Cám ơn anh Đỗ Quân dăng một bài hay, xin được tiếp theo:
-------------------------

Phương-vũ Võ Tam-Anh
Con tàu lù lù tiến vào ga Phủ-lý vào lúc nhá nhem tối.
Đoàn tù được thả về nhôn nhao chờ đợi từ hồi sáng mà cứ phập phồng lo sợ, tuy được báo rằng tàu dến trể mà không biết cho tới bao giờ. Ở miền Bắc, tàu trể là chuyện thường xuyên, nhưng đối với tù lại có lo nghỉ khác, vì chuyện gì cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, biết đâu rằng cái " giấy ra trại " quí hóa kia cũng có thể bị thâu-hồi vào giờ chót. Ngay sáng nay, trong khi cả trại đang tập họp để chờ đi lao-động, thì một số người, trong đó có tôi được gọi ra đứng riêng, chờ cho mọi người đi hết mới được lệnh là phải làm gì. Một số bị kêu lên " làm việc " lẽ tất nhiện không lấy gì làm phấn khởi , một số chuẩn-bị chuyển trại với tất cả những chờ đợi bất ngờ, một số đi biệt-giam vì kỹ-luật thì đã biết trước cái gì đang chờ đợi, một số được tha về. Tôi ở trong số đưoc tha về, nhưng vẫn bàng hoàng không dám tin ở tai mình nửa. Sau khi cầm chắc trong tay tấm giấy ra trại vàng khè, lem luốt bằng một thứ giấy pồ-lua đã tái -sinh không biết bao nhiêu lần, mà lòng mừng rỡ hân-hoan vô cùng như chưa bao giờ cầm được một tấm giấy quý giá như vậy, quý giá hơn tất cà các văn-bằng đã nhận lảnh trong suốt cả cuộc đời. Để khỏi vở mộng vì lầm lẫn, tôi cố gắng đọc những giòng chữ đánh máy mờ nhạt như đã hết mực, để xác nhận tên tuổi và để nhận ra một tội -danh kỳ-quặc là: "can tội: Bác-sĩ ". Điều này cũng không làm tôi ngạc-nhiên bằng khi nhận lại cái biên-nhận bộ áo quần, chiếc đồng hồ tay và năm mươi đồng tôi mang theo khi nhập trại. Khi được hỏi về chiếc đồng hồ và số tiền sao không thấy, cán-bộ lạnh lùng trả lời: " có thể nhầm lẩn, vậy thì anh phải ở lại để chờ điều tra cho ra".Trời ơi! Không biết cán-bộ học ở đâu ra cái đòn tâm-lý cao-siêu quá vậy. Tôi choáng ván mặt mày, lại phải hết sức năn nỉ để cán-bộ làm ơn quên giùm cái biên-nhận độc-hại đó đi cho tôi được nhờ.
Mọi người âm-thầm chen lấn cho mau lên được con tàu cứu-tinh đó, trong tranh tối tranh sáng chẳng còn ai nhận ra ai. Tiếng còi huýt dài như để đánh dấu một khúc quanh trong quảng đời, và tàu lăn bánh để thấy xa dần hình bóng những chú công-an áo vàng đưa chúng tôi ra tới ga, xa dần một quá- khứ ghê rợn.
Sáng hôm sau, tàu đến ga Thanh Hóa, một số người nhào lên để mua bán đổi chác, mong còn vớt vát một chút gì nơi mấy tên tù khố rách áo ôm. Để có tiền ăn trong mấy ngày đi đường, tôi bán ngay cái quần tergal đang mặc và chấp nhận về Sài-gòn trong chiếc quần tù bằng vải thô mỏng manh vá chằng vá chịt. Trong tay sẳn có đồng tiền, nên khi tàu đến ga Vinh, tôi mua ngay một cái bánh ú, tuy nhiều lá hơn bánh nhưng muôn phần thơm tho đậm-đà hơn những hạt bo bo trong tù. Đang lân lân thưởng-thức cái hương-vị gần như xa lạ đó, bổng một thanh-niên chạy đến trước mặt tôi la lớn:
-Ông Thầy! mừng quá, ông Thầy có nhớ em không?
Tôi hơi ngỡ ngàng vì đã lâu không quen với cách xưng hô đó, và ngờ ngợ thấy anh này hơi quen nhưng không nhớ ra ở đâu.
-Em là Sáng đây, hồi ở trại Nam-hà, em bị suyển nặng, Ông Thầy đã săn sóc và gởi em ra trại Mễ để được đi bệnh-viện, nhờ đó mới có ngày hôm nay đây.
Tôi mường tượng nhớ đến hình-ảnh của Sáng cách đây khoản nửa năm, tiều-tụy hốc-hác khi lên cơn suyển nguy-kịch trong phòng giam ngột ngạc chật chội, thiếu không khí, phải gởi đi cấp cứu.
Sáng là một sinh-viên trường kỹ-thuật Phú-thọ, cùng với khoản hai mươi bạn trẻ khác trong phong-trào "Thanh-niên Phục-quốc", bị đày ra trại Nam-hà, vì tội " chống phá cách-mạng". Những bầu máu nóng này đã làm cho không khí trại trở nên sôi-động khác thường. Bị cột phơi nắng ở giữa sân trại, anh em đã hô to khẩu-hiệu " Đả đảo cộng-sản" cho đến khi chính ban giám-thị chịu không nổi phải thả ra. Nắm được tâm-lý của ban giám-thị là sợ những sự xáo -trộn, tù càng ngoan-ngoản thì trại càng được khen là quản-lý giỏi, nên anh em thỉnh thoảng tuyệt-thực để đòi hỏi phần ăn bo bo khá hơn mà không bị cắt xén, vì trại đào ở đấy ra tiền để nuôi lợn, nuôi chó, mua chim mua cá v.v... trang-trí trại thành một thắng-cảnh, để được tiếng khen những khi có phái đoàn thăm viếng. Mấy hôm sau, cả trại được ăn khá hơn vài muỗng bo bo, nhưng rồi cũng đâu vào đấy, phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, tù đói vẫn lai hoàn đói. Anh em cũng đã gán cho cán-bộ quản-giáo cái tên" Chèo " vì trông chẳng khác gì phường chèo, lúc nào cũng đóng kich giả dối trông rất buồn cười. "Chèo" trở thành một danh-từ phổ-thông cho cả trại đến nổi ban giám-thị phải gọi lên mắng nhiếc: " Quản-lý các anh có cán-bộ nam, cán-bộ nữ, sao lại gọi bằng " chèo đực, chèo cái " nghe chẳng văn-hóa chút nào.". Khi có một cán-bộ vô-ý đi một mình trong con đường vắng trong cái trại rộng bằng cả một cái làng, tức khắc anh em ùa lại cho ăn một trận đòn rồi bỏ chạy. Thế là hôm sau cả đám bị kỹ -luật biệt-giam, một hình-phạt không xa lạ gì đối với Sáng. Mỗi người trong một cái hộc vừa đủ để ngồi, thò một chân ra ngoài qua một lỗ nhỏ để xiềng vào một thanh sắt dài chung cho mấy chục cái chân, cứ thế ngày này qua ngày khác.
Bây giờ trông Sáng hồng-hào tươi tắn hơn nên tôi nhận không ra. Sáng ngồi xuống nắm chặc tay tôi lo lắng hỏi:
- Ông Thầy có đươc thăm nuôi không mà gầy như thế này?
Tôi không trả lời mà hỏi lại:
- Còn cậu thì sao?
Mắt Sáng có vẻ đăm chiêu không còn sáng rỡ như lúc mới nhận ra tôi, hình như có một tâm-sự gì bí-ẩn, Sáng chậm rải nói tiếp:
- Từ khi ra trại Mễ sức khoẻ em khá hơn nhiều, vã lại trại Mễ dành cho những người sắp sửa được về nên kỹ-luật lỏng lẻo hơn, có ai dại gì trốn trại khi biết mình sắp được tha.
- Nhưng sao được tha mà trông cậu không vui, hay là mết phải "chèo cái" nào rồi?
Sáng cười, vỗ mạnh vào vai tôi như để trút được một chút thông-cảm:
- Cũng đúng mà cũng không đúng, làm sao trồng nổi cây si ở xứ này được.
Thế rồi Sáng mở lần lần bầu tâm-sự, thỉnh thoảng bị cụt hứng vì tàu dừng lại lâu ở các ga để cho mấy em bé bán hàng rong nhào lên tha-hồ chen lấn dẩm đạp lên mọi người để rao hàng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy quả chuối, mấy củ khoai, bát nước vối...Bọn con buôn cũng nhào lên, có khi vớ được những mối bở như cặp kính mát, chiếc áo Montagut mà tù muốn tống đi vì cho là lổi thời, không có dịp mặc lại và phải kiêm tiền ăn đi đường nửa, trong khi ở miền Bắc lại là những món thời-trang rất có giá tuy đã củ mèm, ngang hàng với chiếc " quần bò " (quần jean) hay chiếc áo blouson của không-quân.
Sự ồn áo trên tàu cũng không làm Sáng cụt nguồn cảm-hứng đang chờ dịp để tuôn ra.
Khi được gởi ra trại Mễ, Sáng ở vào trường-hợp thập tử nhất sinh, được chở tới bệnh-viện Phủ-lý. Sau một tuần lễ mê mang, Sáng dần dần hồi tỉnh và biết là mình đang còn sống và đang nằm bệnh-viện mà không bị canh gát. Thật ra Sáng không thuộc ngụy-quân ngụy-quyền mà thuộc diện dân-sự không nguy-hiểm, vã lại đang bị bệnh nặng nên được cứu xét để cho về, chỉ còn chờ thủ-tục thôi.
Ở bệnh viện Phủ lý, Sáng được mọi người chú ý vì là bệnh-nhân duy-nhất người Nam. Sáng ăn nói nhỏ nhẹ, có một giọng miền Nam ấm-áp gây một sức hấp-dẫn đặc-biệt, nhất là khi mà những huyền-thoại về quà người Bắc gởi tặng bà con trong Nam là mấy quả cam hay mấy cái bát ăn cơm không còn ai tin nửa. Mọi người thường bu quanh Sáng để hỏi han về đời sống trong Nam.
- Nghe nói ở Sài-gòn cái gì cũng dùng máy hết phải không anh?
Sáng khiêm-nhường trả lời:
- Vâng, nhưng cũng tùy theo gia-đình chứ không phải ai cũng có hết đâu.
- Quái nhỉ, giặt giũ cũng máy, rửa bát cũng máy, thổi cơm cũng máy, thế không ai lao-động hết à ?
Nghe câu nói nặc mùi xã-hội chủ-nghĩa, Sáng không cầm được một chút bốc-đồng mà châm thêm:
- Đi ỉ... cũng máy nửa đấy. Nhà nào cũng có cầu tiêu máy chứ không phải còn đổ thùng như ở Hà -nội đâu.
Thấy câu nói hơi hớ, nhưng chẳng thấy ai phản-ứng, Sáng hơi yên tâm vì chắc là ai cũng đã từng nghe chuyện mấy cán-bộ mới ở Bắc vào Nam thường hay vo gạo hay nuôi cá trong nhà cầu.
Sáng thường giúp đở những bệnh-nhân khác trong sinh-hoạt hằng ngày, giúp một cụ già làm vệ -sinh hay trò chuyện với bà cụ bán mấy quả chuối hay mấy quả ổi ở ngoài cổng, là chuyện chưa bao giờ thấy ở đây. Nhưng điều làm mọi người ngạc-nhiên nhất và coi như là một đặc-điểm khác thường để đánh giá con người Sáng là mỗi bửa phát cơm anh vẫn bình-tỉnh chờ đợi, không chen lấn ồn-ào giành giựt như những bệnh-nhân khác. Có khi Sáng còn lấy cơm giùm cho những người yếu đưối không chen lấn nổi. Ngoài những khi lên cơn suyển, Sáng thường phụ giúp dọn dẹp vệ-sinh nên Trại Nội Thương nơi Sáng nằm lúc nào cũng tươm-tất để được đề-cao sự hiệu-nghiệm của cái gọi là" lao-động liệu-pháp" Nhờ vậy Sáng chiếm được cảm-tình cúa mọi người, họ quên đi cái danh-hiệu " Tù Ngụy " được gán cho Sáng lúc mới nhập viện.
Cảm-tình âm-thầm nhất là của bác-sĩ trưởng trại. Gọi là bác-sĩ nhưng thật ra Liên, tên của vị nữ bác-sĩ trẻ này, mới chỉ là " nghiên-cứu-sinh" , sinh-viên sắp ra trường, tương-đương với tước-vị nội-trú trong Nam, vì thiếu người nên được đề-bạc làm trưởng trại nội -khoa bệnh viện Phủ-lý. Liên bản-tính chăm chỉ, tận-tâm nghề-nghiệp, thích học hỏi, rất xứng-đáng với chức vụ mới. Liên là người Hà-nội chính-cống, nhiều người cho đó là một hảnh-diện, sanh đẻ và lớn lên ở Hà -nội nên có một giọng nói rất ngọt ngào, cung-cách điềm-đạm, khác hẳn với những người Hà -nội mới sau này, nên được bệnh-nhân cảm-phục thương mến. Với dáng vóc đều-đặng của tuổi thanh-xuân, nước da không trắng lắm nhưng mịn-màng, đặc biệt là lúc nào cũng tươi cười làm cho cái khuôn mặt trái soan càng thêm dể cảm.
Đôi mắt đen nháy mà lại hơi mơ-màng, thích hợp cho một nghệ-sĩ hơn là cho một bác-sĩ. Liên cũng thích làm dáng theo cái nữ-tính hồn-nhiên Hà-nội chính-cống của nàng. Từ khi Nhà Nước phát-đông phong-trào " Phụ-nữ mặc quần Âu", một phong trào mà Báo Nhân-dân cổ-vỏ rần-rộ ngang hàng với ngày xưa Vua Minh-Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật, bắt mấy bà mệnh-phụ phu-nhân trong triều phải mặc áo hở cổ hở vai theo kiểu Tây-phương, thì được Liên hưởng-ứng ngay. Thế là mấy chợ trời bán áo quần củ đường Tạ-thu-Thâu, đường Kỳ-đồng ở Sài-gòn tha hồ được Hà -nội chiếu cố, vòi cho được cái quấn tergal thẳng nếp mà không phải ủi, vì hai chữ bàn ủi không có trong tự-điền miền Bắc, còn may mặc tại chỗ thì vãi đã xấu mà còn lụng tha lụng thụng như quần đàn ông. Liên là một trong số con gái Bắc đầu-tiên được hảnh-diện tròng vào chiếc quần " Âu ", thay cho cái quần "cháo lòng" bạc màu, đen không ra đen, vàng không ra vàng, nhăn túm nhăn tíu, có khi còn là "nhất bộ nhất bái",( không phải là màn Tiết-Nhân-Quý mỗi bước mỗi lạy cha là Tiết-Đinh-San , mà phải hiểu là chỉ mỗi một bộ độc nhất ) đêm ngày chi cũng một mình nó thôi. Liên nhờ mấy cô bạn hớt tóc ngắn nhưng vẫn để chấm ngang vai nên không giống mốt mấy Thím Xẩm Chợ Lớn như mấy nữ xướng-ngôn-viên thấy trên đài truyền-hình khi mới tiếp-thu Sài-gòn.
Hằng ngày đi khám bệnh mặc cái quần Âu, mang đôi guốc gỗ (một sản-phẩm mới được nhập-cảng từ miền Nam) thay cho đôi dép râu, choàng thêm chiếc áo bờ-lu trắng, Liên đi tiên-phong trong sự" đổi mới " của phụ-nữ Bắc. Liên rất chăm chú vào công việc chuyên-môn, coi Sáng cũng như bao nhiêu bệnh-nhân khác, niềm-nở nhưng nghiêm-nghị, thái-độ thông-thường của những bác-sĩ trẻ nhưng muốn ra điều kẽ cả. Tuy nhiên Liên cũng không khỏi không nhìn thấy nơi Sáng một cái gì khác với bệnh-nhân thường. Trước hết Sáng là bệnh-nhân người Nam duy nhất mà nàng săn-sóc từ trước đến nay, để nghe được giọng Nam hơi lạ lạ vui tai, và để hiểu thêm về xứ Sài-gòn xa lạ mà nhiều người mới vào Nam ra thường hay thổi phồng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Hơn nửa, Sáng là một bệnh-nhân tù, một thanh-niên ở tù vì chính-trị, có học-thức mà không có nợ máu. Sáng bị bắt vì đi biểu-tình chống-đối chế -độ mới, cũng như đã từng chống đối những bất-công ở miền Nam trước đây, một hiện-tượng không hề có ở miền Bắc. Sáng phản-đối những chính-sách phi-lý, nhất là việc đốt những " sách báo đồi-trụy do Mỹ Ngụy để lại " trong đó có cả những bộ bách-khoa tự-điển, những tài-liệu khoa-học quý giá, những sách giáo-khoa bằng ngoại-ngữ v.v... Những điều đó làm cho Liên suy-nghỉ mà không phản-ứng một cách máy móc bằng hai chữ phản-động như những người khác, mặc dầu nàng được đào-tạo từ trong trứng nước bởi mối hận-thù với miền Nam.
