Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Bốc Mộ Người Tù Cải Tạo  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Bốc Mộ Người Tù Cải Tạo (Read 1439 times)
tuyet_ngo
Gold Member
*****
Offline



Posts: 912
Bốc Mộ Người Tù Cải Tạo
09. Apr 2008 , 22:01
 
Lối Cũ Chẳng Sao Quên


Bích Huyền


...
Tác giả Bích Huyền

Đường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng...

(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay -
Đoàn Chuẩn-Từ Linh)


Vĩnh Phú, địa danh tôi muốn quên mà không thể nào quên. Trong suốt hơn mười năm qua và trong cả cuộc đời . K1, K2, K3, K4...những chữ số ký hiệu kinh hoàng. Của tôi. Của những người tù và gia đình họ. Ở rồi, đến rồi, đi rồi...mấy ai muốn quay trở lại? Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải trở về đây. Cảnh vật không khác xưa là bao nhiêu dù thời gian trôi qua bốn năm rồi...

Những khẩu hiệu:"Chào mừng thành công Đại Hội Đảng 5" ,"Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo Tài Tình", "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm..." lem luốc màu đỏ vì nước mưa, chảy dài xuống như những dòng nước mắt pha máu ngoằn ngoèo trên từng bờ tường loang lổ, cũ kỹ. Ngay phía dưới lại có hàng chữ mang tính "pháp lệnh" bằng những lời thô tục "Cấm ỉa đái" . Có cả những nét chữ nguệch ngoạc chửi thề. Hình như không một ai để ý.

Ở cái ga xép èo uột gần tận cùng của đất nước này, những con người lam lũ, ngác ngơ, còn đang loay hoay với ký trà, bao gạo, rổ rá nhựa, nồi niêu xoong chảo, xấp vải Chợ Lớn hoa xanh, hoa đỏ...Che che, giấu giấu, tránh con mắt dòm ngó của bọn Công an kinh tế. Chính sách của Đảng đổi mới rồi, tự do buôn bán nhưng người dân lại khổ vì sưu cao thuế nặng.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi không đến trại Tân Lập bằng đường sông nữa.
Đạp xe trên bờ đê. Dắt xe đi bộ qua bãi cát lổn nhổn những vỏ sò, vỏ ốc. Băng ngang qua những thửa ruộng khô cằn của vùng đất miền trung du. Cái hình ảnh "quê em miền trung du, đồng chiêm lúa xanh rì..."của một thời hoàng kim nào xa lắm, nay ở đâu? Giặc tràn về đốt phá thôn làng. Gia đình ly tán. "Vườn không nhà trống tàn hoang" còn trong trí óc non nớt của tuổi thơ tôi. Giờ đây, giặc nào đã làm cho miền Bắc điêu tàn?

Đảng Cộng Sản Việt Nam, đỉnh cao của trí tuệ loài người! Ôi, mỉa mai thay những khẩu hiệu kêu to như những chiếc thùng rỗng! Đảng lãnh đạo tài tình làm sao để bao nhiêu năm đời ta có Đảng, bấy nhiêu năm Đảng phá nát tan? Để những người dân quê hiền hoà cởi mở trở nên ngu ngơ câm lặng đến thế kia sao?

Dân cư ở đây rất thưa thớt. Họ sống trong những mái nhà lụp xụp, vách đất, mái tranh. Mảnh vườn. Rào thưa. Khoảng sân đất. Giếng nước. Chiếc gầu..tất cả đều quá nhỏ bé, trơ trụi, xa lạ. Trẻ con gầy còm, ốm yếu. Quần đùi vá víu miếng nọ miếng kia. Cởi trần, ngồi nghịch đất. Không tiếng nô đùa. Không tiếng hát. Không tiếng nhạc của máy thu thanh. Không cả tiếng hót. Như một vùng đất chết.

Ba người anh cùng đi với tôi chuyến này đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết của hơn ba mươi năm về trước. Thoát ly gia đình, mang tuổi trẻ của mình cống hiến cho đất nước . Để rồi khi biết mình bị lừa thì đã muộn. Cũng dòng sông Lô nắng vàng lấp lánh nhưng còn đâu tiếng hát rộn ràng? Cũng con đê này của những buổi chiều vai đeo ba lô từ chiến khu về, rầm rập bước chân.

Trong không gian, hồi chuông ngân nga trong chiều thu lộng gió, ba người anh tôi ôn lại một vài kỷ niệm xưa. Tiếc nuối. Tôi làm các anh tỉnh giấc mơ:"Phải chi ngày ấy các anh không đi theo phong trào Thanh Niên Cứu Quốc thì nay em đâu phải đi bốc mộ chồng ở một nơi đèo heo hút gió này!" Ba người anh im lặng. Họ như muốn quên đi những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. Yêu tự do. Yêu tổ quốc. Đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước . Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày trở về giải phóng thủ đô Hà Nội. Những người bộ độ với tuổi hai mươi. Trẻ trung. Học thức. Hà Nội đã bừng lên một sức sống mới.

Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Hà Nội tưng bừng tiếng hát. Không bao lâu, những cuộc đấu tố dã man diễn ra khắp nơi. Ông bác tôi bị đấu tố, dù có năm người con đi kháng chiến. Nghe tin dữ, các anh về quê xin Đảng khoan hồng. Không những không tha, họ còn xúi giục các anh tôi: phải giác ngộ cách mạng, phải đứng vào hàng ngũ nhân dân, cùng vạch tội, chỉ tên địa chủ, cường hào, ác bá. Ông bác tôi bị tù. Khổ sai lao động. Thất vọng, đớn đau nhìn bố vác cây, đào đất, khiêng đá, trộn hồ...Những người tù già này làm việc suốt ngày đêm để đạt chỉ tiêu biến khu đất hoang quanh hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, thành một công viên mang tên Thống Nhất. Đến thập niên 1980 đổi thành công viên Lê Nin.

Cũng vì sự khổ nhục của người bác thân yêu mà bao lần ra Hà Nội là bấy nhiêu lần tôi không đặt chân vào công viên này. Cũng như tôi đã không đến vui chơi khu K4 Long Khánh, một địa điểm du lịch mới lạ của miền Nam. Vì nơi đây được tạo nên bởi những bàn tay của cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng sản tù đầy, hành hạ.

Các anh tôi, vài năm đầu "Sài Gòn giải phóng", vì đường lối của Đảng, hay vì muốn các em của mình ở miền Nam sớm "giác ngộ" để hoà nhập ngay với cuộc sống mới, đã có những lần tranh luận. Bao giờ cũng trở thành lớn tiếng cãi nhau. Tôi đã làm các anh nhức đầu không ít. Lần cuối cùng, tôi không cãi lại các anh nữa. "Đảng đã cho các anh tôi sáng mắt sáng lòng”. Đó là lần một anh nói với tôi:"Người em không yêu làm em khổ, em đâu có đau bằng anh? Anh đã yêu, anh đã dâng hiến cả cuộc đờim mà ngày nay anh bị phụ bạc, anh bị lừa dối...". Một anh khác:"Viên gạch đã trót để vào xây tường, giờ có rút ra cũng bị vỡ tan. Thôi em ạ, không còn con đường nào khác!"

