Tản Mạn về dòng thơ Nhược Thu

Thơ của thi sĩ Nhược Thu đến với tôi thật tình cờ trong những ngày cuối thu năm 2006. Một người bạn thơ thấy tôi hay thích sưu tầm những bài thơ “lạ” cho nên đã gửi tôi xem bài “ Em đi áo lụa cài trâm” của anh
Em đi in bóng lụa vàng
Để tôi thả gió ngỡ ngàng áo bay
Em đi má đỏ hây hây
Tôi buồn nhốt nắng cho đầy héo hon
Môi ai chưa cắn đã giòn
Nghe như sắp vỡ lối mòn trăm năm
Em đi áo lụa cài trâm
Có tôi thắp mảnh trăng rằm chờ mong ...
(Em Đi Áo Lụa Cài Trâm- Nhược Thu)Bài thơ trữ tình đó đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi còn được biết thêm anh là người bạn thơ xướng họa của nhà thơ Thi Hạnh, một cô em gái mà tôi được quen biết trên diễn đàn từ mấy tháng nay. Thế là tôi đã để ý và tìm hiểu thêm về nhà thơ này…
Thi sĩ Nhược Thu tên thật là Tạ Văn Hiến, sinh ngày 27 tháng 3 năm 1946, là người con của vùng đất Ba Xuyên- Sóc Trăng. Anh đã tốt nhiệp từ trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, là một Cựu Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa. Và cũng như bao người lính bại tướng khác anh đã phải trải qua mấy năm tù lao động cải tạo ở miền Việt Bắc xa xôi như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú…Nội chỉ đọc qua tiểu sử của anh, tôi đã thầm kính nể anh rồi, một người đã vừa cống hiến trong công cuộc gìn vàng giữ ngọc nền văn chương nghệ thuật Việt Nam, lại là một người hùng đã từng góp phần xương máu, mồ hôi và nước mắt để gìn giữ đất Mẹ yêu thương…
Thơ của anh Nhược Thu đậm nét lãng mạn. Chữ tình trong thơ anh thì mênh mông lắm, giống như Thi Hạnh đã tâm sự trong lời ngỏ của tuyển tập thơ “Đếm những hư hao” rằng:”…
Chữ tình trong thơ Nhược Thu không chỉ gói ghém trong phạm vi nhỏ hẹp của tình yêu đôi lứa, nhưng còn hàm chứa cả một khối tình cao đẹp là tình người, tình bạn, tình đồng bào, và quan trọng hơn cả là tình quê hương đất nước, mối tình đã in những dấu ấn đậm sâu trải dài trong từng âm sắc của dòng thơ Nhược Thu…”
Khi đọc thơ anh qua mấy thập niên, tôi thấy anh gói ghém càng ngày càng phong phú chữ tình qua cách dùng ẩn dụ rất trừu tượng. Tỉ dụ như ngày xưa anh nghĩ:
…Có phải em thu hết kim cương
Giấu vào đôi mắt sáng như gương
Nhìn anh bối rối làm sao ấy
Khiến nửa hồn anh lạc mất đường…
(Em giấu thu vàng trong tóc mây- Nhược Thu)thì mấy năm sau tôi bắt gặp trong thơ anh:
…Em về xát muối câu thề cũ
Bếp lửa hương mùa tắt đã lâu
Chưa nướng mà nghe buồn đã khét
Cời thêm chi nữa đóm than sầu…
( Ai đốt nắng hè nung đỏ phượng- Nhược Thu)Những dòng thơ sau này khi tôi đọc thiệt làm tôi hơi bỡ ngỡ vì nghệ thuật dùng thi từ của anh. Nhưng từ cái ngơ ngác lúc ban đầu lại đem đến cho tôi cảm xúc rồi rung động. Theo tôi nghĩ anh là một thi nhân có một sự suy nghĩ tinh tế và tỉ mỉ, ngoài ra còn có biệt tài chơi trò chữ nghĩa. Thử hỏi trong lòng mỗi người dân Việt Nam chúng ta, còn hình ảnh nào nói lên sự ấm cúng của gia đình trong một ngôi nhà hơn là nhà bếp. Nói đến bếp ta hình dung ngay một lò bếp than lửa hồng và hình dáng của một người mẹ cặm cụi lo cho gia đình có bữa ăn ngon và những buổi họp mặt gia đình quây quần bên bếp lửa hồng trong những ngày đông giá rét mướt. Nếu bây giờ chúng ta thử nhắm mắt lại và hình dung cả gia đình đang tụ họp vui vẻ rộn rịp bên lò than đang rực cháy để chờ nồi bánh chưng luộc xong trong đêm trừ tịch sao thấy vui và ấm áp một chữ tình. Đối với tôi, bếp là biểu tượng cho sự sống sinh tồn, của một gia đình nói riêng, của một dân tộc nói chung, và của một quê hương đất nước, nếu muốn nói rộng lớn hơn nữa …Những năm gần đây trong thơ anh Nhược Thu, tôi tìm thấy rất nhiều hình ảnh trong bếp như
chẻ, đong, vo, ướp, nấu, đun , luộc,nướng, chiên…
qua cách xử dụng thi từ làm cho thơ anh mang một sắc thái riêng, vừa giàu ý tưởng mà còn đậm đà thi vị…
Ta đi đừng chẻ thơ tìm lệ
Và mộng chung tình xin trả nhau…
(Từ ly- Nhược Thu)
Em đã đong tràn hơi thở ấm
Khi bờ môi lạ nhớ thành quen
( Em đong thương nhớ bằng hơi thở- Nhược Thu)
Tháng Tư cơm nấu vo bằng lệ
Những kẻ thăm chồng cũng xác xơ
(Tháng tư cơm nấu vo bằng lệ- Nhược Thu)
Anh ướp môi em hồng sắc hạ
Sắc hồng nhung nhớ thấm vào mơ
( Từng câu em thốt mềm như mạ- Nhược Thu)
Em nấu gì khi giòng nước cạn
Cả vần thơ nhỏ cũng tan hoang …
(Tháng tư cơm nấu vo bằng lệ- Nhược Thu)
Và em đun giấc mơ ngày đó
Đọng giọt buồn xưa ngập đáy hồn ...
(Em về- Nhược Thu)
Đời như chảo nước còn sôi bỏng
Luộc chín vần thơ vá víu lòng
(Vần thơ luộc- Nhược Thu)
Ta trả bằng thơ loảng tiếng thơ
Có ai đang nướng mảnh tim hờ
( Có ai tắt bếp- Nhược Thu)
Em chiên thơ úa giòn như cốm
Chưa cắn nghe vần rơi ngổn ngang
(Em chiên thơ úa giòn như cốm- Nhược Thu)Khi tôi đọc tuyển thi tập Góp Nhặt gồm các bài thơ của hai nhà thơ Sông Cửu và Nhược Thu, tôi thấy nhà thơ Phan Anh Dũng đã viết lời bạt rất hay: “
Sông Cửu- Nhược Thu…Thơ của hai anh... đẫm đầy mật ngọt hương lúa, phù sa và tình yêu, dòng sữa ngọt nuôi sống con người và làm thăng hoa đời sống . Vì vậy bàng bạc trong tập thơ này, bạn yêu thơ sẽ tìm thấy sức sống vừa thâm trầm, vừa mãnh liệt vừa lãng mạn vừa tin tưởng trong hai nhánh của dòng sông tình yêu: tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa".
Nhà thơ Sông Cửu tên thật là Bùi Công Tường, quê quán Bến Tre, Kiến Hòa, tượng trưng cho con sông Tiền Giang. Anh đã vào nghiệp báo chí, văn học trước năm 75. Đọc thơ Sông Cửu, tôi thấy phảng phất trong thơ anh những câu hò điệu lý quê hương ngọt ngào
“Mẹ cò mò cá trên đồng
Bắt được con còng
Ngóng cổ chờ con!
Mẹ cò mò cá ven sông
Con nước lớn-ròng
Chẳng đủ con ăn…”
(Đồng dao mẹ cò- Sông Cửu)Chữ tình trong thơ anh Sông Cửu thì thâm trầm nhẹ nhàng như lời ru của gió thổi nhẹ đưa trên những chùm bông vàng điên điển, những cánh hoa tím bằng lăng, những cành lá tràm màu thiên thanh rủ nghiêng trên mặt nước miền Đồng Tháp
“ Tóc dừa phủ kín chín đầu rồng
Ba dãy cù lao ngó biển Đông
Vân Tiên trung hiếu tròn chung thủy
Nguyệt Nga tiết hạnh vẹn chữ tòng”
(Kiến Hòa- Sông Cửu)
“Đêm, sáng trăng dịu hiền
Dòng suối triền miên chảy
Nối vòng Thu sống lại
Tình yêu mùa lá bay…”
(Tình yêu mùa lá bay- Sông Cửu)Còn dòng thơ của anh Nhược Thu viết về tình yêu đôi lứa thì lại khoác màu áo lãng mạn như một vầng trăng cổ tích soi bóng trên rừng U Minh huyền ảo …
"Thêm nửa mùa trăng đến nữa rồi
Bao lần ta hỏi mượn trăng soi
Nhưng em đã giấu trong tiền kiếp
Làm vỡ trăng thề rả cuộc chơi..."
( Nỗi buồn cổ tích- Nhược Thu)Khi tôi đi rong trong cõi thơ tình lãng mạn “Đếm những hư hao” của Thi Hạnh- Nhược Thu, tôi đã đi từ ngạc nhiên đến thích thú. Tôi thấy sự đồng cảm trong dòng thơ của hai thế hệ khác nhau lại rất hài hòa như điển tích Bá Nha- Tử Kỳ mà tôi hằng yêu thích …
...” Em sẽ giữ chặt lấy bàn tay
Ngón xưa đan ngón thuở trăng đầy
Trăng giờ đã như thơ…héo hắt
Vẫn mộng vá víu ở tương lai”
(Giữ mãi một bài thơ- Thi Hạnh)
…” Em giữ bàn tay, em biết không
Dù chưa chai sạn cũng chai lòng
Tình em như lụa mềm trong nắng
Nhưng nắng phai rồi những ước mong”
( Tình em như lụa mềm trong nắng- Nhược Thu)Đã từ lâu mỗi khi tôi đọc những vần thơ quê hương của nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi thường thấy trong lòng dâng một nỗi đau sầu lắng.
…”Tôi đứng nhìn non sông đang phủ xuống
Một màu đen tang tóc đau thương
Người lính bộ binh buông súng đứng bên đường
Ðang cúi mặt cố che niềm tủi nhục
Anh không khóc
Sao trời như bão động
Anh không cười
Sao chua chát nghẹn trên môi
Về đâu anh nắng đã tắt trên đồi
Sương đang xuống trên cuộc đời còn sót lại”…
(Bài thơ tháng 4- Trần Trung Đạo)Tôi cũng đã từng nghẹn ngào rung động đắng cay khi nghe những dòng tâm tình đau thương của người bạn thơ tôi, anh Khiếu Long trong bài “ Tháng tư uất hận”
“Mày một ly
Uống cho vơi niềm uất hận
Tao một ly
Uống để oán giận cuộc đời
Tháng Tư mình mất cuộc đời
Ngày buông tay súng chơi vơi hận cuồng
Trời quê hương chợt nhuốm buồn
Một đời chinh chiến hào truông biên thuỳ
Đời ta sống chết xá gì
Thương quê hương buổi từ ly đoạ đày…”
(Tháng tư uất hận- Khiếu Long)Còn thơ viết về quê hương, thân phận của anh Nhược Thu thì đã để lại trong tôi một nỗi ngậm ngùi chua xót
“Trời đày cả chục năm nay
Tháng Tư mang những luống cày trên lưng
Người đi giông tố bão bùng
Bao giờ ta được khóc cùng trong nhau
Tháng Tư xé rách lụa đào
Áo em bạc cả ngọt ngào thuở xưa
Đâu vì mưa nắng sớm trưa
Mà vì dâu biển dối lừa nước non..”
(Vớt hạt- Nhược Thu)Những nỗi đau nhục nhằn thấm thiết mà các anh đã trang trải qua những hoa chữ hay hương vần này, tôi đều cảm nhận rất rõ nét, có lẽ vì tôi từ nhỏ đã lớn lên, đã chứng kiến và tiếp xúc cận kề với những tang thương của cuộc chiến …Tôi cũng như các anh đều có một món “
nợ da vàng
”(NT) chưa trả, một “[green]
bài thơ quê hương còn dang dỡ[/color]”(TTĐ), một ước mơ có một ngày trở về “
gục đầu bên gối Mẹ”
(KL) Việt Nam thân yêu…

Anh Nhược Thu - Anh Trần Trung Đạo - Anh Khiếu LongThơ của anh Nhược Thu đa dạng, chữ Tình trong thơ anh vừa rộng vừa sâu như con sông Hậu quê anh, vừa đậm đà nghĩa thủy chung. Tôi thành tâm nguyện chúc cho túi thơ của anh như một bầu rượu uống không bao giờ cạn luôn đem đến cho những người yêu mến thơ anh một cảm giác say lâng lâng trong cõi hương tình…
Viết tại Paris, mùa hè 2007
Bích Phượng Paris
Thương tặng Ngũ Ca...