Với tôi, hình ảnh người hiền mẫu mang một giá trị thiêng liêng cao quý ẩn chứa trong ý nghĩ riêng tư của mình. Tôi đọc bao nhiêu bài văn viết về Mẹ, mỗi tác giả hình như họ rung cảm khi kể về Mẹ của mình, bây giờ tôi viết về Mẹ tôi cảm nhận được cái tâm tư như họ. Kể về Mẹ là kể về đấng sinh thành gần gũi nhất, vì chính bà mang nặng đẻ đau để có ta. Tôi mường tượng Mẹ tôi từ một cõi xa xăm trở về với tôi trong ngày lễ Mẹ để có Mẹ bên cạnh, dù là ước mơ có bên cạnh với nhiều người rất dễ, đương nhiên vì sẵn có. Nhưng với tôi xem chừng vô vọng vì tôi đã đeo hoa hồng trắng từ lâu rồi.
Tôi yêu câu thơ đồng dao vẫn thường được đề cập trong sách vở, trong dân gian hay trong nỗi quyến luyến trong tâm hồn của tôi:
"Mẹ già như chuối Ba Hương
Như cơm nếp mật như đường mía lau"
Hay câu đồng giao khác nói về niềm ước mơ của sự hiếu thảo của con cái đối với người mẹ:
"Đêm đêm ra đốt đèn trời,
Cầu xin Mẹ mãi sống đời với con"
Tháng tư năm 75 định mệnh đến, miền Nam rơi vào tay cộng sản, xã hội thay đổi, khoảng 5 năm sau khi phong trào vượt biên rầm rộ thì mẹ tôi bàn tính cho chị em chúng tôi đi vượt biên tìm tương lai. Ba tôi là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị nhà cầm quyền CSVN bắt đi tù đày. Mẹ tôi phải bương chải buôn bán tìm sinh kế để nuôi anh em tôi. Tôi nghe mẹ thì thầm to nhỏ với anh tôi dẫn các chị em tôi ra đi, vì quyết định cho 3 chị em tôi và thêm một cháu nhỏ đi theo là một quyết dịnh quan trọng. Điều này tôi có thể đọc trên nét mặt u buồn của bà, Mẹ tôi có lẽ mất ngủ trong nhiều ngày, tin đồn về nạn cướp biển, bị lừa gạt, bị công an bắt lại và những mối lo ở xứ ngoài ra khi mà tôi vừa tròn 10 tuổi, tuổi của non nớt, ngây thơ, tôi theo anh cả ra đi cùng với hai đứa em gái, một 7 tuổi, một 5 và đứa cháu 3 tuổi, con của anh tôi đem theo. Vì tình thế ba tôi cộng tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị giam cầm, mẹ tôi sợ bị theo dõi bắt lại cả đám, Mẹ hy vọng trọng trách nhờ vào anh cả của tôi đưa chị em tôi ra đi. Tôi nhớ buổi chiều trước ngày ra đi, Mẹ dẫn tôi ra chợ đi coi phố xá, thỉnh thoảng bà cúi xuống hôn tôi. Ánh mắt bà long lanh. Tôi nhìn bà, rồi hai Mẹ con ôm nhau khóc. Khi đó tôi không nghĩ đến tương lai như mẹ lo cho tôi, tôi chỉ sợ những khi đi xa cha mẹ, tôi sẽ ra sao khi mà tôi thật sự cần hình ảnh Mẹ đi theo đời tôi. Nghĩ như vậy không thôi cũng dủ bao nhiêu nước mắt tuôn trào. Đoạn Mẹ đưa tôi ra biển, hai mẹ con ngồi dưới bóng cây, hóng gió biển. Nắng chiều đã nhạt dần, tôi nhìn sóng biển trắng xóa từ đằng xa, tôi bỗng buồn thêm, cái cảm giác ngày mai làn sóng kia sẽ đưa chị em tôi xa mẹ cha, xa nơi này mà tôi đã quen thuộc, quyến luyến lấy nó. Tôi nức nở khóc thành tiếng, Mẹ hôn tóc tôi, rồi hôn hai bên má của tôi, Mẹ dỗ dành, Mẹ khen tôi đẹp như Ba thường bảo là tôi giống Mẹ như khuôn. Tôi hiểu giờ đây Mẹ cũng lo lắm, Mẹ đang khóc trong lòng nhiều lắm. Ánh mắt lưu luyến của Mẹ cho tôi linh cảm Mẹ đang quặng đau đứt ruột. Vì có lúc Mẹ ôm siết tôi vào lòng, nước mắt Mẹ rơi trên cánh tay của tôi. Hơi ấm của Mẹ truyền sang tôi để mai đây cái ấm áp đó sẽ theo tôi ra đi. Mẹ dặn dò tôi đủ thứ, nào là nhớ lo cho các em cháu, đừng có buồn mà phải ráng học, lo cho tương lai, tôi phải vâng lời và ráng phụ giúp anh tôi lo cho các em cháu,... Từ từ Mẹ tìm cách ra đi sau, vì con nít đi vắng thì công an không để ý nhiều. Mẹ ở lại nuôi Ba trong tù.
