ĐI THĂM “MẠ VÂN GIA TRANG”Vũ Ngọc MaiKhi mới hay tin phu quân của Cô Ngô Vân, Thầy Nguyễn Đức Khang, bị bịnh phải vào nhà thương, sau đó Cô Vân phải quyết định hủy bỏ chuyến đi Washington 3 tuần với mục đích gặp lại bạn cũ và các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt miền Bắc. Biết Cô Vân buồn tiếc về chuyện này vì từ trước đến nay, bao giờ Cô cũng quí bằng hữu và thương các cựu học sinh của mình, nên chúng tôi rủ nhau “đại náo” Mạ Vân Gia Trang, trước là thăm Thầy Khang, sau nữa gây một không khí vui nhộn cho thầy trò Lê Văn Duyệt vốn rất thích họp hành, văn nghệ văn gừng và chuyện trò ăn uống bên nhau.
Sau vài tuần bàn ra tán vào, cuối cùng chúng tôi mới đi đến quyết định chọn ngày 13/3/11. Trước đó đã nghĩ đến ngày 20-3 nhưng Ngọc Đóa và một số em đã kẹt với Lễ Rước Kiệu và một màn văn nghệ nhân dịp Lễ Hai Bà Trưng rồi. Cho nên chỉ còn ngày 13, vì nếu nhóm chúng tôi dời thêm một vài tuần nữa thì e rằng không còn không khí ngày Tết nữa.
Trước ngày gặp mặt, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua email. Tôi thấy Cô Vân là sốt sắng và nôn nóng hơn cả. Cô bảo đông bao nhiêu cũng được, mang món gì tới cũng OK, nhưng ít nhất phải cho cô đãi phần tráng miệng. Rồi cô dặn dò nếu đậu xe ở xa thì sẽ ra đón vì sợ chúng tôi phải leo dốc, cứ làm như chúng tôi đã “già” lắm ấy thôi! Thật ra thì trong cả đám thầy cô mới có một vị đủ 8 bó, nhưng trông bề ngoài thì vẫn còn xuân sắc chán, và tôi bảo đảm nếu có dịp về VN thì Thầy vẫn được khối em tranh nhau mà gọi bằng anh.
Nhóm Thầy Cô chúng tôi gồm 8 người: Thầy Cô Đường-Ngọc, các Cô Dung Đài, Thục, Tố Nga, Thu Lê, Thanh Hải, Ngọc Mai, cộng thêm 3 vị tại Mạ Vân Gia Trang: Thầy Khang, Cô Vân và Cô Vĩnh, vị chi là 11 vị.
Về phía nữ sinh, người ta thấy các em Tâm Loan, Kim Loan, Thu Phạm, Minh Châu, Cần và anh Thiện, Hài, Vũ Đan, Ngọc Đóa, Tú Quyên, Thanh Vân và Kim Phượng, gồm 12 người.
Vì đông như thế nên chúng tôi phải chia làm 3 nhóm: gần nhà Cô Vân có Vũ Đan, Minh Châu và Thanh Vân thì tự túc, các cô Dung Đài, Thục, Tố Nga và Thanh Hải trên Orange County đi với vợ chồng Cần-Thiện và Hài cùng một số bạn nữa, Thầy Cô Đường-Ngọc và tôi thuộc Los Angeles thì quá giang Kim Phượng. Thức ăn cũng khá nhiều, thấy mà tội nghiệp cho những chiếc “xe đò LVD” quá tải.
Đúng 9:30 sáng, Kim Phượng ghé đón tôi, trên tay khệ nệ một bao gạo Jazzmen khiến tôi liên tưởng đến học trò miền quê đến tết thầy. Tôi đã đợi em từ 9 giờ, đã pha cà phê, để sẵn bánh điểm tâm và không quên mua khô bò cho vợ chồng em để nhâm nhi trong lúc xem phim vì nghe nói OX em rất mê movies. Tôi theo KP đến thăm Thầy Cô Đường-Ngọc mà từ khi kết nghĩa anh em, Thầy được tôi gọi là Anh Hai và Cô Ngọc trở thành em gái tôi. Kể từ “cái ngày ấy,” từ cách xưng hô đến tình cảm đã thay đổi: bỗng dưng mình vừa được làm em, lại vừa lên chức chị, sao mà sung sướng thế không biết nữa! Rồi cứ theo thứ tự tuổi tác mà Anh Hai nhận luôn hai GS Cố Vấn Vân và Thu, một người là Cô Ba, một người là Cô Năm, còn tôi đứng giữa làm Cô Tư. Tôi cứ suy nghĩ mông lung mà đường tới nhà Anh Hai như được rút ngắn. Khi cô trò chúng tôi đến nơi thì cặp Đường-Ngọc đã quần áo chỉnh tề. Tôi ra mắt Anh Hai bằng một hộp bánh và bịch trái cây khô khá lớn. Kim Phượng cũng khiêng vào nhà Anh Hai một bao gạo Jazzmen thơm ngon của vùng Louisana. Căn nhà Anh Hai hôm nay nồng ấm tình anh em, trong câu chuyện đã thấy mặn mà khác hẳn với lần ăn tân gia mấy tháng trước cũng tại nơi đây. Út Ngọc tặng tôi chiếc áo vừa khít em mới may mà màu hoa lại rất thanh nhã, thật hợp ý của người chị Tư này. Còn Kim Phượng thì cầm áo mà không cần thử vì đã biết tài khéo của Cô Ngọc rồi.


Sau khi chụp vội vài tấm hình gọi là để nhận bà con, chúng tôi vội vã ra xe thẳng tiến nhà Chị Ba Vân để thăm Thầy Khang như chương trình đã định. Con đường lên Chị Ba tôi đã đi nhiều lần kể từ khi định cư tại Cali, nhưng hôm nay tôi có cảm tưởng như vạn vật đang đổi mới: cây cỏ xanh tươi hơn, đất trời như đang giao hòa cùng với lòng người rộng mở, thanh thản và hạnh phúc.
Chủ Nhật này Cali đổi giờ, khi đồng hồ được vặn tới thì chúng tôi thiệt mất một tiếng nghỉ ngơi. Dù vậy, ba nhóm chúng tôi vẫn đến nhà Thầy Cô Khang-Vân và Cô Vĩnh khoảng trên dưới 11:30 sáng. Sau một vài câu trao đổi, các em mau mắn mang thức ăn vào xếp đầy bàn: Tâm Loan đã đến Cô Vân từ 10:30 sáng, mang theo một hộp nho tươi rất lớn và gửi biếu mỗi thầy cô giáo một hộp chocolate được gói thật đẹp. Tôi còn thấy có xôi đậu đen, bún riêu, miến xào cua của đầu bếp Cần Đặng, món thịt nướng thơm ngon của Thu Phạm, bánh ít trần và chả giò do Minh Châu trổ tài, bánh trôi nước của Phó Hội Trưởng Vũ Đan, còn Kim Phượng thì đã làm bánh cheese, bánh cà rốt, bánh cherries, đặt nem chua, mua bánh mì, nước aloe vera, và một thùng xoài. Riêng các món khác như giò lụa, chả chiên, bánh cuốn, sữa đậu nành, đậu hũ, nhãn tươi đầu mùa đã được các em Hài, Kim Loan, Ngọc Đóa, Tú Quyên và Thanh Vân cùng nấu… qua phone.


