
Có lẽ vì ảnh hưởng những gì mà ba tôi yêu thích, cho nên tôi đã đam mê hội họa từ hồi niên thiếu …Tôi yêu thích những bức tranh sơn dầu đẹp tuyệt vời của trường phái ấn tượng và nhất là những bức tranh của Claude Monet …

Claude Monet (14 tháng 11, 1840 – 5 tháng 12, 1926) là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập ra trường phái ấn tượng. Các cô con gái của tôi từ nhỏ đã từng được tiếp xúc, học hỏi về cuộc đời nghệ thuật của nhà họa sĩ tài danh này …Khi tôi nhìn các con tôi tập vẽ hồ hoa súng của Monet với các cô giáo trong trường, tôi thấy rất xúc động, cho nên kỳ này khi về nghỉ hè ở Paris, tôi đã bỏ một ngày để theo ba tôi, cùng các con về thăm Giverny, nơi mà Monet đã sinh sống trong khoảng cuối đời của ông …Giverny là một ngôi làng nhỏ nằm trong vùng Haute-Normandie, cách Paris 80 km về phía tây bắc, cách thành phố Vernon 4km. Khi gần tới Giverny, cảnh sắc thật nên thơ lãng mạn vì con đường đi dọc theo một bên là vách núi sừng sững, một bên là dòng sông Seine nước chảy lững lờ… Xe ba tôi len lỏi quanh quanh những triền dốc, bên những pháo đài cổ và xa xa đã hiện ra những ngôi nhà rất xinh xắn mang nét đẹp truyền thống và hoang dại của vùng Haute-Normandie.



Trường phái ấn tượng được ra đời với sự sáng tạo và cách dùng diệu kỳ về màu sắc …Họa sĩ Monet trong những năm đầu thường dùng những màu sắc tối, những bóng đen như trong bức tranh Le coin d’atelier được hoàn thành năm 1861.

Từ năm 1860 thì ông bắt đầu đem vào tranh vẽ của mình những màu sắc mới, những màu sáng trong tinh khiết, như màu trắng bạc, màu vàng Ca-di-mi( cadmium), màu vàng chanh, màu đỏ son, màu đỏ sậm, màu xanh cobalt nhạt, màu xanh da trời, màu xanh bích ngọc…Ông đã không còn dung màu đen trong những tác phẩm của ông nữa …Khi ông vẽ, nếu cần phải có màu đen trong bức tranh, ông thường trộn lẫn nhiều màu khác nhau như màu xanh lá cây, màu xanh, màu đỏ để có một màu gần giữa màu đen và màu tím than để thế vào màu đen tinh khiết mà ông cần …Những bức tranh sau này của ông thường dùng những màu lạnh như màu xanh, màu tím …

Năm 1908, khi ông 68 tuổi thì ông mắc phải chứng bịnh đục thể kính ( cataracte). Dần dần cặp mắt của ông không còn nhìn thấy rõ ràng nữa. Người yêu tranh có thể nhận thấy sự thay đổi màu sắc trong tranh vẽ của ông vì đôi mắt bịnh tật từ năm 1908, trong những bức tranh vẽ về Venise...Muốn hiểu vì sao, trước hết chúng ta phải tìm hiểu về bịnh đục thể kính . Bịnh đục thể kính là một căn bịnh ác tính sẽ làm đục dần dần thể kính là nơi lọc những màu sắc…Người mắc bịnh từ từ sẽ nhìn màu trắng thành màu vàng ngà, màu xanh lá cây thành màu vàng-xanh lá cây, màu đỏ thành màu cam, màu xanh thành màu đỏ và màu tím thành màu vàng …Những chi tiết không còn rõ nữa, những đường viền dần dần mất đi, vạn vật dưới thể kính đục trở nên mờ ảo. Tuy bị căn bịnh này hoành hoành nhưng nhà họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ …Ônh nhận màu qua những nhãn hiệu mà ông đọc được trên mỗi ống đựng màu, và thứ tự đặt những ống màu đó trên khay vẽ của ông …Ông bảo: “Với thị giác càng ngày càng kém, tôi nhìn vạn vật như xuyên qua một làn sương mù dày đặc”

