Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Hoàng thành Thăng Long  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Hoàng thành Thăng Long (Read 1409 times)
dacung
Gold Member
*****
Offline


Thất bại lớn nhất
là sợ thất bại!

Posts: 1378
Hoàng thành Thăng Long
19. Nov 2007 , 10:49
 
Hoàng thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà Quốc hội mới
(phần 1)

2007.11.19
Nguyễn An, phóng viên đài RFA


Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội mới hiện đang là vấn đề nóng bỏng tại Hà nội, vào khi quốc hội khoá 12 đang họp.

...
Bản đồ Hội trường Ba Đình (Dự định phá để xây toà nhà Quốc Hội).

Nóng bỏng bởi vấn đề tưởng như đã giải quyết xong sau khi quốc hội khoá 11 đã quyết định, nhưng lại chưa xong vì “lòng dân vẫn chưa yên” như nhận định của đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khi quốc hội khoá 12 lại chưa bàn gì đến, và không biết liệu có bàn đến không.

Biên tập viên Nguyễn An xin trình bày toàn bộ câu chuyện về hoàng thành Thăng Long kể từ lúc bắt đầu cách nay đã 5 năm. Bài có sự đóng góp của nhà báo Bùi Tín
.

Từ cuối những năm 1990, nhà nứơc đã có chủ trương sẽ xây dựng hai toà nhà lớn là quốc hội và hội trừơng Ba Đình (mới) tại khu vực nằm giữa các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập và Bắc Sơn. Tại khu vực này, vốn đựơc gọi là Trung Tâm Chính trị Ba Đình có diện tích khoảng 57000 mét vuông, từ những năm 1960, đã có hội trường Ba Đình (cũ).

Chiếu theo luật Di sản Văn Hoá thì trứơc khi xây dựng các công trình lớn, phải tiến hành khai quật khảo cổ học. Do đó, Viện khảo cổ học đựơc phép tiến hành khai quật trên diện rộng khu vực này, và công tác bắt đầu đựơc thực hiện vào cuối năm 2002.


Hoàng thành Thăng Long

Khi công cuộc khai quật bắt đầu, chính xác là tại khu vực số 18 đường Hoàng Diệu, các nhà nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một phức hệ di tích và di vật phong phú. Vào tháng chín năm 2003, trung ương quyết định di chuyển kế hoạch xây dựng Hội trừơng Ba Đình (mới) sang khu Mỹ Đình và đổi tên thành Trung Tâm Hội nghị quốc gia, đồng thời chấp thuận cho tiếp tục khai quật khu đất dự định xây toà nhà quốc hội.

Tính cho đến giữa năm 2004, diện tích khai quật đã rộng tới 19.000 mét vuông, tức là chẳng những lớn nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam, mà cả trong vùng Đông Nam Á nữa. Hệ di tích phát hiện ra chính là thành Đại La từ thế kỷ thứ VII đến thứ IX, hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ XI đến XVIII và cả thành Hà nội vào thế kỷ XIX.

Nếu tính hoàng thành Thăng Long bắt đầu từ nhà Lý kéo dài đến Lê Trung Hưng, thì phải nói là khu di tích đựơc khai quật lên là những gì còn sót lại từ tiền Thăng Long, đến Thăng Long và Hà nội nằm chồng lên nhau.

Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam từng nhận xét rằng chưa từng có một công trường khảo cổ nào ở nứơc ta và khu vực mang một tầm cỡ như vậy, không những về quy mô, mà cả về tầm quan trọng. Ông dùng ngôn ngữ của Khảo cổ học mà nói rằng, ta đã nhìn thấy đựơc, sờ mó được, sở hữu đựơc một di sản văn hiến ngàn năm.

Ông nhấn mạnh: ”Sở dĩ một khu vực thôi mà có nhiều di tích đến thế là vì vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, vì ngày xưa chủ yếu chỉ san nền rồi xây lên, có đào móng trụ thì cũng chỉ trên dưới một mét cho các chân cột, nên các nền kiến trúc cũ đựơc lấp đi, [chứ không mất hẳn.] Vì thế, dù là phế tích, nhưng giá trị còn rất rõ.”

Hiện đã có hàng triệu hiện vật lịch sử đựơc tìm thấy, nhưng nếu được phép tiếp tục đào thêm, thì nhất định sẽ tìm thấy nhiều di tích quý hiếm hơn nữa.

Những tìm tòi sau đó đưa đến kết luận rằng khu vực đựơc khai quật tại 18 Hoàng Diệu chính là Cấm Thành, tức trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long. Ông Trần Quang Dũng, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa thành cổ Hà nội cho biết sẽ tiến hành lập hồ sơ công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di tích đặc biệt cấp quốc gia, và sẽ phát triển hồ sơ này để đề nghị UNESCO công nhận di tích này là Di Sản Văn Hoá Thế giới.

Nhà báo Bùi Tín hiện đang sinh sống tại Pháp, nhưng luôn quan tâm theo dõi những diễn biến tại quê nhà đã tóm tắt tình hình vừa kể như sau:

“Chúng ta theo dõi tình hình thì đều biết là vào cuối năm 2002, đến suốt cả năm 2003 qua đến cả năm 2004, thì các di tích lịch sử đã đựơc phát hiện ra và càng ngày càng đựơc chú ý bởi dư luận trong nứơc và ngoài nứơc.

Lúc bấy giờ thì ai cũng cho đây là một di tích cực kỳ quý hiếm, ít có nước nào còn giữ đựơc nguyên vẹn mấy lớp lịch sử đến như thế. Cho nên ai cũng mong là cái di tích này giữ nguyên, đựơc bảo quản tốt, và sẽ càng ngày càng đựơc đào sâu thêm lên để phát hiện nhiều những cổ vật mới.

Dư luận quốc tế cũng đã quan tâm, rất nhiều nhà khảo cổ học, sử học của Nhật bản, của Thuỵ điển, của UNESCO, của Pháp, của Đức đã đến quan sát tại chỗ để đánh giá cái di tích hoàng thành cổ này.”


Bảo tồn hay xây mới?

Hạ tuần tháng tám năm 2004, Viện Khoa học xã hội tổ chức hội nghị thảo lụân về những di tích và di vật vừa đựơc phát hiện, với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học trên cả nước và đề xuất lên chính phủ bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu.

Kết quả là vào tháng sáu năm 2006, thủ tướng chính phủ có văn bản nhất trí chủ trương bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Tuy nhiên, sau đó, chính phủ vẫn chỉ đạo xây dựng toà nhà quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu. Vào tháng chín năm 2006, theo lời giáo sư Phan Huy Lê trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, thì có chủ trương là vẫn cứ xây toà nhà quốc hội tại lô D, tức khu vực tứ giác các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập và Bắc Sơn.

Toà nhà ấy sẽ rộng 40.000 mét vuông so với diện tích toàn khu là 57.000 mét vuông. Nếu tính diện tích đã khai quật là 19.000 mét vuông, thì toà nhà quốc hội phải chiếm một phần của khu vực đã khai quật.

Do đó, vào cuối năm 2006, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi kiến nghị số 52/HSH tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước.

Toàn văn bản kiến nghị đựơc đăng trên báo điện tử Vietnamnet cảnh báo về những hệ quả nếu xây toà nhà quốc hội như kế hoạch của chính phủ, rằng vịêc xây dựng như thế sẽ gây “bất bình và bức xúc trong giới khoa học,” cũng như sẽ “gây bất bình trong nhân dân và khó giải thích trứơc công luận quốc tế về thái độ ứng xử của một quốc gia văn minh đối với một di sản văn hoá mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.”

Trên cơ sở đó, hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị xây dựng toà nhà quốc hội trong khu vực quận Ba Đình, nhưng không xâm phạm đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.


