Lễ phủ cờ theo quân cách cố Ðại Tướng Cao Văn Viên

Lễ phủ cờ theo quân cách cố Ðại Tướng Cao Văn Viên đã được tổ chức trọng thể vào lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương, ngày Thứ Sáu vừa qua tại nhà quàn Fairfax Memorial Funeral Home, Fairfax, Virginia, với hơn 100 người tham dự, bao gồm một số cựu tướng lãnh QLVNCH, đại diện các binh chủng, bà con thân thuộc và đồng hương trong vùng.
Cố Ðại Tướng Cao Văn Viên sinh ngày 11 Tháng Mười Hai, 1921, và là Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH từ năm 1965 đến 1975.
Ông sang Hoa Kỳ năm 1975 và vừa qua đời tại Fairfax ngày 22 Tháng Giêng vừa qua.
Ngay sau lễ phát tang và nghi lễ tụng niệm do gia đình tổ chức, tất cả cựu quân nhân các binh chủng VNCH tiến vào phòng để quan tài cố đại tướng, dàn hàng đứng hai bên.
Phía đầu quan tài là Giáo Sư Cao Thị Phương Lan, ái nữ của cố đại tướng, cầm di ảnh người quá cố, đứng cạnh cô con gái Harlan Margaret Van Cao.
Trong không khí trang nghiêm, tất cả mọi cựu quân nhân được ra lệnh đưa tay lên chào. Ngay sau đó, năm cựu quân nhân thuộc Gia Ðình Mũ Ðỏ Hải Ngoại, hai người bồng súng, một người cầm cờ VNCH, một người cầm cờ Tổng Tham Mưu và một người cầm tướng kỳ, từ từ bước vào, trong tiếng nhạc quân đội hùng tráng, và đứng phía đầu quan tài.
Kế đến, đại diện các binh chủng, do cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Mùi, chi hội trưởng Gia Ðình Mũ Ðỏ Hải Ngoại, dẫn đầu, trên tay có lá cờ VNCH lớn xếp gọn gàng, bước từng người một vào.
Sau khi đại diện các binh chủng dàn hàng đứng hai bên quan tài, cựu Thiếu Tá Phạm Như Ðà Lạc, người điều khiển chương trình, ra lệnh tiến hành lễ nghi quân cách và phủ kỳ.
Cựu Thiếu Tá Mùi từ từ mở lá cờ ra, được các cựu quân nhân đứng hai bên đưa tay ra đỡ và căng ra phía trên, cách quan tài chừng hai gang tay.
Ngay sau đó, cựu đại tá nhảy dù Liêu Quang Nghĩa đọc bản tiểu sử cố Ðại Tướng Cao Văn Viên.
Sau khi đọc qua thân thế và sự nghiệp cũng như những phần thưởng trong đời binh nghiệp của cố đại tướng, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Cố Ðại Tướng Cao Văn Viên là một con người trước sau như một, không a dua, không phản trắc, không tham gia chính trị và luôn đối xử với anh em trong tình huynh đệ chi binh.”
Cựu Ðại Tá Nghĩa tiếp: “Một trong những bức thư cuối cùng của ông là bức thư gởi cho Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH tại tiểu bang Washington nhân ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 2006. Trong đó, cố đại tướng viết rằng mấy chục năm đã trôi qua nhưng tôi biết anh chị em vẫn còn ưu tư và suy nghĩ nhiều về quá khứ khi nhìn thấy cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân và quân miền Nam tự do đã không kết thúc như ý ta mong muốn. Ðó chỉ là cái nhìn bề mặt, nhưng khi nhìn vào chiều sâu của cuộc chiến, tôi xin các chiến hữu hãy tự hào và hãnh diện vì những hy sinh xương máu lớn lao của quân và dân ta trong hơn hai thập niên đã giúp ngăn chặn được làn sóng đỏ tại Ðông Nam Á và đã góp phần trọng đại vào nỗ lực chung của thế giới tự do làm sụp đổ thành trì của quốc tế Cộng Sản và sẽ đưa đến sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng Sản trên thế giới trong một tương lai không xa.”
Ngay sau khi cựu Ðại Tá Nghĩa dứt lời, cựu Thiếu Tá Lạc liền ra lệnh phủ cờ. Các cựu quân nhân cầm cờ từ từ hạ tay xuống, phủ lá cờ lên toàn bộ quan tài.
Liền ngay đó, cựu Thiếu Tá Lạc ra lệnh các cựu quân nhân đưa tay lên chào một lần nữa.
Lễ phủ kỳ chấm dứt, các cựu quân nhân từ từ bước ra để mọi người bước đến chào linh cữu cố đại tướng.
Những người đầu tiên tiến lên giơ tay chào và ngả mình trước linh cữu người quá cố là năm cựu tướng lãnh QLVNCH. Ðó là Trung Tướng Tôn Thất Ðính, Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên, Trung Tướng Lữ Lan, Thiếu Tướng Trần Ðình Thọ và Phó Ðề Ðốc Ðinh Mạnh Hùng.
Kế đến là các cựu quân nhân các binh chủng QLVNCH và đồng hương.
Cũng kể từ lúc này, luôn luôn có hai cựu quân nhân thuộc hai binh chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đứng túc trực hai phía đầu quan tài.
Phía cuối phòng là cờ của các quân trường, các sư đoàn và các binh chủng QLVNCH. Kế đến là cờ Mỹ, cờ VNCH và cờ Tổng Tham Mưu. Tiếp theo là quân kỳ của bốn quân đoàn và ba quân chủng Hải Quân, Không Quân và Ðịa Phương Quân. Và cuối cùng là cờ của ba sư đoàn Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân.
Cuối quan tài của cố đại tướng là tướng kỳ màu đỏ với bốn ngôi sao trắng, tượng trưng cho cấp bậc của ông.
Các vòng hoa phúng điếu được đem vào xếp xung quanh quan tài và hai bên bờ tường làm khung cảnh càng trang nghiêm hơn.
Khoảng 10 phút sau, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đến ký sổ tang và vào viếng linh cữu cố đại tướng.
Phía bên ngoài, từng lớp người bắt đầu nườm nượp xếp hàng vào viếng cố Ðại Tướng Cao Văn Viên, trong đó, đa số đều mặc quân phục trông rất oai phong.
Trong khi đó, hai màn hình TV gắn trên tường chiếu đi chiếu lại những bức hình xưa nói về hoạt động quân ngũ của vị cố đại tướng.
Sự ra đi của cố Ðại Tướng Cao Văn Viên làm nhiều người bùi ngùi và thương tiếc.
Cựu Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên, từng là Tham Mưu Trưởng Liên Quân, nói: “Cuộc sống có sanh có tử, nhưng không dè đại tướng đi nhanh như vậy và tôi cảm thấy bùi ngùi khi hay tin.”
“Tôi cảm thấy rất buồn và thương cha, mặc dù theo thuyết luân hồi của nhà Phật, có ra đời là có chết,” Giáo Sư Cao Thị Phương Lan, hiện giảng dạy luật tại William and Mary Law School, chia sẻ như vậy.
Cựu Trung Tá Trần Ðắc Trân, em vợ của cố đại tướng, bày tỏ: “Cha mẹ và anh em ông mất sớm. Ông sống với chúng tôi như anh em. Rồi khi cha mẹ tôi mất, ông sống và chăm lo cho chúng tôi như người cha. Giờ ông ra đi, chúng tôi buồn lắm, buồn như mất cha một lần nữa.”
Cố Ðại Tướng Cao Văn Viên cũng được nhiều người mến phục vì tính thẳng thắn, trung thành, luôn giữ tình huynh đệ, có lòng yêu nước, nhưng không bao giờ có tham vọng chính trị.
Giáo Sư Cao Thị Phương Lan kể: “Cha rất thương nhà binh, không dính líu chính trị. Hồi ở Sài Gòn, mỗi tối sau khi đọc báo cáo của Tổng Tham Mưu, cha thường vào phòng riêng, ngồi thiền. Ông thiền để có một tinh thần ổn định. Nếu đất nước có khó khăn, con người cũng cần phải có một tinh thần vững chắc. Nếu không, sẽ bị người ta kéo qua kéo lại.”
“Ông là một người rất tốt, thuần túy về quân sự,” cựu đại úy nhảy dù Nguyễn Văn Vững khẳng định.
Cựu Thiếu Tướng Trần Ðình Thọ, từng làm việc với cố Ðại Tướng Cao Văn Viên trong 10 năm, nói: “Ông là một con người gương mẫu, giỏi, vì quốc gia dân tộc, nhất là trong thời kỳ khó khăn của đất nước, từ năm 1968 đến 1975. Làm việc với ông là làm việc chết bỏ. Nếu không, tôi không làm việc được với ông lâu như thế.”
“Ông rất cởi mở, bình dân, ít nói, nhưng trung thành. Cái gì lộn xộn là không chịu. Suốt cuộc đời chỉ đi thẳng,” cựu Trung Tá Trần Ðắc Trân chia sẻ.
Cựu Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên cũng có cùng ý nghĩ như ông Trân. Ông Khuyên kể: “Chúng tôi làm việc với nhau từ nhỏ và tính ông rất trung trực và thẳng thắn. Tôi nhớ mãi cuộc cách mạng năm 1963, người này người kia bị bắt rồi bị giết, nhưng ông nhất quyết không quy phục, làm tôi rất nể.”
Về tinh thần huynh đệ chi binh, cựu Ðại Úy Nguyễn Văn Vững nhớ lại một kỷ niệm khó quên với cố Ðại Tướng Cao Văn Viên.
Ông kể: “Lúc còn là hạ sĩ quan, tôi có tập nhảy dù chung với ông, lúc đó là trung tá. Khi nhảy xuống, theo lẽ, dù của ai người đó phải gấp. Có lần, tôi đến ngỏ ý gấp giùm nhưng ông từ chối và bảo đó là nhiệm vụ của ông.”
Theo chương trình tang lễ, linh cữu của cố Ðại Tướng Cao Văn Viên được để cho mọi người viếng từ tối Thứ Sáu đến hết ngày Thứ Bảy.
Sáng ngày Chủ Nhật 27 Tháng Giêng, sau phần tụng niệm, điếu văn và một số nghi lễ khác sẽ là lễ nghi quân cách, di quan và nghi thức xếp kỳ.
Vào lúc 1 giờ trưa sẽ là lễ hỏa táng cố Ðại Tướng Cao Văn Viên. (Ð.D.)
____________________________________________
Bài của báo Người Việt Online :FAIRFAX, Virginia (NV)