Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - MỘT PHÚT SUY TƯ  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
MỘT PHÚT SUY TƯ (Read 987 times)
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
MỘT PHÚT SUY TƯ
15. Nov 2017 , 00:52
 
GÓC SUY GẪM...
Trước Cái Chết Chợt Tìm Ra Lẽ Sống - Thích Tánh Tuệ.
Có một người thất chí, leo lên một cây anh đào, chuẩn bị nhảy từ trên cao xuống để kết thúc cuộc đời mình. Ngay lúc anh ta quyết định nhảy xuống thì trường học gần đó tan học.
Một nhóm học sinh chạy đến. Một bạn nhỏ hỏi:
“Chú làm gì trên cây vậy?”
“Dù gì cũng không thể nói cho trẻ con biết mình sắp tự sát”.
Thế là anh ta nói:
“Chú đang ngắm phong cảnh.”
Một học sinh khác hỏi:
“Thế chú có thấy bên cạnh có bao nhiêu là quả anh đào không ?
Anh quay nhìn, thì ra mình cứ nghĩ đến việc tự sát mà không chú ý đến bao nhiêu là trái anh đào màu đỏ, nhỏ có, lớn có chung quanh. Các bạn nhỏ nói:
“Chú có thể hái anh đào giúp chúng cháu không? Chú chỉ cần lấy sức rung cành cây, anh đào sẽ rơi xuống. Năn nỉ chú đó! Chúng cháu không leo cao như vậy được!”
Anh có ý chần chừ nhưng không lay chuyển được các bạn nhỏ, đành phải ra tay giúp đỡ. Anh bắt đầu lay cây. Chẳng bao lâu, trái anh đào rơi xuống đất ngổn ngang.
Dưới đất cũng tụ tập ngày càng đông các bạn nhỏ, mọi người vui vẻ và hớn hở nhặt anh đào. Sau một đợt huyên náo, các bạn nhỏ cũng dần ra về. Người thất chí đó ngồi trên cây, nhìn dáng vẻ vui mừng của các bạn nhỏ, không biết tại sao ý nghĩ muốn tự sát không còn nữa.
Anh hái một ít trái anh đào chưa rớt xuống đất, nhảy xuống và mang anh đào từ từ đi về nhà.
Ngôi nhà vẫn cũ kỹ rách nát, vợ con anh vẫn như hôm qua. Nhưng bọn trẻ vui mừng khi trông thấy ba mang anh đào về. Khi cả nhà quây quần, anh ta ngắm nhìn các con vui vẻ ăn anh đào, bỗng anh cảm thấy có một nhận thức mới làm cho anh cảm động, anh nghĩ bụng:
“Có lẽ với cuộc sống như vầy vẫn có thể sống vui…”
Chỉ nói riêng về những đứa bé thơ ngây thiếu vắng tình cha thôi, việc người cha từ chối cuộc sống đã là một điều sai lầm không thể chấp nhận được. Anh không nhận ra được rằng hai đứa con lành mạnh của anh chính là món quà quý báu mà tạo hóa trao ban.
Ngôi nhà vẫn cũ kỹ rách nát, vợ con anh vẫn như hôm qua, còn anh thì đã khác, anh đã đổi mới. Bây giờ anh mới “hiểu ra” hạnh phúc tiểm ẩn trong chính anh mà anh muốn lánh xa.
“Có lẽ với cuộc sống như vầy vẫn có thể sống vui…”.
Và như thế, anh nhận ra bổn phận và trách nhiệm của mình. Anh có thể mang lại niềm vui cho người khác.
Anh nhận ra, anh sống có ích cho cuộc đời.
Lòng tự hào trong chính anh cho anh biết tự trọng.
Sống không chỉ vì mình, mà còn vì tha nhân, vì cuộc đời nữa. Sao anh lại tự tử khi gia đình anh còn đó?
Anh phải hãnh diện vì bổn phận và trách nhiệm của mình và vì bổn phận và trách nhiệm mà anh phải sống và vui sống.

Back to top
« Last Edit: 02. Dec 2017 , 05:10 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #1 - 15. Nov 2017 , 00:54
 
Im lặng là vàng. một nghệ thuật sống

by Thoi Chinh Chien at 2:14 AM

Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.

Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng ……..khi nào nên im lặng?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ
Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự
Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt
khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến
Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.

Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?

Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!

Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!

Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.

Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?

Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.

Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.

Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm…!!!
Back to top
« Last Edit: 02. Dec 2017 , 05:10 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #2 - 15. Nov 2017 , 23:12
 
Mẹ và Quê Hương

Trần Trung Đạo

https://youtu.be/zUZy1WncJ2s

Một danh ngôn mà chúng ta thường nghe “thế giới có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời và vĩ đại nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Thật vậy, bao nhiêu thơ viết về mẹ cũng không đủ, bao nhiêu nhạc hát về mẹ cũng không vừa. Biển Thái Bình bao la, nước sông Hằng cuồn cuộn nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ.  Bản nhạc nào viết về mẹ cũng hay, bài thơ nào viết về mẹ cũng cảm động bởi vì ngôn ngữ dành cho mẹ là ngôn ngữ của trái tim.
Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyết đối của tinh thần Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ  những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là người mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để  nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ  để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc.
Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, và cũng là nơi ta trở về.  Người đàn bà chân mang đôi dép ngược, khoát chiếc mền rách, như trong một câu chuyện thiền mà chúng ta có thể đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng vẫn không than van, không oán trách, vẫn chờ đơi ngày về của đứa con mãi mê trên đường đi tìm chân lý. Nếu chân lý mà chàng trai trẻ kia đi tìm là tình thương và sự  thật thì chân lý sẽ không ở đâu xa mà trái lại vô cùng gần gũi. Trong tấm thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự  thật và lòng vị tha sâu thẳm. Hơn mười năm trước, tôi có viết một bài thơ về mẹ, trong đó có hai câu đã trở thành quen thuộc:
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Tôi viết rất nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ khác nhiều. Những dòng chữ, những câu thơ đúng ra là từ mơ ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp để  tuôn ra. Tôi không làm thơ, tôi chỉ chép như có một người nào đang nhắc nhở bên tai mình. Nguyên văn bài thơ như thế này:
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Bài thơ đơn giản và dễ hiểu, không có gì phải cần bình giải. Tất cả chỉ để  nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ, bay đi như chiếc lá xa cành, mười năm chưa về lại cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ tôi, đã ngoài sáu mươi tuổi và đang sống trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa Hưng, Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ đó là nơi tôi đã sống tám năm.
Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn.  Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn cội.
Nếu có một quốc gia mà những người dân của quốc gia đó đã phải từ chối chính đất nước mình, từ chối nơi đã chôn nhau cắt rốn của mình, tôi nghĩ, đất nước đó không còn bao nhiêu hy vọng. Việt Nam sau 1975 là một đất nước sống trong tuyệt vọng. Dân tộc Việt Nam những năm sau 1975 là một dân tộc sống trong tâm trạng những kẻ sắp ra đi. Sài Gòn giống như một sân ga. Chào nhau như chào nhau lần cuối và mỗi ngày là một cuộc chia ly. Bắt tay một người quen, ai cũng muốn giữ lâu hơn một chút vì biết có còn dịp bắt tay nhau lần nữa hay không.  Gặp người thân nào cũng chỉ để hỏi “Bao giờ anh đi, bao giờ chị đi”, và lời chúc nhau quen thuộc nhất mà chúng thường nghe trong những ngày đó vẫn là “Lên đường bình an nhé.”
Đất nước tuy hòa bình, quê hương không còn tiếng súng nhưng lòng người còn ly tán hơn cả  trong thời chiến tranh. Đêm cuối ở  Sài Gòn lòng tôi ngổn ngang khi nghĩ đến ngày mai. Ngày mai sẽ ra sao? Nếu bị  bắt tôi sẽ ở tù như lần trước nhưng nếu đi được thì sẽ trôi dạt về đâu?
Suốt sáu năm ở lại Sài Gòn, tôi chỉ nghĩ đến việc duy nhất là ra đi. Khi chiếc ghe nhỏ bị mắc cạn trong một con lạch ở  Hải Sơn buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 1981, trời đã sáng, nhiều người, kể cả một trong hai người chủ ghe, cũng bỏ ra về, nhưng tôi thì không. Tôi phải đi dù đi giữa ban ngày. Tôi phải tìm cho được tự do dù phải bị bắt và ngay cả phải trả giá bằng cái chết. Tự do đầu tiên, biết đâu cũng sẽ là cuối cùng và vĩnh viễn.  Nhưng hai ngày sau, khi đứng trên boong tàu Mỹ, tôi biết mình vừa mất một cái gì còn lớn hơn ngay cả mạng sống của mình.  Đó là đất nước, quê hương, bè bạn, con đường, tà áo, cơn mưa chiều, cơn nắng sớm, và trên tất cả, hình ảnh mẹ. Không phải những người ra đi là những người quên đất nước hay người ở lại bám lấy quê hương mới chính là người yêu nước. Không. Càng đi xa, càng nhớ thương đất nước, càng thấm thía được ý nghĩa của hai chữ quê hương. Không ai hiểu được tâm trạng người ra đi nếu không chính mình là kẻ ra đi.
Nói như thế không có nghĩa là tôi hối hận cho việc ra đi. Không, tôi phải đi. Nhưng chọn lựa nào mà chẳng kèm theo những hy sinh đau đớn. Bài hát Sài Gòn vĩnh biệt, tôi thỉnh thoảng nghe trên đài VOA khi còn ở  Việt Nam như những mũi kim đâm sâu vào tâm thức. Bao nhiêu điều hai ngày trước tôi không hề nghĩ đến đã bừng bừng sống dậy. Bao nhiêu kỷ niệm tưởng đã chìm sâu trong ký ức đã lần lượt trở về. Tự  do, vâng, tôi cuối cùng đã tìm được tự do nhưng đó chỉ  là tự  do cho chính bản thân mình. Những gì tôi đánh mất còn lớn hơn thế nữa.
Nhớ lại đêm thứ hai trên biển, khi biết chiếc ghe chiều dài vỏn vẹn mười mét rưỡi nhưng chứa đến 82 người của chúng tôi vừa cặp vào thành tàu chiến của Mỹ thay vì Ba Lan hay Liên Xô như mọi người trên ghe lo sợ, ai cũng hân hoan mừng rỡ. Đám bạn tôi, có đứa thậm chí còn hô lớn “USA, USA” và ôm chầm lấy những người lính hải quân Mỹ đang dang tay đỡ từng người bước lên khỏi chiếc cầu dây đang đong đưa trên sóng.  Tôi cũng vui mừng, biết ơn và cảm động nhưng không ôm chầm hay hô lớn. Lòng tôi, trái lại, chợt dâng lên niềm tủi thẹn của một người tỵ nạn. Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm, trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương. Tôi nghĩ thầm, cuối cùng, tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, lần lượt bỏ đất nước ra đi mà thôi. Dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, tôi cũng là người có lỗi với quê hương.
Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ.
Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, khoảng hai mươi cây số phía Nam thị trấn Đồng Xoài vào năm 1976. Cánh rừng vừa được khai hoang vội vã này không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế Mới. Kinh Tế Mới là những căn nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười mét do những bàn tay học trò của thanh niên xung phong dựng lên, nối nhau dọc theo cánh rừng hoang.
Tôi kính yêu me. Mẹ Hòa Hưng là người săn sóc tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của tôi và người đã thôi thúc tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười trong đêm mưa hơn mười năm trước. Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải là người đã mang tôi vào cuộc đời này.
Người mẹ sinh ra tôi đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi tôi gần như không biết mặt mẹ mình. Trong tuần hoàn của vũ trụ, giọt nước còn biết mẹ mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi là đứa bé cô độc, một con người cô độc, không anh em, không chị  em. Tôi lớn lên một mình với cha tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà tranh nhỏ ở  làng Mã Châu, quận Duy Xuyên.  Đêm đêm nằm nghe cha kể  chuyện thời trai trẻ  buồn nhiều hơn vui của đời ông.  Những ngày tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những ngày sống trong túp lều tranh dưới hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối  chua chua  thay cho chén rượu tân hôn nồng thắm. Dù sao, bên khung cửi vải, bên lò ươm tơ, họ đã cùng nhau dệt  một ngày mai đầy hy vọng. Mặt trời rồi sẽ mọc bên kia rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn bên kia giòng sông Thu Bồn, những ngày chiến tranh, tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường bước cho hòa bình sẽ đến.
Nhưng rồi chiến tranh như một định nghiệp, đeo đuổi theo số phận của đất nước chúng ta, đeo đuổi theo số phận của đời tôi.  Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối cùng của tôi.  Chiến tranh lan tràn đến làng Mã Châu, đẩy tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để  làm người du mục trên quê hương đổ nát của mình. Từ đó tôi ra đi. Từ chặng đường đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm 220  Hùng Vương Đà Nẵng, đến chùa Viên Giác Hội An, xóm nghèo Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của tôi hàng vạn dặm.
Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình ngay từ thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ  có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi?  Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai?  Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai?  Và ở đó những buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để  lòng tuôn chảy những suy tư, dằn vặt đang bắt đầu tích tụ. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu dường như thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi.  Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuổi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.
Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có ngay cả  một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể  tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối.  Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối.
Tôi về thăm mộ mẹ lần cuối vào năm 1980 trước ngày vượt biển. Ngôi mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau 1975, ngay cả người sống cũng không ai chăm nom đừng nói gì chuyện chăm nom cho người đã chết. Hôm đó, tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn đời chìm nổi của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi nước và hứa sẽ về dù biết nói như thế chỉ để an ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của mẹ được bình an trong những ngày sóng gió sắp xảy ra.
Ôi đời mẹ như một vầng trăng khuyết
Vẫn nghìn năm le lói ở đầu sông.
Vâng, vầng trăng bên dòng sông Thu Bồn từ đó không còn tròn như trước nữa.
Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả, không phải vì tôi mất mẹ, không phải vì tôi xa mẹ nhưng chính là sự chịu đựng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam triền miên suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang đến cả hòa bình.
Trên thế giới này, bà mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam khác hơn nhiều.
Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Hình ảnh bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khát. Hình ảnh bà mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc nhiều tuần trên biển. Hình ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng dưới gốc me già trên góc phố Sài Gòn vào một ngày mưa bão. Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương đó đã trở thành mối ám ảnh thường xuyên trong tâm trí tôi. Ám ảnh nhiều đến nổi, dù viết về bất cứ chủ đề gì, thể loại gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước chân tôi đi trên đường đời mấy chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.
Mơ ước lớn nhất của tôi, vì thế, không phải cho tôi mà cho những người mẹ đang chịu đựng, để các mẹ có cơ hội được sống trong một đất nước không còn hận thù, rẻ chia, ganh ghét, một đất nước chan chứa tình đồng bào, một đất nước thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” trong một ý nghĩa rộng hơn là ước mơ của tôi, của anh chị, của cô chú và của tất cả những ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc, về một ngày đẹp trời cho đất nước mình.  Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ Việt Nam. Mỗi người Việt Nam, hơn bao giờ hết hãy trở về với mẹ như trở về với chính cội nguồn uyên nguyên của dân tộc mình. Trong đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến, dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản và khai phóng đã được tổ tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn ngàn năm lịch sử.
Đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác trên đường Hùng Vương Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi.  Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời là hố thẳm. Tôi không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và tôi rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình.
Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã nhưng nhiều người cũng đã giúp vực tôi dậy, lau khô những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội nhiều đến nỗi  biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã che chở tôi và cũng cám ơn cả  những người đã dạy tôi hiểu giá trị của gian lao, thử thách. Cám ơn đất nước đã cho tôi được làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy Xuyên mang tôi đến thế gian nầy, cám ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ tôi, cám ơn cây đa già chùa Viên Giác che mát cho tôi suốt năm năm dài mưa nắng.
Nếu một mai tôi ra đi không kịp viết điều gì, thì đây, những kỷ niệm của một lần ghé lại.
Trần Trung Đạo

Back to top
« Last Edit: 02. Dec 2017 , 05:11 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #3 - 26. Nov 2017 , 12:26
 
Mỗi chuyện  ngắn  rất ngắn 

Có những áng văn ngăn  ngắn  nhưng ý tưởng xúc tích, khiến người đọc phải suy tư.

1. Mẹ tôi! (Vương thị Vân Anh)

Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học.
Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ, Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu.
Mẹ tôi không biết chữ!

2. Lòng Mẹ  (Kangtakhoa)

Nhà nghèo, chạy vay mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhứt để giúp đở gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.

Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe Mẹ nói: "Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!"

3. Khóc dùm

Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
Nhưng con đâu có biết sửa xe?
Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi

4. Sống ở đời (Phạm Quốc)

Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việt làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trể con ạ".
      
Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại rộng lượng với người khác con ạ!"

5. Bi kịch (Huỳnh Thanh Vân)

Sạp anh chị ít khách vãng lai. ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách. Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.

6. Đôi mắt

Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, dến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh". Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?"
Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em".

7. Điện thoại (Võ Thành An)

Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.

Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".

8. Nghịch lý  (Văn Triều)

Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói:
Tôi góp một phần.
Tôi một phần.
Tôi cũng một phần.

Thím Tư chen vào, như đùa như thật:

Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?!
Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muổi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muổi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con.
Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!

9. Tóc sâu (Song Khê)

Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoai, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".

Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".

Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".

Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.

10. Tiền mừng tuổi (Trương Đình Dạ Vĩnh)

Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho ... Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lời.
Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết.
Mười tám tuổi, nó mang nổi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi.

Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên giường cằm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.

11. Khóc (Bùi Phương Mai)

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.

Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.

Hôm nay 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói:
Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh.

12. Nói dối (D.A.D)

Ngày đó nhà nghèo Cha mất , Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giổ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!".

Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miến ăn, chiếc bánh...
Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.

13. Chung riêng (Nga Miên)   

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...

Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh...cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...

14. Tình già (Nguyễn Thái Sơn)

Đêm tối đen.Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mình đã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây são rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...

Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?". Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".

15. Ngày sinh nhật đầu tiên (Xuân Vy)

Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?". Mẹ lặng thinh mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!". Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc ào theo.

Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.

16. Mưa đầu mùa (Nguyễn Thanh Xuân)

Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy ngươi đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh.

Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như "cá gặp nước", những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà ngày xưa như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải đem cho đi. Tôi tỏ ý khó chịu, Mẹ chỉ cười buồn bảo: "Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó...".

Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, Mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng...

17. Vợ chồng (Tùy Nghi)

Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua
đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ những lúc ấy anh lại ôm lấy chị , vỗ về:

Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đãm lên nào!

Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!

18. Những chiếc bao lì xì

Ba Mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và tiền bỏ đầy con heo đất.

Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: "Mầy được bao nhiêu?"
Nó đáp; "Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 cái bao không".

19. Phần cô (H.M.N.)

Sinh nhât cô giáo, cả lớp mang tặng cô nào hoa,nào vải may áo dài...

Giở gói quà của Hằng ra ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo: "Ngày nào em cũng được ăn khoai lang nướng ngon lắm cô ạ. Chắc cô chưa bao giờ được ăn?".

Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô giáo.

20. Đi thi (Ngô thị Thu Vân)

Chị Hai đi thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: "Nhờ Ba mầy mát tay". Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô Út- cấp II, cấp III, tú tài, đại học. Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.

Buổi sáng trời se lạnh. Ba chuẩn bị đi thi "Hội thi sức khoẻ người cao tuổi". Má nhìn Ba ái ngại. "Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả".
Buổi tối Má hỏi: "Ông thi sao rồỉ". Ba cười xoà bảo: "Rớt".

Back to top
« Last Edit: 02. Dec 2017 , 05:11 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #4 - 02. Dec 2017 , 05:12
 
MỘT PHÚT SUY TƯ
Đôi khi những toan tính trong tình yêu lại khiến chúng ta trở thành người thua cuộc. Thừa nhận một điều rằng tình yêu cũng cần có vật chất nhưng đừng để vật chất đó biến chúng ta trở thành người tầm thường và thực dụng.
Trong cuộc sống ai cũng có một mảnh ghép phù hợp với mình, nhiều cô gái mong muốn rằng người yêu họ là một thanh niên lịch lãm, đẹp trai trong khi có người chỉ đơn giản muốn chồng tương là một người yêu cô ấy hết lòng. Nhưng đối với cô gái dưới câu chuyện này lại có một sự lựa chọn hoàn toàn khác.
Điều ấy đã đẩy cô vào sự tiếc nuối, hối hận hay là một toan tính vụ lợi khác ghê gớm hơn??? Câu chuyện của hai người họ bắt đầu từ một tình yêu đơn phương có khoảng cách, không phải khoảng cách về địa lý mà là một khoảng trống vô hình về vật chất. Trong khi cô gái là con của một gia đình giàu có thì anh chàng chỉ là một thanh niên nghèo khó.
Anh chàng say mê vẻ đẹp của cô gái và quyết định bày tỏ tình cảm của mình. Đáp lại sự mong chờ của anh là thái độ khinh khỉnh của cô. “Mức lương hàng tháng của anh chỉ bằng chi phí sinh hoạt hàng ngày của tôi. Anh mơ khi nghĩ rằng tôi đồng ý yêu anh? Chả hiểu điều gì khiến anh hành động như thế này?
Tôi không bao giờ yêu anh đâu. Anh hãy đi tìm một cô gái có cùng hoàn cảnh và cuộc sống như anh nhé!”. Cô gái nói rồi bỏ đi để lại chàng trai đứng đó một mình. Từng câu nói của cô gái như cứa vào trái tim đang bị tổn thương của chàng trai. Anh đã nhớ từng lời, từng lời trong thái độ gằn gọc và coi thường của cô Thời gian qua đi, thấm thoát cũng đã 10 năm, dường như ông trời đã sắp đặt một tình huống để họ gặp lại.
Trong trung tâm thương mại đông người, cô gái nhanh chóng có thể nhận ra chàng trai năm xưa từng bị mình làm cho bẽ mặt vì muốn trèo cao. “Này , thế nào rồi anh?
Chồng tôi bây giờ là một người tài giỏi, mỗi tháng anh ấy có thể kiếm 15.700USD, anh có thể vượt qua mức lương đó chứ?”, cô nói và cười nhếch mép.
Người đàn ông nghe xong câu nói của người phụ nữ anh từng yêu tha thiết, bất giác anh cảm thấy đau đớn, thất vọng vì đã không ngừng nhớ về cô trong suốt 10 năm qua. Anh không nói gì và bình thản nhìn cô.
Bỗng nhiên, anh chồng cô gái tiến đến bên cạnh, nhìn người đàn ông đứng đó vui mừng nói: “Chào anh! Chúc anh một buổi chiều tốt lành! Tôi thấy hình như anh quen vợ tôi?”. “Vâng! Cảm ơn anh. Anh cũng vậy nhé! Tôi có quen chị nhà anh”, người đàn ông mỉm cười nói. Anh chồng quay sang cô gái, “Em yêu, anh muốn giới thiệu với em đây là sếp của anh, anh ấy đang làm chủ dự án 1 tỷ đô mà anh đang làm việc”.
Người phụ nữ sửng sốt trước những điều cô đang nghe và không nói được câu gì. “Anh Carter, tôi có chút chuyện phải đi. Xin lỗi anh chị. Rất vui khi được gặp hai người vào hôm nay”. Đôi vợ chồng đứng đó yên lặng nhìn theo những bước chân của người đàn ông thành đạt cho đến khi anh đi khuất.
Lấy bình tĩnh trở lại, người phụ nữ nghi ngờ hỏi lại chồng: “Đó là sếp của anh?”. “Đúng vậy! Anh ấy là một người đàn ông rất khiêm tốn nhưng anh ấy từng có một câu chuyện tình yêu buồn. Anh ấy từng yêu một cô gái nhưng cô ấy không chấp nhận vì anh quá nghèo. Anh đã làm việc chăm chỉ, vượt lên cái nghèo và thực sự thành công.
Bây giờ, anh ấy là một triệu phú có thể kiếm được hàng triệu, hàng triệu đô la mỗi tháng. Nhưng anh ấy vẫn chưa lập gia đình vì chưa quên được cô gái đó”. “Cô gái đó sẽ là một người may mắn nếu cô đồng ý yêu và cưới anh ấy”, anh chồng nói. Tai người phụ nữ như ù đi, cô không nói được câu nào nữa.
Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #5 - 02. Dec 2017 , 09:00
 
Bài học xúc động nhất cuộc đời chàng dược sĩ: ‘Yêu thương đừng nên trì hoãn’

James Morales,

Một người bán thuốc, gần đây đã chia sẻ câu chuyện mà theo lời của anh là “xúc động nhất trong cuộc đời” trên Twitter và đã khiến rất nhiều người đọc rơi lệ. Hy vọng câu chuyện James kể cũng sẽ giúp bạn nhận ra điều quan trọng nào đó và bày tỏ tình yêu của mình ngay hôm nay.
Dưới đây là những lời mà James đã chia sẻ:
“Hôm nay tôi đã chứng kiến một câu chuyện xúc động nhất trong cuộc đời. Tôi nghĩ nhiều người có thể không quan tâm, nhưng tôi không thể không chia sẻ nó.
Tôi là một dược sĩ làm việc tại một hiệu thuốc. Cứ hai hoặc thậm chí ba lần một tuần, một đôi vợ chồng già lại tới mua thuốc tại hiệu chúng tôi. Tất cả mọi người ở đây đều biết họ. Hai vợ chồng đến rất đều đặn. Người vợ luôn là người giao dịch và bắt đầu câu chuyện với tôi và mọi người.
Họ cùng nhau đến hiệu thuốc của chúng tôi đã hàng năm trời, vì thế những nhân viên làm việc ở đây biết họ rõ hơn tôi. Nhưng hai cặp vợ chồng lại thường xuyên chia sẻ với tôi những câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống của họ và trở nên gần gũi với tôi hơn.
Bà là người vui vẻ và luôn thích nói chuyện. Trong lúc đó, ông đứng cạnh bà, nhìn bà và chăm chú lắng nghe những điều bà nói. Chúng tôi vô cùng thích thú khi chứng kiến khung cảnh ấy, bởi có sự ấm áp, bình yên đến lạ trong cách ông nhìn bà. Ông dường như nâng niu tất cả những điều thuộc về bà, từ khuôn miệng tươi tắn, ánh mắt linh hoạt cho tới âm thanh nhẹ nhàng đang vang vọng trong không trung.
Ông yêu và trân trọng tất cả mọi thứ thuộc về bà
Lần nào họ cũng đồng hành cùng nhau, vì thế hôm nay tôi lấy làm lạ khi thấy ông một mình đi đến trước quầy hàng.
“Thưa ông Smith, hôm nay ông có khoẻ không ạ?”, tôi vừa hỏi vừa đưa tay ra nắm lấy tay ông. Ông nói với tôi rằng ông không thể tốt hơn và đó là câu trả lời quen thuộc của ông vì thế tôi cũng không nghĩ ngợi gì thêm.
Tôi vui vẻ nói với ông rằng tôi đã chuẩn bị đủ sáu loại thuốc, 3 cho ông và 3 cho bà. Ông đứng đó, im lặng một hồi. Những nếp nhăn nơi khóe mắt của ông xô nhau ép ra những giọt nước mắt. Rồi ông nói: “Vợ tôi… đã mất đêm qua. Thực ra tôi đến đây để trả lại số thuốc vì bà ấy không thể dùng nó nữa rồi.”
Cửa hàng thuốc của chúng tôi luôn đông đúc và ồn ã. Nhưng, bằng cách nào đó, tất cả mọi người trong cửa hàng đều nghe thấy điều ông nói và dừng tay. Một sự tĩnh lặng sâu thẳm chưa từng có bao trùm bầu không khí ở đây.. Mỗi người đều đau buồn trong khi ông Smith đứng trước mặt tôi, khuôn mặt đã đầm đìa nước mắt.
“Tôi rất ghét phải nói ra điều này, nhưng tôi ước rằng tôi ra đi trước bà ấy. Bây giờ thật khó mà thức dậy với một bên giường trống trải. Bà ấy là người bạn tốt nhất của tôi, người yêu thương nhất của tôi”.
Nghe tới đó, tôi cố cầm nước mắt. Nhưng bạn không hiểu được đâu, tôi nhìn về phía sau và một vài người cùng làm với tôi đã khóc.
“Nhưng đừng buồn. Tôi đã hứa với bà ấy là tôi sẽ sống, tôi sẽ coi trọng cuộc sống và sẽ uống thuốc đều đặn. Tôi sẽ thực hiện lời hứa của tôi với bà ấy. Bà ấy đang ở trên kia dõi theo tôi, là thiên thần tuyệt vời nhất mà tôi muốn có,” mắt ông nhoà lệ và cả chúng tôi cũng vậy.
alt“Tôi sẽ thực hiện lời hứa của tôi với bà ấy. Bà ấy đang ở trên kia dõi theo tôi, là thiên thần tuyệt vời nhất mà tôi muốn có.”
Nhưng ông là một người mạnh mẽ, ông đã cố gượng lại, thậm chí sau đó còn nói vài câu chuyện cười với những người bán hàng. Trước khi rời đi, ông khuyên chúng tôi một câu mà trước đây tôi đã từng nghe, nhưng chưa bao giờ thấy được tầm quan trọng của nó tới tận giây phút đó. Ông nói:
“Hãy nói với những người bạn yêu mến là bạn yêu thương và trân trọng họ như thế nào. Bạn không bao giờ thực sự biết khi nào họ sẽ trút hơi thở cuối cùng và khi nào là lần cuối bạn nhìn thấy họ.”

Ông nói ông vô cùng hối tiếc vì trong lần trò chuyện cuối cùng của họ, mà ông không bao giờ nghĩ đó là lần cuối cùng, ông đã không nói gì với bà ngoài câu “Chúc em ngủ ngon”. Ông ước gì ông đã nói ông yêu bà và ông yêu bà nhiều như thế nào. “Bạn hãy tưởng tượng phải sống với điều đó suốt đời. Hy vọng là bạn đã nói điều đó với người có ý nghĩa đến thế với bạn.”
Khi ông rời cửa hàng, tất cả những người cùng làm với tôi đều nhắn nhủ ông hãy mạnh mẽ, và chúng tôi đều ở đây giúp ông. Ông mỉm cười và gật đầu đáp lại sự chia sẻ chân thành của chúng tôi. Bóng ông khuất dần sau những tòa nhà cao tầng còn tôi đứng đó và nghĩ rất lâu về những điều ông vừa nói.
Hãy nói với những người bạn yêu mến là bạn yêu thương và trân trọng họ như thế nào!
Bạn sẽ sống như thế nào khi người bạn thương yêu nhất, người bạn trân trọng nhất trong cuộc đời không còn bên bạn nữa? Bạn sẽ làm gì mỗi buổi sáng thức dậy? Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mỗi buổi chiều tan sở làm, bạn trở về với căn nhà trống trải, im ắng và một mình đối mặt với sự cô đơn? Rất nhiều câu hỏi bất chợt vang lên trong tâm trí tôi..
Và tôi hiểu ông. Tôi thấy trái tim mình quặn lại khi biết ông đã đau đớn như thế nào. Ông đã sống gần như cả cuộc đời với bà, mỗi nếp sống, thói quen của ông đều có bà trong đó... Và giờ đây, ông chỉ còn lại một mình.
Tôi thấy một người bán hàng gọi điện thoại cho chồng. Cô ấy kể cho chồng nghe câu chuyện và nói với anh ấy rằng cô yêu và trân trọng anh. Sau đó, tôi nhận ra tất cả mọi người đều đang nhắn tin hoặc gọi điện để gửi đi những lời yêu thương và cảm ơn tới những người quan trọng với họ.
Rồi điều đó chạm đến tôi. Tôi thấy mình cũng muốn nhắn tin cho ai đó, chỉ để nhận thấy rằng tôi cũng có ai đó. Hãy nói với những người bạn yêu mến là họ có ý nghĩa với bạn như thế nào trước khi bạn không còn cơ hội nữa.
Không ai trong chúng ta biết chính xác vì sao mình có mặt trên trái đất này. Mục đích cuộc sống chưa được hiển lộ cho chúng ta, vì thế chúng ta vẫn đang sống, phát triển trong khi không ngừng kiếm tìm sự thật đó. Nhưng dù cho chúng ta có mặt ở đây vì lý do gì, tôi tin rằng tình yêu là một trong những câu trả lời.”
Hãy nói với những người bạn yêu mến là họ có ý nghĩa với bạn như thế nào trước khi bạn không còn cơ hội nữa…
Tình yêu hiện hữu ở mọi nơi. Tình yêu nằm trong chính thân thể ta, trong những việc chúng ta làm cho người khác, trong những lời ta nói để động viên, an ủi hay sẻ chia. Nếu may mắn, ta sẽ gặp được người mà ta yêu thương tha thiết. Ta tìm thấy ai đó đặc biệt tới mức có thể sống cả cuộc đời cùng họ. Họ trở thành người bạn thân thiết nhất của ta, là người cùng chúng ta thức dậy mỗi sáng.
Nhưng ngay cả khi chúng ta không tìm được một tri kỷ như vậy, thì hãy cứ giữ ngọn lửa của tình yêu trong trái tim bạn và sẵn sàng trao cho bất kỳ ai mà bạn gặp, làm quen hay trò chuyện. Sức mạnh hàn gắn và thúc đẩy của tình yêu chân thành, vị tha chỉ có qua trải nghiệm chúng ta mới có thể thấu hiểu..
Xuân Dung – Thiên Chân
Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #6 - 03. Dec 2017 , 01:06
 
Câu Chuyện Bát Mì cuối năm ( Truyện Nước Nhật )
Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, sẽ cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân.
21h đêm Giao Thừa, quán mì của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa, chuẩn bị cho lễ Tất Niên của nhà mình. Bỗng tiếng chuông gió trước của vang lên, ông ra mở cửa: Một người phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào. Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con chúng tôi một bát mì được không? Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nói vâng, và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ. Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuýt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không? Người mẹ nhẹ nhàng nói: chúng ta sẽ cùng cố gắng để được như thế nhé! Ăn xong họ lễ phép cảm ơn ra về. Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại...
Một năm qua đi rất nhanh... Lại đến sau 21h Giao Thừa sang năm, ông bà chủ quán dường đã quên, thì lại như năm trước Ba mẹ con líu ríu bước vào như để trốn cái lạnh cắt da bên ngoài. Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì. Ông chủ quán vồn vã, rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì. Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người. Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon, vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới. Xong, người mẹ đứng lên cảm ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà ân cần từ chối: Được ba mẹ con đến đây, và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng thì đã là điều thật quý hóa rồi...
Lại thêm một năm nữa. Ông Bà đã đặt lên tấm biển con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ. Nhưng mãi sau 21h không thấy họ quay trở lại... Ông bà có cảm giác buồn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa hàng để chuẩn bị Tất Niên... Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi Ba Mẹ Con trở lại…
Rồi lại một cái Tết nữa... Đã quá 21h ông bà chủ quán định nói lời cảm ơn cuối năm với mọi người đang còn trong quán thì tiếng chuông vang lên… Ông ra mở, mọi người nhìn ra theo. Ba người : một phụ nữ lịch lãm và 2 cậu thanh niên tuấn tú khỏe mạnh bước vào. Dường như quen thuộc, họ tiến đến chiếc bàn kia. Ông chủ khiêm nhường nhắc: Thưa, chỗ này đã được dành cho người khác ạ... Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên. Ông chủ lễ độ chờ họ gọi. Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi Một Bát Mì… Trời ơi… Mọi người đều quay hết về phía họ: Phải chăng các vị là Ba Mẹ Con ngày xưa? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu...
Dạ vâng, là chúng tôi ạ. Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn nên đã nhiều năm không còn khả năng được ăn mì Tất Niên nữa. Bây giờ mọi điều đã rất tốt đẹp, nên trở lại đây muốn được ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà mà nhờ đó chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua…
Tất cả tràn đầy xúc động đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau.



Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #7 - 26. Dec 2017 , 03:00
 
Xin được phép dời bài viết :  Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ được dời về mục :
Sài Gòn Của Tôi
Lam Sơn
Back to top
« Last Edit: 26. Dec 2017 , 03:02 by LAM_SON »  
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #8 - 26. Dec 2017 , 03:06
 
Người thầy và những tờ giấy bạc cũ

Không biết tác giả

900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó… Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!…

Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”. Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra.

Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm!

900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc. Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển phần sở . Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)…

Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy. Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”. Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”. Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…
------------





Back to top
 
 
IP Logged
 
LAM_SON
Senior Member
****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 302
Gender: male
Re: MỘT PHÚT SUY TƯ
Reply #9 - 10. Jan 2018 , 23:53
 
THUỐC BỔ PHỔI
Từ Thức
7 min •
Báo chí VN gần đây đăng tải một bài báo về lợi ích của…việc hút thuốc lá. Những bài ‘’ nghiên cứu khoa học‘’ loại đó, do lobby của kỹ nghệ thuốc lá bỏ tiền thuê người viết, ở những nước tân tiến, người ta bỏ vào sọt rác.

Ở VN, nơi số người bị ung thư vì thuốc là chiếm kỷ lục thế giới, người ta chuyển đi rầm rộ trên các mạng xã hội.

Bài báo, với cái tựa rất kêu, rất ‘’ hot ‘’ - ‘’Môt đánh giá toàn diện về những lợi ích sức khỏe của việc hút thuốc lá ‘’ - liệt kê ‘’ những lợi ích của thuốc lá, coi như thuốc bổ phổi

Những bài báo loại này, nhan nhản, nằm trong chiến dịch kiếm thêm khách cho các hãng thuốc lá ở những nước chậm tiến, trong khi tại các nước tân tiến, số người hút thuốc càng ngày càng giảm bớt. Họ không ngần ngại bán lẻ, hay phát không thuốc lá trước các trường học . Bộ Y tế hay những người có thẩm quyền làm ngơ, không lên tiếng, vì còn bận buôn bán thuốc giả

CHẾT TRƯỚC 65 TUỔI

Những tai hại của thuốc lá ngày nay không còn là vấn đề bàn cãi nữa. Hàng trăm cuộc nghiên cứu quy mô, theo đúng tiêu chuẩn khoa học đã chứng minh, trong cùng điều kiện xã hội, những người hút thuốc chết sớm hơn những người không hút thuốc. Một trên bốn người hút thuốc chết trước 65 tuổi, rút bớt đời sống 20 năm.

Chỉ riêng ở nước Pháp, 73.000 ngàn người chết mỗi năm vì thuốc lá. Trên 70 ngàn người có thể thoát chết, ở một nước có dân số không bằng 2/3 dân số VN, có một hệ thống an sinh và y tế tiến bộ nhất thế giới, có chính sách chống thuốc lá được coi là ưu tiên quốc gia !
Một trong ba trường hợp ung thư do thuốc lá gây ra. 90% là ung thư phổi, nhưng phải kể các loại ung thư cuống họng, miệng, lá lách, thận vv. Thuốc lá làm tăng áp huyết, tiểu đường, đau dạ dầy và hàng trăm tệ hại khác

TƯ DO

Ở VN không có tự do ngôn luận, nhưng có tự do rượu chè, nhậu nhẹt, hút sách.

Một tuổi trẻ bê tha, bệnh hoạn, bạc nhược là một lớp trẻ lý tưởng cho tất cả những chế độ độc tài. Một thị trường lý tưởng cho các hãng sản xuất rượu, thuốc lá , nơi báo chí dễ mua với giá rẻ mạt, dân chúng ngây thơ, dễ tin, tuổi trẻ phó mặc cho bọn con buôn, nơi tư bản lộng hành gấp trăm lần ở những xứ tư bản.

Tôi không biết chính sách hiện nay của VN đối với những tệ đoan như ma túy, rượu , thuốc lá.

Ở những xứ tân tiến, ngăn chận dân chúng, đặc biệt la tuổi trẻ rơi vào cạm bẫy là ưu tiên hàng đầu.

Nhà nước dành những ngân khoản khổng lồ để giáo dục, thông tin, phòng ngừa, chữa trị. Thuốc là bị cấm tại tất cả những nơi công cộng, tiệm ăn, tiệm café ( những nơi người ta tụ tập để cùng nhau …hút thuốc ). Cấm cả hút thuốc trong xe riêng, nếu xe chở con nít, vì khói thuốc do người khác thở ra có hại không kém cho những người không hút. Khi người đàn bà mang thai hút thuốc, hài nhi trong bụng mẹ cũng hút.

Trên mỗi bao thuốc, luật pháp nhiều nước bắt buộc phải in hình những lá phổi, những cổ họng bị thuốc lá phá hủy

Quảng cáo thuốc lá bị cấm ; trái lại, mở TV, đài phát thanh, báo chí là đụng những lời kêu gọi bỏ thuốc. Tại nhiều quốc gia, như ở Pháp, phí tổn việc bỏ thuốc , từ thuốc men tới bác sĩ, hoàn toàn do nhà nước đảm nhận

LỐ BỊCH

Bài ‘’ Đánh giá toàn diện về lợi ích của việc hút thuốc.. ‘’ là một bài báo giả mạo khoa học, với những lý luận chắp vá, lố bịch, trơ trẽn .

Lobby thuốc lá, rượu đã công bố, cho lưu hành những bài báo tế nhị hơn, hữu hiệu hơn.

Một thí dụ ai cũng biết, từ đông sang tây : nghiên cứu chứng minh nếu uống mỗi ngày một ly rượu đỏ sẽ bổ tim, được các lobbies rượu phổ biến rộng rãi.

Tôi biết nhiều người, dù không thích rượu đỏ cũng gồng mình uống một ly. Nhiều y sĩ khuyên bệnh nhân uống thuốc bổ tim. Bởi vì nghiên cứu ( étude ) được thực hiện theo những tiểu chuẩn khoa học, những kết quả rút tỉa có vẻ khách quan.

Nhưng nếu đọc kỹ, chuyện ít ai làm, kể cả các y sĩ, người ta sẽ thấy có nhiều vấn đề :
1 . Étude không đủ lâu, không đủ đông người để kết qủa có giá trị
2. Chất bổ tim ở trái nho. Chỉ cần ăn nho, khỏi cần uống rượu
3. Ít người có khả năng hạn chế 1 ly mỗi ngày. Khi quen ruợu, sẽ tăng lên 2, 3 ly, hay… hai ba chai. 20% trở thành nghiện rượu
4. Rượu nho, nếu bổ tim, chỉ đúng cho những người trên 50 tuổi
5. Nếu bổ tim, rượu tàn phá các bộ phận khác của cơ thể : ruột, gan, dạ dầy, lá lách, và óc não
Lobbies thuốc lá, ruợu có trăm mưu, ngàn kế để bán hàng, kiếm khách. Vô tình, hay cố ý, tiếp tay họ là đóng góp vào việc đẩy tuổi trẻ vào đường chết .

Back to top
 
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra