
Mưa chi rứa... Huế
Nghe mưa Huế, ai cũng phát sợ. Hễ đã mưa là mưa dai dẳng, cứ tối tăm thúi đất, thúi trời. Mưa đến đau lòng những ai lãng du thiếu quê hương. Cái mưa rỉa rói, rúc vào da thịt, nghe cứ nhoi nhói, mơ hồ như một cơn đau. Không phải là thứ mưa tanh tách, mưa của trời, mưa Huế là mưa lòng người mà mưa ra, buồn bã chi lạ. Nó bới móc lòng người, nào là những điều tưởng chừng đã quên từ lâu, những kỷ niệm nằm khuất lấp, tưởng đã không còn nhớ. Có kỷ niệm rờ rỡ rõ ràng, có cái loanh quanh mờ mờ nhân ảnh, nhưng không thể nào quên.
Mưa buồn, mưa nhớ, nhưng mưa Huế còn là cái mưa vui mà người xưa gọi là "hỷ vũ". Còn gì hơn khi trong mưa, chợt gặp bạn cũ, tay bắt mặt mừng, nói chuyện thâu đêm. Nhớ cũng dạo này mười năm, hai mươi năm trước, cả lũ trẻ con chúng tôi đi tồng ngỗng dưới mưa, mà hò hét, mà trêu chọc. Rồi bắt phe đá bóng. Cười hăng hắc át cả tiếng mưa rơi. Xong một trò lại bày ra trò khác. Lựa chỗ con nước chảy xiết, thi xếp thuyền giấy, thuyền lá dừa, thả cho trôi bập bềnh. Hô một, hai, ba, là đồng loạt thả, có đưa ăn gian thả trước, rồi thì cãi nhau toá loà loạ. Có hôm về, kèm với tóc dài bèm nhèm là một cái "sừng" trên trán, do đánh nhau. ấy là mưa của tuổi thơ, cái mưa trong veo như khoảng trời mùa hạ.
Ðã thôi những ngày ầm ập nắng, Huế chuyển sang mùa mưa nhiều thư thả- đó là mưa đầu mùa, một thứ mưa duyên của con trai con gái đến tuổi tìm nhau, ném cho nhau một chiếc khăn tay đầm đìa nước mưa, thay lời hò hẹn. Rồi lũ lượt dưới mưa, những cái bóng đi tìm những cái bóng. Lép nhép trong mưa chỉ có tiếng bước chân thẹn thùa. Ai đó trong làn mưa bụi thoang thoảng, vận sống áo dài, đội nón lá bài thơ lệch, ốt dôột đi tắt lối Trường Tiền. Chiếc áo lụa một thoáng ướt đủ để mưa Huế nồng ấm một thì con gái.
Tôi thường gọi những cơn mưa đầu mùa ở Huế là mưa tình.
Có một dạo vào mùa mưa, một anh bạn người Nam Bộ ghé thăm Huế, cứ nằng nặc đòi lên cho được đồi Vọng Cảnh để... ngắm mưa. Mà quả là ngắm mưa Huế ở đồi Vọng Cảnh thật lạ. Trong màn mưa xám giăng giăng, nước sông Hương như trườn lên đồi, còn ở phía xa là những bóng núi Bình Ðiền mờ khuất. Tôi cho anh biết thêm là mười năm ở Huế tôi còn "phát hiện" ra một số vị trí ngắm mưa vào hàng "tiên chỉ". Một, là lầu Ngũ Phụng Ngọ Môn. Hai, là cái đỉnh cao 100 mét Ngự Bình. Ba, là tầng bốn khách sạn Hương Giang vọng về Ngã Ba Sình. Và bốn là...cái gác chuông của sinh viên "toạ lạc" gần chân cầu Nam Giao, có một cánh cửa sổ duy nhất nhìn ra sông An Cựu. Cố nhiên là vẫn còn nhiều lắm những điểm ngắm mưa Huế thú vị. Nhưng khi đã nói mưa Huế ở trong lòng mưa ra thì chuyện ngắm mưa Huế vạn vật ở một quán cóc bên đường đã là vạn hạnh.
Nhưng cái hồn của mưa Huế không phải ở chỗ ngắm, mà là ở chỗ nghe. Mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những sự va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuỵên xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người.
Còn gì hạnh phúc hơn, khi một ngày sống không có gì vướng bận, thong thả đi dưới trời mưa Huế để thưởng thức những giai điệu của một bản nhạc cổ xưa. Mưa gột đi trong tâm tưởng bao nhiêu phiền muộn. Rồi bất chợt dừng lại dưới hàng hiên nhà ai, ngửa tay hứng những giọt mưa rơi tí tách và lặng lẽ đợi ngày nắng lên.
Hoàng Bình Thi