- Hồi ký Thầy Nguyễn Ngọc Đường-
(tiếp theo)

Hồi còn ở trong đoàn Văn nghệ, tôi nhớ rõ, không lúc nào tôi có được một đồng bạc dính túi, vì là kép phụ nên chỉ được... ăn thôi. Sau một đêm trình diễn mệt mỏi, buổi sáng,Thày trưởng đoàn tập hợp các tài tử cốt cán lại, phát cho mỗi người một chút tiền nho nhỏ, tượng trưng để ăn quà và riêng với các nữ tài tử thì để mua các thứ vớ vẩn như nhang đèn( mầu đỏ ) để làm son môi, bột talc (mầu trắng ) làm phấn, còn kẻ lông mày thì đã có than bếp khỏi tốn tiền, để trang điểm cho những đêm trình diễn trên sân khấu.
Tôi cũng hiểu các anh chị lớn có nhiều nhu cầu khác với đám con nít, hơn nữa, tụi tôi chỉ cần no cái bụng là vui dzồi. Tôi rất thông cảm với Thày và vui vẻ chấp nhận sự thiệt thòi vì tiền thu được đâu có bao nhiêu, phần để dành mua lương thực,phần phòng hờ cho những ngày mưa gió, những lúc đó, Thày trò đành chỉ ngồi ngáp vặt và húp cháo với nhau mà thôi.

Trong thời kháng chiến, vấn đề giải trí cho nhân dân rất thiếu thốn. Lập các đoàn Văn nghệ lưu động thì tốn tiền, dân lại nghèo, vả lại, lưu động thì làm sao sản xuất được! VM rất khôn ngoan và biết rõ điều đó nên khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, trường học...lập các ban Văn nghệ bỏ túi vừa đỡ tốn tiền, vẫn sản xuất được và dân ở gần lại có thể coi ké để quên bớt đi nỗi khổ vì chiến tranh...
Trường tôi không có ban Văn nghệ đúng nghĩa và đầy đủ vì thiếu...nhân tài. Về phía Nam, chỉ có vài mống là biết hát chút đỉnh, còn phía Nữ, cả trường chỉ có 5 cô, ngoại hình thì kha khá, nhưng giọng hát thì hơi quê quê...Tóm lại chỉ có...tôi là tương đối chỉnh hơn cả

vì...kẻ Chột làm vua xứ Mù mà ! Thế là, sau khi biểu diễn vài ngón đàn do Thày tôi truyền thụ và hát một số bài tủ như
Nhớ Chiến khu, Bên cầu biên giới, Đàn chim Việt...mà tôi đã âm thầm xuống giây đàn từ trước để tránh khỏi bị gân cổ,bêu xấu trước các...người đẹp, Bác sỹ Giám đốc bèn tặng ngay cho tôi danh hiệu Quản ca của nhà Trường. Thật là cảm động và làm sao quên được giây phút sung sướng khi được các nàng nhìn mình một cách trìu mến, đầy thán phục...như vậy.

Từ đó, tôi bắt đầu dạy hát cho cả trường, nào là
Bắc sơn, Đoàn Lữ Nhạc,Xuất quân ...và tuy cái món bắt nhịp của tôi lúc đó còn hơi loạng quạng nhưng vưỡn qua cầu êm thấm vì có ai biết là...sai đâu.
Thời gian học tập trong trường thật là thần tiên đối với tôi, đã không phải lo ăn, lại được đàn hát với các thiếu nữ xinh đẹp, tôi luôn luôn được chiều chuộng và được nhìn với ánh mắt sao mà tha thiết...dễ sợ . Không hiểu sao, ở tuổi 18, 19, nam, nữ chỉ cần nhìn thấy nhau là vui như Tết dzồi.. Và riêng tôi thì dễ tính, thấy ai cũng đẹp cả, mỗi người mỗi vẻ...và thân này ví xẻ thành...5 thì có lẽ..hơi tham chăng ?
Tuần lễ chỉ học có 5 ngày, Thứ Bảy, Chủ Nhật, kéo nhau ra quán hàng ở gốc cây đa đầu làng để ăn quà, vừa đùa rỡn vừa nhìn nhau cũng đủ hạnh phúc rồi..

Thỉnh thoảng, đang học cũng phải chạy máy bay, chui xuống những hầm hố đã đào sẵn, tuy hoảng sợ nhưng lại vui vui vì các cô lúc nào cũng không quên kéo tay Quản ca để trốn chung vào...một hầm. Có lẽ tôi có số đào hoa thật! Lúc đàn hát, dĩ nhiên là phải có tôi, nhưng lúc rủ nhau đi xơi quà, tôi cũng được chiếu cố tận tình và không lần nào bị vắng mặt cả. Về các món quà vặt thì đủ thứ ở trên đời:
bún riêu, nem rán, bún chả, xôi chè... thứ nào tôi cũng thích. Có một điều này mới thật kỳ lạ, không sao giải thích được là...chưa bao giờ tôi phải trả tiền, vì cứ mỗi lần ăn xong, đứng lên định...móc bóp thì các cô lại tranh nhau trả trước. Hình như các cô có một quy ước ngầm là...thay nhau trả tiền cho Quản ca thì phải. Phần tôi thì có cái tật không được ga lăng lắm là ăn thì nhanh nhưng móc bóp thì lại hơi bị...chậm.

Những hôm trời mưa, gió lạnh căm căm, nhất là lại rớt vào ngàyThứ Bảy hay Chủ Nhật thì buồn ơi là buồn.

Đã phải nhịn ăn quà, lại không được nhìn người đẹp, tôi đâm ra ngẩn ngơ, nhớ nhung vớ vẩn... trong lòng cảm thấy hơi thiếu thiếu một cái gì ...

mà không sao diễn tả được. Hay là... tôi đã mắc Yêu rồi chăng? và Yêu ai? Có vấn đề gì không?

Tôi suy nghĩ, và tự trấn an, việc gì mà phải hốt hoảng như thế, cứ từ từ và tôi lẩm cẩm thử liệt kê các thứ Mắc ở trên đời ra xem xét như:
mắc mưa, mắc gió, mắc dịch, mắc... thì tôi mới ra ngộ ra là chỉ có
mắc... Yêu là dễ thương nhất... Vậy thì cứ yên tâm, Yêu thoải mái và khỏi e ngại gì hết.. .

Một thi sỹ, quên mất tên, hình như đã dịch một bàt thơ từ tiếng Pháp ra,đại khái như sau :
Yêu là chết ở trong lòng một tí
Mấy khi Yêu mà đã được...Yêu. Theo ý tôi, Yêu mà chết thì uổng quá, dù chỉ là một tí...Tôi cũng là... thi sỹ, và là hội viên chính thức của Hội Thơ Con Cóc, xin mạn phép làm 2 câu khác có vẻ tích cực hơn:
Yêu là hoa nở trong lòng
Là thương là nhớ như vòng...Kim Cô.
(sự tích vòng này được giải thích trong chuyện Tây Du )Một hôm trời lại mưa vào đúng ngày Chủ Nhật, đang buồn hiu, bỗng nghe thấy tiếng eo éo ở bên nhà hàng xóm. Lắng nghe một lúc, tôi nhận ngay ra là giọng nói của cô D, một trong 5 kiều nữ của nhà trường. Trời ơi! Nhà nàng ngay sát nhà chàng và hổng có giậu mồng tơi nào ngăn cách cả mà sao tôi lại không biết nhỉ?

Lý do là thế này: ở nhà quê, nhiều nhà trong làng tuy sát vách mà ngõ vào nhà lại xa, bởi vậy mới có câu:
Gần nhà, Xa ngõ là vậy.Thì ra, hàng ngày khi đi học về, tôi và nàng tuy chưa có tình ý gì nhưng cũng không muốn các bạn nghi ngờ, dòm ngó nên sau khi chia tay, mỗi người đều đi theo hai hướng khác nhau thật xa nhưng khi về đến nhà thì ngẫu nhiên lại chỉ còn cách nhau có một cái...vách...
Vấn đề nan giải được đặt ra: gần thì có gần nhưng làm sao tâm sự được với nhau, chẳng lẽ lại hét lên cho cả làng biết, mà nói lớn như vậy thì còn gì là...thơ mộng nữa. May quá, một hôm tình cờ tôi khám phá ra là cái vách giữa 2 nhà có 1 cái cửa nhỏ, lúc nào cũng đóng chặt, nhưng không có khoá và vừa đủ rộng cho một người chui qua.
Thế là thế nào? Trong thời kháng chiến, các nhà trong làng đều được đục vách ra cho thông với nhau để trốn Tây và đánh du kích cho tiện lợi. Vì vậy, lúc đó và ngay cả bây giờ, tôi vẫn tin là con người có số mệnh và mọi sự đều do Thượng Đế an bài cả.
Từ nay, chúng tôi đã có thể gặp nhau một cách tự do và bí mật qua cái cửa nhỏ dễ thương đó, cũng nhờ vào sáng kiến của chiến tranh du kích. Sau vài lần trao đổi tâm tình, tôi được biết, nàng là con gái út của ông Trưởng ty Y tế tỉnh Bắc Giang, và đã là Y Tá thực thụ rồi, đi học chỉ để trau dồi thêm kiến thức và có cái mác Y Tá Liên Khu cho oai thôi. Nàng và tôi bằng tuổi nhau, kiến thức chuyên môn nàng hơn hẳn tôi, kinh nghiệm sống ở đời cũng già dặn hơn, và thú thực,vào thời gian đó tôi còn khờ khạo lắm. Mỗi lần gặp nhau, nàng đều chủ động, đưa ý kiến hoặc gợi ý, và tôi chỉ biết No hay Yes mà thôi. Câu chuyện của chúng tôi chỉ quanh quẩn về bài học, bài hát, ăn quà... một chút về tương lai như sau khi tốt nghiệp anh xin về tỉnh nào ... và tuyệt đối không có dính dáng gì đến yêu đương hay tình ái cả.
Thật lạ lùng, sao tình yêu lúc đó laị có thể trong sáng và thanh cao đến như vậy!
Mãi về sau này tôi mới ngộ ra là cái mục lãng mạn du dương mà nàng không đề cập tới là cố ý để dành cho tôi mà tôi lại quá khờ nên nín thinh, thật là khổ thân tôi, đầu óc lúc đó chắc mắc..gió, vì lúc nào cũng chỉ tơ tưởng đến bún chả, xôi chè...thì làm sao mà sáng suốt để vẽ... được hở Trời.
Có lần đang tâm sự thì bất ngờ bị bà chủ nhà về bắt quả tang, và bà đã mét với BS giám đốc trường. Thật may mắn, cả 2 chúng tôi đều được BS cưng chiều, vì nàng là con của BS Trưởng Ty Y Tế, đồng nghiệp với BS giám đốc, còn tôi cũng quan trọng lắm, không có Quản ca thì văn nghệ, văn gừng dẹp tiệm hay sao?
Thế là hoà cả làng, nhưng BS khuyên chúng tôi: Cô, Chú đã trưởng thành cả rồi, nếu muốn, tôi sẽ làm mai và đứng chủ hôn dùm ,về suy nghĩ thật kỹ và cho tôi biết sau.Thế nhưng, chuyện này rồi cũng từ từ... rơi vào quên lãng.

(còn tiếp)