Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Bình Luận Thơ Văn  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Bình Luận Thơ Văn (Read 5891 times)
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Bình Luận Thơ Văn
06. Feb 2009 , 10:05
 

My đọc bài này đã lâu, rất thích, bây giờ lại có dịp may đọc lại trên trang nhà của tác giả, cũng là thành viên mới của D/D LVD.
My biết sở thích cả nhà nên mang về làm quà   flower40  



'Lương Châu Từ "



Nguyễn Hoài Vân

Bài thơ này của Vương Hàn, đầu thế kỷ thứ tám, thuộc loại “tứ tuyệt” (nghĩa là “cắt bốn câu”), diễn âm Hán Việt như sau :


Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Dịch nghĩa :

Rượu nho đẹp mắt trong chén ngọc dạ quang
Định uống thì tiếng tỳ bà liền nổi lên thúc dục
Lỡ tôi có say nằm ngoài sân cát,
thì ngài cũng đừng cười tôi nhé
Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về ...

       Đây là một thi phẩm rất được người Việt hâm mộ. Có lẽ nhờ tính bi hùng của hai câu cuối. Nhưng, theo tôi, mấu chốt để hiểu bài thơ nằm ở hai câu đầu :

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

       Ta thử tưởng tượng một bữa tiệc, trong một khung cảnh quý phái, sang trọng. Khách danh dự là một người chiến sĩ, mới từ mặt trận trở về. Có lẽ anh đã lập một chiến công gì to tát lắm nên mới được mời đến nơi quyền quý này. Ta hãy nhìn anh : sau bao năm tháng làm bạn với kiếm cung, phấn đấu cùng hiểm nguy, đắm chìm trong cơ hàn, thiếu thốn, anh hoàn toàn ngỡ ngàng trước sự giàu có xa hoa chung quanh mình. Anh không còn quen với những kiểu cách của người quý phái nữa. Đồng đội của anh, thuộc cấp của anh, những con người chất phác, mộc mạc, đã tập cho anh lối ăn ngay nói thẳng, hồn nhiên, không quanh co, điệu bộ. Kết quả là bây giờ, trong buổi tiệc này, anh tự cảm thấy vụng về, lúng túng ...

        Trước mặt anh, một mâm rượu. Thứ rượu nho đỏ thẫm trên nền ngọc dạ quang của những cái chén đắt tiền, trông thật đẹp mắt và cũng thật...ngon lành ! Nói đúng ra, đối với anh, rượu thì chỉ có ngon thôi chứ “rượu đẹp” (mỹ tửu) là cái quái gì ? Và nếu cứ giương mắt nhìn, thì làm sao mà thấy ngon cho được ? Vì thế, trong tâm lý của anh, nói : "rượu đẹp”, phải hiểu là “trông phát thèm”, muốn chụp lấy uống ngay !

        Và, con nhà lính, nghĩ là làm : anh liền thò tay chụp lấy chén rượu, không kiểu cách, không làm bộ làm tịch lôi thôi. Nhưng, hỡi anh chiến sĩ ! Đây không phải là bữa cơm lính, và chung quanh anh không phải là những đồng đội thân tình ! Ở đây, giữa những con người đài các, anh phải lễ phép, phải đợi người ta mời thỉnh rồi mới được nâng chén chứ ! Thái độ chụp dựt của anh sẽ kéo về phía anh những cái nhìn đầy vẻ chế diễu, rẻ khinh. Và những ánh mắt kênh kiệu sẽ dán lên nét mặt vụng về của anh cái nhãn hiệu bất lịch sự to tướng, kèm thêm những chữ tham ăn, tham uống, nghiện rượu, chết khát, v.v...Rồi những nụ cười nhạt nhẽo, lạnh lùng, trịch thượng với chút vẻ thương hại, sẽ nhắc nhở cho anh biết rằng anh không phải là một con người “như họ”...Đã sẵn ngượng ngùng, anh sẽ lại càng ngượng ngùng thêm.

       Chủ nhà thấy rõ điều đó. Ông không còn lạ gì cái đám khách “thượng lưu quý phái” kia. Vì thế, ông muốn tránh cho anh khỏi phải lâm vào cảnh huống ngượng ngùng vừa nói. Thấy anh chưa đợi được mời đã vội chụp lấy chén rượu, trái phép lịch sự thông thường, ông liền vội vã hàn gắn lại ngay, để cứu anh khỏi những tia nhìn của đám khách. Bằng cách nào ? Bằng cách lập tức ra lệnh cho nhạc công nổi lên khúc nhạc mời rượu. “Thôi” ở đây là “thôi thỉnh”, là mời uống, thúc dục khách nâng chén thưởng thức rượu ngon. Thế là, anh chiến sĩ, anh có thể bắt đầu uống thả cửa !

        Có bản dịch bài thơ này cho rằng tiếng tỳ bà nổi lên là để thúc quân ra trận, khiến anh chiến sĩ vừa muốn uống chén rượu ngon, đã phải vội vã lên đường. Tôi không đồng ý với cách hiểu này. Tỳ bà là loại nhạc khí ấm cúng, dùng trong nhà, với số người nghe giới hạn. Chữ “tỳ bà” (pi-pa) có lẽ cũng cùng nguồn gốc với chữ "guitare” của Tây Phương, cũng như các chữ “chitarrone” và “cithare”. Các nhạc khí này có thể cùng đến từ một nguồn gốc, như đàn sitâr của Ấn Độ. Vả lại, đàn Tỳ Bà cũng như đàn guitare nguyên thủy, đều có bốn giây, tương tự như đàn sitâr (đàn này có bốn giây chính trên phím, hai giây phụ ngoài phím và khoảng 20 giây không thể khảy, mà chỉ tự rung theo giao hưởng, trong khi đàn guitarre thì từ khoảng thế kỷ 17, mới dần dần có thêm các giây thứ năm và thứ sáu, thậm chí có khi lên đến 10 giây, như cây đàn của Narciso Yepes) Nói thế để hiểu đàn tỳ bà cũng giống như đàn guitare, âm vang không đủ mạnh để có thể làm một nhạc cụ thúc quân ra trận. Ở chỗ rộng, đông người, như trước hàng quân, mà thời ấy lại chưa có “micro” với “ampli”, thì tiếng đàn sẽ rất loãng. Nhạc quân hành thì phải dùng trống hay kèn, chứ ai lại dùng đàn tỳ bà bao giờ ?

        Cao cường hơn nữa, có bản dịch cho rằng "tiếng tỳ bà giục giã ở trên lưng ngựa”. Vừa phi ngựa, lại vừa đánh đàn, cho dù là tỳ bà hay guitare, thì cũng đều phải là bậc cao thủ siêu phàm ! “Vua đàn” Đỗ Đình Phương chắc cũng phải chịu thua ! Trên lưng ngựa chỉ có thể thổi kèn, đánh trống...chứ tỳ bà hay guitare đều đòi hỏi phải ngồi cho chắc chắn rồi mới đàn được, nhất định không phải là nhạc khí để vừa diễn tấu, vừa phi ngựa !

        Thật ra những cách hiểu trên đến từ hai chữ “mã thượng” trong câu hai. Người ta cho rằng “mã thượng” là “dục lên ngựa”, hay “trên lưng ngựa”. Thật ra, mã thượng có nghĩa là lập tức. “Mã thượng thôi”, là “lập tức nổi lên thôi thỉnh”. Tương tự như cụm từ “sur le champ” của Pháp. Phải dịch cụm từ ấy là “lập tức”, chứ nếu cứ nhất định hiểu nó là “trên cánh đồng” hay “giữa đồng”, theo kiểu :

Giang san một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng ?

thì sợ rằng sẽ đưa đến lắm chuyện lôi thôi đấy !

Theo tôi, không có con ngựa nào lạng quạng vô đây cả. Xin nhắc lại là nếu muốn thúc dục chiến sĩ lên ngựa, thì người ta không dùng đàn tỳ bà tỷ tê nhỏ nhẹ, mà dùng trống hay kèn (“thùng thùng trống đánh ngũ liên...”).

Một điểm cần lưu ý khác là : nếu anh chiến sĩ chưa kịp uống rượu đã phải vội vã lên đường như trong cách hiểu trên, thì làm sao có chuyện “túy ngọa sa trường”, say rượu nằm ngoài sân cát ? Chưa uống mà đã say, há phải tửu lượng của người chinh chiến ?

Thật vậy, hai câu cuối của bài thơ :

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

cho thấy anh chiến sĩ hào hùng của chúng ta đã lăn xả vào ăn thua đủ với cả “dạ quang bôi” lẫn “bồ đào mỹ tửu” một cách rất tận tình. Và vì anh cảm thấy ngượng ngùng trước sự kiện mình chiếu cố đến mấy món này “hơi kỹ”, nên anh mới cảm thấy cần phải tự bào chữa rằng : “Này, lỡ tôi có uống nhiều quá đến nỗi say nằm bò lê bò càng ngoài sân cát (sa trường), thì xin quý ngài cũng đừng có cười tôi nhé”. Vì sao ? Vì : đời lính sống ít, chết nhiều, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, nên tôi xin mạn phép hưởng thụ cuộc đời khi còn kịp lúc...

           “Sa trường” cũng không nên hiểu là “chiến trường”. “Sa” là cát, “trường” là bãi đất phẳng. Say rượu nằm ngoài chiến trường, chắc chắn không phải là tác phong của người chiến binh tốt, lại càng không phải là tác phong của người chỉ huy. Thêm nữa, đó là một điều cực kỳ vô lý trong bối cảnh của một cuộc đụng độ sắt máu. Những người nằm xuống ngoài chiến trận là những người chết, chứ không phải là những người say !

--------0-------

   Cái hay của bài thơ này nằm ở chỗ nó rất “người”. Thèm uống rượu, vồ ngay lấy uống, trong cảnh huống của người chiến binh từ mặt trận gian khổ trở về kia, quả thực là một thái độ không gì “người” hơn. Nơi đây anh quân nhân không còn là một đấng “anh hùng đâu đấy tỏ” vượt trên những con người khác, mà chỉ là một con người bình thường, với những thèm muốn bình thường. Bên cạnh đó, giá trị Đạo Lý của bài thơ nằm ở sự cảm thông trước cái thái độ rất “người” ấy của anh lính chiến. Thật vậy, mấy ai có được cái tế nhị của chủ nhà, vừa thấy khách thèm thuồng chụp lấy ly rượu trước khi được mời, liền vội cho trổi khúc nhạc “mời rượu” lên để chữa thẹn cho khách ? Thật khéo léo, thật tuyệt vời, thật đáng được ghi lại bởi một bài thơ ! Nếu chỉ có câu chuyện “chưa kịp uống đã phải vội vã lên đường”, thì quả là chẳng có gì hay ho cả, chẳng có gì đáng để mất công làm đến bốn câu thơ ! Theo kiểu lính, gặp cảnh huống như vậy, thì có lẽ chỉ cần một câu chửi thề ngắn gọn là xong !

           Rồi, như để nhấn mạnh thêm cái tính “người” của bài thơ, tác giả còn cho thấy mặc dù sự tế nhị của chủ nhà, người chiến sĩ vẫn cảm thấy ngượng ngùng, và vẫn cảm thấy cần phải tự bào chữa bằng hai câu cuối của bài thơ, thường được người mình truyền tụng (túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi). Đó là thái độ ngược đời của một vị anh hùng khi quay về hậu phương lại cần phải van xin một chút cảm thông nơi những người vốn vẫn được mình hàng ngày liều thân bảo vệ nơi trận tiền ! Phải chăng hệ thống giá trị đã bị đảo lộn ? Vị võ quan hét ra lửa ngoài mặt trận, quay về hậu phương chỉ là một anh chàng quê mùa, lúng túng, ngượng ngập. Người mình nói :“cọp xuống đồng bằng bị chó khinh” cũng không phải là quá đáng vậy. Hay là anh lính của chúng ta, khi thoát ra khỏi cái vỏ hùng dũng, hiên ngang, của một chiến binh, đã hiện trở lại nguyên hình một con người bình thường với tất cả những yếu đuối, mong manh ?

           Đọc bài thơ này, ta dễ dàng tự đặt mình vào chỗ của người lính. Một sự thèm thuồng, một sự cuốn hút không cưỡng lại được, ai trong chúng ta là đã chẳng từng cảm thấy ? Sự sượng sùng, và cả sợ sệt, đối với cái nhìn của người chung quanh, chúng ta cũng đã từng nhiều lần kinh nghiệm. Khi ấy, một thái độ cảm thông, một cử chỉ tế nhị, sẽ được chúng ta cảm nhận như một sự “cứu độ”. Vị chủ nhà, chẳng qua đã chỉ làm công việc tự đặt mình vào chỗ của người lính. Và cử chỉ vô cùng tế nhị của ông đã có giá trị như một sự “cứu độ” đối với chàng quân nhân.

Xét cho cùng, “cứu độ” phải chăng chính là trở thành người khác, để cảm thông và hành xử từ một quan điểm mới, quan điểm của tha nhân ? Bài thơ này là một bài học BÁC ÁI vậy.

NGUYỄN HOÀI VÂN
1 tháng chín 1995
Back to top
« Last Edit: 06. Feb 2009 , 10:21 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra