Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi! (Read 1965 times)
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
22. Sep 2010 , 11:10
 
Một Thoáng Hương Xưa: Bòn Ơi! Tâu Na, Bòn Ơi!
(Hồi Ký: Hai  Việt Nam, Ba Thế Hệ!)


Mở đầu


Cứ mỗi lần đọc lại những bức thơ của ba tôi gởi qua cho tôi bên Úc, từ Việt Nam, lúc ông còn sống mấy mươi năm về trước, tôi không khỏi cầm được nước mắt! Ba tôi thọ được 75 tuổi mà cả đời hai cha con chỉ gần gũi nhau được có 19 năm! Cho nên, đối với tôi, những bức thơ ba tôi gởi cho tôi trong những năm tôi xa nhà là nguồn an ủi rất lớn cho cuộc sống của tôi khi không có gia đình bên cạnh.

Thơ của ba tôi viết rất đơn giản, khởi đầu bao giờ cũng có hàng chữ quen thuộc:

"Hanh Thông Xã, Gò Vấp, ngày...tháng...năm 197x... 
Hà con .........
.......... “


Lần nào cũng vậy, khi mân mê những lá thư với những tuồng chữ yêu thương đó, tôi cứ ngỡ như đang xem lại một cuốn phim đen trắng với những hình ảnh về gia đình, quê hương và người cha tôn kính đó!
 

Cuộc đời lên voi xuống chó

Ba tôi quê quán ở Cái Thia Cái Bè, miền Lục Tỉnh. Khi nhỏ, ba tôi có chí học hành và đậu được bằng Tú Tài Pháp. Lúc còn độc thân, ba tôi được bổ nhiệm qua Nam Vang, làm thông ngôn cho người Việt Nam định cư ở Cam Bốt. Sau nhiều năm làm việc ở Nam Vang, ba tôi học và thông thạo cả tiếng Miên. Sau này khi tôi lên trung học ba tôi khuyến khích tôi học Pháp văn thay vì Anh văn như đa số học sinh Việt Nam thuở đó. Không những thế, ông còn khuyên tôi nên biết nhiều thứ tiếng, vì theo ba tôi "ngôn ngữ như chìa khóa giúp ta mỡ được nhiều cơ hội trong cuộc sống!" Cho nên từ nhỏ, tôi đã chịu ảnh hưởng của ba tôi và thường say mê với ngôn ngữ, cả ngoại ngữ lẫn tiếng Việt ba miền. Hồi tôi lên 5 lên 6, ba tôi dạy tôi nhiều câu tiếng Miên. Tôi nhớ nhất là câu "Bòn ơi, tâu na, Bòn ơi!" (Ấy ơi, đi đâu vậy, ấy ơi!)

...

Những năm còn thơ ấu của tôi cho tới cuối tiểu học, gia đình tôi ở trong "bót" Gò Vấp, vì ba tôi lúc đó làm Cảnh Sát Trưởng Quận Gò Vấp. Tôi nhớ những người cảnh sát viên gọi ba tôi bằng"xếp". Ra đường, tôi nghe người ta kêu ba tôi là "Ông Cò"!

Khi tôi bắt đầu lên Trung Học thì ba tôi bị cách chức và bị đổi đi, hay nói đúng hơn theo lời ba tôi kể lại về sau, "bị đày" đi làm công chức quèn ở quận Đồng Xoài. Sau đó không lâu, lại đổi lên Phước Bình, tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long. Hai địa danh Đồng Xoài và Phước Long đã đi vào lịch sữ Việt Nam với những trận đánh tàn khốc nhất trong chiến tranh Việt Nam! Tôi không hiểu rõ nguyên do tại sao ba tôi bị hạ bệ như vậy, nhưng tôi đoán chắc vì lý do "chính trị công sỡ" hay hiềm khắc gì đó với các "xếp lớn" của ông!


 
Căn Nhà Ngoại Ô

Khi ba tôi phải đổi đi Phước Long, gia đình tôi dọn ra một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Gò Vấp. Ba tôi đi làm xa nhà một mình, để má tôi ở lại Gò Vấp trông nom các anh em tôi học hành ở Sài Gòn, Gò Vấp, vì thuở đó Đồng Xoài, Phước Long chưa có trường học!


Căn nhà đó (gần "Cầu Hang") cho tới nay vẫn còn, do gia đình một người anh coi sóc. Căn nhà chỉ có hai phòng ngủ, mà nhà tôi lại có đến 10 anh em, thỉnh thoảng lại có ông nội và cô hai (chị cả của ba tôi) từ dưới quê lên ở tá túc mỗi khi miệt Cái Thia Cái Bè thiếu an ninh. Hai phòng ngủ thì để dành cho ba má tôi và 4 đứa em gái ngủ, ông nội được bộ ván ngoài phòng khách, ngoài ra tất cả các anh em trai chúng tôi buổi tối phải trải chiếu dưới sàn nhà rồi giăng mùng mà ngủ. Trong suốt thời gian sống ở Việt Nam ngay cả cho tới đêm chót trước khi lên đường du học, tôi vẫn quen ngủ dưới sàn, cho nên khi qua Úc, lần đầu tiên được ngủ trên giường mà lại là giường nệm, tôi phải tốn khá nhiều thời gian mới quen với cảm giác mới lạ này!

Tuy nhiên, tôi không bao giờ có mặc cảm về chuyện đó, nhất là khi tôi thấy bao nhiêu người khác sống nghèo khổ hơn gia đình tôi nhiều. Có những đêm đi học về khuya, khi đạp xe ngang chợ Gò Vấp, tôi thấy những người ăn xin nằm ngủ trên các sạp vắng trong chợ. Nhiều em bé mồ côi lót báo nằm co ro ngoài vỉa hè. Tôi chợt thấy mình may mắn quá! Tối nay đi học về, mặc dù sẽ trải chiếu ngủ dưới sàn, nhưng ít nhất tôi có một mái nhà êm ấm, có cha mẹ anh em thương yêu đùm bọc. Trong khi đó, những người hành khất phải ngủ ngoài chợ, các em bé mồ côi phải nằm co ro thui thủi trên vỉa hè đường phố, không cha không mẹ! Sáng mai, má tôi sẽ cấp cho tôi một gói xôi để tôi mang theo vô trường ăn. Trong khi đó, những người hành khất, những em bé mồ côi bằng tuổi tôi sẽ phải moi thùng rác hoặc vào các tiệm ăn để chầu chực thực khách hảo tâm ăn xong còn để lại một chút ít dư thừa để cho các em bé có gì lót bụng! Chiến tranh đã tạo ra những hoàn cảnh xã hội Việt Nam vô cùng bi đát!



Hàng Xóm Láng Giềng

Nhà tôi ở trong xóm mà láng giềng hầu như đa số là người Hoa. Thuở nhỏ tôi chỉ biết chơi với đám con nít người Hoa trong xóm. Tôi theo tụi nó từ đầu xóm đến cuối xóm, nhiều khi ăn ở nhà bọn nó, có khi ở lại ngủ qua đêm ở nhà tụi nó luôn! Sau nhiều năm như vậy, đương nhiên tôi cũng nói được tiếng Hoa tương đối khá! Ba má tôi không lo về chuyện này vì những người hàng xóm người Hoa rất thân tình và tử tế với gia đình tôi.