…Monet ngày thường thích vẽ những gì ông chính mắt nhìn thấy. Khi căn bịnh của mắt ông trong thời kỳ biến hóa trầm trọng, ông không còn nhìn thấy những màu lạnh nữa, và thay vào đó những màu như màu đỏ, màu vàng; ông cũng hông còn nhìn thấy những chi tiết nữa, và những đường viền của mỗi vật thể đều không còn rõ ràng nữa …Ông mất hoàn toàn thị lực của mắt phải vào năm 1911. Mắt bên trái của ông cũng yếu dần đến độ không còn nhìn thấy nữa vào năm 1922…Ông gần như trở thành người mù lòa. Ông bắt buộc phải ngừng vẽ từ mùa hè năm 1922.

Năm 1923, theo lời khuyên của người bạn thân của ông, ông Georges Clémenceau, ông chịu đi mổ mắt bên phải. Sau 2 lần mổ vào tháng giêng năm 1923, và nhờ vào cặp mắt kiếng đặc biệt, mắt bên phải của ông có thể nói là tìm thấy lại gần như hoàn toàn các màu sắc …Nhưng nỗi mừng vui không kéo dài được lâu, vì sau khi mổ ông đã bắt đầu có những biến chứng khác như nhìn đôi, biến dạng hình ảnh, màu sắc không trung thực …Vì thế mà ông đã từ chối mổ mắt bên trái . Nhưng tuy thế ông vẫn bắt đầu vẽ lại vào năm 1923 cho đến ngày ông mất, sau 1 năm trời không có đụng tới cọ và bảng vẽ . Những bức tranh từ năm 1923 trở đi đều mang màu sắc lạnh, vì ông chỉ nhìn thấy được màu xanh, ông không nhìn thấy màu đỏ và màu vàng…Những bức tranh cuối đời của ông tràn đầy niềm u uẩn, cô đơn và tuyệt vọng…Ta có thể so sánh khi nhìn hai bức tranh: “Le bassin des Nymphéas” vẽ năm 1897, và “Le pont japonais” vẽ năm 1923

Ông mất ngày 5 tháng 12 1926 và được chôn cất tại nghĩa địa của nhà thờ Giverny.
Trở lại về Giverny, ở nơi đây Monet đã vẽ rất nhiều bức cảnh khu vườn của ông cùng bãi cỏ, những cây liễu, cái ao với hoa súng và cây cầu xây theo kiến trúc Nhật với những nét đổi thay của bầu trời, màu sắc, ánh sáng và sắc độ. Những bức tranh về khu vườn ao này của ông là thực sự thu hút sự ngưỡng mộ của công chúng.

Cũng tại nơi này ông vào năm 1899, đã thực hiện một bộ tranh sơn dầu về hoa súng gồm 4 bức trong đó có bức tranh tuyệt tác “Le Bassin Aux Nympheas” (bức tranh thứ tư trong bộ tranh hoa súng) hiện đang được trưng bày tại Luân Đôn. Một trong 4 bức cùng chung bộ hoa súng với “Le Bassin Aux Nymphéas” đang nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan New York. Một bức khác thuộc sưu tập cá nhân. Trong sự nghiệp của mình, Monet còn thực hiện nhiều tuyệt tác khác về hoa súng và đang được lưu giữ trong các bảo tàng khắp thế giới.

Khi tôi và các con đến Giverny, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cảnh đẹp tuyệt vời gần như hoàn mỹ của ngôi nhà và những mảnh vườn nép mình dưới chân tường ngọn đồi. Khu vườn thượng còn được gọi l à “Le clos normand”, rúng rính những luống hoa diên vĩ (iris) ngạt ngào trong sự hòa sắc giữa màu tím nhạt, xanh lam và trắng, viền quanh là luống oải hương(lavande) màu hồng hay tím nhạt. Sự hài hòa màu sắc từ những bông hoa dyên dáng màu trắng khiết trinh đến phớt hồng, rồi hồng thẫm, tím nhạt, xanh thiên thanh, xanh bích ngọc làm cho tôi có cảm giác lâng lâng như mình đang lạc vào cõi mơ




Nhưng nơi mà tôi thích nhất vẫn là vườn ao súng đầy huyền thoại…Con đường dẫn ra vườn ao súng có một con kênh nhỏ vòng quanh một rừng trúc xanh biếc màu ngọc …Tiếng gió lao xao trên những nhánh tre, khảy từng chiếc lá, tạo nên một làn sóng nhạc vi vu thật yên bình…



Tôi nghe người ta kể rằng mỗi buổi sớm tinh sương thường có một ông già râu tóc bạc phơ đi trên con đường này để đến nhìn những giọt sương mai đầu ngàycòn ướt đọng long lanh trên từng cánh hoa súng …Tôi đứng bên vườn ao súng nhìn những cành liễu đong đưa rũ trên mặt hồ, nghe tiếng gió thì thầm trên vùng lau sậy ven bờ, ngắm thưởng những hạt nắng óng màu xà cừ trên những đóa súng hồng, những cánh chuồn chuồn lượn vờn và xa xa cái dáng cong cong của chiếc cầu huyền thoại …Thiệt là hữu tình …tôi bỗng chợt hiểu vì sao nơi đây đã đem đến cho ông nguồn cảm hứng bất tận để vẽ nên những tuyệt tác cuối đời của ông “ Les nymphéas”



Tôi cũng vào thăm ngôi nhà ông đã ở qua…

Từ đồ đạc, bàn ghế , tranh ảnh đều được giữ nguyên vẹn như hồi ông còn sống …


Đứng tựa vào lan can cửa sổ của phòng ông ngủ, nhìn xuống cả khu vườn mênh mông rộng lớn, dưới làn mưa bụi, mới thấy hết sự huyền ảo của thiên nhiên, và sự kết hợp hài hòa màu sắc giữa trời và đất, một nét đẹp lộng lẫy tuyệt vời thoát thai từ vũ trụ đang dần dần len lén đi vào thế giới nội tâm của con người …


Thoảng trong gió nhẹ đưa hương ngạt ngào của các loài hoa, cỏ …Tất cả đã cho tôi những giây phút hưởng thụ trầm tư, bình lặng và an vi …

Trong cảm xúc thiêng liêng này tôi bỗng ước gì N có ở bên tôi để cùng chia sẻ những khoảnh khắc thật bình yên sâu lắng của tâm hồn…Không có thị phi, không có những tranh chấp, không có những đố kỵ hiểu lầm và phiền muộn trong cuộc sống tất tả hằng ngày …Chỉ có một vùng trời thật bình yên, một bầu không khí trong lành, một niềm cảm xúc tinh khiết và đầm sâu, một nguồn cảm hứng lai láng lãng mạn và trữ tình …để thấy trái tim đồng cảm tràn ngập những yêu thương và mơ ước…
Tôi nhìn những bức tranh hoa súng của ông treo trong ngôi nhà kỷ niêm. Tất cả đối với tôi đều là tuyệt tác vì tôi rất ngưỡng mộ sự cảm nhận ánh sáng tài tình trong tranh ông… Tôi còn nhớ Cha Trần Cao Tường đã có một lần nói rằng : “
Màu ánh sáng chói chang ban trưa khác với màu nhung mềm lúc trời mây. Màu tươi vui nhảy múa trên những đọt lá trong nắng sớm khác với màu trầm ngâm suy tư lúc mặt trời lặn. Màu ánh sáng xuyên qua những hạt mưa long lanh khác với màu mơ mộng thơ thẩn trong sương mù. Ánh sáng lại tùy lúc mạnh hay yếu, đậm hay nhạt, gợi lên những cảm giác và tâm tình khác nhau. Ánh sáng cũng đến từ nhiều phía, diễn lên những chiều kích có khi thâm sâu bền chặt, có khi hời hợt vội vàng. Ban đêm không có ánh sáng thì mọi vật trở thành tối đen. Đúng là ánh sáng tô màu vạn vật, vẽ lên bức tranh tuyệt tác mỗi phút giây.”...
Có lẽ vì thế mà tranh hoa súng của ông mỗi tấm đều mang một nét đẹp riêng của nó …


Cám ơn ông, người họa sĩ tài danh, người cha của trường phái ấn tượng đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật và ước mơ, đã để lại cho thế hệ sau này những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, tâm hồn và sức sống.


Bài viết này riêng tặng N ...
Viết ngày 19/08/08
Tiểu Vũ Vi