Năm 1977 …
Tôi gặp anh lần đầu, cũng chính là ngày đám hỏi của anh và chị tôi. Với cái tuổi mới 14, khái niệm đầu tiên của tôi về anh là … anh rể xấu trai quá. Ốm lòng khòng, cao lêu nghêu, chẳng có gì đặc biệt.
4 năm sau …
Tôi, 18 tuổi, anh chị “rước” tôi về CT – để “nuôi ăn học” … Tôi có dịp giao tiếp với anh nhiều hơn, cảm nhận tiếp theo, anh rể thật hiền, chẳng bao giờ “ý kiến” gì khiến tôi phải buồn và thật giỏi vì đã “kèm” tôi học “xuất sắc” môn Toán.
4 năm sau nữa …
Tôi, tốt nghiệp đại học, cũng là lúc quyết định rời anh chị và sẽ gắn cuộc đời mình vào một người đàn ông khác … thì anh rể đã “ban” cho một câu : “Coi như em đã tự chấm dứt tương lai của mình” … Tôi cười khì, không tin, những cũng không bác lại, sợ anh buồn, và cứ thế mà ra đi …
7 năm sau …
Tôi, ôm con quay về với anh chị … Anh rể lại nói một câu “Em cứ yên tâm ở lại đây, anh chị đủ sức lo cho 2 mẹ con em”. Nhìn ngôi nhà trong khu tập thể của giáo viên, chỉ có 9 mét vuông, độc nhất một cái giường, tôi nửa tin, nửa ngờ, nhưng không còn cách nào tốt hơn khi con thơ còn quá nhỏ … tôi gật đầu nghe theo. Anh chị đã nhường chiếc giường ọp ẹp độc nhất đó cho mẹ con tôi. Đêm đêm, anh ngủ trên bàn làm việc và chị tôi thì ngủ trên chiếc ghế bố nhà binh ngày xưa còn sót lại. Anh chị dốc hết số tiền giành dụm trong nhà, mua cho tôi một computer, và cáng đáng luôn cả việc chăm sóc con tôi, để tôi đi học trở lại với ngành nghề mới du nhập vào đất CT – gọi là tin học.
Khi tôi đã có văn bằng trong tay, nhà trường có hai vị trí cần thu nhận, tôi định xin làm nhân viên đánh máy văn phòng, anh rể đã đưa ra lời khuyên “em nên chọn việc hướng dẫn học sinh thực hành, vì như vậy, em mới có thể học hỏi thêm hơn nữa, nếu không sẽ mài mòn kiến thức”. Nếu làm theo lời anh, tôi sẽ vất vả hơn, nhưng không muốn phụ lòng anh, tôi nghe theo. Sau sáu năm dạy học sinh, tôi mới thấy lời anh quả vô cùng chí lý, nhờ sáu năm đó, kiến thức, kinh nghiệm của tôi đã nâng lên rất nhiều so với “vốn luyến” khi mới ra trường …
Anh – còn là người cha nuôi rất tốt của con gái tôi. Khi con tôi còn nhỏ, anh đi làm, dẫn cháu theo, để tôi “rảnh tay” học hành, khi con tôi lớn thêm một chút, anh đưa rước cháu đi học hằng ngày, dẫn cháu đi chơi, chỉ bảo, dạy dỗ cho cháu … Nhờ có anh, coi như con gái tôi đã được lớn lên trong không khí gia đình bình thường, không cảm thấy thiếu vắng người cha.
10 năm ròng rã, anh chị chăm sóc 2 mẹ con tôi, rồi đến lúc tôi đưa con về Sài Gòn. Một năm hai lần, anh cùng chị tôi lại “chạy về Sài Gòn” thăm hai mẹ con. Trong đó, luôn có một lần trước tết, anh chị về “dẫn” 2 mẹ con đi chơi. Từ nơi xa, anh chị vẫn đau đáu chăm lo cho cuộc sống của 2 mẹ con tôi như vẫn ở chung tự thưở nào
Đầu năm 2005,
Tin anh bịnh trầm kha như sét đánh ngang tai. Tiếp đến là những tháng ngày anh vật vã với căn bệnh quái ác, rồi anh mạnh dần lên. Tết năm 2006, anh lại cùng chị “dẫn” 2 mẹ con tôi “dung dăng dung dẽ” cả ngày trời khắp các chợ hoa … anh vui vẻ cùng chị “dẫn” mẹ con tôi về quê anh chơi, ngày ngày kể chuyện xứ biển quê anh cho mẹ con tôi nghe.
Mùa thu 2006,
Giữa đêm khuya, chuông điện thoại reo vang … báo tin anh đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi và con gái vội vả chạy bổ về Cam Ranh, kịp nhìn mặt anh lần cuối. Chúng tôi đã tiễn đưa anh đến lò thiêu trong một chiều lộng gió, và hình hài anh đã được đựng trong một chiếc bình hoa sen, với dòng chữ khắc tên anh. Từ đó, Cam Ranh, thực sự là quê nội của con gái, bao nhiêu lần, tôi và con về đó để làm tuần, để cúng cho anh.
Mùa thu 2008,
5 giờ sáng, khi bình minh đã ló dạng, mẹ con tôi, cùng chị tôi và các anh chị em trong gia đình anh … bước thấp, bước cao, kẻ trước, người sau, đi xuống cảng đá bạc. Đường đi, thật đẹp, với những bông hoa tigôn nở rộ ven đường, nhưng chúng tôi không còn tâm trí để ngắm nhìn hoa nữa. Một chiếc cano đang đợi chúng tôi, để đưa hài cốt của anh về với biển.


Khi chiếc cano nổ máy, thì mặt trời cũng bắt đầu chiếu những tia nắng sáng xuống mặt biển. Cano chạy một vòng quanh vịnh Cam Ranh. Chúng tôi, tất cả đều lặng im, ngắm nhìn cảnh biển, với những nỗi niềm bâng khuâng khó tả.


Và , khi chiếc cano vòng qua ngọn hải đăng cũ kỹ đã có từ thời Pháp, quanh trở lại, thì người em trai út của anh bắt đầu mở túi xách, lấy ra một bao lụa màu vàng mà 2 năm qua, đã ấp ủ hài cốt của anh … mở bao ra …


Tôi đau đáu nhìn, một khối tro khằn cứng, tròn như quả bóng, là anh rể của tôi … khối tro đó là anh rể … tôi nghe mi mắt cay nồng, cổ họng như nghẹn lại … Rồi, khối tro được em của anh bưng trên tay và cứ thế ngâm vào trong nước biển, trong khi cano vẫn chạy đều đều, khối tro từ từ tan ra ... tan ra ... cho đến khi … không còn một hạt tro nào nữa …


Dẫu rằng, anh đã ra đi từ 2 năm nay, và nếu anh nằm trong lòng đất, dẫu có trở thành cát bụi, thì người thân vẫn cảm thấy anh như "còn đó" mỗi khi viếng mộ, cũng có người chọn hỏa táng, nhưng bình tro vẫn còn kia ... Sinh thời, anh đã dặn hãy rãi anh về với biển, để thân xác anh hòa vào quê biển thân thương, và cũng để không còn phải bận lòng ai, khi anh đi vào cõi vĩnh hằng. Gia đình đành phải làm theo di ngôn ... Tận mắt nhìn tro bụi của anh, từ từ tan biến, tôi mới thấm thía biết chừng nào câu nói “trở về cát bụi”.
Tôi ngơ ngẩn nhìn xuống làn nước trong xanh ... anh thực sự không còn chút dấu tích nào nữa ư ?


Vâng, anh, đã thực sự không còn gì nữa, ngoài bức di ảnh được treo trong nhà từ đường và những hoài niệm tốt đẹp không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mẹ con tôi