Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH (Read 1580 times)
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
22. Jan 2008 , 03:30
 
Xin mời các anh chị em đọc bài sớ năm nay của Táo Phụ Nữ Gia Đình - GS Vũ Ngọc Mai



   
SỚ TÁO BÀ

   
       
VŨ NGỌC MAI


   Khải tấu Ngọc Hoàng,
   Táo ở trần gian
   Hai ba tháng chạp
   Cá chép cưỡi gấp
   Lên tới thiên đình
   Bẩm báo tâu trình
   Gia Đình Phụ Nữ
Nơi thần cư ngụ
Trong suốt năm qua.
Chuyện nước cờ Hoa,
Tình hình thế giới.

Tin tức nóng hổi
Đến tự quê nhà
Những mong thay đổi  
No ấm toàn dân  
Lê Thị Công Nhân
Dấn thân tranh đấu
Thương dân khiếu kiện
Oan ức ngất trời
Ngọc Hoàng có thấu?
Bao năm xương máu
Đánh đuổi bạo quyền
Nào thấy tự do?
Nào đâu dân chủ?

Cộng đồng hải ngoại
Kỷ niệm Kiều Chinh
Nữ đại minh tinh
50 năm Điện Ảnh,
Dạ tiệc linh đình
Sắc tài hiếm có...

Hillary Clinton
Đương kim nghị sĩ
Quyết ra tranh cử,
Đại diện Dân Chủ
Hy vọng trở về
Làm chủ Bạch Ốc
Bốn năm nhiệm kỳ
An bang tế thế
Quý ông trông vào
Biết tài phụ nữ.

Bên trời Bắc kinh
Dự án công trình
Thi Olympic
Sửa soạn bằng thích
Tuyển chọn tận tình
Toàn là kiều nữ
Cao gầy, đẹp xinh
Phục vụ Thế Vận
Dân chúng được dạy
Nếp sống văn minh
Không còn nhổ bậy
Không còn nói to
Cũng không ở trần
Chạy rông ngoài phố
Rác rưới dọn sạch
Tiếp đón khách quan
Hai ngàn lẻ tám...

Cháy rừng mấy đám
Tại bang Cali
Thiêu hủy cửa nhà
Tốn hao bạc tỷ.
Sang giàu như Mỹ
Giờ cũng khó khăn
Cuộc sống leo thang
Chạy theo giá xăng
Lao đao mệt nghỉ!
Bán buôn quá ế  
Địa ốc im lìm
Không ai kiếm tìm
Thị trường xuống giá
Vẫn vắng người mua
Chẳng bõ khi xưa
Hot thôi là hot!
Giành nhau phá giá
Tậu được căn nhà
Mừng vui quá xá!

Cũng chuyện gia cư
Little Saigon
Khu Mobile Home
Đa số Việt Nam
Đang ở yên lành
Nghe tin giải tán
Lấy đất tân trang
Thành khu buôn bán
Sầm uất hoành tráng
Đó là dự án
Bolsa khuếch trương
To đẹp, hùng cường
Cho du khách biết
Bàn tay người Việt
Ngày đêm làm việc
Định cư nơi này,
Sau ba mươi năm  
Đã giúp đổi thay
Khu Tiểu Saigon
Vô cùng tráng lệ.

Anh hùng (Trần) Văn Bá
Chiến đấu quên mình
Giấc mơ phục quốc
Hết lòng yêu nước
Giải phóng Việt Nam
Vị quốc vong thân
“Huân Chương Tự Do
Truman-Reagan”  
Rỡ ràng truy tặng.

Cựu Phó Tổng thống
Tên là Al Gore
Lòng những âu lo
Vấn đề trái đất
Ngày càng nóng ấm,
Nên đã xuống đường
Đó đây vận động
Gióng lên hồi chuông
Cho toàn thế giới
Sớm mà tỉnh hồn
Họp bàn cùng nhau
Ứng phó mau mau
Kẻo nguy cơ đến.
Nghiên cứu công đầu
Đoạt Giải Nô-Ben  
Khắp nơi ngợi khen
Nức danh Ông Phó.

Kế đó Larry King,
50 năm truyền  hình
Đài CNN
Vừa được vinh danh
“Larry King Square”
Mã đáo công thành
Tiếng thơm còn mãi!

Cuộc chiến dài dài
I-Răng I-Rắc  
Tiến thoái lưỡng nan
Rút hay không rút?
Người ta đổ tuốt
Lên đầu Tông Tông
Survey bầu ông:
“Tổng thống dở nhất
Lịch sử Huê Kỳ!”
Công tội thế nào
Đời sau sẽ xét.
Riêng thần tri ân
Vì bọn khủng bố
Bị cột tay chân
Không dở được trò
“Tháp đôi” lần nữa
Gây cảnh điêu linh
Cho người dân lành
Máu rơi thịt đổ.

Garden Grove mới đây
Hội Đồng Thành Phố
Quyết tâm bãi bỏ
Dự án sòng bài.
Hội Đồng Liên Tôn
Thay mặt người dân
Hoan hô lẽ phải.

Miến Điện sư sãi
Chân đất biểu tình
Chống phe nhà binh
Độc tài chuyên chế,
Bắt vô số kể,
Các chính trị gia,
Cả bà Bhutto  
Cũng bị quản thúc.
Sau cuộc hồi hương
Cờ bay trống dục.

Ở bên Trung Quốc
Công ty lớn nhất  
PetroChina
Qua mặt Cờ Hoa
Cổ phiếu bán ra
Tranh mua quá cỡ!
Người dân khóc dở
Quốc sách một con,
Tuổi già cô đơn
Thời empty nest
Tiền tiêu không hết
Bèn dắt tay nhau
Đi chơi cho biết
Thế giới quanh co,
Kẻo nữa quá già
Thần chết rình mò
Uổng ơi là uổng!

Hay đi ra phết
Là dân Cờ Hoa
Khổ nỗi đô la
Đang hồi xuống giá
Âu châu đắt quá
Cho du lịch xa
Sáu đô một ly
Cà phê cắt cổ
Chi bằng chúng ta
Trở lại quê nhà
Tắm trong ao cạn
Hay là sửa soạn
Đi vòng Mỹ châu
Cũng vui đẹp chán!

Thần lại xin kể
Việt Nam vẫn thế,
Nghèo khó quanh năm,
Chạy gạo lăng xăng  
Khổ sao quá khổ!
Chỉ đám quan to
Ăn chơi phè phỡn
Kéo theo lũ con,
Hành hung bạo tợn
Nổ súng, tuốt gươm
Coi Trời thật nhỏ
Lây qua đám trẻ
Chửi thề như điên
Vung vít tiêu tiền
Ăn diện khỏi nói
Tội ác gia tăng
Nói chi đạo nghĩa
Nói chiù kỷ cương
Cũng không trên dưới!
Ngàn đứa hư đốn
May được vài em
Đất nước mong chờ
Nhờ ơn tiên tổ
Mai sau dựng lại
Tổ quốc huy hoàng.
Giờ đây dân đen  
Đêm ngày khiếu nại,
Trước cửa văn phòng
Quốc Hội Saigon
Màn trời chiếu đất
Nước mắt chan chan
Nói sao cho xiết!
Cũng trong nước Việt
Thật lắm tai ương
Lũ lụt khác thường
Còn thêm hạn hán,
Tiêu chảy cấp tính
Trên mười ba tỉnh.
Chưa kể cúm gà
Lâu lâu lại quậy
Điêu đứng dân quê
Có chút vốn còm
Sớm chiều tay trắng!

Hải ngoại toan tính
Vận động Nhân Quyền
Gây quỹ liền liền
Giúp người ở lại,
Làm sao cứu đói
Thất học khắp nơi
Giúp trẻ mồ côi
Nâng người cô quả,
Ơn Thương Phế Binh
Một đời hi sinh
Cũng vì chính nghĩa.

