phu de
|
 Nhạc Phẩm “Người Thương Binh” ở Chương Trình Asia 56 qua tiếng hát Đặng Thế Luân. Duy Khiêm Trong chương trình đại nhạc hội trực tiếp thu hình cho DVD Asia 56 ở Houston vừa rồi (ngày 25 tháng 8, 2007), có một nhạc phẩm khá đặc biệt và đã khiến cho nhiều ngàn khán giả hiện diện xúc động, vỗ tay hoan hô rất lâu với phần trình diễn của nam ca sĩ Đặng Thế Luân trong bộ quân phục người lính Việt Nam Cộng Hòa. Bài hát có tên là “Người Thương Binh”. Đây là một trong những sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Anh Bằng phổ theo một bài thơ của thi sĩ Thái Tú Hạp và được Đặng Thế Luân trình bày lần đầu tiên ở chương trình Asia 56 “Mùa Hè Rực Rỡ - Yêu Đời Yêu Người”. Bài thơ này đã được thi sĩ Thái Tú Hạp sáng tác cách đây hơn 10 năm với cái tựa nguyên thủy là “Người Thương Binh Uống Rượu Bên Giòng Sông”.
Ðoạn đầu của bài thơ này như sau:
Rượu uống bao nhiêu chiều rồi nhỉ Chỉ thấy giòng sông đỏ dáng trời Chỉ thấy lòng ta mưa chẳng tạnh Sóng sầu nghiêng ngả mảnh hồn trôi
Bạn cứ đi. Đừng quên người ở lại Ta một mình. Sống được với quê hương Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ Đốt hết tuổi đời nghiệt ngã đau thương
Những lời thơ phổ nhạc của “Người Thương Binh” tuần tự kể lại câu chuyện một lần tái ngộ của hai đồng đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó là thi sĩ Thái Tú Hạp vừa ra khỏi trại tù cải tạo và gặp lại người bạn thương phế binh (đồng đội ngày xưa). Hai chiến hữu, kẻ mang vết thương thể xác, người mang vết thương tâm hồn, gặp lại nhau vào một buổi chiều bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng). Không ngờ đó lại là lần hội ngộ cuối cùng và họ đã vĩnh viễn xa nhau. Một người ra đi theo diện HO, kẻ ở lại chết dần theo ngày tháng vì đói nghèo, bịnh tật. Để diễn tả cảm nghĩ của những đồng đội có cùng tâm sự đang lưu lạc ở bên này bờ đại dương, ca sĩ Đặng Thế Luân đã trình bày nhạc phẩm “Người Thương Binh” với giọng hát thật trầm buồn và như gửi gấm tâm sự của người cựu quân nhân vào từng lời ca, tiếng nhạc. Chàng thương phế binh đã nhớ lại thật rõ ràng những chiến tích ngày xưa:
Bao lần bên giòng sông soi mặt Thoáng nhớ mây trời đỉnh Chu phong An Lộc - Khe Sanh - Đèo Lao Bảo Tử sinh ta xem nhẹ như không
Ngày tháng rong chơi lửa reo đầu đạn Ta giờ lạc mất những đường chim Ngồi lại bên giòng u uất sử Uống giọt cuối cùng máu rỉ từ tim
Chia với cỏ cây nỗi niềm tri kỷ Nhân gian chừng như lãng quên ta Chiều uống rượu bên giòng sông tủi nhục Hát một mình bài hát cũ: Quốc Ca
Đột nhiên ở cuối bài hát, những lời ca trầm hùng của bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa được cất cao lên khiến hàng ngàn khán giả hiện diện đã đồng loạt đứng dậy nghiêm chào để cùng trân trọng tưởng nhớ đến những đồng bào, đồng đội, những chiến sĩ và thương phế binh đã hy sinh cho đất nước VNCH thân yêu của chúng ta. Điều rất ngạc nhiên ở đây là có nhiều thế hệ khác nhau của người Việt ly hương đến dự đại nhạc hội đã cùng nhau lắng nghe bài hát Quốc Ca VNCH do Đặng Thế Luân hát ở đoạn sau một cách thật trang nghiêm:
“Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên. Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dầu cho thây phơi trên gươm giáo. Thù nước lấy máu đào đem báo. Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy. Người công dân luôn vững bền tâm chí. Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi. Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
Công dân ơi! mau hiến thân dưới cờ. Công dân ơi! mau làm cho cõi bờ. Thoát cơn tàn phá, vẻ vang đời sống. Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.”
Hơn 32 mùa Xuân đã trôi qua, những đồng đội cũ trên chiến trường xưa ở quê nhà, ai còn ai mất, ai phiêu dạt quê người ? Mong là tất cả chúng ta sẽ dành ra vài phút để hồi tưởng lại những người thương phế binh bất hạnh ở quê nhà sau khi lắng nghe bài hát “Người Thương Binh” hoặc đọc lại bài thơ nguyên thủy của nhà thơ họ Thái để niềm thương, nỗi nhớ bổng dâng trào làm cay khoé mắt.
Trước khi Đặng Thế Luân bước ra sân khấu để hát bài “Người Thương Binh” này, nhiều ngàn khán thính giả hiện diện đã theo dõi trên màn ảnh truyền hình một đoạn video clip với những hình ảnh mới nhất vừa được thu hình tại Việt Nam, do các thiện nguyện viên thuộc một tổ chức nhân đạo ở Hoa Kỳ ghi nhận được trong dịp thăm viếng và trao quà cho những thương phế binh và gia đình của họ ở quê nhà.
Chắc chắn, khi xem DVD Asia 56 sắp được phát hành, chúng ta cũng sẽ vô cùng xúc động khi nghe MC nhạc sĩ Nam Lộc tâm sự như sau:
“…Trong số những hoàn cảnh đau xót nhất xảy ra sau ngày 30 tháng Tư, 1975 tại Sài Gòn là các thương phế binh của quân lực VNCH bị đuổi ra khỏi bệnh viện Cộng Hòa dù cho những vết thương chiến tranh của họ vẫn đang còn rỉ máu.
Nhiều người đã trở thành què cụt, mù lòa không ai giúp đỡ. Hầu hết phải sống với cuộc đời rách nát tả tơi. Có những thương binh đi xe lăn, suốt ngày lang thang bán vé số ngoài bến xe hoặc những khu chợ để còn được ngày hai bữa cơm. Khổ hơn nữa là những thương binh đã mất đi gần hết phần thân thể của mình, hoặc những người bị hư tủy sống, phải nằm liệt giường từ 32 năm nay. Họ đành phải trông nhờ vào lòng bố thí của những kẻ qua đường…”
Một lần nữa, bài hát này đã khiến cho đồng hương chúng ta nhớ lại những công tác gây quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ cho các thưong phế binh quân lực VNCH và gia đình còn kẹt lại ở quê nhà. Đáng chú ý nhất vẫn là những nổ lực đóng góp công sức của các anh chị em nghệ sĩ của Trung Tâm Asia, Đài SBTN và thân hữu khắp nơi ở những Đại Nhạc Hội “Nhớ Ơn Anh” hay “Cám Ơn Anh Người Thương Phế Binh QLVNCH hàng năm.
NGƯỜI THƯƠNG BINH UỐNG RƯỢU BÊN GIÒNG SÔNG THÁI TÚ HẠP
Để nhớ bạn trước ngày chia tay trên bến sông Đà Nẵng
Rượu uống bao nhiêu chiều rồi nhỉ Chỉ thấy giòng sông đỏ dáng trời Chỉ thấy lòng ta mưa chẳng tạnh Sóng sầu nghiêng ngả mảnh hồn trôi
Bạn cứ đi. Đừng quên người ở lại Ta một mình. Sống được với quê hương Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ Đốt hết tuổi đời nghiệt ngã đau thương
Bao lần bên giòng sông soi mặt Thoáng nhớ mây trời đỉnh Chu phong An Lộc - Khe Sanh - Đèo Lao Bảo Tử sinh ta xem nhẹ như không
Ngày tháng rong chơi lửa reo đầu đạn Ta giờ lạc mất những đường chim Ngồi lại bên giòng u uất sử Uống giọt cuối cùng máu rỉ từ tim
Chia với cỏ cây nỗi niềm tri kỷ Nhân gian chừng như lãng quên ta Chiều uống rượu bên giòng sông tủi nhục Hát một mình bài hát cũ: Quốc Ca
Bao năm thấu triệt đời hư huyễn Tâm động hồi chuông nhung nhớ quê Tưởng đến ngày mai. Thầm ước nguyện Giòng sông thắp nắng đón nhau về
Lâu quá hai phương trời cách biệt Bạn hiền nay đã giạt về đâu! Phố cũ chiều trôi đời nhạt nắng Trong gió vọng nghe tiếng hát sầu ?!...
Xem video từ Youtube
Nghe nhạc mp3 Đặng thế Luân
Người Thương Binh
|