
Tuesday, January 15, 2008
Cựu nữ sinh trung học Lê Văn Duyệt trong “Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô”

Những chậu lan tươi thắm thể hiện tình thầy trò của cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt từ San Jose về tham dự “Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô”. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)Nguyên Huy/Người Việt
Từ khắp nơi, San Jose, Sacramento, Florida, San Diego, Orange County, trên ba trăm cựu nữ sinh của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt Saigon năm xưa đã rủ nhau về Little Saigon vào trưa hôm Thứ Bẩy 12 Tháng Giêng vừa qua tại nhà hàng China Feast trên đường Beach để cùng nhau bầy tỏ lòng tri ân với hơn 20 thầy cô mà các chị em đã liên lạc được.
Mở đầu buổi họp mặt ân tình này, hội trưởng của Ái Hữu Lê Văn Duyệt Ðặng Thị Cần phát biểu: “Dù đã rời mái trường mẹ mấy chục năm qua nhưng tấm ân tình với các thầy cô đã một thời giáo dục cho mình, chị em nữ sinh Lê Văn Duyệt vẫn hằng ấp ủ. Ðã bao nhiêu lần họp mặt, bao nhiêu lần bàn thảo mãi đến nay mới tổ chức được ‘Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô’ với sự hiện diện của hơn 20 thầy cô, thật là thỏa nguyện cho tâm tình của chúng ta”.
Rồi hướng về ba bàn các thầy cô đang ngồi, cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt Ðặng Ngọc Cần trân trọng xin các thầy cô ghi nhận lòng tri ân sâu xa của các chị em nữ sinh Lê Văn Duyệt có mặt và không có mặt hôm nay trong buổi họp mặt đáng ghi nhớ này. Ðặng Ngọc Cần nói: “Kính thưa thầy cô, lòng biết ơn của những người học trò Việt Nam đã bao đời qua vẫn còn hiện hữu trong lòng người dân Việt. Dù chỉ học nửa chữ từ thầy cô cũng là chịu một ơn nghĩa đúng như ngày nào thầy cô thường nhắc nhở là ‘nhất tự vi sư bán tự vi sư’. Lòng nhớ ơn đó đã thể hiện được nếp sống ân tình của người Việt Nam cho dù có phải tha hương nơi xứ người. Ðó cũng là kết quả của công lao thầy cô đã un đúc cho lớp lớp học trò của mình có được nếp sống đạo đức như thế. Hôm nay chúng em họp mặt nơi đây chính là để mừng thầy cô vẫn được khang an tráng kiện mà nhìn lớp đàn em nay đã thành nhân giúp ích cho xã hội. Một lần nữa, chúng em xin được trân trọng kính lên thầy cô những đóa hoa tươi để tỏ tấm lòng ơn nghĩa của chúng em”.
Tiếp ngay sau đó, hơn 20 nam nữ giáo sư ngày nào đã được các chị em cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt đến tận chỗ ngồi dìu lên sân khấu trong khi đó ban tổ chức xướng danh các thầy cô. Chúng tôi ghi nhận được có cô Vũ Ngọc Mai, cô Ngô Thị An, cô Lê Thị Thu, thầy Ðạt, thầy Nhàn, cô Nguyễn Thị Trinh, cô Nguyễn Thị Phục, cô Nguyễn Hồng Nhung, thầy Hoàng Thanh Hải, cô Nguyễn Thị Tố Nga, cô Lại Thị Ngân, thầy Huệ, thầy Phó Ðức Long, cô Diệu Linh, cô Cẩm Vân, cô Hoàng Oanh, cô Thanh Hương và cô Tố Lan...
Lễ tặng hoa thầy cô không chỉ diễn ra trang trọng mà thấm nhuần tình thân ái. Người nhận cũng như người tặng sau khi bó hoa tươi được trao, thì là những vòng tay thân ái quấn quít những tình thân dưới mái trường ngày nào. Thôi thì hình ảnh những buổi truy bài của những thầy cô mà trò gọi lén là “hắc ám” không còn nữa. Cả thầy lẫn trò xưa chỉ còn là mênh mang kỷ niệm êm đềm một thời quá khứ.
Từng đợt nữ sinh các niên khóa thay nhau lên chúc tụng thầy cô khiến tiết mục này đã kéo dài gần cả tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt. Một cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt, chị Nguyễn thị Ðức, thuộc các niên khóa 59-66, nhờ phu quân dìu lên sân khấu vì mắt chị bị mờ, sốt sắng bầy tỏ ân tình với thầy cô qua một bài thơ mà chị sáng tác ghi lại công ơn các thầy cô. Chị Ðức cũng nhắc tới những bạn học cũ trong đó có Trần Thị Thanh Tâm nay không còn trên đời nữa nhưng cũng đã dun dủi cho người chồng Mỹ của mình là ông Gary đến tham dự cùng chị em.
Rồi, ai chúc tụng cứ chúc tụng, ai văn nghệ giúp vui thầy cô và chị em cứ việc tiến hành. 11 cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt từ San Jose xuống họp thành một ban hợp ca với đồng phục xanh lá mạ làm cho mọi người tham dự có cảm giác đang được đứng trước đồng lúa “con gái” mượt mà nơi quê hương xưa. Tiếng hát cất lên, “trường làng tôi cây xanh lá thanh thanh” bỗng hiện ra rõ nét. Bên con đường đổ dốc từ cầu Bông xuống Lăng Ông Bà Chiểu, phía bên trái có một cái cổng vừa phải mở ra một con lộ không rộng lắm dẫn vào ngôi trường thân yêu dưới bóng một vài cây phượng vĩ. Nữ trung học Lê Văn Duyệt đó!
Tuy không có một lịch sử tháng năm dài như Trưng Vương và Gia Long, nhưng nữ trung học Lê Văn Duyệt cũng là một trong những nữ trung học lớn của thủ đô VNCH. Nó được sinh ra để đáp ứng nhu cầu giáo dục của người dân Việt Nam nơi thủ đô khi mà cả hai nữ trung học lớn Trưng Vương và Gia Long không còn nhận được thêm nữ sinh nữa cho dù đã được Bộ Giáo Dục giúp đỡ phát triển. Nên những nữ sinh Lê Văn Duyệt đáng lẽ cũng là những nữ sinh Gia Long hay Trưng Vương nếu như đã không chậm chân khi nộp đơn xin học. Nữ trung học Lê Văn Duyệt cũng là dấu tích của sự phát triển giáo dục trong nền Ðệ I Cộng Hòa. Chỉ trong vòng vài năm sau năm 1954, đất nước bị chia đôi, số học sinh trung học đang từ vài chục ngàn đã bùng nổ thành mấy trăm ngàn. Chính thời gian này cũng là thời cực thịnh của trường tư được phép mở ra bên cạnh những ngôi trường công mới như Lê Văn Duyệt.
Nhắc nhớ đến trường xưa, cựu nữ Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, người dậy lâu nhất ở trường Lê Văn Duyệt cho biết: “Sau năm 1975, chế độ mới còn để tôi dậy tới 2 năm nữa, sau vì họ khám phá ra là nhà tôi là cựu công chức phủ tổng thống nên đã tức thời cho tôi nghỉ dậy. Kỷ niệm nào làm tôi ghi nhớ nhất về ngôi trường cũ ư, thì ngoài những cô nữ sinh vui tươi ngỗ nghịch này, tôi có một kỷ niệm khó quên. Ðó là một buổi tựu trường sau 1975, tôi đến trường chợt thấy tên trường đã được đổi. Hàng chữ Lê Văn Duyệt không còn nữa mà thay vào đó là Võ Thị Sáu. Một mất mát lớn với tôi là người đã cùng sống với ngôi trường này từ nhiều năm qua. Cả buổi dậy hôm ấy và nhiều hôm sau nữa, tôi cứ thẫn thờ, cảm giác thật khó mà tả lại được...” (N.H.)