
HỒI KÝ LINH PHƯƠNG
* Lời tác giả: Tập Hồi Ký này, tôi chỉ trích đăng những phần có thể công khai đuợc, riêng những phần nhạy cảm, không phù hợp với thời điểm hiện nay, tôi gác lại. Tôi xin cũng minh định rằng: Tôi rất trân trọng một nhạc sĩ Phạm Duy tài năng của ngày xa xưa còn sống mãi và một nhạc sĩ Phạm Duy đã chết trong lòng tôi.
- Linh Phương -
Vào đầu thập niên 70, tôi cộng tác hầu hết các nhật báo phát hành tại Sài Gòn. Tôi viết “ Xa dấu ngựa hồng “ truyện đăng nhiều kỳ trên tờ Nhân Dân với tên Linh Phương. Riêng phóng sự “ Những bông hồng cho Lữ đoàn 147 TQLC (An Dương Vương) “ thì ký bút hiệu Phạm Thị Âu Cơ cũng đăng trên tờ này. Ngoài ra, tôi còn đăng thơ thường xuyên ở nhật báo Da Vàng do Vũ Tiêu Giang phụ trách; tờ Báo Đen do thi sĩ Nguyên Sa giữ trang thơ với các tên: Linh Phương, Phạm Nguyễn Hà Đông và Đoàn Đình Tây Phố...
Nhưng nhiều nhất là trang thơ văn của tờ Độc Lập do Ấu Lăng (tức thi sĩ Trần Dạ Từ phu quân của nữ sĩ Nhã Ca) phụ trách. Có thể nói, tờ báo Độc Lập một tháng 30 ngày thì trên 20 ngày đăng thơ, truyện của tôi qua các tên: Linh Phương,Phạm Thị Âu Cơ, Vương Thị Ái Khanh...Đầu tháng 2 năm 1970, tờ Độc Lập đăng đầu tiên bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ (sau đó là các báo khác), bài thơ này tôi đề tặng một cô tên Hương, người mà tôi cùng bạn bè thân hay đến nhà cô ở bến Nguyễn Duy quận 7 Sài Gòn chơi.
Thời trẻ, tôi rất ít nói và nhát gái số một. Đêm nằm suy nghĩ nhất định ngày mai sẽ bày tỏ những điều mình ấp ủ từ lâu với người mình thương. Nhưng khi gặp, đứng trước cô ấy tôi lại ấp a, ấp úng, trái tim đánh thình thịch,quên tuốt luốt và không dám nói gì cả. Bởi vậy, suốt những năm học trung học đệ nhị cấp, tôi vẫn luôn luôn đứng dước gốc cây trước cổng trường giờ tan học đón cô ấy, rồi đi theo sau cho đến lúc cô đi vào nhà, khiến nhiều bạn học trong trường ai cũng biết.
Sau này vào quân đội, rày đây mai đó trên khắp miền đất nước, tôi không còn gặp người cũ cho đến hơn 30 năm sau mới hội ngộ. Khi lên xe về Sài Gòn, cô chìa tay cho tôi bắt, nắm tay cô tôi vẫn thấy một chút gì đó cảm xúc của ngày xưa. Tôi kể lại cho người bạn thân là Vũ Trọng Quang nghe. Hắn vừa cười, vừa nói: Trời! Ba mươi mấy năm mới nắm được tay nàng. Tôi chỉ biết cười thôi. Tình yêu mới lớn của tôi như một tiết tấu chậm, không như tuổi trẻ thời @ bây giờ, nhanh như chớp.
Bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ của tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc với cái tên “ Kỷ Vật Cho Em “, ông chỉ để duy nhất tên của ông. Ngay trong tập nhạc “ Kỷ Vật Cho Chúng Ta “ do nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc phát hành, bài “Kỷ Vật Cho Em” vẫn không có tên Linh Phương. Lúc đó,” Kỷ Vật Cho Em” nổi tiếng đến nỗi đoàn cải lương Tiếng Chuông vàng Kim Chung cũng ăn ké cái tên “ Kỷ Vật Cho Em” cho vở cải lương hát tại rạp Quốc Thanh.Trên Truyền hình thì có nhạc kịch về thương phế binh cũng mang tên “Kỷ Vật Cho Em “.
Mặc dù nhạc sĩ Phạm Duy không để tên mình, tôi vẫn không phản ứng. Nhưng một người bạn của tôi là Thiên Hải phóng viên hãng tin THT đã đưa lên trang nhất của một tờ nhật báo, đại ý tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” ở binh chủng TQLC sẽ kiện Phạm Duy ra Tòa. Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình cho in một bài viết đề cập đến tiền tác quyền, và tên Linh Phương phải là đồng tác giả bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em”.
Thời điểm bấy giờ, ở Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam, có trên 20 tờ nhật báo và 30 tờ tuần báo, bán nguyệt san và nguyệt san. Chuyện tác quyền giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy hầu hết các tờ báo đều có đăng thư Phạm Duy gởi tôi (biện minh vì sao ông không xin phép tác giả trước khi phổ thành ca khúc.Ông cho rằng không biết tôi ở đâu, nên có hỏi thi sĩ Trần Dạ Từ vì bài thơ hay, phù hợp với không khí chiến tranh khốc liệt đang xảy ra...nên ông lấy phổ nhạc), thư tôi trả lời nhạc sĩ Phạm Duy. Một số tờ báo phỏng vấn tôi, tờ Lập Trường của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong phong trào Cấp Tiến thì đăng hình và tiểu sử (tôi nhớ không lầm thì người viết là ký giả Huy Trường).Sau gần một tháng ầm ỉ, người cháu nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa sĩ quan Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ tư lệnh Sư đoàn TQLC lên phòng Tổng Quản Trị Sư đoàn tìm hồ sơ của tôi. Một người bạn tôi ở phòng này hỏi anh ta tìm hồ sơ ai, anh ta cho biết tìm hồ sơ Linh Phương, người bạn tôi chỉ anh ta nơi tôi thường xuyên có mặt. Cuối cùng thì anh ta gặp tôi tại 104/23 đường Yersin, quận 2 (quận 1 bây giờ) Sài Gòn. (nhà của bạn tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang).
Sau đó, Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà Đêm Màu Hồng nơi ban Thăng Long thường xuyên trình diễn. Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm trong vấn đề bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc Citroen Traction đến phòng trà Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh quản lý. Ở phòng trà Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Sau cái bắt tay giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần Văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, như lời hẹn tôi đến tư gia nhạc sĩ Phạm Duy ở số 215 E/2 đường Chi Lăng- Gia Định- Phú Nhuận. Nhà Phạm Duy phía bên trái khi bước vào cổng cư xá Chi Lăng. Tại đây, tôi gặp ca sĩ Thái Hằng - vợ nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Quang –con trai và ca sĩ Julie vợ Duy Quang và Thái Hiền lúc đó hãy còn nhỏ. Tôi ăn cơm trưa với nhạc sĩ Phạm Duy, xong chúng tôi ký hợp đồng tiền tác quyền bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Trong hợp đồng tiền tác quyền là 30.000 đồng (thời điểm đó giá vàng, nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10.000 đồng- 12.000 đông / một lượng, nhưng thực tế nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi là 50.000 đồng (30.000 đồng bằng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng – 20.000 đồng tiền mặt). Về số tiền 20.000 đồng tiền mặt, nhạc sĩ Phạm Duy bảo tôi đừng tiết lộ khoản tiền ngoài hợp đồng này. Tôi không hiểu vì sao, nhưng cũng không thắc mắc.
( còn tiếp )
[color=Red][/color]Linh Phương