Má tôi có lần nói đùa là khi tôi lớn, chắc tôi sẽ lấy một cô xẩm! Lúc nhỏ tôi không để ý gì về lời nói giỡn của má tôi. Nhưng khi tôi lên mười mấy tuổi  (tuổi dậy thì!) tôi bắt đầu thấy lời bà già nói đùa mà có lý! Trong những dịp Tết Ta / Tết Tàu, các thiếu nữ người Hoa trong xóm, cả năm trời sống như những cô bé lọ lem, đột nhiên xuất hiện như các minh tinh màn bạc. Các bóng hồng Trung Quốc trang điểm và mặc áo "xường xẩm" xẽ dài trên đầu gối, đi đến đâu cũng làm cho trai Tàu cũng như trai Việt đều ngẫn ngơ, ngơ ngẫn! Lúc ấy, ở Gò Vấp mà tôi cứ ngỡ như là đang ở Hồng Kông, Hương Cảng!!

Nhưng chẳng may, tiếng Hoa của tôi tuy khá nhưng vẫn không khá đủ để nói năng gì cho ra hồn với các bóng hồng Trung Quốc! Cho nên cuối cùng tôi đành ngâm câu "Ta về ta tắm áo ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!"



Xe Đò Phước Long

Khi ba tôi làm ở Phước Long, mỗi tháng ông được về thăm nhà vài ngày. Phương tiện giao thông duy nhất giửa Sài Gòn và Phước Long lúc đó là xe đò. Thời buổi chiến tranh, đường xá nhất là đường rừng ở Phước Long Đồng Xoài thường bị đấp mô. Cho nên mặc dù đường Sài Gòn Phước Long tuy chỉ xa khoảng hơn 100 cây số, xe đi cả ngày mới tới là chuyện thường!

Tôi nhớ có một lần đi chung với ba tôi lên Phước Long, xe đò còn trong rừng chưa đến Đồng Xoài thì phải dừng lại vì bị đấp mô giửa đường. Trong lúc bác tài đang loay hoay không biết làm sao, thì tôi thấy khoảng 6 ,7 "người lính lạ" từ trong rừng cầm súng chạy ra bao quanh xe. Hành khách trong xe hoảng hốt thì thầm với nhau "Việt Cộng, Việt Cộng!" Tôi lo ngại cho ba tôi, vì nếu họ xét căn cước hành khách thì họ sẽ biết ba tôi là công chức và chắc họ sẽ không để yên cho ba tôi. Thời may, tôi thấy bác tài hình như đã có kinh nghiệm trước, dúi một chút tiền cho một VC, còn một VC khác thì đem truyền đơn rải cho hành khách. Từ hồi còn nhỏ, tôi đã đọc và xem phim thời sự nhiều về VC, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đối diện với một người VC trước mặt, ngay trong lúc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc! Tôi tò mò quan sát thì thật sự thấy họ cũng trẻ như ông anh cả của tôi. Họ mặc quân phục kaki, đầu đội mũ bèo, chân thì lại mang dép râu! Khi rải truyền đơn và nhận tiền thuế mãi lộ xong, trong tíc tắc họ biến mất trong rừng cũng nhanh như lúc mới xuất hiện. Tôi đọc thử tờ truyền đơn thì thấy thời đó mà họ đã dùng nhiều chữ trong Nam tôi chưa nghe bao giờ. Có vài chữ lẫn lộn giữa "L" và "N"! Ba tôi nói lính VC vừa rồi là lính "chính qui". Còn tờ truyền đơn thì chắc in từ ngoài Bắc!

Mấy tiếng sau, một số xe đò và xe "be"(xe chỡ cây trong rừng) từ hai hướng cũng dừng lại vì bị mô chận! Mọi người kiên nhẫn chờ thêm khoảng vài tiếng nữa thì có xe nhà binh chính phủ và xe ủi đất trờ tới để dẹp mô cho xe cộ lưu thông trở lại.

Lúc xe bắt đầu di chuyển, tôi nghe bác tài lầm bầm với chú lơ xe ngồi ghế "súp" bên cạnh:
"Tao hổng biết bửa nay ngày gì mà xui quá! Hồi sáng mới vừa ra khỏi Biên Hòa thì đã bị mấy cha nội cảnh sát trạm kiểm soát "đớp" hết một mớ tiền. Bây giờ lại gặp mấy ông nội VC này lại bị đớp thêm một mớ nữa. Điệu này chắc tao phải cạp đất mà ăn!"

Khỏi nói,hôm đó khởi hành từ Sài Gòn lúc 4 giờ sáng mà mãi tới gần khuya xe đò chúng tôi mới đến Phước Long!
 


 
Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Vào những năm ba tôi làm việc ở Phước Long, cứ vào mỗi cuối tháng là má tôi và các anh em tôi ở Gò Vấp thường cứ hồi họp chờ ba tôi về phép thăm nhà. Khi thấy ba tôi xuất hiện ngoài cửa là cả nhà vui sướng như trúng số! Đó là những ngày rất vui trong gia đình vì biết ông già đi đường thượng lộ bình an, gia đình xum họp. Hơn nữa, chúng tôi còn có niềm vui đơn giản là vào những ngày về phép đó, ba tôi thường dẫn chúng tôi đi Sài Gòn chơi và buổi tối lại kéo nhau đi ăn "sâm bửu lượng" hay cháo cá trong chợ Gò Vấp!
 

Rồi cứ mỗi năm vào dịp bải trường, má tôi đem tất cả các anh em chúng tôi lên Phước Long để ở với ba tôi trong suốt 3 tháng hè. Vào những năm thập niên 60, Phước Long là một khu rừng thiên, nước độc. Nhưng Phước Long có nhiều đồn điền cao su và lại là một địa điểm phòng thủ quan trọng về phía Bắc của thành phố Sài Gòn vì nó giáp với Campuchia và cực Nam của miền Trung. Trong suốt cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam, Phước Long bao giờ cũng nắm một tầm quan trọng trong lãnh vực quân sự và chiến lược cho cả hai miền Nam và Bắc! Tôi nhận thức được điều đó sau này, khi tới dịp thằng em tôi phải đổi đi Phước Long mà tôi sẽ kể ở đọan sau!

Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa rất quan tâm đến Phước Long. Họ khai khẩn một vùng đất lớn ở giữa rừng, xây cất một tòa nhà hành chánh ở đó, dựng lên một dãy nhà cho công chức như ba tôi ở, rồi xây thêm một ít tiệm tùng chợ búa để cho dân chúng trong khu vực và đồng bào Thượng mua bán với nhau.
Thỉnh thoảng tổng thống Ngô Đình Diệm hay đến Phước Long kinh lý. Tôi nhớ có một kỳ hè lúc tôi còn 10 tuổi, một hôm nhà nước tập trung dân chúng địa phương đến trước tòa hành chánh tỉnh để đón tổng thống đến. Sau khi đứng chờ hơn cả tiếng đồng hồ trong giữa trưa hè oi bức thì cuối cùng tôi thấy một đoàn trực thăng từ xa đáp xuống. Từ chiếc trực thăng thứ nhì, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi mặc bộ "com plê" trắng cầm chiếc "ba toong" bệ vệ bước ra khỏi trực thăng, bên cạnh có một sĩ quan cận vệ cầm dù che nắng! Rồi chung quanh tôi ai cũng la lên: "Hoan hô tổng thống!", "Tổng thống muôn năm!". Tôi nhìn kỹ lại thì thấy người đàn ông này giống hệt như chân dung tổng thống Ngô Đình Diệm mà dân chúng thường treo hình trong các công sỡ hay trường học. Tôi nhớ hồi xưa khi đi xem chiếu bóng, trước khi bắt đầu chiếu phim chính, bao giờ khán giả cũng phải đứng dậy làm lễ chào quốc kỳ và ngay sau đó hát bài chúc tụng Ngô Tổng Thống, nên tôi rất quen với gương mặt của tổng thống! Ông Diệm cầm ba toong vẫy chào dân chúng, khi đi qua trước mặt tôi, ổng nhìn tôi mỉm cười, xoa đầu tôi rồi theo tỉnh trưởng và các tướng lãnh bước vào tòa hành chánh. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Diệm bằng xương bằng thịt ngoài đời!


 
Sông Núi Phước Bình

Cảnh vật ở Phước Long có nét đẹp rất thiên nhiên. Chung quanh khu tỉnh lỵ toàn rừng xanh, đất đỏ. Tỉnh lỵ Phước Bình nằm cạnh một rặng núi khá cao có tên là "Núi Bà Rá". Cách vài cây số đường rừng có một con sông nước trong xanh tên là "Sông Bé". Đi thêm vài trăm thước lại có hai suối nước rất thơ mộng có tên là "Suối Mơ" và "Suối Đức Mẹ". Hai suối nước này không hùng vĩ như thác "Cam Ly" ở Đà Lạt, nhưng nước chảy êm đềm, róc rách rất lý tưởng để tắm suối hay câu cá. Những ngày hè ở Phước Long, anh em chúng tôi thường rủ nhau đi "thám hiểm" trong rừng quanh tỉnh lỵ, kết cây làm bè bơi dọc theo sông Bé, ngắm chim khỉ truyền trên cánh rừng xanh, hay đến Suối Mơ câu cá, tắm suối! Đó là những kỷ niệm vô cùng thú vị mà người thành thị ít khi có được!

Ba tôi thường chỉ lên đỉnh núi Bà Rá và nói với chúng tôi là chừng nào hết giặc giả, ông sẽ dẫn các anh em chúng tôi trèo lên đỉnh núi cho thỏa thích!

Nhưng ngày đó không bao giờ xảy đến!
Vài năm sau ba tôi về hưu, rời Phước Long để trở về sống ở Gò Vấp với gia đình. Phước Long, Bà Rá, Đồng Xoài sau đó đã chứng kiến những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sữ chiến tranh Việt Nam! Một số sĩ quan trẻ tuổi bạn học của các anh tôi đã bỏ thây trong các chiến trường đó!


 
Biến Động Ở Sài Gòn

Một buổi sáng vào khoảng tháng 11 năm 1962 (lúc đó tôi mới 10 tuổi), tôi đang chơi đá cầu với đám con nít hàng xóm thi bỗng nhiên có đứa chỉ lên trời la lên khoái chí:

" Coi kìa ngộ quá tụi bây ơi, máy bay đang thả bom!"

Tôi bỏ chơi đá cầu, nhìn lên trời thì thấy hai chiếc máy bay khu trục đang quần thảo trên không về phía Sài Gòn. Nhìn kỹ tôi biết nó là "Skyraider" dưới cánh có hình màu cờ Việt Nam, loại khu trục mà không quân Việt Nam bấy giờ đang xử dụng. Chỉ có điều lạ là tại sao nó thả bom giữa Sài Gòn và tôi còn thấy những chòm khói đen chung quanh máy bay như đang bị đại bác phòng không dưới đất bắn lên. Một chiếc hình như bị trúng đạn, khói đen bốc ra mù mịt. Tối hôm đó nghe tin tức mới biết là hai chiếc phi cơ đó do hai người phi công trong không quân Việt Nam, "Phạm Phú Quốc" và "Nguyễn Văn Cử" lái thả bom xuống Dinh Độc Lập! Chiếc của Phạm Phú Quốc bị bắn rớt xuống sông Sài Gòn, còn chiếc của Nguyễn Văn Cử thì bay thoát qua Campuchia!

Năm sau, Phật Giáo miền Nam bị đám ông Ngô Đình Nhu đàn áp kịch liệt. Tháng 6 năm 1963, Hòa Thượng Thích Quãng Đức ra giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn Gòn tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật Giáo của chính phủ. Xác Hòa Thượng cháy thành tro nhưng quả tim của ngài vẫn còn nguyên vẹn!
 
Năm tháng sau, ngày 1/11/1963, hội đồng tướng lãnh mỡ cuộc cách mạng lật đổ ông Diệm. Ngày hôm sau, hai anh em ông Diệm, Nhu bị ám sát. Khi biết tin này, ba tôi có vẻ bàng hoàng. Ông không thích việc Phật Giáo bị ông Nhu đàn áp, nhưng ông cũng có vẻ tiếc thương cho ông Diệm! Riêng tôi, tôi cũng cảm thấy xúc động vì mới hơn năm trước tôi gặp ông Diệm đường đường là tổng thống, mỉm cười với tôi khi ồng đi kinh lý ở Phước Long, nay đã bị ám sát thảm thê trong dinh Độc Lập!
 
Những năm sau đó, chính phủ Việt Nam cứ hết cách mạng lại đổi qua "chỉnh lý" (từ của tướng Nguyễn Khánh!) Trong khi đó chiến tranh Việt Nam càng lúc càng leo thang mãnh liệt.


Tết Mậu Thân

Có lẽ biến cố làm cho tất cả người dân miền Nam xao động tinh thần nhất là biến cố Tết Mậu Thân 1968. Tôi còn nhớ cả hai tuần trước tết, gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình bà con hàng xóm đã sửa soạn nhà cửa cho sạch sẽ chu đáo để ăn tết nguyên đán.  Má tôi đã mua sắm bánh mức. Còn ba tôi ra chợ mua được chậu mai thật đẹp đem về chưng trong ba ngày tết. Từ nhỏ đến lớn, giao thừa có thể nói là ngày quan trọng và thiêng liêng nhất trong gia đình tôi. Chúng tôi quay quần trong nhà, chờ đến giờ giao thừa để chúc tết ba má và nhận tiền lì xì.

Khoảng giờ giao thừa tết Mậu Thân năm ấy, tôi bỗng nghe tiếng nổ lách tách gần nhà, mọi người ai cũng tưởng chắc hàng xóm đốt pháo mừng đón chúa xuân về! Tiếng nổ ban đầu còn rời rạc, nhưng sau đó càng lúc càng gần và quyết liệt thêm. Ba tôi nói đây là tiếng súng chứ không phải tiếng pháo. Khi nghe thêm tiếng lựu đạn, mọt chê nổ ầm ỉ quanh nhà, ba tôi vội vã kêu tất cả mọi người tắt đèn rồi chun xuống gầm bàn, gầm giường hay bộ ván trong nhà để che thân tránh đạn! Trong nhà bấy giờ tối thui. Tiếng súng dưới đất và tiếng trực thăng vần vũ trên trời xé tan bầu không khí đêm khuya. Nằm dưới gầm bàn nhìn lên bàn thờ tổ tiên, tôi thấy hình ông nội và bà ngoại ẩn hiện sau những nén nhang nghi ngút. Phía trên, hình Đức Phật cũng ẩn ẩn hiện hiện trên bộ lư hương. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy hình ảnh nhân từ của Đức Phật và hình ảnh hiền lương của ông nội, bà ngoại như có một sức mạnh linh thiêng tỏa ra từ trên bàn thờ. Không biết tại sao, tôi lâm râm cầu nguyện với Trời Phật và ông bà phù hộ cho gia đình tôi. Đó là lần đầu tiên mới 11 tuổi mà tôi đã biết cầu nguyện một mình!

Những ngày sau đó, cả thành phố Sài Gòn bị giới nghiêm 24/24, nghĩa là hầu như dân chúng bị cấm không được ra khỏi nhà. Công sỡ, chợ búa, trường học đều đóng cửa. 
 
Khi tiếng súng giao tranh bắt đầu giảm dần, ba tôi sai tôi và một người anh ra chợ coi xem có ai buôn bán gì để tìm cách mua vài nhu yếu phẩm vì trong nhà bắt đầu thiếu thốn thực phẩm.Trên đường ra chợ, tôi thấy vài xác VC vẫn còn nằm ngỗn ngang ngoài đường phố!
 






Tử Thần Trên Không

Cả tháng sau tình hình ở Sài Gòn mới bắt đầu khả quan hơn. Lúc đó coi tin tức mới biết thành phố Huế bị thiệt hại nặng nề nhất. Trên TV nhìn cảnh đồng bào mặc áo tang ôm quan tài của người thân khóc thảm thiết, ai cũng xúc động không nói nên lời.

Mấy tháng sau ngày tết Mậu Thân, khi mọi sự có vẻ trở lại bình thường thì lại có một chuyện thật kinh hoàng xảy đến cho tôi. Mỗi lần nhớ lại tôi đều rỡn tóc gáy! Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi và một thằng bạn thân rũ nhau ra sông Bến Cát gần nhà chơi. Sông Bến Cát là một con sông hiền hòa ở Gò Vấp, hai bên bờ nhiều dừa nước. Giữa sông có một cù lao nhỏ, trên đó có một cái miếu mà theo lời truyền tụng thì họ nói là để thờ những oan hồn của những người tắm sông chết đuối ở đó. Tôi như điếc không sợ súng, thường ra sông này tắm một mình, học một mình và làm thơ một mình! Hôm đó có thằng bạn đi chung, tôi bạo dạn hơn rũ nhau bơi qua bờ bên kia. Trưa đó nước lớn nên lục bình trôi đầy rẫy chung quanh chúng tôi. Chúng tôi nẩy ý gom lục bình lại để làm như một chiếc bè bám vào đó bơi xa cho dễ. Trong lúc đang loay hoay giữa sông bám níu vào lục bình thì bỗng nhiên chúng tôi thấy một chiếc trực thăng từ đâu xuất hiện.

...

Ở miền Nam trong thời buổi chiến tranh, trực thăng bay rầm rộ trên trời là chuyện thường. Nhưng hôm đó, chiếc trực thăng này không bay trên trời như mọi ngày mà hình như nó đang tuần tiểu trên sông Bến Cát . Tôi thấy nó bay qua chỗ chúng tôi đang bơi rồi lại bay vòng trở lại. Sau đó nó lại bay xuống thật thấp để quan sát chúng tôi! Từ dưới sông nhìn lên, tôi thấy một người lính Mỹ ngồi bên hông trực thăng cầm đại liên chỉa vào chúng tôi! Vì trực thăng chỉ cách trên đầu chúng tôi chừng 15 thước nên tôi còn thấy rõ ngón tay trỏ của người xạ thủ Mỹ này đang chực trên cò súng, sẵn sàng bóp cò bất cứ lúc nào! Tôi đoán là họ tình nghi chúng tôi là VC, vì bên kia bờ sông là làng An Phú Đông, xưa nay nỗi tiếng là ổ của VC! Thằng bạn tôi sợ quá run run nói với tôi: "Hay là mình ngụp xuống lục bình trốn!" Cũng may tôi suy nghĩ thật nhanh là lặn trốn như vậy còn dễ bị ăn đạn hơn là tỏ vẻ bình thường!

Tôi nói với nó là mình làm ngược lại mới đúng! Nói rồi hai đứa tôi vừa vẫy tay lên vừa la thật lớn, thật lâu: "Hế Lô, Hế Lô..." chữ tiếng Anh duy nhất mà tôi biết lúc đó! Trong khi đó chiếc trực thăng vẫn bay quanh chúng tôi thêm vài vòng nữa, cây đại liên vẫn chỉa thẳng vào hướng chúng tôi. Rồi tôi thấy một người lính Mỹ khác vỗ vai người xạ thủ đại liên này và làm một dấu hiệu với người phi công . Cuối cùng chiếc trực thăng bỏ chúng tôi bay đi chỗ khác. Khi chúng tôi chưa kịp hoàn hồn thì thấy chiếc trực thăng vừa rồi lại vần vũ trên một khúc sông cách chúng tôi chừng vài trăm thước.

Nhưng kỳ này chúng tôi nghe một tràng "cạch cạch cạch" ròn rã, chát chúa của súng đại liên bắn từ trực thăng xuống nước!

Trong một thoáng chốc, tôi cảm thấy mạng người Việt Nam rẽ mạt như bèo dạt trôi sông! Mạng sống của hai thằng bé Việt Nam vô tư bơi lội trên con sông trên mảnh đất quê hương của mình, trong một khoảnh khắc phải tùy thuộc vào bàn tay và quyết định của một người lính ngoại quốc từ xa đến!

Sau này, tôi cứ thầm nghĩ, nếu hôm đó người xạ thủ Mỹ trên trực thăng quyết định bóp cò cho hai đứa tôi một tràng đạn đại liên, chắc anh ta sẽ nhủ thầm "Oh well, just a couple casualties of war!" rồi thôi. Người dân quê ở sông Bến Cát sẽ nhốn nháo: "Có hai xác VC trôi lềnh bềnh trên sông. À mà VC lúc này sao còn con nít quá vậy cà!" Và sẽ có hai gia đình lo âu buồn khổ vì có hai đứa con đột nhiên bị mất tích! 




Huấn Luyện Quân Sự

Sau khi đậu xong Tú Tài, tôi thi vào Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Chương trình học đòi hỏi chúng tôi phải vào Trung Tâm Huấn Luyện Quân Sự Quang Trung.

Mặc dù tôi chưa có dịp vào sinh ra tử trong đời lính, nhưng thời gian huấn luyện quân sự tối đa trong trại Quang Trung cũng cho tôi nếm mùi gian lao, nhọc nhằn của đời lính!



Trong suốt thời gian huấn luyện quân sự ở Quang Trung, tôi được dạy cách xử dụng đủ loại súng ống: từ súng trường đến tiểu liên, trung liên, đại liên, mọt chê, cách quăng lựu đạn, cách "bò hỏa lực" (bò dưới làn "mưa" đạn đại liên cách người nữa thước!) Nhưng rùng rợn nhất là cách "đánh xáp lá cà" mà trong đó chúng tôi phải gắn lưỡi lê vào đầu súng, chạy vào các hình nộm VC rồi đâm hết tên này sang tên khác! Tôi phân tích thì thấy cách tự vệ duy nhất nếu phải đánh "xáp lá cà" như vậy là phải đâm giết địch thủ trước khi nó giết mình! Chứ ngoài ra chẳng thấy họ dạy động tác nào để đỡ đòn cả!




Tôi Đi Du Học

Khi học ở Phú Thọ, tôi lại nộp đơn xin học bỗng du học ở Úc. Thời may, tôi được chấp nhân. Tôi cũng như gia đình đều mừng rỡ khi được tin vui này. Trong hồ sơ du học, chính phủ cho biết là sinh viên Colombo Plan khi đổi tiền Việt Nam sang tiền Mỹ được quyền mang theo đến 1,000 Mỹ kim. Nhưng thấy tình cảnh gia đình túng thiếu tôi rất ái ngại. Ba tôi đã về hưu 5 năm nay rồi. Má tôi chỉ là người nội trợ trong nhà. Các anh tôi hai người đi làm, một người đi lính. Mấy ảnh đã lập gia đình, phải lo cho gia đình riêng của họ, mỗi tháng chỉ có dư chút ít để gởi cho má tôi đi chợ và cho ba tôi chút đỉnh để ổng uống cà phê giải khuây.



Tuy nhiên, buổi tối trước ngày lên đường qua Úc, ba tôi lẵng lặng trao cho tôi 50 đô Mỹ để cho tôi xài lúc mới qua Úc. Ba tôi phải bán chiếc mobylette trong nhà, còn má tôi thì phải ra tiệm cầm đồ cầm hết nữ trang mà ba má tôi đã dành dụm bao nhiêu năm nay, dự định để dành cho các em gái tôi sau này khi tụi nó lập gia đình! Đã vậy ba tôi còn ái ngại là chỉ đủ sức cho tôi một số tiền "quá nhỏ" so với số mà sinh viên du học có thể mang theo được!

Tôi cầm 50 đồng Mỹ trong tay, rươm rướm nước mắt mà tự thề trong lòng là sau này khi thành tài về nước, tôi sẽ đi làm kiếm gấp ngàn lần số tiền này để đem về báo hiếu với ba má tôi trong tuổi xế chiều!

Nhưng ngày đó không bao giờ có được!

Sau 3 năm học ở Úc, đầu năm 1974 tôi được về nước thăm nhà 6 tuần. Đó cũng là lần chót tôi có dịp gần gũi hàn huyên với ba tôi lúc người còn sống. Đi có vài năm mà ba tôi đã già hơn xưa nhiều. Khi tôi đem mấy tấm hình chụp ở Úc cho ba tôi xem, ba tôi trầm trồ hình núi  Dandenong gần thành phố Melbourne chỗ tôi đang học nội trú. Ba tôi bảo với tôi là coi nó cũng giống như núi Bà Rá ở Phước Long. Ba tôi chắc nhớ Phước Long lắm!

Tôi nói với ba tôi là hai năm nữa học xong về nước, đợi hết chiến tranh con  sẽ dẫn ba lên núi Bà Rá chơi, "và nếu ba leo núi Bà Rá không nổi, con sẽ dẫn ba qua Úc rồi sẽ chở ba lên núi Dandenong chơi cho ba đở nhớ núi Bà Rá!"

Ngày ra phi trường bay trở về Úc, ba tôi ôm tôi từ giả. Tôi không ngờ ngày tạm biệt đó cũng là ngày vĩnh biệt! Ước mơ của ba tôi mãi mãi chỉ là mơ ước. Và buồn nhất là lời hứa năm nào với ba tôi cũng không bao giờ thành tựu!

Cuối năm 1974, ba tôi viết thơ qua báo tin Phước Long vừa trải qua một trận đánh thật khốc liệt, trong đó hai người bạn thân của anh cả tôi tử thương ở Bà Rá và Đồng Xoài!



Hai thằng con, hai thằng lính!

Trong một thơ khác, ba tôi cho biết người anh kế của tôi (đi lính mấy năm nay) đang đổi về đảo Côn Sơn làm cai tù cho đám tù bình chiến tranh VC.

Đầu tháng tư năm 1975, ba tôi cho biết cả tỉnh Phước Long đã rơi vào tay VC. Và đó là bức thơ chót tôi nhận được từ Việt Nam cho tới một thời gian khá lâu sau, vì cuối tháng đó, ngày 30/4/1975, miền Nam thất thủ, tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình!

Sau biến cố lịch sữ trọng đại đó cho đến khoảng cuối năm 1979, gia đình tôi phải trải qua bao nhiêu nỗi nhục nhằn cam khổ. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi đang từ mười mấy người ở ồn ào bỗng dưng trở thành vắng lặng im lìm. Các anh em tôi lần lượt vượt biên, người đang ở đảo Pulau Bidong, người ở Mã Lai, người ở Nam Dương.

Người anh kế đi lính lúc trước làm cai tù, bây giờ phải ở tù trong trại học tập cải tạo. Thằng em út lúc vừa lên18 tuổi, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ ra khỏi nhà một mình, bây giờ bị động viên vô bộ đội.  Má tôi sau này kể lại là thằng nhỏ khóc với má là nó chỉ muốn ở nhà đi học chứ không muốn đi lính. Nhưng Việt Nam lúc đó đang kéo quân qua Campuchia nên cần rất nhiều binh lính. Em tôi là con ngụy thì làm sao vô đại học được nên thằng em tôi cuối cùng buột phải vô bộ đội!  Rồi không biết duyên cớ thế nào lại đóng quân ở Phước Long!

Sau này gặp lại má tôi, má tôi kể là vào những năm chót trong cuộc đời, buổi tối ba tôi thường chong đèn coi lại mấy tấm hình cũ của các anh em tôi cho đở nhớ con cái. Ba tôi thích xem hình tôi lúc còn nhỏ rồi trầm trồ so sánh với những hình tôi chụp ở Úc. Nhìn hình núi Dandenong ở Úc, chắc ba tôi nhớ núi Bà Rá ở Phước Long lắm!

Nhưng ba tôi thường đâm chiêu thật lâu trước hai tấm hình, một tấm của người anh kế tôi và một tấm của thằng em út. Hình của người anh kế tôi chụp lúc ảnh còn đi lính trước 75, đầu đội nón sắt, tay cầm súng Mỹ M16 có khắc chữ "Made in USA" hiên ngang đứng canh giử trước trại tù Côn Sơn. Còn hình của thằng em út mặt còn non choẹt, đầu đội nón cối bộ đội, tay cầm súng AK47 Trung Cộng khắc chữ "Made in China", mà mặt thì buồn như muốn khóc! Mỗi lần nhìn hai tấm hình đó, ba tôi thường lắc đầu ứa nước mắt nói thầm: "Hai thằng con, hai thằng lính, hai chế độ!"

Có lẽ trong thâm tâm, không chừng ba tôi nghĩ: chẳng thà thằng con út làm cai tù cho thằng con lớn vậy mà chắc hai anh em nó đở khổ hơn!


 
Một Chút Quà Cho Quê Hương

Những ngày tháng tiếp theo là những ngày buồn và điêu đứng nhất trong gia đình tôi. Trong nhà thiếu trước, hụt sau nên ba má tôi lần lượt bán hết đồ đạt để kiếm chút tiền sống qua ngày: một vài nữ trang còn sót lại, xe gắn máy, TV, tủ lạnh, bộ ván trong phòng khách v. v. cứ theo nhau mà bỏ đi theo chủ khác! Cho đến tủ thờ tổ tiên mà ba tôi rất quí trọng, cuối cùng cũng phải đành lòng bán đi! Vậy mà trong nhà cũng không đủ gạo ăn cho hai bửa.

Những bửa ăn bây giờ phải trộn gạo với bo bo. Nhà tôi bây giờ không còn trai tráng để lo cho ba má tôi. Các em gái thì còn nhỏ quá không giúp được gì! Má tôi đã già, tìm cách làm một vài món dưa cải bày ra trước nhà bán để kiếm vài đồng mua gạo, mua bo bo. Ba tôi tuy sức khỏe đã yếu lắm nhưng cũng ráng phụ má tôi làm được việc gì hay việc nấy. Có lần hàng xóm thấy ba tôi khệ nệ mang mâm dưa cải ra trước nhà để cho má tôi bán, họ chép miệng nói: "Tội nghiệp cho ông ba, lúc trước làm ông cò mà bây giờ phải ra nông nổi này!"

Khi nhà nước  cho phép thân nhân từ nước ngoài liên lạc thơ từ và gởi hàng hóa về tiếp tế cho người nhà trong nước thì chúng tôi cứ vài tuần lại ra tiệm vải gần nhà để gởi vài thùng quà về cho gia đình.

Bản nhạc "Một Chút Quà Cho Quê Hương" của Việt Dzũng đã thổ lộ rất chính xác nỗi lòng của kiều bào Việt Nam vào những năm 78, 79 đó.
 
Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
 
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng
 
Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
 
Em gởi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn
 
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên
 
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha chôn cuộc đời trong trong xứ tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành...
trong giấc ngủ.... da.... vàng....

 
Mỗi lần nghe Khánh Ly ca bản nhạc này, nhất là đoạn

"Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình..."


tôi không cách nào cầm được nước mắt.

Ba tôi không bị ra pháp trường, nhưng bệnh nặng rồi qua đời trong khoảng thời gian mà gia đình tôi lâm vào cảnh lầm than bi đát nhất.
……………………………



 
Về Thăm Quê Cũ

Rồi thời gian chầm chậm trôi qua. Từ ngày ba tôi mất, tính đến nay đã hơn ba mươi mươi năm rồi. Qua bao nhiêu cuộc bể dâu, quê hương Việt Nam giờ đã thay đổi nhiều. Năm trước tôi đem gia đình về thăm nhà cho mấy đứa con biết thêm về Việt Nam và để có dịp thăm mồ mã ông bà tổ tiên. 

Đứng trước mã ba tôi, tôi nói với các con tôi hãy thấp nhang khấn ông nội để ông nội phù hộ cho các con, "cũng như hồi ba 15 tuổi, ba nằm dưới gầm bàn trú đạn đêm giao thừa tết Mậu Thân năm 1968, ba đã lâm râm cầu nguyện với ông nội của ba qua hương khói chập chờn trên bàn thờ tổ tiên. Ông bà mình linh thiêng lắm con!"

Tôi dẫn các con tôi về Gò Vấp vào thăm căn nhà cũ ngày xưa (mà bây giờ gia đình ông anh kế đang ở). Tôi chỉ chỗ sàn nhà mà "ba đã trải chiếu giăng mùng ngủ mỗi đêm trong suốt quảng đời ba sống trong căn nhà đó ở Việt Nam". Mấy đứa con tôi chỉ lắc đầu không cách nào hiểu được, nhất là khi tôi cho tụi nó biết những năm tháng đó tuy nhà nghèo, nhưng lại là những năm hạnh phúc nhất trong thời niên thiếu của tôi! "khi ba có ông nội bà nội và các cô chú bác ở chung!"

Đường từ Bắc vô Nam bây giờ thênh thang thoải mái, chứ không bị đấp mô như ngày xưa lúc đi xe đò từ Sài Gòn lên Phước Long. Ra sông thăm Bến Cát, đã bao nhiêu năm rồi mà dòng sông vẫn chảy hiền hòa như ngày xưa, lục bình vẫn trôi dật dờ theo con nước. Chỉ có điều bây giờ không thấy trực thăng với người xạ thủ đại liên Mỹ bay vòng vòng chung quanh để chờ nhả đạn, như một ngày xa xưa đó!

Anh kế tôi đã trở về với gia đình sau một thời gian ở trong trại cải tạo. Thằng em út tôi từ Phước Long đã tìm cách chạy trốn về Sài Gòn rồi cũng tìm đường vượt biển bình an! Thằng bạn thân tắm sông Bến Cát chung với tôi ngày xưa, lúc mạng sống của chúng tôi phải tùy vào ngón tay bấm cò súng đại liên của người xạ thủ Mỹ trên trực thăng, sau khi đi học tập cải tạo một thời gian rồi cũng vượt biên qua Mỹ. 



Hồi Tưởng

Nghiệm lại dĩ vãng ngày xưa ở Việt Nam, tôi khám phá ra một chân lý sống đơn giản là nếu có gia đình thương yêu, bạn bè thân ái, thì dù sống ở bất cứ hoàn cảnh hiểm nguy hay nghèo khó nào, ai cũng có thể có hạnh phúc được!
........... 

Rồi ngày ngày ở bên Úc, mỗi khi nhìn về dãy núi Dandenong gần nhà, tôi thường liên tưởng đến ngọn Núi Bà Rá ở Phước Long và hình bóng yêu thương của người cha hiền lương năm cũ.

Có khi nghe tiếng gió thổi rào rạt qua cành cây, tôi cứ ngỡ như tiếng ba tôi đang dạy tôi câu tiếng Miên ngày nào khi tôi vừa mới lên 5 lên 6:
"Bòn ơi, tâu na, bòn ơi!"...

........................................................................
 
    Nhìn lên đỉnh núi nhớ cha,
Trông về biển rộng nhớ bà mẹ quê...
    Bao năm chinh chiến ê chề,
Công cha nghĩa mẹ không hề phôi pha,
    Thuở còn ở với mẹ cha,
Cơm canh rau giá dưa cà mà vui!
                                (NV Hà)


Nguyễn Văn Hà
Melbourne, Tháng 9, 2010 

...
(Sau khi thi Tú Tài 1)

Back to top
« Last Edit: 25. Sep 2010 , 19:31 by Nguyen Van Ha »  
 
IP Logged
 
phuonghue
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3251
Gender: female
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #1 - 23. Sep 2010 , 09:32
 
PH (lvd75) xin chào ra mắt anh NV Hà (Bá )  smflower smflower smflower ( cái này là anh nói trước đó nhe  Roll Eyes )

Đọc hồi ký của anh, PH thấy như sống lại 1 phần tuổi thơ.. Ngày xưa nhà ở Xóm Cầu Sắt là nhà sàn nên buổi tối cứ trải chiếu ra ngủ dưới sàn , mấy từ này quen thuộc quá.. , ban ngày thì mùng mền xếp lại làm nơi nô đùa sinh hoạt.. Không hiểu sao đọc câu chuyện của anh mà PH lại hình dung ra Ba của mình và nhớ Ba quá..Ba mất đã gần 2 năm rồi mà đầu óc vẫn chưa quen nơi.. cám ơn anh Hà ( Bá ) đã đem vào sân trường câu chuyện đời Tôi rất là thân thiết và gần gủi  Smiley thanks.gif votay
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #2 - 24. Sep 2010 , 22:48
 
phuonghue wrote on 23. Sep 2010 , 09:32:
PH (lvd75) xin chào ra mắt anh NV Hà (Bá )  smflower smflower smflower ( cái này là anh nói trước đó nhe  Roll Eyes )

Đọc hồi ký của anh, PH thấy như sống lại 1 phần tuổi thơ.. Ngày xưa nhà ở Xóm Cầu Sắt là nhà sàn nên buổi tối cứ trải chiếu ra ngủ dưới sàn , mấy từ này quen thuộc quá.. , ban ngày thì mùng mền xếp lại làm nơi nô đùa sinh hoạt.. Không hiểu sao đọc câu chuyện của anh mà PH lại hình dung ra Ba của mình và nhớ Ba quá..Ba mất đã gần 2 năm rồi mà đầu óc vẫn chưa quen nơi.. cám ơn anh Hà ( Bá ) đã đem vào sân trường câu chuyện đời Tôi rất là thân thiết và gần gủi  Smiley thanks.gif votay

Cám ơn PH góp ý kiến.
Thật sự những gì tôi viết lại trong hồi ký không có gì mới lạ, những người Việt Nam ly hương như mình ai cũng biết và trải qua hết rồi. Tôi chỉ viết một phần vừa để tập viết, một phần để chúng ta cùng nhớ lại những ngày buồn của vận nước vậy thôi.
Tính sỗ lại chắc cả nước VN mình ai cũng nghèo cả! Không ai khá hơn ai đâu!

Cám ơn PH nhiều!

Cheeeers,
NV hà
Back to top
 
 
IP Logged
 
kyqua
Full Member
***
Offline



Posts: 216
Sài Gòn
Gender: female
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #3 - 25. Sep 2010 , 03:04
 
...
                               
   
Bòn xà ạt na. Bòn ơi !



Back to top
 
 
IP Logged
 
Dương Xi
Junior Member
**
Offline



Posts: 66
Washington
Gender: female
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #4 - 25. Sep 2010 , 17:09
 
Anh Hà mến,
Bài viết của anh rất cảm động, Dương Xỉ cũng nhớ lại cái hồi tết Mậu Thân, em cũng phải chui xuống gầm bàn để lánh đạn, cả nhà em phải chạy qua Tân Định ở tạm nhà của bà con vì lúc đó ở Gò Vấp đánh nhau dữ lắm. Còn Bến Cát em cũng biết vì hồi học ở tiểu học có nhỏ bạn nhà ở đó, thỉnh thoảng em theo về nhà nó chơi. Đọc bài của anh làm em nhớ lại nhiều chuyện xưa quá.
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #5 - 25. Sep 2010 , 19:43
 
kyqua wrote on 25. Sep 2010 , 03:04:
...
                               
   
Bòn xà ạt na. Bòn ơi !





Bòn xà ạt na. Bòn ơi !

????!!!!

Tiếng Miên hay tiếng Quãng đây!
Làm ơn dịch giùm qua tiếng Việt nghe!
(Hope it's nothing too nasty! D/Đ LVD là diễn đàn nho nhả mà, phải không?, hay là tôi ngây thơ và lạc quan quá đây?)

????
NV Hà
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #6 - 25. Sep 2010 , 19:46
 
Dương Xi wrote on 25. Sep 2010 , 17:09:
Anh Hà mến,
Bài viết của anh rất cảm động, Dương Xỉ cũng nhớ lại cái hồi tết Mậu Thân, em cũng phải chui xuống gầm bàn để lánh đạn, cả nhà em phải chạy qua Tân Định ở tạm nhà của bà con vì lúc đó ở Gò Vấp đánh nhau dữ lắm. Còn Bến Cát em cũng biết vì hồi học ở tiểu học có nhỏ bạn nhà ở đó, thỉnh thoảng em theo về nhà nó chơi. Đọc bài của anh làm em nhớ lại nhiều chuyện xưa quá.

Cám ơn DX,

Tết Mậu Thân thật sự kinh hoàng hơn tôi diễn tả nhiều! Nhưng trong hồi ký vắn tắt như vậy cũng tạm đủ!

Cheeers,
NV Hà
Back to top
 
 
IP Logged
 
kyqua
Full Member
***
Offline



Posts: 216
Sài Gòn
Gender: female
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #7 - 02. Oct 2010 , 03:08
 
Nguyen Van Ha wrote on 25. Sep 2010 , 19:43:
Bòn xà ạt na. Bòn ơi !

????!!!!

Tiếng Miên hay tiếng Quãng đây!
Làm ơn dịch giùm qua tiếng Việt nghe!
(Hope it's nothing too nasty! D/Đ LVD là diễn đàn nho nhả mà, phải khôn g?, hay là tôi ngây thơ và lạc quan quá đây?)


NV Hà

       Câu được nhắc lại cùng thứ tiếng với Bòn ơi! Tâu na, Bòn ơi! - nghĩa cả câu là dễ thương quá, cậu bé (chữ Bòn bao gồm ngôi thứ hai, giống đực) ơi !
       Lúc đó chợt thấy hình một cậu bé mộc mạc, với nụ cười thân thiện, gần gũi, lại chạnh nghĩ nghĩa đồng hương- Ba tôi quê quán ở Cái Thia Cái Bè, miền Lục Tỉnh - nên mới nghĩ sao viết vậy.
       Nay dịch ra tiếng Việt cho rõ ràng theo yêu cầu của người lạc quan (!), còn  ngây thơ thì... thôi, không dám biết nửa đâu. Chỉ cần xác định cho đúng :
       Diễn đàn Lê văn Duyệt luôn nho nhã với mọi người, trong mọi lúc .
           Vậy thôi !!!!.
           kyqua 
Back to top
« Last Edit: 02. Oct 2010 , 04:27 by kyqua »  
 
IP Logged
 
ong map
YaBB Newbies
*
Offline



Posts: 38
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #8 - 02. Oct 2010 , 18:57
 
Anh Hà thân mến!
Doc lai những dòng chữ môc mac của anh viết về g/d quê hương, xứ sở va cuôc chiến tranh khốc liêt ở VN, tôi thấy cả môt vùng trời kỉ niêm âp vệ Nhà tôi cũng ở Gò Vấp, Gần chơ Gò Vấp, Năm 1968, tôi chỉ mới 8 tuổi thôi, nhưng cũng nhớ rất rỏ là lúc VC pháo kích vao Sài Gòn, dân chúng chay tứ tán Tôi nhớ lúc dó, chi dâu ho của tôi da gánh tôi va em của chi ấy trong 2 cái thúng và cả g/d tôi dã chay vào sở của ba tôi là Nha Hàng Không Dân sư cũ, bởi vì nhỏ quá nên tôi không nhớ d/d dó nằm chỗ nào Tôi nhớ má tôi dã nấu môt nồi cơm thât to, va cả dai gia dình tôi dã ăn cơm với dồ hôp Mỹ, với dưa muối Ở dó it bữa, khi het phao kich, g/d tôi mới quay lai nhà cũ
Tôi cũng giống như anh, khi tôi rời g/d năm 1989 dể di vươt biên cũng là lần cuối cùng tôi dươc thấy ba tội Lúc chúng tôi còn dang ở bên dảo, thi ba tôi dã qua dòi tai Vn. Từ dó chúng tôi dã không còn có thể găp măt ông dươc nữa Doc những bài viết của anh rất là hay, nó dã gói ghém phần nào những suy nghĩ cua tôi về quê hương VN, về dân tôc của mịnh Biết dến bao giò người Vn của mình mói dược cơm no áo ấm thât sự
Ong Mâp
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Re: Một Thoáng Hương Xưa: Bòn ơi! Tâu Na, Bòn ơi!
Reply #9 - 02. Oct 2010 , 22:29
 
Chào các bạn,

Cám ơn các bạn viết vào tiết mục này thật nhiều.
Xin cho phép tôi được trả lời chung một lượt nha!

kyqua wrote on 02. Oct 2010 , 03:08:
       Câu được nhắc lại cùng thứ tiếng với Bòn ơi! Tâu na, Bòn ơi! - nghĩa cả câu là dễ thương quá, cậu bé (chữ Bòn bao gồm ngôi thứ hai, giống đực) ơi !
       Lúc đó chợt thấy hình một cậu bé mộc mạc, với nụ cười thân thiện, gần gũi, lại chạnh nghĩ nghĩa đồng hương- Ba tôi quê quán ở Cái Thia Cái Bè, miền Lục Tỉnh - nên mới nghĩ sao viết vậy.
       Nay dịch ra tiếng Việt cho rõ ràng theo yêu cầu của người lạc quan (!), còn  ngây thơ thì... thôi, không dám biết nửa đâu. Chỉ cần xác định cho đúng :
       Diễn đàn Lê văn Duyệt luôn nho nhã với mọi người, trong mọi lúc .
           Vậy thôi !!!!.
           kyqua 

Xin thân chào người đồng hương kyqua ở Cái Thia Cái Bè...
(và cám ơn kyqua đã dịch rõ nghĩa câu tiếng Miên vừa rồi)

Bây giờ biết kyqua muốn nói gì rồi thì tôi rất an tâm và cảm kích câu khen tặng đó!

Như vậy là kyqua rành tiếng Miên quá!

Bửa nào biểu diễn thêm vài câu nữa cho vui (nhưng nhớ phụ đề tiếng Việt liền để đọc giả khỏi thắc mắc!)

Nói về quan điểm của d/đ LVD, tôi lúc nào cũng an tâm là các thành viên rất thân thiện với mọi người. Không có ai "dấm dẵng" (chữ tui mới học của cô Phương Huệ) với các ma mới như tui đâu! Thành ra kyqua khỏi cần xác định làm chi, tui cũng biết rồi!

Thôi, cám ơn kyqua một lần nữa nghe.

Nhớ viết thêm vài câu bằng tiếng Miên nữa nghe!

Cheeeeeeeers,
NV Hà



ong map wrote on 02. Oct 2010 , 18:57:
Anh Hà thân mến!
Doc lai những dòng chữ môc mac của anh viết về g/d quê hương, xứ sở va cuôc chiến tranh khốc liêt ở VN, tôi thấy cả môt vùng trời kỉ niêm âp vệ Nhà tôi cũng ở Gò Vấp, Gần chơ Gò Vấp, Năm 1968, tôi chỉ mới 8 tuổi thôi, nhưng cũng nhớ rất rỏ là lúc VC pháo kích vao Sài Gòn, dân chúng chay tứ tán Tôi nhớ lúc dó, chi dâu ho của tôi da gánh tôi va em của chi ấy trong 2 cái thúng và cả g/d tôi dã chay vào sở của ba tôi là Nha Hàng Không Dân sư cũ, bởi vì nhỏ quá nên tôi không nhớ d/d dó nằm chỗ nào Tôi nhớ má tôi dã nấu môt nồi cơm thât to, va cả dai gia dình tôi dã ăn cơm với dồ hôp Mỹ, với dưa muối Ở dó it bữa, khi het phao kich, g/d tôi mới quay lai nhà cũ
Tôi cũng giống như anh, khi tôi rời g/d năm 1989 dể di vươt biên cũng là lần cuối cùng tôi dươc thấy ba tội Lúc chúng tôi còn dang ở bên dảo, thi ba tôi dã qua dòi tai Vn. Từ dó chúng tôi dã không còn có thể găp măt ông dươc nữa Doc những bài viết của anh rất là hay, nó dã gói ghém phần nào những suy nghĩ cua tôi về quê hương VN, về dân tôc của mịnh Biết dến bao giò người Vn của mình mói dược cơm no áo ấm thât sự
Ong Mâp


Chào Ong Mâp,

Cám ơn OM đã viết vài câu chia sẽ những kỷ niệm riêng trong những ngày Tết Mậu Thân ở Gò Vấp! Những kỷ niệm này rất quí báo và cảm động! Theo tôi nghĩ, nhiều khi cuộc đời mình trải qua những ngày tháng chiến tranh khói lữa như vậy mà cũng là chuyện hay. Vì nó hun đúc cho đời sống người VN, làm cho cuộc đời mình có nhiều ý nghĩa hơn!  (Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay!)

Tôi đồng ý với OM và các bạn khác là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ của mình bao giờ cũng là trên hết!

(You can choose your friends. You can choose your partners. You can choose your bosses. You can choose your teachers. BUT YOU CAN NEVER CHOOSE YOUR PARENTS!)

Cám ơn OM lần nữa nghe!

Cheeeeeeeers,
NV Hà
Back to top
 
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra