thubeo
|
Buổi Văn nghệ “Hát Cho Việt Nam Đang Tranh Đấu Đòi Dân Chủ” Hàng năm, đến ngày Quốc hận 30 tháng 4, người Việt quốc gia ở hải ngoại có dịp nhớ lại tháng ngày đau thương của dân tộc, ngày Miền Nam bị nhuộm đỏ bởi tập đoàn thống trị Cộng sản. Những buổi tưởng niệm dưới mọi hình thức được tổ chức trong cộng đồng người Việt, đặc biệt tại vùng Little Saigon, thủ đô tỵ nạn của người Vìệt tỵ nạn Cộng sản.  Trong tinh thần ấy, Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Nam California đã tổ chức buổi văn nghệ “Hát Cho Việt Nam Đang Tranh Đấu Đòi Dân Chủ” vào lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 4, 2013 tại hội trường Việt báo, thành phố Westminster, Orange County. Khác với chương trình văn nghệ giải trí thông thường, chương trình văn nghệ đặc biệt hôm nay có mục đích tưởng niệm ngày đau buồn của người Việt Quốc gia, trong nước cũng như ở hải ngoại. Hầu hết những ca nhạc sĩ trình diễn trong buổi văn nghệ đều là các cựu sinh viên Quốc gia Hành Chánh tại Nam Cali và thân hữu. Đặc biệt có sự tham gia của ban hợp ca gồm mười thân hữu cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt, áo dài màu lá mạ quê hương tha thướt, mang biểu ngữ, cờ VNCH để tăng thêm khí thế cho bản nhạc yêu nước. Đồng hương tham dự buổi văn nghệ rất đông, ngồi chật kín cả hội trường Việt Báo và dọc theo lối đi hai bên tường trong hội trường. Ngoài các đồng môn QGHC, còn có các bạn của Hội Liên Trường Trung học Nam Cali, truyền thông báo chí và thân hữu trong cộng đồng người Việt tại Orange County… Sau phần thủ tục chào quốc kỳ Việt nam Cộng Hoà, quốc kỳ Hoa kỳ, phút mặc niệm để tưởng nhớ những vị anh hùng đã hy sinh chống ngoại xâm, cho chính nghĩa Tự do, anh Chủ tịch Ban Chấp Hành Hội QGHC Nam Cali Trần Ngọc Thiệu, đại diện Ban tổ chức, gởi lời chào mừng đến toàn thể khán thính giả tham dự buổi văn nghệ. Tiếp đến, MC Đặng Mạnh Hùng đã giới thiệu qua 20 tiết mục sẽ trình diễn, từ đơn ca, hợp ca tân nhạc, ca khúc vọng cổ, đọc thơ tranh đấu…Tất cả các bản nhạc được trình bày theo thứ tự thời gian. Khởi đầu từ ngày đất nước vẫn còn nguyên vẹn đến ngày bị chia cắt năm 1954, tạo nên cuộc di cư hàng triệu người vào miền Nam. Hơn hai mươi năm sau, CS miền Bắc lại xua quân xâm chiếm miền Nam, và kể từ tháng Tư năm 1975, những cuộc di tản khổng lồ bắt đầu bằng cuộc rút quân của đồng minh Hoa kỳ …Sau cùng là những cuộc đào thoát đi tìm Tự do của quân dân cán chính miền Nam. Người ra đi đã đến bến bờ Tự do, đã gây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc ở quê hương thứ hai, nhưng vẫn khắc khoải nhớ về quê cũ. Nơi đó, đồng bào trong nước đã đứng lên phản kháng lại sự bóc lột tàn tệ, đàn áp dã man của nhà cầm quyền CS Cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã tiếp tay ủng hộ đồng bào trong nước, trong đó có Hội CSV/ QGHC Nam Cali đã kịp thời đưa ra “Bản Lên Tiếng” trước những đòi hỏi thúc bách thay đổi chính trị tại VN vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 vừa qua. Mở đầu chương trình văn nghệ, toàn ban hợp ca QGHC và thân hữu trình bày bản “Nhà Việt Nam” của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Bài ca diễn tả lại công cuộc dựng nước, giữ nước hơn bốn nghìn năm, kể từ thời lập quốc, với các vua Hùng, các triều Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn…Kể