Vài chuyện bên lề Thế vận hội Bắc Kinh
Phan Lưu Quỳnh tổng hợpDanh sách những thứ giả tạo tiếp tục gia tăng

Tấm hình của “toà nhà” giả.Ðưa ra buổi trình diễn với pháo bông giả, giả ca sĩ, trẻ em sắc tộc giả, người tham dự ngồi trên các khán đài toàn an ninh mật vụ đội lốt khán giả như vẫn chưa đủ, Bắc Kinh lại tạo ra thêm một cái giả nữa để tự nâng mình vào hào quang giả tạo với cả nguyên một toà nhà giả.
Nhằm mục đích để “dọn dẹp sạch sẽ” thành phố cho Thế vận hội và đưa ra trình bày một bộ mặt tốt đẹp nhất, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho kéo xập tất cả các toà nhà xập xệ và sơn phết lại các dinh thự cũ kỹ. Nhưng ở một khu đang xây cất trong phố Wangfujing, là khu mua bán sầm uất nhất của thành phố Bắc Kinh, chỉ có một cái duy nhất có thể “sửa sang” được bộ mặt của khu vực này là dựng lên một tấm bảng khổng lồ vẽ giống hệt bề mặt của một toà nhà, rồi gắn vào các khung sắt dùng trong công trình xây dựng.
Blogger Ray Allen, hiện đang sống và làm việc ở Trung Quốc, đã khám phá ra toà nhà giả này và viết về cảm nghĩ của mình trên blog [http://adage.com/olympics2008/post?article_id=130326] của ông ta, cho biết cái gọi là “toà nhà” thực ra chỉ là “do máy vi tính phác họa ra, rồi in trên phim nhựa, dán vào các tấm pa-nô và gắn vào các cột bê tông của toà nhà cao tám tầng đang xây dang dở”. Ông nói, mới liếc qua thì nhìn giống như một toà nhà thật, nhưng ông không biết là khách qua lại có để ý rằng họ đang đi ngang một “cái giả tạo lớn nhất ở Bắc Kinh” hay không.
Sự ám ảnh đến cuồng tín của Bắc Kinh muốn che đậy các điều chướng tai gai mắt đã vượt qua khỏi sức tưởng tượng khi họ cố làm cho chắc chắn rằng sự giả tạo phải được làm cho càng giống thật càng tốt. Theo ký giả Rick Reilly của đài ESPN thì bề mặt của toà nhà trên có cả một hình ảnh sống động của hai doanh nhân, do máy vi tính vẽ ra, đang đứng khua chân múa tay nói chuyện bên cạnh một cửa sổ.
Một “mạng viên” (netizen) có bí danh là “PLAYERO” trên một diễn đàn của người Hoa
www.xcar.com.cn/bbs/ đã đưa lên một tấm hình của toà nhà giả. Các khe hở giữa các tấm phim nhựa được thấy rõ ràng, cùng với các đám mây giả được trang trí trên nóc toà nhà.
Một “mạng viên” khác giải thích rằng “khu vực đang xây cất này nằm gần đường Chang’an và Khách sạn Bắc Kinh, nhưng không hiểu vì lý do nào đó, toà nhà nguyên thuỷ bị phá bỏ, rồi năm nay họ lại bắt đầu xây dựng lại. Nhưng không kịp hoàn tất trước Thế vận hội, nên họ phải che lại, chứ nếu không thì nhìn rất xấu xa”.
Một “mạng viên” khác thì cho biết các tấm pa-nô quảng cáo của các nhà bảo trợ cũng như các tấm bảng khẩu hiệu không dính dáng gì đến Thế vận hội cũng bị che kín.
Có nhiều ý kiến trái ngược trên mạng về đề tài trên. Vài người thì cho rằng “đó không phải là một vấn đề to lớn”, hoặc “đây chỉ là một thực tế ở Trung Quốc”. Một người khác thì đi xa hơn và khuyên nhủ “mọi sự sẽ trở lại bình thưòng sau Olympics, xin tất cả hãy nhẫn nhục”
Những người khác thì không hài lòng lắm với sự che đậỵ này, “Thật là quá mức”, hoặc “Ðúng là đường lối Trung Quốc”
Nhưng vẫn có nhiều người coi “toà nhà” giả là một biểu tượng về các tác động của Thế vận hội đối với người dân Bắc Kinh như thế nào. “Càng lúc Olympics càng có thêm điều ghê tởm”, một người cho biết, hoặc theo một người khác thì, “Khi Thế vận hội đến Trung Quốc, thì mọi thứ đều có mùi và vị nếm khác nhau”
Uỷ ban Thế vận chỉ trích “công viên biểu tình” vắng vẻ không có ai

Anh Hai Mingyu (bên phải) thả bộ qua một “công viên biểu tình” ở Bắc Kinh và bị
một an ninh chìm đuổi theo (phía sau, ở giữa), mặc dù nhà nước đã hứa hẹn là
cho phép dân oan được biểu tình. (Frederic J. Brown/Getty Images)Uỷ ban Thế vận Quốc tế đã lên tiếng về vấn đề các công viên biểu tình ở Bắc Kinh không được dùng đến vì nhà cầm quyền Trung Quốc không cho phép dân oan vào để kêu nài ta thán về những oan ức của họ, như đã từng hứa hẹn.
“Cho đến nay, những gì đã được thông báo chính thức hình như không xảy ra trong thực tế”, theo phát ngôn viên Ủy ban Thế vận Quốc tế Giselle Davies cho biết khi trả lời một câu hỏi của một phóng viên trong buổi họp báo ngày 20/8 về các khu công viên biểu tình không được xử dụng đến. Bà nói, “Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu những khu vực đó được thật sự cho phép dùng đến”.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh trước đây vào hồi tháng Bảy đã thông báo cho thiết lập các công viên trên, với mục đích rõ ràng là muốn cho thế giới thấy họ có thiện ý nhượng bộ khi có nhiều cáo buộc cho rằng thành tích nhân quyền của họ ngày càng tồi tệ hơn, chứ không phải khá hơn, trong thời gian chuẩn bị Thế vận hội.
Hãng thông tấn nhà nước Tân hoa xã tường thuật rằng có ít nhất 77 đơn xin của 149 dân oan xin được phép biểu tình trong 3 khu vực mà nhà nước đã quy định, nhưng tất cả đều bị bác bỏ.
Lý do tất cả các đơn xin đều bị bác bỏ là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong thời gian Thế vận hội đang tiến hành. Phó chủ tịch Uỷ ban tổ chức Thế vận Bắc Kinh 2008 (BOCOG) Wang Wei giải thích rằng những dân oan đã nộp đơn xin phép, họ không cần phải dùng đến các công viên đó vì tất cả các mâu thuẫn đã được giải quyết thành công bằng thương lượng.
Ông Wang nói rằng BOCOG “rất hài lòng khi được biết rằng nhiều mâu thuẫn trong 77 trường hợp đã được giải quyết ổn thoả … bằng đối thoại và thông tin”. Ông ta nói thêm, “Những người muốn biểu tình, khi các vấn đề đã được giải quyết ổn thoả, thì đối với họ như vậy là quá đủ”.
Lời của ông Wang hoàn toàn trái ngược với nhiều tin tức cho rằng những người muốn biểu tình đều bị đe doạ và bỏ tù khi đến nộp đơn xin phép.
Một thí dụ điển hình nhất, trong tuần này có hai bà cụ tuổi trên 70 bị kết án một năm cải tạo lao động vì có ý định xin giấy phép được biểu tình ở một trong các công viên kể trên. Hai bà cụ này đã bị đuổi ra khỏi những căn nhà của họ ở Bắc Kinh để nhà nước lấy đất xây dựng các khu gia cư mới.
Bà Wu Dianyuan, 79 tuổi, và Wang Xiuyiung, 77 tuổi, đã đến Sở Công an Bắc Kinh 5 lần trong vòng 2 tuần lễ để nộp đơn xin. Trong lần đến xin cuối cùng, hai bà được thông báo là họ bị phạt một năm cải tạo lao động vì “gây rối trật tự công cộng”, cho nên bị tước bỏ quyền được biểu tình.
Khi một phóng viên hỏi có phải các công viên trên cũng tương tự như chiến dịch vận động “trăm hoa đua nở” khi Mao Trạch Ðông mời gọi giới trí thức lên tiếng phê bình và góp ý với Ðảng cộng sản mà không sợ bị trả thù, thì phó chủ tịch BOCOG Wang Wei trả lời rằng bởi vì ý muốn của Mao là “một thiện ý muốn mọi người hãy bày tỏ ý kiến của họ”.
Nhưng phong trào “trăm hoa đua nở” của chủ tịch Mao hồi năm 1957 thực ra là một cái bẫy để sàng lọc ra những thành phần có tư tưởng bất mãn và một làn sóng đàn áp trù dập xảy ra ngay sau đó đối với những người dám lên tiếng chỉ trích Ðảng
Trong một lá thư gởi đến các bí thư tỉnh uỷ, Mao đã bày tỏ rằng ý định thực sự của Mao là “dụ dỗ cho những con rắn bò ra khỏi hang để đập đầu”, bằng cách mời gọi người dân lên tiếng phê bình Ðảng
Ðằng sau các hào quang Thế vận, đảng báo hiệu nền kinh tế đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát

Một người đàn ông ngồi bán gừng và tỏi ở Bắc Kinh ngày 4/8/08, bốn ngày trước khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc. Không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ việc tổ chức Olympics. Phần lớn các tai họa kinh tế cuả Trung Quốc càng tồi tệ hơn khi mọi chú ý đều đổ dồn vào các cuộc tranh tài.
(Valery Hache/AFP/Getty Images)
Với cả thế giới đang chú tâm vào các cuộc tranh tài ngoạn mục tại Thế vận hội, thì Ðảng cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo kín đáo rằng thời kỳ khó khăn của kinh tế Trung Quốc đang nằm chờ ở phía trước.
Từ ngày 13/8 đến 15/8, cái loa bằng giấy chính thức của đảng, tờ Nhân dân Nhật báo đã cho đăng tải một loạt các bài xã luận ở trang đầu dưới đề tài “bảo đảm một sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và nhanh chóng cho năm nay”. Nhưng trái ngược với các tít lớn đầy lạc quan này là nội dung các bài xã luận tiết lộ cho biết giới lãnh đạo đảng đang lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ có nhiều “bất trắc”.
Các bài xã luận lập luận rằng kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện với các mối đe doạ mới từ “thế lực bên ngoài”, bao gồm nhu cầu về hàng hoá xuất cảng của Trung Quốc bị chậm lại, phí tổn xăng dầu và nguyên liệu thô đang gia tăng, cùng với nạn lạm phát tăng vọt.
Một trong những bài xã luận được đọc, “Lúc này, khung cảnh phát triển kinh tế và xã hội đang trở lên vô cùng phức tạp. Vô số những sự kiện bất trắc không rõ ràng đang gia tăng, cho nên sự khó khăn về quản lý ở tầm vĩ mô cũng gia tăng”. Một bài khác thì viết rằng tiếp tục mức tăng trưởng phải là “nhiệm vụ và mục tiêu chính yếu”.
Các bài xã luận cho thấy một thú nhận hiếm có của giới lãnh đạo cộng sản –đặt phần lớn sự cai trị chính đáng của họ trên những lời hứa hẹn tiếp tục mức tăng trưởng kinh tế – rằng khó khăn có lẽ đang xuất hiện đằng trước trong nền kinh tế Trung Quốc.
Cho đến nay, số tiền khủng khiếp 45 tỷ đô la tiêu dùng cho việc tổ chức Thế vận hội và sự vấp ngã của thị trường chứng khoán Trung Quốc không được báo chí trong nước lẫn bên ngoài đề cập nhiều đến. Nhưng nhiều nhà bình luận cho rằng việc này sẽ thay đổi, vì theo như họ tiên đoán, một khi Thế vận hội đã đi qua và khó khăn kinh tế bắt đầu xuất hiện.
Có nhiều nhà kinh tế đã gióng lên các tiếng chuông báo động.
Ông Ken Peng, chuyên viên kinh tế của ngân hàng Citibank hồi đầu tháng này đã cho báo International Herald Tribune biết, “Các dữ kiện mới đây cho thấy sự đi xuống đã làm trì trệ nền kinh tế và Thế vận hội có lẽ biểu hiện cho vài rủi ro của khía cạnh bất lợi”.
