
Anh thương nhớ,
Vậy là đôi ta đã xa nhau được tám tháng mười chín ngày kể từ khi anh dọn ra khỏi cái tổ ấm của chúng mình. Cho đến hôm nay em vẫn chưa muốn tin nhưng đó vẫn là sự thật: anh đã đi theo một người đàn bà khác, bỏ lại sau lưng ba đứa con ngoan mà anh hằng săn sóc, từng ôm ấp từ tấm bé. Dưới mắt em và các con, anh là người cha rất tốt, đã một tay lo cho cuộc sống gia đình, lại đích thân chăm sóc các con, từ tắm rửa, pha sữa đến cho con ăn đêm. Khi chúng đau ốm, anh bỏ qua mọi công việc để đưa đi bác sĩ, túc trực đêm ngày lo thuốc thang cho chúng. Những lúc ấy, anh không chỉ làm cha mà còn có sự ân cần của người mẹ hiền nữa. Tình cha con rất gần gũi gắn bó, em tưởng chừng như không thể vì bất cứ một lý do nào có thể phân cách được. Anh cũng thấy đó, mỗi khi anh về đến nhà thì các con bỏ hết những thú vui riêng của chúng để chạy ùa đến mà tìm vòng tay che chở của anh. Rồi những tiếng cười chan hòa hạnh phúc, rồi tiếng nói tíu tít trẻ thơ cứ như thể cha con anh lâu lắm mới được gặp lại nhau.
Sự từ bỏ gia đình sau 12 năm chung sống của anh đã gây ngạc nhiên cho gia đình và bạn bè của đôi ta. Cuộc sống hôn nhân của chúng ta đã được sư ưng thuận của hai bên cha mẹ. Anh đã chấp nhận xa mẹ hiền và anh chị em để cùng em chung sống nơi đây. Chúng ta đã có một thuở hàn vi tuy khó khăn nhưng đầm ấm. Rồi đứa con đầu tiên ra đời đã đem chúng ta lại gần nhau hơn nữa. Đôi ta đã mua được căn nhà nhỏ sau khi em sanh đứa con thứ nhì.
Sau một thời gian suy đi tính lại, anh đã quyết định bỏ công việc đang làm để lao mình vào thương trường với hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.
Để đi đến thành công, anh đã có cơ hội giao tiếp với nhiều hạng người. Họ có những trình độ và nếp sống khác nhau. Anh bắt đầu dời tổ ấm để đi đến những tiệm ăn sang trọng nơi có rươu nồng, có âm nhạc thánh thót, có những nét trang trí thanh nhã và nhân viên tiếp đãi lịch sự. Trong khi em yêu chuộng cuộc sống giản dị bên các con thì anh tìm đếùn với những buổi hòa nhạc đắt tiền. Em từ chối không đi với anh thì đã có một phụ nữ khác biết chiều theo những nhu cầu về giai cấp mới của anh. Em bỗng cảm thấy thấm thía khi nghĩ đến câu “Giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ” của cổ nhân. Nhưng mà anh ạ, em vẫn thường nghe cha mẹ nói, đại khái là: “Người vợ lấy lúc nghèo khó thì không thể bỏ, bạn bè thuở hàn vi không thể quên nhau.” (Tao khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao bất khả vong). Câu này nếu áp dụng cho vợ chồng mình thì thật quá đúng.
Bây giờ thì giấy tờ ly dị đã sẵn sàng nhưng cả hai chúng ta đều không muốn đặt bút ký tên vào đấy. Trên danh nghĩa, chúng ta vẫn là vợ chồng, nhưng trên thực tế, chúng ta đã đổi thành tình bạn từ cả năm nay.
Hằng ngày em vẫn cơm nước sẵn sàng cho anh có thể thoải mái ghé thăm các con, ăn uống, vui đùa và ngay cả ở lại với chúng nếu anh muốn. Những ngày đầu bé Giao khóc gào thảm thiết, cứ luôn miệng hỏi “Sao bố không ở nhà với con như đã hứa?” Rồi nó chưng hình anh ở đầu giường, lại giữ thật kỹ mấy món đồ chơi mà anh đã mua cho. Con bé sau đó trở nên trầm lặng, ít nói ít cười, hay ngồi một mình trong phòng, trông nó thật cô đơn đến tội nghiệp. Bây giờ bạn thân của nó là chiếc TV và cái điện thoại cầm tay. Em biết từ trong thâm tâm, bé Giao luôn mong đợi tiếng chuông reo của người bố mà nó rất mực yêu quí. Và vì ngồi nhiều, ít hoạt động nên nó đã lên ký trông thấy, khiến em đang lo con nó có thể bị bịnh mập phì , mất đi nét đẹp của một người con gái đang tuổi lớn.
Vì là con trai, Tuân không đến nỗi đau khổ như chị mình, song tỏ ra bất mãn mỗi khi thấy bạn mình có cha đến đón khi tan học. Bé Tuân rất mong muốn được anh đưa ra park, đi coi movie, đi bơi lội hoặc xem bóng rổ...
