Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 2 3 4 5 6 
Send Topic In ra
TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG (Read 11832 times)
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #45 - 06. Jan 2015 , 16:09
 
NgocDoa wrote on 12. May 2014 , 13:24:
"EM GẮNG CHỜ"


Huỳnh Anh là một nghệ sỹ đa tài không thua kém gì đồng nghiệp Văn Phụng mà tôi đã giới thiệu trong một bài kỳ trước. Ông còn là một nhạc công giỏi, chơi được nhiều loại nhạc cụ như dương cầm, guitar, thổi kèn và xuất sắc nhất là môn đánh trống, nổi tiếng trong các phòng trà và vũ trường tại Sài gòn năm xưa. Có một điều thú vị là Văn Phụng hơn tôi một tuổi, Huỳnh Anh lại kém tôi một tuổi, và cả hai ông đều đã rủ nhau về miền tiên cảnh hết rồi. Riêng tôi vì là người...bình thường, chỉ có tài mọn là viết chuyện tếu và choc ghẹo tha nhân nên Thượng đế thương, cho ở lại thêm một thời gian nữa để vui vẻ với mọi người.

Tiện đây tôi có một nhận xét lẩm cẩm như sau: Ở cõi nhân gian đầy Tham Sân Si này, nếu là phái nữ, theo ý tôi chỉ nên có một dung nhan vừa phải, ưa nhìn nhưng đừng sắc sảo lộ liễu quá thì dễ được yên thân, đỡ bị thiên hạ lườm nguýt chĩa mũi dùi vào. Còn nếu là phái nam thì chớ nên đa tài vì dễ sinh tật, và nhớ đừng ga lăng hay đẹp trai quá thì sẽ được thiên hạ bỏ quên, không thèm để ý tới, nhờ vậy cũng được sống an bình yên vui mí vợ.

Nhưng ngộ nhỡ cái nghiệp của mình lại tốt do kiếp trước có tu, được Thượng đế ban cho một số tài lẻ mà người khác không có thì nên cư xử ra sao để đỡ bị...ghét? Ối dào, trường hợp này cũng có cách hoá giải nhưng hơi vất vả và khó thực hiện đấy! Thế này nhá, đương sự hãy tỏ ra khiêm tốn, nhũn nhặn, đừng tự cao tự đại, cái Tôi nên dấu bớt đi, và đừng tiết kiệm lời khen đối với tha nhân là sẽ được...yêu thôi! Tuy nhiên, cũng đừng quên lời khuyên thâm thuý của cổ nhân:  "Hãy hạ mình xuống để người khác nâng mình lên". Thêm nữa, nên có một đời sống bình dị, đừng hơn thua, mọi sự đều xử lý theo thuyết "trung dung", cái gì cũng chỉ nên vừa phải thì sẽ được hưởng hạnh phúc tương đối đấy! 

Hôm nay, để theo sát chương trình đã đề ra kỳ trước là hát càng nhiều càng tốt, mời quý vị thưởng thức tiếp bài "Em Gắng Chờ", sáng tác phẩm đầu tay của nhạc sỹ Huỳnh Anh, được xuất bản năm1957 tại Sài gòn.

ĐƯỜNG

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


( Trang 194
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2895 )
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #46 - 06. Jan 2015 , 16:09
 
NgocDoa wrote on 18. May 2014 , 19:08:
"Gợi Giấc Mơ Xưa"


Tôi có duyên được chuyện trò với nghệ sỹ Lê hoàng Long đúng hai lần và cả hai cuộc gặp gỡ đều xẩy ra thật tình cờ. Lần thứ nhất tại Thủ đô Hà nội vào cuối năm 52, lúc chiến tranh chống Pháp đã gần tàn. Lần thứ hai tại Sài gòn khoảng năm 60, giữa lúc cuộc nội chiến Nam Bắc đang tới hồi khốc liệt.

Một buổi sáng Chủ nhật đầu Thu, tôi tháp tùng anh Lê v Lạng lại thăm nhạc sỹ tại tư gia, toạ lạc ở phố Bà Triệu, thuộc khu vực Hoàn Kiếm trong Thủ đô Hà nội. Anh trông rất trẻ, cao ráo đẹp trai, hơn tôi một tuổi, tâm tình cởi mở và phong thái giống như một lãng tử. Tôi chưa có hân hạnh được làm quen với anh nhưng lại hơi thắc mắc là trong trường hợp nào mà bạn tôi đã giao du được với người nghệ sỹ này. Số là anh Lạng vốn sinh ở tỉnh quan họ Bắc ninh, cùng quê nội với tôi, còn nhạc sỹ lại chào đời tận tỉnh Sơn Tây xa lắc, đâu có dễ dàng để kết bạn. Lê hoàng Long cũng lang thang đi kháng chiến giống tôi nhưng không cùng địa bàn hoạt động nên chưa bao giờ được chạm mặt cả. Tuy nhiên, cuối cùng thì tư tưởng lớn cũng gặp nhau nghĩa là cả hai cùng goodbye "Bác" để dinh tê vào Hà nội dù thời điểm có hơi khác biệt.

Trong lúc trà nước hàn huyên, mọi người bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về thời kháng chiến oai hùng, đánh nhau với Tây ở trong rừng năm xưa. Riêng tôi thì hơi mắc cở vì tham gia vào các đoàn văn nghệ thì chỉ có lo chạy và ăn, đâu có được đánh trận nào!  Anh chợt móc bóp lấy ra một tấm hình ân cần tặng tôi để kỷ niệm buổi sơ giao dễ thương. Trên bức hình có photo một bản nhạc xinh xinh, tựa đề "Kiếp lang thang" có lẽ là sáng tác đầu tay của tác giả. Chúng tôi đang chờ anh lấy đàn biểu diễn thì ngay lúc đó một thiếu nữ tha thướt bước vào xin ghi danh để thọ giáo môn violin với nhạc sỹ. Chúng tôi bèn mau mắn chào tạm biệt anh và hẹn gặp lại vào một ngày đẹp trời khác. Thì ra ông anh đã luyện môn violin từ hồi còn nhỏ và khi vào Hà nội đã can đảm mở lớp dạy đàn để có thu nhập hàng tháng. Và kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên này, tôi đã không còn cơ hội gặp lại anh lần thứ hai tại Hà thành hoa lệ nữa.

Sau khi di cư vào Nam, đúng là quả đất tròn, tôi đã may mắn gặp lại anh trong kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp tại Vĩnh Long. Lúc đó tôi đang là Thầy giáo Toán của trường TH Hoàng Diệu, còn anh là Giáo sư Nhạc, dạy ở trường nào tôi không còn nhớ rõ.
Thời gian này các học sinh vẫn phải qua kỳ thi Trung học ĐNC để được học Đệ Tam ở các trường TH công lập. Chương trình thi có thêm 2 môn nhiệm ý là Nhạc và Vẽ, nghĩa là các môn thi này không bắt buộc. Tuy nhiên các thí sinh có khả năng đều xin tham dự để hy vọng có điểm dư bù qua các môn mình yếu kém.
Lúc đó giám khảo môn Nhạc hơi khan hiếm, tôi bèn tình nguyện ghi tên để hành nghề nghiệp dư cho vui. Hôm họp nhóm để đưa ra các tiêu chuẩn chấm điểm, tình cờ tôi gặp lại anh Lê hoàng Long với tư cách là Trưởng ban Nhạc. Rất tiếc là anh đã quên hẳn tôi vì thời gian xa nhau quá lâu, hơn nữa lại không cùng môn dạy nên cả hai đều phe lờ cho khoẻ.

Cách thức chấm điểm gồm 2 phần: nhạc lý và biểu diễn hát hò. Riêng tôi, vì muốn nâng đỡ các người đẹp nên âm thầm cho thêm điểm Duyên dáng bên cạnh món Nhạc lý để việc chấm điểm được thoải mái vui tươi . Đại khái cuộc sát hạch được diễn tiến như sau:
Phần một   Thí sinh được hỏi vài câu về nhạc lý căn bản, có tính chuyên môn. Nếu các em trả lời trót lọt thì sẽ được điểm tối đa. Trường hợp quá tệ, tôi sẽ lờ đi và chấm qua phần Duyên dáng. Ối dào, các nữ sinh lớp Đệ Tứ ở thôn quê đều cỡ 15,16 tuổi cả rồi. Tất cả đều duyên dáng ngây thơ, như trăng mới lên, như hoa mới nở nên tôi thân ái tặng cho các em điểm tối đa hết ráo.
Phần hai   Thí sinh lựa một bài tuỳ ý để biểu diễn, hát theo kiểu opera và "chay", nghĩa là cứ đứng hát khơi khơi, tự do uốn éo trước mặt văn võ bá quan, không cần xài đến mic lẫn nhạc đệm. Thường thường các em được tôi cho điểm từ 8 đến10 cả, nghĩa là very good.
Thưa quý vị, tôi là Thầy giáo Toán, lúc bình thường có thói quen cho điểm hơi tiết kiệm nên nhân dịp này rộng rãi với thí sinh để đền bù lại và đồng thời cũng để tạo cho mình thêm nghiệp tốt! À mà lúc đó tôi hãy còn cu ky chưa lập gia đình, ưu ái với phái yếu cũng là điều...tự nhiên thôi!

Bây giờ xin trở lại với nhạc sỹ Lê hoàng Long. Theo Wikipedia, tác giả đã sáng tác tất cả ba nhạc phẩm: "Kiếp lang thang", "Làm sao thứ tha" và "Gợi giấc mơ xưa". Tuy nhiên chỉ có nhạc phẩm thứ ba là được phổ biến rộng rãi và có nhiều ca sỹ chiếu cố. Bài này nghệ sỹ đã sáng tác vào năm 1955 trong lúc đang thất tình trầm trọng. Người yêu Sài gòn đã nghe theo gia đình, dứt tình để đi lấy chồng. Đương sự là một Giám đốc giầu sang có địa vị... và Trời ơi, ván đã đóng thuyền rồi là hết thuốc chữa, sức mấy mà nhổ lên được, hả giời!
Tuy nhiên nghĩ cho rốt ráo, theo tôi, Nàng nên kết duyên với nghệ sỹ họ Lê mới là khôn ngoan vì ca khúc GGMX vẫn được mọi người hát dài dài và có thể còn sống mãi! Trong khi ông Giám đốc, một khi đã về miền...cực khổ rồi thì bình thường là sẽ... đi luôn, đâu còn ai nhớ tới ông nữa!

Bài này có một chỗ hát sai nhưng tôi hổng biết sửa, hát lại từ đầu thì vất vả quá nên cứ để y nguyên. Vả lại những bài tôi ca chỉ cốt để thưởng thức giới hạn trong nội bộ thôi, đâu có dám đem phổ biến mà sợ thằng Tây nào!  Mong tác giả và quý vị thông cảm xếnh xái cho kẻ hèn. Xin cám ơn.
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường


...


( Trang 194)
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #47 - 06. Jan 2015 , 16:11
 
NgocDoa wrote on 24. May 2014 , 12:08:
"Mộng Dưới Hoa"


Để thực hiện chương trình hát càng nhiều càng tốt, thân ái mời quý vị thưởng thức tiếp ca khúc "Mộng dưới hoa", thơ Đinh Hùng, phổ nhạc Phạm đình Chương.

Theo tác giả Phạm anh Dũng, ca khúc này có nguồn gốc hơi mơ hồ. Thật ra không có bài thơ nào của Đinh Hùng có tựa đề nguyên thuỷ là "Mộng dưới hoa" cả. Nội dung bài hát phần lớn do sự tổng hợp cuả hai bài thơ riêng biệt của thi sỹ có tên "Tự tình dưới hoa" và "Suôi dòng mộng ảo" và tất cả đều nằm trong thi tập "Đường vào Tình Sử" của tác giả. Tuy nhiên, trên giấy trắng mực đen, cả thi sỹ và nhạc sỹ đều chấp nhận để nguyên tựa đề như thế cho lãng mạn và ngắn gọn. Nhạc sỹ Vũ Thành, trong một bài viết, đã ngả nón khâm phục tài phổ nhạc tuyệt vời của PĐC, nhất là với bài " Mộng Dưới Hoa". Tác phẩm này khó phổ nhạc vì nó hoà lẫn cả thơ bẩy chữ và thơ sáu chữ nên phải sắp xếp thật khéo léo mới hát được êm tai. Thế còn Bố già PD của tôi thì sao? Cũng là một cây phổ nhạc đấy chứ?

Quả thật, bàn về nghệ thuật "Thơ phổ nhạc" của PĐC và PD thì cả hai đều có tài năng nghiêng ngửa, kẻ tám lạng, người nửa cân, khó có thể đem ra so sánh được. Thôi thì tôi nhường phần tế nhị này để thế gian đánh giá, còn kẻ hèn xin rút lui ra ngoài vòng cương toả, chỉ vui chơi hát hò cho nó khoẻ.

Bài này tôi trình bầy hoàn toàn dựa theo karaoke, nếu lời ca có đôi chỗ không đúng với nguyên bản cũng xin quý vị thông cảm bỏ qua cho. Xin cám ơn.
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


( Trang 195
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2910 )
Back to top
« Last Edit: 06. Jan 2015 , 16:14 by Phuong_Tran »  
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #48 - 06. Jan 2015 , 16:12
 
NgocDoa wrote on 01. Jun 2014 , 16:02:
"Trả Lại Em Yêu"


Hôm nay xin trở lại với nhạc sỹ Phạm Duy, người nghệ sỹ cô đơn, đã bị tha nhân hắt hủi chỉ vì tính đa đoan và lắm tật. Cõi nhân sinh là như vậy và mọi sự trên thế gian đều không thoát khỏi luật nhân quả và nghiệp báo. Hình như tôi có duyên văn nghệ với PD từ lúc 11 tuổi, hồi còn học lớp Nhì A bậc tiểu học. Tôi đã hân hạnh biết đến ca khúc "Cô hái mơ", thơ Nguyễn Bính, phổ nhạc Phạm Duy, sáng tác đầu tay của đương sự lúc mới xuất hiện vào năm 42. Trong suốt thời gian kháng chiến tôi chỉ yêu thích các bài hát của Phạm Duy, Văn Cao, thỉnh thoảng mới lạc vào vài bản của Đỗ Nhuận, Việt Lang, Nguyễn xuân Khoát...v...v... Theo thiển ý, vấn đề đánh giá các tác phẩm nghệ thuật nói chung, ngoài việc tuỳ theo trình độ kiến thức còn tuỳ theo người thưởng thức nó nữa, nghĩa là nhân tâm tuỳ...mạng mỡ! Trong gia tài đồ sộ của PD cả ngàn bài, ông thú nhận chỉ sáng tác có 14 bài dành riêng cho tình yêu đôi lứa mà thôi. Tuy nhiên, người đời vẫn ưu ái gán cho ông cái mỹ danh ướt át là "ca nhân ái tình" và trong các cuốn Hồi ký, chính ông thổ lộ là cũng mong muốn được xưng tụng như vậy.
Phạm Duy sáng tác đủ loại nhạc như nhạc tình, nhạc hùng, dân ca, đạo ca, tục ca...v...v...nhưng nếu ta để ý kỹ thì nội dung các bài hát, đâu đó cũng đều có bóng dáng của người phụ nữ cả! Nói đúng ra cũng tại nghệ sỹ mắc cái nghiệp ga lăng với phái yếu hơi nhiều mà thôi!

Để tiếp tục chương trình càng hát càng khoẻ, mời quý vị thưởng thức ca khúc " Trả Lại Em Yêu", để ôn lại những kỷ niệm dễ thương hồi còn là sinh viên, tay trong tay dìu nhau trên những con đường không tên của Sài gòn ngày tháng cũ. Tiện đây cũng xin bật mí, tại sao tôi lại thích hát bài "Trả lại em yêu"?

Từ khi biết yêu, thú thật là chưa bao giờ tôi được thưởng thức một nụ hôn cho đúng nghĩa cả. Vấn đề giản dị là có ai dạy mình đâu. Phần tôi thì vừa kém thông minh lại vừa nhút nhát nên đành chịu thiệt thòi. Vả lại chỉ nhìn thấp thoáng trên màn ảnh thì làm sao mà biết cách thực hiện cho hoàn hảo được ! Nói ra thật xấu hổ, cho đến thời gian gần đây tôi chỉ biết hôn vớ vẩn đại khái y như lũ cháu nhỏ xíu, chứ cũng không được ngon lành như lũ...cháu nhớn! Tuy nhiên khi đã chơi được computer, tôi bèn lục trên net tìm hiểu xem nó dạy dỗ ra sao để thoả tính tò mò thì mới ngộ ra là cũng... dễ thôi. Nhưng lại gặp khó khăn là hổng có đối tác để tập. Lúc còn trẻ thì dại khờ, bi giờ cao tuổi nhăn nheo xấu xí, đâu có ai can đảm chịu hy sinh cho mình thử nữa!
Thôi thì trễ còn hơn không và ta cứ cây nhà lá vườn đem ra thực tập cho có chính nghĩa quốc gia!  Đêm hôm đó, sau khi cơm rượu ngà ngà vừa đủ, khoản rửa chén đã hoàn tất tốt đẹp, tôi bèn gợi ý, dụ Nàng để cùng thử xem mùi vị văn minh nó ra làm sao. Nàng ngập ngừng khẽ nói: Anh ơi, chúng mình vốn là chân quê, hay ta cứ bổn cũ soạn lại cho khoẻ, khỏi rắc rối nghe anh. Tuy nhiên cuối cùng vì năn nỉ quá nên N cũng chiều lòng và ở tư thế sẵn sàng. Thế là hai ta bắt đầu khởi sự... Step 1 êm ả trôi qua nhưng mới bước vào step 2, tôi chợt cảm thấy sao nó mênh mang trống vắng...cực kỳ! Giời ơi, hoá ra cả hai diễn viên đều quên chưa lắp răng vào. Tôi hoang mang chới với không biết xử lý ra sao vì computer cũng quên không hướng dẫn trong tình huống mắc... gió này. Tôi bèn ngậm ngùi rút lui, xin lỗi N để dành dịp khác. Vả lại nếu cùng đi cải thiện ngay thì e rằng everything đã nguội cả rồi, đâu còn hứng thú gì nữa, phải không quý vị?

Trong ca khúc "Trả lại em yêu" có hai nhóm từ nghe thật ngọt lịm : "Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt..." Ối dào, cái vụ này chắc Bố già muốn đố vui để...chọc đây. Lý do, tuy 2 nhóm đứng gần nhau như thế nhưng muốn được tận hưởng thì phải chờ cả hơn nửa thế kỷ đấy! Thưởng thức ly chanh đường chỉ cần 7,8 tuổi là dư. Còn cái món kia thì ngay cả bi giờ, ngoài 80 rồi mà tôi vưỡn chưa được biết nếp tẻ nó ra làm sao. Chưa hết, Bố già lại còn bầy đặt "uống môi" nữa thì quả dễ sợ, ngoài sức tưởng tượng của kẻ hèn, chắc nó thuộc đẳng cấp thế giới! Thôi đành sorry quý vị, chờ tôi qua "bển" hỏi Bố Già xem mần ăn ra sao đã, sau đó sẽ hạ hồi phân giải!
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


( Trang 195 )
Back to top
« Last Edit: 06. Jan 2015 , 16:15 by Phuong_Tran »  
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #49 - 06. Jan 2015 , 16:13
 
NgocDoa wrote on 08. Jun 2014 , 12:34:
"Nhìn những mùa Thu đi"


Hôm nay, trước khi mời quý vị thưởng thức ca khúc "Nhìn những mùa Thu đi" của TCS, tôi xin phép được tản mạn một chút về tình khúc "Gợi giấc mơ xưa" của lãng tử LHL. Đây quả là một bản tình buồn với những ca từ đẫm nước mắt: "Thương nhau thì thương rất nhiều mà ván đã đóng thuyền rồi...Kiếp sau ta chờ nhau...Đôi tim hoà, chào đón ánh bình minh..." Tuy nhiên, vấn đề nan giải là kiếp này đã lỡ...hẹn thề, dĩ nhiên phải chờ kiếp sau nhưng sẽ gặp nhau ở đâu? Vũ trụ bao la, con người chỉ là hạt cát, biết hẹn hò tìm nhau ở phương trời ngõ ngách nào đây hở Trời!

Đạo Phật phán rằng: Khi chết, mọi chúng sanh đều được đầu thai qua sáu ngả luân hồi, ngoại trừ những người đã được giải thoát như Đức Phật, A la hán...Sáu ngả đó là: Chư thiên, loài người, Atula, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Chỉ có hai loại tương đối được sung sướng thoải mái là Chư thiên và loài người, còn lại bốn thứ kia đều thuộc loại mắc gió cả, quý vị đừng có ham!
Cũng theo đạo Phật, tuỳ theo nhân quả duyên nghiệp, con người sẽ được tái sanh ở nơi nào? và hoàn cảnh sẽ ra sao? như giầu nghèo, xấu đẹp, mập ốm...v...v... Thế rồi nó còn tuỳ theo sự đồn đại của thế gian như "ghét của nào,Trời trao của nấy"...Nói một cách đơn giản, nếu ta kỳ thị da mầu thì sẽ được tái sanh ở xứ Congo để cho cái body nó đen thùi lùi. Còn kiếp này ta ích kỷ, không chịu lấy vợ sớm để các nàng ế thì kiếp sau sẽ đầu thai vào Trung Đông, chỗ có đấng Allah để các nàng hành hạ cho bõ ghét. Tuy nhiên tôi không đủ kiến thức để bàn sâu về địa hạt này nên cứ giả thử là tất cả chúng ta đều may mắn được tái sinh vào kiếp Người, thuận tiện cho câu chuyện tếu tôi sắp kể hầu quý vị sau đây.

Ngày xưa, thuở còn học trò và sau này trong thời kháng chiến, tôi từng trao đổi tình cảm thân mật với một số người đẹp nhưng vì chờ lâu quá nên các nàng đã rủ nhau đi lấy chồng để cố níu cái xuân xanh. Đến khi lập gia đình rồi, trong các buổi hội hè, đôi khi cũng nẩy sinh những tình cảm thầm kín vu vơ nhưng chỉ dám lãng mạn khơi khơi cho vui thôi. Lý do là đến giờ phút đó mọi sự đều đã được an bài: quý nàng thì ván đã đóng thuyền, riêng tôi thì như trâu bị xỏ mũi, đâu còn nhút nhít cục cựa gì được nữa. Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, tôi xin thề là những sự kiện vừa kể đã xẩy ra từ thuở tuổi còn sồn sồn, nghĩa là cách đây cỡ 2,3 chục năm, chứ bi giờ đã cúp bình thiếc, quý nàng "có...ra đấy" tôi cũng đành phải ngậm ngùi đầu hàng. Để giải trí, mời quý vị đọc chuyện tiếu lâm cuả cụ Phạm duy Tốn ( Bố của Bố già) sẽ hiểu rõ sự tích nhóm từ này.

Tổng kết lại, số quý em tiếp xúc thực sự với tôi ở ngoài đời, để trao đổi tâm tình, ăn quà, dắt tay nhau đi chơi trên những con đường thơ mộng dù có tên hay không tên, chỉ khiêm tốn khoảng chừng 5 em. Còn những nàng tôi yêu thầm trộm nhớ, tương tư vớ vẩn chắc độ 5 em nữa. Dĩ nhiên trong số những người đẹp thầm lặng, cũng có nàng hồi âm nhưng rất kín đáo và chỉ bằng ánh mắt nụ cười. Nhưng với tôi như thế cũng là đáng quý, đáng trân trọng, và không còn mong muốn gì hơn nữa.

Viết đến đây tôi chợt nẩy ra một sáng kiến tuyệt vời là ở kiếp này, chúng ta thương nhau mà vô duyên không được chung sống thì tại sao lại không hẹn để vui vẻ vào kiếp sau nhỉ?
Cũng giản dị thôi, nếu tất cả nhất trí đồng lòng thì mỗi đêm trước khi đi ngủ, hãy cầu nguyện xin Thượng đế, kiếp sau cho đầu thai vào cùng một tỉnh nào đó trong một xứ văn minh. Trường hợp đặc biệt, nếu muốn chung sống tập thể cả lũ với nhau, đầm ấm như trong một đại gia đình thì xin được tái sanh vào một quốc gia ở khu vực Trung Đông, nơi có đạo Hồi, có đấng Allah thì sẽ được toại nguyện thôi. Tuy nhiên, khi qua đời, quý em nhớ đem theo những món quà để tặng phu quân như: Đông trùng Hạ thảo, nấm Linh chi, hồng sâm Đại Hàn...và nếu được sữa Ong Chúa của Cô mc KD thì là "the best" đấy. Xin cám ơn quý vị.
Đường

   
Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...

( Trang 195 )
Back to top
« Last Edit: 06. Jan 2015 , 16:16 by Phuong_Tran »  
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #50 - 06. Jan 2015 , 16:16
 
NgocDoa wrote on 18. Jun 2014 , 07:36:
Số đào hoa


Hôm nay Chủ nhật 15/6/14, lần đầu tiên tôi hân hạnh được mời tham dự ngày Tôn Sư Trọng Đạo do Hội Lê văn Duyệt Foudation tổ chức tại Quận Cam, lại có duyên trùng vào ngày Father's Day của Mỹ quốc. Cách đây vài tháng, HT An Hảo cho biết Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm muốn nói chuyện trực tiếp với tôi qua ĐT, về việc ông có nhã ý muốn ghi tên Thầy Đ vào danh sách các Nhà Giáo Dục trước năm 1975, để được vinh danh nhân ngày TSTĐ/2014 tại Little Saigon, miền Nam Cali, Hoa kỳ.
Thoạt đầu tôi hơi ngỡ ngàng bối rối và có ý định muốn lờ đi vì nhiều lý do riêng. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, lại hoan hỷ chấp nhận cũng vì một số lý do khá... thuyết phục! Tôi được yêu cầu viết một bản sơ lược tiểu sử gửi trước cho ban tổ chức để tuỳ nghi sử dụng. Thầy giáo bèn tang gia bối rối vì có gì đâu để mà viết ngoài việc kê khai ngày sinh tháng đẻ, nơi "chôn nhau cắt rốn", trường học đã phục vụ... là hết. Số là có một số giáo sư, ngoài việc dạy học còn được cử giữ những nhiệm vụ quan trọng như Thanh tra, Hiệu trưởng, Giám đốc, Thứ trưởng, Bộ trưởng...v...v...và dĩ nhiên bài viết sẽ phong phú hấp dẫn hơn bài của Thầy Sugar. Tuy nhiên đã lỡ hứa thì đành phải viết vớ vẩn ngắn gọn cho qua cầu. Tôi còn được vững dạ khi nghe nói có cả Thầy Long và Thầy Đạt cũng đồng thời được mời trình diện trên sân khấu. Thế là tam nhân đồng hành, vui như Tết, đâu có cô đơn mà phải e ngại.

...

Phần vinh danh quý vị giáo sư được chia làm ba đợt, riêng tôi khiêm tốn được xếp vào đợt chót cho thong thả và sau khi đã ấm bụng. Phần văn nghệ được xen kẽ giữa các đợt, hình như hoàn toàn do Hội Ái hữu CNSLVD chủ động và điều khiển. Đợt thứ nhất được vinh danh gồm quý vị có địa vị và bằng cấp cao như Tiến sỹ, Giáo sư Đại học, Thứ trưởng, Giám đốc...Đợt thứ hai gồm quý vị đảm nhiệm những chức vụ như Giám học, Hiệu trưởng, Trưởng ty...Và đợt cuối cùng có tôi, đa phần là quý Thầy Cô, cả đời chỉ chuyên sử dụng phấn và bảng đen nghĩa là dạy học thuần tuý theo đúng thiên chức của Nhà Giáo.
Thưa quý vị, số tôi thật vô duyên, phút chót lại được tin buồn, Thầy Long mắc đi...đá banh nên vắng mặt.  Riêng Thầy Đạt, mới được biết, cũng sẽ không tham dự vì mắc đi thăm người bệnh ở mãi nơi xa xôi. Thế là Thầy Đ, sau khi nghe đọc tên, bèn lủi thủi từ từ được một em gái dịu dàng dắt tay đưa lên sân khấu, và hân hạnh được xếp ở vị trí đứng đầu nhóm ba, phía cánh gà.

...

Ngay lúc đó, thật bất ngờ, Thu B đại diện cho khoá 74, lẹ làng bước lên sân khấu, trân trọng tặng tôi một gói quà khá lớn, nhân ngày Lễ Father's Day. Chao ôi, quả là giây phút xúc động...cực kỳ, không sao diễn tả nên lời. Tôi thành thật cám ơn tấm lòng ưu ái của một số học trò năm xưa đã dành cho Thầy một kỷ niệm dễ thương và không bao giờ tôi quên.

...

Kỳ vinh danh này lại bất ngờ có thêm Cô giáo Mai Phạm, cựu nữ sinh LVD thuộc nhóm ba, đứng chung hàng với tôi. Thế là chúng ta vừa là tình Thầy trò lại vừa là đồng nghiệp, đúng là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" thứ thiệt. Cô giáo Mai.P quả là khôn ngoan, đã âm thầm khiêng theo một lũ học trò từ San Jose xuống, lấy nguyên một bàn để chung vui. Thật là náo nhiệt khi người đẹp tha thướt bước lên sân khấu, thì cả lũ đệ tử đứng dậy vỗ tay hoan hô như pháo nổ.

...

Chỉ riêng Thầy Đ, người địa phương là trống vắng mênh mang đành lặng lẽ ôm mối sầu về với...vợ
Sau khi mọi người đã yên vị tại chỗ, tôi chợt phát hiện là trong hàng chỉ thưa thớt có hai, ba Thầy, còn đa số toàn là quý Lão bà không hà. Hồi tưởng lại trong các dịp hội hè, qua các hình ảnh kỷ niệm, tôi luôn luôn là ông Thầy có nhiều hình chụp chung với quý em cựu nữ sinh nhất. Ngày xưa cũng nhờ tiếp xúc thường xuyên với các đệ tử nên mới lấy được vợ, chắc cũng là do duyên số. Thôi thì lúc còn trẻ được xum họp vui vẻ với các thiếu nữ xinh tươi, khi mãn chiều xế bóng lại được quý Cụ đẹp lão vây quanh tưởng cũng là... phung phướng hạnh phúc rồi, đừng đòi hỏi gì nữa!
Theo lời nhân gian truyền khẩu "hễ ghét của nào, Trời trao của ấy", suy ra có lẽ kiếp trước tôi kỳ thị phụ nữ hơi nhiều nên kiếp này có số đào hoa chăng? Thôi thì ta hãy bằng lòng với những gì Thượng đế đã ban cho và đừng thét mét gì hết, phải không quý vị?
Chương trình văn nghệ phụ diễn của trường ta hôm nay thật phong phú, và hơn cả tuyệt vời. Đơn ca, song ca, hợp ca đủ hết, em nào trình diễn cũng hay, dễ thương, rất đáng khen ngợi. Quý em với vóc dáng thon gọn, lả lướt trong những chiếc áo dài truyền thống canh tân, màu sắc hài hoà, trông thật mát mắt.

...

...

Đặc biệt mc Thuý Lan, xông xáo như chỗ không người, điều khiển chương trình lớp lang hết chỗ chê. Các lời giới thiệu của mc đều dí dỏm, duyên dáng và... dễ nể luôn. Hoan hô mc Thuý Lan.

...

Trước khi chấm dứt bài viết, một lần nữa tôi chân thành cám ơn quý em: Kim Huyến,Thanh Hằng, Bích Nhàn, Kiều Nguyễn, Kim Oanh, Bích Liên, Quý Trương và Thu B đã ưu ái tặng quà cho tôi nhân ngày Father's Day.
Đường

Back to top
« Last Edit: 06. Jan 2015 , 22:14 by Phuong_Tran »  
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #51 - 06. Jan 2015 , 22:17
 
NgocDoa wrote on 29. Jun 2014 , 17:17:
"Bài tình ca cho em"


Dạo này nhờ thể dục đều đặn, ăn uống đúng phép, sức khoẻ tốt nên người cao tuổi tiếp tục hát hò, hy vọng làm chậm lại cái bệnh Elzheimer dễ thương, lúc nào cũng lơ lửng trên đầu. Tuổi già như trái chín cây, ai biết khi mô nó rụng, đôi khi chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ đưa ta về miền tiên cảnh rồi. Theo đạo Phật thì sống hay chết cũng đừng quan tâm, chẳng qua chỉ là sự thay đổi cái vỏ bên ngoài mà thôi. Nghệ thuật sống để bớt đau khổ là hãy chấp nhận những gì Thượng đế đã ban cho, và đừng đòi hỏi. Thôi thì vui phút nào hay phút ấy, cuộc sống được an bình, ta cứ lạc quan yêu đời, yêu mọi chúng sinh như đức Phật thường khuyên bảo!
Hôm nay mời quý vị tái ngộ với nhạc sỹ Ngô thụy Miên trong ca khúc "Bài tình ca cho em". Bài này do Duy Quang, quý tử của Bố già PD hát biểu diễn trong đĩa karaoke. Giọng hát của cố ca sỹ thật ngọt ngào truyền cảm hết chỗ chê. Duy Quang, từng nổi tiếng điêu luyện trong những bản "Tình ca", đặc biệt là của Bố già, nhờ có giọng ca cao vút tuyệt vời. Thú thật, tôi đã phải giảm xuống tới 3 nấc mới hát nổi bài này.

Ca khúc lẽ ra được trình làng từ 2 tuần trước nhưng vì trờ ngại kỹ thuật nên đã phải dời lại. Nói cho đúng, chuyện thu âm của tôi vất vả là do sự có mặt thường trực của người đẹp ở nhà. Chỉ có hôm Chủ nhật, chờ Nàng đi Nhà Thờ xong tôi mới được thoải mái để thu mà không bị phân tâm. Hai Chủ nhật vừa qua bị kẹt vì ngày Tôn Sư Trọng Đạo và Picnic Hè của quý em nên không hành nghề được. Chủ nhật này N cũng ở nhà vì thiếu tài xế nhưng hứa sẽ làm vườn cả ngày cho tôi được tự do ca hát. Thế ra N cũng thông minh và thương tôi lắm. Tuy nhiên, N chỉ yêu cầu là cách một giờ phải cho dzô nhà để tưới mấy...lọ hoa là đủ! Và bây giờ thân ái mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm " Bài tình ca cho em" của NTM. Cũng xin báo trước, giọng ca hôm nay hơi rè và khé, mong thính giả chịu khó chấp nhận. Xin cám ơn.
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


(Trang 197
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2940 )
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #52 - 06. Jan 2015 , 22:19
 
NgocDoa wrote on 06. Jul 2014 , 21:10:
TIỄN EM


Tôi vốn có duyên với những ca khúc của Phạm Duy từ thời thơ ấu và có lẽ còn tiếp tục cho đến khi trở về với cát bụi. Tôi có cảm tình với nhạc sĩ vì đã may mắn giữ được vài kỷ niệm vui vui với đương sự trong thời kháng chiến. Phần nữa, nhạc điệu và lời ca của các bài hát rất thích hợp với tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng của tôi. Và cuối cùng, nhờ gia tài âm nhạc của PD đa dạng phong phú, cả ngàn ca khúc nên tôi tha hồ lựa chọn. Cho đến nay, mọi người đều công nhận ca sỹ hát nhiều nhất, tuyệt vời nhất nhạc của PD là nữ danh ca Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian và cũng là em vợ của đương sự.

Riêng tôi có tham vọng dễ thương là từ nay cho đến khi hết hơi hoặc được chuyển về...bên ấy, mỗi tuần sẽ cho ra lò một bài để mua sức khoẻ và chung vui với quý thân hữu. Tôi cố gắng chọn hát ít nhất một bài, tượng trưng cho mỗi nhạc sỹ mà tôi hằng yêu mến. Dĩ nhiên tôi sẽ chiếu cố nhiều đến ca khúc của Bố già và không chừng sẽ là người thứ hai sau Thái Thanh, hát nhạc PD nhiều nhất nhưng cũng ngậm ngùi là số người tán thưởng chắc chỉ lưa thưa. Ối dào, đó là chuyện bình thường và hiển nhiên cũng không phải là điều tôi thực sự quan tâm!

Nghệ sỹ Thái Thanh, thành viên chính của ban hợp ca Thăng Long năm xưa, hiện đang sống như cây cỏ trong một viện dưỡng lão đâu đó tại quận Cam. Theo lời kể của xướng ngôn viên truyền hình PL, hàng tuần hình như nghệ sỹ Kim Tước thường vào thăm, đôi khi mang theo thực phẩm tự tay nấu để phục vụ bạn vàng. Có lần PL hướng về KT hỏi đương sự: Chị có biết ai đây không? TT chỉ ngơ ngẩn, đôi mắt buồn thăm thẳm, nhìn về cõi xa xăm và...lặng thinh, thật tội nghiệp. Quý vị ơi, chúng ta hãy cầu nguyện để khi tới số, xin Thượng đế cho ta êm ả lẹ làng ra đi, đừng ưu ái bắt phải qua giai đoạn "sống mà không biết mình là ai". Hãy thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời, tôi có dịp đi thăm thân nhân hay bạn bè lại được đối tượng thân ái hỏi: " Ối dào, lâu quá không gặp, bạn là muối hay bột ngọt đấy hả" thì chít cả lũ rồi.

Hôm nay, mời quý vị thưởng thức ca khúc "Tiễn Em", thơ Cung Trầm Tưởng, phổ nhạc Phạm Duy. Trời mới bắt đầu vào Hè mà đã nóng muốn chẩy mỡ, hát bài này quả... vô duyên nhưng tôi thân ái riêng tặng quý em ở những miền tuyết lạnh như Canada, Đức...thì cũng ok thôi! Theo ý riêng, với nam ca sĩ, tôi chỉ thích giọng ca của vài người như Duy Trác, Elvis Phương, Duy Quang, Thái Châu...Đặc biệt Tuấn Ngọc tuy có làn hơi rất sung mãn, giọng ca cao vút nhưng theo tôi, hình như khi lên xuống không được êm ái như những ca sĩ kể trên. Bài "Tiễn Em" do Tuấn Ngọc trình diễn mẫu trong đĩa karaoke, mời quý vị cùng thưởng thức với giọng ca của Thầy Sugar.    
ĐƯỜNG


Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


( Trang 197)
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #53 - 06. Jan 2015 , 22:21
 
NgocDoa wrote on 07. Jul 2014 , 11:26:
Hôm qua, ngày 6 tháng 7, đúng 20 năm ngày gia đình Đoá đến Hoa Kỳ.
Để kỷ niệm "biến cố lịch sử" này, Đoá mời Thầy Đường song ca bài "Sài Gòn Vĩnh Biệt" của Nam Lộc, với dàn nhạc và ca sĩ của Trung Tâm Asia.


Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường và trò Nguyễn Ngọc Đoá

...


( Trang 197 )
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #54 - 06. Jan 2015 , 22:23
 
NgocDoa wrote on 17. Jul 2014 , 11:15:
"Nhạt Nhoà"


Hôm nay, tạm biệt Bố già, mời quý vị tản mạn một chút về nhạc sĩ Tuấn Khanh, chủ quán Phở có mỹ danh "Hoa soan bên thềm cũ" ở quận Cam, trùng tên với một sáng tác nổi tiếng của đương sự.

Ông sanh năm 1933 tại tỉnh Nam Định Bắc Việt và được nuôi dưỡng trong một gia đình thuộc loại Nhà Nho khắc khổ. Ông có khiếu về âm nhạc và được Bố cho học violin từ lúc 5,6 tuổi. Năm lên 10, ông đã xướng âm chính xác được vài ca khúc đơn giản. Năm xưa, hồi còn thanh niên, ông vốn là một ca sĩ có hạng, biệt danh Trần Ngọc, đậu Thủ khoa trong kỳ thi tuyển lựa ca sĩ năm 54 tại Hà nội. Việc học nhạc của ông khá vất vả vì không được ông Ngoại tán thưởng. Ông kể lại câu chuyện tếu như sau. Bữa nọ đang kéo đàn ò e ý e trong bếp, Ngoại đi chơi về chợt thấy bèn phán: Ối dào, đàn với địch nghe điếc cái lỗ đ...! Ông thú thật, nếu không có Bố khuyến khích chắc đã giã từ âm nhạc ngay từ hồi đó rồi.

Sáng tác phẩm của nghệ sỹ khá phong phú và được xếp vào loại tiền chiến. Một số tình ca lãng mạn được phổ biến rộng rãi và mọi người rất yêu mến như: Hoa soan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng, Quán nửa khuya, Nỗi niềm...v...v... Giọng hát của ông được ca sĩ Duy Trác đặc biệt trân trọng và đánh giá là hiếm quý. Ông hát rõ lời, không thêm bớt lời ca, giọng trầm ấm lả lướt, ít khi luyến láy và uốn éo vớ vẩn! Rất tiếc là ông đã bỏ nghề ca hát từ cuối thập niên 60 và chỉ còn chuyên chú vào công việc sáng tác thuần tuý mà thôi.

Từ thuở hát hò, hôm nay mới tuyển được một bài tương đối dễ hát, âm vực vừa phải nên giọng ca người cao tuổi đỡ bị rè hay khé. Thân ái mời quý thân hữu cùng nghe nhạc phẩm "Nhạt Nhoà" của ca nhạc sỹ Tuấn Khanh để giải trí cuối tuần.
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


( Trang 198
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2955 )
Back to top
« Last Edit: 06. Jan 2015 , 22:25 by Phuong_Tran »  
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #55 - 06. Jan 2015 , 22:27
 
NgocDoa wrote on 22. Jul 2014 , 14:40:
"Bài không tên số 4"


Nhạc sỹ Vũ thành An là một hiện tượng đặc biệt trong giới nghệ sỹ sáng tác. Ông rất nổi tiếng về những tình khúc lãng mạn ướt át, đặc biệt là 10 bài không tên đầu tiên. Cách đây ít lâu tôi đã hân hạnh gửi đến quý vị 2 bài "có tên" của đương sự là "Tình khúc thứ nhất" và "Anh đến thăm em đêm 30". Cũng xin nhắc nhở "TKTN" và "Bài không tên số 1" là hai bài hoàn toàn khác nhau. Hôm nay trước khi mời quý vị thưởng thức tiếp một ca khúc mới, tôi xin phép được sơ lược một chút về con người tài hoa nhưng thiếu may mắn này.

Theo tài liệu của Wikipedia, ông sanh năm 1943 tại tỉnh Nam Định Bắc phần. Sau năm 75, bị CS cầm tù 10 năm tại các trại cải tạo ở miền Bắc VN. Năm 1991, qua Mỹ theo học Chương trình Cao học Thần học và được đào tạo thành chức Phó Tế. Sáng tác phẩm của ông khoảng gần 100 tình khúc và chia thành hai loại: không tên và có tên. Những bài không tên, được đánh số không theo thời gian, từ số1 đến số 50 và gần 30 bài khác có tên đàng hoàng. Nhạc phẩm đầu tay được mọi người yêu thích là "Tình khúc thứ nhất", thơ Nguyễn đình Toàn, phổ nhạc Vũ thành An. Thời gian sau này, không hiểu vì lý do gì ông đã giã từ những "tình ca" và chỉ chuyên chú sáng tác những bản "Thánh ca" mà thôi. Quý độc giả muốn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của tác giả xin mời đọc ở trên net cho rộng đường dư luận.

Hôm nay tôi chọn "Bài không tên số 4" để hát hầu quý vị là có lý do đấy. Trong ca khúc có hai nhóm từ, theo tôi, khá lý thú nên muốn tản mạn vui chơi với quý vị nhân lúc sức khoẻ đang dồi dào mà lại bị N chê nên đành thất nghiệp.

" Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai". Ơ hay, thế là thế nào? Sao nghệ sỹ kỳ thị thế, không sợ bị cẩm phạt hay ra toà hả? Theo thiển ý, nói chung chung, mọi người không phân biệt trai gái, đều cần dĩ vãng cả. Nhưng để làm gì, khai thác nó ra sao và lúc nào nên vứt vào thùng rác thì dĩ nhiên là... nhân tâm tuỳ mạng mỡ!

Tuy nhiên, trong bài này, tác giả có thể chỉ muốn nói riêng về người con gái nào đó, không chừng lại là baby của đương sự! Và có lẽ dĩ vãng của Nàng không được thơm như...múi mít nên chàng đành ngậm ngùi chỉ quan tâm đến tương lai thôi. Nhưng tương lai cũng mờ mịt lắm, đâu biết ngày mai sẽ ra sao! Điển hình là nạn nhân trên 2 chiếc máy bay của hãng hàng không Mã Lai mới rớt. Thật là thảm khốc, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả và hiển nhiên cuộc đời quả là...vô thường. Tóm lại, chỉ có hiện tại là quan trọng và nếu ở trong tầm tay thì hãy nắm chặt lấy nó là khôn ngoan nhất, phải không quý vị? Thêm nữa, ngày xưa các Cụ có phán: "Lấy đ...về làm vợ" thì cũng ok, miễn là phải giải nghệ, tuyệt đối hổng được tái phạm nữa là đạt rồi.

"Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa". Nhóm từ này được phổ biến rộng rãi, bàng bạc khắp mọi nơi và ý nghĩa của nó hình như lúc nào cũng đúng! Trong đời sống hàng ngày, khi tiếp xúc sinh hoạt với nhau, vì không mất tiền mua nên chúng ta thường rộng rãi với những lời nói đẹp, sao cho vừa lòng nhau. Tuy nhiên nếu lạm dụng thì sẽ trở thành sáo, rỗng tuếch, thiếu sự chân thành và dần dần sẽ làm mất lòng tin nơi người đối diện. Bạn hữu, chỉ khi hữu sự như va chạm quyền lợi, danh dự, sinh mạng...v...v..., lúc đó mới đánh giá đúng được sự thân sơ và tấm lòng quan tâm đến nhau ở mức độ nào. Còn lúc bình thường, mọi người đều an toàn trên xa lộ thì tuyệt đại đa số chỉ xài có...cái miệng thôi.

Thi sỹ Đinh Hùng, con người tài hoa nhưng bạc mệnh, đã qua đời năm 1967 lúc mới 48 tuổi tại Sài gòn. Tác phẩm của ông có hai thi tập nổi tiếng là Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử. Lúc sinh thời, thi sỹ được nhiều người mê thơ ái mộ, nhất là những thiếu nữ thị thành xinh như mộng. Tội nghiệp, Thi sỹ chỉ có một ước nguyện khiêm tốn là khi chết sẽ được các nàng cầm hoa xoã tóc đứng bên mồ để khóc ông. Chao ôi, hình ảnh thật lãng mạn và ma quái...cực kỳ. Nhưng không ai biết cụ thể lúc ông nằm xuống, đã có bao nhiêu người ái mộ đến cầm hoa để tiễn đưa thi sỹ về đất mẹ? Mời quý vị thưởng thức mấy câu đầu tiên, khá xúc động trong bài thơ "Cung đàn tưởng niệm" của tác giả.

"Cung đàn tưởng niệm"- Đinh Hùng
Khi anh chết, các em về đây nhé
Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ
Tay cầm hoa xoã tóc đứng bên mồ.

         
***************

Bài viết này tôi thân tặng quý thân hữu, quý em đã giúp tôi có được sự hiện diện trên diễn đàn để viết, để hát, từ thuở ban đầu và dài dài cho đến nay. Tiện thể, tôi cũng chân thành cám ơn quý em đã sốt sắng giúp tôi post bài, hoặc hướng dẫn cách post bài và tặng tôi cái logo ngộ nghĩnh để cùng nhau vui cười thoải mái. Tôi cũng không quên cám ơn quý em đã có một thời cùng nhau trao đổi tâm tình, kiến thức trên diễn đàn, để tạo cơ hội cho mọi người đoàn kết và thương yêu nhau hơn.

Và cuối cùng, tôi cũng có một ước nguyện nho nhỏ dễ thương giống như Thi sỹ Đinh Hùng, là khi trở về với cát bụi, mọi người dù thương hay ghét cũng xin cầm một cánh hoa hay một nắm đất, rải xuống mộ phần lạnh lẽo thì tôi cũng được mỉm cười nơi tiên cảnh an lạc. Cũng xin yêu cầu một điều chót, nếu là các em gái thì đừng nên xoã tóc vì e ngại giống...ma quá! Hơn nữa, để phòng hờ sợ tôi quá xúc động đội mồ sống lại, mọi người sẽ hốt hoảng chạy tán loạn thì là...tan hàng.

À mà cũng xin thưa, để khỏi có sự hiểu lầm, đoạn chót của bài này chỉ có phần "cám ơn" là tôi viết với sự chân tình. Còn đoạn mong ước vớ vẩn "lúc qua đời" chỉ là viết tếu cho vui, xin quý vị hãy lờ đi. Lý do là hai đứa tôi đã nhất trí cùng với lũ con, khi hết sống thì hoả thiêu ngay: thân xác cho vào túi nylon của bệnh viện, đưa vào lò thiêu và đầu ra sẽ là cát bụi đựng trong một cái lọ. Gia đình sẽ tuỳ nghi đem rải xuống sông hay biển hoặc một chỗ nào thuận tiện. Thế là khoẻ re, sở hụi chỉ trên dưới một ngàn, khỏi mua bảo hiểm nhân thọ, khỏi mua hay mướn đất để chôn, khỏi mua quan tài...v...v...Tuyệt vời nhất là thân hữu khỏi tốn thì giờ thăm viếng, Hội đỡ tốn vòng hoa, chỉ cần một câu: "Thành kính phân ưu" trên net là đủ rồi! Tóm lại cả làng đều khoẻ nhá.

Bây giờ, để trở về với đời sống đáng yêu, xin mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc "Bài không tên số 4" của nhạc sỹ Vũ thành An.
Đường


Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường


...

\( Trang 199
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2970 )
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #56 - 06. Jan 2015 , 22:29
 
NgocDoa wrote on 31. Jul 2014 , 14:16:
"THUỞ BAN ĐẦU"


Nhạc sỹ Phạm đình Chương, nghệ danh Hoài Bắc, sanh năm 1929 tại Bạch mai Hà nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc (theo Wikipedia). Ông chính là linh hồn của ban hợp ca Thăng Long mà lúc ban đầu chỉ có 4 thành viên anh em gồm Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng và Thái Thanh. Sau này có thêm sự tham gia của một số nghệ sỹ khác như Khánh Ngọc (vợ ông), Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao (mới thất lộc). Ông theo kháng chiến chống Pháp từ lúc khởi đầu, đến năm 51 dinh tê về Hà nội rồi vào Nam cùng thân quyến lập ban hợp ca Thăng Long. Địa bàn trình diễn hằng đêm là phòng trà ca nhạc Đêm Mầu Hồng ở Sài gòn mà chủ quán cũng do đích thân ông đảm nhiệm.

Gia tài âm nhạc của nhạc sỹ khoảng chừng trên dưới 60 ca khúc, đa số đều được các thính giả yêu thích và tán thưởng. Tác phẩm đầu tay, sáng tác chung với bố già PD năm 47, là ca khúc "Ra đi khi trời vừa sáng" đã được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến.
Những sáng tác của ông lúc ban đầu chỉ nghiêng về những bản hùng ca, vui tươi như Hò Kéo Gỗ, Tiếng Dân Chài, Ly Rượu Mừng...v...v...Nhưng sau khi chia tay với người bạn đời Khánh Ngọc, ông chuyển sang địa hạt "tình ca" để nói lên tâm sự đau buồn của mình qua những nhạc phẩm như: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi...

Ông là một trong những nhạc sỹ hiếm quý, có thiên tài về thơ phổ nhạc. Những bài nổi tiếng như Mộng dưới hoa, Đôi mắt người Sơn Tây, Nửa hồn thương đau, Mưa Sài gòn, mưa Hà nội...v...v...đã được nhiều danh ca hoan nghênh và chiếu cố dài dài. Ngoài ra đa số còn được thu âm và trình diễn trên sân khấu các trung tâm Thuý Nga, Asia.
Cuộc sống đời thường của ông rất hiền hoà, mực thước, khiêm tốn, luôn được các bạn hữu yêu mến, tôn trọng. Theo nhận xét của minh tinh Kiều Chinh, phong thái của ông đích thực là một nghệ sỹ chân chính và bà rất kính phục người nhạc sỹ tài hoa này.

Thân mời quý bạn cùng thưởng thức bài hát "Thuở ban đầu", một trong những tình khúc đầu tiên mà người nghệ sỹ kém may mắn đã sáng tác sau khi giã biệt người yêu Khánh Ngọc.

ĐƯỜNG

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường

...


(Trang 199)
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #57 - 06. Jan 2015 , 22:38
 
NgocDoa wrote on 07. Aug 2014 , 19:55:
"Bóng Chiều Tà"

Từ khi có tham vọng hát hò để chờ ngày Thượng đế chiếu cố rước đi, tôi đã xuất xưởng độ vài chục bài mà tác giả cũng khoảng chừng hơn mười nhạc sỹ. Cái khổ là ca khúc bị giới hạn trong một số đĩa karaoke cũ rích nên không được thoải mái để lựa bài. Hậu quả là cứ phải hát hoài những bài của một số tác giả quen thuộc nên hơi...chán và không mấy hứng thú. Hôm nay tìm mãi mới được một bài độc nhất của nhạc sỹ Nhật Bằng, có tựa đề "Bóng Chiều Tà" theo thể điệu Tango, khá nhanh làm ca sỹ muốn hụt hơi nhưng cũng...cố gắng. Tuy nhiên, trước khi mời quý vị cùng thưởng thức, xin được sơ lược một chút về người nghệ sỹ khó kiếm này.

Theo Wikipedia, nhạc sỹ Nhật Bằng sanh năm 1930 tại Hà nội. Sau biến cố 75, CS bắt đi tù cải tạo 7 năm và mãi đến năm 90 mới cùng gia đình được định cư tại Mỹ theo diện HO. Ông vốn có khiếu về âm nhạc từ nhỏ nên năm 1947, mới 17 tuổi đã cho ra đời bản nhạc đầu tay có tựa đề "Hoa Trăng", sau được nhạc sỹ Phạm đình Chương, bạn thân của ông, đề nghị đổi tên thành "Đợi Chờ". Ca khúc này ông sáng tác để kỷ niệm mối tình học trò của mình trong thời gian trọ học tại Hà nội.
Ông đã cùng hai bạn, Văn Phụng và Anh Ngọc lập ban tam ca "Đô Si La" vào thập niên 50, rất được khán thính giả yêu mến và hoan nghênh. Đồng thời ông cũng là con chim đầu đàn của ban hợp ca Hạc Thành mà thành viên là các em ruột: Thể Tần, Hồng Hảo và Nhật Phượng. Ban hợp ca này hoạt động cùng thời gian với ban hợp ca Thăng Long ở địa bàn Sài gòn, tuy cũng sôi nổi nhưng không được nổi tiếng bằng.

Gia tài âm nhạc của ông khoảng 100 bài, sáng tác theo ba khuynh hướng rõ rệt là: Quê hương, Tình cảm và Chiến đấu. Vài ca khúc thuộc loại "Quê Hương" điển hình như Sau Luỹ Tre Xanh, Vọng Cố Đô, Khúc Nhạc Ngày Xuân..., loại "Tình Cảm" như Dạ Tương Sầu, Một Chiều Thu... và loại "Chiến Đấu" như Bóng Người Chiến sỹ, Chiến Sỹ Ca...v...v..., đa số đều được mọi người tán thưởng. 
Những ngày cuối đời, ông sống hạnh phúc cùng gia đình tại tiểu bang Virginia và trở về cát bụi cũng tại đây năm 2004.

Mời quý vị cùng thưởng thức bản Tango buồn của nhạc sỹ Nhật Bằng.
Đường

Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường


...


( Trang 200
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/2985 )

Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #58 - 06. Jan 2015 , 22:39
 
NgocDoa wrote on 19. Aug 2014 , 14:17:
"Mơ Hoa"


Năm xưa, tôi còn nhớ, một thời gian ngắn trước khi di cư vào Nam, Hà nội có tổ chức một Kermess với mục đích gì, quả thật tôi không được rõ. Tuy nhiên, Hội chợ là phải tưng bừng náo nhiệt và vui nhộn rồi. Nam thanh nữ tú của Hà thành hoa lệ như mở cờ, lũ lượt kéo vào cả ngày lẫn đêm đùa dỡn, ghẹo nhau thoải mái và riêng cái mục ẩm thực, nghĩa là món ngon Hà nội, thì đúng là hết chỗ chê. Đặc biệt mấy cái loa phóng thanh thi nhau phát ra đầy ắp những ca khúc đủ loại vui buồn mà không hề biết mệt mỏi. Tôi để ý thấy bài "Ngày về" của Hoàng Giác là được chiếu cố nhiều nhất, cũng không biết tại sao? Sau này, khi nếm mùi bơ vơ lạc lõng nơi xứ lạ quê người mới cảm thấy ý nghĩa bài hát thật thấm thía buồn não ruột và có thể cũng như môt điềm không vui được báo trước! Quả thật những người xa xứ như chúng ta, ai cũng hy vọng có một ngày đẹp trời được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, thăm lại quê cũ trường xưa nhưng than ôi, đâu biết được là...ngày nào?

Nhạc sỹ Hoàng Giác sinh năm 1924 tại Từ Liêm-Hà nội. Thời niên thiếu ông có học qua Trường Bưởi và tự học về âm nhạc. Sáng tác phẩm của ông không nhiều, chỉ khoảng 20 bài và chính ông đã khiêm tốn nói: Tôi không giúp gì nhiều cho nền âm nhạc VN như các đồng nghiệp cùng thời cả! Ca khúc đầu tay của ông ra đời năm 45 là bản "Mơ Hoa" mà tôi sắp sửa mời quý vị cùng thưởng thức. Trong thời kháng chiến, ông đã sáng tác ca khúc "Ngày Về", và cũng là bản nhạc đắc ý nhất của đương sự. Bài này tôi đã có dịp  trình bầy trên sân khấu ĐH thường niên của Hội năm 2013 tại quận Cam.

Sau thời gian kháng chiến mệt mỏi, ông dinh tê về Hà nội năm 48 và tiếp tục hoạt động văn nghệ tại Hà thành. Khoảng thập niên 60, gia đình ông đã sống trong cảnh cơ hàn khốn khổ vì bị Nhà nước kỳ thị đối xử không mấy đẹp. Lý do xui xẻo là bản nhạc "Ngày Về" của ông đã được chính thể Việt Nam Cộng Hoà trong Nam khai thác, ưu ái dùng làm nhãn hiệu để Chiêu Hồi. Thôi thì mọi sự cũng do cái...nghiệp cả!

Tôi vốn có duyên với các ca khúc đầu tay của một số nhạc sỹ. Một phần vì loại bài này dễ bị mọi người quên lãng và ca sỹ trình bầy ít bị đem ra để so sánh nên đỡ bị chê! Phần nữa, tôi đang sống ở cuối cuộc đời nên thèm, muốn được hưởng lại những phút ban đầu lưu luyến...và cặp mắt...có đuôi lắm. Giời ơi, làm sao mà quên được những giây phút tuyệt vời đó, hả quý vị!
Mời quý vị cùng thức bài Mơ Hoa, sáng tác đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Giác, người bị CS ghét nhưng lại được phe ta thương, chẳng qua cũng chỉ tại cái số ăn mày cả.
Đường  


Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường


...


( Trang 200 )
Back to top
 
 
IP Logged
 
Phuong_Tran
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Hoạt Động
Tích Cực *Năm 2011*

Posts: 10574
Gender: female
Re: TRANG KỶ NIỆM VÀNG CỦA THẦY NGUYỄN NGỌC ĐƯỜNG
Reply #59 - 06. Jan 2015 , 22:41
 
NgocDoa wrote on 02. Sep 2014 , 22:51:
"Gửi Người Em Gái"


Đoàn Chuẩn cũng là môt nghệ sỹ hiếm có trong giới sáng tác các ca khúc trữ tình loại tiền chiến. Ông là con cưng trong một gia đình tư sản, chuyên sản xuất nước mắm, có thương hiệu nổi tiếng Bắc Kỳ là hãng " Nước mắm Vạn Vân", toạ lạc ở thành phố Hải phòng. Ông cao ráo đẹp trai, hào hoa phong nhã, ăn chơi xài tiền không thua gì công tử Bạc liêu ở trong Nam. Ngoài ra, ông rất đa tình và nghề tán gái của chàng thì quả là ưu việt. Ông giỏi âm nhạc và sử dụng tuyệt vời cây đàn Hạ uy cầm. Hồi đó cả VN chỉ có 2 xe Cadillac thì ông làm chủ một cái. Ông chơi ngông, dám đổi cả xe ôtô để chỉ lấy một cây đàn guitar. Cuộc đời tình cảm của ông có nhiều giai thoại, xin kể một chuyện vui hầu quý vị: mỗi ngày, ông mướn người đem một bông hồng đến tặng người ông thầm yêu tại nhà, nhưng dấu tên người gửi. Sau khoảng 3 năm, đến bông hồng thứ 1000, ông mới xuất đầu lộ diện, quả là một xếp đặt công phu và một sự kiên nhẫn dễ nể!

Ông sanh năm 1924 và qua đời năm 2001 vì bệnh tai biến mạch máu não. Ông sáng tác không nhiều, khoảng 20 bài, nội dung chan chứa tình cảm mộng mơ và chỉ chuyên ca tụng về mùa Thu lá bay như Thu quyến rũ, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay...v...v... Đặc biệt mỗi bài đều ưu ái tặng riêng cho một bóng hồng đất Thăng Long. Ca sỹ Ngọc Bảo là người trình diễn thành công nhất những ca khúc của ông.

Một nghi vấn không có lời giải đáp? Tác giả những bản nhạc mà mọi người thưởng thức, đa số đều có tên kép là " Đoàn Chuẩn-Từ Linh". Cho tới nay, thính giả vẫn thắc mắc, không biết ai là người sáng tác đích thực! Cả hai cùng soạn chung, hay một người đặt lời ca, người kia soạn nhạc? Tuy nhiên có một điều khẳng định do nội tướng ông tiết lộ: hai người là bạn tâm giao từ thời thơ ấu và quý trọng nhau một cách đặc biệt khác hẳn với các bạn hữu lúc đương thời. Ối dào, theo tôi, nếu đúng như vậy thì đáng ngờ lắm, có thể là cái món Gay không biết chừng! Thuở đó ở xứ ta, cách đây cỡ 7,8 chục năm, cái món lạ hoắc này đâu ai biết gọi là cái...chi chi!

Năm 1956, ông sáng tác duy nhất một nhạc phẩm nói về mùa Xuân ở Hà nội, có tựa đề "Gửi người em gái". Ca khúc này có 2 phiên bản, mời quý vị cùng thưởng thức, có lẽ đây là phiên bản đầu tiên của nhạc sỹ! Còn phiên bản kia, không biết tại sao lại nối thêm cái đuôi vô duyên vào "... gái miền Nam". Ô hay, miền Nam gạo trắng nước trong, tôm cá đầy đồng, sầu riêng thơm phức, ngu gì nghe lời dụ dỗ của nghệ sỹ, khơi khơi bò ra miền Bắc để gậm củ sắn hay xơi bo bo cho... lủng dạ dầy! Lời ca bài này tuy thắm thiết, tình cảm rất ư mời gọi nhưng lại hơi có...vấn đề nên tôi bèn lờ đi cho được hai chữ bình yên.

Trước khi chấm dứt, tôi chỉ có một ước mơ nhà quê: Giá mà trong các ca khúc lãng mạn của nhạc sỹ, nghe thoang thoảng có thêm mùi hương đặc sản của hãng... Vạn Vân, thì âm điệu sẽ vừa du dương mùi mẩn lại còn... mặn mà nữa mới thật hết xẩy!
Cũng xin quý vị thông cảm nghe đỡ bài này, vì tôi bị cảm lạnh nên giọng rè quá cỡ. Tuy nhiên sợ mọi người sốt ruột nên đành cho ra lò đại, vả lại cốt vui thôi mà!

ĐƯỜNG


Mời click vào hình để thưởng thức giọng ca của Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường


...


( Trang 201
http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1272478611/3000)
Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 2 3 4 5 6 
Send Topic In ra