó. Mỗi năm ông mỗi về, thời gian ông ở lại rút ngắn từ từ, hồi đầu 6 tháng, rồi 5 tháng rồi 4 tháng ... lần cuối thì ông đổi vé máy bay và trở qua một tháng sau. Về quê hương mà như lạc tinh cầu. Ngó chừng ông kỳ vọng quá nhiều ở quê hương chăng nên rồi ông thất vọng ? Hay vì ông già rồi nên lẩm cẩm hổng chừng ?...
Ôi, cố hương nan khứ hựu nan qui ! ...



Người gửi: Mme Ngo
Người đăng: Tí Lười
Người sửa: TVMT;

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
tuyet_ngo
Gold Member
*****
Offline



Posts: 912
Re: ĐẤT NƯỚC TÔI
Reply #14 - 09. Jan 2008 , 21:44
 
CHỐNG AI? AI CHỐNG? BÂY GIỜ CHỐNG AI? (cùng với tâm sự người Assyrian)

Mai Ly
Tâm Thức Việt Nam
January 8, 2008


Trong không khí sôi sục của những cuộc biểu tình đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa, tôi thật hoang mang. Chống ai? Để đạt được điều gì? Và trong khi chống đối thì ai sẽ chống người chống đối? Rồi sau đó chuyện gì sẽ xẩy đến cho mọi phía liên quan trong cuộc chiến này ?

Cách đây hai tháng, trong một buổi hội thảo bỏ túi về các nền văn minh của các sắc dân tại Úc, vào giờ giải lao, một cô bạn người Assyrian đã cùng tôi ngắm nghía bản đồ thế giới. Cô buồn bã tâm sự như thể tiếp tục cuộc hội thảo với cá nhân tôi mà thôi: “Chị thấy không, trên bản đồ thế giới, không có nước của người Assyrians chúng tôi. Chúng tôi đã bị mất nước từ nhiều thế kỷ nay và hiện nay chúng tôi sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở vùng Trung Đông như Iraq, Iran, Syria v.v... Chúng tôi là người theo Thiên Chúa Giáo lạc loài trong khối người Hồi Giáo. Văn hóa chúng tôi đã lừng lẫy một thời với Babylon, Nineveh, và những chứng tích lịch sử trong Kinh Thánh, phần Cựu Ước, cho đến thời Chúa Giêsu giáng trần. Nước chúng tôi nằm tại một phần trong nước Iraq bây giờ. Nhưng, hiện nay chúng tôi không có một tấc đất nào thuộc về người Assyrian chúng tôi nữa.

Nghe qua bài nói chuyện của chị về nước Việt Nam, tôi khâm phục dân tộc Việt Nam, thật nhỏ bé bên cạnh nước Trung Cộng khổng lồ, mà sao các bạn duy trì được mảnh đất ấy cho đến ngày nay.

Nhưng mà, với cái đà bành trướng của Trung Cộng hiện nay, coi chừng họ chiếm nước chị đấy. Thương cho dân chị trong nước, họ không làm gì nổi đâu. Tôi đã sống ở Iraq dưới thể chế độc tài của Saddam Hussein, nó tàn ác và tham nhũng, hại dân hại nước y như CSVN, nên tôi rất hiểu dân tộc chị. Trong nước, người dân bị bó tay, đàn áp, như người Assyrian ở Iraq. Ngoài này các bạn phải giúp cứu họ khỏi tay độc tài để còn giữ gìn đất nước các bạn trước hiểm họa bành trướng của Trung Cộng. Đừng để con cháu các bạn không có đất sống như chúng tôi bây giờ. Đau đớn lắm. Và đó sẽ là do lỗi của người Việt hiện nay tại hải ngoại đã quá thờ ơ trước vận mạng đất nước. Hãy làm gì đi khi bạn còn có thể làm được. Since you can still do something, do it!”


Cuộc đối thoại cách hai tháng luôn âm ỉ trong tôi. Cho dù tôi cũng từng hiểu như vậy trước khi cô bạn tâm sự. Nhưng, một người bạn ngoại quốc, mà dân tộc cũng bi đát như dân tộc mình, lại tỏ lòng thương mến, lo lắng cho dân tộc mình, thì cái đau, cái thương cho dân tộc càng mạnh hơn.

Nỗi đau đớn này lại càng bộc phát mạnh mẽ từ vài tuần qua, khi theo dõi những diễn biến về Hoàng Sa và Trường Sa.

Đúng, Trung Cộng luôn hăm he xâm chiếm Việt Nam, một dải đất nhỏ xíu ở miền nam Trung Cộng. Đó là một sự thật hiển nhiên từ ngàn xưa. Mộng bá chủ hoàn cầu của Trung Cộng còn lan ra cả Âu Châu với những trận chiến trên dòng sông Rhein bến Đức nữa kìa. Và ngay cả hiện tại, Trung Cộng vẫn tiếp tục mộng bành trướng qua ngả kinh tế. Điều này quá hiển nhiên. Cả thế giới đều thấy.

Đúng, dân Việt Nam oai hùng đã giữ vững được dải đất của cha ông.  Lịch sử Việt Nam từ ngàn xưa đã ghi biết bao chiến công hiển hách từ Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung v.v... Điều này cũng quá hiển nhiên.

Đặc biệt, riêng đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì hải quân VNCH đã đổ máu đào để bảo vệ vào năm 1974. Con dân Việt Nam tại miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh chống cộng sản, đích thật là con cháu dòng dõi hiển hách trong sứ mạng giữ gìn tấc đất tấc vàng của dân tộc Việt Nam, của tổ tiên cha ông để lại.

NHƯNG, NHƯNG, NHƯNG.......


Tiếc thay, một nhóm người cũng mang dòng máu oai hùng đó đã đi ngược lại kỳ vọng của cha ông.

Ngày 14.9.1958, CSVN đã ký công hàm xác nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Hoàng Sa và Trường Sa. Một sự công nhận có nghĩa là một sự dâng hiến, trao tặng. Người ký là Phạm Văn Đồng, người chủ xướng là Hổ Chí Minh. Người nhận là Chu Ân Lai.

Hồ Chí Minh nghĩ sao mà lại xác nhận chủ quyền của Trung Cộng vậy? Chỉ có thể cắt nghĩa như sau:

-        Trong cuộc chiến chống miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa (1954-75), phần đất này thuộc Việt Nam Cộng Hòa vì ở dưới vĩ tuyến 17. Cứ tưởng tượng như hai miền Nam bắc là hai anh em trong nhà Việt Nam. Bắc cho hàng xóm Trung Cộng cái phần của Nam thì cũng chỉ là cho cái mà bắc không có, thì, Bắc có mất mát gì đâu? Nghĩa là: Hፊ?? Chí Minh đã vô tâm, vô tình đối với tài sản của tổ tiên. Hồ Chí Minh chỉ một mực muốn tiếp tay với cộng sản quốc tế để bành trướng chủ nghĩa cộng sản tại vùng Đông Nam Á mà thôi. Tổ tiên Việt Nam, đất đai tổ quốc? Họ Hồ chẳng quan tâm. Vậy là kể từ ngày ấy, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Cộng.

Kể từ ngày ấy, dânViệt Nam đã mất hai quần đảo đang có nhiều triển vọng phát triển về dầu hỏa, một tiềm năng không thể đo lường được.

Đọc đến đây, người viết mong rằng, ai còn mảy may chút ít cảm tình với Hồ Chí Minh, nhất là người dân trong nước (bị bịt mắt trước sự thật về họ Hồ), và những bạn trẻ hay những người “thờ ơ” ở nước ngoài (vì quá bận rộn với chuyện học hành hoặc công ăn việc làm), chắc phải nhận ra rằng: Ồ, vậy là Hồ Chí Minh đã bán nước, CSVN đã bán nước. Đích thật CSVN đã và đang làm hại dân tộc Việt Nam, phản bội cha ông, phản bội tổ quốc.

CSVN hiện nay biện minh hành động bán nước này là (nguyên văn): "Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Cộng, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng hai quần đảo nói trên."

Câu nguỵ biện này thật trơ trẽn, bởi vì vào thời điểm 1958, người Mỹ đâu đã tham gia cuộc chiến Việt Nam. Thời điểm đó chỉ có quân Bắc Việt xâm lấn miền Nam, dưới chiêu bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đánh lừa thế giới rằng chính người miền Nam đứng lên đòi “giải phóng” miền Nam.


Việc bán nước lần này (tức dâng hiến Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Cộng), một số thành phần CSVN vẫn còn chối là: công hàm của Phạm Văn Đồng  không giá trị, và chỉ do Trung Cộng đưa ra là bằng chứng để chính thức thiết lập nến hành chánh trên Hoàng Sa và Trường Sa mà thôi. CSVN nói là để nói, chứ chạy tội làm sao được bây giờ? Dù là Trung Cộng đã “nhận của từ kẻ cắp” thì “của” này cũng đã thuộc về Trung Cộng và CSVN dư biết điều đó. Vả lại, trong vài tuần nay, có thấy một nhân vật của đảng CSVN lên tiếng hay có hành động nào để đòi lại đâu.

Thế giới có can thiệp để đòi “của” này từ Trung Cộng thì cũng không đủ cơ sở. Một cuộc đối thoại giản dị sẽ là:

-         Quốc tế: Trung Cộng ơi, anh đã xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, xin anh vui lòng trả lại.

-         Trung Cộng: Tôi đâu có xâm chiếm. Việt Nam cho tôi mà. Bằng chứng rành rành đây này (TC đưa công hàm của Hồ Chí Minh do Phạm Văn Đồng ký) !

-         Quốc tế: Cái này là do Bắc Việt ký, mà Hoàng Sa và Trường Sa thuộc  Nam Việt, nên bản ký này không có giá trị. Hồi năm 1958, anh bạn Trung Cộng đã nhận “món quà” từ kẻ cướp rối anh ơi. Trả cho Việt Nam đi!

-         Trung Cộng: Ủa mà trả cho VN thì tôi lại trả cho thằng cướp à? Vì bây giờ Bắc Việt làm chủ đất nước mà. Tôi trả cho thằng cướp thì vô lý quá. Nó đã cho tôi rồi thì tôi giữ, dù là của thằng cướp.

-         Quốc Tế: Vậy thì khi thằng cướp bị dẹp đi, khi Việt Nam có một chính phủ của dân Việt Nam, chính thức được toàn dân công nhận thì anh có trả không?

-         Trung Cộng: Lúc đó tính sau. Nhưng bây giờ thì dứt khoát không tính toán gì hết. Vì tôi không trả thằng cướp.

-         Quốc Tế: Trả thằng cướp thì chúng tôi cũng chẳng giúp được. Khi nào có một thể chế do dân bầu, theo ý dân, trong tự do dân chủ thì quốc tế chúng tôi sẽ đòi lại giải đất này của anh (Trung Cộng) để mà giao lại cho họ (Việt Nam). Thế mới là công lý, công pháp quốc tế là thế đấy, anh (Trung Cộng) không thể giữ Hoàng Sa và Trường Sa khi Việt Nam có một chính phủ do dân bầu ra đâu nhé. Wait and see!!!

Vậy thì, trong tình thế hiện này, khi Hoàng Sa và Trường Sa được CSVN tặng cho Trung Cộng, nguời dân Việt trong và ngoài nước, mang danh dòng máu oai hùng của cha ông, sẽ phải chống ai? Xin trả lời ngay:

Trước hết phải chống CSVN bán nước.


Ai sẽ chống chúng ta, những người đang chống CSVN bán nước?

Đầu tiên hết chính là đảng CSVN. Họ sẽ bảo là: dân Việt Nam phải đoàn kết trước hiểm họa xâm lấn của Trung Cộng. Bây giờ không phải là lúc chia rẽ. Cờ đỏ, cờ vàng, đừng đối chọi nhau nữa, cùng là dân Việt, máu đỏ da vàng cả mà !!! Cứ giành lại được đất đi rồi anh em trong nhà tính sau !!!

Xin thưa : Một người thờ ơ nhất trong toàn khối dân tộc Việt Nam, trong và ngoài nước, nếu không phải là một cán bộ cộng sản (còn u mê và còn bám víu vào chế độ để mưu cầu tư lợi cho cá nhân và gia đình mình) đều thấy: đoàn kết với kẻ cướp thì dù có lấy lại được của thì rồi của đó cũng sẽ mất sau này. Bằng chứng là sau khi Phạm Văn Đồng lén lút ký dâng hiến Hoàng Sa Trường Sa từ thập niên 50, CSVN vẫn tiếp tục bán nước, bán Ải Nam Quan, bán Thác Bản Giốc. Và còn bao nhiêu văn bản ký kết bán nước mà hiện nay người dân vẫn chưa được biết.

Chẳng lẽ cứ mỗi lần một bản ký lén lút bị « xì » ra, chẳng lẽ cứ mỗi lፊ??n Trung Cộng tuyến bố lập cơ cấu hành chánh trên một giải đất mà CSVN đã bán lén lút (như trường hợp Hoàng Sa Trường Sa), thì người dân Việt Nam trong và ngoài nước lại phải rầm rộ oai oái đòi lại sao? Mà có đòi được không khí chính CSVN, đại diện cho dân, đã chính thức, nhưng lén lút người dân, đem tặng cho Trung Cộng rồi ? CSVN coi thường người dân, điển hình là họ đã thờ ơ khi Trung Cộng bắn giết ngư phủ Việt Nam vì các ngư phủ này đã đánh cá trên phần biển « của Trung Cộng » mà họ không biết.

Kẻ chống những người chống CSVN (thay vì chống Trung Cộng )  trong vụ Hoàng Sa Trường Sa, còn là những bàn tay nối dài của CSVN tại hải ngoại. Điển hình là những kẻ chủ trương cờ đỏ cờ vàng đề huề sánh vai nhau, hoặc là chủ trương bỏ hết cờ đi, có đi biểu tình thì chỉ đi tay không, cùng lắm là cầm các biểu ngữ chống Trung Cộng, chứ chẳng cần các biểu ngữ chống CSVN, vì sẽ lại …..gây chia rẽ !!!!

Nhóm này khuyến khích đồng bào hải ngoại chỉ biểu tình trước các toà đại sứ, các tòa lãnh sự Trung Cộng, đừng đến các toà đại sứ lãnh sự CSVN, vì sẽ lại…. gây chia rẽ !!!!. Họ đang ra riết kêu gọi chống Trung Cộng, nhưng không muốn « mở mắt » cho người dân về việc toàn dân Việt Nam bị CSVN lừa dối, bởi vì, chính họ cũng chưa mở mắt để thấy cái tội tầy trời bán nước hại dân của CSVN, một cái tội trên muôn vàn tội ác của CSVN đối với người dân Việt cả hai miền Nam Bắc.

Lại nữa, khi người dân Việt chỉ chống Trung Cộng mà không chống CSVN thì kẻ hưởng lợi nhất là cũng chính là CSVN !!!

Chả gì, làm như vậy thì cái tội bán nước « được » che lấp đi. Người dân oán Trung Cộng chứ đâu có oán CSVN ! Vậy thì CSVN vẫn ngang nhiên đứng vững trên ngôi cai trị đại diện cho người dân. Mọi sự thương thảo sẽ phải thực hiện với CSVN, đại diện cho người dân Việt Nam !!


Và kẻ được hưởng kế tiếp lại chính là Trung Cộng vì, khi «thương thảo » với đàn em nhu nhược, kẻ đã cho mình một cách lén lút thì sau này, chính kẻ ấy (CSVN) cũng sẽ lén lút cho tiếp những giải đất khác !!! Đó là chưa nói đến những công hàm mà CSVN đã từng ký lén lút (nhưng chính thức) mà dân Việt Nam chưa được biết.

Nhìn sắc tộc bạn, những người Assyrian, đang sống tại Úc, tại Hoa Kỳ, rải rác khắp nơi trên thế giới như những người tỵ nạn, chủ yếu từ Iraq, người Việt đang cảm thấy trùng lòng. Còn người Assyrian ở Iraq, mặc dù sống trên dải đất của cha ông, cũng không được sống như là người Assyrian. Họ hoàn toàn bị trị và cô lập. Thế hệ này qua thế hệ kia, họ phải nói tiếng Ả Rập và phải chấp nhận văn hóa Ả Rập. Họ vẫn còn duy trì nòi giống được là do tôn giáo (Assyrian Catholic - đạo Thiên Chúa giữa vùng Hồi Giáo) và bằng ngôn ngữ riêng của họ, tiếng Assyrian, mà con em họ ngày nay may ra chỉ còn nói chứ đa số không biết đọc hay viết.  Người Assyrian đã không còn một đất nước, không còn một quốc gia của họ, một quốc gia đã từng mang tên Assyria, lừng danh trong Cựu Ước, một quốc gia đã bị mất vì những sự xâm chiếm của các nước chung quanh (2400BC-612BC). Ngoài ra họ còn có một lá cờ riêng, màu trắng với hai dòng sông, sông Tigris và sông Euphrate, ôm gọn dải đất của nước Assyria ngày xưa, mà nay không còn nữa. Họ đau buồn, nhưng không oán cha ông, vì nước họ bị các ngoại bang hùng mạnh xâm chiếm, tương tự như bao nhiêu nước khác trên thế giới không còn hiện hữu nữa, trong đó có nước Chàm, xưa ở vùng mà nay là miền Trung Việt Nam.

Những người Assyrian hiện nay, tỵ nạn khắp năm châu, đang mòn mỏi chờ đợi ngày mà một chính phủ tại Iraq « khoan hồng » dành cho họ một dải đất nhỏ tự trị. Từ trên 20 thế kỷ nay họ chỉ mong thế thôi, một niềm mong mỏi khá vô vọng. Trên nét mặt và tâm tư của người Assyrian hiện nay luôn phảng phất nỗi u buồn của kẻ mất nước.

Còn đối với người Việt Nam máu đỏ da vàng, than ôi, kẻ bán nước ngày nay lại  chính là người cùng mang một giòng máu đỏ da vàng. Dù Trung Cộng có là kẻ luôn ôm mộng xâm chiếm xưa nay, nhưng lần này họ đã không tốn một giọt máu để có được Hoàng Sa và Trường Sa. Họ được CSVN dâng tặng mà.

Người Việt Nam còn đất nước, còn quê hương, còn tiếng nói, còn văn hóa. Tại sao lại phải nhìn từng mảnh đất bị dâng hiến cho quân Tàu ? Tại sao lại phải để cho một tập đoàn bán nước tiếp tục cai trị để rồi chúng sẽ còn tiếp tục bán nước nữa ?

Phải mau mắn dẹp ngay kẻ bán nước.


Cho dù chúng ta chưa thể giành ngay những dải đất đã mất, đang mất, và sẽ mất do CSVN lén lút ký tặng cho Trung Cộng, nhưng sau này, với một chính quyền hợp pháp, hợp lý, không bị áp đặt trên người dân như CSVN hiện nay, thì việc lấy lại những giải đất đã mất là một chuyện có thể thực hiện được. Quốc tế sẽ hỗ trợ,  người Việt trong và ngoài nước sẽ cùng nhau lấy lại được.

Vậy thì, điều đầu tiên trong cuộc chiến Hoàng Sa Trưòng Sa là phải giành ngay chính quyền cho người dân để chính quyền này sẽ lo cho dân. Chỉ một chính quyền dân chủ pháp trị mới có thể bảo đảm rằng những tội ác bán nước, tội ác tham nhũng (lên tới bạc tỷ đô la Mỹ của các chức sắc đang cầm quyền tại VN) sẽ không còn, vì chính quyền này phải biết lo cho dân thì mới tồn tại được qua các cuộc đầu phiếu.

Lúc này hơn lúc nào hết, một cuộc TRƯNG CẦU DÂN Ý để đưa đến một chính quyền cho dân, vì dân, là một điều CẤP BÁCH.

CSVN nếu muốn ra đi trong yên ổn, hãy sớm thực hiện điều này.

Ngoài 80 triệu dân Việt Nam trong nước, còn có 3 triệu dân Việt Nam hải ngoại luôn hướng về quê hương, mong ước xây dựng đất nước trong tự do dân chủ, ấm no, phú cường. Đây là một thực tế rất khả dĩ, dư sức thực hiện, một điều trong tầm tay của người dân Việt Nam trong và ngoài nước,

Vào thời điểm đầu thế kỷ 21 này NẾU,(MỘT CHỮ NẾU TO TƯỚNG CẦN ĐÁNH ĐỘNG LƯƠNG TÂM NGƯỜI CSVN tin rằng vì, là con người, họ vẫn phải còn lương tâm !!!), nếu CSVN chấp nhận trao quyền điều hành đất nước cho những người khá hơn, giản dị nhất là qua một cuộc trưng cầu dân ý.


Toàn dân Việt Nam không muốn thấy con cháu lạc loài như người Assyrian hiện nay, đau đớn lắm.



January 8, 2008
Back to top
« Last Edit: 10. Jan 2008 , 05:43 by tuyet_ngo »  
 
IP Logged
 
Pages: 1 2 3 ... 5
Send Topic In ra