Quỳnh Giao
Người viết tự dưng nhớ lại các ca khúc về Hai Bà Trưng vì đọc báo thấy có người mình qua tận tỉnh Quảng Tây bên kia biên giới để lên đồng hay múa hát gì đó trước miếu thờ Phục Ba Tướng Quân Mã Viện!
Trong kho tàng tân nhạc của chúng ta, thời kỳ phôi thai lại có nhiều tác phẩm viết về lịch sử nhất. Vì thời đó các tác giả đều ở lứa tuổi thanh niên nức lòng ái quốc, hay là vì khi đó nước ta đã chớm thấy hy vọng độc lập?
Riêng về Hai Bà Trưng, chúng ta có ba ca khúc tiêu biểu ca tụng công đức hai bà. Ðó là “Hồ Lãng Bạc” của Xuân Tùng, “Ngày Xưa” của Hoàng Phú và “ Trưng Nữ Vương” của Thẩm Oánh. Xin hãy lần lượt nhớ lại từng bài, trước tiên là “Hồ Lãng Bạc.”
Hình như nhạc sĩ Xuân Tùng chỉ sáng tác có mỗi bài này, hoặc nếu ông có các tác phẩm khác thì chúng không được phổ biến chăng?.. Nhưng chỉ riêng với “Hồ Lãng Bạc” ông đáng được biết đến vì lời từ và về nhạc thuật. Bài hát viết trên nhịp luân vũ ¾ âm giai Trưởng trong sáng, rất thích hợp với lời tả cảnh, dạt dào sóng nước:
Thuyền bơi dẻo lướt trên hồ đầy nước trong
Bọt tung theo sóng kêu dạt dào
Buồm căng nặng gió mang thuyền đi lướt nhanh
Én nhào trên nước lóng lánh
Bờ xa bát ngát ven trời mây sóng đưa
Thành cây xa tắp trong mây mờ
Hồ Tây đây chốn tranh hùng Trưng Nữ Vương
Khiến người như thấy bâng khuâng
Ðoạn đầu diễn tả cảnh sông nước và nỗi ngậm ngùi. Sau đó, đến chuyển đoạn thì nhạc và lời cùng thay đổi. Mỗi nhịp đều được nhấn mạnh (temps fort) và dứt khoát như lòng quật cường trong trận mạc:
Thề quyết chiến, liều xông lên, thét hùng oai nữ nhi
Gào gió thét, ầm sóng vỗ, thế cùng không chút sờn
Hồ vẫn đấy, người xưa đâu, sóng hùng ghi nữ anh
Buồm quyến gió, thuyền rẽ sóng, phía trời mây nước thanh
......
Bài ca trong sáng và cảm động này, ngày xưa, Quỳnh Giao hay song ca với người anh Bửu Minh (biệt hiệu là “Anh Minh”) khi mới lên bảy trong ban thiếu sinh nhi đồng. Hát với tên thật là Ðoan Trang - vì nít quá chưa có biệt hiệu hay nghệ danh gì!
Nhạc phẩm thứ hai viết về Hai Bà là “Ngày Xưa” của Hoàng Phú, là tên của nhạc sĩ Tô Vũ. Thời kỳ mới sáng tác các bài hát ngợi ca lịch sử, Hoàng Phú cùng anh là Hoàng Quý đã dùng nhạc khơi lên bầu nhiệt huyết trong sáng hồn hậu của thanh niên. Từ “Tiếng Chim Gọi Ðàn” đến “Nước Non Lam Sơn,” từ “Bóng Cờ Lau” đến “ Ngày Xưa,” là cả một tấm lòng tha thiết với quê hương và tổ quốc. Hãy nghe lại lời Hoàng Phú kể chuyện:
Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về tới nơi đâu?
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi
Ngày xưa kia nơi đây đã từng vanh hình bóng
Ðôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn ngàn sóng
Những khi nao chiều vắng trầm đưa êm tiếng ca
Thuyền ai lướt sóng trên dòng sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu?
Có hay chăng ai trên dòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gợi tâm tình...
Ca khúc chậm buồn trên âm giai thứ, nhịp Boston ¾. Lời và nhạc u uẩn, tha thiết bi ai. Cũng trong ban nhi đồng ngày xưa, Mai Hương khi mới trên 10 tuổi thường hát bài này. Chắc chị rất thích “Ngày Xưa” vì trong những đĩa nhạc chị phát hành ở hải ngoại, người viết có nghe chị trình bày lại bài hát này...
Và sau hết phải kể đến “Trưng Nữ Vương” của Thẩm Oánh.