Trên con đê này, giữa khung cảnh hoang vắng của buổi chiều trung du, bốn anh em đi bên nhau. Thương cho thân mình. Thương cho các anh. Lý tưởng sụp đổ tan tành. Ngày mai đen tối.

Trời chạng vạng. Tôi đã bắt đầu đi những bước thấp bước cao. Quãng đường này làm tôi nhớ lại những lần vượt biên. Xuống ghe tại Nhà Bè khi thành phố còn chìm trong màn đêm. Lên bờ đi bộ băng qua bao nhiêu là thửa ruộng. Vấp ngã bao lần mà không cảm thấy đau đớn vì thần kinh đang trong tình trạng căng thẳng: hồi hộp, lo sợ.

Lần này trên cánh đồng: mệt mỏi, chán chường…
Cũng phải vài giờ nữa mới tới trụ sở Ban Chỉ Huy. Tiếng dế nỉ non. Xa xa ánh đèn leo lét. Cố lê bước tới đó để xin ngủ nhờ qua đêm. Nhìn một căn nhà tương đối khang trang, chúng tôi vào gặp chủ nhà xin ngủ đỡ ngoài mái hiên. Nhưng cũng bị từ chối. Đang lo lắng không biết tôi có đủ sức đi tiếp hay không, thì như có phép lạ, một người đàn bà gánh lúa từ xa đi tới. Bà ta dừng lại:"Các bác tìm nhà ai thế?" Khi biết ý, bà ta mời chúng tôi về nhà. Bốn anh em mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Dù gánh lúa nặng trĩu trên vai, bà ta vẫn bước đi thoăn thoắt. Trong khi tôi lẽo đẽo theo sau.

Khi bà đẩy cánh cổng tre, bóng tối làm tôi không thể nhìn rõ một người đàn ông đang xếp lúa ngay đầu nhà. Ông ta không quay lại và cũng không lên tiếng đáp lại lời chào của các anh tôi. Trước thái độ lạnh nhạt đó, chúng tôi hơi e ngại. Trong lòng vẫn mừng thầm không bị đuổi ra.

Một gian nhà ba gian bằng tre sơ sài nhưng gọn ghẽ. Nhìn cách trang trí nhà cửa, nhìn bức tượng Chúa nho nhỏ trên bàn thờ cao, tôi có thể đoán chủ nhân không phải là người quê mùa. Tôi ôm bộ quần áo ra giếng. Những giọt nước mát lạnh làm tôi tỉnh táo lại. Trăng bắt đầu lên. Tôi đã nhìn rõ khung cảnh chung quanh. Mảnh sân hình chữ nhật. Khu vườn nhỏ. Chái bếp cuối sân. Ánh lửa bập bùng. Hàng cây cau vươn cao đón ánh trăng. Tôi liên tưởng tới hàng cau của khu vườn trước nhà tôi ở quê hương. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường trèo lên nhanh như một chú mèo con để hái quả cau cho mẹ tôi têm trầu đãi khách. Trong không gian thoang thoảng mùi hương hoa thiên lý. Âm thanh tiếng đàn mandoline bản Valse Favorite vui tươi, tiếng hát chan chứa tình quê "Làng tôi xanh bóng tre. Hồn lắng tiếng chuông ngân. Tiếng chuông nhà thờ rung..." chợt khua động trong tôi ngày tháng êm đềm thời thơ ấu.

Tôi thở thật sâu để nén xúc cảm. Đêm yên lặng. Đêm mờ ảo. Tất cả đều rất mong manh. Một tiếng động nhỏ cũng đủ làm tan vỡ giấc mơ xưa thoáng đến với tôi, đưa tôi về thực tại. Tôi phải vào nhà để bàn chuyện ngày mai.

Tiếng cười nói làm tôi ngạc nhiên. Ông chủ nhà cùng ba anh tôi đang vui vẻ quây quần bên khay trà bốc khói. Thấy tôi vào, ông kéo ghế trịnh trọng mời ngồi. Tôi còn đang ngơ ngác trước thái độ thay đổi nhanh chóng thì một anh đã giải thích:"Ban đầu ông Tuyển tưởng anh em mình đi thăm nuôi tù. Bây giờ ở đây có tù hình sự (những thanh thiếu niên can tội cướp của giết người ) Tù chính trị chuyển đi từ lâu rồi. Một số về trại Hà Nam Ninh. Đa số vào Nam.

Ông Tuyển đặt ly trà thơm phức trước mặt tôi: "Được biết cô về đây bốc mộ cho chồng, chúng tôi vô cùng cảm kích. Gia đình chúng tôi xin hết sức giúp đỡ cô và các ông anh đây."

Vầng trán cao. Khuôn mặt chữ điền. Cách nói chuyện lưu loát cùng dáng điệu từ tốn, cử chỉ lịch sự, chứng tỏ ông Tuyển là một người có một số vốn kiến thức về học vấn cũng như về xã hội. Ông cho biết có một người anh là linh mục trong một ngôi nhà thờ vùng đất đỏ Long Khánh.

Ông Tuyển đã sắp xếp chỗ ngủ cho chúng tôi. Để khách được tự do, ông Tuyển dặn dò vợ con và đi vào thôi tìm người quen chuyên việc cải táng.

Gian phòng khách rộng, sơ sài nhưng ngăn nắp. Giường tre, bàn gỗ mộc mạc, thô kệch, được hình thành có lẽ do bàn tay của chủ nhà. Tượng Chúa và tượng Đức Mẹ trên cao là một hình ảnh cảm động hiếm có trong những ngôi nhà tại miền Bắc. Theo như lời ông Tuyển, đời sống gia đình ông bắt đầu khá hơn kể từ khi hợp tác xã nhà nước tan vỡ. Lối làm ăn tập thể nhường lại cho lối khoán sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn phải nộp đủ cho nhà nước , cả nhà xúm nhau cày cấy mới có gạo ăn.

Dưới nhà ngang, các con ông bà Tuyển đang đập lúa, giã gạo, sàng sẩy...Mọi người chăm chú làm việc, không tò mò để ý khách phương xa. Tôi mệt mỏi nằm thiếp đi trong chốc lát.

Khi tôi tỉnh dậy, trăng đã lên cao. Ông Tuyển vừa về tới. Tay cầm hai chai rượu và một bó hoa tươi. Ông cho biết đã tìm được một người rất thành thạo trong việc bốc mộ. Chai rượu này để rửa hài cốt. Tìm mua được rượu ở miền núi không phải là chuyện dễ dàng.

Bà Tuyển bưng mâm cơm từ nhà bếp lên. Chúng tôi trải chiếu ngoài hiên, ngồi ăn cơm dưới ánh trăng. Đĩa thịt gà luộc thơm mùi lá chanh thái chỉ rắc lên trên. Tô canh rau "tập tàng"- đủ mọi loại rau hái ngoài vườn - mát ngọt. Tôi không ngờ anh em chúng tôi được đối xử như một thượng khách ở nơi đây. Thế mới biết ở một nơi tưởng chừng như không có, ta vẫn tìm thấy một tấm lòng.

Qua một đêm ngủ với nhiều mộng mị, sáng sớm hôm sau, tôi và các anh đến Bộ Chỉ Huy. Có quãng đường đi được bằng xe đạp. Có quãng đường đá lởm chởm phải dắt bộ. Chỉ huy trại là người mới. Không phải Thiếu Tá Nguyễn Huy Thùy tôi gặp lần trước. Hắn vồn vã thái quá, khiến tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Hắn kể chuyện, có một người nước ngoài, cách đây không lâu, về đây bốc mộ bố. Cầm bình hài cốt lên xe, xe không nổ máy. Gọi xe ngựa đến kéo, con ngựa nhảy quớ lên không chịu chạy.

Nhìn hắn ba hoa, ngồi bỏ cả hai chân lên ghế, tôi hơi khó chịu. Nhất là cặp mắt hắn thỉnh thoảng lại nhìn vào mấy bao thuốc là "555" anh tôi mang đến làm quà. "Ba con năm vừa nằm vừa ký", cho nên bọn tôi mới được chấp thuận một cách dễ dàng.

Những chuyện hắn nói có thể xảy ra ở đâu, hắn nghe được. Hắn muốn nói đến đời sống tâm linh. Anh em tôi thì có rất ít thời gian. Cũng có thể sau một thời gian quá dài bị đè nén, những con người triệt để chống chủ nghĩa duy tâm ngày nay bắt đầu duy tâm hơn ai hết.

Xe Volga cọc cạch chở chúng tôi đi lên ngọn đồi, nơi an nghỉ của những quân nhân chế độ cũ. Ít ra từ ngày Việt Cộng muốn bang giao với Mỹ, đã có lúc họ bỏ được từ ngữ "ngụy quân ngụy quyền". Nhưng tiếc tay những tên gọi này vẫn là vết hằn trong lòng người Việt.

Tôi ngồi đợi trong một căn nhà nhỏ dựng sơ sài bằng tre nứa. Nền đất lồi lõm. Trên vách nhỏ treo đủ thứ khẩu hiệu, kế hoạch công tác hàng tháng, tuần... Hình ảnh các lãnh tụ Cộng Sản thế giới và trong nước quá khổ so với bức vách, treo xộc xệch như sắp rơi. Đây là nơi làm việc của toán công an canh gác.

Cách đây bốn năm, khi tôi đến nơi đây nhận mộ chồng, cảnh vật chung quanh gọn ghẽ hơn. Hàng ngày còn có bàn tay bạn tù săn sóc. Giờ đây cỏ cây, dây leo chằng chịt, không nhìn thấy lối đi. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tên công an cầm bản đồ nghĩa trang và các anh tôi trở lại trụ sở với gương mặt thất vọng. Không tìm thấy mộ vì cỏ cây che lấp cả một vùng rộng lớn. Tim tôi như muốn ngừng lại. Chẳng lẽ lại về không?

Tôi xin mọi người hãy cho tôi đến tìm. Tôi thầm cầu nguyện cũng như ở Sài Gòn, mẹ tôi và các em tôi đã cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được tốt đẹp.

Kỳ lạ thay! Tôi chỉ vạch lá chui vào đúng một quãng ngắn là tìm ra mộ. Tôi reo to lên. Các anh tôi đứng ngoài không tin. Ngôi mộ có hai bia đá. Tôi lầm thế nào được. Một tấm bia tôi mang từ Hà Nội lên. Một tấm bia nữa của anh em bạn tù đẽo gọt bằng tay. Nét chữ khắc vào đá mờ đi vì rêu phủ.

Trong khi người thợ cải táng chặt cây cối chung quanh, tôi thắp nhang lui cui cắm trên từng ngôi mộ. Đêm mưa, cỏ ướt, ngửi thấy có hơi người, những con vắt nhảy ra, bám lấy chúng tôi. Máu chảy ròng ròng. Tôi muốn ngất người đi vì sợ. Cây cối quang dần. Dầu nóng tôi bôi đầy mặt, mũi, chân, tay, khiến những chú dế bé xíu cũng không dám nhảy ra đột kích nữa.

Một ít trái cây mua vội dọc đường, bó hoa ông Tuyển mua dùm, chúng tôi chỉ có những tấm lòng thành trước linh hồn người đã khuất. Người anh lớn nhất của tôi khấn thật lâu. Những cây nhang cháy rất nhanh, tàn cong vòng...khói nhang thơm toả ngát. Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đất, lòng tôi đau buốt. Tiếng cuốc, xẻng đều đều vang vọng giữa miền rừng núi hoang vu. Từng tảng đất bật lên, tâm hồn tôi nhu vỡ vụn. Cho tới lúc lưỡi cuốc đụng vào quan tài. Tôi hồi hộp. Các anh tôi nôn nóng.

Khi tôi ra đến Hà Nội, các bậc lão thành có trấn an:"Đất núi miền khô ráo, xương cốt lâu ngày sẽ tan đi. Phải chuẩn bị tinh thần: có thể đứng trước một cái hòm chỉ có đầy cát bụi!"

Thế cho nên khi những nhát búa đầu tiên bổ xuống để nạy nắp quan tài, tôi cứ giật thót mình. Một cảm giác đớn đau như lần đầu tiên nghe thấy tiếng đóng đinh vào quan tài bố tôi lúc liệm quan...

Gỗ áo quan dầy và chắc. Khi chiếc nắp bật lên, tôi lạnh người: chiếc chăn len màu đỏ! Suốt đêm qua, người anh lớn của tôi cứ chợp mắt là nằm mơ thấy xác chồng tôi quấn bằng mảnh vải màu đỏ. Gương mặt các anh tôi xúc động. Bóc lượt chăn len ra là quần áo. Hết lớp áo này đến lớp quần khác. Bàn bè đã dồn tất cả cho người chết mang đi. Nước mắt tôi ràn rụa. Màu xanh lá cây đậm của chiếc áo len mẹ tôi mua tặng, gửi trong năm ký lô quà đầu tiên ra Bắc. Chiếc sơ-mi trắng ngà có từng sợi chỉ xanh xanh, hồng nhạt, mang về Sài Gòn sau chuyến du học tại Mỹ năm 1971. Chai dầu gió, đôi giày ba ta...tất cả tôi đã tự tay xếp vào ba lô trước ngày anh đi trình diện "học tập cải tạo".

Không còn lầm được. Không còn ảo tưởng:"Đã trốn trại, còn đang ẩn trốn tại một nơi nào." Tôi mất anh thật rồi! Thế là hết. Tôi khóc nức lên. Trời như nổi gió. Cỏ cây chao đảo. Đồi núi quay cuồng. Quanh tôi cảnh vật mờ đi...

Lâu lắm, khi tôi tỉnh dậy, đống tro tàn của áo quần vừa đốt còn âm ỉ cháy. Trong một cái sanh to bằng gang dùng thổi cơm cho trại tù đã gẫy tay cầm, các anh tôi đã đổ bột nhang thơm với rượu trắng để ngâm xương cốt. Người thợ cải táng cùng các anh tôi quấn giấy bao từng lóng xương, đặt từng mảnh vào trong nhiều túi ni-lông ...

