
Trích từ Blog của: Nguyễn Võ Lâm
Tích xưa
Xứ Kinh Bắc xưa có một người góa phụ nuôi 2 con. Trong lúc người mẹ đang đi làm thì hai anh em, Tô Vân và Tô Thị ở nhà đùa nghịch với nhau. Trong một lần người anh vô tình ném đá trúng vào đầu em gái, thấy em nằm ngất bên vũng máu, người anh sợ quá bỏ nhà trốn đi biệt tăm. Người em được hàng xóm cứu chữa kịp thời nên vẫn còn sống. Người mẹ sau một thời gian mòn mỏi tìm người con trai rồi chết trong đau ốm.
Người em gái được vợ chồng chủ hàng nem xứ Lạng cưu mang, đến khi thấy có thể tự nuôi sống mình, Tô Thị xin ở riêng và mở hàng nem, bán rất được. Người anh sau khi bỏ trốn được một người bán thuốc gốc Trung Quốc sống ở Cao Bằng nhận nuôi. Tô Vân vẫn thường đem hàng xuống Lạng Sơn để bán thuốc.
Mỗi dịp xuống Lạng Sơn, Tô Vân vẫn thường ghé hàng của Tô Thị để mua nem, tình cảm nảy sinh từ đó. Và rồi họ cưới nhau và sinh hạ được một người con trai. Sống hạnh phúc bên nhau đến một ngày, chàng nhận ra vết sẹo trên trán vơ, và khi vợ kể lại sự việc, Tô Vân mới cay đắng cho mối tình oan nghiệt này, chàng quyết định lần nữa rời bỏ người em – người vợ của mình.
Đúng lúc ấy triều đình đang có lệnh bắt lính thú, chàng quyết định đi và chỉ báo với vợ trong ngày lên đường. Tin đến như sét đánh ngang tai Tô Thị. Nàng ngậm ngùi, lặng lẽ chờ đợi. Hết kỳ hạn tòng quân nhưng vẫn chưa thấy chồng về, lúc này có môt tay kỳ hào muốn lấy nàng làm vợ lẻ, thương con còn nhỏ dại, nhưng sợ rước vạ vào thân, nàng hẹn gã chờ thêm 1 thời gian, nàng vẫn hy vọng chồng về.
Đến kỳ hạn, biết là không thể né, nàng lên chùa Tam Thanh kêu cầu, rồi nàng bồng con đứng ở một đỉnh núi cao gần chùa, hôm ấy trời nổi cơn giông rất lớn. Sáng hôm sau, nàng hóa đá tự bao giờ, mắt hướng xa xăm về nơi chồng đã ra đi. (1)
Hòn Vọng Phu
Hòn vọng phu được nhắc đến trong tích trên vốn nằm trong quần thể di tích thuộc động Tam Thanh, phường Tam Thanh, Tp. Lạng Sơn, nơi có núi Tô Thị hay còn gọi là Vọng Phu, nơi mà dân ca vẫn còn ghi lại những câu ca dao:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Mãi mê quên hết lời em dặn dò”.
Hòn Vọng Phu ấy hiện đã bị sụp do dư chấn từ việc nổ mìn khai thác đá từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Tại vị trí cũ hiện giờ đã được phục chế lại bằng xi măng.

Trải dài đất nước, những hòn đá mang dáng dấp người chinh phụ chờ chồng có không ít. Ngoài trên núi Tô Thị còn có trên đỉnh núi Nhồi (Thanh Hóa), bờ khe Giai (Nghệ An), đỉnh núi Bà (Bình Định, đỉnh M’drak (Đăk Lắk), núi đá Bia (nằm trên đảo Cả, Phú Yên), Hòn Vọng Phu ở Khánh Dương (Khánh Hòa).
Tích về Hòn Vọng Phu được lưu truyền sâu rộng trong dân gian không chỉ ở Việt Nam. Tại một số nước hình ảnh này cũng được cụ thể hóa. Trên bán đảo Cửu Long thuộc địa phận Hồng Kông cũng có núi Vọng Phu, nổi tiếng nhất là hòn Vọng Phu trên Núi Kinabalu, thuộc đảo Borneo, Malaysia. (2)
------------------------------
1) Tích trên dựa từ nguồn: Wikibooks. Về tích này có rất nhiều dị bản. Có tích còn kể là người anh được một người tiên tri báo rằng sau này sẽ lấy người em gái, người anh tin vậy nên trong một lần vào rừng đốn củi người anh đã lấy rìu bổ vào đầu người em. Có tích là do chạy giặc khi còn nhỏ, hai anh em phải ly tán, sau này gặp lại đã là vợ chồng của nhau. Và truyện cổ tích này không chỉ có riêng trên đất Việt, trong tác phẩm “Hòn Vọng Phu” của nữ văn sĩ Quỳnh Giao (Trung Quốc) cũng viết lại tích này, nhưng nhấn mạnh hình ảnh về một người chinh phụ chờ chồng trong thời chinh chiến (gần gống như hình ảnh mà trong nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu” nhắc tới).
(2) Theo Wikipedia, Phạm Hoàng

Hòn Vọng Phu vốn là một truyện ca gồm 3 phần được Lê Thương sáng tác trong những năm 1945 đến 1948. Vào giữa thập niên 40, Lê Thương chuyển vào Nam, ông đã sáng tác phần 1: Đoàn người ra đi.
Manh nha tác phẩm từ rất lâu, ông cho biết:
Không phải đơn thuần chỉ có tượng đá Tô Thị vợ Đậu Thao, chồng đi chinh chiến phương Bắc lâu ngày, nàng ôm con ngóng chờ mỏi mòn rồi hoá đá. Vì bấy nhiêu đó đâu đủ xúc tác tôi thực hiện bản trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu. Mà ở biên giới Việt Trung (Lạng Sơn) còn có hòn Vọng Phu Thạch, đứng trên Sư Tử Đầu Sơn, lưng đai con theo phong cách đàn bà Tầu, cũng có truyền thuyết trông chồng đến hoá đá. Phải nói cho đúng, những cảm hứng đã thôi thúc tôi sáng tác Hòn Vọng Phu còn có mấy yếu tố quan trọng nữa, đó là chuyến tôi vào Nam năm 1934, khi qua đèo Cù Mông, đến ranh giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà tôi thấy tượng đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông Đèo Cả. Và khi tôi xuống chơi Hà Tiên thấy hòn Vọng Phu trong Vịnh Thái Lan. Đồng thời, một xúc tác sâu xa trong tâm hồn tôi là ảnh hưởng những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm, đã in sâu vào tiềm thức khi còn ngồi ghế nhà trường:
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Tất cả những ấn tượng đó nằm sâu trong tâm thức đã từ lâu thôi thúc tôi thai nghén tạo nên ba tác phẩm trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu.” (4)
Trong lần chuyển vào Nam bằng chuyến xe của hãng buôn Pháp từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, phong cảnh hữu tình, kỳ vĩ của những vùng miền, cả nhiệt huyết của thời trai trẻ đã giúp ông viết nên những dòng đầu tiên của tác phẩm:
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đuổi theo lối sông. Phiá cách quan xa trường, quan với quân lên đường, hàng cờ theo trống dồn ngoài sườn non cuối thôn, phất phơ ngậm ngùi baỵ
Trong không khí sôi sục của những ngày Nam Bộ kháng chiến, và chịu sự ảnh hưởng trong Chinh Phụ Ngâm từ những ngày còn đi học, tác phẩm cũng hơi hướm vài nét giống Chinh Phụ Ngâm
Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt.
(Chinh Phụ Ngâm)
Lệnh vua, hành quân, trống… kêu dồn…
(Hòn Vọng Phu)
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San
(Chinh Phụ Ngâm)
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn
(Hòn Vọng Phu)
…
đồng thời mở ra một không khí rạo rực, hùng dũng, quật cường của một đoàn quân quyết xả thân vì nước.
***
Sau khi sáng tác xong phần 1 Hòn Vọng Phu, tác phẩm được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra miền Bắc để phổ biến. Lúc ấy Lê Thương đang tham gia kháng Pháp ở Nam Bộ tại vùng Chẹt Sậy, Bến Tre. Đó là những ngày khốn cùng nhất của ông. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình ông đầu tộc đạo Cao Đài, ông đã vượt qua những bi cực.
Vì vậy, trong phần 2 Hòn Vọng Phu, Ai xuôi vạn lý có những đoạn rất đỗi bi quan:
…Suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống bà… Non sông xuyến xao tấc lòng…
…
Thôi ! Đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly…
Cuối phần 2, một chút lạc quan
Có con chim nhỏ bé dám ca câu sấm thề.
Cuối thu năm Mậu Tý, tướng quân đem kiếm về.
được thổi thêm vào, chuẩn bị một bức tranh mới cho phần 3.
Trong Ai xuôi vạn lý, tác giả có chút ảnh hưởng giai điệu, thang âm bởi kinh Cao Đài. Cũng dễ hiểu bởi những ngày ông sống trong nhà đầu tộc đạo Cao Đài, ít nhiều ông cũng chịu ảnh hưởng.

Cuối năm 1946 ông lần về Mỹ Tho, trên đường về ông bị bắt giam 4 tháng. Sau khi được thả ra, ông trở về sài Gòn. Những ngày bị bắt giam, Người chinh phụ về được thai nghén.
Trong nghịch cảnh của chốn lao tù, ông vẫn có thể mộng tưởng về một người chinh phụ trở về đầy oai hùng trên lưng ngựa.
Đường chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi. Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió. Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vuợt núi non cũ.
Dù ai oán, đa đoan ông vẫn mường tượng về những hình ảnh đất nước thanh bình, những thắng cảnh danh lam – nơi ông đã từng cũng như mong mỏi in dấu chân qua.
Đường về nước, chập chùng xa, nhiều đồi núi cheo leo. Cây với rừng rườm rà. Đường Vạn Xuyên, đường Cổ Lũy, duyên núi sông vẫn chưa thấm hoà…
WAL
05/12/2009
-----------------------------------
(3) Wikipedia
(4) Trích trong cuốn Tâm Tình Văn Nghệ Sĩ của Lê Phương Chi
Xin mời nghe Duy Khánh trình bày vào năm 1962 trên đĩa nhựa Sóng Nhạc 45 vòng có phần ngâm thơ do Hoàng Oanh đảm nhận, lúc cô vừa bước chân vào nghề ca hát ở tuổi chưa tròn 16. Đây là bản thu đặc biệt do chính Lê Thương điều khiển ban nhạc cổ truyền, hội tụ các nghệ sĩ nổi danh lúc bấy giờ như:nhạc sư Vĩnh Phan đàn tranh, Tô Kiều Ngân sáo trúc, Lữ Liên đàn cò, Ngô Nhật Thanh đàn bầu, Đoàn Minh đại hồ cầm (double bass).


Duy Khánh- Hoàng Oanh


Thái Thanh và Ban Thăng Long