Văn hoá dân chủ
Hàn Lệ NhânKhi còn tồn tại những hệ thống độc tài, đảng trị có liên quan trực tiếp đến những người đồng bọc với tôi, tôi chẳng lòng dạ nào bóc tách, chì chiết hệ thống dân chủ mà tôi đã ngẫu nhiên được chia sẻ bấy lâu nay, dù nền dân chủ nơi tôi đang an cư và trong các xứ tôi đã đi qua là hệ thống chưa hoàn hảo trong thực thi và chắc chắn quá Tết Congo vẫn chưa thể là "bất khả tư nghì " – đó là sự thật, nên miễn biện bàn; nhưng tôi dám lấy cái đầu tí tẹo của tôi ra đánh cá là nó ít tệ lậu, ít khuyết tật hơn hẳn mọi hệ thống khác (1), đặc biệt so với loại hệ thống nghe nói dân chủ gấp triệu lần thứ dân chủ thông thường, mà theo lối diễn suy của tôi, tôi gọi hệ thống dân chủ đó là hệ thống của xã hội loài kiến. Xã hội kiến mà tôi biết qua sách vở là xã hội sống theo quy luật thiên nhiên của "lao động là vinh quang", "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu"...; nhân cách hoá thì thành hệ thống "Bao Cấp" lẫy lừng suốt mười năm lịch sử hay quá khứ 1976-1986 (không tính thời tem phiếu mấy chục năm trước 1975 ở Bắc), mà tôi lay hoay mãi chưa biết nên nhớ hay phải quên, và những người trong cuộc – trong đó có gia đình các bác, chú, cô, anh tôi - cần uống liều thuốc nào cho khỏi nhớ? Thời mà:
1- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
2- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
3- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
4- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
5- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
6- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý" !»
(Cao Tự Thanh: Người Việt xấu xí);
thời mà "mua cái đinh cũng phải xin miếng giấy", "ganh nhau từng đoạn chỉ, cái kim"

thời mà một «"căn hộ bé xíu nhưng vẫn phải dành chỗ để nuôi lợn"

thời mà:
Một yêu anh có may ô,
Hai yêu anh có cá khô ăn dần.
Ba yêu rửa mặt bằng khăn,
Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa.. »
(Một thời bao cấp, L. Anh - Tuổi Trẻ Online, 25/06/2006). Còn nghiêm-túc-không-cười như con người mới XHCN thì thời oanh liệt đó phải chính danh là một trong vô số bóng ma của cái hình Tập Trung Dân Chủ (2). À, tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung đối với cái đầu tí tẹo của tôi chỉ là thuật đảo ngữ/hoán từ, Bắc hoá, ngô nghê chữ nghĩa - nặng phần xảo ý lập dị, kẻ cả với hậu tâm chính trị, như Bảo đảm/Đảm bảo, Dẫn dắt/Dắt dẫn, nhà bảo sanh/xưởng đẻ, Máy bay trực thăng/Máy bay lên thẳng, Phẩm chất/Chất lượng, Ngũ giác đài/Lầu năm góc, Hoa thịnh đốn/Oa-sinh-tân, Balê/Pari, Mạc tư khoa/Mátx-cơ-va, Thịt kho Tàu/Thịt kho Trung Quốc...nhưng sao lại Côte d'Ivoire (Ivory Coast)/Bờ biển ngà? Thủy quân lục chiến/Lính thủy đánh bộ - sao là Lính Thủy mà không là Lính Nước nhỉ?) v.v. và v.v...
Định nghĩa về Tập Trung Dân Chủ (TTDC) đầy rẫy trong tủ sách của tôi và u ê trên mạng - đặc biệt bài "Thế nào là dân chủ?", vật chứng đã mời anh Phạm Hồng Sơn vô ăn cơm "nhân dân" mấy năm trời, mà càng đọc tôi càng rối mù bù trất nên phải tự mình xào lại hầu tạm hiểu: Dân chủ (cá nhân) trong hệ thống TTDC là một xa xí phẩm cũng như công lý và pháp luật trong hệ thống này là một xa xí phẩm. Tạm hiểu như thế rồi, tôi cho đó là một luận điểm đáng suy gẫm. Và luận điểm này càng thêm phần sâu sắc, tràn trề tính thuyết phục khi kẻ đương quyền đinh ninh như đinh đóng cột rằng: Các chính quyền dân chủ phổ thông hiện hành trên gần khắp thế giới là loại chính quyền vừa không ổn định, không tự nhiên... chênh vênh trên 2 sắc cạnh - lúc bên nầy, lúc bên kia - của lưỡi lam bầu cử; vừa hao giấy mực, tốn nước bọt vận động rồi xùi bọt mép mè nheo kỳ kèo ghế nầy ghế kia, vừa phí phạm công sức lao động, hao tiền thuế của nhân dân ! Do đó, vì không đủ trình độ để thẩm thấu nỗi "vì dân" của kẻ lý luận, "tập đoàn phản động" trong-ngoài quy oan Thị Mầu cho chính quyền "chí công, vô tư" là chuyên chế độc tài. Chính quyền "chí công, vô tư" tất nhiên nổi bồ đề gai vì Thị Kính hoàn toàn nghĩ khác, tôi diễn cái khác đó thành: hệ thống TTDC-XHCN là một hệ thống cực kỳ dân chủ nơi mà những gì không bị hiến và luật pháp hạn định đều được chính quyền các cấp tùy tiện cấm tuyệt; hơn nữa, là nơi mà "luật pháp là những màng nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con ruồi bé thì mắc kẹt" (3).
Ngoài ra tôi còn vỡ thêm ra rằng, dưới hệ thống cực kỳ dân chủ này, tội bịa đặt, tội xuyên tạc không nặng bằng tội nói sự thật (4); tội nói sự thật có án danh xoay quanh mấy nhóm chữ "bán lước, tiết nộ bí mật quốc gia, bôi dầu bôi nhớt nên hệ thống, lói xấu nãnh đạo" (5) ! Và để thi hành án danh Sự Thật này, mọi phương tiện đều khả thi, răm rắp theo phương châm "mục tiêu biện minh cho phương tiện" (để thay cho câu "bất chấp thủ đoạn, miễn đạt được mục đích" nghe nó côn đồ, Skinhead quá), nhưng tôi có thêm chút thắc mắc: Nếu phương tiện đưa tới kết quả xấu có xác minh là phương tiện – lý thuyết chẳng hạn, tồi không? Trong những kết quả xấu có sự nghèo đói mà nguyên cố TBT Nguyễn Văn Linh, năm 1988, từng tuyên bố "thà mất nước nhưng chúng ta còn dân tộc; đói khổ thì còn tệ hại hơn mất nước vì đói khổ làm dân tộc ta mất đi nhân phẩm"(6):
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi,
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?
[Tố Hữu: Vú em, Từ Ấy, trang 26. Xem nguồn ở chú thích 8]Ngược lại, những thành quả vĩ đại như Đại Thắng Mùa Xuân, Tập Trung Cải tạo, Đổi Tiền, Đốt Sách, Đàn Áp Người Bất Đồng Quan Điểm, Tết Mậu Thân, Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm... hoàn toàn là nhờ phương tiện TTDC-Mác-Lê-Mao khoa-học-đỉnh-cao-trí-tuệ-của-loài-người, chứ Dân Chủ bất ổn định nào mà cả gan muối mặt hoác mồm đạo công, kiểu sự tích chồn quáng gà lọt ổ bầy kiki con chết mẹ bên Quảng Châu xứ Tàu thời xửa thời xưa, lâu lâu lắm rồi, nghe đâu đã sáu mươi bốn triệu năm trước.
*Mấy chục năm nay, mỗi lần cầm lá phiếu bỏ vào thùng phiếu để bầu chọn người đại diện cho mình, từ cấp lè tè lên tới cấp chóp bu, tôi đều sống lại cảm giác nước đôi, nửa phấn chấn, nửa ngao ngán hoặc nói theo "cảm giác" thời đại là bán nam, bán nữ hay phi nữ, phi nam: Phấn chấn vì chắc mẫm kỳ này sẽ chọn đúng người trong mộng. Ngao ngán vì mộng với thực trong tôi là hai phạm trù hoặc ngủ, hoặc thức chứ chưa thể là "đêm giữa ban ngày" được; là hai "kẻ thù bất cộng đái thiên", như ngày xưa rất gần đây, giữa Ta và Đế Quốc vậy. Tuy thế, dù bận bịu, dù đang bù khú cỡ nào tôi cũng tách ra đi bỏ phiếu. Nhất là trong mùa bầu tổng thống, bầu quốc hội, dù bị điều đi công tác ngoài biên giới xa tận đâu đâu, tôi cũng chịu khó tìm cho ra cách để hoàn thành bổn phận công dân (giấy) của một quốc gia dân chủ, như đến đại sứ quán hay gửi qua đường bưu điện (nơi tôi ngụ chưa biểu quyết lối bầu qua mạng như Mỹ, Bỉ, Hoà Lan...); cái quyền công dân mà trước khi lạc qua đây tôi chưa hề biết mùi vị ra sao. Tôi quan niệm thà đích thân dồn phiếu cho người mình kỳ vọng và sau khi họ đắc cử, mình lại thất vọng vẫn ngàn lần hơn tự kỷ ám thị vì nỗi thất vọng cũ để chẳng làm gì cả, khoanh tay nhìn người khác ăn mà mình phải no, né cái không ai có thể tránh được, hoặc như ông hàng xóm "Si noir" (cực đen) ưa ít đùa nhiều thật với ông hàng xóm "Chinois" (Chinese/người Tàu) là thằng tôi: "nếu ông không có ý kiến thì cứ theo ý kiến của tôi" !
Nền dân chủ nơi tôi tạm dung từ... 31 năm qua được ví thể "một thục nữ, mà muốn nàng giữ lòng trung trinh, phải ấy nàng hàng ngày" hoặc nói như Tổng thống Jacques Chirac: "Dân chủ là sự bình đẳng trước các quyền hạn, Cộng hoà là sự bình đẳng trước những cơ may"(7), và tổ chức bầu cử theo nguyên tắc hiến định phổ thông đầu phiếu kín 50% + 1, nên sự đắc/thất cử chênh nhau rất khiêm nhường, bởi thế thật sáng suốt khi Abraham Lincoln cho rằng «mỗi lá phiếu mạnh hơn một viên đạn». Đạn này là loại đạn mà các anh hùng hàng đầu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh rất sợ, sợ hơn sợ bom B52. Vì B52 chỉ tiêu nhà, chết lính, chết dân chứ thứ "đạn phiếu" này "bắn gục" họ ngay, có thể "bắn" họ văng lên trời thành Air People ngay [8] ! Cho nên, chớ có nằm mơ giữa ban ngày là sẽ có trưng cầu này, trưng cầu nọ.
Cuộc bầu cử dưới hệ thống tập trung dân chủ trong mùa xuân vừa qua khẳng định thêm cho tôi là sự nhặng xị "thăm dò ý kiến" ròng rã mấy tháng trời - nghe đâu chỉ tốn tiền thuế có mỗi 28 tỉ, rõ ràng là bổn cũ soạn đi soạn lại nhưng mãi là "nghệ thuật vị nhân sinh siêu đẳng" vì vẫn "thành công vượt bực" trong việc làm cho nhân dân tưởng rằng từ rày họ sẽ được tham gia trực tiếp vào việc điều hành đất nước; và hai chữ Dân Chủ hai năm rõ mười chỉ là cái bánh ảo mà chính quyền vốn chi li cần kiệm – trong lúc đấu đá, dàn xếp ghế trên ghế dưới - hào sảng phóng tay ban cho nhân dân vì, bấy giờ chính quyền cần tới sự thiu thiu ngủ của họ, ít ra cho đến khi sự đã rồi và yên chí cho đến mùa vọng 5 năm sau mới phải tái diễn. Tóm lại, bách gia tranh minh đầu thập niên thế kỷ XXI hay trăm voi hợp xướng rốt cuộc không bằng đọi nước xáo làm sẵn của ông chủ tịch QH tương lai nhưng đã ba sắp sẵn ba sẵn sàng từ tám hoánh ! Đúng với câu "bầu cử dưới hệ thống tập trung dân chủ là người ta không cần phải thức trắng đêm trước kênh, đài mới có thể biết được kết quả". (9)
*Điểm son to lớn của hệ thống TTDC là đã biện chứng một giang sơn nguyên khối nghe nói vốn đã trù phú, thành dải đất, nguồn nước cực kỳ phì nhiêu vì nơi đây mỗi lần trồng một công chức thì mọc thành hai và rất nhiều nghĩa vụ công dân không tên, và nhất là nắm chắc việc ứng dụng phát minh"phản ứng hữu kiện" của Pavlov, dân gian ta gọi là Thói Quen: Đừng để cho nhân dân sống như họ suy nghĩ mà phải nhồi cho nhân dân suy nghĩ như họ sống; bước tiếp theo - bước cuối cùng là làm thế nào choác cho nhân dân con vi-rút hồn nhiên chấp nhận phủ nhận mình để sống còn: Có được nhân dân – con người mới XHCN như thế, hệ thống TTDC mới dễ thở hơn nữa, bền vững muôn năm ! Nhưng con người mới XHCN (10), lớp tiền thất-ngũ là ai?
─ Dạ. Theo em, những con người mới thuộc promo trước 75 gồm những công bộc cổ thụ - chứ không phải công thần hãnh tiến - rất bảo thủ đối với tài sản mà họ đã sở hữu và rất cộng sản đối với những gì còn thuộc sở hữu của chủ nhân!
─ Dạ. Còn theo em, xem ra họ giống hệt những cuốn sách cũ trong tủ sách nhà em: Những cuốn được xếp tuốt trên hàng cao chẳng mấy khi được sử dụng !
"Nghệ thuật vị nhân sinh" trong cuộc bầu chọn cực kỳ dân chủ kể trên làm tôi nhớ tới tích Sáng Thế Ký tân biên: Khi lập địa xong, qua ngày thứ Sáu, Đức Chúa Trời bèn tạo nên người theo hình ảnh Ngài, nhưng chỉ tạc ra một tác phẩm nam là ông Adam. Sau, thấy thủy tổ đàn ông đơn lẻ quá, Ngài mới dùng một lóng xương sườn của ông nầy nặn ra tác phẩm nữ là bà Eva. Xong, Đức Chúa Trời cầm tay tác phẩm phụ gí vào tay tác phẩm chính, phán: Đây nha, con được toàn quyền lựa chọn cho con một người vợ !
Lối được toàn quyền chọn vợ của ông Adam và vở hát bội cực kỳ dân chủ nêu trên lại du tôi lan man nhớ tới ông Chính bên Tàu, ông Adolf bên Đức: Té ra độc tài kiểu Tần Thủy Hoàng, kiểu Hitler là đặt Nhiều quốc gia dưới hạ cước của Một bạo quyền, còn tập trung dân chủ là "kiến trúc" Một đất nước dưới trung phần của Nhiều lãnh đạo chuyên quyền ! Và mỗi lãnh đạo chuyên quyền sở hữu cái mác ĐV, càng thâm niên càng quý - tương tự rượu vang Mouton Cadet, là "thương hiệu đảm bảo chất lượng cao" như thương hiệu Dior trong nước hoa, Apple Macintosh trong vi tính, Sony trong điện tử, Krupp trong sắt thép... và Vina-Acecook trong mì, miến ăn liền. Cho nên, việc tìm hiểu, thẩm định nhân thân-lý lịch-tài đức của mỗi "ứng cử viên" hay lãnh đạo các cấp dưới hệ thống TTDC hay DCTT là thừa vì không cần, là sai vì coi dzậy mà hổng phải dzậy, khi mà bất cứ ĐV cao cấp nào, trong bất cứ lãnh vực nào, người ta đều có thể "linh động bằng phong bì" co cụm vào bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. ĐV bách khoa tầm cỡ nầy, Tây thăng đích danh là dân X, Polytechnicien (11) chứ đâu phải chuyện đùa ! Với tí ti khác biệt, một bên là SV lết ra từ Đại Đại Học Đường, một bên là ĐV bò ra từ Đại Đại Chiến Trường !
Tóm lại, nghị quyết cứ nghị quyết, mổ cứ mổ, cái nhọt ung thư Hồng hơn Chuyên (và nhiều thứ ung thư khác) coi như bất kham, vô phương; điều mà trước khi "tiên hạ thủ vi cường, hạ cánh an toàn", vị thủ tướng nọ đã một lần duy nhất trong đời khải ca là "trên nói, dưới không nghe", và ngược lại "dưới kêu trên im lặng". Trên nói dưới không nghe; dưới kêu trên im lặng tức là "Lục Thập Tứ Sứ Quân" rồi còn gì ! Mà "Lục Thập Tứ Sứ Quân" thì đâu còn là Tập Trung nữa, và cùng lúc đồng nghĩa với nhu cầu phải có một Cờ Lau hào kiệt? Vậy, linh khí nào sẽ tạo ra được một hào kiệt như đất Hoa Lư hơn 10 thế kỷ trước?
Xưa, trong một thời gian khá dài, lúc đầu tôi tự hỏi: làm thế nào góp tí suy nghĩ để điều chỉnh cái hệ thống TTDC/DCTT hiện hành cho tích cực tương hợp với trào lưu thế giới mà vẫn giữ được bản sắc Rồng-Tiên, nghĩa là tôi đã viễn vông ước rằng "sự tiến bộ thực sự của dân chủ không phải là hạ lãnh đạo xuống ngang tầm quần chúng mà là nâng quần chúng lên ngang tầm lãnh đạo"(12). Kế đó, tôi có nghĩ tới giải pháp tuyệt đối phụ-nữ-hoá guồng máy lãnh đạo, nhưng rồi tôi bỏ ngay ý định đó vì, sau khi nghiên cíu kỹ, tôi nhận thức ra chân lý nam nữ đồng nhất thể là các đồng chí nữ cũng tròm trèm 8 lạng nửa cân so với các đồng chí nam, vì nam hay nữ hầu như đồng chất, đồng khuôn, đồng lò. Buông vỏ dưa, chộp vỏ dừa, chẳng bõ công. Sau, tôi có ơ-rê-ka ra "văn hoá nước biển" (tức muốn biết nước biển mặn như thế nào, phải xuống biển, vốc nếm): Lần lượt từng đợt nhỏ, mời lãnh đạo mọi cấp vào nhà nghỉ Hoả Lò đúng 7 ngày, để mỗi vị tự do thể nghiệm thực tế ba-bốn-năm-sáu-cùng với mỗi "cư dân" mãn đời trong đó (chứ không phải để "thiền ôm" hay tập trung cải tạo); hoặc mời các vị ra nghĩa trang Hà Nội hay công viên Lê Văn Tám (xạo) tại Sàigòn (tức nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi cũ) làm công tác bảo quản cảnh quan cho vong linh các danh nhân, tử sĩ của đất nước. Mỗi ngày mỗi vị chỉ có quyền lao động đúng 12 tiếng, thời giờ còn lại, mỗi vị toàn quyền song múa Tai-chi với bạn chung phòng. Đặc biệt 12 tháng trước mỗi Đại Hội toàn quốc về nhân sự, chương trình đi thực tế nước biển phải dành riêng cho Bộ Chính Trị Trung Ương và Hội Đồng Bộ Trưởng (Đại biểu Quốc hội nằm trong chương trình bình thường, hoặc không có cũng chả sao).
Áp dụng không ngừng nghỉ chương trình Nước Biển này từ bây giờ trở đi, tôi bảo đảm mọi tệ nạn trầm kha trong ruột già hệ thống TTDC sẽ giảm ít nhất 50%, trước Đại Hội XI-2011 mấy tuần là ít... Dựa vào đâu mà tôi dám "một tấc thấu trời" thế ? Dạ thưa, dựa vào thực chất con người xã hội khi đứng tách ra khỏi bè, khỏi đảng. Tôi nghĩ, con người mới chào đời vốn phi thiện, phi ác chứ không "chi sơ tánh bản thiện" như cụ Khổng nói, tất cả là từ môi trường, giáo dục, đào tạo. Ai chẳng biết đoàn kết là sức mạnh: Đoàn kết nhiều cái thiện nhỏ thành cái thiện lớn là điều miễn bàn, nhưng đoàn kết nhiều cái ác nhỏ trong một bè, một đảng "tinh vi khoa học" khổng lồ thì cái ác vĩ đại sẽ trở thành tuyệt đối, đến thần linh - nếu có - cũng phải nhỏ lệ, bưng mặt xuôi tay. Tôi vững tin rằng chẳng có ông bố, bà mẹ làm lãnh đạo nào - sạch hay bẩn, thiện hay ác, trong hệ thống hàng dọc TTDC-XHCN, khi đứng chải tóc, ngồi trang điểm trước gương mỗi ngày, lại không động tâm áy náy trước những tệ nạn trầm kha của đất nước. Nhưng do đâu mọi tiêu cực cứ nhơn nhơn tiếp tục "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên không ngừng ? - Dạ. Tại cái bè, tại cái đảng khổng lồ với trăm ngàn thứ vòng vo lẫn quẩn với "đôi mắt thần: chủ nghĩa" (13) "tinh vi khoa học" kia ! Do đó, đêm nay, bây giờ, tôi tự nhũ: làm thế nào để dẹp cái ác khổng lồ đó đi:
"Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối, điêu vong !"
(Tố Hữu: Ý Xuân (1939), xem nguồn ở chú thích 8, trang 35),trả lại bản lai diện mục cho từng cái ác nhỏ, rồi muốn dân chủ đa nguyên hay gì gì đó, tùy ! Bạn quá viễn mơ chăng? ─ Tôi tự biết chứ !
Cũng có lúc tôi trộm nghĩ, cái ác khổng lồ kia phải chăng là một hình phạt quả báo từ quá khứ Nam tiến? Nếu đúng vậy thì mong sao cái hình phạt này chóng dứt ! Còn nếu nó là một sự thử thách, thì phải làm sao cho nó đừng kéo dài.Và trong sự phập phồng của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hiện nay, từ vạn dặm tôi xin gửi tặng chị câu này: "Dân chủ là khi người ta gọi cửa nhà mình vào lúc 4, 5 giờ sáng... và là bà bán xôi đến giao phần điểm tâm tháng, theo thông lệ vào lúc 7 giờ !" (14)
Hàn Lệ Nhân(07/10/06, Tản mạn qua đêm 15 - Tập viết lại từ các sách và tài liệu đã đọc qua, có thể do quên nên còn sót vài xuất xứ, ai biết xin thể tất và rộng lòng bổ túc cho. Xin cám ơn trước, HLN.)
---------------------------
(1) Mượn ý cố thủ tướng Anh, Winston Churchill, 1874-1965.
(2) Bạn có thể vào đây tham khảo chi tiết về TTDC:
http://www.cpv.org.vn/result.asp(3) Honoré de Balzac, 1799-1850.
(4) "Nói sự thật/Nói lừa dối", theo tôi là đề tài nhức nhối đầy thú vị, chẳng kém như khi tản mạn về tự do, dân chủ..., đáng "xào" thành một bài tản mạn lắm chứ.
(5) Bán nước mà không văn tự, không chữ ký, vậy là siêu hơn ngài thủ tướng thâm niên nhất thế giới, năm 1958. Siêu được thế là "hậu sinh khả ố", còn đòi gì hơn. Bí mật quốc gia: mà ai nấy đều biết. Bôi dầu bôi nhớt lên hệ thống: Cổ máy "muôn năm", mới chạy xuyên chữ S có 372 tháng thì cần gì phải bôi thêm dầu nhớt. Nói xấu lãnh đạo: Thế nào là nói xấu? Lãnh đạo nào xấu tệ đến nỗi bị điểm huyệt? Bị nói xấu có nghĩa là lãnh đạo "Tốt" mà bị bêu rêu, vậy lãnh đạo bị hàm oan?
(6) Dẫn theo LS Nguyễn Hữu Liêm: Dân chủ pháp trị, trang 220, Biển Mới xuất bản, Văn Nghệ phát hành, San Jose – California, USA 1991. Tôi có kiểm chứng câu nói này và theo tôi, có thể TBT Nguyễn Văn Linh mượn ý từ câu "Thà mất Nước không thà mất Hạnh" (vì trong hạnh, có nhân phẩm) trong Lục Độ Tập Kinh: Hạnh lắng nghe, Thích Thái Hoà.
LM Hoàng Quỳnh, ngày 27/08/1964 tại Sàigòn có câu tuyên bố: "Thà mất Nước, chứ không thà mất Chúa". Ngoài ra, còn có câu "Thà mất Nước chứ không mất Đảng" nhưng không ghi đích danh tác giả, có thể là một câu phóng tác từ ngoài nước để diễn đạt một sự kiện quốc sự nào đó xảy ra từ trong nước.
(7) Bapu Mahatma Gandhi [1869-1948] có câu tương tự "Dân chủ là phải bảo đảm cho kẻ yếu những cơ may giống như dành cho người mạnh".
[8] Tôi không muốn các ngài được văng ra biển thành Boat People vì thời VN-Boat People đã qua trang, đã được nhà thơ Tố Hữu ưu ái tiên tri và trao bản quyền cho từ 1961:
Đường xa bao nỗi truân chuyên,
Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi.
Đèn vẫn tỏ, thuyền bơi tới trước,
Đảng ta đưa dân nước ta đi...
(30 năm đời ta có Đảng, tập Gió Lộng trong Thơ Tố Hữu, trang 133,
nxb Giáo Dục Giải Phóng - HN 1974).(9) Mượn ý cố Tổng Thống Pháp, Georges Clémenceau, 1841-1929.
(10) "Nếu chủ nghĩa cộng sản không phải để dẫn tới sự sáng tạo một con người mới, thì nó chẳng có nghĩa lý gì cả." (nhà cách mạng cộng sản Á căn đình/Argentine, Ernesto Che Guevara, 1928-1967).
(11) Sinh viên Đại Học Bách Khoa: "Có lương tri và hợp lý: Lãnh đạo. Có lương tri mà không hợp lý: Nhân viên. Hợp lý mà không có lương tri: thảm hoạ." (Auguste Detoeuf, 1886-1947, cựu SV-ĐHBK, Pháp).
- "Sinh viên Đại Học Bách Khoa không theo tả phái (Xã Hội + Cộng Sản và các đảng tả khuynh), cũng chẳng theo hữu phái (Cộng Hoà + các đảng hữu khuynh): Nó là cái trục (X)."(1 cựu SV-ĐHBK không nêu tên).
(12) Gustave le Bon, 1841-1931.
(13) Tố Hữu: Con cá, chột nưa (1944), tập Từ Ấy, sđd [chú thích 8] trang 47. Ghi thêm: "Đôi mắt thần: chủ nghĩa" là đôi mắt gì ? ─ Là đôi mắt trong cuốn 1984 của George Orwell; là "Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt, Đảng ta đây, xương sắt da đồng" (TH: 30 năm đời ta có Đảng, sđd trang 133); là "Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi... Không gì vui bằng đôi mắt Bác Hồ cười" ! (TH: Sáng tháng năm, tập Việt Bắc, sđd trang 93).
(14) Mượn ý Henri Jeanson (1900-1970), có nơi ghi là tác giả câu: Chủ nghĩa tư bản là gì ? – Là người bóc lột người ! Chủ nghĩa cộng sản là gì ? – Là ngược lại ! (tức vẫn là người bóc lột người).