Không gian mênh mông yên lặng. Tôi lặng lẽ theo các anh tôi bước nhanh cho kịp chuyến đò cuối cùng...

(Chuyến bốc mộ vào năm 1985)

Trích tập truyện Lối Cũ Chẳng Sao Quên
(The Trail I Never Forget)
tác giả: Bích Huyền
Back to top
 
 
IP Logged
 
nguyen_toan
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 4033
Re: Bốc Mộ Người Tù Cải Tạo
Reply #1 - 01. Mar 2010 , 14:16
 



Vì  không  kiếm ra  mục  nói về  QLVNCH -đành phải post ở đây ,  ngày hôm qua đã post ở  "Chuyện bây giờ mới kể "  chắc chắn Cả Nhà  không đọc được.hôm nay post lại. Đọc xong , tôi thấy có  giọt Nước chảy .....

Bông hoa đời trên ngôi mộ hoang


Tác Giả : Thanh Thương Hoàng 



Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ....

E- mail 1
Thưa Ông,  Qua một người bạn thân, tôi rất hân hạnh được quen biết ông. Trước hết, tôi xin tự giới thiệu tôi là Mark D. Kennedy, cựu quân nhân đã từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam và Kampuchia từ năm 1970 tới 1972. Hiện tôi sống tại New York với gia đình và hành nghề phóng viên nhiếp ảnh cho nhật báo N. Qua mạng internet tôi được biết ông Nguyễn Thanh Thu là người đã từng quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên xa lộ Biên Hòa, hiện sống tại Los Angeles. Tôi rất muốn biết địa chỉ của ông nầy. Nếu có thể được mong ông vui lòng giúp đỡ tôi. Vô cùng biết ơn ông.
Chào ông,  Mark D. Kennedy.
E- mail 2
Ông Mark quý mến,  Tôi có thể tìm giúp ông địa chỉ của ông Nguyễn Thanh Thu nhưng trước hết tôi xin nói ông rõ: Ông Nguyễn Thanh Thu không phải là sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngồi ôm súng an nghỉ đặt trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa bên xa lộ Biên Hòa. Tôi nghĩ ít nhất ông cũng đã một lần nhìn thấy pho tượng nầy trước năm 1975. Có thể nói đây là một tác phẩm tuyệt vời. Các điêu khắc gia tên tuổi> đã nhìn nhận là một pho tượng sống, sẽ tồn tại mãi với thời gian.  Nếu không trách tôi quá tò mò, ông có thể cho biết rõ lý do tìm người quản lý nghĩa trang Quân đội VNCH, để may ra giúp ích được ông một phần nào chăng! Chúc ông vui khỏe, may mắn
E- mail 3
... Rất cám ơn ông đã cho tôi biết điều tôi lầm. Vâng, quả là tôi muốn biết tin tức, đồng thời rất muốn gặp viên sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân-đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Vì chỉ có ông này mới có thể giúp tôi biết điều tôi muốn biết. Nếu ông ta còn sống thì dù ở bất cứ nơi nào tôi cũng phải tìm gặp bằng được. Tôi đã gần như tuyệt vọng qua mấy lần về Việt Nam tìm kiếm. Không một ai biết tin tức về ông ta. Tôi nghĩ có lẽ ông ta đã chết trong trại tù cải tạo. Nếu đúng vậy quả là một sự bi thảm, một sự đau đớn không bao giờ chấm dứt trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Tôi có thể nói với ông đây là một việc vô cùng quan trọng, một sự bức xúc to lớn đã nung nấu trong tim tôi, trong đời sống tôi gần 30 năm qua.
Nếu ngày nào chưa giải quyết xong món nợ ân tình nầy thì chẳng bao giờ đời sống của tôi được yên ổn, mặc dầu tôi phải nói để ông biết tôi có một gia đình rất hạnh phúc đầm ấm với người vợ tốt đẹp và đứa con trai ngoan.  Việc quan trọng, tối ư quan trọng đối với tôi là tôi muốn tìm địa chỉ một người chết. Vâng, một người chết. Tôi mắc món nợ lớn với người nầy. Khi còn sống anh là sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mang cấp bậc Đại úy. Đại úy Lữ Sơn, bạn thân của tôi. Khi tôi về nước một thời gian, vào khoảng cuối năm 1974, nhận được tin anh tử trận trong một trận phục kích của địch. Và điều tôi biết chắc thi thể anh đã được chôn cất tại Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa với đầy đủ lễ nghi quân cách, mặc dầu lúc đó nước VNCH đang bị người ta trói lại sắp đem chôn sống.
Mong ông cố gắng tìm giúp tôi những gì có liên quan tới người bạn thân – một ân nhân đã chết – của tôi. Cám ơn ông lắm lắm.  Trông tin ông
E- mail 4.
Cám ơn ông luôn hỏi thăm. Tôi rất tiếc chưa giúp được gì cho ông. Tôi đã dò hỏi nhiều nơi, kể cả một số bạn bè cựu quân nhân hiện còn trong nước, không một ai biết rõ về viên sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội VNCH. Ngay những cấp chỉ huy của viên sĩ quan nầy sau> khi đi tù cải tạo về cũng không biết ông ta hiện sống ở đâu hay đã chết. Nhưng tôi nghĩ rằng sớm muộn gì chúng ta cũng tìm ra địa chỉ người bạn đã chết của ông, vì người chết không cần nhu cầu di chuyển chỗ ở để tìm sự sống như người sống. Họ đã bám trụ vĩnh viễn miếng đất chết đó. Xin Thượng đế phù-trợ cho ông sớm thành đạt ước nguyện.
E- mail 5.
Có lẽ ông lầm hoặc ông không còn nhớ, xin lỗi ông. Qua tin tức báo chí tôi biết là sau khi tiến chiếm Sài Gòn vào năm 1975, Cộng sản đã ra lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi và  một số nghĩa trang khác. Như vậy người chết cũng bị đuổi ra khỏi ngôi mộ của mình như những người sống bị đuổi ra khỏi nhà thành phố để đi vùng kinh tế mới. Nhưng điều tôi biết rõ cho tới hôm nay Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa chưa bị giải tỏa. Chưa bị giải tỏa không có nghĩa là người Cộng sản tôn trọng những người lính quốc gia đã chết vì cầm súng chống lại họ mà theo tôi vì họ chưa có nhu cầu sử dụng khu đất ấy.
