Tôi đi thăm Thiền Viện Viên Chiếu
Tôi mới từ Bà Rịa về Saigon tối hôm qua. Sáng sớm đang ngồi uống cà-phê và check email – từ ngày sống một mình tôi vẫn có thói quen vừa uống cà-phê vừa check email - thì đươc thư của chị Thu. Chị Thu nhắc tôi nếu có dịp đi qua Long Thành thì nhớ ghé thăm Thiền Viện Viên Chiếu.
Trước khi đi Việt Nam chị Thu có dặn tôi đến thăm Viên Chiếu và Sư Cô Như Đức. Chị cũng có cho tôi số điện thoại của thiền viện. Tôi đã ở Việt Nam hơn hai tháng và đã nhiều lần đi qua Long Thành trên đường ra Bà Rịa, nhưng tôi quên khuấy đi mất. Có lẽ vì anh chàng Alzheimer đang thập thò trước cửa nhà tôi chăng! Được chị Thu nhắc tôi rất mừng, vì chỉ còn vài hôm nữa thôi là tôi trở về Mỹ.
Tôi mở cái cell phone ra và xem lại số điện thoại của thiền viện. Đây rồi, thế là yên chí tôi có thể gọi nếu bị lạc. Ngay lúc đó chuông điện thoại reo vang. Giọng Lan Hương vui vẻ ở đầu giây:
- Mai ơi, mày đi chùa với tao nghen?
- Chừng nào đi?
- Ngày mai. Tao thuê xe rồi, bọn mình sẽ di mười chùa…
Tôi ngắt ngang :
- Được rồi, nhưng mình phải đi một chùa ở Long Thành nha?
- Chùa nào vậy ?
- Thiền Viện Viên Chiếu.
Lan Hương là bạn « nối khố » của tôi từ những ngày thơ ấu ở Phnom

enh. Nó lấy chồng Pháp và định cư ở Marseille. Chúng tôi gặp lại nhau sau 28 năm xa cách mà vẫn thân nhau như xưa, như những ngày chia nhau từng hột me rang trước cổng trường. Rủ rê mãi mà tôi vẫn chưa đi Pháp thăm nó và nó cũng chưa qua Mỹ thăm tôi. Tụi tôi phải hẹn nhau ở Việt Nam và đã gặp nhau ở Saigon vài lần trong những năm trước đây.
Khi xe ra quốc lộ trực chỉ Long Thành thì mặt trời đã lên cao. Tôi gọi thiền viện để xin chỉ đường vì chú tài xế không biết rõ thiền viện ở chỗ nào. Gọi mãi mà không được, chuông reo vài hồi thì tự động tắt, lần nào cũng thế. Qua khỏi khu Bò Sữa Long Thành, qua khu vườn hoa «mũi tàu» một đoạn đường, chú tài ngừng xe hỏi thăm thì được chỉ là cứ tiếp tục đi. Dần dần chúng tôi trông thấy Thiền Viện Linh Chiếu. Rồi đến Thiền Viện Thường Chiếu. Chú tài lại ngừng xe hỏi thăm, lại được chỉ cứ tiếp tục đi. Lần thứ ba, xe ngừng trước một cửa tiệm nhỏ. Chúng tôi hỏi Thièn Viện Viên Chiếu, người chồng nói chúng tôi đã đi quá xa, phải quay trở lại nhưng người vợ nói cứ tiếp tục đi thêm nữa.
Tôi bắt đầu sốt ruột. Có công đi đến đây mà tìm không ra thì thật là «vô duyên» hết sức. Đã một giờ trưa, mọi người đều đói bụng. Ông Franc, chồng của Lan Hương, ngồi băng trước với tài xế vẫn kiên nhẫn nghe chúng tôi tíu tít bàn luận, không phàn nàn một tiếng. Chúng tôi đồng ý với nhau là đi thêm vài cây số nữa mà không tìm thấy thiền viện thì sẽ quay trở lại. Vừa dứt tiếng thì tôi nhìn thấy tấm bảng đề Thiền Viện Viên Chiếu bên tay trái và mũi tên chỉ đi thẳng vào bên trong. Tôi mừng rỡ kêu chú tài vòng xe trở lại.
Theo mũi tên chỉ, xe chúng tôi đi thẳng vào bên trong độ hai trăm thước thì đến cổng. Tôi vội vã bấm chuông mà không nghĩ rằng bấy giờ là buổi trưa, mọi người có lẽ đang nghỉ ngơi. Trong chốc lát một sư cô ra mở cổng và tươi cười mời chúng tôi vào.
Sân chùa rộng, có trồng nhiều hoa và cây cảnh. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy cây Sa-La. Nghe nói Sư Cô Như Đúc có nhà, tôi hết sức vui mừng. Ngồi chờ ở phòng khách đặt ở hành lang chùa, cũng lần đầu tiên tôi được trông thấy một chậu lan rất lạ mắt được các sư cô gọi là Lan Bầu Rượu vì thân cây giống hệt cái nậm rượu.
Độ 10 phút sau thì Sư cô Như Đức ra gặp chúng tôi. Sư cô gương mặt hồng hào, tươi tắn, và phúc hậu. Sư cô rất vui là chúng tôi đã có duyên may gặp được nhau. Bọn tôi đươc nghe Cô kể về những ngày đầu tiên khó khăn và cơ cực của các cô khi đến Long Thành để lập chùa. Đó là những ngày sau 30-4-75. Bằng những bàn tay nhỏ bé, những ngón tay non yếu ớt nhưng với nhiệt tâm và lòng tin tưởng ở Phật Pháp, các cô đã tự mình chặt cây, xới đất, làm rẫy, trồng lúa nương náu cùng nhau ở một nơi hoàn toàn hoang vu. Xung quanh lúc ấy chưa có dân cư, chỉ xa xa thưa thớt một căn chòi của những người đốn củi làm than hay canh gác vườn tược. Tôi thấy mắt mình cay, hai bên hàm cứng lại, trong lòng xót xa nghĩ tới một nhóm thiếu nữ ngày ngày dầm sương dãi nắng, mồ hôi rỏ giọt, rau cháo hẩm hiu, nhưng vẫn quyết chí bền lòng tu tập và xây dựng chùa. Phật tử ngày ấy thưa thớt và cũng nghèo, bữa đói bữa no, lấy đâu ra mà giúp chùa.
Thế rồi từng ngày, từng nhát cuốc, từng viên gạch, giờ đây Sư cô đã có thể hãnh diện và tự hào đưa chúng tôi đi xem vườn cây ăn trái, rẫy trồng rau, ruộng lúa, và ni xá. Chánh điện lúc ấy đang có buổi học tâp của các cô. Tôi tự hẹn rằng thế nào mình cũng sẽ trở lại đây, có lẽ cùng với chị Thu. Chúng tôi được phát mỗi người một cây dù để che bớt cái nắng chói chang của buổi trưa. Cầm cây dù Nina Ricci trên tay, tôi thấy lòng mình vui rộn rã mà sao nước mắt cứ chực trào ra…
Bọn chúng tôi được ăn một bữa cơm chay thật ngon miệng, phần vì đói phần vì liên tưởng đến bữa ăn đạm bạc của các cô hơn 30 năm xưa. Thức ăn chay thịnh soạn nhưng có một món ngon đặc biệt mà tôi không thể cưỡng được sự tò mò và ngưỡng mộ mà không xin công thức. Đó là món Mít Kho. Những miếng mít màu nâu vàng rất đẹp mắt, kho nhừ tơi ra nhưng hình dáng vẫn còn nguyên vẹn, điểm những hột mít thật bùi trên cái đĩa trắng muốt. Sau bữa ăn, tôi đã «làm xấu» xin Sư cô Như Đức một cái «doggy bag» của món Mít Kho này!
Sư Cô Như Đức tiễn chúng tôi ra về và ân cần gửi lời cám ơn Cô Thu đã nhờ «sứ giả» đến viếng và cúng chùa cùng gửi lời thăm hỏi các bạn Lê Văn Duyệt. Mong các bạn sẽ có một ngày đến thăm thiền viện Viên Chiếu.
Mai Trân
Công thức làm món Mít Kho:
Vật Liệu:
· 1 kg mít non, tươi (ở Mỹ kg mua được mít tươi, có thể dùng 2 hộp mít hộp)
· 1 thìa cà-phê muối
· 1 thìa cà-phê bột ngũ vị hương
· 2 thìa súp nước tương
· nước màu
· nước dừa tươi
· dầu chiên
Cách làm:
1) Mít gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng cỡ lòng bàn tay. Dùng khăn giấy lau khô.
2) Bắc chảo lên bếp, cho dầu canola vào, chiên mít vàng đều 2 mặt.
3) Ướp mít với nước màu, muối, ngũ vị hương, và nước tương
4) Bắc soong lên bếp, cho nước dừa tươi vào, đun sôi.
5) Cho mít đã ướp vào soong, đun sôi trở lạI, hạ lửa riu riu, kho cho tới khi nước dừa cạn và mít nhừ.
Lưu ý:
Nếu dùng mít hộp, các bạn nên vắt mít ráo trước khi chiên. Mít hộp vì đã chín nên kho mau nhừ và màu mít kho sẽ nâu xám, nhìn không đẹp, nhưng ăn cũng ngon.
Chúc các bạn “Happy Cooking!”
Mai Trân
Sau đây là hình ảnh của Hoa Sala và Lan Bầu Rượu cùng vài website liên quan:
Cây Sala trong đời sống của Đức Phật:
http://www.khoahoc.net/baivo/voquangyen/caycoitrongdoiducphat.htmRừng Sala tại Câu-Thi-Na:
http://docsach.dec.vn/noidung/38071.decLan Bầu Rượu:
http://hoalanvietnam.org/Article.asp?ID=103Calanthe orchids:
http://www.flowerpictures.net/vietnam_flowers/orchids/other_orchids/pages/calant... Hoa Sala
... Đức Phật đã chọn một khu vườn khác để nhập Niết bàn, đó là vườn cây sala ở gần thành Câu Thi Na, kinh đô của bộ tộc Malla. Kinh Đại Bát Niết Bàn kể rằng : "Trên đoạn đường cuối cùng trong chuyến vân du về Câu Thi Na cùng với A Nan, vị thị giả của mình, Đức Phật bảo : "Này A Nan, ta cảm thấy mệt mỏi quá và muốn nằm nghỉ, hãy trải tấm tọa cụ ra giữa hai cây sala, đầu hướng về phương Bắc". Và khi Ngài nằm xuống thì hai cây sala bỗng nở hoa mặc dù lúc đó không phải là mùa ra hoa. Rồi những cây sala ấy tung những đóa hoa tươi thắm làm thành một cơn mưa hoa ngọt ngào, dịu mát như để tiễn đưa đấng Đạo sư về với cảnh giới chơn như muôn thuở"…
................................................................................
...............................