Jing Ulrich, chủ tịch China Equities một chi nhánh ở Hồng Kông của công ty tài chánh JPMorgan, trên tờ Bussiness Week đã cho biết rằng, “Thực sự thì kinh tế Trung Quốc đang chậm lại”. William Mei, một nhà bình luận kinh tế của báo New Tang Dynasty xuất bản bằng tiếng Hoa, đã từng tiên đoán trước đây vào năm 2002 rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp sau khi Thế vận hội kết thúc.
Ông Mei lập luận rằng các vấn đề của Trung Quốc nằm ở thị trường địa ốc, chứng khoán và hệ thống tài chánh. Ông đã đưa ra rất chi tiết các khoản nợ lớn của các cơ quan tài chánh quốc doanh. Ông mô tả rằng 4 ngân hàng chính của Trung Quốc hầu như là đang bị phá sản. Theo ông Mei thì các ngân hàng này là nguồn lợi tức chủ yếu cho các chính quyền địa phương, hiện đang bán đất đai của nhà nước cho giới đầu tư để phát triển thành các khu gia cư và công nghiệp. Việc thúc đẩy buôn bán đất đai này khiến cho thị trường địa ốc bị giao động mạnh.
Tuy nhiên ông Mei tin tưởng rằng nhà cầm quyền Trung Quốc rồi sẽ phải trực diện với áp lực lên xuống của tiền tệ, của các vụ vi phạm bản quyền tài sản trí tuệ, hoặc các vi phạm luật lệ kinh doanh khác, khiến họ phải đưa ra nhiều thay đổi để lấp bớt các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng.
Một doanh nhân người Ðài Loan khác, ông Chin-ho Hsieh, giám đốc quản trị Tập đoàn Wealth Group, đồng ý. Ông tin rằng hiện đang có 3 trái bong bóng kinh tế đang chờ bị nổ tung ở Trung Quốc: xuất cảng, thị trường nhà đất, và thị trường chứng khoán.
Ông Hsien nói rằng thị trường địa ốc đã tăng đến mức cao điểm trước khi Thế vận hội bắt đầu. Ở Shenzhen, có nhiều báo cáo rằng giá nhà cửa đã sụt xuống mất 40 phần trăm. Thặng dư xuất cảng của Trung Quốc cũng đi xuống. Trong khi đó chỉ số chứng khoán của Shanghai Composite Index bị mất 60 phần trăm giá trị tính từ mức cao điểm.
Ông Gordon Chang, tác giả cuốn The Coming Collapse of China (Sự xụp đổ đang đến của Trung Quốc) lập luận rằng sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc sau khi Thế vận hội kết thúc thì không tránh khỏi, và nhiều người Trung Hoa đang thấy nó xảy ra. Ông cũng tin tưởng rằng thời kỳ khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ đưa đến nhiều thay đổi về mặt xã hội.
Tất cả đều đồng ý rằng màn trình diễn thực sự sẽ bắt đầu một khi Thế vận hội đã trôi qua.
Công ty Google bị bắt qủa tang kiểm duyệt mạng Internet

Các dữ kiện, tài liệu về tuổi tác của nữ vận động viên thể dục dụng cụ He Kexin (giữa)
bị nhanh chóng xoá bỏ khỏi mạng Internet (Kazuhiro Nogi/AFP/Getty Images)
Một tay hacker cho biết anh ta bắt quả tang Google xoá bỏ những tài liệu tin tức từ những nơi chứa đựng dữ kiện (cache) liên quan đến việc nữ vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc, He Kexin, dưới tuổi quy định được phép thi đấu ở Thế vận hội.
Tay hacker có ẩn danh “Stryde.hax” khám phá thêm nhiều bằng chứng cho thấy huy chương vàng He Kexin chỉ có 14 tuổi, nhưng các thông tin này đã nhanh chóng biến mất khỏi Internet sau khi Uỷ ban Thế vận Quốc tế dưới nhiều áp lực phải mở điều tra tuổi tác các vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc
Hacker “Stryde.hax” đã tìm thấy ngày sinh thật sự của em He Kexin là ngày 1/1/1994 trong một cache ở Baidu, một công cụ tìm kiếm trên mạng lớn nhất ở Trung Quốc. Như vậy thì em He Kexin chỉ mới có 14 tuổi và theo điều lệ thi đấu của Olympics, tuổi tối thiểu được phép tham dự là 16, em đã không đủ điều kiện. Như nhiều tin tức cho biết thì ngày sinh chính thức của em trên sổ thông hành là ngày 1/1/1992.
Bản copy tài liệu spreadsheet ở nơi chứa dữ kiện của Google mới đây không thấy có ghi ngày sinh của em He Kexin.
Hacker “Stryde.hax” nói rằng tất cả các dữ kiện cá nhân đã được xem xét kỹ lưỡng và những tài liệu trước đây về He Kexin với năm sinh 1994 (14 tuổi) đã “đi vào dĩ vãng”.
Tại sao lại phải xóa bỏ những dữ kiện nguyên thuỷ nếu không phải là muốn che dấu sự giả dối ?

Hình chụp từ một trang web của chính quyền địa phương Chengdu (chengdu.gov.cn), với ngày
sinh của em He Kexin là 1.1.94. Cái linh này hiện không còn tồn tại (Epoch Times)“Stryde.hax” tự giới thiệu mình là một chuyên viên tư vấn của tổ hợp tư vấn về an ninh Intrepidus Group, nói rằng, “Vào thời điểm này, tôi tin là bất cứ người quan sát phải chăng nào cũng đều hiểu rằng tuổi tác đã bị giả mạo. Câu chuyện bây giờ là về vấn đề kiểm duyệt Internet, hành động xóa bỏ bằng chứng trong khi lại cứ cho rằng bằng chứng đó sai.”
Nhiều video clips về em He Kexin trên mạng youtube cũng đã bị lấy xuống. Một video clip tài liệu về em với thuyết minh bằng Anh ngữ đã biến mất, với hàng chữ “This video has been removed by the user.” (video này đã được người xử dụng lấy xuống). Một link của video clip khác thì chỉ còn lại câu “This video is no longer available due to a copyright claim by a third party”. (Video này không còn hiệu lực vì bị than phiền vi phạm bản quyền bởi người thứ ba)
Ông Bela Karolyi, một nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về thể dục dụng cụ đã công khai lên tiếng bày tỏ sự quan tâm về việc nhà nước Trung Quốc giả mạo tuổi tác của các em trong đội thể dục dụng cụ Olympic Trung Quốc. Tờ Huffington đã đăng tải lời ông nói, “Họ chắc nghĩ là chúng tôi ngu lắm … Chúng tôi là những chuyên viên về thể dục dụng cụ. Chúng tôi biết một em bé 14, 15 hay 16 tuổi nhìn như thế nào. Ðây là cái tát vào mặt người ta theo kiểu gì thế? Các em chỉ có 12, 14 tuổi bị đưa ra trình diễn lại được nhà nước yểm trợ và Liên đoàn thể dục dụng cụ cứ thế mà chạy theo. Có sự giới hạn về tuổi tác và không thể kiểm soát được”.
He Kexin là em bé có thân hình mảnh mai nhỏ xíu đã đoạt được huy chương vàng bộ môn thể dục dụng cụ nữ trong ngày Thứ Hai 19/8/08, là một trong 3 nữ vận động viên thể dụng dụng cụ của Trung Quốc bị báo chí quốc tế chú ý cặn kẽ về tuổi tác, ngay cả trước khi các cuộc thi đấu Thế vận bắt đầu.
Liên đoàn Thể dục dụng cụ quốc tế đã buộc phải đưa ra môt thông cáo báo chí nói rằng họ hài lòng với tất cả các giấy tờ tài liệu có liên quan đến tuổi tác các vận động viên thể dục dụng cụ tham gia thi đấu.
Bản thông cáo viết, “Liên đoàn Thể dục dụng cụ quốc tế nhận được sự xác nhận từ Uỷ ban Thế vận Quốc tế là tất cả các sổ thông hành (passport) của các vận động viên thể dục dụng cụ tham gia thi đấu ở Thế vận hội Bắc Kinh đều hợp lệ”
Nhưng ông Karolyi chế diễu lời tuyên bố trên, cho rằng “sổ thông hành chẳng có nghĩa lý gì”.
Hiện nay, Uỷ ban Thế vận Quốc tế đang buộc phải mở cuộc điều tra về vấn đề tuổi tác này.