Xin mời Tiểu Vũ Vi và các anh chị đọc một chuyện tình ÐQ nghĩ là có thật nhân dịp Xuân về. Chuyện tình này không là trăm năm nhưng làm cho người đọc có những suy nghĩ rất nhiều về tình yêu mãnh liệt của một người phụ nữ.
Xin mọi người đọc chơi cho vui ba ngày Tết . ÐQ sẽ có chút tản mạn đố vui ở đây nhen...
Chuyện Tình Cô Y Sĩ Công An
Chu Tất TiếnNgày tôi gặp lại Dung ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, cô giật mình, lùi lại như nhìn thấy một bóng ma. Khuôn mặt cô tái hẳn đi, cặp môi xinh xinh cong lên, như định thốt lên một tiếng kêu. Chừng vài giây sau, cô định thần lại, nhìn tôi với cặp mắt sâu thẳm. Trên chiếc áo choàng trắng của bệnh viện, và giữa luồng ánh sáng của những ngọn đèn trần, làn da trắng tinh của cô hình như trong hơn và mịn màng hơn.
Tôi cười nhẹ nhàng:
-Chào Dung! Dung vẫn khỏe chứ?
Dung không trả lời tôi. Cô vẫn nhìn chăm chăm vào mắt tôi. Một lúc sau, lâu lắm, cô mới thốt lên lời. Giọng cô vẫn nhỏ nhẹ như xưa:
-Anh mới được về hả?
Tôi gật đầu và mỉm cười. Nhìn dáng Dung trong chiếc áo choàng trắng tinh ấy, tôi lại bồi hồi nhớ lại những ngày xưa, không, không xưa lắm, mới có hơn ba năm thôi, Hương cũng mặc chiếc áo trắng ấy, màhồn tôi rộn rã, bừng bừng, như muốn bốc cháy.
***
Năm ấy, tôi vừa được chuyển trại về K.30 (*). Thật ra, trước khi đổi sang K.30, tôi ở Đội 3, nhà 12, K.4. chỉ cách nhà cũ của tôi một lớp hàng rào mỏng. K.30, là trạm Y Tế của cải tạo, nơi điều trị các người tù bị bệnh nặng, trong đó có Nhạc sĩ N.V.Đ và Bác sĩ T.T.A, tác giả loạt bài nổi tiếng trước 1975 "Lương Tâm của Người Thầy Thuốc". Nhạc sĩ N.V.Đ thì đã bị sưng tất cả các khớp xương tay và chân, không đi đứng được. Mỗi khi ông muốn đi từ nơi này sang nơi khác, phải nhờ and em cõng. Bác sĩ T.T.A. bị bệnh "đi cầu không người lái", nghĩa là khi nào ông chuyển bụng, thì tất cả chất thải cứ tự nhiên toát ra ngoài vì hậu môn ông không còn khả năng khép kín. Ông phải dùng một nùi giẻ bện lại, và đóng nút như đóng nút chai, nhưng vẫn không thể kềm được khi ông quá mắc. Chỗ nằm của ông hôi thối kinh khủng, ông không thể múc nước tắm một mình và cũng vì đã lớn tuổi, lại yếu, nên không làm vệ sinh chung quanh giường của mình. Thỉnh thoảng, bác sĩ Khánh và tôi phải dựng ông đứng dậy, múc nước tắm cho ông và dội giường ông cho trôi phân đi. Ngoài hai nhân vật đặc biệt này là các bệnh nhân kinh niên mãn tính. Tôi nhớ có một anh mới phát giác bị phong cùi qua những mảng đen đặc trên mông, vài anh ho lao, một anh bị bệnh vẩy-nến rất nặng. Khi anh vẩy-nến tắm, anh trần truồng ngồi cạnh cái giếng, múc nước dội một mình, vì lúc anh bước chầm chậm ra giếng, là anh em bỏ vô nhà hết, không ai dám tắm chung với anh, một khối thịt đỏ ửng từ đầu xuống chân, nứt nẻ ngang dọc, ở những khe nứt đó, nước vàng chẩy ra nhễ nhãi.
