khieulong
|
Asia - 53 “Bốn Mùa - Màu Sắc Của Tình Yêu”
Có lẽ nhiều người đồng ý rằng Trung tâm Asia ngày càng mạnh tiến, những bước nhảy vọt thật dài và càng rõ nét về chiều sâu nghệ thuật, nhất là sự thành công vừa qua được khán giả ca ngợi khi Asia - 52 - Huyền Thoại Lê Minh Bằng trình diễn tại thành phố Houston, Texas tháng sáu 2006. Nay đến Asia - 53 Bốn Mùa - Màu Sắc Của Tình Yêu được lưu diễn vào ngày 7 tháng 11-2006 tại Long Beach Terrace Theater, miền Nam California, theo nhận xét chung của nhiều khán thính giả hiện diện đã tán thưởng, không thiên nhiên có bốn mùa biến đổi ngoạn mục trên sân khấu hoành tráng, ánh sáng lại tân kỳ, âm thanh nổi thật linh động như tiếng sấm sét gào thét hay tuyệt diệu như tiếng mưa rơi lồng vào âm nhạc v.v. Thêm vào đó là sự diễn đạt tư tưởng rất trôi chảy của các MC Nam Lộc, Trịnh Hội chững chạc nhưng dí dỏm, và Leyna Nguyễn thì duyên dáng hơn bao giờ khi giới thiệu chương trình, điều này đã đủ làm khán thính giả vui tươi và hồi hộp chờ đón những tiết mục nối tiếp nhau với chương trình chủ đề: Bốn Mùa - Mầu Sắc Của Tình Yêu.

Tôi và Việt Hải trao đổi nhiều đề tài khi viết văn, chúng tôi có cái nhìn chung hay tương hợp về yếu tố: Bốn mùa của thiên nhiên, mà trong cái thế giới hữu hình của chúng ta đang sống, hiển nhiên có âm nhạc, màu sắc và yếu tố vô hình như tình yêu, như sự rung cảm và sự lãng mạn của con tim. Nói đến Tình yêu, một đề tài đã xưa thật xưa, xưa như trái đất được Tạo hóa cấu tạo, ấy thế mà lúc nào cũng mới mẻ bởi lẽ chẳng ai cắt nghĩa nổi tình yêu như thơ Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
hay,
Tình yêu muốn hóa vô biên Một ngày yêu, muốn kết liền ngàn năm Kể từ khi có trái tim Những đôi người vẫn triền miên với đời (Tình Yêu Muốn Hóa Vô Biên – Xuân Diệu)
 Ca ngợi về khía cạnh tình yêu trong âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một dẫn dụ điễn hình qua nhiều sáng tác tình ca xoay quay đề tài này mà hôm nay các ca sĩ nổi danh cộng tác với TT Asia như Don Hồ, Y Phương, Y Phụng, Thiên Kim, Nguyên Khang, Diễm Liên và Minh Thông đã hát lên liên khúc đưa mọi người bước qua chu kỳ của cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, và Đông, để rồi thiên nhiên cho thấy mùa nào cũng bàng bạc màu sắc của mùa đó trong tình yêu, trong những tình tự khúc của Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh Công Sơn mà lời ca thật khúc chiết và da diết:
Bốn mùa như gió Bốn mùa như mây Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi
Đêm chờ ánh sáng Mưa đòi cơn nắng Mặt trời lấp lánh trên cao Vừa xa vừa gần (Bốn Mùa Thay Lá – TCS)
Nhà thơ Huy Cận thì trong Vạn Lý Tình đã viết như sau:
Người ở bên trời, ta ở đây; Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy. Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm, Vạn lý sầu lên núi tiếp mây. Nắng đã xế về bên xứ bạn; Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy. Trông về bốn phía không nguôi nhớ, Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay. Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt, Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày. Chiếu chăn không ấm người nằm một Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.
Cứ mỗi năm, tiết trời chia ra làm bốn mùa, Xuân, Hạ Thu, Đông. Từng mùa cho ta mỗi đặc tính rõ rệt: Mùa Xuân ấm áp, cây cỏ hoa lá xanh tươi làm cho lòng người vui tươi. Mùa hè nóng bức, nhưng lại có cái vui tươi trong nắng hạ, trong không khí rộn ràng của những ngày nghỉ dài của học sinh. Mùa Thu tiết trời thay đổi, đang từ nắng hạ chuyển biến làm khí trời dịu mát, có lúc se lạnh, làm cho cây đang xanh tươi hoá úa vàng, rồi rụng rơi tơi tả, trong cảnh huống đó cũng làm cho lòng người sắt se thay đổi nỗi buồn vui. Mùa Đông đến cây trút lá, cành trơ trọi tang thương. Bằng vào những cảnh vật biến đổi theo mùa ấy mà các nhà thơ, nhà văn cũng như các nhạc sĩ cảm tác theo mùa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sáng tác những nhạc khúc đã mở đầu, đưa chúng ta bước qua chu kỳ một năm Xuân Hạ Thu Đông mà ta thấy trong đó màu sắc của tình yêu và cuộc đời đó là nhạc khúc Những Tình Khúc Bốn Mùa.
Và để đón mùa Xuân tới hai nhạc phẩm Câu Chuyện Đầu Năm và Tâm Sự Ngày Xuân sáng tác của Hoài An với các diễn viên trẻ biểu diễn võ thuật gần đền dại Phật quang là những môn sinh của võ đường Đặng Huy Đức di chuyển từng thế võ linh hoạt, nhịp nhàng cùng với bốn giọng ca đang được khán thính giả mến mộ đó là Thanh Phong, Phương Hồng Quế, Phương Vũ và Ngọc Huyền.
Leyna Nguyễn và Trịnh Hội đã giới thiệu ca sĩ Thùy Dương hát bài Bến Xuân của nhạc sĩ Văn Cao. Trong script chuyện về Văn Cao, MC Trịnh Hội còn tìm tòi một chi tiết khá đặc biệt là theo lời kể lại của bà Nghiêm Thuý Băng, người phối ngẫu của nhạc sĩ Văn Cao thì bài Bến Xuân này có tới hai lời đều là do ông sáng tác. Lời mà ông soạn lần thứ nhất được đặt tên là Bến Xuân viết vào năm 1941, rồi sau đó ông sáng tác thêm một lời thứ nhì nữa thì lại đặt tên cho bài hát này là Đàn Chim Việt vào khoảng năm 1943. Ta thấy bài Bến Xuân có một đọạn lời lẽ như sau: “sương mênh mông che lấp tiếng Oanh ca”, nhưng vì Oanh là một thiếu nữ mà ông quen đã khá lâu, sau này nàng lại trở thành một phu nhân của một vị tướng đương thời, do đó vì sự tế nhị uyển chuyển khiến ông phải tự ý đổi lời thành “sương mênh mông che lấp kín non xanh” đề phòng những điều không hay có thể xẩy ra trong cuộc sống lứa đôi của bà Oanh. Ca sĩ Thùy Dương được ủy thác trình diễn bài Bến Xuân của Văn Cao đã làm cho tình tự mùa Xuân tiền chiến thêm phần hào hứng, làm nao nức nhớ xuân xưa của khán thính giả nào đã từng qua thời kỳ ngày xưa ấy, bây giờ tiềm thức dĩ vãng chợt sống dậy làm thổn thức lòng người.
Để thay đổi không khí, các MC Leyna Nguyễn và Trịnh Hội đã khéo léo dẫn nhập đưa khán thính giả vào một sáng tác của thế hệ trẻ, những người lớn lên tại hải ngoại được thưởng thức những mùa Xuân mới có tên là Above and Beyond, được Trish Thùy Trang trình bày cùng với các vũ công tung bước nhảy rất điêu luyện.
 Một tiết mục về Xuân đáng ghi nhận khi MC Nam Lộc cùng đứng chung với Đại úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ gốc Việt là Đại Úy Michael Đỗ, khán thính giả đã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Trong khi MC Nam Lộc nhắc lại quá khứ, đến những mùa đông lạnh lẽo ở quê nhà trước biến cố tháng Tư đen năm 75. Chúng ta không thể nào không nhắc đến những hình ảnh oai hùng của các chiến sĩ QLVNCH, những người lính trận chiến đấu trong khắp các mặt trận chống lại quân xâm lăng Bắc phương, cùng những nỗi lòng của những người con không thể bỏ tiền đồn để về thăm mẹ già thân thương nơi quê nhà vào những ngày Xuân về Tết đến. Tình cảnh này đã khiến cho nhiều nhạc phẩm ghi lại nỗi niềm đau xót kể trên, nhưng lại cũng ít ai ngờ được rằng chính ngay giờ đây, sau hơn ba thập niên chinh chiến tàn rồi mà những bài hát đó vẫn chính là những tâm sự của những chiến binh Hoa Kỳ đang chiến đấu ở những quốc gia xa quê hương của họ, trong số đó cũng có một phần tâm hồn hoàn toàn Việt Nam góp phần bảo vệ tự do cho nhân loại, đã phải xa gia đình có khi nửa vòng trái đất. Đại Úy Michael Đỗ làm hành động ngoạn mục cho lá cờ vàng ba sọc đỏ phô trương ngay trên xứ dầu hỏa Iraq. MC Nam Lộc đã trang trọng giới thiệu một trường hợp thành công điển hình của tập thể tị nạn người Mỹ gốc Việt là Đại Úy Michael Đỗ, đôi nét về anh, nguyên là một thuyền nhân, theo gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1980 khi vừa 4 tuổi. Và là con trai duy nhất của một cựu Đại úy QLVNCH từng trải qua bao tháng năm trong trại tù trá hình được mệnh danh là “học tập cải tạo”, vì thế sau khi học xong Trung Học, Michael Đỗ đã quyết định tiếp tục xứ mạng dở dang của thân phụ mình để gia nhập quân dội Hoa Kỳ. Anh đã tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng về quân sự là West Point, và đồng thời anh còn theo đuổi việc học để trở thành một kỹ sư ngành chế tạo hỏa tiễn hay phi đạn (missile design); Ngoài ra, anh cũng có bằng Tiến sĩ ngành Quản trị Hành chánh.
Vào năm 2005, Đại úy Michael Đỗ nhận lệnh đi chiến đấu tại Iraq, và đồn trú tại một thành phố đầy biến động là Fallujah. Với tư cách là một kỹ sư quân đội, anh được biệt phái làm việc trong Bộ Tham Mưu của Thiếu tướng Stephen Johnson. Anh tham gia trong những kế hoạch bình định xứ sở nhiểu nhương Iraq. Anh cũng có dịp đón tiếp một người cựu chiến binh tại Việt Nam là cựu Trung tá Olivier North, khi hai người trao đổi kinh nghiệm Iraq và Việt Nam. Điều quý hóa của người trẻ gốc Việt này, anh mang canh cánh trong lòng về nguồn cội Việt Nam và nhớ về quê Cha đất Tổ, nơi mà máu xương của các chiến binh QLVNCH đã anh dũng hy sinh để bảo vệ giang sơn bờ cõi, nên để ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước anh luôn luôn dựng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ tại Bộ Chỉ Huy hành quân của đơn vị mình. Thật đáng khen cho một tấm lòng rất Việt Nam.
Trong tiếng vỗ tay vang dội, tiếng hoan hô đón chào Người về từ chiến trương Iraq: Tiến sĩ, Kỹ sư Đại úy Micheal Đỗ, MC Nam Lộc đã bắt tay anh, và tiếp sau đó là hai giọng ca kỳ cựu của nền âm nhạc Việt Nam thì Thanh Tuyền và Chế Linh lần lượt đã cất cao tiếng hát qua hai nhạc khúc Tình Chết Theo Mùa Đông của nhạc sĩ Lam Phương và Nhớ Một Chiều Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Lời nhạc dẫn dắt chúng về với quê hương ngày cũ:
Chiều buồn ngồi một mình Nhìn mây trôi mênh mang Nhìn đôi chim lang thang, lang thang
Trời buồn người càng buồn Trông mây nước thêm bâng khuâng Nhớ em từng phút mong từng giây em ơi
Biết rằng cuộc tình đầu Thường gây bao thương đau Càng yêu nhau càng xa nhau mãi mãi
Thà rằng người đừng về Cho nuối tiếc thêm dâng cao Để cho tình chết theo mùa Đông năm nao
Người đến tìm tôi một đêm trời bão bùng Giọng nói người xưa như hờn oán Đừng nhắc người ơi mười năm rôì còn gì Anh sợ anh sợ những ngày biệt ly
Thế rồi tình lại buồn Vì ai gây chia ly Vì ai em ra đi mãi mãi Giờ thì còn lại gì Hay muôn kiếp khóc cho nhau Chúc em hạnh phúc trong tình duyên mai sau Tình chết Theo Mùa Đông – Lam Phương

Qua Xuân là vào Hạ, mùa của rực rỡ nắng vàng, có cảnh đi rong chơi phiêu lãng cuối trời, với tình yêu phơi phới, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã viết lên nhạc phẩm Vào Hạ thật rộn ràng, được Trúc Hồ pha trộn âm thanh và phối khí khiến nhạc vang theo nhịp samba vui bước của vùng Nam Mỹ, cho thấy sự kỳ thú khi ca khúc này được hát lên bởi ba tíếng hát của Vina Uyển Mi, Thùy Hương và Dạ Nhật Yến.
Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời, đời bọt bèo phù du kiếp người, dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười, và đời còn mùa hạ tươi vui Và lòng còn nhiều điều muốn nói. Hãy thắp sáng tâm hồn cháy lên trong tim mỗi người những yêu thương cho cuộc đời, mùa hạ ơi, tình phơi phới! Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn, xóa tan đi bao đêm trường, bước ung dung trong cuộc đời .... hạ ơi...

Nói về nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hai MC Nam Lộc và Trịnh Hội đã thay phiên nhau trình bày cho khán thính giả biết rằng nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã diễn tả thật hay và thật trọn vẹn một xóm nghèo trong đêm tối kể cả những hoạt cảnh sinh hoạt trong xóm đêm. Nhạc phẩm Xóm Đêm đã được phơi bày ra hết, rồi MC Nam Lộc mời khán thính giả thưởng thức nhạc phẩm Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua phần trình bày qua 3 giọng nam truyền cảm Anh Khoa, Tường Nguyên và Tường Khuê. Riêng tíếng hát ca sĩ Anh Khoa vẫn trầm buồn muôn thuở, khiến người nghe hình như ai cũng bâng khuâng, chạnh nhớ có những cơn mưa về khi xóm đêm buồn trong hiu hắt.
Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không mầu, qua phên vênh có bao mái đầu hắt hiu vàng ánh điện câu.
Đường dài không bóng. Xa nghe tiếng ai ru mơ màng. Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn. Có đôi lòng vững chờ mong.
Kế tiếp là bài Hoang Vắng do nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác, được ca sĩ Dalena chính gốc người Mỹ hát bằng tiếng Việt nhuần nhuyễn, cô hát với ca sĩ Henry Chúc, một ca sĩ người Việt gốc hoa. Có một điểm đặc biệt là nhạc phẩm Hoang Vắng qua phần hòa âm mới lạ. Ca khúc Mưa Nửa Đêm và Mưa Đêm Ngoại Ô sáng tác do nhạc sĩ Trúc Phương và Đỗ Kim Bảng, đó cũng là những ca khúc lãng mạn nói về - Mưa - mà hai giọng ca một nam và một nữ đó là ca sĩ Tuấn Vũ và Mỹ Huyền trình bày cũng thật điêu luyện.
Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa Từng hạt rơi gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang Anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ gói trộn trong tuổi nhớ . . . Khi trót gửi những hình ảnh của tim vào lòng đêm Những kỷ niệm cho nhau nếu mất đi xin đừng quên Tôi thích đi trong niềm vui và đêm rớt những giọt mưa cuối cùng Mưa nửa đêm mưa vào gác nhỏ ... Mưa buồn mưa lạnh vào tim (Mưa Nửa Đêm – Trúc Phương)

Tiếp đến một trích đoạn vở tuồng cải lương Chung Vô Diệm do ba nghệ sĩ Tuấn Hùng, Hương Huyền và Ngọc Huyền trình diễn thật xuất sắc. Kế tiếp thì khi nói đến Đoàn Chuẩn và Từ Linh là nói đến Nhạc mùa Thu. Mùa Thu lại có âm nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh. Ngược lại, nhạc của Đoàn Chuẩn Từ Linh đã thực sự đi liền với mùa Thu. Những yếu tố bất khả phân ly. Nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh hầu hết đều mang hình ảnh mùa Thu như Lá Đổ Muôn Chiều, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Lá Thư, Tà Áo Xanh, Thu Quyến Rũ, v..v..., mà trong đó dáng Thu về có khi chỉ phảng phất, nhưng có khi thì lại thật rõ rãng, với lời ca trữ tình, lãng mạn, nhưng giản dị và dễ nhớ khiến cho ai cũng có thể hát được một vài câu như: “Nhớ tới mùa Thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương, nét bút đa tình lả lơi…”.
Hai ca sĩ Diễm Liên và Nguyên Khang đã hát Liên Khúc Mùa Thu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh rất chuẩn, đưa khán thính giả cảm giác như đang sống trong không khí mùa Thu.
Kỹ thuật âm nhạc của Asia nghe hay, lạ tai người ta không quên những nhạc sĩ đã miệt mài làm việc sau hậu trường đã trau chuốt phần hòa âm, phối khí cho toàn bộ những nhạc phẩm trong chương trình hôm nay được thăng tiến hơn, những tay phù thủy âm nhạc trẻ đó không ai khác hơn là bộ ba Trúc Sinh, Trúc Hồ và Sỹ Đan. Ngoài ra cũng ghi nhận sự hiện diện của một lực lượng khá hùng hậu gồm các nhạc sĩ ưu tú của dàn nhạc thính phòng thuộc Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, hợp cùng The Asia Band.
Sau Liên Khúc Mùa Thu của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đã được gởi tới khán thính giả thì Leyna Nguyễn và Trịnh Hội giới thiệu về mùa Thu có những lá vàng bay, có những cảnh chia ly như cảnh chiếc lá lìa cành qua bản nhạc Mùa Thu Lá Bay, mà nó cũng tựa đề của cuốn phim làm rung động hằng triệu con tim, dựa theo cuốn tiểu thuyếtt trùng tên của nhà văn Quỳnh Dao. Trịnh Hội trình bày video script ngắn về nhà văn Quỳnh Dao. Nhạc phẩm Mùa Thu Lá Bay đã được soạn lời Việt từ đầu thập niên 1970 và cũng đã được rất nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1980 nữ ca sĩ Kim Anh đã làm sống lại ca khúc bất hủ này tại hải ngoại. Nhưng chính Kim Anh nhìn nhận nhạc phẩm Mùa Thu Lá Bay đã mang tên tuổi của cô đến với người yêu nhạc. Đó là lý do mà người ta thường gọi cô là “Kim Anh Mùa Thu Lá Bay”. Và một trong những điều ngạc nhiên nữa mà ít người biết được tác giả lời Việt của bài hát Mùa Thu Lá Bay này lại là nhạc sĩ Nam Lộc, vì lời Việt rất trau chuốt, mượt mà và rất tình tự. Nhưng Nam Lộc không ghi tên mình, mà lại lấy bút hiệu là Lệ Thanh, sở dĩ anh lấy tên này vì rạp Lệ Thanh lúc đó là nơi đang chiếu bộ phim Mùa Thu Lá Bay đầu tiên tại Việt Nam. Nhạc phẩm bất hủ Mùa Thu Lá Bay, nhạc Hoa, mà lời Việt của Nam Lộc, qua phần trình bày do đôi song ca, bằng song ngữ Hoa và Việt với Kim Anh và Thái Doanh Doanh. Thái Doanh Doanh chính là ái nữ của hai nhà thơ Thái Tú Hạp và Ái Cầm, cũng là nhà báo rất nghệ sĩ tính tại miền nam Cali.
Khi mà nhà thơ Hữu Loan đã rất tâm đắc câu Kiều của văn hào Nguyễn Du là “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chử Tài”. Trịnh Hội đã dùng câu nói bất hủ của đức Đạt La Lạt Ma là: “Dance like no one is watching. Work like you never have to get paid and love like you’ll never get hurt”, tạm dịch là “Hãy Nhảy Như Không Một Ai Nhìn Bạn, Hãy Làm Việc Như Bạn Không Bao Giờ Cần Được Trả Tiền và Hãy Yêu Như Bạn Sẽ Không Bao Giờ Bị Đau Khổ”. Hãy yêu cho đến tận cùng như tình yêu cuối cùng, như chiếc lá cuối cùng đã rơi theo chiều gió. Như vậy đó, xin hãy nghe nhạc phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng của Nhạc Sĩ Tuấn Khanh qua hai tiếng hát của Y Phương và Bảo Yến.
Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông khi thiên nhiên thay hoa, đổi lá, khi người ta phải vất vả xúc tuyết để dọn đường đi, nhưng cũng được hưởng cái thú trượt băng trong không khí tươi vui nhộn nhịp, thì dường như chúng ta chỉ nhắc đến cuộc sống tại hải ngoại, chứ thật ra ở trong nước, ngoại trừ miền bắc mà Hà Nội là tiêu biểu có bốn mùa. Còn miền Trung và miền Nam Việt Nam thường chỉ có hai mùa Mưa và Nắng, hay mùa Khô và mùa con nước dâng cao làm cho lũ lụt tàn phá mùa màng hoa trái. Riêng miền Trung năm nay, đã có biết bao nạn nhân của thiên tại phải trải qua những mất mát, những khổ đau do lụt lội gây ra. Trước sự khốn khổ cùng cực này, các nạn nhân bão lụt miền Trung vẫn còn đang phải hứng chịu dài dài! MC Nam Lộc và Leyna Nguyễn đã nói: xin hãy nghe một ca khúc tiêu biểu diễn tả về số phận hẩm hiu cùng hoàn cảnh nghiệt ngã của người dân miền Trung yêu dấu Việt Nam. Đó là nhạc phẩm Tiếng Sông Hương trích từ trường ca Hội Trùng Dương, sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, qua sự diễn tả của ca sĩ Ngọc Hạ:
Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu. Hỡi hò, hỡi hò. Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, lấp Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò.
Hò ơi… Ai là qua là thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh. Hò ơi... Bao giờ máu xương hết tuôn tràn, quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn. Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh, chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh. Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.
(Tiếng Sông Hương - Phạm Đình Chương)
Nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác bài Khi Ta Xa Nhau hôm nay được Lâm Thuý Vân trình diễn cũng được khan thính giả hưởng ứng nhiệt liệt.
Khi MC Leyna Nguyễn đã thay áo dài, cô mặc chiếc áo dài mùa Đông ra sân khấu giới thiệu chương trình cùng với MC Nam Lộc. Điều này cho thấy mùa Đông đã đến để khi nhắc đến áo lạnh mùa Đông thì người ta phải nhắc đến hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam ngồi đan áo ấm cho chồng, cho con trông thật là dễ thương điển hình cho sự hiền thục và là hình ảnh thi vị nhất.
Trong thời khói lửa chiến chinh, người ta đã mục kích bao nhiêu cảnh đời những hình ảnh của biết bao nhiêu thiếu nữ hậu phương hoặc giữa chốn thị thành, âm thầm chong đèn, ngồi đan từng chiếc áo len gởi ra tiền tuyến. Những người vợ, người yêu của các anh lính chiến đã gởi gấm cả tấm lòng thương yêu, nhung nhớ của mình vào từng đường kim, mũi chỉ. Nàng ngồi đan mà nghĩ đến cái rét của người chiến sĩ nơi xa xôi vạn dặm. Nhìn ra cửa sổ thấy từng chiếc lá rơi như mang theo nỗi buồn nhung nhớ. Và nỗi khổ sầu còn sâu đậm hơn khi biết rằng mùa Đông năm đó sẽ không có người yêu bên cạnh trong đêm Noel khi Thiên Chúa giáng sinh. Để gợi nhớ lại những mối tình đẹp đẽ và cao thượng đó trên sân khấu là những hình ảnh mùa Đông. Và qua hoạt cảnh với hai nhạc phẩm, Chuyện Tình Đan Áo sáng tác của Trường Sa và Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, qua phần trình bày của Băng Tâm và Đặng Thế Luân, chính phần trình bày thật xuất sắc của đôi ca sĩ đã làm khán thính giả gần gủi với kỷ niệm, của không khí Giáng Sinh hơn bao giờ.
Bài thánh ca đó còn nhớ không em Noel năm nào chúng mình có nhau Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt Áo trắng em bay như cánh thiên thần Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang Xin cho đôi mình suốt đời có nhau Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng Ôi giọng hát em mênh mông buồn... . . . Rồi mùa giá buốt cũng qua mau Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu Rồi một chiều áo trắng phai màu Em qua cầu xác pháo bay sau...

Sau đó Nam Lộc và Trịnh Hội đã giới thiệu ca sĩ Ánh Minh và Don Hồ trình diễn bài Bên Em Là Biển Mộng của nhạc sĩ Bảo Chấn. Còn Dalena thì mời khán giả thưởng thức nhạc phẩm Phiên Khúc Mùa Đông, sáng tác do nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang của Ban Nhạc Phượng Hoàng năm xưa, giờ đây sẽ được trình bày qua 3 tiếng hát của Minh Thông, Khải Tuấn, và Dạ Nhất Yến.
Những MC thay cách giới thiệu qua trang phục Noel. Leyna Nguyễn trong chiếc mũ Santa Clause ra sân khấu để giới thiệu nhạc Thánh ca mừng Giáng Sinh. Nhạc Anh Mỹ có rất nhiều bài hát thật quen thuộc mà ta thường nghe trong mùa Giáng Sinh về như: Jingle Bell, First Noel, Joy to the world, Deck the hall, Silent Night, Sleigh Ride... Nhưng mà nhạc về Giáng Sinh của Việt chúng ta cũng không thiếu gì những ca khúc Giáng Sinh như: Đêm Thánh Vô Cùng, Giáng Sinh Kỷ Niệm, Hai Mùa Noel, Bài Thánh Ca Buồn, Lời Người Ngoại Đạo v..v... Nam Lộc đã mời khán thính giả nghe lại những ca khúc Giáng sinh quốc tế, đã được sáng tác gần 70 về trước, mà Noel nào chúng ta cũng được nghe đi, nghe lại như một truyền thống mà hằng năm vẫn được trình diễn. Màn trình diễn thật hào hứng của the Asia 4 qua liên khúc những bài ca Giáng Sinh Medley Christmas Songs qua nghệ thuật trình diễn thật vui tươi và trẻ trung.
Ca sĩ Phương Hồng Quế được mời giới thiệu về nhạc sĩ Tâm Anh, ca sĩ Phương Hồng Quế là một trong số những ca sĩ đã được nhạc sĩ Tâm Anh chú ý ngay từ những bước khởi đầu của sự nghiệp ca hát của cô, bởi vì giọng hát của cô rất thích hợp với những sáng tác của nhạc sĩ Tâm Anh. Phương Hồng Quế đã có kỷ niệm tình bạn nghệ sĩ với Tâm Anh trước khi anh qua đời tại VN, thật cảm động mà cứ mỗi lần nhắc đến Phương Hồng Quế đều rơi nước mắt. Đó là một kỷ niệm của một kỷ vật, một tấm áo lạnh để phủ thân hình tiều tụy của một người nhạc sĩ tài hoa. Kế đến là hai trong số những tình khúc nổi tiếng của ông: nhạc phẩm Chuyện Tình Không Suy Tư và Phố Đêm, qua phần trình bày của hai giọng hát ngọt ngào Thiên Kim và Y Phụng.
Tình yêu mới vừa hôm qua Mà nay mắt trông mắt cay Lệ nhòa tan nguồn tin yêu Lệ nhòa trôi cơn mê đầy
Người yêu giờ xa xôi lắm Cướp mất thương yêu Em khóc cho ai đêm nay Ai khóc cho em ngày mai ... Người yêu khóc tình ngu si Lệ khô đắm môi tím mi Lệ tràn trôi tình yêu anh Lệ tràn suy tư mang về
Rồi đến bài Phố Đêm chuyên chở tâm hồn mọi người về màn đêm giăng lên những con phố trong tiềm thức cũ và với nỗi buồn man mác.
Phố đêm đèn mờ giăng giăng Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên Phố đêm nhiều lần suy tư Ghi nhớ còn trong đời Những ngày thương tích lớn
Mây đen làm úa trăng gầy Cho nên còn tiếng say mềm Trước thềm ngàn lời vu vơ Vì người hay mơ dòng đời như thơ
Khi tình yêu vừa trở lại trong vườn Xuân tươi sáng, một sáng tác mới nhất cuả nhạc sĩ trẻ Cardin. Bài ca của tuổi trẻ vì khi mùa Xuân đến làm người ta yêu nhau đã gợi lòng cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm Thầm Yêu này. Bài hát lại qua giọng hát chính tác giả là nam ca sĩ Cardin.
Sau đó Nam Lộc và ca sĩ Thiên Kim giới thiệu một vở kịch vui nhộn có tựa đề là VÀO XUÂN, với sự góp mặt của Neil Đặng, Thi Phan, đồng thời chúng ta sẽ tái ngộ với đôi danh hài rất dễ mến và cũng là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất hiện nay vì đã luôn luôn lo lắng, giữ gìn sức khoẻ cho nhau: Cặp nghệ sĩ Quang Minh và Hồng Đào.
Mục đặc biệt sau cùng là các Nam Lộc, Leyna Nguyễn và Trịnh Hội, cả ba MC, trong y phục cổ truyền áo dài khăn đống ra trình diện với khán giả. Sau hơn 3 tiếng khán giả đã trải qua một vòng của một năm với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Để rồi sau cùng chúng ta trở lại với những cảm hứng của chu kỳ thiên nhiên là mùa Xuân. Đối với người Việt chúng ta, nói đến Xuân là phải nói đến Tết, vì Tết là thời điểm chuyển mùa, tiễn năm cũ đi đón mừng năm mới đến. Xuân đến là Tết đến, cũng là thời điểm để sum họp gia đình, bạn hữu, để cùng đón mùa Xuân mới. Mỗi năm nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ vẫn được nghe đi nghe lại, bây giờ bài nhạc này được trình bày do cặp uyên ương song ca Phương Thảo và Ngọc Lễ nghe như rung động tâm tư và vui tươi không gian khi Xuân thực sự trở về.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, Ta muốn luôn luôn cười với hoa .
… Hát vang lên đời ta thắm tươi, Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca, Xuân tưng bừng...
Kết thúc màn trình diễn Asia 53 là một không gian vui tươi, tất cả các nghệ sĩ ca sĩ cùng với đoàn lân nhảy múa tưng bừng mừng Xuân mới với tiếng ca chan hoà, pháo nổ đì đùng để Chúc Mừng Xuân Mới. Asia không quên gửi đến khách tham dự những bao lì xì lấy hên đầu năm.

Với Asia - 53 đem lại cho khán thính giả một cảm giác lâng lâng, nôn nao được đón Mùa Xuân Mới thật sớm, vì khi thưởng ngoạn live show trời bên ngoài vẫn còn Đông, nhưng bên trong rạp hát đã thấy không khí Tết rộn ràng. Chủ đề Bốn Mùa - Màu Sắc Của Tình Yêu của ASIA -53 đã gặt hái thêm thành công rực rỡ, chẳng những cho khán thính giả thưởng ngoạn tại Long Beach Terrace Theater, mà còn sẽ đem mùa Xuân về thực sự với mọi người trong gia đình khi xem ASIA - 53 để được dịp chứng kiến tận mắt âm nhạc bốn mùa. Một trong điều cần ghi nhận là sân khấu được thiết trí vô cùng hoành tráng, cảnh vật thiên nhiên lộng lẩy, mùa Đông có tuyết rơi, mùa Xuân hoa nở, mùa Hạ hoan ca hay mùa Thu lá bay,... Đó là nội dung của Asia -53 vậy.
Quý độc giả hãy đón coi DVD -53 sẽ phát hành vào đầu năm 2007 trước Tết Đinh Hợi, một tác phẩm nên có trong mỗi gia đình.
|