Ý kiến của giới nghiên cứu

Ngoài ra, một số nhà khoa học cũng phát biểu ý kiến về chủ trương của đảng và chính phủ xây dựng toà nhà quốc hội tại trung tâm chính trị Ba Đình, tức khu di tích đã đựơc phát hiện.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm, phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định rằng nếu quyết định xây toà nhà quốc hội tại khu Cấm Thành, thì đó là “một quyết định sai lầm mang tính lịch sử không cách nào chữa được” vì đã “tàn phá một di sản quý giá độc nhất vô nhị của dân tộc Việt Nam.”

Phó giáo sư Tiến sĩ Hà Văn Phùng, quyền viện trưởng viện khảo cổ Việt Nam thì cho rằng “nếu xây dựng toà nhà quốc hội mới trên khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu thì sẽ mất đi vĩnh viễn một di sản đặc biệt quý hiếm của cả Việt nam và thế giới.” và ông xác định quan điểm là “Giữ ,và giữ đến cùng.”

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, phó giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà nội nêu lên một khía cạnh khác. Ông nói: ”Quá trình thi công sẽ rất phức tạp, không ai dám chắc là di tích sẽ không bị xâm hại. Chắc gì trong quá trình đào móng sẽ không vướng di tích ở những vùng chưa động đến trứơc đây? Và nếu gặp di tích, thì theo luật Di sản, việc xây dựng sẽ phải dừng lại.”

Ba năm sau những mừng rỡ chào đón khu di tích lịch sử ngàn năm ngay giữa thủ đô Hà nội của người dân, giới khoa học trong cũng như ngoài nước, khu di tích đặc biệt quý hiếm Hoàng Thành Thăng Long vẫn chưa đựơc công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, chứ chưa nói gì đến việc nộp hồ sơ lên UNESCO để đựơc công nhận là di sản Văn Hoá Thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo điện tử Vietnamnet, giáo sư Phan Huy Lê, cho biết là vẫn còn sự lấn cấn cả trong vấn đề quản lý lẫn phương án bảo tồn.

Ông Trần Quang Dũng, phó giám đốc trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa, thành cổ Hà nội cho biết rằng trung tâm của ông là đầu mối việc lập hồ sơ công nhận di tích, nhưng trung tâm lại thụôc sở Văn hoá thông tin Hà nội quản lý trong khi khu 18 Hoàng Diệu lại do Viện Khảo cổ học nghiên cứu, và hai bên chưa có sự thống nhất trong đề xuất với bộ Văn Hoá Thông tin.

Cũng trong thời gian này, UNESCO đã cử các đoàn chuyên gia sang nghiên cứu tại chỗ, chính thức góp ý kiến là nên bảo quản giữ gìn toàn bộ và trọn vẹn. UNESCO cũng cho biết sẵn sàng giúp đỡ về cả chuyên gia lẫn tài chính để có thể đi đến chỗ công nhận hoàng thành Thăng Long là di tích cổ loại quý hiếm của thế giới.

Sau đó không lâu, ngày 9 tháng hai năm 2007, Hội Sử học Hà nội tổ chức một hội nghị nhằm thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng Thành Thăng Long. Gần 300 nhà khoa học đã hiện diện. Hội nghị đã thống nhất đề nghị đảng và nhà nước sớm có chủ trương chính thức bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hòang Diệu trong tổng thể khu vực Hoàng Thành Thăng Long và thành cổ Hà nội.

Đến cuối tháng hai, thì được biết chủ trương mới, là vẫn xây toà nhà quốc hội tại khu D, nhưng trên nền của Hội Trừơng Ba Đình cũ, và như thế là sẽ phải phá bỏ Hội Trường Ba Đình cũ đi. Với chủ trương của chính phủ, nhiều người trong giới sử học đã cho rằng cách giải quyết ấy là tạm ổn vì khu di tích vẫn đựơc bảo tồn mặc dù Hội trường Ba Đình phải phá đi.

Quyết định này sau đó đựơc quốc hội khoá 11 thông qua trong phiên họp cuối nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 2 tháng 4 năm 2007. Một cuộc thi vẽ thiết kế toà nhà quốc hội sau đó đã đựơc bộ Xây dựng gấp rút tiến hành. Kết quả đựơc trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà nội từ ngày 2 đến 15 tháng chín vừa qua.

Nhà báo Bùi Tín nói về quyết định của quốc hội khoá 11 như sau: “Không thông qua thảo luận rộng rãi chung trong xã hội, mà có ý kiến là lấy quyết định các tổ cộng lại, và tuyên bố là đa số tán thành cái việc là xây dựng cái trụ sở quốc hội mới ở ngay trên cái nền của hội trường Ba Đình, và sẽ phá cái Hội trừơng Ba Đình đi. Thế thì cái quyết định này đã gây nên rất nhiều thắc mắc ở trong nứơc, cho rằng cái quyết định ấy là một quyết định khuất tất, chưa đựơc thảo luận kỹ, vội vã, và do đó, (dư luận) muốn đặt lại vấn đề.”

Trên đây là phần đầu của câu chuyện Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội do Nguyễn An thực hiện. Trong buổi phát thanh tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả phần thứ hai của câu chuyện, sau khi quốc hội khoá 11 đã quyết định về địa điểm xây toà nhà quốc hội.

Trong phần hai, sẽ có ý kiến của nhà báo Bùi Tín và đại biểu quốc hội đồng thời là tổng thư ký hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Mong quý thính giả đón nghe.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------


© 2007 Radio Free Asia
Back to top
 

dacung
WWW  
IP Logged
 
dacung
Gold Member
*****
Offline


Thất bại lớn nhất
là sợ thất bại!

Posts: 1378
Re: Hoàng thành Thăng Long
Reply #1 - 19. Nov 2007 , 10:51
 
Hoàng thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà Quốc hội mới
(phần 2)

2007.11.19
Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Trong buổi phát thanh trước, Nguyễn An đã trình bày cùng quý thính giả phần thứ nhất câu chuyện về khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội kể từ khi công cuộc khai quật khảo cổ học đựơc bắt đầu thực hiện 5 năm trước, cho đến khi quốc hội khoá 11 ra quyết định về việc xây cất.

Mặc dù đã có quyết định của quốc hội, nhưng vấn đề chưa khép lại ở đó vì “lòng dân vẫn chưa yên” như nhận định của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lý do tại sao và câu chuyện diễn biến thế nào?

Mời quý vị theo dõi phần hai của câu chuyện Hoàng Thành Thăng Long, vẫn do Nguyễn An thực hiện và ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội, đồng thời cũng là tổng thư ký hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc và nhà báo Bùi Tín.


Trong một cuộc phỏng vấn ngắn dành cho đài Á Châu Tự Do, ông Dương Trung quốc kể lại tóm tắt về những diễn tiến liên quan đến Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội như sau:

“Trước kia, người ta định xây ở trên cái khu vực mà nay là Hoàng Thành Thăng Long, một toà nhà quốc hội và một hội trường giống như sau này tổ chức APEC, nhưng trong quá trình chuẩn bị nền móng, thì người ta phát hiện ra cái di tích Hoàng Thành. Lúc đó, nhà nước quýêt định dừng lại để cho giới khảo cổ đào. Nhưng càng đào, thì lại càng thấy rộng ra và lớn lên.

Thế cho nên lúc ấy quyết định đưa cái hội trường ra ngoài khu vực ấy, và sau đó xây dựng ở khu Mỹ Đình mà cuối năm ngoái đã tổ chức APEC. Còn toà nhà quốc hội. Thế thì lúc đầu dự định là giữ lại Hoàng Thành là một không gian lớn, dành một phần để xây nhà quốc hội, giữ lại cả Hội trường Ba đình, là cái hội trường hiện đang sử dụng.

Về sau do đấu tranh của dư luận xã hội và của giới sử học, thì cuối cùng, nhà nước quyết định sẽ không xây dựng trên cái khu vực đã khai quật nữa, và hiện nay đang làm thủ tục mà Nhật bản và một số nước vào giúp Vịêt Nam để đựơc công nhận di sản văn hoá thế giớ).

Nay quyết định rằng nhà quốc hội vẫn nằm trong không gian ấy, cho nên phải phá cái hội trường Ba Đình đi. Xây nhà quốc hội mới trên cái nền Hội trường Ba đình cũ. Đó là quyết định cho đến kỳ họp cuối của quốc hội khoá 11 tháng tư vừa rồi thì đã ra văn bản, và đại đa số đại biểu quốc hội thì đã nhất trí.”

Mặc dù đã đựơc quốc hội thông qua, và các cơ quan chức năng trên nguyên tắc đã chuẩn bị để thi công, mà trước mắt là phá bỏ Hội trường Ba Đình, quyết định xây dựng toà nhà quốc hội đã gặp phải sự không đồng tình từ nhiều phía, từ giới khoa học đến một số nhân vật từng là lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà nước. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết tiếp:

“Riêng cá nhân tôi và một số ít người khác thì không tán thành. Chúng tôi nghĩ rằng nên giữ lại cái Hội trường Ba đình.

Sau khi (Quốc hội) đã thông qua rồi thì các cơ quan chức năng bắt đầu chuẩn bị phá hội trường Ba Đình đi, thì mới xây toà nhà quốc hội được, và đồng thời tổ chức cuộc thi mẫu. Cuối cùng chọn đựơc cái mẫu và chuẩn bị xúc tiến công việc tiếp theo.

Nhưng lúc ấy lại xuất hiện ý kiến của một số vị lão thành gồm có các cụ Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, theo tôi biết thì cả cụ Lê Khả Phiêu và gần đây, cụ Nguyễn Văn An cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc lại chuyện đó vì đối với các vị ấy, Hội trường Ba Đình vẫn có giá trị lịch sử và thứ hai là cũng có những người cho rằng nếu xây nhà quốc hội ở đó thì nó hẹp quá.

Bây giờ mới chỉ là dư luận thôi, chứ còn về khía cạnh pháp lý, thì khi quốc hội đã thông qua rồi là không còn vấn đề gì. Nhưng dư luận thì ngày lại càng có vẻ mạnh mẽ lên. Cho nên, tôi nghĩ rằng bây giờ người ta vẫn đang tiếp tục cân nhắc để xem như thế nào. Một bên thì đã quyết định rồi và khó có thể thay đổi quyết định, còn một bên thì cũng quyết rằng cái hội trường ấy có giá trị và nên giữ lại, đồng thời cho rằng xây nhà quốc hội trên một cái không gian hẹp như thế thì nó không phù hợp. Tóm lại hiện nay thì đang dừng lại ở chỗ ấy đấy.”

Người lên tiếng đầu tiên là cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trên báo điện tử Vietnamnet ngày 4 tháng 10. Cũng phải nói thêm rằng sau những bàn luận sôi nổi khi khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đựơc phát hiện hồi cuối năm 2002 sang 2003, thì những bài vở liên quan đến vấn đề này ngày càng thưa thớt trên báo chí mặc dù người dân trong cũng như ngoài nước đều muốn biết mọi chuyện đang diễn tiến ra sao.

Vietnamnet là tờ báo điện tử gần như duy nhất còn thỉnh thoảng có những bài vở liên quan. Có vẻ như đề tài này đựơc coi như “đã giải quyết xong, và không đựơc bàn đến nữa,” như nhận định của một số nhà nghiên cứu quan tâm đến báo chí tại Việt Nam.

Về việc này, nhà báo Bùi Tín nhận định:

“Tôi theo dõi câu chuyện này từ năm năm nay, từ khi phát hiện ra cái di tích này. Lúc đầu, cái hồ hởi cái phấn chấn, cái vui mừng thì cũng dần dần nhường chỗ cho cái ỉu xìu xuống trong dư luận ở trong nước. Tôi đã tìm hỏi kỹ cái nguyên nhân ở bên nhà, thì anh em cũng có nhiều ý kiến lắm. Đây là một việc làm rất khó hiểu mà chúng ta, với trách nhiệm với đất nước, với một cái di tích lịch sử vô giá như thế, thì phải tìm hiểu.

Thế thì một số anh em gợi ý cho tôi rằng, cái lý do chính, cái nguyên nhân gốc là cái nước lớn, láng giềng đó, mà các vị lãnh đạo trong nước còn gọi là đồng chí của chúng ta đó, không muốn bất cứ một vấn đề gì làm nổi lên cái nền văn hoá lịch sử của chúng ta có tính chất độc lập ở phương nam của họ. Thì đấy là cái nguyên nhân lâu dài mà ta còn phải đánh giá thêm.

Rõ ràng là những năm sau này thì đảng và nhà nước ít quan tâm và báo chí đã đựơc lệnh rõ ràng từ bộ thông tin và văn hoá của ông Phạm Quang Nghị trước đây, và bây giờ của ông Lê Doãn Hợp đó, là không tuyên truyền thêm nữa về cái di tích Hoàng thành này và cũng không tuyên truyền gì nữa về cái trụ sở quốc hội là sẽ xây dựng ở đâu. Coi như (mọi chuyện) đã đựơc giải quyết, đã có quyết định là sẽ xây dựng cái trụ sở quốc hội lớn, trên cái nền của hội trường Ba Đình cũ.”

Và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết: “Nay thì có phần nào là các cơ quan thông tin không đề cập đến vấn đề này nữa. Có cái yêu cầu như thế để cho nó bình tĩnh mà xem xét lại mọi chuyện.”

Trong bức thư của mình, ông Kiệt nói rằng trước kia, khi chưa phát hiện được khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, thì ông đồng ý xây toà nhà quốc hội và hội trường Ba Đình mới tại khu vực ấy, nhưng nay ông đề nghị đảng và chính phủ nghiên cứu lại chủ trương ấy. Ông cho là không nên phá bỏ hội trường Ba Đình cũ, còn toà nhà quốc hội thì nên dời lên phía đường Hoà lạc, và cũng không cần thiết phải gấp rút xây dựng.

Ông Kiệt cũng cho rằng quốc hội khoá 11 đã đưa ra quyết định khá vội vã, khiến bộ xây dựng phải gấp rút tổ chức kỳ thi mẫu thiết kế, mà kết quả thì đầy khiếm khuyết và người dân ở các tỉnh phía nam đã không đựơc xem cũng như tham gia ý kiến. Ông cũng đề nghị quốc hội cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng.

Quốc hội mà ông nói đến chắc hẳn là quốc hội khoá 12 hiện đang họp tại Hà nội vì trong bức thư ngỏ, ông Kiệt cho biết đã có thư riêng gửi ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh về vấn đề này và vào lúc đó, thì quốc hội khoá 11 đã quyết định về việc phá bỏ hội trường Ba Đình cũ và xây toà nhà quốc hội trên nền đó rồi.

Cũng đầu tháng 10, đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố bài viết của ông đề nghị “Bảo tồn và tiếp tục sử dụng hội trường Ba Đình, chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội và không xây dựng tại khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu.” Kèm theo bài báo là hai bức thư ông Giáp gửi các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, chính phủ và quốc hội. Bức thư thứ nhất đề ngày 11 tháng 10 và bức thư thứ hai đề ngày 24 tháng 10 với nội dung tương tự.

Trong thư, ông Giáp có nói là bài viết của ông đã đựơc gửi cho các báo từ đầu tháng 10 “nhưng đã bị ngăn lại không cho báo đăng,” và ông coi hành động này là “mất dân chủ và vi phạm quyền công dân.” Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là báo Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ quốc trong số ra ngày 1 tháng 11 đã đăng cả bài viết lẫn hai bức thư của ông Giáp với lời giới thiệu của toà soạn như sau:

“Chúng tôi xin đăng toàn văn ý kiến này, với mong muốn cac tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước nên tham khảo như một sự trăn trở, day dứt của một vị khai quốc công thần trước chủ trương nói trên, dù ngành xây dựng đã trình chính phủ và đựơc quốc hội khoá 11 biểu quyết đa số.”

Trong bài viết, tướng Giáp nhấn mạnh rằng, “hiện nay, mặc dù quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên. Nhiều đồng chí lão thành, cán bộ cấp cao, nhà khoa học đề nghị quốc hội cân nhắc lại và ngay trong quốc hội vẫn còn có trên 30 đại biểu biểu quyết không tán thành phá bỏ. Riêng tôi, một lần nữa xin nêu lại ý kiến dứt khoát không nên làm nhà Quốc hội tại khu di tích 18 Hoàng Diệu, và tuyệt đối không được phá bỏ hội trường Ba Đình.”

Nhà báo Bùi Tín nói thêm về bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau:

“Cái bức thư, hay là cái bài báo đăng vào ngày 1 tháng 11 vừa rồi, hay là bức thư đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho tổng bí thư Nông Đức Mạnh đó, thì lời lẽ rất mạnh mẽ, nói về trách nhiệm của tổng bí thư đối với việc trọng đại này, để mà xét lại, nghiên cứu lại, bàn lại- ông ấy dùng những chữ như thế- và đưa ra công luận thảo luận lại vấn đề này, không nên vội vã, dù đã đựơc quốc hội thông qua rồi. Ông ấy muốn đặt trách nhiệm cho quốc hội mới hiện nay.

Thế thì quốc hội mới hiện nay chỉ còn mấy ngày nữa là bế mạc. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, để xem bộ chính trị hiện nay có tiếp thu ý kiến của một ông thượng đẳng công thần, nhưng không phải là ý kiến riêng, mà là ý kiến của cả cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng phải thấy đây là cả một trào lưu ý kiến mới của đến hàng vạn người, nhất là của các cựu chiến binh, là những người hy sinh nhiều nhất để dành lại độc lập. Thế cho nên là thái độ của bộ chính trị hiện nay là rất khó xử.”

Và đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết tình hình hiện thời như sau:

“Cái khó xử cho các nhà lãnh đạo hiện nay là như thế. Quan điểm giới sử học của chúng tôi thì (chúng tôi) cũng không tán thành việc phá cái nhà ấy đi (Hội trường Ba Đình). Đứng về phía cơ sở pháp lý, thì chắc là các cơ quan trách nhiệm vẫn cứ tiếp tục chuẩn bị các khâu tiếp theo, thế nhưng đứng trước những ý kiến, nhất là ý kiến của các vị lão thành có uy tín, đồng thời cũng của xã hội, nhân dân nữa, thì tôi nghĩ người ta cũng nên cân nhắc, thế còn ngã ngũ như thế nào thì chưa biết. Đó, thông tin cho đến bây giờ là như vậy.”

Như thế, câu chuyện Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội hiện vẫn chưa chấm dứt, và cũng chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt cũng như sẽ chấm dứt như thế nào.

Để kết thúc bài viết về hoàng thành Thăng Long, xin đựơc mượn lời nhà sử học Phan Huy Lê, chủ tịch hội khoa học Lịch sử Việt Nam nói về một khía cạnh khác của câu chuyện, khía cạnh phong thuỷ mà theo nhận định của nhiều người, thì có lẽ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quyết định chọn địa điểm để xây dựng toà nhà quốc hội.

Ông Lê nói rằng: “Có người cho rằng nhà quốc hội cần xây dựng trong khu trung tâm của Cấm Thành, phía trước nền điện Kính Thiên, giữa Đoan Môn và Cột Cờ vì núi Nùng là “Rốn Rồng”, là trung tâm theo quan niệm phong thủy và tâm linh, mọi long mạch của non sông đất nước đều từ đây toả ra. Chúng ta không bàn về phong thuỷ, nhưng xin lưu ý là nếu theo phong thuỷ, thì xây dựng một công trình hiện đại với móng đào và đóng cọc sâu đến vài ba chục mét, là tự ta đã cắt đứt long mạch rồi.”

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------


© 2007 Radio Free Asia
Back to top
 

dacung
WWW  
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra