Hoàng thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà Quốc hội mới
(phần 1)
2007.11.19
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội mới hiện đang là vấn đề nóng bỏng tại Hà nội, vào khi quốc hội khoá 12 đang họp.

Bản đồ Hội trường Ba Đình (Dự định phá để xây toà nhà Quốc Hội).
Nóng bỏng bởi vấn đề tưởng như đã giải quyết xong sau khi quốc hội khoá 11 đã quyết định, nhưng lại chưa xong vì “lòng dân vẫn chưa yên” như nhận định của đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khi quốc hội khoá 12 lại chưa bàn gì đến, và không biết liệu có bàn đến không.
Biên tập viên Nguyễn An xin trình bày toàn bộ câu chuyện về hoàng thành Thăng Long kể từ lúc bắt đầu cách nay đã 5 năm. Bài có sự đóng góp của nhà báo Bùi Tín.
Từ cuối những năm 1990, nhà nứơc đã có chủ trương sẽ xây dựng hai toà nhà lớn là quốc hội và hội trừơng Ba Đình (mới) tại khu vực nằm giữa các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập và Bắc Sơn. Tại khu vực này, vốn đựơc gọi là Trung Tâm Chính trị Ba Đình có diện tích khoảng 57000 mét vuông, từ những năm 1960, đã có hội trường Ba Đình (cũ).
Chiếu theo luật Di sản Văn Hoá thì trứơc khi xây dựng các công trình lớn, phải tiến hành khai quật khảo cổ học. Do đó, Viện khảo cổ học đựơc phép tiến hành khai quật trên diện rộng khu vực này, và công tác bắt đầu đựơc thực hiện vào cuối năm 2002.
Hoàng thành Thăng LongKhi công cuộc khai quật bắt đầu, chính xác là tại khu vực số 18 đường Hoàng Diệu, các nhà nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một phức hệ di tích và di vật phong phú. Vào tháng chín năm 2003, trung ương quyết định di chuyển kế hoạch xây dựng Hội trừơng Ba Đình (mới) sang khu Mỹ Đình và đổi tên thành Trung Tâm Hội nghị quốc gia, đồng thời chấp thuận cho tiếp tục khai quật khu đất dự định xây toà nhà quốc hội.
Tính cho đến giữa năm 2004, diện tích khai quật đã rộng tới 19.000 mét vuông, tức là chẳng những lớn nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam, mà cả trong vùng Đông Nam Á nữa. Hệ di tích phát hiện ra chính là thành Đại La từ thế kỷ thứ VII đến thứ IX, hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ XI đến XVIII và cả thành Hà nội vào thế kỷ XIX.
Nếu tính hoàng thành Thăng Long bắt đầu từ nhà Lý kéo dài đến Lê Trung Hưng, thì phải nói là khu di tích đựơc khai quật lên là những gì còn sót lại từ tiền Thăng Long, đến Thăng Long và Hà nội nằm chồng lên nhau.
Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam từng nhận xét rằng chưa từng có một công trường khảo cổ nào ở nứơc ta và khu vực mang một tầm cỡ như vậy, không những về quy mô, mà cả về tầm quan trọng. Ông dùng ngôn ngữ của Khảo cổ học mà nói rằng, ta đã nhìn thấy đựơc, sờ mó được, sở hữu đựơc một di sản văn hiến ngàn năm.
Ông nhấn mạnh: ”Sở dĩ một khu vực thôi mà có nhiều di tích đến thế là vì vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, vì ngày xưa chủ yếu chỉ san nền rồi xây lên, có đào móng trụ thì cũng chỉ trên dưới một mét cho các chân cột, nên các nền kiến trúc cũ đựơc lấp đi, [chứ không mất hẳn.] Vì thế, dù là phế tích, nhưng giá trị còn rất rõ.”
Hiện đã có hàng triệu hiện vật lịch sử đựơc tìm thấy, nhưng nếu được phép tiếp tục đào thêm, thì nhất định sẽ tìm thấy nhiều di tích quý hiếm hơn nữa.
Những tìm tòi sau đó đưa đến kết luận rằng khu vực đựơc khai quật tại 18 Hoàng Diệu chính là Cấm Thành, tức trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long. Ông Trần Quang Dũng, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa thành cổ Hà nội cho biết sẽ tiến hành lập hồ sơ công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di tích đặc biệt cấp quốc gia, và sẽ phát triển hồ sơ này để đề nghị UNESCO công nhận di tích này là Di Sản Văn Hoá Thế giới.
Nhà báo Bùi Tín hiện đang sinh sống tại Pháp, nhưng luôn quan tâm theo dõi những diễn biến tại quê nhà đã tóm tắt tình hình vừa kể như sau:
“Chúng ta theo dõi tình hình thì đều biết là vào cuối năm 2002, đến suốt cả năm 2003 qua đến cả năm 2004, thì các di tích lịch sử đã đựơc phát hiện ra và càng ngày càng đựơc chú ý bởi dư luận trong nứơc và ngoài nứơc.
Lúc bấy giờ thì ai cũng cho đây là một di tích cực kỳ quý hiếm, ít có nước nào còn giữ đựơc nguyên vẹn mấy lớp lịch sử đến như thế. Cho nên ai cũng mong là cái di tích này giữ nguyên, đựơc bảo quản tốt, và sẽ càng ngày càng đựơc đào sâu thêm lên để phát hiện nhiều những cổ vật mới.
Dư luận quốc tế cũng đã quan tâm, rất nhiều nhà khảo cổ học, sử học của Nhật bản, của Thuỵ điển, của UNESCO, của Pháp, của Đức đã đến quan sát tại chỗ để đánh giá cái di tích hoàng thành cổ này.”
Bảo tồn hay xây mới? Hạ tuần tháng tám năm 2004, Viện Khoa học xã hội tổ chức hội nghị thảo lụân về những di tích và di vật vừa đựơc phát hiện, với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học trên cả nước và đề xuất lên chính phủ bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu.
Kết quả là vào tháng sáu năm 2006, thủ tướng chính phủ có văn bản nhất trí chủ trương bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Tuy nhiên, sau đó, chính phủ vẫn chỉ đạo xây dựng toà nhà quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu. Vào tháng chín năm 2006, theo lời giáo sư Phan Huy Lê trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, thì có chủ trương là vẫn cứ xây toà nhà quốc hội tại lô D, tức khu vực tứ giác các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập và Bắc Sơn.
Toà nhà ấy sẽ rộng 40.000 mét vuông so với diện tích toàn khu là 57.000 mét vuông. Nếu tính diện tích đã khai quật là 19.000 mét vuông, thì toà nhà quốc hội phải chiếm một phần của khu vực đã khai quật.
Do đó, vào cuối năm 2006, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi kiến nghị số 52/HSH tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước.
Toàn văn bản kiến nghị đựơc đăng trên báo điện tử Vietnamnet cảnh báo về những hệ quả nếu xây toà nhà quốc hội như kế hoạch của chính phủ, rằng vịêc xây dựng như thế sẽ gây “bất bình và bức xúc trong giới khoa học,” cũng như sẽ “gây bất bình trong nhân dân và khó giải thích trứơc công luận quốc tế về thái độ ứng xử của một quốc gia văn minh đối với một di sản văn hoá mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.”
Trên cơ sở đó, hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị xây dựng toà nhà quốc hội trong khu vực quận Ba Đình, nhưng không xâm phạm đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Ý kiến của giới nghiên cứuNgoài ra, một số nhà khoa học cũng phát biểu ý kiến về chủ trương của đảng và chính phủ xây dựng toà nhà quốc hội tại trung tâm chính trị Ba Đình, tức khu di tích đã đựơc phát hiện.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm, phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định rằng nếu quyết định xây toà nhà quốc hội tại khu Cấm Thành, thì đó là “một quyết định sai lầm mang tính lịch sử không cách nào chữa được” vì đã “tàn phá một di sản quý giá độc nhất vô nhị của dân tộc Việt Nam.”
Phó giáo sư Tiến sĩ Hà Văn Phùng, quyền viện trưởng viện khảo cổ Việt Nam thì cho rằng “nếu xây dựng toà nhà quốc hội mới trên khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu thì sẽ mất đi vĩnh viễn một di sản đặc biệt quý hiếm của cả Việt nam và thế giới.” và ông xác định quan điểm là “Giữ ,và giữ đến cùng.”
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, phó giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà nội nêu lên một khía cạnh khác. Ông nói: ”Quá trình thi công sẽ rất phức tạp, không ai dám chắc là di tích sẽ không bị xâm hại. Chắc gì trong quá trình đào móng sẽ không vướng di tích ở những vùng chưa động đến trứơc đây? Và nếu gặp di tích, thì theo luật Di sản, việc xây dựng sẽ phải dừng lại.”
Ba năm sau những mừng rỡ chào đón khu di tích lịch sử ngàn năm ngay giữa thủ đô Hà nội của người dân, giới khoa học trong cũng như ngoài nước, khu di tích đặc biệt quý hiếm Hoàng Thành Thăng Long vẫn chưa đựơc công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, chứ chưa nói gì đến việc nộp hồ sơ lên UNESCO để đựơc công nhận là di sản Văn Hoá Thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo điện tử Vietnamnet, giáo sư Phan Huy Lê, cho biết là vẫn còn sự lấn cấn cả trong vấn đề quản lý lẫn phương án bảo tồn.
Ông Trần Quang Dũng, phó giám đốc trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa, thành cổ Hà nội cho biết rằng trung tâm của ông là đầu mối việc lập hồ sơ công nhận di tích, nhưng trung tâm lại thụôc sở Văn hoá thông tin Hà nội quản lý trong khi khu 18 Hoàng Diệu lại do Viện Khảo cổ học nghiên cứu, và hai bên chưa có sự thống nhất trong đề xuất với bộ Văn Hoá Thông tin.
Cũng trong thời gian này, UNESCO đã cử các đoàn chuyên gia sang nghiên cứu tại chỗ, chính thức góp ý kiến là nên bảo quản giữ gìn toàn bộ và trọn vẹn. UNESCO cũng cho biết sẵn sàng giúp đỡ về cả chuyên gia lẫn tài chính để có thể đi đến chỗ công nhận hoàng thành Thăng Long là di tích cổ loại quý hiếm của thế giới.
Sau đó không lâu, ngày 9 tháng hai năm 2007, Hội Sử học Hà nội tổ chức một hội nghị nhằm thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng Thành Thăng Long. Gần 300 nhà khoa học đã hiện diện. Hội nghị đã thống nhất đề nghị đảng và nhà nước sớm có chủ trương chính thức bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hòang Diệu trong tổng thể khu vực Hoàng Thành Thăng Long và thành cổ Hà nội.
Đến cuối tháng hai, thì được biết chủ trương mới, là vẫn xây toà nhà quốc hội tại khu D, nhưng trên nền của Hội Trừơng Ba Đình cũ, và như thế là sẽ phải phá bỏ Hội Trường Ba Đình cũ đi. Với chủ trương của chính phủ, nhiều người trong giới sử học đã cho rằng cách giải quyết ấy là tạm ổn vì khu di tích vẫn đựơc bảo tồn mặc dù Hội trường Ba Đình phải phá đi.
Quyết định này sau đó đựơc quốc hội khoá 11 thông qua trong phiên họp cuối nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 2 tháng 4 năm 2007. Một cuộc thi vẽ thiết kế toà nhà quốc hội sau đó đã đựơc bộ Xây dựng gấp rút tiến hành. Kết quả đựơc trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà nội từ ngày 2 đến 15 tháng chín vừa qua.
Nhà báo Bùi Tín nói về quyết định của quốc hội khoá 11 như sau: “Không thông qua thảo luận rộng rãi chung trong xã hội, mà có ý kiến là lấy quyết định các tổ cộng lại, và tuyên bố là đa số tán thành cái việc là xây dựng cái trụ sở quốc hội mới ở ngay trên cái nền của hội trường Ba Đình, và sẽ phá cái Hội trừơng Ba Đình đi. Thế thì cái quyết định này đã gây nên rất nhiều thắc mắc ở trong nứơc, cho rằng cái quyết định ấy là một quyết định khuất tất, chưa đựơc thảo luận kỹ, vội vã, và do đó, (dư luận) muốn đặt lại vấn đề.”
Trên đây là phần đầu của câu chuyện Hoàng Thành Thăng Long và dự án xây dựng toà nhà quốc hội do Nguyễn An thực hiện. Trong buổi phát thanh tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả phần thứ hai của câu chuyện, sau khi quốc hội khoá 11 đã quyết định về địa điểm xây toà nhà quốc hội.
Trong phần hai, sẽ có ý kiến của nhà báo Bùi Tín và đại biểu quốc hội đồng thời là tổng thư ký hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Mong quý thính giả đón nghe.
Tiếng Việt
--------------------------------------------------------------------------------
© 2007 Radio Free Asia