Khu K.30 có 4 dẫy nhà, hình chữ W, không kể nhà bếp. Ba dẫy hình chữ U dành cho bệnh nhân. Dẫy giữa chia làm hai. Một đầu là tủ thuốc chứa đầy Xuyên Tâm Liên, phòng khám bệnh, và nơi giao ban của các y, bác sĩ quân y cũ chịu trách nhiệm chăm sóc các bệnh nhân với một Đại Úy Y Sĩ Công An của trại tù. Hai phần ba của dẫy này là chỗ ngủ của các y, bác sĩ và ba người chúng tôi, làm các việc linh tinh, như chẻ củi, gánh nước, phụ bếp, và giúp các bệnh nhân tất cả mọi việc mà y, bác sĩ không làm. Lúc tôi tới trại, đã có khoảng hơn 10 bác sĩ, một nha sĩ, một phụ tá nha sĩ. Trong số các bác sĩ điều trị, có Bác sĩ Đ., Y sĩ trưởng Sư đoàn 18, và một vị bác sĩ nguyên là Y Sĩ của Cố Tổng Thống Diệm, sau này thành Thượng Nghị Sĩ. Mỗi buổi sáng, tất cả các y, bác sĩ, nhân viên của K. 30 phải ngồi trên đầu giường của mình và "giao ban" với tay Công An Y Sĩ Trưởng của trại tù, một chức vụ rất lớn, chỉ thua Quản Đốc trại tù, mà có phần hơn, vì anh này chịu trách nhiệm về sức khỏe củatoàn thể năm K. tù và tất cả các công an coi trại. Anh ta ngồi vào chiếc bàn độc nhất trong phòng, nghe các y sĩ điều trị báo cáo tình hình bệnh nhân và cứu xét đề nghị xin chuyển bệnh nhân ra Bệnh Viện ngoài nếu cần cấp cứu. Tuy chức nghiệp chỉ là y sĩ, có trình độ như y tá và đôi khi còn thấp hơn y tá của chế độ cũ, nhưng anh này có toàn quyền quyết định trên vấn đề y khoa của các bác sĩ, cũng như có quyền ký giấy cho tù nhân được ra trại dựa trên tình trạng sức khỏe. Tôi nhớ có một bệnh nhân, xuất huyết nội, được các bác sĩ đề nghị cho ra ngoài cấp cứu gấp, nhưng tay y sĩ ỷ mình tốt nghiệp Liên Xô, cứ cho là bệnh trĩ, không cần đi đâu, chỉ cho uống thuốc giảm đau, nên bệnh nhân đã chết sau hai ngày quằn quại. Buổi giao ban kế tiếp, anh y sĩ này chỉ nói có một câu đơn giản:
-Thôi, kỳ này ta mắc khuyết điểm. Kỳ sau khắc phục!
Thế là một mạng người ra đi, một sĩ quan chết trong tức tưởi chỉ vì sự phán quyết ấu trĩ của một tay y tá. Chúng tôi ngồi canh xác anh bạn suốt đêm, không cho chuột đến cắn chân, mà nước mắt chẩy lưng tròng, uất hận tòan thể cái lũ y sĩ ngu xuẩn kia, cho dù chúng không trực tiếp cầm súng bắn anh em, nhưng cái chết đó cũng là một điều đáng căm thù. Cho đến một ngày, đời tôi có những đổi thay kịch liệt.
Một buổi sáng chờ đợi giao ban mãi không thấy bóng áo vàng của tay Đại Úy cao cao kia, anh em ngồi chờ, bàn tán mông lung. "Có lẽ hắn bị thượng mã phong, chết mẹ nó đêm qua rồi!", bác sĩ Đ. nói đùa. Tất cả hùa theo, cười ầm ĩ.
Khoảng nửa tiếng sau, bất ngờ nghe bên ngoài có tiếng xôn xao của các anh em trong hai trại kia. Nhóm chúng tôi đứng hẳn dậy, nhìn ra phía cổng vào và bất ngờ nhận thấy người đang tiến tới chỗ giao ban là hai cô công an áo vàng. Một cô cao, một cô thấp. Cô cao trông lạnh lùng, nghiêm khắc trong khi cô thấp đeo kính trắng có vẻ hiền hơn.
Đang nhớn nhác nhìn ra, chúng tôi không kịp đứng nghiêm lại khi cô cao tới trước bậc thềm, và bước vào trong một cách nhanh nhẹn. Nhìn thấy dáng bộ chúng tôi lu bu, cô cao cảnh cáo liền bằng một giọng Nam Kỳ đặc:
-Các anh đứng trật tự lại. Anh nào báo cáo thì báo cáo đi!
Nghe giọng oai nghiêm của cô, anh Đông là trưởng nhóm y sĩ, vội đứng nghiêm và lập bập báo cáo:
-Thưa cô...
Vừa nghe xong hai tiếng "thưa cô", cô cao chỉnh liền:
-Anh nói cái gì? Ai cho anh gọi tôi bằng "cô"? Từ nay, các anh phải "thưa Cán bộ". Nghe rõ chưa? Tôi là Đại Úy Dung, y sĩ trưởng của trại cải tạo này. Tôi thay thế Đại Úy X. đi công tác xa.
Và, chỉ tay về phía cô thấp, cô Đại Úy giới thiệu:
-Còn đây là Y Sĩ Phụng, phụ tá của tôi.
Anh Đông, người Nam, vốn tính hiền hòa, nên khi bị "chỉnh" thì hơi run:
-Dạ, thưa Cán Bộ, vâng!
Người y sĩ công an kia nhìn thẳng vào anh Đông, kiêu kỳ:
-Anh tên gì?
Anh Đông lúng túng thấy rõ:
-Thưa Cán bộ, tôi là Trương Đông, trưởng nhóm chuyên khoa ở đây.
Cô cán bộ nhìn lướt qua từng người trong nhóm với cặp mắt vẫn lạnh lùng:
-Còn các anh kia, từng người báo cáo đi!
Lần lượt, các y sĩ và ba tên phục vụ chúng tôi báo cáo tên họ. Nghe qua hết một lần, cô y sĩ cho tất cả ngồi xuống và bắt đầu nghe báo cáo tình hình từng bệnh nhân, trong khi cô Phụng vẫn đứng gần bên, nhìn chúng tôi một cách lạnh lùng.
Nghe xong phần báo cáo, hai cô ra lệnh cho tất cả các y sĩ hướng dẫn đến từng giường bệnh nhân, hỏi qua tình trạng sức khỏe từng người và ghi ghi chép chép trong sổ tay của các cô. Thái độ của các cô vẫn hoàn toàn băng giá nhưng đã đột nhiên thay đổi khi tới giường của anh N.V.Đ. Nhìn thấy anh ngồi trên giường với hai đầu gối co rút lại, những khớp ngón tay đã sưng to, và cả thân thể gầy ốm, trơ xương, nhưng ánh mắt vẫn hiên ngang, nhìn thẳng vào cô cán bộ công an với một vẻ thách thức, cô Dung bất ngờ chớp mắt lia lịa. Cô hỏi anh, với giọng xúc động:

hải anh là tác giả của các bài ...
Người nhạc sĩ tài hoa hơi mím môi, trả lời:

hải!
Cả cô Dung và cô Phụng đều mất đi vẻ lạnh lùng. Hai cô liếc nhìn nhau một thoáng rồi cùng quay lại nhìn người nhạc sĩ. Chừng một phút sau, cô Dung nhìn toán người đi theo sau, nói nhỏ:
-Thôi, đi!
Rồi không cần kiểm tra tiếp nữa, cô bảo nhóm y sĩ tiếp tục làm việc, còn hai cô ra về. Trên đường đi ra cổng, bóng hai cô chập sát vào nhau, thì thầm.
Bọn chúng tôi ở lại, ồn ào, tán phét. Chúng tôi cùng cho rằng hai cô người Sàigòn, từng nghe nhạc của nhạc sĩ N.V.Đ. nên dù cho là công an, nhưng vẫn chưa quên hết những mộng mơ của những cô gái áo trắng ngày ấy. Tôi quay lại với anh Đ., cười cười:
-Anh Đ. ơi! Thế là anh sẽ về sớm hơn anh em đấy! Anh cứ tin em đi!
Anh Đ. chỉ hơi nhếch môi, thái độ thận trọng cố hữu của anh:
-Không biết đâu, em ạ!
Tôi vẫn cười:
-Em biết chắc mà! "Cán bộ" mới nhìn thấy anh là rung rồi! Nhất định sẽ ký giấy cho anh về sớm!
Anh Đ. vẫn lắc đầu, không có vẻ lạc quan một chút nào:
-Anh cũng biết mà! Cấp bậc của anh to quá, khó lắm! Dầu cho người ta có nể mình, nhưng còn cấp trên. Đâu dễ, em!
(Điều anh nhận xét "đâu dễ" rất đúng. Cho dù có sự can thiệp của cô Dung để đưa anh ra bệnh viện ngoài đến ba lần, trở đi trở lại mãi đến vài năm sau, anh mới được tha về.)
Còn nhóm chúng tôi, lúc đầu thấy nữ cán bộ đến quản lý, thì cũng là lạ, nhưng vẫn cứ đề phòng từ lời nói đến cử chỉ, không để cho ai có dịp "đì" mình, nhất là phái nữ. Mỗi ngày, hai cô đều đến một lượt, nghe báo cáo, rồi đi qua từng giường bệnh, xem biểu đồ tiến triển của bệnh nhân, mà quyết định cho ra ngoài điều trị. Khoảng một tháng sau, không thấy cô Phụng đến nữa, chỉ còn mình cô Dung. Thái độ của cô dần dần cởi mở hơn, không còn hằn học như ngày đầu nữa. Giọng nói của cô cũng dễ nghe. Anh em cũng vui vẻ hơn khi thấy cô không khó khăn như tay Đại Úy trước, hễ thấy ai trở bệnh nặng là cho xe díp tới chở ra bệnh viện bên ngoài ngay. Dĩ nhiên, anh N.V.Đ được ưu tiên ra ngoài ngay. Mỗi lần như vậy, cô ngồi bên cạnh tài xế, dĩ nhiên là một công an. Bệnh nhân nằm cáng, được đặt song song với chiều dài của xe, anh y sĩ trực tiếp coi bệnh nhân thì cầm hồ sơ, đi theo, ngồi bên cạnh một tay công an khác. Những lần ra ngoài như vậy, người sung sướng nhất là vị y sĩ trực tiếp coi bệnh, đứng chờ sẵn, khi nghe thấy cô ra lệnh:
-Anh Nhân, lên xe đi với tôi!
Hoặc anh Phượng, anh Khánh, anh Lộc, tùy theo bệnh nhân nằm nhà nào thì vị y sĩ trực nhà đó được đi. Đã nhiều năm quanh quẩn trong tù, chỉ nhìn thấy công an hay bộ đội, nay được ra ngoài, hít thở chút không khí tự do, được nhìn thấy "người ta", thì anh nào cũng thích. Lũ chúng tôi thèm quá chừng, nhưng chỉ biết đứng nhìn bạn mình lên xe.
Ngay cả anh Đào, nha sĩ, cũng ngẩn ngơ. Rồi chiếc xe chầm chậm lăn bánh qua khỏi những hàng rào kẽm gai chi chít...
Từ những ngày ấy, liên hệ của các anh y sĩ với cô Dung có phần nhẹ nhàng hơn. Cô không cau có, không ra lệnh như ngày đầu, mà chỉ trao đổi trong phần chuyên môn. Những gì cô không hiểu, cô hỏi với sự kính nể, không như anh chàng Đại Úy trước. Còn tôi, chả cần lưu tâm đến cô, vì với phận sự một anh hộ lý, một chàng bổ củi, gánh nước, tôi chẳng có lý do gì lại gần cô. Cứ sau giờ giao ban, tôi đi một mạch ra giếng, gánh đầy nước vào các thùng đựng nước để nấu cơm, rồi làm mọi công việc linh tinh khác. Tôi cứ ngỡ đời tôi rồi tàn tàn như thế cho đến mãn kiếp vì không hy vọng có ngày về cho đến một hôm...
Sau khi làm đủ công việc hàng ngày xong, tôi lôi cây đàn ghita ra ngồi bậc cửa, dạo vài cung nhạc và tự dưng trong lòng buồn bã, nhớ về người vợ hiền đang cực nhọc nơi nào, tôi hát luôn một bài Trịnh Công Sơn. "Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi..." Hát tới câu này, hồn tôi chùng xuống, tôi lặp đi lặp lại hai ba lần. Nước mắt tôi lãng đãng rơi xuống. Vài giọt rớt trên phím đàn. Nhìn thấy giọt nước làm nhòe thân đàn, tôi lấy ngón tay cố chùi cho khô, rồi đột nhiên linh cảm thấy có ai đang nhìn mình, tôi vội ngước lên và thấy Dung đang đứng đó tự hồi nào. Chắc Dung đã nhìn tôi vừa hát vừa khóc. Cô sững người giây lát và chừng như thấy mình sai lầm, Dung vội quầy quả bước đi. Tôi cũng bối rối, một phần vì sự ướt lệ của mình, một phần vì tôi đang ở trần, chỉ mặc mỗi cái quần xà loỏn để làm việc.
Ngày hôm sau, khi giao ban, tôi ngồi tránh xa chỗ cô, và không liếc cô một lần. Hình như cô cũng gượng gạo hơn mọi ngày, nên chỉ nói qua loa rồi dọt mất. Thời gian trôi qua, sự việc hôm đó cũng nguôi ngoai. Rồi Tết đến. Theo chỉ thị của cô, anh em phải trang hoàng lại chỗ làm việc cho ra vẻ Tết. Biết tôi có khiếu trang trí, mấy anh y sĩ năn nỉ tôi làm sao cho đẹp. Nổi hứng, tôi đi xin một cái vỏ dừa khô, cưa làm hai, rồi tẩn mẩn dùng dao làm bằng kẽm gai, khắc nổi bên ngoài vỏ dừa hình một Ngư Nhân bơi trong một hồ sen. Tôi lấy một cái nắp sắt, cắm mấy cái đầu đinh ngược lên, rồi đốt bao nylông cho nhỏ xuống đầy cái nắp thành một ổ cắm hoa, bỏ trong vỏ dừa. Sau đó, ra ngoài kiếm mấy bông hoa rau muống, hoa dừa, và lá rau dền, tôi cắm một bình hoa tròn trịa, để trên bàn của cô. Còn trên tường, tôi kiếm giấy nâu đen, cuốn lại thành một cành hoa mai, dán lên tường, sau đó dán thêm vài cánh mai vàng giả, và viết vài chữ thảo "chúc mừng năm mới" bên cạnh. Thế là phòng họp tự nhiên biến thành... Tết! Được anh em khen ngợi, lòng tôi cũng vui vui, nhưng không rộn ràng bằng khi cô đến. Nhìn thấy bình cắm hoa đơn sơ nhưng rất lạ, cô cầm lên, hơi thất sắc, hỏi:
-Anh nào làm thế?
Anh Đông chỉ tay vào tôi ngồi ở cuối hàng. Cô nhìn tôi một lúc lâu, rồi nhìn lên tường, và quay xuống tôi, nói vỏn vẹn hai chữ: -Đẹp lắm!
Sau đó, cô ngồi ngắm nghía bình hoa mãi đến quên cả tinh thần buổi họp. Anh Đông phải nhắc "Thưa Cán bộ..", cô mới giật mình, trở lại trao đổi với các anh y sĩ. Trước khi đứng dậy, đi về, cô còn liếc tôi một lần rồi mới xoay chân.
Dung vừa ra khỏi cổng, anh Nhân cười hí hí:
-Thế là T. chết rồi nhé! Cô để ý rồi, là chỉ có mất mạng thôi!
Cả nhóm cười ồn ào. Tôi chỉ biết nhún vai, cười theo. Trong lòng tự nhiên xôn xao giây phút. Hình ảnh nguời con gái Nam Kỳ, (lúc ấy tự nhiên tôi quên mất cô là Đại Úy Công An), có cặp mắt lá răm, làm tôi vương vấn. Nhưng chỉ trong một vài phút, chợt nhớ đến vợ hiền, con thơ, tôi lắc đầu, xua đuổi mấy tư tưởng hắc ám đi và tiếp tục công việc của mình, như không có gì xẩy ra. Nhưng thực tế, có chuyện xẩy ra. Ngày kế tiếp, sau buổi họp, cô gọi nhỏ anh Đông lại, nói chi đó, rồi đưa cho anh ta một gói quà. Cô vừa bước ra, anh Đông nói ầm lên:
-Lại đây! Lại đây! Xem cô tặng quà cho anh T. này!
Tất cả xô lại. Trong tay anh Đông là một cuốn vở mới tinh, mấy cây bút chì mầu, và bút Bic. Anh Đông giơ cao món quà và nói:
-Những cái này là cô tặng cho anh T. Không ai được đụng tới.
Anh nói đùa:
-Ai đụng tới quà của anh T. là vô con-nếch ngồi ngay!
Mọi người cười ầm ĩ. Anh Nhân lại nhắc lại:
-Chết T. rồi! Chết T. rồi! Ông liệu hồn đấy!
(còn tiếp....)