Mưa trái mùa: Sài Gòn chìm trong biển nước
Cơn mưa trái mùa nặng hạt kéo dài hơn 2h vào chiều 7/3 đã "nhấn chìm" Sài Gòn trong biển nước. Rất nhiều con đường nước dâng cao gần tới 1m, giao thông tê liệt trên nhiều tuyến đường.
Ngập từ trung tâm...
Tại trung tâm thành phố, đường Lê Lợi ngập trắng xóa từ công trường Quách Thị Trang kéo dài đến ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Giao thông trên tuyến đường này tắc nghẽn, nhiều xe gắn máy bị chết máy. Sinh hoạt kinh doanh của các cửa hàng dọc hai bên đường hầu như dừng hẳn. Rất đông người nước ngoài trú mưa nhìn ra đường lắc đầu ngán ngẩm.

Đường phố trung tâm Sài Gòn ngập đầy nước.
Ảnh: Lê Du An
Theo ghi nhận của TS, các con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn ... cũng trong tình trạng tương tự. Tiểu thương của chợ Bến Thành dở khóc dở cười khi nước mưa từ 4 phía tràn vào chợ. Nhiều tiểu thương đã phải di chuyển hàng hoá lên nơi khô ráo hơn.

Chạy "lụt". Ảnh: Lê Du An
Tại phường Tân Định (Q.1), đặc biệt là đường Trần Khánh Dư và các con hẻm "xương cá" đã bị ngập nặng. Điều đáng nói là khu vực này cách kênh Nhiêu Lộc chưa đầy 100m nhưng nước vẫn không thoát được và đã nhiều năm nay, chỉ cần một cơn mưa nhỏ nơi đây ngập trắng. Nhiều người dân rất bức xúc về hệ thống thoát nước không hiệu quả mặc dầu trước Tết, đã thi công xong công trình thoát nước.
Trên đường Trần Quang Khải, từ giao lộ Trần Khắc Chân đến đường Hai Bà Trưng cũng không thoát ngập. Con đường này chỉ mới xuất hiện ngập từ hai năm nay. Đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu, Bà Lê Chân, nước lên quá gối đã phong tỏa mọi nẻo đường vào chợ Tân Định. Một tiểu thương của chợ cho biết: “Cứ mỗi lần mưa chúng tôi lại ... ngồi ngáp chờ khách”.

Nhiều nơi ngập sâu đến 1m. Ảnh: Lê Du Ann
Cũng tại khu vực này, nhiều con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cầu chìm sâu trong biển nước. Thậm chí có những con hẻm nước dâng lên đến nửa vách nhà và nhiều hộ gia đình đã phải chịu nhiều thiệt hại bởi nước ngập gây hư hỏng các thiết bị sử dụng điện.
Tuyến đường 3 tháng 2, Q.10, khúc ngay trước cổng trường Học viện hành chính Quốc gia ngập nghiêm trọng. Cổng trường, sân trường của Học viện hành chính Quốc gia lênh láng nước. Nhiều sinh viên phải leo lên tường rào, đi mon men từng chút một để tránh phải lội xuống dòng nước đen ngòm, mùi hôi thối của nước cống bốc lên nồng nặc.

Tiểu thương ngồi bó gối vì ngập. Ảnh: Lê Du An
Cách đó không xa, ngày trước cổng Nhà hát Hòa Bình, mực nước ngập cũng lên tới 30 - 40 cm, gây ắc tắc giao thông nghiêm trọng. Tại đây, hai nhân viên của Công ty thoát nước đã phải tháo nắp cống lên cho nước chảy nhanh hơn.
... đến ngoại thành
Không chỉ những quận nội thành mới ngập, mà các quận ngoại thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ở quận Bình Thạnh, đường Nguyễn Hữu Cảnh thêm một lần nữa lâm vào cảnh ngập nặng. Con đường này như một con bệnh nặng: hết ngập mưa lại đến ngập vì triều cường. Các con đường khác như Ngô Tất Tố, Bình Quới, khu vực Văn Thánh cũng không thoát cảnh sống chung với nước.
Cũng trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều chỗ nước ngập ngang bụng khiến nhiều người đi bộ cũng không qua được. Toàn bộ ô tô, xe máy… đều không thể nhúc nhích. Một số nhà dân hai bên đường cũng bị ngập hoàn toàn, nhiều cửa hàng buôn bán, hàng hóa bị ngập nước nhiều.

Giao thông hỗn loạn. Ảnh: Lê Du An
Trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cửa hàng Vina Giầy đến siêu Thị Co.op Mart, nước dâng cao cộng thêm lô cốt giữa đường đã làm cho xe cộ bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Khu vực xung quanh chợ Tân Sơn Nhất (Gò Vấp) kéo dài đến đường Hoàng Minh Giám, lượng nước mưa khá lớn vượt quá khả năng thoát của hệ thống cống đã làm cho nhiều nhà dân chung quanh lâm vào tình trạng điêu đứng. Các sạp hàng trong chợ cũng hiu hắt không kém những ngôi chợ bị ngập khác.
Các tuyến đường Kinh Dương Vương (Q.6); Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) ... ngay khi trận mưa chưa kết thúc đã gây ngập nghiêm trọng, có chỗ bị ngập khoảng 40 – 50 cm.
Mưa trái mùa kéo dài đến hết tháng 3
Lý giải về cơn mưa trái mùa, Th.s Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: “Không chỉ cơn mưa chiều nay, mà trong những ngày tới sẽ có nhiều cơn mưa trái mùa liên tiếp xảy ra vào các buổi chiều, sau đó lại đến đợt nắng nóng…hiện tượng đó sẽ kéo dài cho hết tháng 3. Vào tháng 4 sẽ xuất hiện gió tây nam ở tầng thấp khi đó mới bắt đầu chuyển từ mùa khô sang mùa mưa”.
Theo Th.s Lan, cơn mưa ngày 7/3 do xuất hiện của khối mây giông phát triển rất mạnh từ 13h chiều. Mưa trên diện rộng tại tất cả các quận, huyện tại TP.HCM. Riêng các quận như Q.1, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận...có lượng mưa lớn nhất, khoảng 80mm gây ngập nước từ 20 đến 30 cm.

"Rốn lũ" đường Nguyễn Hữu Cảnh trông sông.

Xe ô tô gầm cao cũng chết máy. Ảnh: Tử Trực
Ngoài ra, TP. Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, Long An cũng bị mưa do ảnh hưởng của khối mây giông này.
Th.s Lan cũng cảnh báo, do mùa giông sét đến sớm và cường độ mạnh trên diện rộng, bắt đầu từ 20/3 đến đầu tháng 5. Người dân cần chú ý đề phòng những tác hại do giông bão gây ra. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, gây ảnh hưởng rất nhiều đến cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là các ruộng muối sẽ bị mất trắng hoàn toàn.
*
Nhóm PV TS