Cách đây 5 tháng tôi đã về Sài Gòn và đã đến Nghĩa trang nầy nên tôi mới dám cả quyết với ông như vậy. Tuy nghĩa trang chưa bị giải tỏa, chưa bị san bằng nhưng quả là vô cùng hoang phế, tang thương. Tôi có cảm tưởng đó là một bãi tha ma hơn là một nghĩa trang quốc gia. Khi nghĩa trang nầy chưa bị thủ tiêu thì niềm hy vọng tìm ngôi mộ người bạn tôi chưa bị dập tắt.
E- mail 6.
Tôi rất vui báo tin ông biết tôi có một người bạn hy vọng có thể giúp ích cho ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ người bạn sĩ quan VNCH của ông. Ông nầy tên là Lê, giám đốc chương trình “Huynh đệ chi binh”, một tổ chức từ thiện bất vụ lợi nhằm mục đích giúp đỡ các thương phế binh và gia đình tử sĩ VNCH hiện còn sống trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vật chất. Tổ chức nầy có trụ sở tại thành phố San Jose, Bắc California và đã hoạt động trên 10 năm. Họ quyên góp được khá nhiều tiền, phẩm vật - nhất là xe lăn - gởi về Việt Nam giúp những người kể trên.
Ông Lê trước 1975 là Trung tá Quân lực VNCH. Sau 30-4-1975 ông bị kẹt ở lại và bị bắt đi tù cải tạo hơn 10 năm. Ông và gia đình đến Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO năm 1990. Cảm thông sâu xa nỗi đau của những người bạn đồng ngũ đang sống quằn quại trên quê hương, ông Lê sáng lập tổ chức “Huynh đệ chi binh”. Qua 10 năm hoạt động, tổ chức của ông Lê đã có một uy tín lớn trong các cộng đồng người Việt khắp thế giới. Và cũng chính tổ chức của ông đã giúp đỡ hàng ngàn người chiến binh VNCH cũ thoát khỏi tình trạng vật chất ngặt nghèo, cái chết vì đói đang lơ lững nơi cổ họ.
Trong cương vị giám đốc tổ chức “Huynh đệ chi binh”, do nhu cầu công việc, ông Lê có rất nhiều tài liệu cũng như những sự kiện liên quan tới các cựu chiến binh VNCH. Do đó tôi hy vọng ông Lê sẽ giúp ông tìm kiếm ra manh mối những người có liên quan đến người bạn đã chết của ông.  Xin chúc ông sớm đạt ước nguyện và một ngày nào đó tôi hy vọng gặp ông để tay bắt mặt mừng, nghe ông hân hoan loan báo tin lành... Tạm biệt ông. Thật đáng tiếc chúng ta quen biết nhau, gặp gỡ nhau trong máy điện toán bấy lâu mà lại chưa gặp nhau lấy một lần ở ngoài đời.
TB. Tôi đã phone cho ông Lê nói rõ về ý muốn của ông và dưới đây là địa chỉ E mail của ông Lê.
E- mail 7.
Kính chào ông Lê.  Tôi là Mark D. Kennedy. Tôi được sự giới thiệu của bạn ông là ông Bao Nguyễn. Chắc ông Bao Nguyễn đã thông báo với ông đầy đủ về tôi. Tôi rất hân hạnh làm quen với ông. Tôi biết ông là một người đã làm nhiều việc tốt đẹp cho những bạn đồng ngũ cũ của ông hiện còn kẹt lại Việt Nam. Tôi mong muốn chúng ta trở thành bạn thân.
E- mail 8.
Tôi rất hân hạnh quen biết ông. Tôi rất vui lòng và sẵn sàng giúp đỡ ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ Đại Uùy Lữ Sơn tại Nghĩa trang Quân đội VNCH bên xa lộ Biên Hòa. Hiện nay trong mấy cái tủ đựng hồ sơ của tôi, tôi đã lùng tìm mà chưa lần ra manh mối người quản lý nghĩa trang nầy. Tôi đang gởi E mail cho tất cả bạn bè tôi trên khắp thế giới và cả trong nước để họ giúp đỡ. Tôi có rất nhiều hy vọng. Ông có thể cho biết lý lịch Đại úy Lữ Sơn?
E- mail 9.
Tôi tha thiết mong ông và các bạn ông giúp đỡ để tôi sớm đạt được nguyện vọng to lớn của mình. Nói rõ hơn đây là một món nợ ân tình lớn cuả đời tôi. “Nó” đã ám ảnh tôi hơn 20 năm qua. “Nó” đã thúc giục tôi lao vào biển sương mù dày đặc với những hiểm nguy ngặt nghèo mà có lần (nói theo người Việt các ông) sinh mạng tôi treo trên sợi tóc. Lần trước, đứng kề bên cái chết tôi đã có vị cứu tinh là Lữ Sơn. Còn lần nầy, mấy người bạn Việt-Nam của tôi nói chính hồn ma Lữ Sơn cứu tôi đấy! Lúc sống anh đã cứu tôi và lúc chết lại cũng vẫn là anh cứu tôi. Ơn nầy chất chồng biết làm sao tôi trả cho được! 
Lữ Sơn khi còn sống, những ngày bên tôi, anh ít nói về mình, ít nói về gia đình mình. Qua lời các bạn bè của Lữ Sơn thì cha anh là một sĩ quan mang cấp bậc Đại Tá ngồi trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH. Và người chú ruột của anh là Tướng Tư Lệnh Vùng. Nếu như người khác, với thế lực to lớn của gia đình như vậy, Lữ Sơn có thể tự ý chọn lựa một chỗ ngồi thích hợp và yên ổn an nhàn ở Thủ đô. Nhưng anh đã quyết đi con đường của mình, đầy gai góc nhưng cũng đầy oanh liệt hào hùng đối với người trai thời loạn: ra chiến đấu ngoài chiến trường.  Lữ Sơn chưa lập gia đình. Khi chết anh để lại một người yêu mới ngoài 20 tuổi. Cô gái nầy cũng là bạn chí thân của bà vợ tôi bây giờ. Tôi và Lữ Sơn tình cờ gặp hai cô gái quê hiền lành chất phác trong một cuộc hành quân lục soát tìm kiếm kẻ địch ẩn náu trong làng. Chính họ đã chỉ cho chúng tôi biết một cái hầm cất giấu vũ khí của địch. Cuộc tình của Lữ Sơn và cô gái quê thơ mộng đẹp lắm. Hai người đã hứa hôn và chờ khi đất nước hòa bình mới làm lễ cưới. Rất tiếc tới bây giờ tôi vẫn chưa biết cô ta ở đâu, sống hay chết.
Nghĩ tới những việc đã qua, dĩ vãng bỗng ào ào kéo tới làm tôi xúc động không cầm được nước mắt. Tôi không thể viết tiếp cho ông được nữa.  Xin hẹn thư sau.
E- mail 10.
Ông Lê,  Tôi xin lỗi đã chậm trễ trả lời thư ông, có lẽ hơn một tháng rồi phải không?  Sở dĩ có sự chậm trễ trả lời này vì tôi phải thu xếp một số công việc riêng tư. Gia đình chị vợ tôi được vợ chồng tôi bảo lãnh mới đặt chân xuống đất Hoa Kỳ đầu tháng rồi. Chúng tôi rất bận rộn để lo cho gia đình họ từ chỗ ăn ở đến công việc làm và sự học hành của mấy cháu nhỏ. Tôi chắc ông thông cảm với những khó khăn và bận rộn chúng tôi vừa gặp, vì tôi biết ông cũng đã đứng bảo lãnh cho nhiều gia đình. 
Bây giờ mọi sự tạm ổn định nên tôi mới có thì giờ viết thư cho ông đây. Vâng, tôi đã về Việt Nam, nói rõ hơn là Sài Gòn, tất cả 3 lần từ sau 1975. Lần thứ 3 cách đây 5 tháng. Khỏi nói ông cũng biết tôi trở lại Việt Nam với tâm trạng của một kẻ vào hang cọp. Nhưng vì ân tình thiêng liêng cao quý của người bạn nên tôi phải liều. Lần nào cũng vậy, khi vừa tới Sài Gòn còn chân ướt chân ráo, tôi đã tìm cách lên Nghĩa trang Quân đội VNCH ở xa lộ Biên Hòa ngay. Hình như có một cái gì như là sức mạnh vô hình đưa đẩy thúc giục tôi hành động. Lần thứ nhất, vào năm 1978, người lính Cộng sản gác nghĩa trang cương quyết không cho tôi vào mặc cho tôi giải thích, năn nỉ. Tất nhiên tôi nói với họ bằng tiếng Việt. Tôi xin mở ngoặc là vợ tôi đã dạy tôi nói tiếng Việt rất giỏi, có người khen “đặc giọng Nam”.
Tôi thất vọng trước sự nạt nộ đe dọa của người lính Cộng sản đành trở về khách sạn. Ông giám đốc khách sạn chỉ dẫn cho tôi cách làm đơn xin phép chính quyền địa phương. Nhưng sau mấy ngày vợ tôi chạy chọt vất vả, tôi vẫn không bước qua được cổng nghĩa trang. Tôi buồn rầu đưa vợ về thăm quê ngoại ở miền Tây. Vừa tới nơi, chưa kịp chuyện trò với ông bà già vợ, tôi đã bị chính quyền địa phương bắt giam về tội CIA. Vợ tôi phải mất một số tiền hối lộ khá lớn họ mới chịu buông tha tôi. Vợ tôi tin nhờ hồn ma của anh bạn Lữ Sơn phù hộ tôi mới sớm thoát nạn.
Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình khủng khiếp với 7 ngày đêm trong một phòng giam nhỏ bé chật hẹp tăm tối hôi hám bẩn thỉu. Ngoài sự thân thể bị rệp muỗi thường trực thi nhau hút máu, hàng ngày tôi liên tục bị gọi lên “làm việc”. Họ tra vấn và bắt viết “bản tự khai”. Ngày nào cũng hỏi, ngày nào cũng viết đến phát điên. May mà chỉ có 7 ngày (tôi coi như 7 năm dài) tôi đã thoát nạn. Do đó tôi rất thông cảm và kính phục sự chịu đựng dẽo dai ghê gớm của các ông bị giam cầm trong các trại tù cải tạo hàng chục năm liền. Khi được thả tôi và vợ vội vã trở lại Sài Gòn và đáp máy bay về Mỹ ngay. Thật hú vía!
E- mail 11.
Mong ông vui lòng kể tiếp cho tôi nghe chuyến thứ hai của ông về Việt Nam. Ông tuy là một chuyên viên nhiếp ảnh mà kể lại sự việc như một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi rất thú vị theo dõi câu chuyện ông kể. Cám ơn ông.
E- mail 12.
Cám ơn những lời khen tặng của ông. Tôi xin tiếp tục kể tiếp chuyến thứ hai về Việt Nam. Qua tin tức báo chí, truyền hình và nhất là nhiều người bạn thân cựu chiến binh của tôi sau khi đi Việt Nam về cho biết Việt Nam bây giờ đã đổi mới, đã cởi mở. Họ mở rộng cửa đón tiếp du khách. Du khách có thể ra vào thong thả không bị gây sự khó khăn phiền hà và bắt bớ giam cầm vô lý như trước nữa. Vì nôn nóng tìm mộ bạn tôi bàn với vợ quyết liều một phen nữa xem sao.
Đó là vào đầu năm 1993 chúng tôi đáp máy bay về Việt Nam.  Quả là thành phố Sài Gòn có đổi khác trước nhiều. Nhà cao tầng mọc lên khắp nơi. Người Sài Gòn ra đường với những bộ quần áo đẹp đẽ, lịch sự. Xe hơi xe gắn máy xe đạp chen chúc đầy đường. Sau khi ổn định chỗ ở trong một khách sạn sang trọng nằm giữa trung tâm thành phố, vợ chồng tôi thuê một xe taxi chở lên xa lộ Biên Hòa. Lần nầy Nghĩa trang không thấy có lính gác nữa.
Nhờ sự chỉ dẫn mách bảo mánh mung của anh bồi phòng, vợ chồng tôi đi thẳng tới căn nhà của giới chức có phận sự trông coi Nghĩa trang. Người nầy lớn tuổi, vẫn ăn mặc theo lối bộ đội, trông mặt khó chịu và hơi dữ dằn. Ông ta không mấy thiện cảm khi nhìn tôi, nhất là khi tôi cho biết ý định. Vợ tôi tinh ý mở túi xách lấy gói thuốc lá hiệu ba số 5 và một phong bì căng phồng đưa ông ta. Ông ta thản nhiên tiếp nhận và mở gói thuốc lấy ra một điếu hút liền. Còn cái phong bì ông ta biết là có gì trong đó rồi nên nhét ngay vào túi quần. Sau khi hỏi một số chi tiết cho đúng thủ tục, với vẻ quan trọng, ông ta hướng dẫn chúng tôi đi vào Nghĩa trang tìm kiếm. Ông ta cũng không biết gì hơn về những ngôi mộ coi như vô chủ.  Bây giờ tôi xin tạm ngưng vì đêm đã quá khuya. Tôi còn phải đi ngủ để sáng mai đi làm việc. Xin hẹn ông thư sau.
E- mail 13.
Nếu có thể được xin ông vui lòng tả sơ qua cho tôi biết hiện trạng Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Nhiều bạn bè thân thiết và cùng khóa với tôi nằm trong đó. Tôi có nhiều người quen về Việt Nam nhưng vì không có liên hệ gì nên họ không quan tâm tới Nghĩa trang nầy. Trước đây tôi nghe nói pho tượng người chiến sĩ quốc gia ngồi an nghỉ nơi cổng Nghĩa trang đã bị phá bỏ và ngôi mộ lớn của một vị Tướng cũng cùng chung số phận. Không biêt sự thật có đúng vậy không?
E- mail 14.
Tôi đã mất một ngày trời sục sạo lùng kiếm trong Nghĩa trang. Nghĩa trang mênh mông vắng lặng quạnh quẽ đến não lòng. Hàng ngàn ngôi mộ coi như hoang phế tàn lụi, cỏ dại mọc đầy phủ lấp. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngôi mộ được dọn dẹp sạch sẽ, có đặt bình hoa bằng nhựa và những nén hương cháy dở. Nhiều, rất nhiều tấm bia nhỏ ghi tên tuổi số quân người chết, bị đập bể nằm chổng chơ bên lối đi, vì hầu như tất cả những ngôi mộ đều chịu chung số phận như nhau, tức là đều bị bàn tay con người cộng với tàn phá hủy hoại của thời gian không còn giữ nguyên được hình thù của một ngôi mộ nữa!
Có rất nhiều ngôi mộ chỉ còn lại mấy viên gạch vỡ. Nghe nói người ta đã vào đây đập phá những ngôi mộ lấy gạch về xây nhà ở. Còn pho tượng lớn người chiến sĩ VNCH ngồi an nghỉ nơi cổng vào Nghĩa trang thì không còn thấy nữa. Có người cho tôi biết pho tượng bị phá hủy từ lúc mới “giải phóng” kia. Tiếc thay một công trình nghệ thuật – một tuyệt tác đã bị bàn tay thù hận phá hủy!
Viên cán bộ phụ trách Nghĩa trang sau ít phút hướng dẫn vợ chồng tôi đi đã bỏ cuộc để chúng tôi “muốn đi tới chỗ nào túy ý”. Chúng tôi đã vạch cỏ từng ngôi mộ. Mãi tới lúc mặt trời sắp lặn vẫn không tìm thấy ngôi mộ Lữ Sơn. Chúng tôi quá mệt mỏi nên đành buồn rầu từ giã Nghĩa trang. “Lữ Sơn ơi, nếu hồn anh có linh thiêng hãy hướng dẫn chúng tôi tìm ra ngôi mộ anh”. Tôi thầm kêu lên như vậy khi bước lên xe taxi trở về thành phố Sài Gòn. Ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, vợ chồng tôi tiếp tục lên Nghĩa trang lùng kiếm. Nhưng vô vọng. Tôi có rất nhiều ảnh chụp Nghĩa trang, hàng trăm tấm. Nếu ông muốn tôi sẽ gữi tặng. Ông coi ảnh sẽ biết sự hoang phế tệ hại tới mức nào. Đúng là một bãi tha ma chứ không còn là một Nghĩa trang quốc gia.
E- mail 15.
Mấy ngày vừa qua tôi rất bận vì phải tháp-tùng phái đoàn Tổng-thống đi họp hội nghị quốc tế. Ông Tổng thống này cương quyết đòi đánh Iraq bằng được để diệt Saddam Hussein mà trước đây hơn 10 năm ông Tổng thống bố ông đã ra tay nhưng chưa tóm cổ được lão nầy. Lúc còn trai trẻ tôi đã nếm mùi chiến tranh, đã mấy lần suýt chết vì chiến tranh, bây giờ nhìn lại vẫn thấy rùng mình. Bao giờ nhân loại mới chấm dứt chém giết nhỉ? Lại sắp có bao nhiêu chàng trai lao mình vào cõi chết. Ôi chiến tranh, tôi thù ghét căm phẫn nó vô cùng. Ước gì tôi là Tổng thống! 
E-mail 16.
Lần thứ ba tôi trở lại Việt Nam tôi đã bị lừa. Có một người cho tôi hay họ biết ngôi mộ Lữ Sơn nằm chỗ nào trong Nghĩa trang Quân đội. Tôi phải mất một số tiền để có được bản họa đồ chỉ dẫn. Họ nại cớ không dám đi cùng tôi vì sợ chính quyền nghi kỵ làm khó dễ. Theo đúng sự chỉ dẫn của bản họa đồ tôi đã đến ngôi mộ mà người ta bảo đó là của Lữ Sơn. Nhưng sau khi xem xét tôi chẳng thấy bằng chúng nào chứng tỏ bạn tôi nằm trong ngôi mộ đó. Mộ chưa được xây và nấm đất được gọi là mộ đó gần như bị san bằng. Cái bằng chứng duy nhất để chứng minh là tấm bia khắc tên tuổi người chết thì không có. Vợ tôi càu nhàu tôi mãi về việc nầy. Có lẽ, tôi nghĩ, mình đã đi vào con đường tuyệt vọng rồi. Bây giờ chỉ còn biết đặt ngôi mộ Lữ Sơn trong trái tim mình thôi. Có người mách bảo đi tìm kiếm thân nhân Lữ Sơn. Một gợi ý hay nhưng trời đất bao la như thế nầy, nhất là sau một cuộc biến đổi long trời lở đất, người người tứ tán muôn phương biết đâu mà tìm kiếm, nhất là với một người ngoại quốc như tôi? Đến người chết nằm một chỗ còn không tìm ra nói gì tới tìm người sống!
E- mail 17.
Ông muốn biết rõ mối ân tình nặng trĩu và to lớn của tôi đối với Đại úy Lữ Sơn? Vâng, tôi xin thành thật kể ra hết với ông đây.
Phải nói là giữa tôi và Lữ Sơn một tình bạn nẩy nở ngay từ lúc đầu khi tôi đến làm cố vấn cho đơn vị anh. Đại đội anh chỉ huy là Đại đội tiền sát. Khi hành quân tôi luôn cặp kè bên anh. Khi rãnh rỗi chúng tôi ngồi bên nhau nhậu nhẹt đến say khướt quên cả đời lính tráng nơi tiền tuyến, quên cả thần chết thường trực rình rập chung quanh. Vào thời điểm nầy hiệp định Ba Lê ký kết Mỹ sẽ rút quân về nước bỏ mặc cho VNCH chống chọi với quân Cộng sản. Với một quân số đông gấp mấy lần và với võ khí tối tân hơn, quân Cộng sản liên tiếp gây thiệt hại cho quân VNCH trên nhiều mặt trận. Người Việt Nam cho rằng tại người Mỹ bỏ rơi đồng minh nối giáo cho giặc. Anh em binh sĩ trong đơn vị của Lữ Sơn thù ghét khinh bỉ tôi ra mặt.
Chỉ còn ít ngày nữa tôi giã từ họ về Sài Gòn hồi hương nên tôi cóc cần. Một hôm toán tuần tiểu của họ bị Cộng sản phục kích làm chết một số người. Đau đớn trước sự mất mát mà họ cho là phi lý, có nội tuyến và có thể cộng với sự hiểu lầm về một cử chỉ hoặc thái độ nào đó của tôi, họ đã nổi giận nhất loạt chĩa mũi súng vào tôi quy trách nhiệm. Họ đòi đem tôi ra bắn để trả thù cho cái chết của đồng bạn!  Nhìn những đôi mắt quắc lên giận dữ, rực lửa hận thù, nhìn những mũi súng đen ngòm chĩa thẳng vào ngực mình, tôi biết đã tới lúc tôi phải lên đoạn đầu đài chịu tội cho cả nước Mỹ.
Tôi không thể giải thích cho họ hiểu tôi cũng như họ chỉ là nạn nhân của bọn to đầu. Tôi không tình nguyện đến nước nầy để giết người hay để người giết. Tôi đến vì người ta bắt phải đến. Tôi giết vì nếu không giết thì sẽ bị giết. Tôi đến hay đi hoàn toàn không phải ở tôi mà ở bọn chóp bu ngồi cách xa nơi nầy cả nửa vòng trái đất! 
Trước sự “hận thù đằng đằng” tôi phải cầu cứu tới Lữ Sơn, lúc ấy đang đứng bên tôi và tỏ ra vô cùng lúng túng, bối rối. Trước ánh mắt sợ hãi và cầu cứu của tôi, Lữ Sơn đã đứng ra can thiệp. Anh nói nhiều lắm, bây giờ tôi không còn nhớ hết anh đã nói những gì nhưng nội dung chính vẫn không ngoài sự ngăn cản, khuyên giải. Nhưng đám đông vẫn không chịu buông súng nghe theo. Họ la lối gào hét đòi quyết giết tôi.
Sau khi với tư cách chỉ huy ra lệnh cho họ không nghe, Lữ Sơn nói lớn: “Vậy trước khi giết chết người Mỹ nầy, các bạn hãy giết tôi đi. Người Mỹ nầy vô tội, chúng ta đừng giận cá chém thớt. Dân tộc ta chưa bao giờ có truyền thống giết hại người ơn của mình. Dân tộc ta bao giờ cũng lấy nhân nghĩa làm đầu. Vậy tôi xin chết thay cho anh ta”. Dứt lời Lữ Sơn đứng ra lấy thân mình anh che chắn cho tôi. Đám đông giao động bàn tán. Ít phút sau họ tự động giải tán. Thế là tôi thoát chết. Lữ Sơn đã đem thân mình tình nguyện chết để cứu sống tôi. Ông thấy ơn nầy to lớn quá phải không? Khi đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời tôi đã lấy tên Lữ Sơn đặt cho nó. Vì ông hỏi nên tôi mới nói ra sự việc đau lòng nầy. Thực sự nó chẳng đẹp đẽ gì trong mối quan hệ giữa người Mỹ và người Việt vốn đã quá bi thảm tăm tối.  Tôi về nước, cuối năm 1974 nhận được tin Lữ Sơn tử trận. Anh chết vì cứu người đồng đội bị thương nặng. Một băng đạn AK phá nát bộ ngực anh. Tôi đã khóc mấy ngày liền, bỏ cả ăn uống, công việc.
E- mail 18.
Sau một thời gian khá dài, đến hơn 3 tháng chúng ta không viết thư cho nhau phải không? Hôm nay tôi xin thông báo một tin vui, rất vui. Ánh sáng đã rọi qua đám sương mù dày đặc của ông. Những hy vọng tìm mộ người bạn quá cố có thể trở thành hiện thực. Tôi đã tìm được địa chỉ người em ruột của Lữ Sơn hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông có thể liên lạc trực tiếp với ông ta theo địa chỉ e mail ......  Chúc ông may mắn và thành công.
E- mail 19.
Tôi không biết nói gì để bộc lộ lòng trân trọng và sự biết ơn của tôi đối với ông. Tôi đã gặp ông Lữ Hà, em trai của Lữ Sơn.
Tuần vừa qua Lữ Hà đến chơi với gia đình tôi và ở lại mấy ngày. Lúc Lữ Hà đứng trước cửa nhà, tôi xúc động muốn ngất xỉu. Tôi cứ tưởng Lữ Sơn hiện diện. Hà giống hệt Sơn từ điệu bộ đi đứng cười nói. Chúng tôi đã có những buổi chuyện trò tâm tình thú vị và hầu như thức trắng mấy đêm liền. Bao nhiêu kỷ niệm về Lữ Sơn đều được nói ra hết.  Tôi đang cố gắng thu xếp công việc để sớm trở lại Việt Nam lần nữa. Nhất định lần nầy tôi phải thành công vì có người em gái của Lữ Sơn hướng dẫn. Cô ta hiện sống ở một tỉnh xa xôi miền Trung nhưng tôi bắt liên lạc được rồi.
E- mail 20.
Tôi xin chúc mừng ông. Hình như lịch sử của hai dân tộc chúng ta đã lật sang trang khác nhưng cái ân tình của Lữ Sơn dành cho ông và cái thâm tình ông dành cho Lữ Sơn nhất định sẽ trường tồn, mãi mãi không phai nhạt.  Giữa những bom đạn và chết chóc reo rắc đau thương hận thù triền miên trên trái đất già nua khô cằn nầy vẫn có những bông hoa nhân ái mọc lên rực rỡ ánh hào-quang.  Chúc ông sớm tìm được người bạn quá cố đã nằm trong lòng đất lạnh hơn một phần tư thế kỷ giờ được đánh thức dậy để nhận một bông hoa Đời...
E- mail 21.
Ông biết không, tôi và vợ tôi đã bật khóc về những dòng chữ ông viết trong E mail. Thú thật với ông khi mới đặt chân tới đất nước ông, bắt gặp những nhỏ nhặt đời thường, tôi đã có ý nghĩ không mấy tốt đẹp về đất nước nhỏ bé xa xôi hẻo lánh ít được biết tới này.
Nhưng rồi với tấm lòng cao quý tỏa ra từ con người Việt Nam chân chính Lữ Sơn – một thanh niên xả thân chiến đấu vì lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do. Rồi sau đó cả triệu người lao vào cõi chết để tìm tự do – một cuộc tìm tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tôi chưa bao giờ thấy dân tộc nào vĩ đại như vậy. Ý chí kiên cường bất khuất và máu của người Việt Nam trên đường tìm Tự Do đã tô đậm nét vàng son 5 chữ “Tự do hay là chết” lấp lánh đến muôn đời.  Càng khâm phục ngưỡng mộ dân tộc ông tôi càng nôn nóng tìm kiếm bằng được mộ người bạn ân tình của tôi, Đại úy Lữ Sơn. 
Nhân đây tôi cũng xin thông báo để ông biết tôi và vợ tôi đã quyết định ngày đến Việt Nam. Đó là ngày mùng Một Tết Âm lịch. Ngày mùng Một Tết là ngày quan trọng thiêng liêng nhất của Năm đối với người Việt Nam và là ngày mở đầu của mùa Xuân nên chúng tôi chọn đúng ngày này để viếng mộ Lữ Sơn. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cỏ rác, tôi sẽ cắm lên mộ Lữ Sơn một bông hoa Hướng Dương mà lúc sinh thời anh rất thích, rồi thắp cho anh một bó hương. Tôi sẽ quỳ xuống ôm ngôi mộ anh nói to lên rằng: “Anh Lữ Sơn! Anh là một anh hùng! Dân tộc anh là một dân tộc kiêu hùng bất khuất! Chúng tôi không bao giờ quên anh, Anh Lữ Sơn!”


 




__._,_.___


************************
Tho Van group!
Pho bien va giao luu trao doi Tho Van giua cac thi si va tat ca nhung ban yeu thich tho van tren toan the gioi.
Luu Y:
+ Noi dung va y kien cac thanh vien khong phai la chu truong va lap truong cua group Tho Van.
+ Group Khong chap nhan nhung bai post ngoai chu de Tho & Van.
+ Web Link : http://groups.yahoo.com/group/ThoVan
+ Dia chi goi bai len group Tho Van: ThoVan@yahoogroups.com
+ Dia chi rut ten ra khoi group Tho Van: ThoVan-Unsubscribe@yahoogroups.com
+ Dia chi ien lac rieng voi group: GroupThoVan@gmail.com
************************




Your email settings: Individual Email|Traditional
Change settings via the Web (Yahoo! ID required)
Change settings via email: Switch delivery to Daily Digest | Switch to Fully Featured
Visit Your Group | Yahoo! Groups Terms of Use | Unsubscribe



__,_._,___
Back to top
« Last Edit: 01. Mar 2010 , 14:19 by nguyen_toan »  
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra