Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Trịnh Công Sơn đã có khi nào nhìn vào tấm gương soi?  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Trịnh Công Sơn đã có khi nào nhìn vào tấm gương soi? (Read 471 times)
Hummingbird
YaBB Newbies
*
Offline



Posts: 8
Trịnh Công Sơn đã có khi nào nhìn vào tấm gương soi?
17. Apr 2011 , 16:46
 
Trịnh Công Sơn đã có khi nào nhìn vào tấm  gương soi?
Hoàng Ngọc-Tuấn
 
 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rất nhiều ca khúc, trong số đó có những bài rất hay, và tôi vẫn thích hát những bài ấy.

Nhưng tôi muốn phát bệnh khi thấy một số người loay hoay tìm cách tô vẽ, thổi phồng Trịnh Công Sơn thành một cái gì to lớn quá cỡ so với con người thật của ông ta, đặc biệt trong những chiến dịch rầm rộ diễn ra ở Việt Nam kể từ ngày ông ta qua đời.

Trong số những người ưa thổi phồng Trịnh Công Sơn, hiển nhiên có những kẻ mang ý đồ chính trị, có những kẻ mang ý đồ thương mại, và cũng có những kẻ suốt đời vẫn chưa thoát khỏi cái tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên.

Nhiều công trình nghiên cứu tâm lý thiếu niên cho thấy rằng phần lớn trẻ vị thành niên cần có một thần tượng để tôn sùng, để gán tất cả những thứ phẩm tính tuyệt vời cho thần tượng đó. Thông thường, thần tượng của giới trẻ là những ngôi sao âm nhạc, ngôi sao điện ảnh... Ở phương Tây, “thần tượng” của giới trẻ là những Elvis Presley, The Beatles, Michael Jackson, v.v.

Khi bắt đầu trưởng thành, người ta không còn có thần tượng nữa, mà bắt đầu biết nhận định và đánh giá một cách tỉnh táo. Nhưng, rất tiếc, dường như vì một nguyên nhân, một điều kiện văn hoá xã hội nào đó, rất nhiều người Việt Nam ngoài ba mươi tuổi vẫn tiếp tục mang cái tâm lý của tuổi thiếu niên, vẫn khao khát bám theo một thần tượng nào đó để tìm chỗ dựa.

Bên cạnh những kẻ có ý đồ chính trị hoặc/và thương mại, thì những kẻ mang tâm lý thiếu niên luôn luôn ra sức thổi phồng “thần tượng”. Họ sẵn sàng liều mạng bênh vực, bào chữa, cho “thần tượng” của họ bất cứ khi nào có ai lên tiếng phê phán hay chê trách “thần tượng” của họ.

Trong trường hợp “thần tượng” Trịnh Công Sơn, ngay sau khi ông ta qua đời, các tín đồ của ông ta đã đem hết những mỹ từ trong sách vở ra, rồi còn bịa thêm vô số huyền thoại để thổi phồng ông ta đến mức tối đa.

Cho đến khi gặp phải những lời phê phán thẳng thắn có chứng cứ, có sức thuyết phục, thì các tín đồ loay hoay chống chế và tìm cách đánh lạc hướng vấn đề. Chẳng hạn, khi Trịnh Công Sơn bị chê trách về thái độ a dua chính trị, thì các tín đồ của ông ta kêu rêu lên rằng “Xin đừng đòi hỏi Trịnh Công Sơn làm anh hùng!”

Kỳ thực, trong số những người phê phán Trịnh Công Sơn, chẳng có ai đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải làm anh hùng. Người ta chỉ muốn thấy Trịnh Công Sơn sống như một nhạc sĩ, và hậu thế nên xem ông ta như một nhạc sĩ, chứ đừng ráng thổi phồng ông ta thành một cái gì to hơn là một nhạc sĩ.

Chẳng có ai đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải đứng lên chống lại cái chế độ đó. Người ta chỉ mong ông giữ im lặng như bao nhiêu văn nghệ sĩ miền Nam đã giữ im lặng và đồng thời giữ phẩm giá của họ.

Trịnh Công Sơn có thể ngây thơ tin vào chế độ, nhưng ông ta phải biết giữ phẩm giá. Rất nhiều người đã suốt đời sống và làm việc trong lòng một chế độ tồi tệ, nhưng họ vẫn giữ được phẩm giá của họ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng tự hạ phẩm giá của mình để nói giống y như cái miệng lưỡi ghê tởm của chế độ. Ví dụ: trưa ngày 30/4/1975, ông ta đã nói “Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.” [1] Một lời tuyên bố như thế thì hoàn toàn ăn ý với chiến dịch tuyên truyền chống vượt biên của chế độ Cộng Sản Việt Nam từ sau 30/4/1975 cho đến cuối những năm 1980, với thành quả là hàng trăm ngàn người đã bị bắt giam và bị kết tội “vượt biên trốn ra nước ngoài, phản bội tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, trong số đó có rất nhiều người đã chết trong các trại “cải tạo”.

Tôi không thể tưởng tượng nổi một con người nghệ sĩ “có tâm hồn lớn” mà, ngay trong ngày miền Nam sụp đổ, lại có thể công khai kết án hàng triệu đồng bào khốn khổ của chính mình bằng những lời như vậy[2] — những lời mà chính các loa sắt của chế độ, từ cuối những năm 80 cho đến nay, cũng không còn dám thốt ra nữa.

Petr Jarchovsky, nhà viết kịch bản điện ảnh ở nước Tiệp, người đã từng sống và làm việc dưới chế độ Cộng Sản Tiệp, đã nói một câu đầy ý nghĩa, có thể áp dụng cho trường hợp Trịnh Công Sơn:

“We all knew how evil the system was, but we all had to make our pact with it. In a sense it wasn’t about being part of the system or not. Most were. It was about not becoming an asshole. It was, ‘Can I still bear seeing myself in the mirror?’”

[Chúng ta đều biết cái chế độ ấy tàn ác xấu xa như thế nào, nhưng tất cả chúng ta đã phải dính dấp với nó. Trong một ý nghĩa nào đó, vấn đề không phải là có trở thành một phần tử của chế độ hay là không. Hầu hết đã là thế rồi. Vấn đề ở đây là đừng trở thành một cái lỗ đít. Nghĩa là phải tự hỏi, “Tôi có còn chịu đựng nổi khi nhìn mặt mình trong gương hay không?”][3]
 
_________________________
[1]Xin nghe băng ghi âm “Lời phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đài Sài Gòn trưa ngày 30.4.1975”, Bùi Văn Phú, Da Màu (01.04.2011).

[2]Trong bài phỏng vấn “Trịnh Vĩnh Trinh: người trông coi di sản Trịnh Công Sơn”, Trịnh Vĩnh Trinh xác nhận rằng các em của Trịnh Công Sơn cũng đã bỏ nước ra đi sau 30/4/1975, nhưng Trịnh Công Sơn không hề phê phán họ.

Trịnh Vĩnh Trinh cho biết: “Mỗi người em anh Sơn đều có gia đình và hoàn cảnh riêng. Anh tôn trọng quyết định riêng của mỗi gia đình các em anh.” Trịnh Công Sơn tôn trọng quyết định riêng của mỗi gia đình các em của ông ta, nhưng hàng triệu người Việt Nam đã ra đi cũng đều có gia đình và hoàn cảnh riêng của họ, vậy TẠI SAO TRỊNH CÔNG SƠN CHỈ TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH RIÊNG CỦA MỖI GIA ĐÌNH CÁC EM CỦA ÔNG TA, MÀ KHÔNG TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH RIÊNG CỦA HÀNG TRIỆU NGƯỜI VIỆT NAM KHÁC? Tại sao các em của Trịnh Công Sơn ra đi thì vẫn “yêu nước”, nhưng hàng triệu người Việt Nam khác ra đi thì đều là những kẻ “phản bội đất nước?”

[3]Xem bài “Staring Into the Past” của Jan Stojaspal, Time (18.05.2003).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ngợi ca và khoả lấp - Tuấn Khanh - TienVe.org
 
Ào ạt như những cơn sóng thần và động đất, người Việt Nam cũng vừa tiếp nhận một khối lượng khổng lồ đến ngộp thở về sự sùng kính và ngợi ca nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của ông, 1 tháng 4.
Mọi thứ về người nhạc sĩ hiền lành và thơ mộng này đang trở thành một kho vàng cho những khai thác mang lại sự kiện và lợi nhuận, nhân danh lòng thương mến hay đức phục vụ công chúng, bất chấp bản tính khi còn sinh thời của ông là một người thích tế nhị và kín đáo. Và chắc chỉ không riêng năm nay, mà nhiều năm nữa, những chi tiết, những điều riêng tư của ông sẽ còn được phơi bày đến tận cùng.
Người ta nhìn thấy nó như một điều không cưỡng lại được, dài hơi và thu hút, từ những con người tự xưng mình là rành rẽ cho đến nghiên cứu, từ những tờ báo có tiếng chuẩn mực cho đến những bản tin tầm phào. Dĩ nhiên, có thể không loại trừ với sự thoả hiệp của ai đó trong số những người thân của ông Trịnh Công Sơn.
Cuộc đào bới đó, chưa thấy có chặng dừng, dù tiếng dao kéo và búa chày đã cùn mòn và hỗn mang.
Nhưng ngay cả trong cái vẻ của sự diễn đạt lần hồi cạn kiệt đó, trải qua nhiều năm tháng, những người yêu và biết về một Trịnh Công Sơn có thật, vẫn không hiểu sao người ta đang cố bỏ quên những phần rất quan trọng về cuộc đời người nhạc sĩ này.
Người ta không nói rõ đến giá trị lớn nhất của Trịnh Công Sơn, rực rỡ và xứng đáng nhất vẫn là tập Ca khúc Da Vàng, nói về cuộc chiến 30 năm như là một cuộc nội chiến anh em, không có kẻ chiến thắng mà chỉ có thân phận con người trĩu đau. Chính vì điều này, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông gặp nhiều khó khăn, và sau năm 1975, ông cũng phải đi học tập cải tạo – không rõ trong bao lâu.
Người ta cũng không nói về chuyện ước ao đến khi nhắm mắt của Trịnh Công Sơn về việc xin được tái bản bộ Ca Khúc Da Vàng nhưng thất bại, từ thời của ông bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn kéo dài đến bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Lời hứa sẽ xem xét và duyệt chính thức cho phép vẫn treo lơ lửng ở đó. Quan điểm hát về nỗi đau của một dân tộc mà không chọn lựa mình đứng về một phía nào đã là viên sỏi khó chịu trong chiếc giày tư tưởng của nhiều quan chức Việt Nam cho đến hôm nay.
Người ta không nói về Trịnh Công Sơn với những sự mòn mỏi và thậm chí vô nghĩa qua nhiều bài hát để ca ngợi thủy điện Trị An, ca ngợi Saigon 20 năm sau ngày thống nhất... v.v. Một giai đoạn mà nhiều bài bình luận đã tạm gọi đó phần đời “sáng tác để tồn tại” của người nhạc sĩ lừng danh này. Dường như mọi người cố tình né tránh việc nhìn thấy rõ rằng những năm tháng sáng tác thiếu sự tự do tuyệt đối và tính trung dung thế sự của ông, đã khiến hiện tại lúc ông còn sống thiếu sự rực sáng hơn những gì trong quá sứ son trẻ của đời ông, thậm chí vào lúc cuộc sống mong manh giữa lằn đạn.
Những cuộc lắp ghép tên tuổi của Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, rồi có thể đến Joan Baez... sẽ chẳng có giá trị gì nếu phần lịch sử Ca Khúc Da Vàng – vốn gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc – không được nói rõ, làm rõ và nhìn nhận minh bạch với tư duy tử tế nhất.
Phần quá khứ gằn liền với quê hương đầy bom đạn và thân phận của một kẻ sĩ chọn lựa cuộc đời là lẽ sống tự do, trung dung, nếu không được nói đến, ai sẽ hiểu cho ông rằng ông mãi mãi là kẻ cô đơn của bất kỳ hệ thống chính trị nào, dù là trong hay ngoài nước của người Việt. Chắc chắn, nỗi cô đơn đó đáng kính trọng và chia sẻ hơn là những câu chuyện tình được phanh phui mỗi ngày trên báo chí.
Cuộc đời của Trịnh Công Sơn toả sáng khi hát về bi kịch của một dân tộc, và nếu trân trọng một giá trị, có lẽ cần nên trả lại và nói đủ về ông một cách hoàn chỉnh. Hơn là cứ mãi nhảy múa và ngợi ca giả dối chung quanh sự thật. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản là một người viết tình ca thâm thuý, những cơn sóng thần ngợi ca như hiện nay lại là một điều lố lăng.
Không ai có thể phủ nhận Trịnh Công Sơn là một người tài năng. Nhưng chỉ có tài năng mà thôi, thì đặt tên một con đường cho riêng Trịnh Công Sơn sẽ bất thường, nếu như không có những con đường Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang hay Phạm Duy.
Và đột nhiên, thiếu sự thật, người ta dễ nhìn thấy những ầm ĩ chung quanh đời Trịnh Công Sơn khiến ông được yêu mến, chỉ là son phấn. Và thậm chí kéo theo một lớp người luôn tung hô và nghe nhạc như là một phong trào muốn chứng tỏ mình là sành điệu và trí thức. Vào mỗi dịp tưởng nhớ về ông, người ta nhìn thấy đúng là có những tấm lòng, nhưng cũng có vô số những tiếng leng keng rao bán sự rỗng tuếch của mình như kiểu tung hê nhạc Trịnh là thiền ca, triết ca… khoả lấp đi những gì thật sự đẹp nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn.
Nghệ sĩ Việt Nam, có vô số những cuộc đời như vậy, gắn liền với chìm nổi của dân tộc, và nếu chỉ nói được một phần, hoặc ồn ào khoả lấp, là giả dối và phi nhân.


Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
bao nhiêu năm cộng sản đọa đầy
gia tài của mẹ, để lại cho ai
gia tài của mẹ, là nước Việt này?

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
bao nhiêu năm cộng sản đọa đầy
gia tài của mẹ, một rừng tham quan
gia tài của mẹ, một cái nhà mồ

Dậy cho dân tiếng nói lọc lừa
cùng mong dân chόng quên màu da
dân chόng quên màu da, nước Việt xưa
cùng mong Trung hoa mau bước vào nhà
cùng mong dân lũ dân nghèo ngu
ôi lũ dân nghèo ngu, quên giặc thù

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
bao nhiêu năm cộng sản đọa đầy
gia tài của mẹ, ruộng thành sân gôn
gia tài của mẹ, làng xόm bùi ngùi

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
bao nhiêu năm cộng sản đoạ đầy
gia tài của mẹ, một bọn buôn dân
gia tài của mẹ, một lũ cộng thù.
Back to top
 
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra