Vũ Ngọc Mai

Tôi đã được các em miền Đông do Bích Dịnh đại diện mời đi dự Hội Hoa Anh Đào vào cuối tháng 1. Hội Hoa Đào được tổ chức vào tuấn lễ đầu tháng tư, và một cuộc hội ngộ cho tất cả Lê Văn Duyệt miền Đông sẽ diễn ra đêm Thứ Bảy 4/4 tại tư gia của LVD Bích Định, sau khi đi xem diễn hành và hoa đào cũng vào ngày đó.
Cô Thu và tôi đã mau mắn mua vé từ Los Angeles đi Washington DC từ ngày 2 tháng 2. Thế nhưng phó Ban Tổ Chức Tuyết Ngô muốn ghé New York trước cùng với vợ chồng Thu-Dũng nên đã uốn ba tấc lưỡi thuyết phục cô Thu và tôi đi thẳng qua New York thay vì ghé Washington DC trước, và giúp đổi vé cho chúng tôi. Do đó, chương trình đã có thay đổi vào phút chót.
Hai chúng tôi đã được hai LVD tại Nữu Ước Phương Huệ và Kim Tuyết đón tại phi trường tối Thứ Tư 1 tháng 4. Mặc dầu đang bị đau chân và đôi khi phải ngồi một chỗ, Kim Tuyết đã ở nhà Phương Huệ và Bích Định để chung vui với tất cả.
Căn phòng ngăn nắp dành cho chúng tôi tại nhà Phương Huệ đã có sẵn một chậu hoa tươi, bên cạnh là tấm thiệp có in 2 cánh hồng sắc thắm. Bên trong người ta thấy mấy hàng chữ lớn màu cam do gia chủ ghi: “Welcome to New York,” và phía dưới là câu “Kính chúc hai Cô Thu Lê và Ngọc Mai những ngày vui để nhớ khi đến thăm Nữu Ước.” Khi ra vào ngắm những đóa hoa tươi mát, tôi không khỏi liên tưởng đến tình thầy trò gắn bó Lê Văn Duyệt và sự chu đáo mà các em đã dành cho hai cô giáo cũ.
Bữa ăn tối hôm đó được ông xã Đằng của Phương Huệ và con gái út Bảo Quân của hai người dọn sẵn, gồm rau muống xào, chả giò, cá hấp...Tuyết Ngô từ Arizona hết gọi Big Boss Phương Huệ lại kêu trưởng ban tổ chức Bích Định để kiểm soát xem họ có làm tròn nhiệm vụ được giao phó không.
Suốt ngày Thứ Năm 2/4, chúng tôi được Phương Huệ lái xe chạy qua những phố phường và địa điểm chính của New York như khu Harlem, Time Square, Empire State, Little Italy, Rockefeller Center, World Trade Center, Battery Park, Central Park, St Patrick Church... Thư thoảng Huệ lại ghé vào lề cho tour guide Kim Tuyết hướng dẫn chúng tôi đi xem phó phường và hàng quán. Đôi khi chúng tôi đòi “lái” gấp thì Huệ phải tắp vội vào tiệm fast food Mc Donald’s.
China Town là địa điểm chúng tôi ghé lâu nhất, vừa cho bác tài được nghỉ ngơi, vừa là dịp chúng tôi tìm kiếm quà lưu niệm của New York. Nhiều kiểu áo T-shirt có những chữ “I Love (hình trái tim) NY” trông đẹp mắt quá nên cô Thu và tôi đều mua cho các cháu nội-ngoại của mình. Phương Huệ không quên tặng mỗi cô một chiếc áo để làm kỷ niệm. Còn Kim Tuyết thì đã tặng tôi chiếc khăn quàng màu sữa thanh nhã ngay sau gặp lại cô giáo cũ.

Khi chúng tôi về đến nhà thì đã nhá nhem tối. Cô Thu trổ tài nấu món canh riêu và mau mắn luộc rau. Kim Tuyết đã ướp sẵn đùi gà, cốt lét, chúng tôi chỉ cần bỏ lò mươi phút thì món ăn đã sẵn sàng. Tuyết cũng còn một nồi cháo gà lớn nữa đang chờ đợi được chiếu cố tại nhà của em. Còn Đằng đang nấu một nồi bò kho lớn cho cả nhóm dùng vào ngày hôm sau. Vợ chồng gia chủ phải ăn vội đểø còn đưa Kim Tuyết về nhà rồi mới trở lại phi trường đón Bích Định. Khi đến phi trường họ mới được biết chuyến bay đã bị trễ 3 giờ, và cả hai đã về nhà nghỉ ngơi rồi sẽ trở lại đón bạn sau đó. Thế cũng chưa hết, Huệ-Đằng còn lo đón một nhóm nữa lúc 6 giờ sáng và Kim Tuyết thì vì ở gần phi trường hơn nên được giao cho nhóm bạn đến lúc 5 giờ sáng Thứ Sáu. New York chỉ có 2 LVD nên đã phải vất vả rất nhiều trong việc đưa đón.
Bích Định đã cùng Phương Tần từ Washington DC bay qua New York vào nửa khuya Thứ Năm để cùng tất cả họp mặt tại nhà Phương Huệ và thăm thành phố ngày hôm sau. Vì muốn dành cho mọi người một ngạc nhiên thích thú, sự có mặt của Phương Tần đã được dấu kín vào phút chót. Được biết Phương Tần từ Dallas đã bay qua nhà Bích Định để cùng đi New York.
Vào sáng Thứ Sáu, sau khi dùng điểm tâm, chúng tôi đi thăm vùng phía tây của New York trong 2 chiếc xe. Xe thứ nhất được các em gọi là “xe con trai” hay “xe ngũ hổ” gồm có Đằng, Nam. và phó nhòm Dũng cùng hai hổ con: Khoai, con của cặp Nam-Tuyết Ngố và Bột, con của đôi uyên ương Dũng-Thu Béo; xe thứ nhì là “xe con gái” hay “xe Bát Tiên” gồm hai tiên “cô” Thu Lê-Ngọc Mai, và sáu tiên “sinh” Kim Tuyết, Phương Huệ, Thu (không) Béo, Tuyết Ngố (nhưng rất khôn) Phương Tần và Bích Định.
Trời hôm nay mưa gió sụt sùi, thầy trò chúng tôi di chuyển thật vất vả mỗi khi được Phương Huệ ghé vào lề cho dạo phố.
Chúng tôi đi qua cầu Washington, Đại học Columbia, Lincoln Center, nơi trình diễn những concerts lớn của thành phố, Columbia Circle với những chiếc xe kéo lôi cuốn du khách khi mùa hè đến. Ground Zero gợi nhớ cảnh tang thương hãi hùng, nơi chôn vùi mấy ngàn nạn nhân của khủng bố 9/11, chỉ mới bắt đầu được đặt móng. Thu B. và Tuyết N. bồn chồn không yên vì muốn chụp hình kỷ niệm với chồng con còn đang ngồi bên “xe con trai.” Sau cả tiếng đồng hồ tìm kiếm, khi 2 xe xích lại gần nhau thì cũng là lúc trời lại đổ mưa và thế là chúng tôi mất hết hứng thú đi dạo phố. Thêm vào đó, hai công tử nhỏ của Thu và Tuyết thì phần đói bụng, phần đã chán cảnh chạy vòng vòng, còn chúng tôi cũng ngại đi trong mưa gió, cho nên đã quyết định về nhà sớm hơn dự liệu.
Rất may vào buổi chiều khi cơn mưa vừa dứt thì chúng tôi lại được Đằng và Dũng xung phong đưa đi thăm thành phố một lần nữa. Nếu ban ngày người ta mới chỉ thấy san sát những ngôi nhà chọc trời, sự hối hả và vội vã của dân Nữu Ước thì khi đêm về chúng ta lại bị lôi cuốn bởi vô vàn ánh sáng của một thành phố rất tấp nập đầy sức sống.
Chúng tôi đã đến Broadway để xem đèn đêm và chụp hình. Trước mắt chúng tôi là những bảng quảng cáo phim ảnh rất lớn, những tiệm buôn và quán ăn đông đúc người ra kẻ vào. Hai chú nhỏ Bột và Khoai của phái đoàn dự Hội Hoa Đào bị lôi cuốn vào dòng người du khách, cũng đang bận quay phim và chụp ảnh. Rồi thầy trò chúng tôi leo lên những bậc thang cao và rộng, hết chụp hình riêng lại tíu tít chụp chung, khi thì bá vai nhau, lúc lại cùng đếm “một, hai, ba, chúng ta cùng đá” và tất cả đưa chân ra phía trước để chụp hình. Bây giờ xem lại những tấm hình ấy, tôi thấy mình quả đã rất vui, đã thật sự trẻ lại bên đám nữ sinh thân thương của mấy chục năm trước mà nay có người đã lên chức bà.

Trên đường về, chúng tôi đã đi qua chiếc cầu “Queen’s Boro Bridge” để xem cả thành phố nằm phía dưới với những ngọn đèn đêm rực sáng. Tất cả chúng tôi đã được một đêm vui và ai cũng hể hả vì chuyến đi New York tuy ngắn ngủi song ít nhất chúng tôi cũng đã được xem thành phố về đêm.


Đêm nay chúng tôi cố gắng đi ngủ sớm để sáng mai Thứ Bảy còn lên đường trực chỉ Washington DC. Chúng tôi sẽ xem parade, hoa anh đào và dự đêm hội ngộ miền Đông Lê Văn Duyệt. Các em đã thức dậy từ sớm để bới theo thức ăn cho cả ngày, gồm bánh mì thịt, xôi, bánh dày chả lụa...
Đúng 6:45 sáng, chúng tôi lên đường. Cũng như hai ngày trước, chúng tôi đua nhau đùa giỡn cho quên đường dài. Phương Tần vì cười nhiều quá nên hôm trước than đau bụng. Rất may sau khi nghỉ một đêm, Tần đã khá hơn nên chúng tôi lại tiếp tục vui cười thỏa thích, hết chỉ định người kể chuyện tình năm xưa lại nói chuyện khôi hài và chọc ghẹo nhau. Phải có mặt trong xe mới có thể tận hưởng niềm vui không biên giới và tuổi tác của thầy trò chúng tôi.
Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy bác tài Đằng lúc nào cũng tươi tắn và tích cực trong “nhiệm vụ”, thư thoảng lại được bà xã Huệ tiếp tế đồ ăn thức uống để chống lại cơn buồn ngủ của việc lái xe đường trường.
Hôm nay có lẽ mọi người đều đổ về Washington DC dự Hội Hoa Đào và xem Festival Parade nên rất kẹt xe. Trên đường đi, chúng tôi đã ghé lại điểm hẹn để cùng vầy đoàn với Tuyết Lan từ Pennsylvania lái tới. Và rồi Bích Định cùng Phương Tần đã qua xe của Tuyết Lan để về Maryland trước mà lo sắp xếp cho buổi hội ngộ tối nay.
Khi chúng tôi đến Washington DC thi hội diễn hành đã tan, đành đi loanh quanh rồi ghé lại bờ sông Potomac mà ngắm hoa anh đào. Cái vé mà Bích Dịnh đã mua cho hai cô để ngồi xem diễn hành cho được thoải mái nay chúng tôi còn giữ lại làm kỷ niệm. Có lẽ vì trời mưa cả ngày hôm trước nên hoa đã ngả sang màu trắng ngà, nhưng dù sao số người thưởng hoa vẫn rất đông, có thể ước tính lên đến trên dưới một triệu. Chúng tôi đã chụp được rất nhiều hình nhưng vẫn rủ nhau tiếp tục đi lùng hoa đào sắc thắm trong mấy ngày còn lại mà ngắm nhìn cho thỏa thích. Nơi đây còn có một tiệm nhỏ bán souvenirs cho du khách. Người ta phải chen chúc xếp hàng nối đuôi nhau mới mua được một vài vật kỷ niệm của thủ đô Washington DC.
Vì đưa hai cô và các bạn đi xem hoa mà mấy chàng rể LVD Đằng, Dũng và Nam bị kẹt phải ngồi trong xe trong suốt trên 12 tiếng đồng hồ. “Nghĩa cử” cao đẹp này chúng tôi xin ghi nhớ mãi mãi.



Cuối cùng thì chúng tôi đã về nhà Bích Định vào lúc 7:20 tối, trong khi hai bác Nhân, anh chị của GS quá cố Châu Thị Ngôn, Cô Hiếu Tâm và phu quân, và GS Lệ bạn cô Thu đã được mời đến từ 6 giờ chiều. Chúng tôi đã mệt mỏi cả ngày, áo quần lếch thếch, tóc tai xơ xác, mặt mày ngơ ngáo và ngại ngùng, chỉ sợ bị khách quen bắt gặp. Chúng tôi ra dấu cho học sinh, chỉ muốn đi cổng hậu để khách khứa không nhìn thấy, song cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác, tôi vừa bước vào cửa bếp thì được ngay cô Hiếu Tâm ôm chầm lấy mà tươi cười hỏi han, như thể mừng người bạn cũ đã mấy chục năm sau mới gặp lại. Nhưng hồn vía tôi đâu có ở đây, và tôi đã vội vàng tìm cách thoái thác để chạy vội vào phòng. Chao ôi cái vali đây rồi, mừng quá đi mất thôi! Tôi bới tìm và vứt đại quần áo khắp nơi, trên giường, dưới thảm. Thật cũng may vì là phòng dành riêng cho chúng tôi nên không bị phó nhòm Dũng ngó tới, nếu không thì cái cảnh bừa bãi này chắc hẳn đã được thu vào ống kính, cô Thu và tôi chỉ còn nước độn thổ. Cô Thu vì nhanh tay hơn tôi nên đã mau mắn bước ra phòng khách. Còn tôi cũng cố gắng trang điểm lại thật nhanh, đồng thời cầu cứu mấy em đang có mặt tìm dùm bàn ủi và kem bôi tóc, và Phương Huệ đã mau mắn giúp ủi áo dài cho cô giáo ”trong cơn binh lửa,” còn Tuyết Ngố thì sửa lại phía sau mái tóc của tôi. Và rồi khi tôi đã khoác được chiếc áo dài tím và chiếc khăn quàng có những cánh hoa cùng màu thì Tuyết Ngố tuyên bố: “Để em đưa “cô dâu” ra chào hai họ.” Thế là tôi bước ra mà có mấy em nữ sinh theo sau, miệng cười chúm chím ra cái điều đắc ý và thú vị lắm. Riêng Phương Huệ thì hơi ấm ức vì bị Tuyết Ngố dành dẫn mất cô giáo, sau khi chính Huệ đã có công đầu trong việc giúp cho tôi được sẵn sàng ra chung vui cùng mọi người.
Ngoài những LVD có mặt từ ngày Thứ Sáu, hôm nay chúng tôi còn được gặp Tí Mò của diễn đàn, nguyên trưởng khối xã hội Kiều và LVD Nhan.
Chủ nhà Bích Định đã duyên dáng giới thiệu các món ăn mà theo em, các bạn kẻ phải thức lúc nửa khuya, người lại dậy vào 1, 2 hoặc 3 giờ sáng, đúng là “công trình kể biết mấy mươi.” Tiếp theo Bích Định, tôi cũng có đôi lời chào mừng quan khách và bạn cũ, cùng hai cựu đồng nghiệp chấm điểm đồng hạng cho những món ăn rất đặc biệt của các em, khen ngợi và cám ơn tất cả về những tình cảm thân thương và sự lo lắng chu đáo mà các em đã dành cho hai cô trong Hội Hoa Đào này. Và tất cả quan khách và chúng tôi đã nhập tiệc trong bầu không khí thân mật và đầm ấm. Thức ăn nhiều quá, lại thêm 2 ổ bánh lớn nữa, thầy trò chúng tôi chắc chắn không lo đói cho dù có thức suốt đêm để hát hò chăng nữa.
Để mở đầu phần văn nghệ, Bích Định đã ca bài “Riêng Một Góc Trời” theo lời yêu cầu của cô Ngô Vân. Tiếp theo là giọng hát điêu luyện của cô Hiếu Tâm. Thu B. hát “Thu Quyến Rũ,” một bài ca mà theo Dũng, đã dìu cặp này đến bến bờ hạnh phúc. Tôi ca bài “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay,” và hợp ca với cô Thu bài “Chiều Tím.” Các chàng rể Lê Văn Duyệt Đằng, Dũng, Nam và Trụ đều có giọng ca thiên phú, còn các LVD Phương Huệ, Kim Tuyết, Kiều...cũng tỏ ra rất yêu âm nhạc, cùng hòa nhập vào bầu không khí văn nghệ như đang ru hồn người trở về với tháng ngày xưa cũ. Vào lúc 2 giờ sáng trở đi, trong khi tôi đã bị khan tiếng và sắp ngã bịnh vì trúng mưa thì cô Thu bị “nhạc nhập,” đã hát nhiều bài rất hay, và đã kết thúc chương trình qua bài nhạc được yêu cầu “Dư Âm.” Mà quả như thế, dư âm tiếng hát của thầy trò LVD vẫn còn đâu đây, mặc dù nay chúng ta đã xa cách nhau ngàn vạn dậm đường.
Mặc dầu đã thức quá khuya đêm hôm trước và dù Bích Định đã lo dọn dẹp mà chỉ ngủ có một đôi giờ, chúng tôi đều dậy sớm sáng Chủ Nhật để đi thăm anh Đỗ Hữu Tài, một cây viết rất đặc biệt đã đóng góp nhiều bài thơ hay cho trang thơ văn của chúng ta, mặc dầu anh chỉ có thể viết trên computer bằng cách dùng miệng để ngậm cây bút mà gõ vào chữ, thay vì dùng tay như những người khỏe mạnh khác. Thu B. đã mang theo quà tặng cho anh, chúng tôi đã cùng chụp hình lưu niệm. Tôi như thấy được tình thương xuất phát tự đáy lòng của mỗi người, một thứ tình nhân ái, đồng điệu và cảm thông.
Sau đó chúng tôi đi thăm mộ cô Ngôn do đích thân người anh ruột, “bác Nhân” theo cách gọi của Bích Định, xây cất và chăm nom. Lặn lội đường xa đến đây cúi lạy người đã khuất, tôi không khỏi nhớ đến một bậc đàn chị đồng nghiệp rất hiền lành và đạo đức thủa nào. Lời nói của Anh Nhân còn văng vẳng bên tai tôi “em tôi vẫn thường hay nhắc đến cô Ngọc Mai...” Trên dường về, Bích Định cũng đã kể lại buổi tiễn đưa cuối cùng mà một nhóm nữ sinh Lê Văn Duyệt đã dành cho cô giáo cũ thương qúy của mình.
Trước khi Dũng-Thu-Bột và Nam-Tuyết-Khoai lên máy bay trở về San Diego và Arizona, Đằng- Phương Huệ và Kim Tuyết trở về Nữu Ước, và Tuyết Lan một mình lái xe trở lại Pennsylvania, tất cả chúng tôi đã dùng bữa ăn trưa tạm biệt tại Hải Ký Mì Gia.

Căn nhà Bích Định đã trở nên vắng lặng vô cùng sau những ngày vui ngắn ngủi. Chỉ còn lại có Phương Tần, Bích Định, cô Thu và tôi trong căn nhà rộng lớn này. Chúng tôi quyết định đi thăm Đền Thờ Đức Mẹ Lourdes (National Shrine Grotto of Lourdes) tại Maryland vào sáng Thứ Hai. Cảnh vật ở nơi đây rất thanh bình và tĩnh mịch. Mỗi người đã cung kính và thành khẩn cầu nguyện. Được biết Đức Mẹ rất linh thiêng nên thường thì những điều khấn cầu đều được ứng nghiệm.
Khi chúng tôi trở về nhà lúc 12 giờ trưa thì GS Lệ đã có mặt để đón cô Thu và tôi đi dùng cơm trưa tại một tiêm ăn Ý. Sau đó chúng tôi đã đi dạo trong khu thương xá rộng rãi khang trang trước khi anh Lệ đưa chúng tôi về nhà chị Lan, bạn học thời con gái của cô Thu.
Trọn ngày Thứ Ba cô Thu và tôi dành cho bạn cũ của riêng mình. Cô Thu ở nhà cô Lan trong khi tôi đến nhà cô Oanh để gặp cả ba chị em Hiền, Oanh, Bích và mẹ nuôi con trai lớn của tôi, Bác Yến.
Ngày cuối của Hội Hoa Đào, chúng tôi dành cho chuyến đi Spirit cruise cùng với Kiều và Bích Định, do Định đích thân mua và đổi vé. Chuyến đi tàu trên sông Potomac và ăn trưa này cho chúng tôi một cái nhìn bao quát nữa về Washington DC, một tầm nhìn giã biệt cùng với tấm hình 4 thầy trò tôi được họ chụp khi vừa đặt chân lên tàu.

Nơi chốn cuối cùng chúng tôi đặt chân đến là “Botanic Garden.” Bao nhiêu nhánh hoa đẹp là bấy nhiêu tấm hình lưu niệm cho chúng tôi. Chúng tôi đã thật sự choáng ngợp về vẻ đẹp thiên nhiên muôn màu của vô số loại hoa từ thông thường đên hiếm quý. Chúng tôi còn được Kiều đãi ăn tối tại một tiệm ăn Đại Hàn với món bò nướng rất đặc sắc.


Mờ sương sáng Thứ Năm, chúng tôi được con của cô Lan và cũng là con nuôi của cô Thu chở ra phi trường để trở về Los Angeles.
Tám ngày phó hội đã cho chúng tôi tận hưởng những giây phút thật thoải mái bên nhóm học sinh cũ, rất hết lòng với cô giáo, rất chu đáo và ân cần, rất yêu thương và gần gụi. Thời gian tuy ngắn ngủi song phẩm chất của những ngày hội ngộ lại vô cùng cao dày và hiếm quý. Chúng tôi đã gieo trồng được bao nhiêu mầm hạt tốt để có thể gặt hái được những hoa trái đậm đà và ngọt ngào tình nghĩa thầy trò thâm sâu làm vậy? Chỉ biết rằng một tuần nơi miền Đông đã để lại trong chúng tôi thật nhiều kỷ niệm có giá trị tinh thần và tình cảm không bao giờ nhạt phai theo thời gian.
Và nếu trong tương lai được trở lại nơi này trong một thời điểm bình thường không đông đảo và vội vã, chắc chắn chúng tôi sẽ còn được biết thêm nhiều nơi chốn rất đáng xem của miền thủ đô nổi tiếng này.
New York, Washington DC, và Maryland ơi, xin hẹn gặp lại vào một mùa thu không xa...
Vũ Ngọc Mai