Bé Tina vì còn nhỏ nên chỉ khóc lóc trong thời gian đầu, và nay thì cố gắng giữ “độc quyền” em cho riêng nó bằng cách nhất định không cho anh đụng đến dù chỉ bàn tay em, như anh cũng đã thấy đó. Con bé này đang là một “đe dọa” cho sự trở về của anh đó.
Riêng đối với em, em không thể trong phút chốc quên được biết bao kỷ niệm vui buồn của đôi ta. Những hình ảnh của ngày cưới, của những chuyến du lịch xa, và của những dịp sinh nhật các con còn treo khắp nơi trong căn nhà mới mà chúng ta vừa tậu được sau nhiều năm chắt chiu dành dụm. Những tưởng cái tổ ấm này có thể giữ được bước chân thích bay nhảy của anh, nào ngờ căn nhà mộng ước của đôi ta lại cũng là nơi anh đã đành lòng dứt áo ra đi, bỏ lại cho các con và riêng em một nỗi trống vắng không gì có thể lấp đầy hay thay thế được!
Bây giờ em thích tìm hiểu về những yếu tố cần thiết cho sự xây dựng một gia đình dầm ấm, về những va chạm khó tránh đã đưa đến đổ vỡ và thật nhiều thiệt thòi về tinh thần cũng như tình cảm cho những đứa trẻ vốn vô tội. Chúng đã trở thành nạn nhân của những mối bất hòa của chính cha mẹ mình.
Không ai có thể phủ nhận rằng việc giáo dục tốt đẹp nhất cho các con phải là công việc đòi hỏi sự cộng tác của cả cha lẫn mẹ. Sự yêu thương gắn bó, và sự lo lắng chia sẻ sẽ giúp cho cha mẹ hoàn thành trách nhiệm với con cái một cách hoàn hảo. Vậy mà mấy lúc sau này chúng ta đã để lộ những bất hòa, những tranh cãi làm vẩn đục tâm hồn các con. Tại Anh quốc, người ta đã nghiên cứu thấy rằng sự tranh chấp của cha mẹ trong gia đình đưa đến kết quả việc học sút kém, cũng như ảnh hưởng đến những giá trị đời sống tổng quát của đứa trẻ.
Khi sống chung, chúng ta có thể nương tựa vào nhau, người nọ bận việc hay đau yếu còn có người kia cho các con khi cần. Đã có lúc em so sánh hai ta như cặp lực sĩ đô vật đánh đôi, khi người nọ mệt hoặc có đe dọa bị thua thì liền có người kia thay thế để giúp lấy lại thế thượng phong. Bây giờ bị du vào hoàn cảnh phải “chiến đấu”một mình, như một chiếc đũa lẻ loi và dễ gãy, em nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn khó khăn và cạm bẫy. Em không biết tự mình sẽ có thể xoay sở cách nào khi từ trước đến giờ anh đã lo toan hầu như tất cả mọi điều lớn nhỏ cho mẹ con em.
Anh ơi, nếu ở đời không có ai hoàn toàn thì xin anh hãy rộng lượng bỏ qua những thiếu sót khó tránh của em trong cuộc sống chung hằng ngày của chúng ta. Thật ra, nếu trong nhà chẳng bao giờ có những bất hòa thì ta làm sao hiểu được ý nghĩa của sự êm ấm. Chúng ta dù có đôi khi to tiếng với nhau song tình thương các con đã bao lần thắng lướt tất cả. Rồi sóng gió cũng dịu lại, rồi sau những “cơn mưa hạ” là những ngày nắng đẹp rực rỡ hơn.
Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta hãy tự hỏi mình đang muốn những gì cho tương lai các con, và có thể làm những gì cho chúng để mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm sau mình không bị ân hận? Em đã từng nghe có người tuyên bố khi cao hứng rằng có thể hy sinh tất cả cho con cái mình, thậm chí có thể chết vì con cũng cam lòng. Thật ra, con chúng ta đâu đã đủ hiểu biết để mà đòi hỏi! Chúng chỉ mới cần sự có mặt của cả bố lẫn mẹ để cùng nuôi dạy chúng, cho chúng một cuộc sống an lành, tự tin, bảo đảm và hạnh phúc. Và hơn hết, đôâi ta đều mong muốn được con cái thương yêu, chấp nhận, kính trọng và thán phục mình trong hiện tại và trong tương lai.
Nghĩ đến các con, nhớ lại kỷ niệm một thời êm đềm của đôi ta suốt từ lúc mới quen cho đến mấy lúc sau này, em vẫn hằng cầu nguyện ngày trở về của anh cho gia đình được sum vầy như cũ. Đối với em, gia đình hiện nay còn có phần quan trọng hơn những thế hệ đã qua, vì thật khó mà giữ được nền tảng gia đình trong thời buổi vệ tinh nhiều cám dỗ này. Cho nên, nếu chúng ta thắng được chính mình thì đó mới là một thắng cuộc lớn lao phải không anh?
Mong anh có những quyết định đẹp nhất cho tương lai hạnh phúc của chúng mình.
Em chúc anh nhiều sức khỏe, an vui, may mắn và thành công.
NNS