Đêm cuối cùng tôi và Mẹ cùng các em chia tay trong bóng đêm, trên một bờ biển đầy rừng cây che phủ. Lúc đó tôi còn nhớ Mẹ đưa cho tôi một cái mền màu xanh nhạt có những đốm xanh đậm và những đốm nâu xen lẫn, vải màu bông dù của quân đội ngày xưa. Mẹ nói khẽ trong màn đêm khi xuống tàu, Mẹ dặn chừng tôi khi ra biển tôi hãy nhớ lo cho các em, đắp mền cho các em và đứa cháu nhỏ kẻo chúng bị lạnh mà sanh bịnh. Lời Mẹ dịu dàng và lưu luyến như còn mãi trong tâm hồn tôi. Mẹ ôm con cháu lần cuối bùi ngùi trong khi chị em tôi nắm tay Mẹ thật chặc khi bước xuống tàu. Tôi có cảm tưởng sắp mất Mẹ, ngước lại nhìn Mẹ, Mẹ nói vọng theo những câu từ biệt ra đi may mắn, trong nỗi xúc động nghẹn ngào vì sắp mất con. Lòng Mẹ lo lắng vì phần biển khơi, phần vì sợ bị bại lộ, nếu bị bắt thì Mẹ ở lại sẽ lo thăm nuôi. Mấy hôm nay mất ăn mất ngủ Mẹ không được khoẻ, Mẹ vẫn ưu tư từ bản tính sợ anh em tôi có mệnh hệ nào xảy ra cho năm đứa, những khúc ruột chắt chiu của Mẹ.
Xuất phát từ bờ biển Phú Quốc trên chiếc ghe máy nhỏ bé, ghe này y như loại người ta dùng để câu cá, nó nhỏ nhắn đến độ không có gì để che nắng che mưa cả, trên ghe điểm danh được 51 người. Lênh đênh trên biển cả hơn 3 ngày 3 đêm mệt mỏi, thức ăn, nước uống cạn kiệt, bởi vì ghe nhỏ, người đông vì chủ ghe cố ý nhét thêm người, không còn chỗ cho thức ăn cho một chuyến xa xôi. Mọi người chán nản, mệt lã, bao con tàu lớn chạy ngang, nhưng từ chối dừng lại cứu vớt chúng tôi. Tôi nhớ lời Mẹ thường làm cầu xin Phật Quan Thế Âm mỗi khi gặp gian nguy để tai qua nạn khỏi. Tôi quì gối cầu xin trong màn đêm, xin Phật bà cho phép lạ cứu vớt ghe tôi. Đêm về khuya không gian vô cùng lạnh mấy chị em ôm nhau ngủ, và phủ lên người tấm chăn bông dù Mẹ đưa chúng tôi. Anh tôi đã ngủ. Tôi cũng thiếp đi. Tờ mờ sáng như có một phép lạ nhiệm màu là ghe chúng tôi đã gặp giàn khoan dầu của Tây Đức, họ cho phép chúng tôi đổ bộ lên đó. Vì thuộc lãnh hải của Thái Lan, nên 51 người được đưa vào trại tị nạn tạm cư để phân đi xứ nào có thân bảo lãnh. Còn lại chánh phủ Đức bao chót. Cậu mợ tôi ở Mỹ nộp đơn bảo lãnh chúng tôi, nên chị em chúng tôi được tị nạn trên đất Mỹ.
Thuở 1980 rất khó liên lạc giữa Việt Nam và Mỹ, Mẹ không có tin tức, chúng tôi bơ vơ nơi xứ lạ, bặt tin về Mẹ. Hơn năm 5 sau tôi nhận được tin từ người bà con vượt biên sang cho biết Mẹ bị đau nặng và đã qua đời. Tin Mẹ mất như sét đánh ngang tai tôi. Tôi nhớ văng vẳng lời Mẹ nói với tôi những ngày cuối cùng hãy ra đi trước, khi cha tôi ra tù Mẹ sẽ tìm cách đưa cha mẹ qua đoàn tụ sau. Rồi niềm mong ước đó đã không đến với Mẹ nữa. Kể từ ngày ấy tôi phải đeo bông trắng như vành khăn tang chịu cảnh mồ côi Mẹ. Do vậy mỗi năm ngày lễ Hiền Mẫu hay ngày Vu Lan đến tâm hồn tôi cảm nhận sự cô đơn, sự trống vắng bóng Mẹ hiền, những gì ngày xưa sống với Mẹ lại hiện về trong tâm trí tôi. Tôi nhớ về Mẹ mà lòng muốn âu yếm thì thầm bên tai Mẹ:
"Mẹ ơi, Mẹ có biết là những đứa con của Mẹ, do hoàn cảnh trái ngang mà phải tha phương, ra đi xa xứ, lưu lạc nơi quê người, chính là những đứa con khao khát tình phụ mẫu, lưu luyến kỷ niệm ngày xưa, dù rằng đó chỉ là những hình ảnh cũ của những ngày xa xưa, tuy đơn sơ nhưng chân chất, tuy mộc mạc nhưng gắn bó với nơi chốn quê nghèo bên sự che chở của Mẹ, và nhung nhớ về hoài niệm ở quê mẹ trong nỗi ray rứt tâm can:
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều"
Đêm nay trăng sáng như ngày rằm ở quê hương mình, con ngước mắt trông về quê mẹ trong nỗi buồn nhớ Việt Nam, nhớ Phú Quốc, cũng như nhớ Mẹ, câu ca dao cổ xưa đã thấm ướt tâm hồn con, nhạt nhòa bờ mi con, trong niềm xúc cảm vô biên, con xin Mẹ hiểu thấu lòng con, bởi vì:
"Đêm đêm ra đốt đèn trời,
Cầu xin Mẹ mãi sống đời với con"
Dù là Mẹ sẽ sống mãi mãi trong tâm tưởng của con, bởi vì con vẫn mãi mãi thương Mẹ. Con xin được ôm Mẹ, được hôn Mẹ yêu thương như ngày xa xưa."