Về phần quà cáp, phu nhân của Thầy Đường, Cô Ngọc, đã đích thân cắt may và tặng cho các bạn đồng nghiệp của chồng mỗi Cô một chiếc áo mới với đủ loại hàng màu sắc tươi vui tùy theo tuổi tác. Trong phần tráng miệng, người ta thấy món bánh quế thanh mỏng và đầy hương vị của Cô Vĩnh, em gái Cô Vân. Cô Thu Lê dù bận dạy lớp Việt Ngữ sáng Chủ Nhật, cũng đã chu đáo thức khuya đêm hôm trước để nướng bánh bò cho cả nhà cùng thưởng thức. Các cô Thục, Tố Nga và Thanh Hải có chậu hoa lan tặng Thầy Cô Khang-Vân, Cô Dung Đài thì mang theo trái lê, Cô Tố Nga tặng thêm mấy trái mãng cầu xiêm của vườn nhà, và tôi cũng có chai dưa món nhờ bà chị làm và hai bịch bò khô do con trai tôi gửi biếu Ba Mạ nuôi của nó.
Quà của học sinh gửi tặng Thầy Cô cũng rất đáng kể: Tâm Loan với hộp chocolate, nước Sprite và apple cider, Kim Phượng với 2 khăn choàng, Cần-Thiện một Lịch VN và Giai Phẩm Xuân Y Tế. Hai em ở xa phải nhờ bạn mang dùm quà đến gồm Đặng Mỹ với một hệ thống âm thanh để gắn vào computer, và Túy Vân với một bó hoa hồng tươi sắc đỏ. Riêng 3 quyển sách được đặt trên bàn thì Cô Vân không biết khổ chủ là ai.


Mất thì giờ nhất có lẽ là phần chụp hình lưu niệm, vì hết chụp cả nhóm lại tới nhóm nhỏ và cá nhân. Tôi thấy phó nhòm Ngọc Đóa cứ theo năn nỉ “cho em xin một tấm một mình cô,” rồi bắt đầu khen, hết “em thấy Cô tươi quá,” lại tới “Cô mặc áo đẹp quá” hoặc “Cô đứng góc này cảnh tuyệt đẹp” khiến cô nào cũng cười tươi như hoa và lâm vào mê hồn trận của nàng Đoá lúc nào không biết. Cô bé thế mà thông minh và rất am hiểu tâm lý thích chụp hình của phụ nữ!





Vì thấm mệt đường xa mà bụng thì đói, nên thầy trò chúng tôi đã không tuyên bố lý do mà cũng chẳng chúc mừng Thầy Khang đã bình phục, Cô Vân thì trẻ mãi không già, đã vội vã nhập tiệc một cách hết sức thật tình. Một bàn dài thức ăn rất “chất lượng” đã dần vơi, nỗi lo “làm sao mà ăn hết được từng này thứ” không còn nữa. Tôi thấy cô Thanh Hải phán: “Bún riêu “hoành tráng” quá, cho tôi xin một tô nhỏ nữa” rồi Cô Thu, Cô Tố Nga và tôi cũng lần lượt gọi thêm khiến em Cần rất hài lòng với tài nấu nướng của mình, nhất là lại còn được Cô Thanh Hải và Cô Thu là hai đầu bếp có hạng hỏi thăm recipe. Món thịt nướng, bánh ít, chả giò, nem chua cũng được chiếu cố nhanh chóng.





Tôi bước rảo quanh một vòng từ ngoài sân vào đến trong nhà, chỗ nào cũng thấy những nét tươi vui, rạng rỡ của hạnh phúc sum vầy. Không vui mà sao Thầy Cô Đường-Ngọc và Cô Tố Nga đã tình nguyện đi Thousand Oaks xa xôi một lần nữa sau chỉ có 3 tuần? Không hạnh phúc sao được khi có duyên may gặp lại Cô Dung Đài từ Columbus đến sau bao năm xa cách. Cô đã được bạn và học sinh cũ ân cần tiếp đón, thăm hỏi, và mời ngồi vào những chỗ trang trọng nhất. Chị Dung Đài đã nắm lấy tay tôi mà thân tình nói: “Cho tôi gọi bằng Cô vì cô gọi tôi bằng chị.” Cô Thục nhanh nhảu cắt nghĩa: “Cô có nghĩa là em đấy Ngọc Mai ạ.” Đúng như thế, chúng ta không chỉ có tình đồng nghiệp, mà chúng ta còn thương yêu nhau như anh chị em trong nhà.
Các cựu nữ sinh thì nặng nghĩa đồng môn và tất cả chúng ta có tình thầy trò quí hiếm. Những thức ăn ê hề mang theo bao công trình mua sắm và nấu nướng. Rồi lái xe đường trường, rồi quà cáp linh tinh, rồi mời gọi tha thiết. Từng đĩa thức ăn đầy đặn được nữ sinh bưng đến cho Thầy Cô dùng trước khi nghĩ đến chính các em.
Thầy trò chúng tôi vẫn thế đó: lúc nào cũng gắn bó, gần gũi và thân thương. Dù các em đôi khi có chuyện không đồng ý với nhau, nhưng vẫn luôn luôn tuyên bố rằng: “Chúng em trước sau bao giờ cũng vẫn nhớ ơn và kính trọng Thầy Cô.” Chỉ một câu nói đó cũng đủ làm ấm lòng người thầy biết bao!



Phần Văn Nghệ được mở đầu bằng bài ca vui nhộn “Chín Mươi Năm Cuộc đời” do tôi viết lại theo bài “60 Năm Cuộc Đời” cho đúng với ngày vui hôm nay.
Sau đó là bài “Làng Tôi” của Văn Cao với tiếng đàn đệm rất đúng nhịp của Thầy Đường. Tiếp theo là bài thứ ba, “Trường Làng Tôi” của Phạm Trọng Cầu. Chúng tôi còn muốn hợp ca thêm một vài bài nữa nhưng thời gian không cho phép.





Lợi dụng mấy phút nghỉ ngơi sau khi ca hát, Vũ Đan kêu gọi đóng Niên Liễm Lê Văn Duyệt cho năm nay, và đã hỏa tốc thâu được $220.00, vị chi là 11 người tức non nửa số hội viên có mặt. Đúng là “vui xuân không quên nhiệm vụ!” Vũ Đan hể hả ra mặt vì ít nhất cũng đã đóng góp được chút công sức cho Hội.
Còn tôi thì cũng mượn dịp này để nhắc đến Đại Hội kỷ niệm 20 năm thành lập Hội vào Tháng 8 năm 2011 tại San Jose. Tôi kêu gọi hai cựu Hội trưởng Thu Phạm và Cần Đặng ráng thu xếp đến với đàn em. Còn Tâm Loan và Minh Châu cũng được năn nỉ làm bác tài cho thầy cô quá giang để đỡ phải đi xe đò. Ước mong sao cả nhóm chúng ta hôm nay đều có mặt, bên cạnh là những người thân và bạn bè cùng đến để chứng kiến một lần nữa sự lớn mạnh của ngôi trường mang tên Đức Tả Quân.
Tôi ra về mà lòng còn tiếc nuối một ngày vui đầy ý nghĩa. Những ngày chờ đợi sao quá dài mà những phút sum vầy chỉ như thoáng mây bay. Xin cho tạm biệt Mạ Vân Gia Trang yêu quí bằng lời nhắn chân thành của Chị Ba: “Anh Khang và mình rất cảm động cám ơn Ngọc Mai đã tổ chức buổi họp mặt rất thành công, rất cảm động và cám ơn các bạn và các em đã đem đến cho buổi họp mặt một không khí vui nhộn, ăn uống ê hề. Và vì ham ăn và ham hát quá nên quên cả cám ơn mọi người trước khi tan hàng.”
Gia chủ ơi, xin cứ tự nhiên mà quên vì cái sự “quên” này rất dễ thương, chỉ cần nhớ dùm cho một điều là tất cả chúng tôi đều rất gần gụi, thương quí gia trang và còn hẹn ngày tái ngộ để nuôi sống mãi mối tình gắn bó Lê Văn Duyệt.