Cúi đầu thần kể
Tâu rõ ngọn ngành
Một số tình hình,
Việt Nam, thế giới.
Xin Ngài năm tới
Tái tuyển Táo thần
Làm thêm một năm
Gia Đình Phụ Nữ...
Trước khi về trần,
Thần chúc Ngọc Hoàng
Suốt trong năm tới
Phước như Đông hải.
Vạn tuế, Vạn Tuế!

TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
 

(Phụ Nữ Gia Đình Xuân Mậu Tý 2008)

Back to top
« Last Edit: 23. Jan 2008 , 15:03 by Dau Do »  

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
phuonghue
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3251
Gender: female
Re: SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
Reply #1 - 22. Jan 2008 , 06:55
 
Thưa Cô Ngọc Mai ,
Bài Sớ Táo Bà của Cô thiệt là hay  Grin Grin
Back to top
« Last Edit: 22. Jan 2008 , 06:55 by phuonghue »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
Reply #2 - 22. Jan 2008 , 12:51
 
phuonghue wrote on 22. Jan 2008 , 06:55:
Thưa Cô Ngọc Mai ,
Bài Sớ Táo Bà của Cô thiệt là hay  Grin Grin


hihihi' , bởi vậy em ráng làm siêng làm sớ đi , My nghĩ  Cô Ngọc Mai sẽ  chấm cho em 10 điểm đó nhang cưng  Cheesy
Back to top
 
 
IP Logged
 
DoQuan
Gold Member
*****
Offline


Boycott Red China

Posts: 681
Re: SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
Reply #3 - 28. Jan 2008 , 17:27
 
CHÂN DUNG & CHÂN TƯỚNG CỦA TÁO QUÂN

Bác Sĩ Lê Văn Lân (Khoa Hoc.net)

Thứ tư ngày 30 Jan 2008 là ngày 23 tháng chạp, nghĩa là ngày TIỄN ÔNG TÁO! Không biết ở hải ngoại, còn mấy người nhớ đến Ông Táo hay ông Vua Bếp. Lý do là chúng ta bây giờ dùng khí đốt, điện khí, dùng microwave để làm nấu nướng thức ăn, ít khi suy nghĩ lại vấn đề dùng Ngọn Lửa Thiên nhiên đốt bằng củi của bao nhiêu thiên niên kỷ đã mang nhiều biến thiên sắc thái  ăn sâu về phong tục văn hóa. Chúng ta bây giờ không còn nhớ đến Cái Bếp cổ truyên dựng trên ba cái đồ rau, cái kiềng sắt 3 chân, cái hỏa lò đất nung, cái lò lớn chính của gia đình. Vả lại vì sinh họat làm lụng, chúng ta bây giờ càng ngày càng bớt nấu nướng ở nhà vì ăn thức ăn chế biến sẵn, ăn tiệm… Vai trò người phụ nữ không còn là người nội trợ, người đầu bếp … Bếp lửa gia đình vô hình chung đã biến mất, và có thể  ngọn  lửa ân tình trở nên nguội ngắt để rồi dễ đi tới ly tan, vợ chồng con cái không còn tìm lại cái ấm áp của gia đình chăng?

        Bây giờ, chúng ta hãy  nhân dịp cuối năm  trở về sự tích cổ của Á Đông tìm hiểu chân dung và chân tướng của Ông Táo là ai?  Để tìm hiểu hoàn cảnh Một Bà Hai Ông của gia đình ông ra sao?  Ý nghĩa của vai trò Táo Quân trên mặt văn hóa Cổ Á Đông ra sao?

        Theo niềm tin cổ xưa, vũ trụ cũng giống như một triều đình, trên có Vua, dưới có Quan  trực tiếp cai quản người dân., nghĩa là trên hết có Ngọc Hòang Thượng Đế trên thiên đinh, ở hạ giới có chư vị thần linh coi sóc nhân gian ở hạ giới nào là thần lửa, thần núi, thần đất, thần sông, thần gió và đương nhiên có ông thần bếp hay còn gọi bằng nhiều tên như là Táo Công ,Táo Quân, mà dân VN gọi nôm na là Vua Bếp.

        Theo tin tưởng nguyên thủy của dân Trung Hoa, thì chỉ thờ cúng  duy nhất một ông Táo Quân thôi mà họ gọi là Táo Vương Gia hay Tư Mệnh chi thần… Vị này chính là “một đặc sứ tòan quyền” do Ngọc Hòang phái xuống coi sóc  và  phù trợ cho những người trong mỗi gia đình nên thường được nguời Tầu thờ bằng một bức tranh giấy điều vẽ hình của ông mặt mày hiền phúc dán trong bếp, bên trên ghi 4 chữ Tư Mệnh chi  Thần ( thần chăm sóc về mạng sống) . Hai bên ông có hai vị tiên đồng bưng hai cái bình, một bên là bình Thiện, một bên là bình Ác để ông ghi chép hành vi xấu hay tốt rồi bỏ vào đó.  Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp.

        Để chứng minh điều trên, tôi xin lấy một bức tranh thờ của Táo Vương Gia từ trong một cuốn biên khảo viết về phong tục tập quán đặc thù chính thống của dân Trung Hoa gọi là The Adventures of Wu (The Life Cycle of a Peking Man), kể ra tỉ mỉ từng chi tiết trong cuộc đời của một người Tầu điển hình từ lúc lọt lòng sanh ra, lớn lên đi học, lấy vợ cho đến lúc già chết, cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội, mọi việc đều mô tả ra và được minh họa bằng tranh vẽ. Cuốn sách này có thể coi như cuốn Trung Hoa Phong Tục về mọi khía cạnh cuộc đời của một người Trung Hoa điển hình.

        Trong cuốn này, tôi thấy vai trò của Táo Vương Gia còn quan trọng trong nhiều chuyện khác liên quan đến phúc lợi của những người dân trong nhà, nhất là làm Cố vấn về Hôn Nhân trong sụ dựng vợ gả chồng. Ví dụ như chuyện sau: mỗi khi trai gái chuẩn bị dạm hỏi cưới nhau, thì gia đình đôi bên bèn trao đổi với nhau một tấm thiếp ghi đầy đủ danh tánh, giờ sanh tháng đẻ của hai trẻ, rồi mỗi gia đình nhận lấy rồi để trên bàn thờ Táo Vương Gia trong nhà mình trong ba ngày. Rồi mỗi gia đình chờ xem, trong vòng ba ngày, nếu không có sự gì gây gổ phương hại sự thuận hòa  thì mới xúc tiến chuyện hôn nhân.
 

        Khi tiển Táo Vương Gia về Thiên đình, người Tầu cũng thường cúng kẹo nấu bằng mạch nha  để ông Táo ngọt giọng mà nói tốt cho gia chủ. Thành ra ngoài vai trò đặc sứ toàn quyền cho mỗi gia đình, ông còn là trạng sư bào chữa cho người ta luôn. Vui quá đi thôi! 

        Người ta cúng tiễn Táo Vương Gia vào  ngày 23/ tháng  Chạp lên chầu trời, nhưng sau đó trong thời gian từ ngày 23 Chạp  đến 30 Tết thì gia chủ kiêng cữ “động thổ” trong thời gian  này cho đến mồng 2 Tết, nếu không kiêng thì vàng bạc tài nguyên trong nhà sẽ thất thóat. Lý do là ông cũng là vị thần cai quản đất đai của mỗi gia đình, Trong chữ Nho, Chữ Thổ 土là đất viết bằng hai vạch ngang như chữ Nhị 二 tượng trưng cho hai lớp đất trên mặt  và bên dưới, cùng một gạch thẳng đứng  丨tượng trưng cho cái gì mọc lên . Còn chữ Kim 金 là vàng có chữ Kim  bên trên để tượng thanh 今 và bên dưới có chữ Thổ 土 cọng với hai chấm 丶丶là tượng hình cho những vẩy quí kim vàng bạc dưới đất. Cuốc đất đai hay động thỗ mà không có ông ở nhà  canh giữ và kiểm sóat thì vàng bạc trong nhà bị thất thóat.
        Sở dĩ người ta còn gọi là Táo Công vì chữ Nho thì Táo竈 là cái bếp, cái lò nặn hay đắp bằng đất ( nên còn viết tắt là 灶 gồm chữ Hỏa 火土 và chữ Thổ). 

        Nhưng lại do đâu lại nảy sinh ra sự tích Hai ông Một Bà về gia đình Táo công như câu ca dao Việt Nam sau : Thế gian một vợ một chồng – Nào như Vua Bếp hai ông một bà?

        Tôi thấy sự tích bộ 3 là một điều khá lạ vì Táo Quân hay Thổ Công chỉ là duy nhất một Vua Bếp trong tín ngưỡng của dân Trung Hoa miền bắc , nhưng tại sao có sự tin tưởng rằng trong mổi gia đình có tất cà ba vị Thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Phải chăng đây là sự khác biệt nào khác ở miền nam Trung Hoa, địa bàn nguyên thủy của các sắc dân Bách Việt trong đó có Lạc Việt chúng ta? Ba Thần Táo nầy gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (Ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức nầy do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà).  Không biết tình tiết tin tưởng ra sao thì 3 vị thần mang họ Thổ nhập chung làm thành một gia đình bộ ba  như sau  và được phân nhiệm vụ như sau:

_ Phạm Lang (chồng sau) làm Thổ Công, trông coi việc bếp.
_ Trọng Cao (chồng trước) làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa.
_ Thị Nhi (vợ) làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

        Chuyện ban đầu chỉ có một ông sau lại trở thành ba: hai ông một bà! Câu chuyện gia đình thần linh họ Thổ  được lưu truyền hậu thế này quả là thú vị như chuyện Tình Bộ Ba của người nhân thế vậy? Tra cứu sách vở, tôi kiếm ra những chứng liệu sau về chuyện gia đình bộ ba của Táo Quân chỉ có ở Việt Nam hay tại các dân tộc thiểu số sinh sống tại mạn ngược nước ta:
1)     Truớc hết là tranh vẽ mộc bản để thờ của Việt Nam:

...

Tranh này lấy từ sách Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Tranh Mộc bản Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ vẽ một bà ngồi giữa hai ông, dưới một tấm biển ở trên có ba chữ Táo Danh Vị, và hai bên có câu đối mang ý nghĩa chúc tụng Ngày ngày thêm vinh hoa, Năm năm tăng phú quí. Ở dưới là vẽ cảnh cơ ngơi nhà cửa rộng rãi có cối chầy giã gạo, kẻ hầu nước, kẻ bưng cơm, ngòai sân thì đầy đủ lục súc gia cầm.

2)     Ở thượng du Bắc Việt như vùng Mường Nia, Mường Nam (Hòa Bình) ông thầy mo thường hát khi cúng gà đề xin ông bà Táo giải tội với câu khấn sau:

Lạy ông thổ công, lậy bà thổ công,
Lạy ông thổ kỳ, lạy bà thổ kỳ
Chẳng có cái chi
Phải nướng con cáy ( gà)
Để mà cúng tội.

        Chúng ta phải dẫn giải tình lý một bà hai ông ra sao? Đương nhiên là dựa vào sự tích của nhân gian ở Việt Nam:  Nguyên do là ba vị thần họ Thổ này khi còn là người dương thế đã từng có mối liên hệ thân thiết tình cảm lại trái ngang. Nhưng câu chuyện kể lại thì tùy theo những truyền thuyết đại thể thì giống nhau nhưng tình tiết lại khác nhau:

1)     Theo Phan Kế Bính ( trong cuốn Việt Nam Phong Tục): Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được người chồng giầu có. Một hôm cúng đốt mã ngoài sân, có một người ăn xin; người đàn bà trông thấy là chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho.  Người chồng sau biết chuyện, nghi cho vợ.  Vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa, cũng đâm đầu vào đống lừa chết theo. Người chồng sau thương vợ, cũng nhẩy vào nốt, thế là chết cả ba.  Thượng đế thương cho ba người cùng có nghĩa mới phong cho làm vua bếp.

2)     Theo Hoàng Trọng Miên (trong Việt Nam Văn Học Toàn Thư): Ngày xưa, có hai vợ chồng chú tiều  phu nghèo.  Vợ rất thương yêu chồng nhưng chồng lại có tính rượu chè và đánh đập vợ tàn nhẫn luôn luôn, vợ rốt cuộc chịu không nổi phải cam lòng trốn đi.  Chị tiều trốn vào rừng, gõ cửa một nguời thợ săn xin ở đậu.  Anh thợ săn nghe kể sự tình thì bằng lòng cho ở. Rồi ít lâu sau, hai người lấy nhau, chông rất yêu thương vợ.  Còn chú tiều ở nhà, đâm ra hối hận mới quyết đi tìm vợ về, và run rủi sao lại tìm đến túp lều tranh của anh thợ săn khi anh này đi vắng. Chú tiều mới khóc lóc năn nĩ vợ trở về. Người vợ cũng khóc theo tỏ ý mình vẫn thương chồng cũ. Đang lúc ấy, thì người chồng thợ săn trở về ngoài ngõ, người vợ hốt hoảng bảo chồng cũ trốn vào đống rơm.  Nguời thợ săn vào đến cửa mới bảo vợ: “Bữa nay, tôi săn được con thỏ, để tôi đốt lửa thiêu thỏ nhé! “ Nói xong là nhóm lửa đốt, ai ngờ lửa bắt vào đống rơm nơi chú tiều ẩn núp khiến chú giẫy giụa chết.  Người vợ đau lòng, thương chồng cũ hóa ra giết chồng, bèn nhẩy vào đống lửa đang cháy. Nguời thợ săn thấy vợ chết thương quá, tưởng mình làm điều gì trái nghĩa cũng nhẩy vào lửa chết theo.

              Trời cảm vì tình yêu của ba người cho cả ba hóa thành ba ông đầu rau, chụm đầu vào nhau trong bếp lửa hay là cái kiềng bếp ba chân

        Chúng ta thấy sự tích này hình như là sự tích trong văn hóa VN hơn là của Trung Quốc, nghe đại thể cũng như tình tiết của chuyện Trầu Cau: hai anh em song sinh họ Lưu cùng yêu một cô gái họ Cao, rồi cùng tìm cái chết như sau!

        Theo tôi những tích chuyện trên có lẽ được kể trong giai đọan của thời kỳ người Việt phải bỏ chế độ Mẫu Hệ mà theo Phụ Hệ.

       (còn tiếp)
Back to top
 

1) Không mua hàng Made in China&&2) Không du lịch hay travel bằng hàng không China&&3) Không giao dịch và mua bán với China
 
IP Logged
 
DoQuan
Gold Member
*****
Offline


Boycott Red China

Posts: 681
Re: SỚ TÁO QUÂN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH
Reply #4 - 28. Jan 2008 , 17:29
 

(Chân Dung và Chân Tướng Táo Quân ...tiếp theo)

Những chuyện Mỵ Nương được tự ý chọn chồng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, và chuyện bà Trưng Trắc cầm quân chỉ huy cuộc khởi nghĩa chống quân Tầu để trả thù chồng , và về sau bà Triệu trong vai trò lãnh đạo quân sự đã  chứng tỏ đó là di tích của chế độ mẫu hệ còn ưu thế. Còn câu chuyện 2 ông 1 bà Táo quân và chuyện cô gái họ Lưu chỉ được chọn một chồng giữa 2 anh em họ Cao là giai đọan chuyển tiếp dằng co giữa chế độ Mẫu hệ qua Phụ hệ, nếu mẫu hệ còn uy quyền thì đâu có phải lâm vào cảnh trớ trêu ly biệt vì một bà mà lấy một lúc hai chồng hay đa phu là sự thường?

        Qua sự trình bày trên, tôi nghĩ chúng ta đã phần nào nhận diện chân dung và chân tướng của Táo Quân Trung Hoa và Táo Quân Việt Nam với một vài dị biệt về tình tiết sự tích tuy rằng đại thể về tín ngưỡng vẫn tương đồng trong vai trò Táo quân là thần linh nên phù hộ cho người ta. Táo của Trung Hoa là thần linh thuần túy không hay rất ít mang tính người, còn Táo của Việt thì mang đẫm tính nhân lọai hơn, với đặc tính phản ảnh những khía cạnh bi hài của cuôc đời nhân thế.  

        Còn chuyện Ông Táo ngày 23 tháng Chạp lên chầu trời để báo cáo những việc hay dở, thiện ác bao hàm ý nghĩa gì?

        Theo tôi, đây là một suy diễn khác về triết lý hay là một sự dung hòa phối hợp giữa 2 nguồn tín ngưởng của Trung Hoa là Lão giáo bình dân dựa vào sự tin tưởng về thần linh và Khổng giáo chủ trương tu dưỡng tính tình theo Thiện và lánh Ác trên quan niệm đạo đức luân lý về cán cân Thiên Lý và Công bằng xã hội.

        Tôi lại thấy theo quẻ Dịch, thì 2 hào Dương kẹp 1 hào Âm  chính là Quẻ LY 离 tượng trưng cho sự xẹt ra  lửa vậy  và cũng là đầu mối sự cách biệt xa rời. Một Táo Quân cai quản một bếp lửa tượng trưng cho một đơn vị gia đình.  Một gia tộc sinh sôi nảy nở thành nhiều tiểu gia đình để rồi tách riêng ra thành nhiều cái bếp nấu ăn.  Cũng như một vị Thần Xã hay Thành Hòang tượng trưng cho một tập hợp nhiều gia đình hay một tiểu xã hội. Thần linh vô hình cai quản thế giới cụ thể hữu hình qua hệ thống Thiên Lý. Quan niệm Khổng giáo về sự hướng thượng là: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Một cá nhân có một lương tâm tự xét mình, một gia đình có một hệ thống giáo dục tự kiểm thảo mà điển hình là tiếng nói của Táo Quân là một thần linh ở chung người ta nên theo dõi họ. Mọi người trong một gia đình phải có nhiệm vụ bảo vệ thanh danh chung, cũng như người chung một làng, một tình, một nước đều chia xẻ niềm tự hào chung.

        Trên phương diện tiến trình khảo cổ, từ sự phát minh ra cách dùng lửa đề nấu nướng, đến sự thành lập những cái bếp gia đình đã ảnh hưởng đến sự an sinh và lạc thú của con người ra sao?

        Nhân lọai tình cờ biết dùng lửa ít ra từ cả triệu năm, họ ăn những xác thú bị thiêu cháy rôi từ đó mới quen thói ăn chín và bỏ cách ăn sống rồi con người tiến lên từ giai đọan thui cho đến giai đọan làm chín qua cách luộc hay hấp.  

        Hiệu lực của lửa làm cho thức ăn dễ tiêu, ngon hơn và bớt độc. Muốn luộc hay làm chín cách gì khác, phải trải qua một thời gian dài sáng chế dụng cụ nồi, chảo, vạc tùy theo các thời đại như thời đồ gốm, thời đồ đồng.

        Theo lý luận Dịch lý, một nồi cơm hay nồi canh là cả một hình ảnh tập hợp của Ngũ Hành: ta thấy ông đồ rau làm bằng đất là Thổ, lửa đun nóng là Kim, nồi đồng là Kim, gạo và rau  là Mộc, nước để nấu là Thủy!

        Bây giờ xét về tinh thần luân lý hợp quần của
hành động “ăn” thì  ăn không phải là hành động giành dựt, cấu xé nhau như loài dã thú mà khi con người tiến đến trình độ văn hóa cao thì  một bữa ăn tập thể như hình chữ Thực 食 chứng minh là một nồi kê có cái muôi vá và hình tam giác chứng tỏ sự quây quần.

        Thói thường, khi hai vợ chồng mới ra riêng bắt buộc phải có có một giường và một cái lò bếp đề  nấu ăn và để sưởi ấm dưới một cái mái nhà. Bếp lửa trước hết là hình ảnh chung sống  tiên khởi của tình yêu vợ chồng ( ăn 1 mâm, nằm 1 chiếu) rồi sau đó là những bữa ăn của cha mẹ với con cái. Tình cảm và giáo dục khởi đầu bằng cái bếp lửa.
        Bếp lửa không họat động thì tình duyên tan rã và gia đình ly tan.

        Chuyện Táo quân và bếp lửa trong văn hóa Á Đông rất tầm thường nhưng suy gẫm ra chúng ta rút tỉa nhiều ý nghĩa sâu sắc về một hình thức gia đình căn bản. Qua câu chuyện bếp lửa thì chúng ta có thể suy nghĩ như sau: Dù có những tiến bộ về văn minh thì cái bếp gia đình dù là làm bằng vật liệu gì cũng phải họat động như là tượng trưng cho một gia đình căn bản để duy trì mối liên lạc vật chất và tinh thần mật thiết của những con người chung sống dưới một mái nhà hay một nóc gia vậy!

        Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu cách thức Cúng Tiễn Táo Quân trong phong tục Việt Nam ra sao?   Đây là những chi tiết lý thú về văn hóa Việt Nam nên tìm hiểu.
        Phong tục cúng Ông Táo thay đổi tùy theo sự giải thích hay lề thói từng địa phương:

        Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà.  Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
        Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công có thể rắc rối cầu kỳ thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Thí dụ:
- Năm thuộc hành kim thì dùng màu vàng
- Năm hành mộc thì dùng màu trắng
- Năm hành thủy thì dùng màu xanh
- Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
- Năm hành thổ thì dùng màu đen.

Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.

        Theo tục xưa, có vùng riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!  
   
        Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
        Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...v...v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v..) để tiễn Táo công.
        Một câu hỏi: Người Việt Nam lưu lạc ở hải ngoại có cúng Tiễn Ông Táo không? Một điều bất ngờ là có!  Tuy rằng ở các nước tiên tiến, họ vẫn duy trì đầy đủ chuyện cúng vái. Nhưng thành phần còn thiết tha chuyện này chỉ là đa số các phụ nữ bình dân lớn tuổi ít học hay người Việt gốc Hoa.  Phụ nữ thường sống theo tập tục và cảm tín không theo lý trí suy luận như phái nam nên họ là thành trì cố thủ về bảo tòan cổ tục. Họ đã nhập cãnh vô xứ Mỹ những thần linh đủ thứ như Thổ Địa, Táo Quân, Thần Tài … Chuyện này biểu hiện qua phong tục đốt vàng mã đang bán trong những siêu thị Á Đông. Trong giấy vàng mã, tôi đã tìm thấy nhiều giấy cúng đủ loại trong đó có giấy Cúng Đưa Ông Táo (Bái Tống Táo Quân), giấy cúng Thổ Địa ở cửa ( Bái Môn Khẩu Thần). Cái ngộ nhất là những giấy vàng mã toàn là sản phẫm Made in China từ Hongkong, thuộc Cọng Hòa Nhân Dân Trung Quốc!

        Và lễ phẩm đương nhiên cho mấy ông Táo Quân Mỹ phải là bánh bít quy và nước lon Coca để cho các ngài ngọt giọng tâu điều tốt đẹp cho Ngọc Hoàng trên trời chứ!

Để kết luận, chúng ta thấy chuyện cúng Táo Quân nghe thì cổ hủ của Việt Nam nhưng chứa đựng biết bao điều tình ý cũng thú vị nhỉ! Và phong tục Táo Quân, ít ra hiện nay cũng trường tồn trên báo chương là hằng năm thiên hạ vẫn thích đọc những sớ Táo Quân vui tếu của hạ giới tùy địa phương báo cáo với Ngọc Hoàng để tổng kết tình hình của năm cũ trước thềm một năm mới sắp đến.

Lê văn Lân
Back to top
« Last Edit: 28. Jan 2008 , 17:30 by DoQuan »  

1) Không mua hàng Made in China&&2) Không du lịch hay travel bằng hàng không China&&3) Không giao dịch và mua bán với China
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra