Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Re: Tìm Hiểu Huế  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 2 3 ... 22
Send Topic In ra
Re: Tìm Hiểu Huế (Read 33178 times)
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
06. Mar 2010 , 22:08
 
Thưa cả nhà,

Nhân thắc mắc về giọng Huế với Cô Vân, My mở mục này, chuyên đăng những bài về Huế, vừa để tìm hiểu vừa để.... riêng kính tặng vị giáo sư được học trò  kính quí gọi là Mạ Vân   Smiley

Đầu tiên, xin mời cả nhà nghe một bài nhạc bất hủ: Ai Ra xứ Huế.
My vừa nghe thử nhiều ca sĩ nổi tiếng khác hát, nhưng vẫn chọn giọng hát của cố ca nhạc sĩ Duy Khánh để mời cả nhà thưởng thức ! 
                               

Ai Ra Xứ Huế


Sáng tác và trình bày: Duy Khánh


Back to top
« Last Edit: 06. Mar 2010 , 23:04 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #1 - 06. Mar 2010 , 22:36
 
'Huế' có từ khi mô ?


nguồn: khoahoc.net

* * *
Đôi khi cái vỗ vai bất chợt cũng rất cần thiết, vì nó giúp cho ta tỉnh giấc lơ mơ. Mới đây, một anh bạn cũng đã vỗ vai tôi như thế, và hỏi: này, cái tên Huế có từ khi mô? “Huế” do mô mà ra? Nghe hỏi, chợt ngớ người ra. Mình là Huế thổ sinh, cái tên “Huế” hiện hữu từ thuở lọt lòng, tự nhiên như thở khí trời, nên có bao giờ thắc mắc làm chi, cho tới khi gặp cái vỗ vai. Muốn trả lời hai câu hỏi này chắc phải đi tìm tới tổ sư Huế học là cụ Cadìere [1] mà hỏi mới được.

Thực ra, đề tài chẳng mới mẻ chi, vì đã được nhiều người đề cập, tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngõ .

Sự hình thành của Thuận Hóa, Phú Xuân


Không thể nói tới Huế mà không nói tới Thuận Hóa hay Phú Xuân. Cả ba cái tên này gắn bó với nhau như một thực thể bất phân ly, nên trước khi đi vào phần thảo luận, thiết tưởng cũng cần có đôi dòng về sự thành hình của Thuận Hóa và Phú Xuân để nắm vững rằng ta đang nói về cái gì và tại thời điểm nào.

Năm 1306, Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô và Rý làm sính lễ.

Năm 1307, vua Trần Anh Tông sai Đòan Nhữ Hài vào tiếp thu vùng đất mới,và đổi tên làm châu Thuận và châu Hóa.

Việc gom hai châu này làm một, dưới cái tên phủ Thuận Hóa, được thực hiện dưới thời nội thuộc Nhà Minh. Đến đời Nhà Hậu Lê, dù có khi gọi là thừa tuyên, hay xứ hoặc trấn, Thuận Hóa bao giờ cũng là một đơn vị hành chánh cấp tỉnh. Thuận Hóa, từ thời Nhà Hậu Lê, cho tới khi Nguyễn Hòang vào trấn thủ năm 1558 là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho đến bắc Quảng Nam ngày nay, gồm hai phủ Tân Bình (Quảng Bình và bắc Quảng Trị) và Triệu Phong (nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam). Năm 1604, Nguyễn Hòang đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Như vậy, có thể nói gọn lại rằng Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, nghĩa là trong hai thế kỷ 17 và 18, chính là vùng đất trãi dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.

Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hòang (tục gọi Chúa Tiên), được anh rể là Trịnh Kiểm tiến cử vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông lập dinh tại làng Ái Tử, huyện Đăng Xương ( thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bây giờ.)

Năm 1570, Nguyễn Hòang dời dinh vào làng Trà Bát, phía nam của Ái Tử (vẫn thuộc Triệu Phong), gọi là Dinh Cát.

Năm 1626, để chuẩn bị cho việc chống lại họ Trịnh ở phía bắc, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh xa hơn về phía nam, đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên bây giờ, và đổi Dinh làm Phủ.

Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ mới.

Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân, cũng thuộc huyện Hương-Trà – tức khu vực đông nam của Kinh thành Huế hiện nay

Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu lại dời phủ về phía bắc, thuộc làng Bác Vọng , huyện Quảng Điền, Thừa Thiên.

Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khóat lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân, hơi dịch về phía trái một chút, và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ (1774) về tay quân họ Trịnh do Hòang Ngũ Phúc chỉ huy.

Năm 1802, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã “đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư” (Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh sư).


“Huế”, theo Thái Văn Kiểm


Học giả Thái Văn Kiểm, một nhà Huế học nổi tiếng từ lâu, trong bài viết Rồng chầu ngòai Huế, với tiểu mục Nguyên ủy chữ Huế (THÁI VĂN KIỂM, Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn, Canada, 1997, tr. 147-149),đã đưa ra những kiến giải sau:

1) Chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế có thể là do việc kiêng tên của một nhân vật quan trọng nào đó (tổ tiên, thành hoàng), có thể là tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc -- công thần của Nhà Đinh -- tổ của Nhà Nguyễn.

2) Có thể chữ Huế đã xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, căn cứ trên những dữ kiện về ngôn ngữ và tự điển. Chẳng hạn:

-Trên bản đồ Việt Nam in trong tự điển Dictionarii Latino-Annamitici (tome II) của Taberd, in năm 1838 tại Ấn Độ, thấy có tên Huế.

-Trong tự điển Dictionarium Annamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine và J.L. Taberd có giải thích, Huế: provincia regia Cocincinae.

- Trong hồi ký Souvenirs de Huế xuất bản năm 1867 tại Paris của Michel Đức Chaingeau -- con trai của Jean Baptiste Chaigneuau, tức Đức Thắng Hầu Nguyễn Văn Thắng, một trong những người Pháp theo giúp vua Gia Long, có công, làm quan tại triều đình Huế -- cái tên Huế nhiều kỷ niệm về Huế hồi đầu thế kỷ 19 đã được ghi lại một cách rõ ràng.

3) Tác giả cũng dẫn thêm rằng có thể do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng (1820-1841), thân mẫu của vua Thiệu Trị (1841-1847) -- vì Hoa và Hóa đọc na ná -- nên Hóa phải đổi thành Huế. Bằng cớ là người Huế tránh nói chữ “hoa”, nên gọi hoa là bông, ba, hay huê, tỉnh Thanh Hoa đổi làm tỉnh Thanh Hóa.

Tất cả những ý kiến trên của học giả Thái Văn Kiểm , theo thiển ý, cần được xét lại.

Thật vậy, về ý kiến cho rằng chữ Huế là do đọc trại từ chữ Hóa mà ra, vì lý do kiêng húy của một nhân vật quan trọng nào đó, chẳng hạn, có thể là húy ông tổ sáu đời của Nhà Nguyễn là Nguyễn Nạp Hóa, hoặc húy của bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng, thì nghe ra không hợp lý, vì hai lẽ:

-Trong tộc phổ họ Nguyễn, không thấy tên Nguyễn Nạp Hóa là cháu sáu đời của ông tổ Nguyễn Bặc ( TÔN THẤT HÂN, Genéalogie des Nguyễn avant Gia Long, BAVH, No3, 1930.) Mặt khác, nếu nói như vậy thì tôi cũng có thể đưa ra một bằng cớ khác, có vẻ rõ ràng hơn, đó là việc chúa Thượng có một người vợ mà ông rất cưng quí, người Quảng Nam, họ Đòan (về sau được truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu Hòang Hậu), có mẹ tên là Vũ Thuận Hóa (QUỐC SỬ QUÁN, Đại Nam Liệt Truyện, Tập 1,Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế,1997, tr. 25). Có phải vì vậy mà đọc trại thành Thuận Huế, rồi thành Huế chăng?! Chúng tôi không tin như thế!

-Nói rằng vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa --tức Tá Thiên Nhơn Hòang Hậu, chánh cung của vua Minh Mạng (1820-1841) -- nên Hóa trở thành Huế, cũng là suy diễn quá đà, vì bà Hoa mất năm 1807, mới 17 tuổi, sau khi sinh vua Thiệu Trị được 13 ngày, khi vua Minh Mạng đang còn là một ông Hoàng; còn cái tên Huế thì xuất hiện hơn thế kỷ trước. Người ta không thể đi ngược thời gian để sửa đổi quá khứ. Vả chăng, cũng vì cái húy đó mà tỉnh Thanh Hoa đổi làm Thanh Hóa kể từ đời Thiệu Trị (1841-1847); không lẽ lại còn phải bắt Hóa thành Huế mới phải phép chăng?

- Thật ra, không cần thiết phải dẫn những sách vở hay họa đồ của đầu thế kỷ XIX, như nhiều người đã làm, để chứng minh sự hiện diện của Huế, vì ngay từ nửa sau thế kỷ XVIII -- nghĩa là ngay cả trước khi hồi ký về Huế của Đức Chaigneau ra đời vào năm 1867, hay tự điển của Taberd xuất bản năm 1838 -- thì cái tên Huế đã chễm chệ có mặt hẳn hoi rồi.

Chẳng hạn, trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hòan chỉnh là Hué (BAVH., No.4, 1918, tr.285; BAVH., No.1, 1922, tr. 53.)

Chẳng hạn, năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong (cho Bộ Hải Quân Pháp) từ cù lao Chàm-Hội An cho đến Huế, theo dữ kiện thu thập được trong các năm 1755-1756, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi, như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ ( BOUDET & MASSON, Iconographie Historique de l’Indochine Française, Paris, 1931, Pl. XVI, xem hình) .

Một ví dụ khác: ngay khi Huế đang còn trong tay Tây Sơn, trong một lá thư viết tại Sàigòn ngày 15/7/1789 của Olivvier de Puynamel gởi cho Létodal ở Macao, hai lần cái tên Huế (Hué) được nhắc đến khi nói về tình hình nơi này ( CADIÈRE, Les Français au service de Gia Long, XII. Correspondance, BAVH., No.4, 1929, tr. 364 )

...

Bản đồ này vẽ năm 1787, trên đó, cái tên HÚE đã được ghi rất rõ


“Huế”, theo L. Cadière, và
“Huế”, theo Nguyễn Hy Vọng


Thời họ Nguyễn lập nghiệp ở miền Nam thì người Tây Phương cũng bắt đầu tới lui Đàng Trong ngày một nhiều, sớm nhất là người Bồ Đào Nha. Khai thác nguồn tài liệu hồi ký và bút lục của các nhà truyền giáo, các sĩ quan hàng hải, các nhà ngọai giao Tây phương đã từng đến Đàng Trong, L. Cadière và các hội viên khác đã viết một loạt bài đăng rải rác trên nhiều số BAVH, lấy tên chung là Les Européens qui ont vu le Vieux-Hué (Những người Âu châu đến Huế-Xưa), mỗi số giới thiệu một người, khởi đi từ khi Huế chưa thành hình, với Cristoforo Borri -- đến Thuận Hóa trong khỏang 1618-1621 -- cho đến Dutreuil de Rhins, đến Huế năm 1876, là chấm dứt chuyện Huế-Xưa.

Theo đó, Cadière đã chia sự thành hình của Huế qua những thời kỳ khác nhau:

- Tiền-Huế (pré-Hué), nghĩa là Huế của thời chưa được các chúa Nguyển chọn làm thủ phủ, Huế trước 1636.

- Huế-Kim Long, là Huế kể từ lúc chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan dời phủ từ Phước Yên vô Kim Long vào năm 1636;

- Huế- Phú Xuân, là Huế kể từ khi chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn lập phủ ở làng Phú Xuân năm 1687;

- Và Cuối cùng là Huế -Gia Long, Minh Mạng, kể từ năm 1802 (CADIÈRE, Les Européens qui ont vu le Vieux-Hué, BAVH., No.3, 1915, tr. 231.)

Chính qua bài giới thiệu về linh mục Alexandre de Rhodes mà ta có thể thấy được kiến giải của Cadière về “Huế”.

Linh mục A. de Rhodes (1591-1660), người Pháp, là giáo sĩ dòng Tên, đã đến Đàng Trong và Đàng Ngòai nhiều lần. Ông để lại nhiều công trình biên khảo, trong đó, liên quan tới đề tài này là cuốn tự điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, xuất bản tại La Mã năm 1651) và cuốn hồì ký Voyages et Missions du P.A. de Rhodes (xuất bản lần đầu năm 1653, Paris; lần thứ hai 1884 ). Khi viết về A. de Rhodes, Cadière đã căn cứ phần lớn vào ấn bản 1884.

Từ Macao, A. de Rhodes đã đến Đàng Trong lần đầu vào khỏang đầu năm 1625 và ở lại cho đến tháng 7 năm 1626 thì được lệnh ra Đàng Ngòai. Trong năm đó, ông đã cùng linh mục de Pina đi từ Quảng Nam ra Quảng Trị để gặp chúa Sãi, vì bấy giờ Chính Dinh vẫn còn đặt tại Trà Bát. Họ đi bằng đường bộ và lộ trình bắt buộc phải đi ngang qua Huế (sau này) mà A. de Rhodes gọi là province de Hoâ (tỉnh Hoâ)( CADIÈRE, bài đã dẫn,bđd., tr.242.). Năm 1626, chúa Sãi dời dinh từ Trà Bát vô làng Phước Yên (tức Phúc An, thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên), và đổi Dinh làm Phủ. Không rõ A. de Rhodes có biết việc này trước khi rời Đàng Trong hay không, vì không nghe nói tới.

Lần thứ hai, A. de Rhodes đến Huế là trong khỏang 1640-1645. Bấy giờ là thời của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Khi đó thì phủ chúa đã dời vô làng Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên), bên bờ sông Hương, được bốn năm. A. de Rhodes đã có dịp đến phủ chúa ở “cái thành phố mà chúa lập dinh gọi là Kẻ Huế” (“. . . la ville òu le Roi fait son séjour s’apple Kehue.” - CADIÈRE, bđd., tr.242.) vì ông có một con chiên rất ngoan đạo là Minh Đức Vương Thái Phi (tên Thánh là Maria Madalena), vợ thứ của chúa Tiên Nguyễn Hòang, nhờ vậy ông có thể ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về Huế-Kim Long lúc bấy giờ. Đại khái đó là một đô thị đang được xây dựng, có nhiều đường sá, nhà cửa đông đúc, phủ chúa tuy không nguy nga đồ sộ nhưng đẹp đẽ và tiện nghi. Ông cũng có cơ hội tham dự một cuộc tiếp khách ngọai quốc tại phủ chúa, dự kiến một cuộc thao diễn thủy quân trên sông Hương do chúa Thượng chỉ huy, và một cuộc thao diễn trên bộ, phối hợp bộ binh và kỵ binh.

Trong tự điển Việt-Bồ-La, A. de Rhodes đã giải thích chữa “hóa” như sau:

...
(hình chụp lại từ cột 329 trong tự điển)

Bản dịch của BS Nguyễn Hy Vọng (Từ-Điền Nguồn Gốc Tiếng Việt, ấn bản điện tử CD, mục giải thích chữ Huế):
hoá, kẻ hoá, thuận hoá:


-corte de Cochinchina que os portugueses chamao Sinua”

“triều đình của xứ Cochinchina [xứ Đàng Trong] mà người Bồ đào nha gọi là Sinua”

-regia Cocincinensis à lusitanis dicta Sinua. kẻ hóe, idem.

“triều đình của xứ Cocincinensis mà người Bồ đào nha gọi là Sinùa, kẻ hóe. cũng thế.

Căn cứ vào cách viết của A, de Rhodes về các chữ “hóa”, “hòa” ( ngày nay) trong tự điển, Cadière cho rằng mấy chữ (province de) Hoâ và Kehue mà A. de Rhodes ghi lại trong hồi ký chính là các chữ hǒá và kẻ hóe trong tự điển, chứ không có gì khác. L. Cadière đã có nhận định như sau (CADIÈRE, bđd., tr.243):

- Vào thời của A. de Rhodes, dạng viết Huế như ngày nay chưa có, vì nếu có thì đã được de Rhodes ghi lại rồi;

- Cái tên Huế vào thời A. de Rhodes là Hóa, với dạng Hoé mà ngày nay không còn nữa, còn cái tên Huế thì chưa thông dụng .

Nếu kết luận như Cadière thì cái tên mà A. de Rhodes đã ghi lại trong hồi ký, như Kehue, chỉ là một cách ghi âm không chính xác. Huế đã bắt dầu có từ thời Huế-Kim Long (1636) với cái tên là Hóa, còn

Hóa biến thành Huế khi nào và vì sao thi không thấy đề cập. Chúng tôi sẽ trở lại ý kiến này ở phần sau.

Cùng một nguồn tài liệu đã dẫn ở trên, BS. Nguyễn hy Vọng lại có một nhận định khác hẳn. Sau khi trích dẫn tự điển Việt-Bồ-La của de Rhodes, tác giả của Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt (ấn bản điện tử dưới dạng CD), khẳng định:


“Như vậy là hóa, huế, hai âm này đã có, đã nói, đã gọi như thế, đã viết khác và đọc khác từ trước, đương nhiên là trước cả năm 1651 nữa.”

Ông cũng trích dẫn câu văn có chữ Kehue để làm mạnh thêm cái lý của mình , và ông cũng nhận định rằng “. . . các từ điển về sau, sau đó 187 năm, bắt chước cách viết hue của ông cố đạo A. de Rhodes” [đó là các từ điển của Taberd, 1838; Pingeau de Béhaine, 1838; Hùynh Tịnh Của, 1895.]

Khẳng định đó của Nguyễn Hy Vọng cho ta hiểu rằng, Huế đã có tên riêng là Huế ngay từ trước 1651 (năm xuất bản tự điển Việt-Bồ-La), chứ chẳng dính gì đến Hóa của châu Hóa hay Thuận Hóa.

Nghiêm Đức Thảo và “thóc Huế”


Trong Đặc san Quảng Trị, Xuân Tân Tỵ 2001 (Virginia, USA), tác giả Nghiêm Đức Thảo, trong bài viết Qua truông Nhà Hồ đã có một kiến giải rất mới về nguồn gốc của Huế. Theo đó, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế.

Trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Lê Thánh Tông đã viết một câu trong đó có tên Huế rất rõ ràng: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then. (Thơ Văn Lê Thánh Tông, Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981, tr. 134.)

Theo ông, “Bài thơ này được trích lại từ tập Minh Lương Cẩm Tú, sáng tác trong năm Tân Mão, 1471, lúc nhà vua vượt đèo Ngang vào đánh Chiêm Thành . . .”

“Rõ ràng câu văn của Lê Thánh Tông đã có một căn bản địa lý lịch sử. Vậy thì tại sao cứ phải gọi Huế là do Hóa trong Thuận Hóa nói trại ra. Chẳng lẽ một nhà văn một nhà thơ nổi tiếng như vua Lê Thánh Tông, không đủ cho chúng ta tin, để cứ phải tin vào văn liệu các nhà ký sự Tây phương viết ra sau đó 156 năm. Có lẽ nào vua Lê Thánh Tông đã lầm khi viết Huế là một địa danh bên cạnh địa danh Lào? “ (tr.140-141)

Sau khi dẫn chứng và lập luận để củng cố kiến giải, ông đi đến kết luận:

“Cũng vậy, phải nói địa danh Huế có trước khi vua Lê Thánh Tông ghé đến, ít ra là trước năm 1497. Xóa khai sinh của một địa danh khi chưa cố gắng tìm ra chứng liệu khả tín trong kho tàng lịch sử dân tộc; nhận những dòng ký sự Tây phương như chứng liệu duy nhất, đó là một việc làm thiếu thận trọng.” (tr.142)

Trong việc tìm về cội nguồn của mình, tôi cũng rất muốn tin và nghĩ như Nghiêm Đức Thảo nhưng sao vẫn có nhiều nghi vấn ám ảnh như áng mây mờ.

Hãy nói về hai chữ thóc Huế trong bài văn của Lê Thánh Tông. Xin hãy lưu ý một điều: chữ Hóa trong Thuận Hóa là chữ Hán, còn chữ Huế là chữ Nôm. Cả hai chữ Hóa và Huế khi viết trên giấy trắng mực đen đều có một lối ký tự giống nhau là 化, và tùy ngữ cảnh (context) mà đọc Hóa hay Huế.

Vậy thì sao lại chỉ có thể đọc là thóc Huế mà không đọc thóc Hóa ? Dẫu có đọc thóc Hóa thì nghĩa câu thơ cũng không có gì thay đổi.

Mặt khác, đọc là thóc Hóa thì mới đúng với điều kiện sản xuất tại địa phương hơn. Vì sao? Vì ngay cả Huế bây giờ ( 2004), rộng lớn và đông dân hơn thời Huế-Lê-Thánh-Tông (?) gấp bội cũng chưa phải là một nơi sản xuất lúa dồi dào để có tiếng là thóc Huế, mà phải là cả vùng Thuận Hóa hay châu Hóa, thì mới đủ sức làm ra thóc Hóa được.

Cho nên tôi vẫn chưa tin rằng Huế có từ trước thời Lê Thánh Tông.


“Huế” có từ khi mô?


Ý kiến của học giả Thái Văn Kiểm cho rằng cái tên Huế đã xuất hiện trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh không mấu thuẩn với nhận định của linh mục Cadière. Tuy nhiên, khi cho rằng “Huế” thành hình kể từ Huế-Kim Long (1636 trở đi) thì thời điểm của Cadière tương đối xác thực hơn. Tôi hòan tòan tán thành quan điểm của Cadière.

Khi tới Huế lần thứ hai (1640-1645), được mục kích Huế-Kim Long, A. de Rhode đã rất ngạc nhiên về sự quần tụ đông đảo của dân chúng, và ông đã dùng những chữ như grande ville (đô thị lớn), grande foule de peuple (đám đông dân chúng) để diễn tả, và chính điều này đã khiến Cadière nghĩ rằng Huế-Kim Long lúc đó không phải chỉ đơn giản có làng Kim Long mà thôi mà còn phải kể đến các làng chung quanh như Xuân Hòa, Vạn Xuân, An Ninh[2] và Phú Xuân nữa. Chỉ nội với một đòan quân đông đảo hơn 6,000 người cùng với gia đình của họ, thêm vào đó là quan lại và gia đình, chưa kể dân chúng, thì số người tụ hội sinh sống không nhỏ, một mình Kim Long không thể dung chứa đủ. Việc kể thêm các làng chung quanh vào Huế-Kim Long lúc bấy giờ là hợp lý. Điều này cũng dễ hiểu như về sau này mọi người đều chấp nhận rằng Huế không phải chỉ gói trọn trong Kinh thành mà còn phải tính đến cả vùng chung quanh, kéo dài đến Bao Vinh, lên đến Thiên Mụ và vùng các lăng tẩm, xuống đến Vỹ Dạ, Cửa Thuận, mặc dầu những vùng này, trước 1975, không thuộc khu vực hành chánh của Huế.

Với uy thế chính trị mới, với sự quần tụ đông đảo của dân chúng, cái tên Huế nếu có bắt đầu xuất hiện cũng là điều hợp lý. Khi nói bắt đầu xuất hiện, nên hiểu theo hai nghĩa : thứ nhất, có thể là nó chưa có, bây giờ mới được đặt tên; thứ hai, nó đã có sẵn rồi, nhưng bây giờ, do ở trong một điều kiện khác, mới được người ta lưu ý và công nhận. Tôi chọn nghĩa thứ hai, lý do như sẽ trình bày phần tiếp đây.


“Huế” từ mô ra ?


Trong khi đi tìm giải đáp cho câu hỏi:
Huế” từ mô ra? tôi nhận thấy có mấy điểm đặc biệt sau đây, mà hầu như chưa có ai quan tâm đề cập:

1)Thứ nhất, trong nguồn sử liệu Việt Nam, không thấy có tài liệu nào nói tới chữ “Huế” . Tại sao?

Ngọai trừ Quốc Triều Chính Biên Tóat Yếu (QTCB., ấn bản điện tử,www.honosoft.com.). Tất cả, khi nói tới Huế, đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng cái tên Huế bao giờ. Trong QTCB, Huế được nhắc đến nhiều lần trong các trang 172,199,215,216,217 nhân khi nói về mối quan hệ với Pháp. Sách này do Tổng tài Quốc Sử Quán Cao Xuân Dục soạn năm1908 – nghĩa là lúc nền bảo hộ của Pháp đã hết sức vững vàng -- sau đó vua Khải Định (1916-1925) truyền dịch ra quốc ngữ để phổ biến các trường, năm 1925. Lúc đó thì ảnh hưởng của Pháp đã hết sức lớn lao, quan lại Việt Nam bắt chước người Pháp-đô-hộ gọi Kinh đô Phú Xuân là Huế, là chuyện đương nhiên. Bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ( tập I và II, Institut de l’Asie du Sud-Est, Paris, 1987,) cũng đi theo hướng đó. Đây là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, và trong khi viết, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và thế là cái tên Huế bỗng nương theo đó, không kèn không trống, xuất hiện một cách rất tự nhiên (từ trang 254 trở đi của tập II mới có, khi nói về những sự kiện liên quan đến Pháp).

Hai tài lịêu mà tôi đặt hy vọng nhiều nhất là Ô Chậu Cận Lục (bản dịch của Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu, Sàigòn, 1961) và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn (2 tập, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sàigòn, 1973) , nhất là cuốn sau, nhưng cũng không có một manh mối nào cả, mặc dù trong đó tác giả đã mô tả Phú Xuân rất tỉ mỉ , và Phan Khoang đã tận dụng để viết Việt Sử Xứ Đàng Trong.

Tại sao? Theo ý tôi:

Một địa phương Việt Nam thường có hai tên, một tên chính thức bằng chữ Hán, và một tên Nôm do dân chúng đặt. Ví dụ làng Lại Ân và làng Sình ở Huế là một. Trong trường hợp như thế, sử sách Nhà Nguyễn có khuynh hướng chỉ ghi tên chính thức, tên “chữ” (Hán) và thường bỏ qua cái tên thông tục. Đại Nam Nhất Thống Chí (Kinh sư-Thừa Thiên Phủ) không biết tới cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, và cửa Ngăn; còn dân Huế thì không quan tâm tới cửa Đông Nam, cửa Chính Đông và cửa Thể Nhơn, mà chỉ quen thuộc với cửa ThượngTừ, cửa Đông Ba và cửa Ngăn mà thôi. Đó là sự khác nhau giữa sách vở và thực tế. Và đó là lý do cái tên Huế không có trong sử liệu Nhà Nguyễn, mặc dầu nó vẫn hiện hữu.

2) Thứ hai, hầu như chỉ có thể tìm thấy dấu vết của Huế trong tài liệu của Tây Phương. Tại sao?

Thật vậy, tại Đàng Trong, trong hai thế kỷ XVII và XVIII, có ba địa điểm quan trọng mà Tây phương biết đến nhiều, là: Huế, Hội An, và Đà Nẵng; trong đó, Huế là trung tâm quyền lực, Hội An là trung tâm thương mãi, và Đà Nẵng là cửa ngõ hàng hải.

Trong khi sử sách và giấy tờ của Việt Nam, cho tới nửa sau thế kỷ XIX, chỉ gọi ba nơi này bằng ba cái tên chính thức là Phú Xuân, Đà Nẵng, và Hội An, thì người Tây phương lại chỉ gọi theo cách riêng của họ, tùy nước và tùy thời kỳ. Xin tạm xem xét bản đối chiếu sau đây (ghi một số tượng trưng):

...

Rõ ràng cả ba địa điểm này đều có một đặc điểm giống nhau, ấy là cùng một địa phương nhưng ông nói gà bà nói vịt, nghĩa là sử liệu Việt Nam không hề đả động tới những cái tên như Huế, Faifo, và Tourane thì tài liệu Tây phương cũng hầu như không bao giờ nói tới Phú Xuân, Hội An và Đà Nẵng, mặc dầu cả hai bên cùng nói về một địa phương và biết rất rõ về địa phương đó!

Và điều này đáng cho ta đặt ra câu hỏi tại sao.

Theo thiển ý, nguyên nhân là thế này: buổi đầu, khi mới đặt chân lên một địa phương lạ, người Tây phương, trước nhất là các nhà truyền giáo, thường hỏi dân địa phương để biết nơi đó gọi là gì. Câu trả lời của dân sở tại thường là cái tên thông tục, chứ ít khi là cái tên chính thức của nhà nước. Người Tây phương sẽ ghi lại theo cách nghe, cách hiểu và cách viết của nước họ. Những cái tên ban đầu ấy sẽ phát triển dần dần theo cách riêng cho đến khi định hình hẳn. Bản đối chiếu mà tôi cung cấp tạm thời ở trên về ba địa danh Huế, Faifo, Tourane là một ví dụ.

3) Thứ quốc ngữ thời A. de Rhodes là lọai quốc ngữ chưa định hình.

Điều này là một sự thật hiển nhiên khi đọc những tác phẩm viết bằng quốc ngữ của A. de Rhode. Khi viết, dĩ nhiên phải dựa trên một nguyên tắc nào đó mới viết được, nhưng nguyên tắc này vào buổi sơ khai, khá lỏng lẻo, khá du di. Điều này dẫn đến sự bất nhất trong cách viết của cùng một chữ; ví dụ cách viết các địa danh trên bản đồ và trong tự điển, có khi không giống nhau, dù cùng một tay của A. de Rhodes mà ra. Trong bản đồ Đàng Trong và Đàng Ngòai xuất bản năm 1653. cái tên Thuận Hóa được ghi là Thoanoa, trong khi tự điển ghi là thŏân hŏá; hoặc bản đồ ghi Haifo nhưng tự điển ghi là hǒài phố, faifo,v.v. Do đó, kết luận của Cadière, như đã dẫn ở trên, không lấy chi làm thuyết phục lắm.

Những suy nghĩ tại các điểm 1); 2); và 3) nêu trên dẫn tôi đi đến chỗ

4) Tôi nghĩ rằng Kehue là Kẻ Huế. Huế là từ Kẻ Huế/Kẻ Hóa mà ra.

Từ cầu Bạch Hổ đi lên chợ Kim Long là vùng đất của hai xã Vạn Xuân và Kim Long. Con sông đào -- trên đó cầu Bạch Hổ vắt qua để dẫn đến Vạn Xuân, Kim Long -- nối liền sông Hương ở phía nam và Hộ Thành hà ở phía bắc, có tục danh là sông Kẻ Vạn [3] Từ cửa Hũu đi ra, băng qua đường An Hòa (tức một đọan của QL1 cũ), khách sẽ qua bến đò Kẻ Vạn, chợ Kẻ Vạn, rồi nhà thờ Kẻ Vạn.

Khi đã có Kẻ Vạn ở Vạn Xuân, tại sao lại chối bỏ Kẻ Huế ở Kim Long, khi A. de Rhode đã ghi rõ ràng rằng “cái thành phố mà chúa lập dinh gọi là Kẻ Huế “ ?

Tác giả Nguyễn hy Vọng đã ghi nhận, “Như vậy là hóa, huế, hai âm này đã có, đã nói, đã gọi như thế, đã viết khác và đọc khác từ trước, đương nhiên là trước cả năm 1651 nữa.”

Sự hiện hữu của hai âm hóa, huế về cùng một địa phương và có giá trị như nhau cho phép ta nghĩ rằng vào thời bấy giờ Kim Long còn có một tên khác là Kẻ Huế hay Kẻ Hóa (kiểu như Vạn Xuân với Kẻ Vạn vậy), tùy theo cách gọi của dân chúng.

Vì là cái tên thông tục nên sử sách chẳng ghi nhận làm gì, nhưng với người ngọai quốc, nhất là các nhà truyền giáo thì khác. Vùng này thì hẳn A. de Rhodes không lạ lùng gì, vì là đất của bổn đạo. Khi trở lại Đàng Trong lần thứ hai, mặc dầu đã đến nơi và biết rõ chúa Nguyễn lập phủ ở Kim Long nhưng A.de Rhodes lại không đã động gì tới cái tên Kim Long, chỉ ghi nhận cái địa danh Kẻ Huế. Vì sao? Vì Kim Long là cái tên chính thức, xa lạ, còn Kẻ Huế mới là cái tên quen thuộc, là nơi trước kia bổn đạo của ông đã ở nhưng nay phải thiên di chỗ khác cho chúa lập phủ. Đó là nguyên nhân khiến Kẻ Huế hay Kẻ Hóa không còn tồn tại như Kẻ Vạn, nhưng tồn tại trong lòng con chiên, và tồn tại trong hồi ký của A, de Rhodes.

Những cái tên Kehue hay Kehǒá ban đầu đó tiếp tục xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau theo cách nghe và cách viết của mỗi người (Tây phương), cho đến khi định hình hẳn, từ nửa sau thế kỷ XVIII, theo cách của Pháp, là Hué.

Trong khi cái tên này ngày càng phổ biến trong giới người Âu thì Việt Nam theo tiến trình ngược lại. Lúc chúa Nguyễn chưa lập phủ thì nó là Kẻ Huế/Kẻ Hóa, khi lập phủ thì cái tên dân giả này mất đi, sử sách chỉ biết có Kim Long. Sau đó thì qua giai đọan Phú Xuân. Cái tên Phú Xuân được chính thức công nhận nhưng người Âu không cần biết tới, vì Phú Xuân và Kẻ Huế/Kẻ Hóa ở gần nhau, họ đã quen tên cũ, vậy thì cứ thế mà dùng, không cần phân biệt.

Cho tới nửa sau thế kỷ XIX, khi chủ quyền dần dần mất đi, ảnh hưởng của kẻ mạnh ngày càng lấn tới, để rồi Phú Xuân, Kinh đô, cùng theo chân như kiểu Hội An, Đà Nẵng, dần dần bị nhạt nhòa, quên lãng, nhường chỗ cho Huế, Faifo, Tourane, trở thành hiện thực, xuất hiện hàng ngày trên lời nói, trên giấy tờ, trên sử sách, một cách quen thuộc và được chấp nhận một cách tự nhiên.

Dẫu cho con đường của “Huế’ đi có quanh co, gián đọan, nhưng “Huế” vẫn từ Huế mà ra, và đã trở về vĩnh viễn với Huế./

VÕ HƯƠNG-AN
(Huế Của Một Thời)
11/2004

[1] Léopold Cadìere (1869-1955), giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Ngọai quốc Paris (Misssions Etrangères de Paris) , đến VN năm 1892, cha xứ họ đạo Di Loan, Quảng Trị, tục gọi là Cha Cả. Năm 1913, ông lập Association des Amis de Vieux Huế (thường gọi là Hội Đô thành Hiếu cổ), và là người chủ trương tập san BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hue) từ khi ra đời cho đến khi đình bản (1914-1944). BAVH là một gia tài văn-sử-địa quí hiếm của Huế nói riêng và VN nói chung.

[2] An Ninh là chánh quán của người viết bài này, trước 1975 thuộc xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay thuộc thành phố Huế.

[3] Tôi chỉ nhắc con sông đào này để nói cái tên Kẻ Vạn, chứ thật ra dời các chúa Nguyễn chưa có sông này. Tiền thân của nó là một chi lưu nhỏ của sông Hương, đã bị nắn giòng khi xây kinh thành Huế.

Back to top
« Last Edit: 07. Mar 2010 , 18:53 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #2 - 06. Mar 2010 , 22:52
 
Tiếng Huế và Giọng Huế


Đặng Lệ Khánh


Ôi chao giọng Huế !! Mình người Huế mà đi nơi lạ , nghe được giọng Huế mô đó là rán ngước mắt , quay đầu tìm cho kỳ được chủ nhân của giọng nớ đang đứng ở mô , có quen chút mô không . Người Huế qua Mỹ hà rầm , mô phải ít . Cứ mỗi lần nghe giọng Huế thì quay đầu tìm , chẳng mấy lúc mà chóng mặt , nếu không gãy cổ . Nhưng mà lạ quá , hể nghe được thì tự nhiên trong lòng như có một chút dậy sóng , a , bên cạnh mình đang có một ai đó đang tha hương lạc bước từ xứ mình đây .

Hôm kia đi ăn cưới , hai bên dâu rễ đều là người Huế , ông MC cũng người Huế , ông ca sĩ chính cũng người Huế . Khi ông ca sĩ nói , một cô trong bàn phê bình : " Ông ni nói tiếng Huế chi lạ rứa , ông nói tiếng chi a " , còn ông xã thì nói : " Nói tiếng Huế gì nghe nặng wá , hổng hiểu gì cả ." K thì nghe hiểu tất .

Vậy thì giọng Huế ra răng mới đúng tiêu chuẩn ? Cô bé phê bình giọng Huế của chàng ca sĩ thì vừa rời Huế năm năm , ông xã K là Huế lai căng , sinh ở cao nguyên và lớn lên ở miền Nam , họ có đôi tai khác hẳn K chăng ? K không phân biệt được âm sắc trong giọng nói chăng ?Hay là K vì lòng thương Huế , cái xứ mình bỏ mà đi từ xưa nên rộng rãi hơn với cái giọng thân thương nớ , nghe bằng trái tim hơn là bằng đôi tai?

Giọng Huế khác với giọng Hà Nội , giọng Saigon ra răng mà ông Hà Huyền Chi đi giữa chợ Mỹ , chắc chắn là nghe rất nhiều người nói tiếng Việt , mà chỉ khi nghe giọng Huế mới chiêng trống dậy hồn đau , mới khơi nỗi sầu xa xứ chất ngất trong lòng , dù ông là dân Bắc chính cống ? Có phải chăng khi đã nghe một giọng Huế thỏ thẻ bên tai , không chỉ là lời đi vào hồn người , mà cái giọng đã đậu trong tim , đâm cành trẫy lá ?
...Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ
Mà chiêng mà trống dậy hồn quê
Hương cau màu trúc xanh thôn Vỹ
Áo mới xênh xang giữa hội hè

Tôi bước bên nàng không dám thở
Không gian đầy Huế núi cùng sông
Tóc ai thả gió hồn tôi mở
Dấu kín trong tim những nụ hồng
HHC

Giọng Huế quý giá vô cùng làm cho Mạ đã lưu lạc bao nhiêu năm , mất mát đủ thứ mà khư khư ôm lấy giọng Huế ướt rượt, nhất định không đánh đổi , không pha trộn , dù đời sống Mạ như cuồng lưu tràn bờ biết bao lần . Lúc lắng xuống , giọng Mạ như giòng Hương sau những cơn cuồng nộ , lại lặng lờ xanh trong chảy xuôi ra biển , êm ái nghe giọng hò thoang thoảng xa đưa .
...Tuổi con gái Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gí trong
Bao đắng cay pha vào chưa đục được ...
Đoàn Vị Thượng

Giọng Huế ăn sâu trong tâm người con Huế , đi đến bờ bến nào cũng thương nhớ không nguôi . Chỉ cần nghe tiếng thỏ thẻ của một người bạn Huế là gợi nhớ đến một thời thơ ấu có tiếng Mạ ru hời bên tai , và cảm thấy gần gũi ngay , như gần gũi với thời gian đã qua , đã mất .
...Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành không hối tiếc chi mô
Tô Kiều Ngân

Giọng Huế của gái Huế dịu dàng , nhiều người công nhận . Nhưng giọng Huế con trai Huế thì đang còn được bàn cãi . Nhiều người cho rằng giọng trai Huế không hùng hồn , không kêu gọi được người khi làm chuyện lớn . Điều ấy thực chăng ? Không phải đâu . Chỉ tại người Nam và người Bắc không muốn sửa đổi đôi tai của họ để nghe một âm sắc trầm trầm bằng bằng . Không sửa được , họ không hiểu thì họ không nghe .Nên để được người nghe , người Huế đổi giọng . Người Nam , người Bắc không ai đổi giọng của họ , mà người Huế thì đi đến đâu pha giọng đến đó . Chính vì vậy mà người khác địa phương không cần phải lắng nghe , sửa tai mà nghe . Hai người Huế tha phương gặp nhau , phải một thời gian lâu mới biết là họ cùng người Huế cả vì họ nói giọng Bắc , giọng Nam . Khi biết ra , cả hai cùng hân hoan , tự hào nói : Rứa hả , em cũng Huế đây nì .

Ngày K mới theo chồng từ Huế vào Saigon , K ở chung với chị chồng . Bà đi làm suốt ngày . Bà có một người giúp việc , bà Tư ,người Kiên Giang . Trong những ngày đầu sống trong căn gác xép xa lạ , chồng theo tàu lênh lênh , chung quanh không người thân quen , K chỉ có mỗi bà giúp việc ấy để chuyện trò cho đỡ nhớ nhà . Mà nói chuyện với Bà như nói chuyện với người điếc . Bà nói K còn nghe được chứ K nói thì bà hoàn toàn mù tịt , không hiểu K nói gì . Nhờ bà làm gì rồi thì cũng tự mình đi làm lấy vì bà ư hử mà không làm , chỉ vì bà không biết K muốn gì . Bà than : " Cô nói tiếng ngoại guấc , hông nói tiếng Yiệt " .
Đối với người Nam , ai không nói giọng Nam là không nói tiếng Việt .

Như vậy , giữa tiếng và giọng , có một sự sai biệt khá lớn . Chúng ta hay dùng lẫn lộn . Khi nói " nói tiếng Huế " hay " nói giọng Huế " , thì ai cũng hiểu ngay là người ấy đang dùng âm thanh trọ trẹ để phát ngôn . Nhưng khi nói theo ông Võ Hương An " Tiếng Huế , một ngoại ngữ " , thì rõ ràng tiếng không còn là giọng Huế nữa . Bạn có thể nói giọng Huế , nhưng giọng Huế nớ sẽ không là giọng Huế rặt nếu bạn không dùng mô tê răng rứa . Nghe một giọng Huế thỏ thẻ mà trong câu toàn là thế là thế nào ,thưa vâng , không sao đâu ạ thì nghe nó ... kỳ kỳ như ăn cơm hến với dưa muối , cà pháo. Huế không thưa vâng ạ . Huế chỉ dạ nhẹ nhàng . Cái tiếng dạ của mấy cô gái Huế làm chết biết bao chàng trai Huế cũng như không Huế . Huế không nói thế là thế nào , Huế nói : Dạ , rứa là răng ? Mấy chữ mô tê răng rứa ni phải đi với giọng Huế ,chứ còn đi với giọng Saigòn , với giọng Hà Nội thì dĩ nhiên chỉ là nói đùa cho vui , hoặc đang lấy lòng một người Huế nào đấy thôi , hoặc là một dấu vết cho thấy người nói đã một thời lăn lóc trên đất người, đã lậm tiếng người, đã mất gốc không nhiều thì ít. Như K đây. Đau lòng mà nhận ra như rứa.

Người Huế không kêu " cô ", người Huế kêu " O ".
Người Huế không kêu " Bà ", người Huế thưa " Mệ "
Người Huế không "nói ", người Huế "noái "
Người Huế không "mắc cỡ " , người Huế "dị òm",
Người Huế không hỏi: "Sao vậy? ", người Huế hỏi "Răng rứa? "
Người Huế không nói " Đẹp ghê ", người Huế nói " Đẹp dễ sợ "

Người Huế cái chi cũng kêu lên "Dễ sợ !! " , dữ dễ sợ[, hiền dễ sợ , buồn dễ sợ , vui dễ sợ , xấu dễ sợ , thương dễ sợ , ghét dễ sợ .
K đang trở lại với Huế , đang nói lại cái giọng mà thuở xưa đã từng thỏ thẻ bên tai ai , đang tìm học lại tiếng Huế , một ngôn ngữ tuy đang dần dần bị mai một vì những đợt sóng người từ các nơi trôi dạt đến . Những người mới này mang theo họ cái giọng , cái tiếng từ quê cha đất tổ, hoà lẫn với tiếng và giọng Huế , tìm cách đồng hoá nó , như xưa kia người Việt đồng hoá người Chiêm .

Những người ở các vùng khác có tha thiết nhớ và gìn giữ tiếng và giọng của họ không nhỉ ?
Hồi còn đôi tám , đi nghỉ hè trọ ở nhà một người bạn gái tại Saigon . Nhà bạn có hai ông anh lớn hơn chừng ba bốn tuổi . Cả bọn họp thành một nhóm đi chơi với nhau vui vẻ . Một buổi trưa , sau khi đi chơi đâu đó về ,cả 4 nằm ngang trên chiếc giường lớn nói chuyện bâng quơ . Một trong hai anh nằm kề K , lấy mái tóc dài của K đắp ngang mặt mình , hỏi :

" Tại sao người Huế khi nói gì cũng nói " dễ sợ " vậy K ? "
" K không biết "
" Vậy thì nếu nói ' Dễ thương dễ sợ ' có đúng không ? "
" Không biết "

Đặng Lệ Khánh
Back to top
« Last Edit: 06. Mar 2010 , 22:53 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
NgocDoa
Gold Member
*****
Offline


I Love Me Now!

Posts: 1704
U S A
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #3 - 07. Mar 2010 , 09:36
 
Kính tặng Mạ Vân của chúng em.


MẮT HUẾ XƯA

Nhạc và lời: Quốc Dũng
Ca sĩ: Thu Hiền

Xin bấm vào hình

...
Back to top
 

-“Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it is really cooperating with it)
Given by Martin Luther King
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #4 - 07. Mar 2010 , 19:11
 
Cám ơn Ngọc Đoá nhiều thanks.gif
Mời Đoá và cả nhà đọc về đám cưới công chúa triều Nguyễn trích trong “Huế Của Một Thời” của Võ Hương An -tốt nghiệp Cao Học Sử, thân phụ là một vị Nhất Đẳng Thị Vệ triều Nguyễn.


Công Chúa Lấy Chồng


nguồn: khoahoc.net


Buổi sáng ngày 15/11/2005, tại một khách sạn thuộc Hòang gia Nhật Bản ở Tokyo, lễ cưới của Công chúa Sayako và chàng thường dân Yoshiki Kuroda đã diễn ra trước sự chứng kiến của 130 khách mời. Sakyo, 37 tuổi, là con gái út của đương kim Nhật Hòang Akihito và Nhật Hậu Michiko, còn chàng rể Yoshiki Kuroda, 40 tuổi, công chức của thành phố Tokyo, vốn là bạn của Hòang tử Akishino, anh trai của Công chúa.

Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này – nói theo kiểu Việt Nam là Con trời lấy chú chăn trâu -- khiến cho hôn lễ của Công chúa không được cử hành chính thức tại đền thờ Nữ thần Amatersaru, mẹ của vị Hòang đế Nhật Bản đầu tiên,như điển lễ hòang gia qui định, và Sayako mất luôn tước hiệu Công chúa, không còn hưởng đặc quyền đặc lợi do tước vị hòang gia mang lại, và trở thành một thường dân như bao người khác. Vì thế, nàng phải lo học lái xe, tập đi siêu thị, tập làm bếp, nói chung là việc tề gia nội trợ bình thường của một phụ nữ. Điều an ủi là Sayako có được món hồi môn trị giá 1.3 triệu Mỹ kim để lo cho cuộc sống tương lai, sống cho ra thể thống con vua, dù không được mang danh hiêu Công chúa nữa.

Cái tin này sẽ làm cho người Việt Nam hòai cổ tự hỏi: vậy công chúa Việt Nam hồi xưa lấy chồng ra sao? Chuyện xa xưa thuộc các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, thì không rõ lắm, nhưng đối với các công chúa Nhà Nguyễn (1802-1945) thì quả thật có nhiều chuyện để nói.



Công chúa, Trưởng Công chúa


Ai cũng biết khi lên đường vào nam để giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hòang đã mở đường cho hai triều đại mới gồm 9 đời chúa và 13 đời vua cho họ Nguyễn sau này.

Dưới thời 9 đời chúa, con gái của các chúa được gọi là công nữ [1]. Công nữ Ngọc Vạn, vợ vua Chey Chette II, vua Chân Lạp, và công nữ Ngọc Khoa, vợ vua Chiêm Thành, Po Romé, đều là con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), đã vì quyền lợi của dân tộc mà đi làm dâu xứ người.

Dưới thời Nhà Nguyễn, con gái của vua được gọi là Công chúa, ví dụ Công chúa Ngọc Lâm (con gái lớn của vua Đồng Khánh, chị của vua Khải Định), Công chúa Tân Phong, con gái của vua Dục Đức, em vua Thành Thái.

Khi nói tới các công chúa Nhà Nguyễn, người ta lại bắt gặp các danh hiệu như Trưởng Công chúa hay Thái trưởng Công chúa. Cũng như các hòang tử, các công chúa cũng được phong tước. Trưởng Công chúa là một tước hiệu, không có nghĩa là công chúa lớn, công chúa trưởng, như khi ta gọi con trưởng, con thứ. Vì vậy vua có thể có nhiều trưởng công chúa. Năm 1839. vua Minh Mạng đã gia phong lần lượt cho bốn bà trưởng công chúa thứ nhất, thứ nhì, thứ ba và thứ năm các tước hiệu là Bình Thái Công chúa, Bình Hưng Công chúa, Bảo Lộc Công chúa và Bảo Thuận Công chúa, và ban cho ruộng để ăn lộc. Còn Thái Trưởng Công chúa là tước hiệu của vua gia phong cho công chúa thuộc hàng chị hay em của vua cha.

Khi được phong, công chúa được được ban mũ áo và ngân sách. Ngân sách là cuốn sách làm bằng những tờ bạc dát mỏng, khâu lại bằng những vòng bạc, khắc chạm bản văn sắc phong.



Công chúa hạ giá

Xin đừng nghe hai chữ hạ giá mà nghĩ rằng công chúa cũng được hạ giá để sale, như thường thấy xảy ra trên thị trường.

Công chúa hạ giá nghĩa là công chúa lấy chồng.

Hạ 下ở đây có nghĩa là hạ mình khiêm tốn; giá 嫁 là lấy chồng. Công chúa vốn thuộc hàng cao quí, cành vàng lá ngọc, không có người môn đăng hộ đối để kết duyên nên phải khiêm tốn hạ mình để lấy chồng (dù chồng cũng thuộc hàng con quan lớn chứ chẳng phải dân giả tầm thường gì).

Léon Sogny, trùm mật thám Trung kỳ thời Pháp thuộc (trước 1945) khi viết bài về việc việc gả chồng các bà công chúa Nhà Nguyễn, có nhắc đến một truyền thuyết nói rằng khi công chúa đi lấy chồng thì được ban cây kiếm, chứng tỏ uy quyền, còn người đi cưới công chúa, chỉ được cho cây roi mây, chứng tỏ thân phận thấp kém hơn. Theo Sogny, chắc chuyện đó xảy ra thuở xa xưa đâu ở bên Trung Hoa, chứ ở Việt Nam thì không thấy dấu vết sử sách gì. [2]



Sáu lễ lấy chồng


Qui định đầu tiên về nghi lễ gả chồng cho công chúa được ban hành vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Sau đó, trải qua các triều , từ Gia Long (1802-1819) -- là lúc cử hành đám cưới công chúa đầu tiên vào năm 1805-- cho tới Duy Tân (1907-1916), thì thủ tục công chúa hạ giá đã được thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, trong nét chính vẫn không ngòai sáu lễ (lục lễ)



Khi công chúa được 16 tuổi, vua ra lệnh cho Bộ Lại và Bộ Binh lập danh sách con trai các công thần văn võ từ chánh nhị phẩm trở lên, với tờ trình chi tiết, để dâng lên vua. Trong danh sách, kê rõ tên họ, quê quán tuổi tác (tối thiểu phải 16 tuổi). Chỉ những thanh niên chưa vợ, không tàn tật, mặt mày sáng sủa, nếu không đẹp trai thì cũng dễ coi, thông minh, có học, mới được đưa vào danh sách. Bấy giờ vua mới ra chiếu chỉ cử một Hòang thân [3] làm Chủ hôn, tức người thay mặt vua chủ trì hôn lễ, và một viên đại thần làm Chiếu liệu, nghĩa là người đứng ra tổ chức lễ cưới. Hai quan Chủ hôn và Chiếu liệu mời các ứng viên có tên trong danh sách đến gặp mặt, hỏi chuyện, kiểu như những cuộc phỏng vấn tuyển người ngày nay, rồi lựa ra năm sáu người được xem là khá nhất, tâu lên vua. Vua sai Khâm Thiên Giám so đôi tuổi, tuổi nào hợp thì tâu lên. Vua duyệt lần cuối, chấp thuận người nào thì chấm một chấm son (châu điểm) lên tên người đó. Với quyết định này, guồng máy cưới hỏi bắt đầu chạy. Vị Chủ hôn thông báo cho nhà trai biết quyết định của vua để phối hợp tiến hành. Khâm Thiên Giám được lệnh chọn ngày lành tháng tốt để công chúa hạ giá và nhà trai đi sáu lễ. Người chồng tương lai của công chúa sẽ được phong làm Phò mã Đô úy, một phẩm hàm vào hàng tòng tam phẩm, nên Phủ Nội vụ [4] cũng được lệnh cấp triều phục, và cấp tiền bạc để chú rể có phương tiện tậu nhà cửa mới (gọi là phủ đệ) và vật dụng trong nhà ngõ hầu công chúa về ở cho ra thể thống con vua. Có lẽ tùy gia tư của chú rể giàu hay nghèo, và tùy tình hình tài chánh của quốc gia, mà số tiền trợ cấp này thay đổi chứ không có lệ nhất định. [5]



Nếu đọc những qui định trong Hội điển về hôn lễ của công chúa, có lẽ nhức đầu mất, vì thủ tục thay đổi luôn, thay đổi qua từng triều đại(ví dụ Gia Long khác Minh Mạng), thay đổi trong chính triều đại đó (ví dụ qui định của năm Gia Long thứ 7, 1809, khác với năm Gia Long thứ 4, 1805). Sự khác nhau này thể hiện ở chủng lọai và số lượng lễ vật, nơi làm lễ, và nhật kỳ làm lễ. Hãy lấy một vài ví dụ để thấy rõ sự đổi thay đó. Năm Minh Mạng thứ 14 (1834), vua xuống dụ quị định 6 lễ đi cưới công chúa cùng lễ vật như sau:

- Lễ nạp thái (lễ hỏi): vàng 20 lượng, bạc 100 lượng, trầu 2 mâm, cau 2 mâm;

- Lễ Vấn danh (hỏi tên tuổi): trâu 1 con, heo 2 con lớn, rượu hai bình;

- Lễ Nạp cát (báo tin đôi tuổi đều tốt): gấm 4 tấm, lĩnh màu 10 tấm, sa màu 10 tấm;

- Lễ Nạp trưng (báo ngày cưới ): trầu 2 mâm, cau 2 mâm, rượu 2 bình;

- Lễ Thỉnh kỳ (xin ngày cưới):bò 1 con, dê 2 con, rượu 3 bình;

- Lễ Điện nhạn (nộp chim nhạn, nộp lễ để rước dâu): chim nhạn 1 đôi, 1 hộp kim chỉ, 100 đồng tiền cổ, vàng 20 lượng, bạc 100 lượng;

Trong những qui định dưới triều Minh Mạng vào các năm 1824 (Minh Mạng thứ5), 1833 (Minh Mạng thứ 14), khi nói về 6 lễ, không thấy nói đến lễ Thân nghinh, là rước dâu, mà có vẻ như lễ này gồm luôn trong lễ Điện nhạn. Qua các đời sau, lại không thấy đề cập tới Thỉnh kỳ, nhưng lại có lễ Thân nghinh tiếp theo sau Điện nhạn.[6]



Đến năm 1846, khi gả hai người con gái, vua Thiệu Trị đã xuống dụ đại ý nói rằng, ngày xưa, vua Nghiêu gả hai người con gái cho vua Thuấn và Vi Nhuế, có đòi hỏi lễ vật gì đâu, chỉ lấy hai tấm da hươu là sính lễ; nay vua gả hai con gái cho các đại thần, vốn thanh liêm và trung thành, tại sao lại đòi nhiều lễ vật. “Vậy 6 lễ cưới, cho tùy theo cảnh nhà giàu nghèo mà sắm sửa, không nên ấn định lễ vật. Bộ Lễ bàn định các thứ phẩm vật, chớ nên bày đặt quá nhiều.” [7]

Lại trước kia, sau khi chỉ định quan Chủ hôn, thì mọi tiếp xúc và tiến nạp lễ phẩm đều diễn ra ở dinh phủ Chủ hôn, nay vua quyết định rằng (1843) khi đám cưới các công chúa, sẽ dựng tạm một ngôi nhà, gọi là Thể bằng, trong khuôn viên Tôn Nhơn Phủ [8] , để có chỗ thuận tiện cho quan Chủ hôn làm việc với cả hai bên, mọi lễ nghi đều diễn ra ở đó. Mặt khác, trước kia, để tiến hành 6 lễ, Khâm Thiên Giám phải chọn 6 ngày khác nhau, công việc kéo dài, nên năm 1845, theo đề nghị của các quan, vua quyết định rút lại trong ba ngày, mỗi ngày tiến hành hai lễ.

Do đó, khi nói về lễ cưới của một công chúa nhà Nguyễn cũng nên biết rõ lễ cưới đó diễn ra dưới triều vua nào, trong khỏan thời gian nào, để khỏi hiểu lầm có sự đúng, sai hay mâu thuẩn giữa cái biết của người đọc và sự trình bày của người viết.



Đám cưới điển hình của một công chúa Nhà Nguyễn

Năm 1907, Công chúa Châu Hòan,[9] con vua Dục Đức, em vua Thành Thái, được 16 tuổi. Triều đình phải lo kiếm chồng cho công chúa. Giữa các ứng viên, ông Nguyễn Hữu Liễn (Khâm) -- con trai của Vĩnh Lại Quận công Nguyễn Hữu Độ -- nổi bật, lại được sự ủng hộ của Khâm sứ Trung kỳ, nên trúng tuyển Phò mã. Sau khi được vua chấp thuận [10], Bộ Lễ yêu cầu Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt để cử hành các lễ nghi cần thiết. Chú ruột của cô dâu, Hưng Nhơn Công Vĩnh Liêm, tục gọi là Ông Hòang Mười, được cử làm Chủ hôn, và Thống chế Tôn Thất Phương được cử làm Chiếu liệu. Theo qui định đã được ban hành từ đời Thiệu Trị (1843), quan Chiếu liệu cho người dựng lên trong khuôn viên Tôn Nhơn Phủ,một nhà rạp lớn, ba gian hai chái, kết hoa đẹp đẽ, nghiêm trang, để tiện cho hai bên tiếp xúc và làm lễ. Gian giữa đặt một hương án, trước hương án là một cái bàn sơn son dùng để những lễ vật quí hoặc không kềnh càng; khi làm lễ, gian bên trái là vị trí của quan Chủ hôn, gian bên phải là vị trí của quan Chiếu liệu. Bộ Lễ cũng yêu cầu Tôn Nhơn Phủ chọn một người trong Hòang tộc, đang làm quan lớn, vợ chồng song tòan, để đại diện cho nhà gái; chọn hai viên chức làm Chấp sự để lo tổ chức đòan đưa dâu, lại chọn hai nữ quan để giúp đở và chuẩn bị cho Công chúa những việc cần thiết khi về nhà chồng. Một viên quan khác(văn hoặc võ), đang tại chức, vào hàng chánh tam phẩm trở lên, vợ chồng song tòan, cũng được đề cử để thay mặt nhà trai trình lễ vật lên Chủ hôn. Theo tờ tâu ngày 18/11 năm Duy Tân thứ 1 (22/12/1907) của Bộ Lễ, do Sogny dẫn lại trong B.A.V.H., ngày đám cưới được ấn định là 21 tháng 11 âm lịch, tức 25/12/1907, và thấy ghi lại có 4 lễ chính là Nạp thái, Nạp trưng, Điện nhạn và Thân nghinh, thay vì 6 lễ như xưa nay.



Trước khi đi vào các lễ chính thức , hai bên nhà gái và nhà trai đều có những lễ chuẩn bị riêng. Sau khi đã định ngày cưới, quan Chủ hôn và đại diện Bộ Lễ phải làm một lễ tế tại điện Long Ân [11]để kính cáo với tổ tiên về việc gả chồng cho Công chúa Hòan Châu. Trước ngày cưới 3 ngày, vào ngày 18/11, dưới sự hướng dẫn của quan Chủ hôn, Công chúa mặc lễ phục đến làm lễ tại điện Long Ân, bái biệt tổ tiên để đi lấy chồng. Ngày 19/11, các quan Chủ hôn, Chiếu liệu và Phò mã tương lai đều mặc phẩm phục đại triều vào điện Cần Chánh làm lễ bái mạng, [12] để thi hành nhiệm vụ vua giao. Hôm trước ngày rước dâu, chú rể cũng lo tổ chức một lễ cúng tổ tiên tại nhà để kính cáo về việc sắp cưới vợ.

Vào ngày tiến hành lễ Nạp thái và Nạp trưng, đúng giờ Tị (9-11 giờ sang)thì quan Chủ hôn cùng các quan và các mạng phụ (vợ quan lớn) mạng quan (vợ quan nhỏ) đều đã sẵn sàng tại nhà lễ trong Tôn Nhân Phủ. Quan Chiếu liệu hướng dẫn phái đòan nhà trai đến cổng Tôn Nhơn Phủ thì dừng lại và cho người vào báo cho Chủ hôn biết. Chủ hôn cử hai đôi vợ chồng quan cấp nhỏ ra cổng đón nhà trai vào. Các lễ vật quí, nhẹ, như: 10 lượng vàng, 100 lượng bạc, 4 cây the màu, 4 cây nhiểu màu thì đặt trên cái bàn sơn son đặt trước hương án. Còn các lễ vật cồng kềnh như 2 mâm cau, 2 mâm trầu, hai bình rượu, hai bò, hai heo lớn và hai dê đực thì để cả ngòai sân, ngay trước gian giữa. Quan Chủ hôn vào lạy 5 lạy, kế đó quan Chiếu liệu và tùy tùng lần lượt đến vái ra mắt Chủ hôn. Xong phần nghi thức này thì hai họ được mời vào ngồi vào bàn dùng trà, và dự tiệc rượu do nhà trai khỏan đãi. Chi phí của tiệc rượu do chú rể đài thọ.

Xong tiệc, nhà trai rút về, chuẩn bị cho lễ Điện nhạn và Thân nghinh, tức lễ chính thức vào hôm sau. Riêng quan Chủ hôn ở lại, viết tờ sớ tâu lên vua về diễn tiến của lễ Nạp thái và Nạp trưng vừa qua, xong giao cho một viên quan dưới quyền đem tờ sớ cùng lễ vật do nhà trai đem đến vào cửa Hưng Khánh [13]của Tử Cấm thành để đệ nạp lên vua.

Đến ngày làm lễ Điện nhạn và Thân nghinh, quan Chiếu liệu, sau khi kiểm sóat lễ vật đầy đủ, cho lệnh đòan nhà trai tiến đến Tôn Nhơn Phủ, chờ đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì xin vào nạp lễ. Lễ vật lần này có nữ trang, một hộp kim và chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền cổ, hai con ngỗng và các thứ khác. Phò mã vào lạy 5 lạy, xong nhà trai kéo đến túc trực trước chỗ cư ngụ của công chúa để chờ giờ rước dâu. Ở đó, tấp nập người ta, nào các quan và các mạng phụ, mạng quan, khăn áo chỉnh tề chờ đưa dâu, nào các nữ quan và thị nữ, nào lính hầu sẵn sàng với võng, lọng, kiệu, và dụng cụ khiên gánh tư trang v.v. Đúng giờ, Công chúa được phò ra, đưa lên kiệu. Phò mã cỡi ngựa đi trước dẫn đường, kế đến là quan Chủ hôn, rồi đến kiệu của Công chúa, sau đó là đòan đưa dâu. Tới phủ đệ mới của Công chúa, Phò mã xuống ngựa, chực sẵn ở cổng, chờ kiệu dừng, liền đến vén rèm để Công chúa bước xuống. Lần đầu tiên hai bên chào nhau, xong Phò mã đưa Công chúa vào nhà, buông rèm.

Trong khi nhà ngòai hai họ dự tiệc do nhà trai khỏan đãi thì nhà trong Phò mã và Công chúa làm lễ Hiệp cẩn [14] do Bộ Lễ hướng dẫn. Ngày hôm sau, 22/11, Công chúa làm lễ ra mắt cha mẹ chồng. Ngày 23/11, Công chúa làm lễ trình điện trước bàn thờ gia tiên nhà chồng. Ngày 26/11, cả hai vợ chồng mới cưới vào Tử Cấm thành lạy chào tạ ơn vua và các bà Thái hậu. Cũng hôm đó, họ đi cảm ơn quan Chủ hôn.

Đến đây thì hôn lễ của Công chúa Châu Hòan mới thực sự chấm dứt để trở lại đời sống bình thường.



Chuyện Công chúa và Phò mã

Mặc dầu lệ định rằng hễ công chúa được 16 tuổi là phải tiến hành việc kén phò mã, nhưng không phải bao giờ cái mốc 16 cũng được tôn trọng. Lý do là có những biến cố bất ngờ xảy ra làm trì hõan . Năm 1847. vua Thiệu Trị băng hà, sau non 7 năm trị vì. Đại tang kéo dài trong 3 năm phải tuyệt đối tuân thủ. Vì vậy, đến khi mãn tang vào năm 1851 thì tính ra có đến 30 công chúa con của các vua Minh Mạng và Thiệu Trị, nghĩa là hai thế hệ, ở trong tuổi lấy chồng, mà vua Tự Đức phải chu tòan. Bấy giờ xảy ra hiện tượng cầu lớn hơn cung, làm cho hai chữ hạ giá từ một nghĩa trang nghiêm ban đầu, giờ lại mang một ý nghĩa khác, rất thông tục, là “hạ giá”. Không kiếm đâu ra cho đủ số con trai chưa vợ, của các công thần từ nhị phẩm trở lên, để kén phò mã, triều đình quyết định chấp nhận ứng viên trong hàng quan lại văn võ từ tam phẩm. Theo sự ghi nhận của Sogny qua lời kể của những người hiểu biết thời đó, thi cứ một công chúa, người ta lựa lấy năm ba ứng viên có tuổi phù hợp theo can chi, viết tên, bỏ vào ống và bốc thăm, trúng tên ai thì người đó được kén làm Phò mã!

...

Công chúa và Phò mã trong đám cưới 1907


Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua định rằng khi đi lấy chồng, các trưởng công chúa con của hòang hậu được trợ cấp 50,000 quan, còn các trưởng công chúa con của các phi tần được ấp 30,000 quan.. Qua năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua định lại rằng chỉ có trưởng công chúa là con gái đầu của hòang hậu mới được cấp 50,000 quan, còn các trưởng công chúa khác, cũng con của hòang hậu, thì được 40,000 quan. Đối với các công chúa do các phi tần sinh ra, thì người con gái đầu được cấp 30,000, còn các người khác chỉ được 20,000 mà thôi.

Như ta đã biết, chồng của công chúa được phong làm Phò Mã Đô úy. Đó là một vinh hàm, được hưởng trợ cấp nhưng không có thực quyền. Phò mã được cấp 50 lính hầu đặt dưới sự chỉ huy của một Đội trưởng, nhưng có lẽ cái đặc quyền này chỉ có từ đời Tự Đức trở về trước mà thôi. Làm Phò mã như thế thì cũng có vẻ danh giá thật, nhưng trong xã hội đa thê thời trước, Phò mã rất thiệt thòi, ấy là không được lấy vợ lẽ, ngọai trừ trường hợp bà chúa không con! Người ta không nói tới chỗ ở của Phó mã, người ta chỉ nói tới “phủ của Bà Chúa”. Các con của bà chúa đều được gọi là mệ, cũng giống như bên các ông hòang vậy. Ra ngòai xã hội, người ta không nói mệ là con của ông phò mã nào, nhưng nói “mệ X. là con Bà Chúa Y” Quả thật phò mã chỉ là một bóng mờ bên cạnh một bà vợ cành vàng lá ngọc. Điều này còn biểu hiện rõ rệt hơn khi trong cung đình có yến tiệc hay lễ hội gì đó thì bà chúa được mời còn phò mã thì không.

Nói thế, không phải phò mã nào cũng chỉ là cái bóng của bà công chúa. Có những phò mã có tài, ra làm quan, văn hoặc võ, lập công trạng lớn, làm quan to. Tiếng tăm trong lịch sử, có thể kể Chưởng Hậu quân Hòai Quốc Công Võ Tánh, em rể vua Gia Long,tử tiết ở thành Bình Định năm 1801, và Phò mã Nguyễn Lâm, con trai của Nguyễn Tri Phương,tử trận khi thành Hà Nội thất thủ vào tay Francis Garnier năm 1873. Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân,nhân vật quan trọng của chính trường Miền Nam thời Đệ I Cọng Hòa (1956-1963) là cháu ngọai của một bà công chúa. Đó là Công chúa Như Phiên, con vua Đồng Khánh (1885-1889) vợ của Học Bộ Thượng thư Thân Trọng Huề. Họ Thân là một trong những thế gia vọng tộc của Huế, và vì vậy, không phải chỉ có một Phò mã vừa nói.



VÕ HƯƠNG-AN

12/05


Tài liệu tham khảo:

-NỘI CÁC, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, bản dịch của Viện Sử Học, nxb Thuận Hóa, Tập IV, 2004. Gọi tắt Hội điển.

-ĐÒAN KHÓACH, Công chúa hạ giá, niên san Tiếng Sông Hương, Dallas, 1993.

-L. SOGNY, Cérémonial d’autrefois pour le mariage des princesses d’ Annam, B.A.V.H., No3, 7-9/1934


[1] Dưới thời các vua Nhà Nguyễn (1802-1945) công nữ là từ dùng để gọi con gái của c ác hòang tử.

[2] L. SOGNY, Cérémonial d’autrefois pour le mariage des princesses d’ Annam, B.A.V.H., No3, 7-9/1934, tr. 152

[3] Anh em chú bác của vua.

[4] Cơ quan trông coi mọi kho tàng của vua.

[5] Ví dụ; trong đám cưới con gái út của vua Minh Mạng dưới đời Tự Đức, phò mã được cấp 6,000 quan tiền, trong đó 2,000 quan để sắm phủ đệ, 2,000 quan để sắm lễ vật đi cưới, và 2,000 quan để sắm tư trang. Songy lại dẫn một trường họp khác, phò mã được cấp 3,000 quan để xây phủ đệ và 30,000 quan để sắm các thứ khác, chẳng hạn áo quần, nữ trang, vật dụng trong nhà v.v.

[6] Có lẽ vì vậy, các dịch giả của Viện Sử Học khi dịch tới phần Công chúa lấy chồng đã phải chú thích rằng “Việc qui định 6 lễ của lễ cưới, có nhiều chỗ ghi khác nhau. . . “ (Hội điển, tr. 250

[7] ĐNĐL, Tập IV, tr. 251

[8] Cơ quan quản lý những người thuộc Hòang tộc.

[9] Châu Hòan là tên lúc còn con gái; sau dược phong là Công chúa Tân Phong. Người Huế thời đó đều gọi là Bà Chúa Tám (vì là con thứ 8), có phủ đệ ở Kim Long. Sòng bài Bà Chúa Tám là một casino lón và hợp pháp ở Huế lúc bấy giờ.

[10] Nói “vua chấp thuận” là nói cho đúng bài bản. Sự thực là Hội đồng Phụ chính, vì lúc bấy giờ vua Thành Thái (1889-1907) đẽ bị ép thóai vị, và con là vua Duy Tân vừa lên ngôi, mới 8 tuổi, chưa đủ hiểu biết để quyết định.

[11] Điện Long Ân nằm trong An lăng, là lăng của vua Dục Đức. Trước kia, lễ kính cáo tổ tiên về việc gả chồng cho công chúa và việc công chúa làm lễ bái biệt tổ tiên để đi lấy chồng đều diễn ra tại các miếu. Năm Minh Mạng thứ 14 (1834), vua cho rằng tôn miếu là chỗ tôn nghiêm, không nên đem những việc tầm thường như thế ra làm ở đó.

[12] Lạy vua 5 lạy để thi hành nhiệm vụ đã giao. Trong trường hợp không có mặt vua, thì các quan hướng về cái sập để giữa điện Cần Chánh, lạy 5 lạy. Trong trường hợp này gọi là bái vọng.

[13] Cửa phía đông của Tử Cấm thành.

[14] Vợ chồng giao bái và cùng uống rượu, ăn món ăn chung.
__________________
Back to top
« Last Edit: 07. Mar 2010 , 19:17 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #5 - 08. Mar 2010 , 15:34
 
Chuyện Huế mình


Tặng các bạn Huế và những người yêu Huế

Trần Thị Lai Hồng

Chuyện Huế mình nói hoài không hết

Chuyện Huế mình viết mãi tới Tết cũng chưa xong !


(ca dao mới)



Chuyện Huế mình, biết kể chi đây. Bởi đã có vô số người nói và viết về Huế, từ nguồn gốc, lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá, kinh tế, xã hội …

Một số bà con bạn bè sau khi đọc Miếng Ngon Quê Hương *, có thắc mắc là tôi chẳng nhắc chi đến miếng ngon Huế, mặc dầu bài viết đó có ghi rằng miếng ngon quê hương nằm trong trái tim trong máu thịt mình, bởi dẫu không trồng tỉa được, không tìm đúng gốc Việt – hay gốc Huế – thì gốc nào lại chẳng có cội nguồn từ lòng đất , quê hương của con người, riêng chi Đất Mẹ !

Tuy nhiên, cũng để chiều lòng, tôi thể tình nhắc đến mấy miếng ngon Huế mình, kể từ thuở bắt đầu biết nếm vị đời.


Thời nhỏ dại, những miếng ngon Huế đơn giản một cục đường cắn từ xe đường đen nhỏ còn dính chút cọng rơm khô, một mảnh tam giác chia từ miếng bánh tráng kẹo đậu phụng rang, một viên kẹo gừng, một miếng kẹo cau, một nắm trái sim, một bụm trái muồng … Những miếng ngon đơn sơ đậm ký ức, bởi nhiều miếng đi liền với thế sự, lịch sử, văn học.

- Bao giờ gừng ngọt đường cay
Voi đi trên giấy thầy tăng trở về …

Kẹo gừng thì gừng ngọt mà đường cay. Voi đi trên giấy bạc Đông Dương thời còn thằng Tây, là thầy tăng nói lái. Kinh tế tiêu thụ từ trự xu trự giác đổi qua bạc giấy. Dấu vết một thời thuộc địa. Còn kẹo cau thì

- Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười !


Thời chúng mình lớn lên, mấy mệ mấy o con cấy dzà quê còn ăn trầu, còn nhuộm răng đen, có những nụ cười đỏ môi đỏ mép phô hàm răng hạt huyền nhưng nhức. Trong khi đó, trái sim làm những hàm răng trắng chúng mình tím rịm.

- Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng đọi nước đi tìm người thương

Nửa trái sim. Nửa trái tim. Vào tuổi chớm dậy thì vừa biết mơ mộng, trái tim thỉnh thoảng cũng hẫng một nhịp, và cô nào cũng thích màu tím. Màu này một thời là màu đồng phục nữ sinh Đồng Khánh. Từ ngày có bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, thì hầu như màu tím càng khắng khít thêm với những tóc thề xứ Huế. Tím như Tà Ao Tím của Hoàng Nguyên một chiều lang thang trên dòng Hương giang, tím như những đồi hoa Sim tím cả chiều hoang biền biệt.


Trở lại miếng ngon Huế mình, nhất là với chúng mình, thì phải nhắc đến Ngày Xưa Hoàng Thị, ôm nghiêng tập vở học trò, tiểu học trung học, hầu hết đều vào Đồng Khánh. Có bạn nhà gần, nhiều bạn nhà xa.
Xa hay gần, buổi sáng đợi trước cổng trường, thế nào cũng bu quanh mấy mệ mấy chị bán hàng vặt. Cũng không nhiều. Chỉ mấy cảu ** hột phượng luộc, đậu phụng rang hay luộc, hột sót hột giẻ rang, hột xoay, me rốp … Chừng đó cũng đủ quyến rũ lũ con gái mê ăn vặt.



Tôi cũng như một số bạn ở xa trường, trưa ở lại. Năm nào nhà dư dã, được ăn cơm trưa nhà trường. Giờ ra chơi buổi sáng nhiều bạn xót ruột lần mò xuống nhà bếp. Phải quen lắm thương lắm và nịnh khéo lắm mới xin đươc một dúm cơm cháy dòn rụm. Chia nhau mỗi đứa chỉ vừa một lủm, mà sướng khoái thì khôn cùng.

Thường chúng tôi đem cơm theo. Cơm bới trong mo cau non. Đó là miếng ngon quê hương đứng hàng nhất tôi đã kể trước đây, và nghĩ rằng vì giản tiện mà ngon, nên đã được phổ biến khắp hang cùng ngõ hẹp từ Bắc chí Nam.

Cơm với cá như Mạ với con. Huế như rứa.

Cơm bới ăn với cá kho khô nhiều tiêu ớt. Cá loại nhỏ như cá cơm cá cấn cá mại, cá bống cát bống mủ bống thệ, hoặc cá hẻn cắt khúc. Vài lát cơm bới, vái con cá nhỏ, kèm thêm trái khế trái dưa leo hay cà chua xanh. Vậy là đủ. Giản tiện nhất là cơm bới với muối mè, hoặc cơm bới quẹt mắm ruốc có rắc tí ớt bột, hay cơm bới với muối sả kho ruốc. Sang hơn, thì cơm bới kèm tôm thịt rim, hay chỉ thịt rim mà Huế gọi là thịt kho tàu.
Lâu lâu rủng rẻng tí tiền còm, vài bạn rủ nhau ra nhà mụ Cai trước cổng ăn hàng. Thường thì có khoai sắn. Không hẳn được khoai Văn Xá ruột vàng nở bung thơm lựng hay khoai Chí Long to vồn tốt cổ, nhưng bọn con gái cũng vắt chân chữ ngũ đánh vài củ cho vui miệng. May gặp lúc có bánh bèo bánh bột lọc, nhưng thừơng khi nào cũng có chè đậu xanh đậu ván bánh tráng chè kê.

Còn thì giờ, chúng mình kéo nhau ra công viên trước cổng trường, bên bờ sông Hương, nơi có con suối nhỏ nước trong suốt thấy lòng cát trắng lăn lóc vài viên cuội, và bầy cá mặt trăng tung tăng xuôi ngược. Cạnh suối, mấy chú tiều bày bán kẹo kéo, yếng thoòng. Tôi rất thích món yếng thoòng với những sợi tơ đường quyện đậu màu cốm non thơm phưng phức, bỏ vào miệng là tan biến.



Buổi tối về nhà, quây quần quanh mâm cơm gia đình. Vẫn cơm với cá. Theo mùa, có cá ong cá kình cá dầy cá giếc cá hanh cá đối cá thu cá ngừ … kho nước, mỡ vàng óng ớt đỏ long lanh trên mặt. Cá kho nước ăn với dưa giá dưa nưa làng Phù Lễ, dưa kiệu làng Kệ Liệu, dưa môn làng Đại Lược, dưa cải dưa chuối dưa măng … Kho khô thì cá đối loại nhỏ, cá nục cá bống cá trê … Thỉnh thoảng cũng có thịt, và thường là thịt heo luộc cắt mỏng ăn kèm mắm. Mắm tôm chua gốc Gò Công, theo chân bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức ra Huế. Ngoài ra có mắm nêm mắm cá thu mắm thính cá chuồn cá nục, mắm mòi … Mắm mòi đòi rau mưng, nhưng nói chung ăn mắm phải kèm rau sống đủ loại ngoài vườn, thêm khế, chuối chát, vả.

Mâm cơm Huế nhà nào cũng có rau. Rau sống như vừa kể, hoặc rau luộc, hoặc canh rau. Rau trai rau rìu rau éo, nhưng thường là rau má rau muống, nhất là rau khoai lang.

- Nhà giàu bổ cơm bổ cá
Nhà khó bổ rau má rau khoai

Rau luộc chấm tương chùa Thiên Mụ, chấm mắm nêm, nước cá, và đặc biệt là chấm nước tôm kho đánh. Không cần tả, các bà các cô mấy o mấy mệ, và cả mấy ôôn nữa, đều rành rẽ món nước tôm kho đánh này.

Ngoài món rau luộc, còn món canh. Thường vẫn là canh rau, đặc biệt là canh rau tập tàng. Rau sau vườn, mùa nào cũng có, không nhiều thì ít. Vườn nhà chúng tôi ở Hoa Bang có nhiều rau, nên luôn luôn có nhiều món rau trong các bữa ăn. Huế có câu hò về rau bát bát

- Giây bát bát leo quanh hòn Núi Chén
Con ve-ve đậu trên đỉnh Ngự Bình

Em muốn vô làm dâu thảo cho phụ mẫu mình

Trước coi gia cang bề thế, sau nấu đôi bình nước khuya


Cây leo bát bát vườn chúng tôi được bám quanh hàng rào. Mồng tơi leo dựa chói *** tre. Loại bò có rau khoai rau má – má Huế mình thứ thiệt - và các rau khác có bồ ngót, giền, đay, muống, sam, sâm … Canh rau tập tàng – thập toàn, mười loại – gồm nhiều loại, có chi hái nấy. Ngắt thêm vài lá lốt non, vài lá ngò gai cho thêm hương. Thích vị chua thì thêm vài lá me đất. Mùa hè vùng này nhiều mưa, lùm tre sau vườn lên măng. Chịu khó đào, đem luộc kỹ, cắt mỏng, thêm vào nồi canh. Giàn mướp hương mướp ngọt cũng được dùng.

- Chiều chiều gọt mướp nấu canh

Thấy anh qua lại thêm hành cho thơm
hay là

- Xanh xanh giây mướp leo rào

Người dưng mới gặp biết chào làm sao ?

Dễ quá ! Mời chị mời anh thời chén canh rau tập tàng, ăn vô mát cả can tràng ruột gan. Thêm trái cà ứ hự cho dòn răng dòn miệng. Toàn cây nhà lá vườn thôi.

* * *



Tôi không thích nấu nướng. Đã không thích, lại còn vụng, không biết nêm nếm. Nhưng có lẽ chủ quan và cũng khó tính, những món Huế đối với tôi phải đúng là Huế, nhất là món có dính chặt tên Huế : bún bò Huế. Với tôi, bún bò Huế phải đúng Huế : đậm vị ruốc, thơm nức mùi sả, cay nồng vị ớt, chỉ dùng bò bắp có gân và chân giò heo. Rau ăn kèm chỉ có hành tây cắt mỏng, răm, hành lá và ngò thái nhuyễn. Thêm ngò gai nếu muốn, nhưng không giá sống, không giá trần, không rau chuối, không rau mùi. Dù bất tri kỳ vị, nhưng tôi cho rằng bún bò Huế như vậy mới chính cống Huế. Không thêm huyết heo, bò vò viên hay chả lụa.


Nhưng phải thú thật, sinh trưởng ở Huế mà chúng tôi không mấy thích món bún bò Huế.

Miếng ngon Huế mà cả hai chúng tôi cùng thích nhất và cho là Huế nhất, là Cơm Hến. Đọc đâu đó có câu đố

- Món chi thuộc loại cơm nghèo
Cơm thì cơm nguội lại nhiều ruốc rau
Có vui thì mới gọi nhau
Cớ chi sì sụp giọt sầu chứa chan !

Đúng là cơm nghèo. Toàn dùng các thứ dư thừa hoặc có sẵn trong nhà, sau vườn. Chỉ cần ra ngoài rào *** cào một mớ hến đen nhỏ, là có ăn. Khá giả thì ra chợ mua hến Cồn bên kia Vỹ Dạ.

Hến chà sạch, bắc nước sôi luộc. Hến há miệng bày con thịt bên trong, chịu khó xóc nhặt là được một mớ. Nước hến đùng đục, nêm tí muối và củ gừng đập dập, để nong nóng sẽ chan vào đọi.
Cơm Hến sửa soạn kỹ cũng cầu kỳ. Ngoài cơm nấu rồi để nguội, hến xào, nuớc hến, phải có mè rang vàng giã dập, đậu phụng rang giã hơi dập rồi phi dầu hay mỡ, da heo rang dòn bóp nhỏ, tóp mỡ rán dòn - hai món này nên loại bỏ vì nhiều dầu mỡ béo quá - bánh tráng Sịa dày nướng vàng bóp vụn, ớt bột phi tỏi dầu, ruốc sống hoặc ruốc kho tỏi phi dầu, gừng xắt mỏng thái sợi, tỏi thái nhỏ. Đó là các thứ làm dậy mùi vị Cơm Hến.

Các thứ rau rửa sạch cắt nhuyễn. Cần nhất là rau răm, kế đó là rau thơm, kinh giới, ngò, ngò gai, quế, tía tô, lá hẹ … Có người không ăn được rau diếp cá thì nên để riêng một dĩa đã cắt nhuyễn. Khế chua cắt nhỏ. Không có khế dùng táo xanh. Bắp chuối hoặc nõn cây chuối con thái mỏng. Không có bắp chuối hoặc nõn chuối thì dùng bắp cải tím và bắp cải trắng. Thêm bạc hà thái nhuyễn nếu muốn, nhưng có khi bạc hà làm lưỡi lăn tăn ngứa.

Vườn nhà chúng tôi có trồng khoai lang, loại vỏ trắng ruột tím hồng rất ngọt. Đào vài củ đem luộc, cắt cỡ đầu đũa bày thêm.

Đọi Cơm Hến nhà quê dùng loại đất nung thô. Cơm vừa nguội xới bày phía dưới, thêm vài đũa khoai luộc, bên trên bày các loại rau mỗi màu một góc, làm nền cho vài muỗng hến xào, tí mè, tí tỏi, tí gừng, vài hạt đậu, dúm bánh tráng vụn, chút ớt phi … Sau cùng là nước hến rưới ngập, và nêm ruốc đã xào ớt tỏi hoặc ruốc sống. Cơm Hến không làm riêng rẽ từng đọi này đọi nọ, mà ăn vơi tới đâu châm thêm tới đó: thêm chút nác rồi thêm chút nác, tuỳ khẩu vị. Muốn cay, cắn thêm ớt tươi, ớt chìa vôi hay ớt hiểm, vừa sì sụp vừa rớt nước mắt vắt nước mũi.

Trên dĩa rau hay rá rau cắt nhuyễn bày bàn, tôi hay bày thêm một chùm hoa Mai Huế hay Mai Tứ Quý vàng tươi, hoặc dăm bông yên chi – tức là bông phấn – màu tím đỏ, nổi bật trên nền rau xanh. Có bạn đề nghị bày vài cánh hoa Hồng hay Tường vi, và nhiều người lại dùng hoa Vạn thọ. Tôi cho rằng hoa Mai là loại rất thân thương của Huế, và hoa yên chi là đê’ nhớ đến ngày trước mấy mệ trong nội dùng hạt hoa này làm phấn nụ. Yên chi là tên chữ của bông phấn, nhắc đến Tuý Hồng, nhà văn của Huế với tác phẩm Mưa Thầm Trên Bông Phấn.

Đọi Cơm Hến, miếng ngon Huế mình, với tôi, là linh hồn của Huế. Hạt cơm, con hến, những cọng rau, đoá Mai vàng, bông yên chi, các thứ gia vị, nước dùng … tất cả hài hoà như một câu chuyện – chuyện Huế mình – viết bằng những nét chữ của Đất, của Trời, và của Người.

* Trần thị LaiHồng, Miếng Ngon Quê Hương, Văn Học số 211 tháng 10, 2003, và mạng lưới Gió-O, cùng thời điểm

** Cảu, tiếng Việt cổ, có nghĩa là cái rổ nhỏ

*** chói, tiếng Việt cổ, có nghĩa là cành cây nhỏ

nguồn: khoahoc.net
Back to top
 
 
IP Logged
 
ngo_thi_van
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 12991
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #6 - 08. Mar 2010 , 20:50
 
Ban chieu Co da vao D/D LVD , dinh xong chuyen o Nha Ma Van thi qua day , ma roi phai lo cho Thay , nen bay gio moi ghe day dươc. Co that ngac nhien la muc nay moi mo ma da thay nhieu tai lieu quy hoa qua !
Co thanh that cam on hai em Dang My va Ngoc Doa da cho Co song lai voi Hue. Nho co nhung tai lieu nay ma Co biet dươc them nhieu dieu moi me ve Hue.
Tran Thi Lai Hong la ban cua Co , doc  bai nay chi muon co ngay mot bat com hen ma nham nhi thi khoai biet la bao ! An com hen va an bun bo Hue thi phai vua an vua " khoc " moi ngon , ai khong biet an cay thi dung nen an hai mon nay ma khong chiu bo ot vao.
Thoi , bay gio Co chao hai em Co di ngu nhe.
Có em nao co the mang dươc bai " Hẹn Một Ngày Về " cua Giao Su Lê Hữu Mục vao day khong? Neu dươc thi Co cam on lam lam !
Co chuc cac em ngu ngon va nhieu mong dep !
Co Van
Back to top
 
 
IP Logged
 
Thiên-Nga
Gold Member
*****
Offline


Đặng-Mỹ

Posts: 968
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #7 - 08. Mar 2010 , 21:50
 
ngo_thi_van wrote on 08. Mar 2010 , 20:50:
Ban chieu Co da vao D/D LVD , dinh xong chuyen o Nha Ma Van thi qua day , ma roi phai lo cho Thay , nen bay gio moi ghe day dươc. Co that ngac nhien la muc nay moi mo ma da thay nhieu tai lieu quy hoa qua !
Co thanh that cam on hai em Dang My va Ngoc Doa da cho Co song lai voi Hue. Nho co nhung tai lieu nay ma Co biet dươc them nhieu dieu moi me ve Hue.
Tran Thi Lai Hong la ban cua Co , doc  bai nay chi muon co ngay mot bat com hen ma nham nhi thi khoai biet la bao ! An com hen va an bun bo Hue thi phai vua an vua " khoc " moi ngon , ai khong biet an cay thi dung nen an hai mon nay ma khong chiu bo ot vao.
Thoi , bay gio Co chao hai em Co di ngu nhe.
Có em nao co the mang dươc bai " Hẹn Một Ngày Về " cua Giao Su Lê Hữu Mục vao day khong? Neu dươc thi Co cam on lam lam !
Co chuc cac em ngu ngon va nhieu mong dep !
Co Van   


Kính thưa Cô Vân,

Em tìm được lời, mang vào trước rồi sẽ thêm nhạc sau.
Máy Cô đã nghe được nhạc chưa ạ?


Hẹn Một Ngày Về


sáng tác: Lê Hữu Mục

Về đây trong hoa lá, hỡi cánh chim giang hồ .
Về đây trong hương sắc,thắm tươi ,say mơ .
Huế lờ lững dòng Hương,năm tháng còn vương lời ai mong chờ .
Huế trong tiếng dịu êm,cô lái bên sông ,còn vang lời thơ .
Tình xưa không vỡ bao giờ .
Mùa xưa còn thơm ngàn gió .
Chiều hè về trong sương khói mong manh .
Chờ người về trong hương thu trong xanh .

Về đây trong hoa lá ,hỡi cánh chim giang hồ .
Về đây trong hương sắc,thắm tươi say mơ
Huế lò lững dòng Hương,năm tháng còn vương lời ai mong chờ .
Huế trong tiếng dịu êm,cô lái bên sông,còn vang lời thơ .
Mùa hưong hẹn đến khi về .
Lòng xanh còn in trời Huế .
Trầm trầm thuyền đem thuơng nhớ qua sông .
Chập trùng trời mây bay trong mênh mông .

Từ đây xa sông bến,Thuyền lướt theo trăng ngà .
Trời đầy sương lạnh lẽo,có ai bơ vơ .
Gỡ tay vướng mà đi ,sông nước biệt ly,nguời xa kinh kỳ .
Giữa sương gió ngàn khơi,
Đăm đắm trông ai,cầu mong ngày vui .


(1) nhiều ca-sĩ đã đổi chữ Giờ thành "Gỡ" cho hợp với nốt-nhạc. Trong bản chính cuả nhà xuất-bản Tinh Hoa, in là "Giờ".
Back to top
« Last Edit: 08. Mar 2010 , 21:55 by Thiên-Nga »  
 
IP Logged
 
ngo_thi_van
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 12991
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #8 - 09. Mar 2010 , 09:40
 
Dang My oi ,
Cam on em rat nhieu , moi hoi la em co ngay , tai that ! May Co khi nghe dươc khi khong chang hieu vi sao. De roi Co tro lai Ma Van Gia Trang mo lai bai nhac em goi xem thu co nghe dươc hay khong.
Bai Hen Mot Ngay Ve nay , Co nho la " Giở tay vướng ma di " Chu khong phai " Gỡ tay vướng..." dau.
Co co the hoi Thay Muc cung dươc , vi Ong Muc la thay day Viet Van cua Co. O trong muc Tim Hieu Ve Hue , Co thay co bac si Nguyen Hy Vong cung la giao su cua Co day.
Co Van
Back to top
 
 
IP Logged
 
ngo_thi_van
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 12991
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #9 - 09. Mar 2010 , 18:13
 
Cac em oi ,
Nhan noi den tieng Hue, khong hieu cac em co nghe den chu " ẤY " cua ngươi Hue khong. Chu nay co nhieu nghia lam va cung vua la dong tu , tinh tu , dai danh tu...
Co ke cho cac em nghe Cu THúc Dạ [ chu soai cua Hương Binh Thi Xã  ] khi den choi nha Ong Ngoai cua Co , Cu gò cua roi goi nhu the nay :
" Ấy ơi ! " [ Chu " ấy " nay muon chi ai cung dươc tuc la goi trong khong ]   
Vi du gap mot ngươi dep lam dieu , ngươi Hue co the phe binh : " Cô nớ ấy qua hí ? " ngươi nghe co the hieu ngay.
Con trương hop chinh Co da dung.
Co mot hom Co gap ngươi ban Khong Quan cua Thay va cung la ban cua Co , nhan nhac den mot cap vo chong ngươi ban , ong ta hoi :
" Nghe noi hai ngươi do ly di nhau roi ? "
Co tra loi : " Hai ngươi do ấy nhau nhung ấy lai roi " Ai nghe cung tuc cươi nhung ong ban nay hieu lien , cac em co hieu gi khong?
Co Van 






Back to top
 
 
IP Logged
 
Thiên-Nga
Gold Member
*****
Offline


Đặng-Mỹ

Posts: 968
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #10 - 09. Mar 2010 , 18:34
 
ngo_thi_van wrote on 09. Mar 2010 , 18:13:
Cac em oi ,
Nhan noi den tieng Hue, khong hieu cac em co nghe den chu " ẤY " cua ngươi Hue khong. Chu nay co nhieu nghia lam va cung vua la dong tu , tinh tu , dai danh tu...
Co ke cho cac em nghe Cu THúc Dạ [ chu soai cua Hương Binh Thi Xã  ] khi den choi nha Ong Ngoai cua Co , Cu gò cua roi goi nhu the nay :
" Ấy ơi ! " [ Chu " ấy " nay muon chi ai cung dươc tuc la goi trong khong ]   
Vi du gap mot ngươi dep lam dieu , ngươi Hue co the phe binh : " Cô nớ ấy qua hí ? " ngươi nghe co the hieu ngay.
Con trương hop chinh Co da dung.
Co mot hom Co gap ngươi ban Khong Quan cua Thay va cung la ban cua Co , nhan nhac den mot cap vo chong ngươi ban , ong ta hoi :
" Nghe noi hai ngươi do ly di nhau roi ? "
Co tra loi : " Hai ngươi do ấy nhau nhung ấy lai roi " Ai nghe cung tuc cươi nhung ong ban nay hieu lien , cac em co hieu gi khong?
Co Van 



Kính thưa Cô Vân,

Chữ "ấy" này là người miền bắc dùng y vậy cô ạ. Ở nhà em đến con Tú cũng nói như vậy Wink
Back to top
 
 
IP Logged
 
tuy-van
Gold Member
*****
Offline


Thành viên xuất sắc
2015

Posts: 10734
Thung lủng hoa vàng
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #11 - 09. Mar 2010 , 18:34
 
ngo_thi_van wrote on 09. Mar 2010 , 18:13:
Cac em oi ,
Nhan noi den tieng Hue, khong hieu cac em co nghe den chu " ẤY " cua ngươi Hue khong. Chu nay co nhieu nghia lam va cung vua la dong tu , tinh tu , dai danh tu...
Co ke cho cac em nghe Cu THúc Dạ [ chu soai cua Hương Binh Thi Xã  ] khi den choi nha Ong Ngoai cua Co , Cu gò cua roi goi nhu the nay :
" Ấy ơi ! " [ Chu " ấy " nay muon chi ai cung dươc tuc la goi trong khong ]   
Vi du gap mot ngươi dep lam dieu , ngươi Hue co the phe binh : " Cô nớ ấy qua hí ? " ngươi nghe co the hieu ngay.
Con trương hop chinh Co da dung.
Co mot hom Co gap ngươi ban Khong Quan cua Thay va cung la ban cua Co , nhan nhac den mot cap vo chong ngươi ban , ong ta hoi :
" Nghe noi hai ngươi do ly di nhau roi ? "
Co tra loi : " Hai ngươi do ấy nhau nhung ấy lai roi " Ai nghe cung tuc cươi nhung ong ban nay hieu lien , cac em co hieu gi khong?
Co Van 

cam on co Van da cho em cuoi be bung voi tieng
" ay " qua nhieu nghia phong phu qua...

than kinh,
em Tv





Back to top
 

hoahong.gif Have a great dayhoahong.gif
hoahong.gif Have a great dayhoahong.gif
hoahong.gif Have a great dayhoahong.gif
hoahong.gif Have a great dayhoahong.gif
 
IP Logged
 
Thiên-Nga
Gold Member
*****
Offline


Đặng-Mỹ

Posts: 968
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #12 - 09. Mar 2010 , 18:38
 
ngo_thi_van wrote on 09. Mar 2010 , 09:40:
Dang My oi ,
Cam on em rat nhieu , moi hoi la em co ngay , tai that ! May Co khi nghe dươc khi khong chang hieu vi sao. De roi Co tro lai Ma Van Gia Trang mo lai bai nhac em goi xem thu co nghe dươc hay khong.
Bai Hen Mot Ngay Ve nay , Co nho la " Giở tay vướng ma di " Chu khong phai " Gỡ tay vướng..." dau.
Co co the hoi Thay Muc cung dươc , vi Ong Muc la thay day Viet Van cua Co. O trong muc Tim Hieu Ve Hue , Co thay co bac si Nguyen Hy Vong cung la giao su cua Co day.
Co Van


Kính thưa Cô,

Đêm qua em tìm thấy Quỳnh Giao hát, đã load rồi nhưng nặng gấp 4 bài thường, nên đưa lên nó khg chạy ngay được như các bài khác ạ.
Em seổi ra dạng nhẹ hơn xem saọ  Smiley
Back to top
 
 
IP Logged
 
ngo_thi_van
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 12991
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #13 - 10. Mar 2010 , 09:21
 
Dang My oi ,
Co khong biet ngươi Bac cung dung chu " ẤY " day , Thay khong biet dung chu nay.
Bai Hen Mot Ngay Ve giong nam hat se hay hon , khong hieu em co quen voi bac si Ha Thuc Nhu Hy khong? Ong nay hat bai nay hay lam.
Co Van
Back to top
 
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Tìm Hiểu Huế
Reply #14 - 10. Mar 2010 , 11:34
 
ngo_thi_van wrote on 10. Mar 2010 , 09:21:
Dang My oi ,
Co khong biet ngươi Bac cung dung chu " ẤY " day , Thay khong biet dung chu nay.


Kinh thưa Cô,

Chắc Thày cố ý  nhường cho Cô dùng đấy ạ  Wink
Như sáng nay, trước khi đi học, con bé Tú bảo:

"Mẹ quên chưa ấy vísa rồi, con ấy vé online không được"  Smiley


Quote:
Bai Hen Mot Ngay Ve giong nam hat se hay hon , khong hieu em co quen voi bac si Ha Thuc Nhu Hy khong? Ong nay hat bai nay hay lam.
Co Van


Em không quen bác sĩ Hà Thúc Như Hỷ ạ, chỉ xem video (của ông Viên Linh gửi) thấy ông ấy gõ vào ly  cho nhà thơ Cao Tiêu hát cô đầu, thú vị lắm cô a. Trông cụ Cao Tiêu rất nghệ sĩ, hay tuyệt !!!. Cô có quen xin ông ấy gửi cho, rồi em mang lên cho cả nhà nghẹ ạ.  Smiley
Back to top
« Last Edit: 10. Mar 2010 , 11:50 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Pages: 1 2 3 ... 22
Send Topic In ra