Tường trình lễ trao giải RAFTO cho Hòa thượng Thích Quảng Độ
2006.11.06
Ỷ Lan, đặc phái viên đài RFA
Sau phần văn nghệ dẫn nhập chuyển sang phần trao giải. Ông Arne Lynngard, Chủ tịch Sáng hội Rafto lên sân khấu đọc bài diễn văn tán thán Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đặt biệt năm 2006, là năm kỷ niệm lần thứ 20 Giải Rafto.

Photo courtesy The Rafto Foundation
Ông nói: "Nhân danh Sáng hội Rafto tôi ngỏ lời cảm tạ sự có mặt của chư liệt vị hôm nay để cùng tham dự tôn vinh Nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam lỗi lạc, Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hòa thượng là người đoạt giải lần thứ 20 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto.
Thật đáng buồn là vào giờ này, Hòa thượng bị quản chế trong ngôi chùa của ngài ở Saigon. Nhà cầm quyền Việt Nam tố cáo Hòa thượng Thích Quảng Độ có những hoạt động thúc đẩy sự chia rẽ. Nhưng Hội đồng Sáng hội Rafto mạnh mẽ phản bác luận điệu này của Hà Nội".
Về hiện trạng Việt Nam, ông Arne Lynngard trình bày như sau: "Trên phương diện chính trị, nước Việt Nam ngày nay là Ba Lan và Tiệp Khắc vào những năm 1970, thời mà Công đoàn Đoàn Kết và phong trào Hiến chương 77 xuất hiện. Đó cũng là thời kỳ Giáo sư Thorolf Rafto vận động cho các nhà ly khai sau bức tường sắt.
Giống như nước Tiệp Khắc 30 năm trước, đa số người dân Việt sợ hãi khi phải nói lên ý kiến họ. Bộ máy công an đàn áp có mặt khắp nơi. Chỉ những ai thực sự dũng cảm mới dám cất lên tiếng nói. Đặc biệt khắt nghiệt cho giới người trẻ và những ai đang có gánh nặng gia đình.
Dân tộc Việt Nam sống trong sợ hãi từ 50 năm qua. Riêng cái chữ "Công an" đã làm cho nhân dân khiếp sợ. Hòa thượng Thích Quảng Độ giải thích rằng sợ hãi đã thành thiên tính thứ hai của người Việt. Đây là một trong những lý do chính khiến phong trào dân chủ tại Việt Nam phát triển chậm."
Vinh danh Hòa thượng Thích Quảng ĐộÔng đánh giá Hòa thượng Thích Quảng Độ là: "Một trong những người Việt Nam bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền lỗi lạc nhất (...) suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc (...)".
Ông Chủ tịch Sáng hội Rafto giải thích ý nghĩa việc trao giải cho Việt Nam hôm nay là: "Bằng cách tôn vinh Giải Rafto lần thứ 20 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi đánh giá cao những khó khăn cực kỳ rộng lớn mà các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang đối diện, với quyết tâm đấu tranh ôn hòa nhằm thay thế chế độ độc đảng Cộng sản bằng một thể chế dân chủ, một nhà nước đa đảng xây dựng trên pháp quyền và tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế."
Ông Arne Lynngard kết luận: "Ngày hôm nay đây tại thành phố Bergen, nhân dân Na Uy cùng với chư liệt vị quan khách nắm lấy tay những bằng hữu Việt Nam để cùng chia sẻ toàn thể viễn kiến dân chủ của Hòa thượng Thích Quảng Độ".
Sau đó ông mời ông Võ Văn Ái lên lãnh giải thay cho Hòa thượng Thích Quảng Độ qua lời giới thiệu: "Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đặc biệt ủy quyền cho ông Võ Văn Ái thay ngài lãnh Giải Rafto. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, là nhà hành động chính trị ưu tú, nhà báo, sử gia và thi sĩ sống lưu đày tại Paris. (...)".
Và đây là lời đáp từ cảm tạ của ông Võ Văn Ái: "Tôi cực kỳ xúc động đứng trước quý vị hôm nay để thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh giải. Xin trân trọng tạ ơn Sáng hội Rafto đã vinh danh một Người Việt Nam Bảo vệ Nhân quyền với tặng thưởng sáng giá. "
Ông Ái đánh giá cao sự đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Việt Nam ngày nay: "Quý vị vừa vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ như một "thế lực kết hợp", và là một biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên tại Việt Nam. Nhưng đã từ lâu trước, suốt cuộc đời dài, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đem lại cho đồng bào Việt Nam sự tự do cao quý nhất: đó là Tự do thoát ly khỏi Sợ hãi."
Bức tường câm lặng tại Việt NamPhê bình thái độ tiêu cực của các quốc gia Tây phương trước vấn đề nhân quyền và dân chủ, ông Võ Văn Ái kêu gọi Tây phương áp dụng "Quyền Can thiệp":
Hòa thượng Thích Quảng Độ. Photo IBIB.
" Nhưng hôm nay đây, Sáng hội Rafto phá đổ bức tường lặng câm tại Việt Nam. Khẳng định và xác định Quyền, nếu không là Nghĩa vụ, của các quốc gia dân chủ hậu thuẫn những dân tộc bị tướt đoạt tự do và nhân quyền. Trong tinh thần nhân đạo, nghĩa vụ ấy gọi là "Quyền Can thiệp".
Với hy vọng "Thượng đỉnh APEC sắp tới sẽ lắng nghe bức Thông điệp do Sáng hội Rafto gửi tới, để hậu thuẫn cho tiến trình dân chủ hóa ôn hòa tại Việt Nam", ông Ái kết luận:
"Kịch tác gia Henrik Ibsen, mà năm nay nhân dân Na Uy kỷ niệm một trăm năm ngày mất, từng viết rằng: "Dễ biết bao cho ta ẩn náu trong lâu đài trên mây. Và cũng dễ biết bao để xây dựng những lâu đài như thế !".
Ngày 4 tháng 11 năm 2006 tại thành phố Bergen này, nhân dân Na Uy đã đưa lâu đài trên chín từng mây kia xuống xây trên mặt đất. Cho phép tôi làm mấy câu thơ tặng Henrik Ibsen và Sáng hội Rafto:
Hòa bình là một nụ hoa
nở giữa tình yêu và tiếng hát
Ôi cho tôi xin thêm muôn nghìn Đôi Mắt
để tôi khóc lớn Niềm Vui
và nhìn quanh
mong manh bông hoa nhỏ
chưa một lần ngưng nở đã thiên thu. "
Tiếng Việt
--------------------------------------------------------------------------------
© 2006 Radio Free Asia