từ đó, bờ cõi nước ta chạy dài từ “Nam Quan cho tới Cà Mau là nhà Việt Nam non nước tươi một màu”, và trên gian sơn gấm vóc đó, toàn dân Việt “Trung Nam Bắc cùng một lòng mừng vui…”  Tiếp đến, thân hữu Lily Lê trình bày bản “Chuyến Đò Vỹ Tuyến” của nhạc sĩ Lam Phương, diễn tả tâm trạng của cô lái đò Bến Hải: “đò em trong đêm thâu đưa chàng qua vĩ tuyến”. Đó là lằn ranh chia cắt đất nước theo hiệp định Genève 1954, khiến đồng bào miền Bắc phải di cư vào Nam. Nối tiếp chương trình, thân hữu Ngọc Quỳnh diễn tả tâm tình của đồng bào miền Bắc phải rời bỏ xóm làng trong cuộc di cư vĩ đại hàng triệu người, lòng đầy “hận sầu dâng đầy vơi”, qua bài “Hận Ly Hương “ của nhạc sĩ Anh Hoa. Một thân hữu khác, anh Trương Minh Cường với bài ca “Nỗi Lòng Người Đi” của nhạc sĩ Anh Bằng, đã diễn tả nỗi niềm nhung nhớ khi “tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”, để di cư vào Nam, nơi đó có thủ đô Sài gòn hoa lệ, với “ bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui”, cho dù ngày trở về còn mịt mù xa tít, với tâm trạng “giờ đây biết ngày nào gặp nhau”. Trong những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, đài phát thanh quân đội Hoa kỳ đã phát đi nhạc bản “White X’Mas”, mật hiệu rút lui dành cho những đơn vị quân đội Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài gòn . Hôm nay được đồng môn Chu Tất Tiến trình bày để nhắc nhớ cuộc di tản buồn trong bầu không khí chết chóc, hoảng loạn của thành phố Sàigòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt nam. Một giọng ca nữ gây xúc động cho người nghe, chị Vân Phương- “nội tướng” của đồng môn Trí Bảo - nối tiếp chương trình ca nhạc với bản “Sài gòn Ơi Vĩnh Biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc, đã nói lên tâm trạng của người Việt tỵ nạn trong những ngày xa quê hương. Cuộc sống mới trên miền đất tạm dung đã cho người tỵ nạn một cảm giác “như con thú hoang lạc đàn”. Thân hữu Ngọc Quỳnh trở lại sân khấu với bản “Xin Đời Một Nụ Cười” của Nam Lộc, phản ánh tâm tình của người tỵ nạn khi rời bỏ quê hương yêu dấu cũng chỉ vì “tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ; vì tôi muốn làm lại kiếp người; muốn cuộc đời còn có những nụ cười”… Cùng với sự phụ hoạ Keyboard của đồng môn Phú Hùng, ban tứ ca gồm đồng môn Chính Mung và các thân hữu QGHC như Lam Thủy, Phương Mai và Phương Thảo đã trình bày bản “Một Chút Quà Cho Quê Hương” của nhạc sĩ Việt Dũng, diễn tả tâm tình của người tỵ nạn ở hải ngoại khi gửi về cho người thân còn kẹt lại Việt nam. Đó là những bao thuốc lá, gói chè xanh, hộp diêm, mảnh vải…và cả những viên thuốc ngủ để kết liễu cuộc đời trong cuộc sống nghèo đói, mất hết tự do, mất cả niềm hy vọng… Nhạc phẩm “Trả Lời Thư Em” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc do đồng môn Phạm Đức Thạnh trình bày, đã phản ánh tâm trạng người tỵ nạn hải ngoại: muốn gửi nhiều quà về quê hương, nhưng không dám gửi một lá thư vì sợ “Em đâu biết, sẽ nghĩ thư Anh là kể oán. Lá thư viết rồi Anh đâu muốn gửi cho Em…” Chương trình chuyển sang cổ nhạc, với đồng môn Trương An Ninh trình bày bài cổ nhạc đặc biệt “Tôi Vẫn Nhớ” do chính anh sáng tác. Đó là tâm sự của người di tản như đàn chim di thê phải xa lìa tổ ấm, nhưng vẫn nhớ và tin tưởng một ngày nắng ấm sẽ trở về mái nhà xưa. Đồng môn Chính Mung trở lại sân khấu trình bày bản nhạc “Phút Suy Tư” do anh sáng tác trong thời gian bị cầm tù trong các trại “cải tạo” của Cộng sản. Anh ngậm ngùi cho dân tộc Việt Nam trong nước đang bị điêu linh thống khổ, nhưng vẫn hy vọng một ngày mai đất nước sẽ tươi sáng hơn. Trước sự sự xâm lấn của giặc Tầu, cùng với đông đảo quần chúng, giới trẻ tại Việt nam đứng lên phản kháng chế độ Cộng Sản Việt nam đã nhu nhược với ngoại xâm nhưng dã man đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng lấn đất, chiếm biển đảo. Ca nhạc sĩ yêu nước Việt Khang đã đứng lên dõng dạc hỏi những kẻ đàn áp bà con tranh đấu: “Anh Là Ai?”. Với giọng ca trầm hùng, sâu lắng và thiết tha, đồng môn Phú Hùng diễn tả lại tâm trạng của người nhạc sĩ trẻ tuổi đó. Ban hợp ca của nhóm thân hữu Lê Văn Duyệt, gồm mười cựu nữ sinh với vóc dáng bằng nhau, trang phục áo lụa màu xanh lá mạ của đồng lúa quê hương, những giải băng màu xanh đậm với những chữ màu trắng “TS HS Việt Nam” (Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam), hoặc cờ Việt Nam, choàng qua vai đã uyển chuyển tiến ra sân khấu trình bày bản đồng ca “Đáp Lời Sông Núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ. Tiếng đồng ca thanh thoát, mạnh mẽ vang lên, “…Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi. Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng. Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi. Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương ….”. Và cuối cùng , để tăng thêm khí thế hào hùng của bài ca, hai tấm bảng màu xanh với hai giòng chữ vàng “ Noi gương hai Bà Trưng” và “Quyết tâm bảo vệ quê hương”, cùng tấm bản đồ nước Việt với toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của tổ quốc được trương cao. Trước phong trào tranh đấu đang dâng cao của đồng báo trong nước, hải ngoại cũng đã tiếp tay ủng hộ, trong đó phải kể đến Hội CSV/ QGHC Nam Cali đã kịp thời đưa ra “Bản Lên Tiếng” trước những đòi hỏi thúc bách thay đổi chính trị tại VN. “Bản lên tiếng” đã được phổ biến rông rãi trước đây trên hệ thống truyền thông, hôm nay, trong buổi Văn nghệ, một lần nữa lại được anh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Bạch Thu hùng hồn tuyên đọc, với ước mong đồng hương sẽ phổ biến vang xa hơn nữa... Tiếp nối chương trình văn nghệ, thân hữu Trương Minh Cường trở lại sân khấu trình bày nhạc phẩm “Giọt Máu Cho Quê Hương” do anh sáng tác, thể hiện bao ưu tư khắc khoải qua suốt quá trình tranh đấu của dân tộc Việt, với niềm hy vọng chúng ta luôn giữ vững tinh thần tranh đấu, nhất là lúc mà đất nước đang đứng trước họa diệt vong bởi bọn bành trướng Bắc Kinh. Chị Vân Phương trở lại sân khấu với tiếng hát truyền cảm, ngọt ngào qua bản “Tôi Muốn Nói Với Em” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, để nhắc nhớ thảm họa giặc Cộng đã và đang gieo rắc trên đất nước Việt Nam, với hy vọng một ngày mai tươi sáng khi ách độc tài Cộng sản không còn ngự trị trên quê hương… Trong suốt quá trình lịch sử, với tinh thần bất khuất, sẵn sàng chống trả mọi cuộc xâm lăng, sông Bạch Đằng là nơi tổ tiên ta đã lập nên những chiến công hiển hách: Ngô Quyền chống quân Nam Hán năm 938, Lê Hoàn chống quân nhà Tống năm 981, và oanh liệt nhất là danh tướng Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên năm1288. Nhạc sĩ Lê Hữu Phước đã làm sống lại những chiến tích hiển hách trên con sông lịch sử ấy trong bản nhạc “Bạch Đằng Giang”. Hôm nay ban Hợp ca QGHC và thân hữu đã trình bày một cách thiết tha hùng tráng, với ước vọng “Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng , dù có sấm sét bão bùng mưa nắng, Bạch Đằng Giang vẫn sáng, để cho nòi gống soi chung” Ban tứ ca Chính Mung, Lam Thủy, Phương Mai, Phương Thảo với sự phụ hoạ Keyboard của Phú Hùng trình bày bản “Một Ngày Việt Nam” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, với ước vọng một Việt Nam tươi sáng, “cho tiếng hát mơ về Việt Nam” . Đến đây, chương trình chuyển sang phần đọc thơ, với thân hữu Nguyễn Hữu Công trong bài thơ “Mẹ Ơi, Nếu Con Về” của tác giả đồng môn Trần Văn Lương: “Mẹ ơi, nếu con về quê cũ, Sẽ thấy gì ngoài một lũ Việt gian….”. Giọng anh tha thiết, hùng hồn khiến thính giả xúc cảm, tâm tư bị lôi cuốn theo từng câu từng chữ của bài thơ mà tác giả đã gởi gắm tâm tình vào đó: “Nhưng thưa Mẹ, nếu trời làm phép lạ. Cho quê hương lại toả ánh cờ vàng. Cho bốn vùng hết sạch bóng sài lang. Cho hạnh phúc lại tràn đầy thác lũ”. Tiếp đó, lời ca hào hùng trong bản nhạc “Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang do toàn ban hợp ca QGHC và thân hữu trình bày đã khiến tất cả khán thính giả bất ngờ đứng lên vỗ tay hát theo, tạo nên khí thế hào hùng cho bài hát. Ca khúc ca này cũng đã chấm dứt một chương trình tân cổ nhạc được tổ chức với phối trí công phu, trình diễn xuất sắc của các giọng hát không chuyên nghiệp của đồng môn QGHC và thân hữu, trong suốt ba tiếng đồng hồ tại hội trường Việt báo. Cuối cùng, ban Tổ chức chuyển lời cám ơn của Hội CSV/QGHC Nam Cali đến khán thính giả về sự sự hiện diện đông đảo và ủng hộ tinh thần cho buổi Văn nghệ “Hát Cho Việt Nam Đang Tranh Đấu Đòi Dân Chủ” nhân ngày Quốc hận 30 tháng 4. Cũng như hầu hết những thính giả còn ngồi lại đến phút cuối của chương trình văn nghệ đặc sắc hôm nay, tôi rời hội trường Việt Báo ra về với tâm trạng vui mừng lẫn xúc động. Xúc động bởi quá khứ đau buồn trong chuỗi dài lịch sử Việt nam, dù đã trải qua bao khó khăn trong công cuộc chống ngoại xâm, nhưng vẫn giữ vững bờ cõi non sông vẹn toàn. Vui mừng vì hôm nay người dân trong nước, với sự tiếp sức của đồng bào hải ngoại đã đứng lên tranh đấu chống thù trong giặc ngoài rắp tâm đặt ách thống trị trên đầu dân ta một lần nữa. Ngoài kia, ánh chiều sắp tắt. Rồi bóng đêm cũng sẽ qua đi, nhường lại cho một ngày mai với nắng xuân ấm áp . Mùa Xuân mới sẽ đến, một mùa Xuân sáng lạn cho quê mẹ Việt nam, đem lại ấm no hạnh phúc cho đồng bào trong nước mà gần nửa thế kỷ đã mất mát khổ đau vì chiến tranh, giờ đây vẫn chưa được sống trong tự do và hạnh phúc thật sự. DINH BA TAM (QGHC) Còn duới đây là bài phóng sự của tác giả Chu Tất Tiến, đăng trên tờ Việt Báo hôm nay. Hôm nay, 05/04/2013 12:53 PM Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Tổ Chức Ngày Hát Cho Quê Hương Đầy Ắp Những Xúc Động Tác giả: Chu Tất Tiến Một lá đại kỳ Tổ Quốc rực rỡ thả xuống dọc sân khấu và chỉ ngưng lại khi chạm đến những thang bậc phủ lụa và gấm đỏ vàng. Những chậu hoa lan mỏng manh nhưng bền bỉ như Tâm Hồn Việt Nam được trưng bầy thật mỹ thuật. Một tấm bảng cao gần gần ba thước làm nền cho bức hình lớn chụp Tượng Thương Tiếc, từng dựng trước cổng Nghĩa Trang Quân Đội, đứng phía trái sân khấu. Trước mặt bức hình, cũng những thang bậc phủ gấm và lụa trắng đen và một bình hương đồng, thoảng hương dâng lên Anh Hồn của những Người Chiến Sĩ đã hiến dâng trái tim và dòng máu anh hùng cho Đất Nước. Một tấm bảng lớn ở bên phải, có chiều cao ngang với tấm bên trái, in hình người phụ nữ Việt Nam với môt tay giơ lên cao, miệng đang hô vang lời kêu gọi Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam. Trên cùng là hàng chữ “Quốc Hận 30-4, Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Tổ Chức” đặt trước hàng chữ: “Hát Cho Việt Nam Đang Tranh Đấu Đòi Dân Chủ!”. Và, từng lớp gấm lụa uốn quanh sân khấu tượng trưng cho những dòng sông anh hùng quê hương: Sông Bạch Đằng, Sông Hồng, Sông Cửu, và những dòng sông khác từng chứng kiến các trận thủy chiến đẩm mấu quân thù xâm lược. Với phương cách trang trí trịnh trọng nhưng trang nhã như thế, Hội Trường Nhật Báo Việt Báo, thành phố Westminster, chiều hôm Chủ Nhật 28 tháng 4 năm 2013 vừa qua là địa điểm thật thích hợp để thể hiện một chương trình nhạc “Hát Cho Quê Hương Việt Nam” do các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh tổ chức. Xúc động hơn hết là chương trình văn nghệ đã được soạn thảo thật kỹ lưỡng theo dòng xuôi của lịch sử, từ giai đoạn 54, sau khi đất nước bị chia đôi, miền Nam được thanh bình một thời gian, rồi đến tháng 4 đen năm ấy, bị người Mỹ phản bội, cuốn cờ chạy khỏi miền đất oan nghiệt này, mặc cho Cộng Sản quốc tế và Cộng Sản Việt Nam tràn vào chiếm lĩnh. Từ đó, toàn thể đất nước đã bị đặt dưới vòng đô hộ khắc nghiệt của chủ nghĩa Cộng Sản, và cũng từ đó, dân Việt lại phải đứng lên đấu tranh như đã từng đấu tranh với bọn xâm lăng phương Bắc thuở xưa, cũng chỉ với trái tim yêu nước và hai bàn tay không vũ khí. Những bài hát, câu thơ, các câu vọng cổ cứ quyện vào nhau, mời cử tọa cùng giở lại những trang lịch sử đau thương. Trước một cử tọa đông kín hội trường, Cựu Sinh Viên Đặng Mạnh Hùng, người điều hợp chương trình, sau khi điều khiển nghi lễ chào quốc kỳ, cất tiếng chào mừng và cảm tạ người tham dự. Anh chia xẻ: “Cứ đến ngày 30-4, chúng ta lại xót xa, ngậm ngùi nhớ đến những kỷ niệm đau thương tưởng như đã được vùi sâu trong ký ức, nhớ về quê hương Việt Nam yêu dấu vẫn còn lầm than dưới ách thống trị bạo tàn của Cộng Sản..” Trong nỗi mơ ước đi ngược dòng thời gian, để trở lại không khí thanh bình thịnh vượng của một nước Việt ba miền thống nhất, anh giới thiệu bản hợp ca đầu tiên “Nhà Việt Nam” được trình diễn bởi ban hợp ca Quốc Gia Hành Chánh. Đèn hội trường từ từ tắt chỉ để lại chùm ánh sáng trên sân khấu, rọi sáng những chiếc áo dài đen và những bộ âu phục đen, mang chiếc nơ hình cờ Việt Nam gắn trên ngực trái, cất tiếng hát trầm hùng: “Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông, bốn nghìn năm đó, văn hóa xây đắp bao kỳ công. Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng…” Bản nhạc vừa dứt, âm thanh còn tràn ngập hội trường, người MC đã mời khán giả trở lại với ngày đất nước chia đôi, người miền Nam ngào nghẹn nhìn về phương Bắc với bao niềm nhớ nhung qua bản “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” của Lam Phương với giọng ca của Lilly Lê. “Hò ớ.. hò! Giòng sông mơ màng và đẹp lắm! Anh ơi! Ai nỡ chia đôi bờ, để tình ta ngày tháng phải mong chờ…” Người ca sĩ với giọng ca thật ngọt của miền Nam đã làm cho khán giả rung động, tưởng như đang xuôi dòng sông Cửu nghe giọng hò mát rượi loang loáng ánh trăng, nên khi giọng ngân của cô vừa ngưng, từng tràng vỗ tay mến mộ đã rộ lên như pháo. Cùng trong tâm tưởng đó, Ngọc Quỳnh nhắc lại mối “Hận Ly Hương” năm ấy: “Thu năm qua, đoàn người đi xót xa. Mang tâm tư hận sầu vương thiết tha…Ôi quê hương, giờ chìm trong khói sương…Thăng Long ơi! Không biết tới bao người đang sống với mong chờ…” Lời gọi tha thiết của Ngọc Quỳnh, ngay lập tức đã có người đáp lại. Trương Minh Cường tâm sự một cách chua xót: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu…” Từ Sài Gòn, anh vẫn đau đáu nhớ về quê cũ và với giọng Tenor khá mạnh, anh nhắn với Hồ Gươm: “Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe mầu phố vui, nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi…
”  Hát ca, văn nghệ hôị ngộ.Nhưng đau đớn thay, nỗi bùi ngùi nhớ miền Bắc đó đã bị tước đoạt phũ phàng, nhường chỗ cho uất hận, tang thương tràn ngập cả đất nước. Đúng ngày này, 38 năm về trước, 28-4-1975, tòa Đại Sứ Mỹ cho phát thanh bài “White Christmas” làm dấu hiệu cho toàn bộ đồng minh tháo chạy, bỏ miền Nam cho quân xâm lược Hà Nội với viện trợ vũ bão của Nga, Tầu. Bài hát này, hôm nay được nhắc lại qua giọng ca trầm buồn của cựu sinh viên CTT để rồi được tiếp nối với tiếng hát điêu luyện của ca sĩ Vân Phương, “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời… Dù thời gian có là một thoáng đam mê, phố phương vẫn ánh sao đêm. Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.” Đúng thế, làm sao mà quên được, những đau thương mất mát kinh hoàng, những ngày vượt biên đầy máu và nước mắt. Ngọc Quỳnh, một lần nữa, trở lại để nhắc nhở: “Tự do ơi Tự Do! Tôi trả bằng nước mắt. Tự Do hỡi Tự Do! Anh trao bằng máu xương. Tự do ơi Tự do! Em trả bằng thân xác…Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong”. Tiếp nối dòng máu lệ của những người vượt biên, là những tâm sự của phương xa muốn trao cho người ở lại. Năm giọng ca Chính Mung, Lam Thủy, Phương Mai, Phương Thảo và Nguyễn Phú Hùng, người nhạc sĩ duy nhất của chương trình, cùng thay nhau gửi “Một Chút quà cho quê hương”: “Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá. Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may. Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy…” Trong cùng tận nỗi đau là món quà cuối cùng: “Con gửi về cho cha vài viên thuốc ngủ. Cha rũ cuộc đời trong tử tù chung thân…” Thực tế, có biết bao người cha đã ngã gục trong ngục tù khổ sai..Thực tế buồn hơn nữa là có những người ở lại không muốn nhận quà từ hải ngoại gửi về bởi có những bức thư mang âm điệu xa lạ với kẻ khốn cùng: “Thư em kể, nơi em đang ở tuyết rơi đầy. Mặc áo lông cừu, ngồi sưởi ấm thật bình yên”. Giọng ca không mượt mà nhưng chân thành của Phạm Đức Thạnh diễn tả bài “Trả lời thư em” làm cho trái tim nhiều người nhức nhối: “Em đâu có biết, thư anh viết thật chân tình là tả oán. Lá thư viết rồi, anh không muốn gửi đi xa…” Bức thư gửi đến người hải ngoại đầy cảm động làm cho cựu sinh viên Trương An Ninh phải trả lời bằng 4 câu vọng cổ do anh sáng tác, “Tôi vẫn nhớ”. Nhớ chứ! Nhớ mãi không thể nào quên được quê hương đọa đầy, quê hương cùng khốn dưới gông cùm Cộng Sản, quê hương dầy đặc trại tù từ Cà Mâu đến Vĩnh Phú, nhốt những tù nhân lương tâm, những chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do. Nhưng có một điều mà bọn cai tù không quản lý được là tư tưởng của những người tù vẫn vút cao hơn những bức tường giam. Người tù Chính Mung, tự sáng tác nhiều bản nhạc và anh đã thể hiện lại một bài “Phút Suy Tư” như sau: “Trong cơn mơ, giấc mơ nào ta đến? ôi quê hương lặng lẽ đến bao giờ? Đợi chờ nào chăng hỡi những lối xưa….Có khi nào lặng lẽ buông xuống giọt sầu đau..của một kiếp lưu vong.” Cùng tư tưởng muốn vượt thoát khỏi vòng kìm kẹp của Cộng Đỏ, giới trẻ không chịu nhường đàn anh mà cũng cất lên tiếng hát bất khuất của mình. Nguyễn Phú Hùng vừa đàn vừa hát bài “Anh là Ai” của Việt Khang, chất vấn bọn cầm quyền khiếp nhược bán nước: “Xin hỏi anh ở đâu, ngăn bước tôi chống giặc tầu ngoại xâm? Xin hỏi anh ở đâu, sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi? Dân tộc anh ở đâu, sao đang tâm làm tay sai cho Tầu?”…  Hát ca, văn nghệ hôị ngộ. Trước những câu hỏi mà không được trả lời như thế, người dân Việt chỉ còn một cách duy nhất là cùng cất cao lời hát “Đáp Lời Sông Núi”. Bản hùng ca này được các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt với tà áo xanh long lanh như ngọc vừa hát vừa giơ cao tay, vẫy những khẩu hiệu bất khuất, anh hùng của con cháu Hai Bà Trưng Triệu. Tiếng hát và hùng khí của các cựu nữ sinh làm cho hội trường như nổi sóng, tất cả cùng đứng lên, vỗ tay và hát theo với muôn vàn khí thế, làm nền cho lời giới thiệu “Bản Lên Tiếng của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh” do anh Trần Bạch Thu, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị đọc thật hùng hồn, cương quyết yểm trợ phong trào hủy bỏ bản Hiến Pháp do Cộng nô tự soạn để trói buộc dân ta vào tròng nô lệ. Sau đó, Trương Minh Cường, một Bác Sĩ Nghệ Sĩ, trở lại với bản nhạc do anh sáng tác: “Giọt máu quê hương”. Anh đã hát với hết tâm hồn mình và làm một cử chỉ đầy xúc động, cúi hôn lên lá cờ Quốc Gia rồi vẫy cao lá cờ vàng ba sọc đỏ làm toàn thể cử tọa thấy máu trong mình như sôi lên. Rồi Vân Phương, với “Tôi muốn nói với em”, những tiếng nói tự trái tim yêu quê hương, tiếng nói tha thiết này được làm nóng bỏng lên với bản hùng ca “Một Ngày Việt Nam” do tứ ca Chính Mung, Lam Thủy, Phương Mai, Phương Thảo trình bầy, rồi khi tiếng hát bão táp này lắng xuống, giọng ngâm trầm hùng của Nguyễn Hữu Công, một thân hữu, diễn tả bài thơ “Mẹ Ơi, Nếu Con Về” sáng tác của Trần Văn Lương. “Mẹ ơi, nếu nay con về quê cũ, Sẽ thấy gì ngoài một lũ Việt gian, Luôn hung tàn bạo ngược với dân Nam, Lại hèn nhát cắt giang san dâng giặc?” Làn sóng này tiếp nối làn sóng khác, hai bản hợp ca hùng tráng “Bạch Đằng Giang” và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” được nhóm đồng ca trình bầy khiến cho hội trường như vỡ ra dưới những tràng pháo tay phụ họa. Và như thế, chương trình văn nghệ “Hát Cho Quê Hương” do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh tổ chức đã để lại cho lòng cử tọa nhiều cảm giác bồi hồi, xốn xang khó tả trong dịp Tháng Tư Đen năm 2013.Những tiếng hát, lời ca được chau chuốt đã nung nấu thêm chí đấu tranh, tiếp tay cùng mọi tâm hồn yêu nước, quyết dành lại Tự Do, Dân Chủ cho quê hương.
|