Năm 1956 có một điều mà dân di cư nên nhớ. Đó là sự ra đời của cuốn sách viết về cuộc di cư vĩ đại năm 1954-1955 được Farrar, Straus and Giroux xuất bản tại Hoa Kỳ lần đầu tiên nhan đề Deliver Us From Evil (xin cứu chúng tôi khỏi sự dữ). Chỉ trong 11 năm nó đã được tái bản đến 20 lần. Bản mà chúng tôi đọc được ghi in lần thứ 21, năm 1967. Gần 30 năm qua nó đã được in lai mấy lần nữa thì chúng tôi không rõ. Nhưng theo Seth Jacobs, tác giả cuốn America’s Miracle Man in Vietnam, thì số lượng ấn bản đã lên đến nhiều triệu cuốn.
Tác giả là một trung úy bác sĩ hải quân tên là Thomas A. Dooley, sinh ngày 17-1-1928 và mất ngày 18-1-1961, vì bị ung thư khi mới vừa tròn 34 tuổi. Sau khi ông mất, viện thăm dò Gallup cho biết kết quả là ông đứng hàng thứ 3 trong số những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, chỉ sau Tổng Thống Dwight Eisenhower và Đức Giáo Hoàng. Được tin buồn, Tổng Thống Eisenhower đã gửi công điện cho thân mẫu người quá cố trong đó Tổng Thống tuyên bố: “Có ít người, nếu không muốn nói là không có ai, sánh ngang hàng với Dooley về sự biểu lộ lòng can đảm, sự hy sinh bản thân, niềm tin nơi Thượng Đế và sự sẵn sàng phục vụ người khác.” Quốc Hội đã tặng ông huy chương Danh Dự. Tổng Thống Kennedy vừa tuyên thệ nhậm chức tặng ông huân chương Tự Do.
Năm 1954, ông gia nhập toán đặc nhiệm lo công tác y tế cho đồng bào di cư, hay đúng ra chuẩn bị di cư, tại một trại ở Hải Phòng, đón tiếp đồng bào thoát được vùng CS để vào Nam theo hiệp định Genève. Trại này có cái tên là “Camp de la Pagode” (tạm gọi là Trại Chùa). Ông làm việc hết sức vất vả, tận tâm, không nề hà công tác nặng nhọc khó khăn đến đâu, để chữa trị cho dân tỵ nạn, mỗi ngày trung bình chữa cho 200 đến 300 người.
Ông từng theo học trường đại học nổi tiếng Sorbonne của Pháp, nên “bất cứ cái gì của Pháp tôi đều thích”. Những bệnh của đồng bào tỵ nạn mà ông phải chữa trị ở Hải Phòng, trước khi cho họ vào Nam, gồm đủ mọi tật bịnh trong số đó có những bệnh ông chưa từng được đọc trong sách hay nghe dạy tại các trường.
Việc làm của ông và cơ duyên với đồng bào di cư đã cho ông có dịp chứng kiến hay nghe kể lại nhiều chuyện vô cùng thương tâm của đồng bào miền Bắc trong vùng bị CS chiếm đóng, và những thủ đoạn gian xảo, tàn ác của Việt Minh Cộng Sản nhằm đàn áp đồng bào theo đạo Ki-tô, và/hay ngăn cản đồng bào ra đi vào Nam bất chấp quy định của hiệp định Genève.

Cuốn sách chỉ có 214 trang. Nhưng nó chứa đầy dẫy những tội ác của CS. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tóm dịch một vài đoạn. Riêng chương XV về các biện pháp dã man CS dùng “cải hóa” người dân, nhất là giáo dân, thì chúng tôi trích dịch hầu hết, để độc giả nhớ lại thời kỳ xa xưa, đã trên một nửa thế kỷ, hầu hiểu thêm những khó khăn vô bờ bến mà chính quyền Ngô Đình Diệm phải giải quyết ngay những ngày đầu.
Đọc hết cuốn sách này, chúng tôi không hề thấy tác giả nhắc đến hay thuật lại lời chứng của ai trong số hàng chục ngàn người mà ông được gặp và chữa trị nói về những truyền đơn của Hoa Kỳ, đặc biệt là của nhóm đặc nhiệm của đại tá Landsdale kêu gọi “đồng bào hãy rời bỏ miền Bắc, vì Chúa và Đức Mẹ đã vào Nam rồi!”, như một số người đã loan tải vì một lý do nào đấy.
Trái lại, tác giả đã nhắc nhiều lần đến những truyền đơn của CS tha thiết kêu gọi đồng bào đừng nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu mà di cư vào Nam, vì vào đến đó sẽ bị khổ cực, đàn ông phải đi làm phu đồn điền, phụ nữ bị bán cho tư bản làm thê thiếp, trẻ con bị Mỹ chặt tay, trẻ sơ sinh bị lính Mỹ giết “rán ăn điểm tâm” v.v... Đọc những đoạn trích dịch dưới đây bạn đọc sẽ thấy Tổng Thống Diệm và chính phủ của ông, cũng như những người Pháp, người Mỹ có cảm tình với nhân dân Việt Nam đang bị ách cai trị hà khắc của Việt Cộng không cần phải kêu gào, mời gọi hay hứa hẹn gì, mà người ra đi cũng nườm nượp đến nỗi các phương tiện chuyên chở cùng các biện pháp cứu trợ không thể nào đáp ứng kịp. Hãy cứ tưởng tượng gần một triệu người thuộc đủ thành phần xã hội, mà đại đa số là nghèo đói, bịnh tật tuốn vào miền Nam chỉ trong vòng 300 ngày đòi hỏi biết bao công sức để tiếp đón, vận chuyển và cung cấp thuốc men, nhà ở, phương tiện sinh sống v.v...
Nguyên do không phải sự đe dọa hay hứa hẹn hoặc tuyên truyền bằng mánh lới như nhiều người bịa đặt hay tưởng tượng ra mà chính là vì sự đàn áp dã man, sự tra tấn man rợ chưa từng thấy của VMCS đối với những người theo đạo đủ làm cho người dân nô nức ra đi để tránh tai nạn, và được tự do thờ Chúa.
Ngày nay, đã hơn nửa thế kỷ sau, giữa lúc Hà Nội đang cần chứng tỏ với thế giới là họ tôn trọng nhân quyền hòng được sớm vào WTO mà ta còn thấy công an đàn áp, tra tấn, đánh đập các đạo hữu Hòa Hảo, Tin Lành, điển hình là vụ bạo hành mục sư Chính tại Cao Nguyên. Còn vào thời điểm đó, Bắc Việt còn bị bưng bít hoàn toàn với thế giới bên ngoài, và liền sau chiến thắng Điện Biên, họ được toàn quyền làm chủ một nửa nước. Vì vậy những chuyện kể trong tác phẩm của Dooley rất đáng tin.
Ngay ở phần đầu sách tác giả đã cho biết về chuyến tầu đầu tiên đến Sài Gòn:
“Thuyền trưởng Cox chính thức báo cáo: Tầu chở 2061 người. Có hai người chết trên tầu và hai cuộc thủy táng. Bác sĩ Dooley chủ trì 4 ca đỡ đẻ trên tầu. Tất cả mẹ tròn con vuông. Một cháu bé đã mang tên chiếc tầu với mình suốt đời, do cha mẹ cháu nghĩ ra một cách đầy mơ mộng: TRỊNH VĂN AKA MONTAGUE 98 NGHIÊM.”
Về sinh hoạt của Trại Chùa, ông viết:
“Trại tỵ nạn đầu tiên của chúng tôi trở thành trung tâm thu hút nhiều khách quý: Đô đốc Sabin và thiếu tướng (hải quân) Walter Winn, người thay đô đốc Sabin trong chức vụ tư lệnh lực lượng đặc trách; tướng J. Lawton Collins, nguyên tham mưu trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, đại diện cá nhân Tổng Thống để giải quyết các khó khăn rắc rối tại Việt Nam; tướng O’Daniel, tục gọi “Mike, người sắt thép”, trưởng toán cố vấn và viện trợ quân sự ở Sài Gòn, và nhiều nhân viên chữa lửa khác thường tới thăm cái trại bùn lầy nước đọng này.
