ĐẠI HỘI TRƯNG VƯƠNG NAM CALI 2006


Ban hợp ca Trưng Vương hát khúc chào mừng Đại Hội Trưng Vương Muôn Thuở.
Đại Hội Trưng Vương Muôn Thuở
Đầy Xúc Động Ý Nghĩa
Đêm Chủ Nhật 16 tháng Bẩy, 2006, đánh dấu sự thành công lớn của Hội Cựu Nữ sinh Trưng Vương Nam California (HCNSTVNC) trong việc tập trung được hơn 1200 người gồm quí vị giáo sư, cựu nữ sinh Trưng Vương, và nhiều thân hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự dạ tiệc hội ngộ tại Grand Ball Room, đại sảnh đường hotel Hayatt Regency, Garden Grove. Với chủ đề Trưng Vương muôn thuở, thày trò Trưng Vương đã hân hoa kỷ niệm 50 năm ngày trường Nữ Trung Học khai giảng niên khóa đầu tiên tại miền Nam Việt Nam, đồng thời, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập HCNSTVNC tại quận Cam.
Điểm đáng kể nhất Hội đã mời được và vinh danh 31 nam nữ giáo sư dạy trường Trung học Trưng Vương thuộc nhiều niên khóa. Hiện diện trong Lễ vinh danh, có thày cô đến từ Canada, từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Giáo sư Nguyễn Thị Đức Tân đến từ Việt Nam, cô rất xúc động phát biểu cảm tưởng với phái viên Take2Tango: - Tôi cứ ngỡ đời sống vật chất, cuộc sống xa hoa ở Hoa kỳ, người ta không còn trọng sư, kính thày, nhưng hiện diện hôm nay, nhiều lần tôi đã chẩy nước mắt vì cảm động, bởi tình bằng hữu và nghĩa sư đệ Trưng Vương. Cô Nguyễn Đức Tân nguyên là cựu Nữ Sinh Trưng Vương, sau này cô trở về dạy cùng trường cho đến năm 1980.
Thay mặt cho thành phần giáo chức chúc mừng đại hội, giáo sư Đinh Thị Nại mượn bài thơ của thi sĩ nhà giáo Đông An Hồ, phu quân cựu nữ sinh Trưng Vương sáng tác:
Trưng Vương muôn thuở
Trống Mê Linh đời đời còn vang vọng;
Nước trong xanh cuồn cuộn sóùng Hát giang;
tà áo lam tha thướt dáng Trưng Vưng;
ríu rít chim non rộn khắp nẻo đường...
Mặc thời gian mặc cuộc đời dâu bể,
nghĩa thày trò, tình bạn hữu thăng hoa,
Hội ngộ đây, cùng cất tiếng hoan ca,
kỷ niệm một thời Trưng Vương muôn thuở
Tiết mục này đã lôi kéo toàn thể nữ sinh tràn ra sàn nhẩy, dành nhau chụp hình thày cô, rồi sau đó đám học sinh lôi kéo cô nọ về bàn mình, mời thày kia ra chụp hình với nhóm. Cái không khí dậm đà ấy không thể tìm thấy trong bất cứ buổi tiệc nào của người bản xứ.
Một nhóm Xí được cô Dương Thị Uyên, lôi xềnh xệch về góc phòng, nựng nịu cô, chụp hàng trăm tấm hình.
Chúng tôi len lỏi mãi mới lọt vào giữa các chị, hỏi cô Uyên nghĩ sao về tình thày trò Trưng Vương, cô Uyên vui vẻ như đám học trò: Xúc động lắm, cảm kích lắm, nó thiêng liêng, đi ra ngoài cái thường tình nhân thế, giữa cô giáo với học trò. Nó như một cơ thể chảy chung một dòng máu Trưng Vương trong huyết quản chúng tôi.
Xin hỏi: Lúc còn đi học, mấy chị này có phá không cô Uyên?. Cô giáo Uyên tóc bạc phơ nhưng rất nhanh nhẹn: Có, chứ, mấy nhỏ này ngày xưa phá trời gầm, trốn học vào sở thú như điên, ăn quà như rươi, nhưng có phá mới thông minh và bây giờ mới thành người đấy.
Cái tình Trưng Vương là như thế, buổi tiệc hội ngộ kết hợp hầu hết các thế hệ Trưng Vương từ Hà Nội vào Sàigòn rồi kéo dài cho đến nay. Các nhóm hùng hậu (55-60) rồi (58-65), coi như thế hệ thứ nhất tại miền Nam Việt Nam. Thành phần này đông đảo và hoạt động mạnh nhất. Các nhóm khác cũng rủ rê hàng trăm chị em về Cali.
Màn trình diễn thời trang đặc biệt của Trưng Vương với 80 diễn viên, đại diện cho y phục mỗi quốc gia trên địa cầu.
Từ lúc điểm danh vào hội trường đến giờ khai mạc, Grand Ball Room Hyatt Hotel như một rừng ong vỡ tổ, chỗ này vài chục chị em khóc, cười, vuốt tóc, nắm tay nhau; Chỗ kia vài chị rù rì kể chuyện mình, chuyện đầu, chuyện người, chuyện ta.

Mấy chị từ Việt Nam sang bị lôi kéo từ bàn này sang nhóm khác, hỏi han, mệt đứt hơi. Chị Nguyễn Quỳnh Liên (58-65) từ Sàigòn Việt nam nhận được giấy mời của Ban Tổ Chức ngày 10 tháng Bẩy, Mỹ phỏng vấn ngày 12, lên đường ngày 14, có mặt đúng giờ khai mạc đại hội ngày 16, tâm sự: Đến lúc này tôi vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ. Nghe nói đến đại Hội Trưng Vương, tôi gọi Mai Khanh xin thư mời, cô ấy gởi hỏa tốc về liền. Tôi nghĩ chỉ xin phép cầu may, không ngờ họ chấp thuận liền, chưa kịp chuẩn bị đã lên đường. Quỳnh Liên nói 3 ngày nay chị chưa được nhắm mắt vì hết cô bạn này đưa đi ăn, cô khác đưa đi mua sắm rồi rủ rê về nhà nói chuyện thâu đêm suốt sáng.
Cô Ngọc Trang, em út một gia đình trung lưu ở Sàigòn, có 6 anh chị ở Mỹ và Canada, đã xin phép đi du lịch mấy lần đều bị Mỹ từ chối. Lần này Trang xin nữa, chẳng chút hy vọng gì, nhưng, nhờ lá thơ mời rất professional của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, Tòa Đại sứ Hoa kỳ đọc sơ là cấp chiếu khán cho đi ngay. 21 năm từ ngày chia tay, nay Ngọc Trang mới gặp lại các chị, các cháu. Trang run rẩy tâm sự: Em mừng quá, suốt mấy tuần em không ngủ được, sang đây líu lo với người thân, bây giờ gặp thêm mấy nhỏ bạn Trưng Vương ngày trước em vui muốn nghẹt thở rồi nè. Cám ơn chị Mai Khanh và Hội rất nhiều.
Hai tiếng đồng hồ hàn huyên trước giờ khai mạc chỉ là vớt vát, tâm sự vụn, trong khi, 24 giờ trước đó, các cuộc tiền hội ngộ đã tưng bừng diễn ra khắp nơi chung quanh Little Sàigòn. MC Bích Huyền cho biết, đêm trước, tại nhà hàng Seafoodworld gần 100 chị em Trưng Vương niên khóa 55-60 họp nhóm, bữa tiệc rất huyên náo và cảm động, nhưng cuối cùng lại thêm phần ý nghĩa. Chị Bích Huyền đề nghị: Vui chơi không quên anh em Thương Binh thế là mỗi người có mặt đều đột xuất góp lại, gom vô được hơn 500 đô. Trong bàn tiệc có nhà văn Phan Lac Tiếp, ông hạm trưởng này bèn chơi một màn đẹp, tặng thêm $500 đô tiền nhuận bút viết báo Sàigòn Nhỏ cho các thương binh. Các chị Trưng Vương đã liên lạc với Anh Nam Lộc và bà Hạnh Nhơn để chuyển giao món quà mọn cho các thương Binh VNCH.
Đẹp, thật đẹp!
Với số tham dự viên hơn 1200 người Đại Hội Trưng Vương đã diễn ra thật suông sẻ và thật chí tình, vui vầy thỏa thích. Sau những lễ nghi tổng quát tới phần sở trường Văn nghệ của Hội Nam Cali. Các màn ca nhạc nghệ sĩ chuyên nghiệp xen kẽ với những tiết mục cây nhà lá vườn. Hội Trưng Vương khiêm nhường nhận chữ cây nhà lá vườn nhưng đó là Cây Cổ Thụ. Văn Nghệ Trưng Vương là hết xẩy con cào cào.
Phái đoàn Hoa Thịnh Đốn, với 10 chị em đội mũ phớt, đồng phục đen bó sát thân thế, trình diễn màn vũ Broadway ngoạn mục lắm, các đấng nam nhi há hốc miệng, nghía mệt nghỉ. Đáp lại, Nam Cali đưa ra Trưng Vương thế hệ thứ hai, Bùi Hồng Chi, ái nữ TV Phạm Lan Trân, cô nha sĩ đẹp, tươi sáng, từ đại học Harvard, biểu diễn màn độc múa. Cô cháu đưa quan khách sang thăm Madrid với vũ điệu Spanish Flamingo tuyệt vời.
Vũ khúc Trấn Thủ Lưu Đồn, là sản phẩm ruột của Chu Văn An, nhưng không hiểu sao các chị Trưng Vương (58-65) lại thuổng mất, toàn là các chị tai to, quan lớn anh em CVA chẳng biết thưa thốt cùng ai, bèn vỗ tay khen hay. Hay thật.

Màn vũ Spanish Flamingo hấp dẫn với Bùi Hồng Chi, Trưng Vương thế hệ thứ hai. Tiết mục văn nghệ không ai quên nổi là màn Đại Hội phụ nữ Quốc Tế, màn này thật kinh hoàng, sân khấu rộng 12 X 24 ft không đủ chỗ cho gần 100 diễn viên đại diện các sắc tộc trên thế giới, trình diễn y phục. Hội trường không còn ai ngồi tại bàn nữa, họ tràn hết lên chung quanh sân khấu, tràn xuống sàn nhẩy, đi theo các thiếu nữ mọi quốc gia cùng nhau chào mừng Đại Hội Trưng Vương.
Sau cùng Trưng Vương không thể thiếu màn khiêu vũ, sàn nhẩy vĩ đại của Grand Ball room trở thành hẹp lại, nhỏ quá so với số khách thích tập thể thao, mọi người chỉ đủ không gian nhúc nhích tại chỗ rồi cùng ôm nhau hân hoan hẹn ngày tái ngộ.
Nguồn : Take2tango