Qua những lần tiếp-xúc với Sáng, ngoài những câu hỏi thông-thường về bệnh-hoạn, ít khi Liên đề cập đến đời tư mặc dầu nàng cũng tò mò muốn biết thêm về anh chàng lạ lùng đó, nàng hết sức giữ ý giữ tứ, dù sao cũng không tránh khỏi " quan trên trông xuống, người ta trông vào ". Sáng biết thân-phận mình nhưng không mảy may bị mặc-cảm và với bản-tánh khiêm-tốn nên ăn nói xưng hô rất lễ-độ, một thưa bác-sĩ, hai thưa bác-sĩ, mặc dầu trong bụng không khỏi nghỉ thầm : " con bé này đáng tuổi em mình, gọi thế cho cô ta khoái ". Liên cũng có cảm-tưởng như vậy nên mặt hơi đỏ nhưng cũng làm bộ như không để ý đến cách xưng hô, dầu sao nàng vẫn thấy cách ăn nói của người Nam không văn-hoa, nhưng thật tình và lịch-thiệp, bổng nhiên nàng so sánh với lối tán-tỉnh ba hoa bóng-bẩy nhưng hơi lố-lăng của những chàng trai Hà -nội có khi làm nàng khó chịu, hể gặp con gái là xưng anh với em ngay, mặc dầu chưa hề quen biết.
Dần dà, công việc khám hằng ngày cho Sáng trở thành một thói quen dể chịu. Tuy ép mình trong vai trò giữa thầy thuốc và con bệnh, mỗi lần nghe, gõ, nắn
trên con người của Sáng, đôi mắt Liên cũng khó tránh khỏi cái nhìn trong sáng và hiền-từ trên cái khuôn mặt thông-minh rắn-rõi của chàng sinh-viên Nam-kỳ này. Một chút rung-động thoáng qua, nàng rùng mình sợ hãi, vội khám nhanh để đi chỗ khác, như để chạy trốn với chính mình. Nàng biết rằng Sáng đang phải chịu đựng những cùng-cực ghê-gớm nhưng chưa bao giờ thấy than-thở một điều gì, ngay cả lúc mệt ngất vì cơn bệnh. Tư-cách của Sáng làm cho Liên phải kính nể và không khỏi ái-ngại khi thấy vết sẹo lớn trên cổ chân Sáng vì bị cùm nhiều ngày, tự-nhiên nàng thấy một chút mặc-cảm thua sút đối với Sáng.
Khi kiếm đâu được một hộp thuốc ngoại từ Pháp hay từ Mỹ gởi về, Liên không ngần-ngại đem đến nhờ Sáng dịch cách xử -dụng, Liên sung sướng và hảnh-diện vì một bác-sĩ miền Bắc mà biết xử-dụng đúng cách thuốc Mỹ thuốc Pháp là một ưu-điểm trong cách chửa trị. Ngoài cái cảm-khoái chuyên-môn đó, Liên còn có một thứ cảm-khoái khác, không những sự hiểu biết ngoại-ngữ của Sáng làm cho nàng khâm-phục, mà không hiểu sao đọc lời dịch toa thuốc mà nàng lại thấy rung-cảm như đọc bức thơ tình vậy.
(còn tiếp)