Ông thuộc lớp nhạc sĩ tiền phong của tân nhạc Việt Nam, với tác phẩm rất phong phú về nhạc thuật và lời từ cổ điển. Ðiểm đặc biệt khi ông dùng âm giai ngũ cung, nét nhạc lại mang âm hưởng nhạc Trung Hoa. Những bài như “Ngàn Cánh Chim Về”, Nhớ Nhung”, “Xa Cách Muôn Trùng”, “Chim Gió Tha Phương”, “Tòa Miếu Cổ”... đều nghe như giai điệu Trung Hoa. Và tuy “Trưng Nữ Vương” là bài hùng ca có nhịp quân hành mà vẫn nghe ra âm điệu Á Ðông.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh viết tác phẩm ngợi ca hai vị nữ anh hùng trên âm giai Trưởng, với những chuỗi nốt móc có chấm và nốt móc hai để nhấn mạnh nhịp điệu hùng dũng của bài hát. Lời ca uy nghi và đầy mầu sắc:
Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang san cho lừng uy gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang...
Nợ nước phó tay người nhi nữ
Tình riêng cứu nguy cho toàn dân
Một lòng trung trinh son sắt bền
Hát giang sóng rền...
Trưng Nữ Vương, dầy đức cao ơn
Xin ứng linh ban phúc cho giang sơn hòa bình
Trưng Nữ Vương, nước non còn đó
Giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông...
Như hầu hết tác phẩm của Thẩm Oánh, bài “Trưng Nữ Vương” khá dài vì còn một chuyển đoạn rồi mới trở về điệp khúc. Bài này là hiệu đoàn ca của trường trung học Trưng Vương trước năm 1975. Bên trường Gia Long thì dùng bài “Cô Gái Việt” của Hùng Lân.
Thời nay, có lẽ nhiều người trong nước không còn biết gì về ba ca khúc này, huống hồ là người sống trên mạn ngược ở gần biên giới Quảng Tây.
Nhưng thật ra, họ không được học hay được kể lại về trận đánh của Hai Bà với Mã Viện tại hồ Lãng Bạc nên hiển nhiên là không hề rung động nếu có nghe thấy Hồ Lãng Bạc của Xuân Tùng. Trong hoàn cảnh đó, làm sao họ biết rằng sau khi Hai Bà tử trận, chư tướng bị bắt qua bên Tầu vẫn còn nhớ tới công ơn và lập miếu thờ tại tỉnh Hồ Nam! Nếu lên tận đó mà múa gươm đánh trống thì đẹp đến chừng nào!
Dĩ nhiên là với tình trạng ngày nay của đất nước thì đấy là việc cấm kỵ! Vì vậy, và cũng để nhớ tới hai vị anh hùng dân tộc, người viết bèn hỏi thêm các bậc trưởng thượng trong nhà để kết thúc bài tạp ghi với vài chi tiết mà hải ngoại này không thể quên:
Tại địa giới Hành Sơn của Hồ Nam có núi “Phân Mao” với nét lạ là cỏ mao rẽ hẳn ra hai hướng Nam-Bắc. Thời xưa, đây là địa giới cực Nam của Trung Nguyên. Chẳng biết đấy có là biên vực phía Bắc của nước Văn Lang không, nhưng bỗng dưng mình nhớ Bình Ngô Ðại Cáo và lời Nguyễn Trãi: “Sơn hà cương vực đã chia; Phong tục Bắc Nam cũng khác!”
Ta cũng biết là phía Nam Ðộng Ðình Hồ của khu vực này có đền thờ bà Trưng Trắc. Biết như vậy vì trên đường đi sứ vào thời Tây Sơn, Ngô Thời Nhiệm của nước Nam có qua đó, kể lại chuyện phân mao và làm bài thơ về núi Phân Mao với lời nhắc tới lưỡi gươm của Trưng Trắc. Ðó là bài “Phân Mao Lĩnh”...
Ai sẽ thắp nhang tại đền thờ Trưng Trắc bây giờ? Mà liệu ngôi đền ấy còn không khi mà mấy tấm bia tưởng niệm thuyền nhân tại Ðông Nam Á còn bị Hà Nội cho người đi phá!
--------------------------------

------------------------------------
Nhạc: Thẩm Oánh
Hợp ca nữ:
-----------------------------------
Tác giả: Xuân Tùng
Mộc Lan & Hợp Ca Nữ
-------------------------------------
Nhạc: Hoàng Phú
Tiếng hát: Mai Hương
---------------------------------------
Nhạc: Văn Giảng
Lời: Võ Phương Tùng
Tiếng hát: Hoàng Oanh