Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Một Thoáng Hương Xưa: Truyện Ngắn NV Hà: Bụi Chuối Sau Hè  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Một Thoáng Hương Xưa: Truyện Ngắn NV Hà: Bụi Chuối Sau Hè (Read 563 times)
Nguyen Van Ha
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2011*

Posts: 1101
Một Thoáng Hương Xưa: Truyện Ngắn NV Hà: Bụi Chuối Sau Hè
07. Nov 2010 , 06:17
 
Mỡ Đầu:

Tôi viết truyện ngắn này mặc dù có dựa vào cuộc đời của người bạn thân, nhưng phần lớn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu chi tiết có trùng hợp với cá nhân ai ngoài ý muốn của tác giả, tác giả xin được niệm tình tha thứ!

Ngoài ra, trong truyện này tác giả có dùng loại văn "tả chân" trong vài đoạn, nếu loại văn này không thích hợp với bạn, xin quí đọc giả "đọc lướt" qua để khỏi bị phiền lòng!

Hy vọng quí đọc giả sẽ tiếp nhận truyện mới này!
Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Văn Hà


Bụi Chuối Sau Hè


Phần 1


Năng ngồi chăm chú học trong phòng khách. Đã 3 giờ chiều rồi mà nắng hè vẫn còn chiếu chang chang trên mái nhà tôn làm cả nhà nóng hừng như thiêu đốt! Bỗng Năng nghe tiếng xe lam chở khách của ba Năng đang chạy vào sân nhà. Năng ngạc nhiên, không biết tại sao giờ này chỉ mới 3 giờ mà ba đã về! Năng gấp sách lại rồi vội vã chạy ra cổng đón hỏi ba:

-Ủa sao bửa nay ba về sớm quá vậy ba? Bộ ế khách quá hả ba?

Bác Kiêng, ba Năng, lấy khăn lau trán đầy mồ hôi nhuể nhoại rồi lắc đầu trả lời:

- Không phải vậy con, trưa này không biết phải bị trúng gió hông mà ba thấy trong người bần thần khó chịu quá! Chắc ba bị nóng lạnh! Ba phải bỏ mối chở khách đi Thủ Đức để về nhà sớm, bà con họ cự nự quá, nhưng ba biết làm sao bây giờ!

- Thôi để con đậu xe lam vô cho, ba vô nhà năm nghỉ đi rồi con kêu con Thảo cạo gió cho ba!

Nói rồi Năng dìu bác Kiêng vào nhà, để bác nằm xuống bộ ván trong phòng khách, chạy ra sau bếp kêu Thảo, em gái Năng, lấy dầu Nhị Thiên Đường cạo gió cho bác rồi lại chạy ra cổng lái chiếc xe lam vào trong sân nhà.

Thảo kéo áo bác Kiêng lên, xoa dầu lên tấm lưng căn cỗi của người cha già, cầm đồng bạc cắc “khều” nhẹ lên lưng bác Kiêng mà tay cứ ngập ngừng không dám cạo mạnh.

Năng đậu xe xong, chạy vào nhà thấy Thảo cạo gió "amateur" quá, xua Thảo qua một bên:

- Cạo gió kiểu như mày thì biết chừng nào mới giải gió cho ba! Thôi để tao làm cho, mày vô bếp rót cho ba ly trà nóng rồi lấy cho ba 2 viên panadol cho ba uống để ổng hạ nhiệt!

Thảo "nguýt" Năng một cái rồi hậm hực bỏ vào bếp:

- Anh hai cái gì cũng chê em hết, bộ tưởng mình bác sĩ không bằng!

Năng không trả lời, cười khẻ, ngẩm nghĩ một mình "Ờ thì sau này ta sẽ thành bác sĩ, cưng cứ kiên nhẫn chờ sẽ thấy!", rồi chăm chú cạo gió tiếp cho bác Kiêng.

Một lát sau, Thảo trở ra, một tay cầm ly nước trà, một tay cầm hai viên thuốc, trố to mắt nhìn lưng bác Kiêng đầy vết cào đỏ như những lằn roi rướm máu. Thảo thốt lên:

- Trời ơi anh hai cạo gì mà ghê quá vậy anh hai! Ba rát không ba?

Bác Kiêng vừa rên hù hụ vừa trả lời:

- Ờ cũng hơi rát nhưng mà phải mạnh tay như anh hai con như vậy mới có hiệu quả đó con!
Rồi hai anh em Năng nâng bác Kiêng lên để bác uống thuốc. Bác sực nhớ ra:

- Ba xém quên mất! Năng, con lái xe lam ra chợ Bà Chiểu chở má con về. Để không thôi má con bán xong rồi bả cứ ngồi ở ngoải chờ ba miết mà không biết chuyện gì xảy ra!

Năng "dạ" xong đứng dậy, mặc vội áo sơ mi rồi ra sân leo lên chiếc xe lam ba bánh, trực chỉ ra chợ Bà Chiểu.

Bây giờ cũng gần 4 giờ chiều nên ánh nắng mặt trời bắt đầu dịu xuống.Gió từ nhánh sông Bến Cát phía trước thổi đến làm không khí bớt oi bức hơn. Vừa lái xe Năng vừa lo lắng cho bác Kiêng, không hiểu sao dạo này sức khỏe của ba bất thường quá, cứ hay bị "trúng gió", ho cảm hoài!

Năng năm nay tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng đã theo bác Kiêng học nghề lái xe lam chở khách từ hồi Năng vừa 13 tuổi. Lên 15 tuổi là Năng đã đủ kinh nghiệm tự lái xe đưa rước khách một mình, không cần bác Kiêng ngồi bên cạnh! Gia đình Năng là một gia đình lao động. Bác Kiêng, ba Năng kiếm kế sinh nhai bằng nghề lái xe lam đưa đón khách trong chuyến đường Bà Chiểu - Thủ Đức đã nhiều năm nay rồi. Có chiếc xe lam cũng tiện vì ngày hai buổi, sáng sớm ba Năng chở má Năng và mấy hàng thúng chè xôi ra chợ Bà Chiểu bán. Buổi chiều, trên đường đưa khách từ Thủ Đức về, ổng lại ghé chợ đón má Năng về nhà. Lúc Năng và Thảo còn nhỏ, bác Kiêng lại chở luôn cả hai anh em Năng đi học ở trường Hồ Ngọc Cẩn và Lê Văn Duyệt gần chợ. Mấy năm nay, Thảo nhất định chỉ đi học bằng xe đạp chứ không chịu ngồi xe lam nữa, lấy cớ là phải đi đến nhà bạn học thêm, nên phải có xe đạp mới tiện. Bác Kiêng gái cứ mắng Thảo hoài "Cha mày làm nghề lái xe lam chứ bộ đi ăn cướp sao mà mắc cỡ không dám ngồi xe lam của tía! Coi anh hai mày kìa, nó còn lái đưa rước khách luôn mà nó có thấy quê mùa gì đâu!"  Nhưng bác Kiêng thương đứa con gái út, ráng tần tiện sắm cho Thảo chiếc xe đạp để Thảo đi học như ý muốn. Vả lại bác cũng ngại cho con gái mình, bây giờ lớn rồi, không chừng nó cũng xấu hổ với bạn bè vì có ngưòi cha làm nghề lái xe lam như cha nó!

Bác Kiêng cũng thương Năng lắm. Năng chịu khó theo làm "lơ xe" cho bác từ lúc nhỏ. Bác chỉ gì Năng cũng học nấy, từ cách lái xe đến cách thu tiền, thối tiền, cách treo hàng hóa lỉnh kỉnh của mấy bà bán hàng rong lên thành xe. Ngay cả đến cách sửa chửa, bảo trì máy móc cho xe, Năng bây giờ đều rành hết. Mấy năm trước, đến kỳ bải trường là Năng lái phụ cho bác cả ngày để bác có dịp về quê ở Cái Thia Cái Bè thăm ông nội Năng. Ngay cả trong lúc tựu trường, những lúc bác bệnh, Năng cũng thường nghỉ học vài ngày để lái thế cho bác.

Những ngày đầu lúc mới lái xe chở khách một mình, Năng cũng thấy hơi ngượng nghịu. Đám bạn học nhà ở dọc theo con lộ Bà Chiểu Thủ Đức khá đông nên lúc lái xe lam, Năng cứ gặp tụi nó hoài! Nhưng vì là con trai với nhau nên bạn bè đứa nào cũng vui vẽ tự nhiên nên Năng không ngại ngùng khi gặp chúng đón xe Năng nữa. Vả lại tuy là đứa học trò con nhà lao động nghèo nhất lớp, Năng lại rất thông minh! Từ lúc bắt đầu Đệ Thất cho đến Đệ Nhất năm nay, năm nào Năng cũng học đứng đầu lớp! Không những ba má Năng thấy hãnh diện mà bạn bè trong lớp đứa nào cũng khâm phục Năng.

Trong trường có cô Tâm dạy Lý Hóa, một cô giáo nỗi tiếng rất khó tính với học trò. Năm ngoái có lần cô Tâm ra một bài trắc nghiệm quan trọng trong lớp. Khi điểm danh không thấy mặt Năng, cô giận lắm tưởng Năng cúp cua nên cho Năng điểm zero! Chiều hôm đó lúc tan học, cô đón xe lam từ Bà Chiểu về Thủ Đức, tình cờ cô thấy Năng đang lái xe chờ khách ở bến xe. Vừa thấy cô, Năng ngượng quá, định rồ máy bỏ chạy thì cô vẫy Năng lại bảo cứ chở cô như mọi hành khách khác. Lúc xuống xe, cô trả tiền xe mà Năng không dám lấy, nhưng cô gần như ra lệnh bắt Năng phải lấy tiền xe của cô như mọi hành khách khác! Hôm sau, lúc tan lớp, cô nhờ thầy giám thị gọi Năng lên văn phòng giáo sư để cô nói chuyện.

Gặp Năng, cô hỏi "Em làm nghề lái xe lam lâu chưa?"

Năng riu ríu trả lời "Dạ, thưa cô, cũng được mấy năm nay rồi cô" Rồi Năng nói tiếp: "Dạ tại hôm qua ba em bịnh, em phải lái xe thế ba em, nên em không vô lớp được, em xin lỗi cô!"
Cô Tâm vội vàng lên tiếng: "Không không, cô xin lỗi em thì đúng hơn, vì cô không biết rõ tình trạng khó khăn của của gia đình em nên hôm trước cô phán đoán em không đúng! Bây giờ cô muốn em ngồi nán lại để làm bài thi trắc nghiệm hôm trước cho xong để cô chấm."
Năng mừng lắm vì có dịp làm bài thi để khỏi bị zero. Năng thấy cô giáo ngồi đối diện, thỉnh thoảng nhìn Năng mà mắt cô rưng rưng nước mắt! Sau hôm đó, cả trường đều ngạc nhiên khi thấy cô Tâm dễ dãi và gần gũi với học trò hơn trước nhiều!


Đang suy nghĩ vẫn vơ trong lúc lái xe, Năng bỗng nghe tiếng xe mình nổ "xịch xịch" rồi thình lình tắt máy luôn ngay giữa đường! Năng hậm hực một mình:  "Chết cha rồi, má đang ngồi chờ ở ngoài chợ mà xe hư giữa đường như vầy làm sao đón bả về kịp đây!"

Năng cố gắng "đề" máy lại nhiều lần nhưng chiếc xe vẫn nằm vạ, không chịu nhút nhích!
Đường trong hẻm chật hẹp nên xe lam của Năng choáng gần hết mặt đường làm cản trở sự lưu thông của mọi người. Các xe gắn máy và xe lam khác bị chận đường cứ bóp còi in ỏi!

Năng giơ tay ra dấu xin lỗi mọi người rồi hì hục đẩy chiếc xe lam hư máy vào trong lề đường, gần phía bờ sông để khỏi cản trở lưu thông. Khi đẩy xe đến bờ sông, Năng mỡ máy ra định tháo "bu gi" để canh lữa thì thấy máy xe vẫn còn nóng quá nên Năng đành phải ngồi chờ  một lát cho máy nguội rồi sẽ tính chuyện sửa sau!.

Năng thả bộ về hướng đầu cầu rồi ngồi xuống dưới mái chân cầu trú nắng. Lục bình trôi phăng phăng giữa giòng. Xa xa có vài con bìm bịp bơi ngược giòng rĩa cá. Năm đã sống ở ngoại ô Hàng Xanh từ thuở nhỏ, đi lại trên cầu này mỗi ngày mà chưa bao giờ có dịp ngắm cảnh sông từ dưới chân cầu bao giờ. Năng táy máy cúi xuống bờ sông lấy tay hứng nước sông hất lên đầu lên mặt cho mát người. Khi Năng ngẫn đầu lên, Năng chợt nghe một tiếng nhạc Pháp loáng thoáng từ bên kia bờ sông. Năng chăm chú nghe kỹ, hình như đó là tiếng ca của Francoise Hardy trong bài "Tous les garçons et les filles" đang mới bắt đầu thịnh hành ở Sài Gòn từ mấy tháng nay! Năng lấy làm ngạc nhiên vì ở xóm bình dân lao động Hàng Xanh này, người ta thường mỡ nhạc Việt Nam hay vọng cổ chứ có mấy ai nghe nhạc Pháp!

Nhìn xuyên qua những giọt nước sông đang chảy lấm tấm từ trên đầu tóc xuống mặt, Năng để ý nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ một căn nhà ở dưới chân cầu bên kia sông. Năng đã thấy căn nhà này khi lái xe trên cầu bao nhiêu năm nay rồi, nhưng đây là lần đầu tiên Năng có dịp chiêm ngưỡng nét đẹp của nó khi nhìn từ bờ sông dưới chân cầu . Căn nhà nằm cạnh bờ sông, in bóng trên dòng nước lững lờ dọc theo hàng dừa xiêm oằn trái. Kiến trúc đặc tính cổ truyền nên thơ với mái ngói đỏ, tường gạch quét vôi trắng, phía trước có hàng dậu nhỏ, ngang hông có vài cây cau, phía sau hè có vài bụi chuối xanh mát. Và...khi nhìn xuyên qua những tàng lá chuối đong đưa trong sân sau nhà, Năng bàng hoàng khi thấy một cô gái có dáng dấp thật thanh tú, đang ngồi nghiêng đầu hong tóc! Cô gái ngồi quay ngang về phía bờ sông nên Năng không thấy rõ mặt. Nhưng nhìn nghiêng, cô gái có một nét đẹp thật kiêu sa đài các. Cô gái chắc cũng khoảng 18 tuổi như Năng, lông mi cong dài, bờ mũi cao, môi đỏ mộng. Cô gái yên lặng vừa nghe nhạc vừa cầm lược chải bờ tóc đen huyền chấm vai, mắt chăm chú nhìn vào cái gương nhỏ để trên bàn trong sân nhà. Tiếng cassette bên cạnh đang cất lên giọng ca buồn vời vợi của Francoise Hardy từ bụi chuối sau hè:

Tous les garçons et les filles de mon âge
Se promènent dans la rue deux par deux
Tous les garçons et les filles de mon âge
Savent bien ce que c'est qu'être heureux


Gió chiều trên sông như hòa với tiếng nhạc thổi nhẹ lên bờ tóc làm làn tóc cô gái bay lướt thướt trên bờ vai. Chưa bao giờ trong đời Năng được chiêm ngưỡng  hình ảnh một người thiếu nữ ngồi hong tóc nên thơ tuyệt đẹp như thế!

Không lâu sau, hình như có ai trong nhà gọi, cô gái đứng dậy, tắt nhạc cassette rồi hấp tấp bước vào nhà trong, để lại cho Năng một niềm tiếc rẽ khôn nguôi!

Năng cũng vội vã quay lại chiếc xe lam, mỡ hộp đồ nghề dưới băng xe, tháo "bu gi" ra canh lữa rồi không lâu sau làm cho xe nỗ máy trở lại.

Trên đường lái xe ra chợ Bà Chiểu, hình ảnh cô gái ngồi hong tóc ở bờ sông cứ ám ảnh trong tâm trí Năng, bất giác Năng mỉm cười và hát khẻ bài nhạc Pháp "Tous les garçons et les filles" một mình!

Lúc chở mẹ về, bác Kiêng gái để ý sao thấy thằng con trai mình hình như bửa nay có vẻ gì khác lạ! Bác hỏi:

- Năng, bửa nay mắc chứng gì mà cứ ca hát tiếng Tây tiếng U hoài vậy con?

Năng chỉ mỉm cười "dạ dạ" cho qua chuyện!

Bác chưa nói vội, nhưng bác đã định bụng từ lâu là khi nào Năng học hành thi cử xong xuôi, bác sẽ nói chuyện với dì tám, em gái út của bác ở Mỹ Tho, để dì làm mai một cô gái dưới quê cho Năng. Bác cứ nghĩ trên đời nầy không kiếm dâu nào tốt bằng mấy đứa con gái dưới quê. Tụi nó vừa xinh xắn, hiền lành vừa chịu khó làm ăn, chắc chắn sẽ thích hợp với Năng và gia đình bác!

Mấy hôm sau, bác Kiêng trai khỏe và đi làm trở lại, mặc dù Năng cứ cản, bảo bác để Năng lái thế cho. Bác Kiêng nhất định không chịu vì muốn Năng tập trung tinh thần vào việc học thi Tú Tài cuối năm.

Nhưng cả nhà ngạc nhiên thấy lúc này Năng vui vẽ cười giỡn huyên thuyên. Thảo nhận xét là anh hai mình không còn đạo mạo như "ông cụ non" lúc trước!

Ngay cả đến Bác Tư Cò hàng xóm, lúc gặp Năng ở đầu ngỏ cũng thắc mắc:

- Năng, sao độ rày không thấy mày qua nhà tao ca vọng cổ nữa vậy mậy?

Năng, kiếm cớ trả lời cho có lệ:

- Dạ lúc này con bận học thi lu bù quá bác Tư. Chừng nào thi xong con sẽ qua nhà bác tập tiếp nghe bác Tư!

Từ lúc còn nhỏ, tối tối Năng thường nghe tiếng đàn cò vọng cổ của bác Tư văng vẵng từ căn nhà lá của bác ở bờ sông vọng lại. Ban đầu, Năng nghe thấy buồn quá, nhưng sau một thời gian, Năng đâm ra mê tiếng nhạc cổ truyền ấy và chạy qua xin bác Tư dạy. Bác Tư không những dạy Năng chơi đờn cò mà còn tập Năng ca 6 câu vọng cổ. Bác hay nói sau này nếu bác có lập gánh, bác sẽ mời Năng lên làm kép chánh! Rồi bác còn nói "Nếu con gái tao còn sống, tao sẽ cho nó làm đào chánh và gã nó cho mày nữa!" Bác hay cho Năng xem tấm hình vợ con bác chụp 6 năm về trước lúc đứa con gái đầu lòng bác mới vừa lên mười. Mỗi lần nhìn thấy khuông mặt xinh xắn của con gái bác trong hình, mắt bác cứ đỏ hoe, tiếng ca vọng cổ của bác thường hòa với mấy tiếng nất nức nỡ của bác. Tính ra nếu vợ con bác còn sống, giờ này con gái bác chắc cũng vừa 16, bằng tuổi Thảo, em Năng.

Bác Tư Cò ở một mình trong căn nhà lá nhỏ xóm trong, cạnh bờ sông Bến Cát. Bác ở cùng quê với ba Năng thuở thiếu thời. Lúc còn gia đình ở dưới miệt Cái Thia Cái Bè, bác làm rẫy nuôi gia đình một vợ một con. Bác có tài chơi đờn cò rất thiện nghệ nên người làng thường gọi bác là Bác Tư Cò.

Chiến tranh nghiệt ngã đã cướp đi hai người thân yêu nhất đời bác! Vào một đêm trời mưa lớn cách nay khoảng 6 năm về trước, bác phải đi theo ghe chở lúa về Cần Thơ, để lại vợ con một mình trong căn nhà lá ngoài đồng. Đêm đó hai bên lính quốc gia và Việt Cộng đánh nhau thật dữ dội ở Cái Thia Cái Bè. Chẳng may, bom đạn bay lạc vào nhà bác. Căn nhà lá và chiếc giường tre không làm sao che chỡ nỗi cho vợ con bác! Khi bác theo ghe lúa từ Cần Thơ trở về, nhà bác đã cháy thành tro bụi giữa cánh đồng hoang. Bác vừa khóc vừa cào bới đống tro tàn để tìm xác vợ con. Cuối cùng, bác tìm thấy thi thể của vợ bác đã cháy đen nhưng hai tay của vợ bác vẫn còn ôm chặt đứa con gái như muốn bảo vệ cho nó trong những giây phút cuối cùng! Tội nghiệp con nhỏ mất đi mà gương mặt vẫn còn hồn nhiên thanh thản. Hàng xóm phụ bác đào lấp hai ngôi mộ đất gần nhà để chôn vợ con bác. Lúc thấp nhang trước hai ngôi mộ nhỏ, người ta chẳng nghe bác khấn vái Trời Phật về phù hộ cho hương hồn vợ con bác. Ngược lại, bác cầm nhang chỉa lên trời trách móc Trời Đất, rồi vừa khóc vừa chửi thề văng tục đến những người đã cướp đi mạng sống của hai ngưòi thân yêu nhất đời của bác!

Bà con hàng xóm ai cũng ái ngại, khuyên bác ở dưới quê nên ăn nói cẩn thận đề phòng "tai vách mạch rừng" có hại cho bản thân bác. Nhưng bác vỗ ngực quát: "Đ. mẹ thằng nào giỏi tới gặp tao đi! Đ. má tụi nó ỉ có súng rồi muốn giết đàn bà con nít lúc nào thì giết hả? Có giỏi thì tới giết tao nè!"

Bác căm thù chiến tranh, bác oán hận những người cầm súng! Từ ngày mất vợ con, tiếng đàn cò của bác nghe thảm não hơn. Có khi nghe văng vẵng một nỗi buồn ai oán. Có khi nghe thinh nộ như tiếng gào thét của một kiếp người lầm than phẩn nộ!

Vài tháng sau, bác bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, định cư ở xóm lao động Hàng Xanh mấy năm nay. Bác sinh sống bằng nghề đào giếng. Thỉnh thoảng bác kiếm thêm chút đỉnh bằng nghề đàn đám ma. Bác vẫn ôm mộng lập gánh cải lương, nhưng tiền làm ra bao nhiêu bác cứ tiêu hết trong rượu chè. Bác uống rượu như hủ chìm. Bác muốn uống rượu để quên đời, nhưng càng uống hình ảnh vợ con bác lại càng hiện ra trong tâm trí bác rõ ràng hơn, không làm sao quên được. Mà càng nhớ đến vợ con chết thảm thiết trong chiến tranh dưới quê, bác lại càng chửi thề văng tục!

Ba má Năng thương tình cảnh của người đồng hương nên thường sai hai anh em Năng đem cơm qua cho bác Tư. Nhiều đêm có khi nghe hàng xóm báo là bác Tư Cò đang nằm say xỉn ở ngoài lộ hoặc bờ sông, bác Kiêng hoặc Năng thường lái xe lam đến chở bác về nhà. Nhưng ngoài chuyện nhậu nhẹt của bác ra, trong xóm ai cũng mến bác vì bác hiền và hay giúp vui văn nghệ cải lương không công cho lối xóm. Còn con nít thì thích bác đào giếng lấy đất sét để nắn thành những hình nộm vui mắt!

Nhờ làm quen với bác Tư Cò, Năng học đàn ca được nhiều bản vọng cổ rất hay. Có những lúc sinh hoạt văn nghệ trong trường hay ở nhà bạn, Năng vừa ca tân nhạc vừa ca vọng cổ làm ai cũng thích!

...

Vậy mà mấy tuần nay, Năng có vẽ không đoái hoài gì đến nhạc vọng cổ nữa! Lúc bác Tư nhắc, Năng viện cớ phải học thi, nhưng không ai biết được sự thật là lúc này Năng không còn tha thiết với cải lương vọng cổ nữa mà lại đâm ra thích tập tành nhạc Pháp hơn!

Bây giờ những lúc rãnh rỗi, Năng hay đạp xe ra bờ sông rồi chun xuống gầm cầu ngồi, mắt trông ngóng về phía căn nhà ngói đỏ bên kia sông. Chen lẫn qua những tàu lá chuối trong bụi chuối sau hè phía sau căn nhà đó, thỉnh thoảng Năng bắt gặp cô gái có dóc váng ngọc ngà ấy đang ngồi hong tóc hay đọc sách trong vườn, lúc nào cũng có cái cassette bên cạnh văng vẵng những bản nhạc tiếng Pháp. Lúc này, mỗi lần đi ngang phía trước nhà mái đỏ dưới chân cầu, Năng thường để ý xem người con gái hong tóc sau hè là ai. Không lâu sau, Năng cũng thấy cô gái ấy vào ra trước nhà. Khi vừa thấy mặt, Năng lập tức nhận ra ngưòi con gái ấy ngay. Cô gái ấy nhìn nghiêng từ bên kia bờ sông đã đẹp, khi nhìn trực diện lại còn đẹp mê hồn hơn!

Nhiều lần Năng muốn làm quen nhưng không biết phải làm sao! Con Thảo, em Năng thường nói "Anh hai có tật ở nhà thì hay nạt nộ em út, mà ra đường thì nhát như thỏ đế!" Năng nghĩ có lẽ con nhỏ nói đúng. Cô gái "bên bờ sông" này có vẽ như không ngó ngàng gì đến Năng. Hình như cô gái ấy tự kiêu về sắc đẹp của mình và coi chuyện người khác phái ra đường nhìn ngắm, chiêm ngưỡng sắc đẹp của cô ta là một chuyện bình thường!

Năng suy nghĩ nát óc! Năng muốn viết một lá thơ hay làm một bài thơ tỏ tình với người đẹp mà không biết tên họ tông tích của cô nàng ra sao! Cuối cùng Năng quyết định phải cầu cứu với Thảo. Con nhỏ em Năng không biết có hệ thống tình báo thế nào mà chuyện gì từ đầu xóm đến cuối xóm nó cũng biết!

Một buổi trưa chủ nhật lúc ba má không có ở nhà, Năng cất lời vui vẻ hỏi chuyện Thảo:

- Thảo ơi, anh hai có chuyện này muốn nhờ em!

Thảo đang ngồi học, ngạc nhiên khi thấy ông anh mình đổi cách xưng hô ngọt ngào như vậy. Bình thường, mặc dù hai anh em rất thương nhau nhưng mỗi lần mỡ miệng, bao giờ Năng cũng xưng hô "mày tao" với Thảo! Thảo ghét cách xưng hô như vậy lắm nhất là khi có mấy đứa bạn học trong lớp đến nhà chơi. Thảo cứ "méc" với ba má về chuyện này hoài mà Năng cũng chứng nào tật nấy không chịu thay đổi. Nhưng năm khi mười họa, hể mỗi lần Năng đổi sang cách xưng hô "anh em" với Thảo là bao giờ có chuyện, mà thường thường là chuyện mượn tiền! Thảo nhớ 2 năm trước, có lần Năng cũng đến nói chuyện vui vẻ với Thảo, té ra hôm đó Năng muốn mượn tiền Thảo để mua cây đàn mandolin. Bửa đó Thảo phải đập con heo đất mà Thảo đã dành dụm tiền lì xì dịp tết, tiền ăn hàng ba má cho cả năm trời, rồi đưa hết cho Năng. Vậy mà cả 2 năm qua Năng vẫn chưa trả lại đủ cho Thảo! 

Nhớ đến món nợ đó, Thảo vội vã chặn trước:

- Anh hai đừng nói là anh muốn mượn tiền tui nghe. Tiền thiếu 2 năm trước rồi chưa trả đủ mà bây giờ còn muốn mượn thêm nữa! Thôi em hổng cho mượn nữa đâu! Với lại bây giờ em "mậu lúi" rồi!

Năng cười nói:

- Không phải vậy đâu, vả lại chuyện thiếu nợ mày, để từ từ tao trả cho.

- Vậy thì chuyện gì mà anh hai làm có vẻ quan trọng quá vậy?

Năng ngập ngừng:

- Thảo nè, em có biết cô gái khoảng bằng tuổi anh hai, ở trong căn nhà mái ngói đỏ dưới chân cầu xóm trên không?

Thảo trố mắt ngạc nhiên hỏi lại:

- Trời ơi, anh hai cũng biết chị Loan đó nữa hả?

Rồi Thảo nói nhanh tiếp, không kịp để Năng giải thích:

- Anh hai đừng nói là anh hai cũng mê chị Loan đó nghe! Chỉ không hợp với anh hai đâu anh hai ơi!

Năng bực mình:

- Tao chỉ hỏi mày có biết gì về cô đó thôi chứ tao đâu có cần mày phán đoán coi tao có hợp với cô đó không!

Thảo tiu nghĩu rồi nói một hơi:

- Thôi được rồi anh hai ơi, để em nói cho anh hai nghe để anh hai biết mà liệu nha. Chị Loan đó là con nhà giàu. Chỉ học trường Tây Marie Curie, nói tiếng Tây giỏi lắm. Bạn bè của chỉ toàn là dân nhà giàu loại ăn chơi không hà!

Năng nghe Thảo nói trường Tây Marie Curie như phát giát ra được điêu gì: "Hèn chi cô ấy sành nhạc Pháp quá!”

Thảo chợt bàn tiếp:

- Anh hai ơi, chị Loan đó cũng 18 tuổi bằng tuổi anh hai đó! Mà anh hai có biết là con gái bằng tuổi con trai là thường thường trưởng thành hơn con trai 4 tuổi không?

Năng trả lời mai mỉa:

- Ủa mày làm nghề tâm lý gia hồi nào mà tao không biết! Tao bây giờ 18, mày 16, tao lớn hơn mày 2 tuổi, nhưng tính theo lý thuyết tâm lý của mày thì tao lại nhỏ hơn mày 2 tuổi, phải không "chị ba"?

Nhưng vừa nói xong Năng lại giựt mình nghĩ thầm: "Hổng chừng con nhỏ nói đúng: Hồi bằng tuổi nó, ra đường mình đâu biết nói năng xử sự gì đâu, vậy mà con nhỏ này nhỏ hơn mình 2 tuổi mà cái gì nó cũng biết! Chuyện gì nó cũng "quân sư" cố vấn cho mình được hết!"

Trong lúc Năng đang suy nghĩ, Thảo phân trần:

- Anh hai à, em nói như vậy để anh hai cẩn thận đó anh hai. Có thể anh hai không rành chứ con gái xóm mình đứa nào cũng biết chuyện của người khác hết, nhất là chuyện của con gái khác trong xóm! Chị Loan đó có nhiều bạn trai lắm đó anh hai. Người ta nói chỉ đổi bồ như đổi áo! Bởi vậy em sợ anh hai mà vô tròng của chỉ là không tốt đâu!

Rồi Thảo đề nghị:

- Anh hai, để em giới thiệu mấy con nhỏ bạn em cho anh hai. Tụi nó trẻ hơn chị Loan đó, con nhà lành, nhiều đứa đẹp không thua gì chị Loan đó đâu!

Năng nghe Thảo nói vội vã xua tay:

- Thôi thôi, cho tao xin. Hết má muốn gã tao cho mấy cô gái dưới quê, rồi lại đến mày muốn làm mai cho tao với bạn gái mày nữa! Tụi bây con nít quá không hợp với tao đâu!

Nghe Thảo "xí" một cái, Năng cười xuống nước, rút trong túi ra một phong bì thơ:

- Nè Thảo à! Em giúp giùm anh hai đưa cái thơ này cho Loan nghe cưng. Chừng nào anh hai đi làm anh hai sẽ đền cưng gấp cả 100 lần con heo đất năm ngoái của cưng!

Thảo ngao ngán trả lời:

- Thôi được rồi, để em giúp anh hai, nhưng mà có chuyện gì sau này thì đừng có trách người ta nghe hôn!

Thảo lại bóp trán suy nghĩ:

- Để coi, em có quen con nhỏ em út của chị Loan đó. Nó cũng học ở Lê Văn Duyệt dưới em mấy lớp. Để ngày mai vô trường em sẽ đưa thơ này cho nó rồi nhờ nó trao lại cho chị Loan. Chứ còn em...

Thảo yên lặng một lúc rồi nói tiếp:

-  Chứ còn em không đời nào em đi gặp chị Loan đó đâu. Tại vì...tại vì nếu con Nhã bạn thân em mà biết em làm chuyện này qua mặt nó, chắc nó sẽ buồn lắm, nó sẽ không thèm chơi với em nữa đâu!

Năng mỉm cười, không biết Thảo có ý gì, nhưng coi mòi thấy câu chuyện có vẻ rắc rối, không muốn hỏi tiếp, sợ Thảo sẽ thay đổi ý kiến việc chuyển thơ cho Loan!

Năng chỉ cám ơn Thảo, vì ít nhất bây giờ Năng biết được tên của người con gái ấy! Rồi Năng hớn hỡ cầm sách luyện thi, đạp xe ra bờ sông, vừa ngồi học vừa ngắm cảnh giòng sông và... cảnh bụi chuối sau hè của căn nhà mái đỏ dưới chân cầu bên kia sông!

Hết Phần 1
(Xin đọc giả chịu khó chờ xem Phần 2 trong nay mai!)
Thân mến!
Nguyễn Văn Hà

Back to top
« Last Edit: 07. Nov 2010 , 07:36 by Nguyen Van Ha »  
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra