LAM SON
Gold Member
   
Offline

CHANG TRAI TRE VON DONG HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN
Posts: 574
Gender:
|
Vài Suy Nghĩ Tản Mạn Về Saigon
Tôi trở lại Saigon vào đầu hè nóng bức và bụi bặm. Ai cũng phải công nhận là Saigon đang thay đổi nhanh chóng, nhất là về xây dựng nhưng rải rác khắp đó đây vẫn còn quá nhiều điều không hay, không vui, không đẹp mắt cho lắm. Qua vài ngày ngắn ngủi, tôi có dịp nhìn ngắm Saigon kỹ hơn một chút để khi rời Saigon trở lại Mỹ, tôi không sao tránh khỏi sự lưu luyến và trăn trở. Tôi mong lắm một cơ hội được về sống và làm việc tại Saigon trong một ngày không xa, dĩ nhiên trong điều kiện tinh thần thoải mái hơn, ít nhất là một sự bảo đảm an toàn cho bản thân trước đã.
Vào trung tâm Saigon, đường phố ngày càng chật hẹp với lưu lượng xe đủ loại ngày càng tăng, nhà cửa nhiều tầng mọc lên san sát, mật độ dân số ngày một dày đặc. Có vài con đường mới mở ở các quận ven đô (11, Bình Thạnh, Phú Nhuận...) và ngoại thành (Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức...) nhằm giải quyết nạn kẹt xe và vận chuyển hàng hóa đồng thời góp phần nâng cao giá nhà đất 2 bên những con đường này. Tuy vậy, Saigon vẫn còn quá nhiều những con đường tối om, đầy "ổ gà" lầy lội vào mùa mưa và đầy bụi vào mùa nắng dù rằng công việc sửa chữa, nâng cấp và mở rộng các con đường vẫn được tiến hành gần như quanh năm, với kỹ thuật hết sức lạc hậu của những năm Pháp thuộc cộng với nạn cắt xén vật tư ngày càng khủng khiếp. Việc giải tỏa lòng lề đường có nhiều tiến bộ, rõ nhất là khu trung tâm quận Nhất khi các kiosques đã dẹp bỏ để con đường Nguyễn Huệ rộng thoáng hơn. Các công viên cũng đang được tu bổ và trả lại đúng chức năng nhưng cũng ít hấp dẫn trẻ em và gia đình đến những nơi này, nhiều nhất là các cặp tình nhân và người già. Các khu vui chơi (Kỳ Hòa, Văn Thánh, Đầm Sen,...) được nâng cấp và xây dựng thêm nhiều hạng mục nhằm thu hút khách nhưng thực lòng mà nói thì đa số là các công trình điêu khắc, hội họa, cây cảnh mang tính cách riêng lẻ chứ thiết kế tổng thể không hài hòa tí nào, thậm chí đôi lúc sa đà quá mức hay ảnh hưởng quá nặng từ phim ảnh Trung Hoa, chẳng khác nào một chiếc áo sặc sỡ với trăm mảnh vải vụn đủ loại. Giá như Ban Giám Đốc các công trình này có hẳn một ban chuyên môn phụ trách thiết kế và xây dựng thì có lẽ các công trình này sẽ hoàn mỹ hơn.
Ngay như việc thiết kế và quy hoạch đô thị hiện nay cũng còn lấn cấn nhiều vấn đề. Tựu chung, tôi vẫn thấy các giới chức lãnh đạo còn chú trọng quá nhiều đến bề mặt của thành phố và lối giải quyết cấp bách cho những vấn đề trước mắt (ngắn hạn) nhằm vá lấp, sửa chữa hơn là tính toán đến những vấn đề lâu dài hơn như việc xây dựng hạ tầng ( cấp thoát nước, xử lý chất thải, ô nhiễm và môi sinh, điện, cầu đường ...). Có lẽ ngân sách và chuyên viên là 2 lổ hỗng to nhất cho Saigon nói riêng và Việt nam nói chung, tuy rằng Việt Nam không hề thiếu chuyên viên tài giỏi. Cách nhìn và cách làm việc của các chuyên viên trong nước còn nhiều hạn chế, có lẽ do bị chậm trễ sau một thời gian dài "đóng cửa" nên sau khi tham quan và tu nghiệp ngắn hạn ở nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN, họ đã bị lôi cuốn bởi quá nhiều "đặc sản" nên đôi lúc sa đà trong việc nấu nướng một bữa ăn Việt Nam, có khi chế biến với quá nhiều gia vị không mấy thích hợp với cả người trong nước lẫn nước ngoài.
Hệ thống quản lý và điều hành dường như quá cồng kềnh, cổ hủ và quan liêu mà đầu óc lãnh đạo lại không thích cải đổi hợp lý hơn (!). Bên cạnh đó còn lắm điều chướng tai gai mắt, chẳng hạn như chuyện các cán bộ, đảng viên thường tỏ ra mình ở trên pháp luật nên cứ tùy tiện chiếm đất công ( doanh trại, sân bay, bến cảng...) và tự ý chia chác rồi xây cất nhà cửa cũng chẳng cần xin phép ai ! Cũng may, Saigon đã kịp chỉnh đốn trật tự để các công trình kiến trúc đẹp ngày càng thấy nhiều hơn, hạn chế dần những điều không hay trong thiết kế, xây dựng lẫn quản lý đô thị. Nhà phố (4m x 16m / 20m) rất phổ biến ở Việt Nam trước đây đang nhường chổ cho chung cư , cư xá và các biệt thự sang trọng. Các khu vực nhà ổ chuột ven sông rạch cũng đang được nghiên cứu giải tỏa song vấn đề tạo công ăn việc làm cùng lúc với việc xây dựng gấp rút chổ ở mới, việc cung cấp các phương tiện (đi lại, viễn thông...) và tiện nghi căn bản, chưa kể đến việc nảy sinh hàng loạt nhu cầu mới (dịch vụ, giáo dục, đi lại, giải trí... và nhất là môi trường) cho một số lượng lớn người nghèo quả là không đơn giản.
Bệnh viện, trường học và các cơ sở từ thiện ( viện dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi và tật nguyền...) không được tu sửa hay xây mới bao nhiêu, trong khi khách sạn tiếp tục mọc lên, tuy tốc độ có chậm lại nhưng chất lượng và thẩm mỹ rõ ràng khá hơn. Luật xây dựng và cung cách quản lý đô thị mới đang góp phần chuyển biến tích cực trong việc phát triển Saigon thành một trung tâm kinh tế, văn hóa phồn thịnh, đáng kể nhất là hiện tượng lai tạp trong thiết kế và hỗn loạn trong xây dựng đã giảm hẳn. Tuy thế, các tiện ích công cộng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí chỉ giới hạn trong phạm vi thiểu số có tiền (khách sạn, nhà hàng, hiệu buôn sang trọng). Bên cạnh đó, yếu tố lịch sử và kiến trúc cảnh quan (landscape architecture) đã được coi trọng nhưng cây xanh vẫn "đơn điệu" (đa số là eucalyptus) và "khoảng xanh" vẫn thiếu so với mật độ dân cư & tốc độ xây dựng hiện tại, thậm chí vĩa hè Saigon ngày càng mất đi những "con đường có lá me bay" mà lứa tuổi tôi vẫn hằng in đậm trong ký ức. Nhìn chung, trên đường "đổi mới", kiến trúc - cảnh quan - quy hoạch của Saigon đã đi đúng hướng sau mười năm mày mò, vấp váp song vẫn chịu khó học hỏi, sửa đổi, khắc phục kịp thời các sai sót chứ không quá bảo thủ, cứng ngắc, trong đó phải ghi nhận vai trò của giới trẻ. Chỉ khổ nỗi là người Saigon hôm nay đã quen sống theo lệ chứ không theo luật , vả lại luật lệ vốn dĩ rất "linh động" và "khó hiểu" ở Việt Nam!
Cũng như hầu hết các đô thị lớn trên thế giới, trong quá trình phát triển, Saigon cũng phải đối diện với nhiều tệ nạn, tệ đoan xã hội và nhiều nan đề phức tạp về cả tự nhiên, xã hội lẫn nhân văn. Có 3 tệ nạn mà tôi cho rằng Saigon cần sớm chấn chỉnh, khắc phục là tệ tham nhũng hối lộ, các tệ nạn xã hội (mãi dâm, du đãng, nghiện ngập, nhậu nhẹt, cờ bạc, cậy thế đánh người, ỷ quyền chèn ép người lương thiện, quen sống theo lệ nhưng không tôn trọng pháp luật...) tăng nhanh trong khi đạo đức ngày càng suy sụp và tệ phân biệt đối xử (giữa Đảng viên và người ngoài Đảng, giữa người trong nước và Việt kiều. giữa kẻ có thế/ có tiền và kẻ khố rách áo ôm, giữa các địa phương, giữa ngoại kiều và dân Việt, giữa con em gia đình Cách Mạng với con Ngụy,v.v...). Với các loại tệ nạn này, thiết nghĩ tôi không cần thiết nêu dẫn chứng bởi chỉ cần 1 tuần sống ở Saigon hay là bạn có trong tay một tờ báo Công An, Saigon Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Lao động... là bạn sẽ biết được ngay.
Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ với bạn về 2 chữ "Việt kiều" mà người ta cứ gán ghép cho tôi ngay khi tôi về nước. Tôi không muốn "bị" coi là "Việt Kiều" cũng như ngày nào người ta gọi tôi là "con Ngụy" với tất cả sự phân biệt đối xử tệ hơn vậy. Cho đến nay, tôi vẫn không sao quên ánh mắt của bà con bên nhà khi nhìn một Việt Kiều, khi nói chuyện với một Việt kiều y như ngày xưa cán bộ "cách mạng" đối xử với một đưa "con Ngụy" như tôi. Nói thật, tôi rất khó chịu khi người ta gọi tôi là "Việt Kiều" và đối xử với tôi khác hẳn với các em tôi, bạn bè, thân quyến của tôi. Cho dù tôi cải trang, giả dạng thế nào đi nữa thì một cô bán ổi trên phà Mỹ Thuận hay một anh bộ đội tàn phế đi xin tiền ở Long Khánh cũng dễ dàng phát hiện và đối xử khác hẳn, khiến tôi có cảm giác như một kẻ xa lạ, lạc lỏng ngay trên quê hương của mình.
Có bao giờ bạn có cảm giác này không? Chính vì 2 chữ "Việt kiều" mà tôi đã bị làm tiền ngay với những người hàng xóm, với anh công an khu vực, với cả phường đội và Uy Ban Nhân Dân Phường chỉ vì tôi muốn sửa nhà cho mẹ tôi. Họ chỉ muốn tôi "lì xì", tặng quà hay một bữa nhậu để "tìm hiểu xã hội Mỹ như thế nào"(!) qua một "Việt kiều" như tôi. Từ chối hay lảng tránh thì bạn sẽ khó mà lường được phản ứng của họ ra sao nhưng cứ thỏa mãn yêu cầu của họ thì ...Donald Trump cũng ớn. Nếu Saigon vẫn cứ để cho các tệ nạn này phát triển thì tôi tin là cả Việt kiều lẫn ngoại kiều sẽ ..."một đi, không trở lại". Cả 3 loại tệ nạn này cứ chồng chéo đan nhau như những hoạt động hỗ tương, với hệ quả tất yếu là tạo ra sự hỗn loạn, phân hóa, trụy lạc, con người ngày càng quá "thực dụng" và "hiện sinh" mà không cần biết hậu quả ra sao về sau.
Một điều rất dễ thấy ở Saigon hôm nay là chuyện các cô gái kiếm tiền khá dễ dàng qua con đường tắt, ít "vốn" nhất: mãi dâm. Từ chuyện bán trinh các cô bé 13, 14 tuổi đến chuyện chồng chở vợ đến khách sạn để đi "dù" với thương nhân Đài Loan, Đại Hàn.... Từ chuyện buôn lậu gái Việt qua Miên hay Trung Quốc đến chuyện lấy chồng ngoại quốc để tìm một "thiên đường" nhưng lại rơi vào "địa ngục". Quan hệ nam nữ ở Saigon ngày nay cũng rất "thực dụng" và "hiện sinh". Ma túy và sex đang bành trướng dữ dội ở khắp các trường học, ngõ hẻm, đến mức chỉ cần nói đến tên là biết nơi ấy có gì "hấp dẫn" rồi. Nạn trẻ em dưới 18 tuổi bị hãm hiếp, buộc bán dâm, buông thả trụy lạc... ngày càng lan rộng là dấu hiệu rõ nhất cho sự băng hoại đạo đức. Tôi rất sợ Saigon sẽ là một Bangkok hay Hongkong thứ hai với AIDS và tất cả băng hoại mà Âu Mỹ thích hưởng thụ muốn tìm thấy ở Á Châu như là những món đồ chơi (sex toys) mới lạ! Khổ nỗi cái nghèo đói và sự đua đòi đang đốt cháy biết bao thiêu thân trẻ ở khắp các đô thị chứ không chỉ ở Saigon.
Một hiện tượng phổ biến khác là số đông trong lực lượng lao động chính lại thích ăn nhậu, cà phê, thuốc lá, hưởng thụ hơn là chịu khó học hỏi, làm ăn để vươn lên cải thiện cuộc sống của chính họ. Sự rộng lượng hay khắt khe, biết điều hay không biết điều, có tiền hay không có tiền là những phẩm chất đạo đức mới ở Saigon và Việt Nam hôm nay. Ngoài một số ít có tiền khá dễ dàng nên sống hưởng thụ quá đáng, số đông dân ở các khu lao động, ven đô, các tỉnh nông thôn và miền núi vẫn chật vật với "cơm- áo - gạo - tiền " trong cuộc sống thường nhật. Một điều buồn cười nữa là thái độ khúm núm, nể sợ quá đáng của các cán bộ, viên chức trước bọn thương nhân ngoại quốc (chủ yếu là Đài Loan, Hong kong, Đại Hàn , Singapore... ) trong khi người dân lại bị chèn ép, thiệt thòi đủ thứ. Tôi không biết nên vui hay buồn cho Saigon và Việt Nam của tôi hôm nay trước những vấn đề này?
Tôi ghé thăm trường Lê Quý Đôn, nơi tôi đã học suốt 12 năm, gặp lại một vài thầy cũ. Sân trường nay đã tráng xi măng, sạch sẽ từ cổng vào tận cửa lớp nhưng đáng yêu nhất là những gốc cây cổ thụ vẫn còn đó, hoa viên lại gọn gàng, tươm tất hơn. Bao thế hệ đã từ giã mái trường này nhưng mấy ai có dịp về thăm lại trường cũ. Sờ từng chiếc bàn, ngó lại tấm bảng đen, dạo quanh hoa viên, bước lên những nấc thang cũ, nhìn xuống sân trường qua vòm cuốn, v.v...tất cả hình ảnh ngày xưa bỗng chốc ùa về và tôi đã khóc. Tôi mong sẽ có ngày họp mặt cho những ai đã từng học ở Lê Quý Đôn ngay trong khuôn viên trường, có lẽ sẽ là ngày hội lớn nhất trong đời của chúng tôi. Rồi chúng ta sẽ nhắc nhớ kỷ niệm, sẽ có những sinh hoạt tương thân tương trợ nhau hữu hiệu hơn và nhất là sẽ làm một việc gì đó cho trường Lê Quý Đôn, cho Saigon và cho Việt Nam của chúng ta.
Tôi mong sao các trường Lê Quý Đôn, Hồng Bàng, Gia Long, Pétrus Ký... sẽ được gìn giữ, tu bổ đàng hoàng bởi đó là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, có tính truyền thống lịch sử, có tính giáo dục, là khoảng trời kỷ niệm mà không người học trò nào muốn mất mát... Bước đi trên con đường có lá me bay về phía Công trường Chiến Sĩ và khu Nhà Thờ Đức Bà, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui sướng vì tất cả hình ảnh quen thuộc ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thầm cám ơn ai đó đã thiết kế, xây dựng và chăm sóc cho kiến trúc và cảnh quan khu vực này thật tuyệt vời. Ngay khi bước vào chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, tôi vẫn thấy sự tôn nghiêm với nét đẹp phương Đông cổ kính, thanh thoát mà hầu hết các chùa Việt Nam ở miền Nam California không thể nào có được. Saigon đáng yêu, đáng nhớ cũng bởi vì thế.
Tôi nghe nói chợ Bến Thành sắp có thay đổi lớn nhưng tôi vẫn chưa có dịp trông thấy đồ án thiết kế cụ thể ra sao, chỉ mong rằng cái mới sẽ tôn tạo vẻ đẹp quen thuộc của nó chứ đừng phá hủy nó một cách tội nghiệp bởi chợ Bến Thành cùng với cổng Lăng Ông Bà Chiểu đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của kiến trúc Saigon, như Chùa Một Cột ở Hà Nội, hay Chùa Linh Mụ ở Huế vậy. Kiến trúc, xây dựng, cảnh quan, quy hoạch vẫn phải gắn liền với các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị theo quy luật nhân quả và tác động qua lại. Nhận thức đầy đủ các vấn đề đặt ra cho Saigon hôm nay, kết hợp với ý kiến quần chúng và giới chuyên môn, Saigon sẽ tiếp tục đi xa hơn trên đường giành lại danh hiệu "Hòn Ngọc Viễn Đông" của chính mình ngày nào. Tôi tin Saigon sẽ biết lắng nghe, học hỏi,mạnh dạn sửa đổi, từng bước ổn định và sẽ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, chuẩn bị đầy đủ cho hành trình đi vào thế kỷ 21, trong đó giới trẻ Saigon sẽ là kẻ tiên phong. Hy vọng lần về thăm Saigon kỳ tới, tôi sẽ vui với Saigon hơn và được đóng góp một chút gì cho Saigon của tôi...
NGUYỄN ĐẠT __._,_.___
|