“Vị thống đốc người Việt của vùng đất nhỏ bé của chúng tôi là một nhà ái quốc tên là Nguyễn Luật. Ông đã thụ huấn ở Pháp, và đã chọn trở về quê hương VN. Trước cuộc chiến ông từng là chủ bút một tờ nhât báo ở Hà Nội. Trong chiến tranh ông đã chiến đấu với người Pháp với cương vị một sĩ quan. Gần như tuần nào ông cũng tới trại nói chuyện với dân và nâng cao tinh thần của họ.
“Thị trưởng thành phố Hải Phòng là Mai Văn Bột năng tới trại. Ông là con người giản dị và tốt lành, người Mỹ nào biết ông đều yêu mến.
“Những kẻ đến viếng trại mà không được yêu mến chính là những tên tay sai của Việt Minh CS. Ngày nào chúng cũng tới. Thấy chúng dân tỵ nạn liền chỉ tay nghi ngờ. Họ bảo chúng tôi: “Trong trại Chùa, lều số 5B có một kẻ nói rằng chúng tôi đến đây là một lầm lỗi to. Nó bảo chúng tôi phải quay về ngay lập tức để chiến đấu cho những nhà ái quốc chân chính, tức Việt Minh. Kẻ đó lạ lắm.”
“Cảnh sát cứ vài ngày lại bắt gặp những kẻ lạ đó ở trong trại.
“...
“Sau vài tuần sau ngày dựng lều, Trại Chùa đã bắt đầu sinh hoạt đều đặn và trở thành một cộng đồng riêng. Chúng tôi đã có danh xưng riêng; có một cơ quan quản trị riêng, chúng tôi có bệnh viện riêng, với những y tá quân y và cả những cô y tá răng đen nhai trầu nữa. Và chúng tôi cũng có những cửa hàng bán hàng xén. Khẩu phần ăn hàng ngày là 600 gram gạo, cân đo tỉ mỉ, vài con cá và khi có thể thì cũng có một món đặc biệt thêm vào.
“Tôi quên không nói đến nhà thờ... Mỗi buổi sáng sớm đều có lễ cho trên 10 ngàn người dự. Tôi chắc chắn Chúa nghe lời họ cầu nguyện. Họ không xin Chúa ban ơn gì. Họ không hỏi Chúa sẽ đưa con cái họ tới đâu. Nhưng họ cám ơn Chúa qua những lời kinh và tiếng hát mạnh mẽ. Cám ơn Chúa đã cho họ tự do.”
Đầu chương IX tác giả cho biết:
“Tại lều vải bệnh xá trong trại Chùa, hàng ngày tôi phải chữa từ 300 đến 400 bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp với nhu cầu tuyệt đối. Không chữa được thì để họ chết dần, hay trả họ về nguyên quán với Việt Minh sao?”
Về một ca bệnh đậu mùa. Dooley nói với ông đại úy bác sĩ “thủ trưởng”:
“Thưa bác sĩ, chúng ta phải cố làm gì cho những bệnh nhân này chứ? Luật là luật. Nhưng chúng ta không thể trả người đàn bà này và đứa trẻ lại cho cộng sản, chỉ vì lẽ đứa trẻ bị bệnh đậu mùa. Chúng ta phải trị khỏi bệnh cho đứa bé để gia đình nó được lên tầu.”
Chương X nói về uy lực của tuyên truyền CS như sau: “Cộng sản không ngừng nhồi nhét vào đầu người dân những chuyện về người Pháp và người Mỹ thường bắt cóc người dân Bắc Kỳ. Cộng Sản bịa ra những chuyện như thế hết giờ này qua giờ khác, hết tháng này qua tháng khác. Tất cả thanh niên nam nữ đều phải bắt buộc dự những lớp học tập cải tạo mỗi buổi sáng. Nơi đây những viên chính ủy nhắc đi nhắc lại những chuyện về sự độc ác dã man của người Mỹ.
“Đối với dân quê chất phác, chuyện nghe ra hợp lý, có thể tin. Người Mỹ được biết như là giống người bị ám ảnh bởi vệ sinh sạch sẽ quá đáng. Vì vậy có lẽ họ sẽ chặt tay những kẻ nào thổ mửa trên tầu của họ, v.v...”
“... Nhiều dân ty nạn không ngừng sợ sệt người Mỹ làm hại mình, nhất là khi vào khám bệnh hay chữa bệnh trong lều bệnh xá. Đến nỗi tác giả phải đưa ra trị hay khám bên ngoài lều cho mọi người trông thấy mà quan sát và thấy rằng ông không làm hại ai. Trái lại những mũi thuốc trụ sinh hay kháng sinh chích vào rất công hiệu và bệnh mau lành, như vậy mới làm cho dân hết sợ. Nhưng lại có những cái sợ khác như khi tầu há mồm đến đón, dân không dám lên, vì sợ bị nuốt mất. Đến nỗi phải có một linh mục leo lên trước rồi vác loa giải thích kêu gọi dân mới dám leo lên theo...”
Một mục trong chương trình văn nghệ của đài Hà Nội mang tên là “Đây là một người Mỹ” mà tác giả nghe được có đoạn như sau:
“Đầu nó là một cái lô-cốt. Râu nó là dây kẽm gai. Mắt nó là hai quả bom. Răng nó là những viên đạn đum-đum. Cánh tay nó là 2 khẩu súng và mũi nó thở ra lửa. Nó hút máu trẻ con như ma cà rồng. Trán nó là ổ súng đại bác và thân thể nó là sân bay. Ngón tay nó là những lưỡi lê, và bàn chân nó là 2 xe tăng. Nó nhe răng đe dọa, nhưng trong cái mồm xấu xí của nó nó chỉ có thể nhai sắt vụn, bởi vì nó bị lực lượng oai hùng của nhân dân ta chống đối mãnh liệt. Như thế đủ biết bọn Mỹ chỉ là tên khổng lồ bằng giấy”.
“Tuyên truyền của Việt Minh bắt đầu ảnh hưởng cả đến (ICC) ủy hội Quốc Tế Giám Sát Đình Chiến gồm người Ba Lan, Ấn Độ và Gia Nã Đại, do hiệp ước Genève quy định. Người của ủy hội hay tới trại của chúng tôi để điều tra về những điều CS cáo buộc rằng người Mỹ làm điều nọ, điều kia có hại cho dân tỵ nạn. Có lần họ điều tra về cáo buộc người Mỹ bỏ thuốc độc vào nước uống. Lần khác về chuyện bịa đặt là chúng tôi xịt vào người dân thứ bột thuốc làm họ không thể có con. Trong khi thực ra là chúng tôi có xịt vào họ thứ thuốc sát trùng DDT để làm cho những con chấy con rận không sinh sôi nảy nở được đó mà.
“Và đây là sự bịa đặt của Thông Tấn Xã Hà Nội phát thanh ngày 27-11-1954:
“Lực lượng Liên Hiệp Pháp và tay sai đế quốc Mỹ đã bằng mọi cách đi lùng bắt và bắt cóc xung quanh Hải Phòng, ép buộc dân phải di tản vào Nam. Lúc 9 giờ tối qua, chúng động viên cảnh sát đến bao vây phố Du Hang (?) và bắt đem đi 50 thanh niên. Chúng tuyên bố một cách vô liêm sỉ rằng những thanh niên này phải đăng ký vào lính, bằng không sẽ phải đưa vào làm lao công ở các đồn điền cao su miền Nam.
“Trong 5 ngày bọn tay sai đế quốc đã bắt giữ 117 tài xế xích lô và đưa vào Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, 551 người ở Hải Phòng đã bị bắt trong 21 cuộc ruồng bố trong một tháng.
“Tại tỉnh Kiến An cũng có 3 cuộc bố ráp trong cùng thời gian và 99 người đã bị bắt giữ, trong khi tại Quảng Yên nhiều người khác cũng là nạn nhân của những hành động tương tự...”
Và sau đây là kết quả của những luận điệu tuyên truyền của CS đối với dân tỵ nạn:
“Trong toán di dân đầu tiên tới trại có mấy trẻ con. Khi chúng đến bên Ed, anh này bèn xịt thuốc DDT vào chúng. Người mẹ liền dùng đòn gánh tấn công Ed túi bụi. Vì bà ta đã từng nghe nói người Mỹ độc ác, dã man. Tôi bật cười rũ rượi, đến không còn nhớ chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng tôi nghĩ lại, sau khi bị một hay hai đòn, Ed đã khóa tay được người đàn bà, và ông trưởng trại và thuộc hạ đã ngăn được trận ẩu đả. Rồi thì Ed quay lại xịt thuốc DDT vào các y tá của anh ta để chứng tỏ cho người đàn bà thấy rõ thứ bột trắng này không làm hại ai.
“Chính tôi cũng nhiều lần bị đánh, và không phải chỉ bị đánh nhẹ đâu.
“Một ngày kia một bà bồng đến cho tôi chữa một đứa bé sơ sinh mình mẩy đầy ung nhọt. Penicilline là thứ thuốc thần chống những ung nhọt và mụn ghẻ. Chuyện đó là thường. Tôi chích cho đứa hài nhi một mũi vào mông và bảo ngày mai mang cháu lại.
“Nhưng chỉ vài giờ sau tôi nghe có tiếng la hét chửi rủa và thấy người đàn bà giơ cao đứa con cho mọi người thấy. Rõ ràng đây là bằng chứng tôi là một con quái vật Mỹ. Đứa trẻ đã bị phản ứng của thuốc, coi thật dữ tợn tuy vô hại. Người đàn bà điên cuồng không chịu nghe bất cứ lời giải thích nào. Bà ta đưa con cho người đứng bên rồi giật lấy cái gậy to tướng và gọi cả tá “cảm tình viên” tới. Khi Baker, cuối cùng giải cứu được tôi thì tôi đã bị gẫy mấy cái xương sườn, mắt bầm tím và nhiều vết bầm ở những nơi khác trong thân thể.
“Hôm sau, toàn trại đứng xem tôi đơn thương độc mã, tay không vũ khí dẫn thân tới lều của người đàn bà. Như tôi đã tiên liệu, những vết tổ ong trên thân thể đứa bé đã biến mất, và những ung nhọt kinh tởm hôm trước đã lành. Người đàn bà òa khóc quì xuống ôm chân tôi để xin tha thứ. Bà ta ở lại trại liền mấy tuần để cùng với một số người khác phục dịch công tác y tế, lúc nào cũng nôn nóng muốn khoe đưa con sạch sẽ lành lặn của mình. Ảnh hưởng tốt đối với dân di cư là phần thưởng cho tôi bù lại những cái xương sườn bị gẫy...”
Câu chuyện của làng Cửa Lò (chương XI) Hải quân Pháp luôn luôn trong tình trạng báo động theo dõi các thuyền bè chở người tỵ nạn trong vùng tự do. Họ có tầu tuần tiễu và thủy phi cơ liên tục tìm kiếm những thuyền bè nào xem ra có vẻ muốn tìm nơi trú ẩn.
Trong những tháng đầu người tỵ nạn thường đi thuyền trôi theo các nhánh sông vào cảng Hải Phòng. Nhưng khi sự tuần tiễu kiểm soát của Việt Minh thắt chặt lại thì điều đó không thể thực hiện được nữa. Thế là những người can đảm hơn dùng những thuyền bè nhỏ bé không thích hợp cho những chuyên đi biển để liều giăng buồn nhắm tới Hải Phòng.
Thuyền trưởng Gerald Cauvin của hải quân Pháp đặc trách công tác đặc biệt này, và thông báo cho chúng tôi biết hoạt động của ông. Điều này giúp chúng tôi rất nhiều vì nó cho tôi biết trước những gì đang chờ chúng tôi.
Một buổi sáng sớm, Cauvin sai một người tới trại của chúng tôi để chở tôi ra bến tầu của hải quân Pháp. Ông bảo mới nhận một tin vô tuyến cho biết có 14 chiếc thuyền lớn ở ngoài khơi vịnh Hạ Long.
Ông đã phái một chiếc tầu Pháp, chiếc LSM, tới đón đoàn thuyền đó để đưa vào Hải Phòng. Tôi báo động cho trại biết phải sẵn sàng đón nhận khoảng 500 người rất ốm yếu (thực ra là trên 1100 người). Rồi đại tá Cauvin và tôi lên tầu LSM đi 4 giờ trên sông tới vịnh. Chiếc thủy phi cơ tìm ra đoàn người tỵ nạn đã trở về Hải Phòng.
Chúng tôi tới vịnh khoảng trưa. Hoàn toàn yên lặng.
Đoàn thuyền nối đuôi nhau, chiếc nọ sau chiếc kia, đã vào vịnh rồi. Nhiều chiếc tụm vào nhau, hay đầu chiếc này được cột chặt vào đuôi chiếc kia. Khi tới gần, chúng tôi dùng ống nhòm quan sát. Ánh nắng rực rỡ trên mặt nước xanh trong, phong cảnh như trong truyện thần tiên. Nhưng những gì chúng tôi thấy chẳng có gì đẹp như truyện.
Chen chúc như cá trong hộp, trên 14 chiếc thuyền, bè mỏng manh là hơn một ngàn dân tỵ nạn. Họ đã vượt 200 dặm biển Nam Hải dậy sóng một cách không thể nào tin được. Họ đã dùng những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé (nối đuôi nhau, có nhiều chiếc cột lại với nhau, đầu chiếc này gắn vào đuôi chiếc kia), bất chấp mọi hiểm nguy, và đã thực hiện điều hầu như bất khả thi. Mặc dầu lúc ấy trời nắng ấm, mà tất cả đều ướt sũng và lạnh cóng. Biển cả đã làm họ kiệt quệ vì say sóng. Họ đã thổ mửa tới mật xanh mật vàng. Ngay từ xa bạn cũng có thể thấy họ bị lạnh buốt đến xương tủy. Có những người đi đi lại lại để giúp đỡ nhau chống chọi với đau ốm. Nhưng nhìn vào toàn cảnh thì đó là một khối bất động, nằm la liệt trên sàn thuyền.
Dường như đoàn người đó đang chuyển động trong một cuốn phim quay chậm. Luôn luôn bị ướt sũng vì nước mặn suốt cả ngày, da họ bị khô và ánh nắng gắt đã làm nó nứt ra. Luôn luôn bị ngâm trong nước mặn, bàn chân và mắt cá chân của họ sưng húp lên. Chúng tôi có thể cảm thấy nổi khốn khổ của họ ngay cả trước khi đụng vào người họ.
Khi chiếc LSM của chúng tôi tới gần đủ để họ nhận ra lá cờ Pháp ở mũi tầu thì một điều ấm lòng xảy ra. Biết rằng chúng tôi là bạn chứ không phải là thù, họ bèn kéo một tấm vải ướt sũng mà họ đã giấu kỹ nhiều năm lên đỉnh cột buồm cao nhất. Đó lá cờ của giáo hội Công Giáo.
Khi chúng tôi tới sát bên họ, những bàn tay người Pháp giơ ra và thò xuống để giúp đưa họ lên tầu. Hầu hết họ đều lên tầu của chúng tôi. Chỉ một số người còn tương đối khỏe mạnh ở lại trên vài chiếc thuyền bé nhỏ của họ đã được cột sát vào hông tầu LSM để cùng vào Hải Phòng.
Chúng tôi cho họ dùng trà, nước và bánh ngọt Pháp. Tuy không đủ, nhưng cũng giúp phần nào. Chiếc LSM nhỏ bé với vài chục thủy thủ không mang theo nhiều đồ ăn. Phải chi tôi biết nghĩ trước là nên mang theo một trăm bì cơm thì hay biết mấy.
Cauvin và tôi thấy mấy người lớn tuổi có vẻ là những thủ lãnh trong đoàn người này. Tôi đưa họ vào phòng và hỏi: “Các ông từ đâu tới? Cuộc sống trong làng các ông ra sao? Tại sao các ông tới đây? Các ông là ai?”
Họ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của họ với giọng buồn rầu thận trọng, dè dặt, như thể họ đã kể chuyện đó cả ngàn lần rồi. Bằng một thứ tiếng Pháp khá chuẩn, nhưng giọng nói đều đều buồn chán, họ cho chúng tôi biết về cuộc đời họ. Hai chúng tôi chăm chú nghe trong 3 giờ đồng hồ.
Câu chuyện chẳng có gì đặc biệt mới. Chúng tôi đã từng nghe những người trốn thoát khác nói rồi. Nhưng ở đây có một sự cay đắng làm cho người nghe thương cảm khác thường. Cuộc vượt thoát của họ được hoạch định và thực hiện mà hoàn toàn không có một sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Duy nhất chỉ có hai lợi khí cổ điển: niềm tin và hy vọng.
Dù rằng giờ này đây (1956, MV) tôi ở cách xa hàng ngàn dặm, và đã xa cách hàng ngàn giờ, tôi vẫn còn nhớ một cách sống động từng lời nói của họ. Mấy ông già với bộ mặt nhăn nhó, phờ phạc ngồi đối diện hai chúng tôi, uống trà đậm, rồi lưỡng lự nói nhỏ nhẹ:
“Làng chúng tôi tên là làng Cửa Lò. Khoảng 300 cây số về phía nam, ở bờ biển. Những năm trước đây là một ngôi làng hạnh phúc. Đất bằng phẳng chia làm vô số mảnh ruộng lúa xanh tươi. Trong mùa mưa gió, những đám mây trôi nhanh trên bầu trời u ám. Đến mùa nắng ấm mặt trời sáng rực trên bầu trời xanh dương. Các ông có thể thấy dân làng chúng tôi làm việc suốt ngày ở ngoài đồng, tát nước vào ruộng, hay cầy bừa trên những bãi bùn lầy, theo sau những con trâu giẫm bước kêu ì ọp.
“Ai không làm ruộng thì đánh cá. Những chiếc thuyền đưa tới đây là của dân đánh cá đó. Những chiếc thuyền này khá vững chãi, có 2 cột buồm và những cánh buồm màu. Nhưng chúng được đóng thô sơ mà không nhắm chịu đựng được sóng gió của biển khơi.
“Kẻ thù bắt đầu cai trị chúng tôi từ 1951. Họ áp dụng luật lệ mới. Họ viết lịch sử mới. Và áp đặt một lối sống mới, lối sống cộng sản. Nhưng cộng sản lại nói đó là chủ nghĩa ái quốc Việt Minh. Bây giờ có hòa bình nhưng là thứ hòa bình buồn tẻ, không vững chắc. Ngay cả chúng tôi là những viên chức chế độ cũ, thường được coi như có hiểu biết củng thấy thật khó hiểu.
“Ngày nay bất cứ cái gì liên quan đến người Pháp trước kia đều bị hoen ố. Trước mắt những sử gia mới tất cả những gì người da trắng làm đều là xấu xa. Cả những điều tốt lành họ đã làm đều là xấu tất, vì đã được làm vì lòng ích kỷ bẩn thỉu.
“Quả thật người Pháp đã đưa vào Việt Nam khoa học về y tế, và mở những chiến dịch chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng VC bảo Pháp đã làm điều ấy để có được những phu khoẻ mạnh và những tên nô lệ tráng kiện.
“Lối sống mới của chúng tôi được coi như là ảo tưởng. Nhưng chẳng bao lâu sẽ thấy, người ta ngụ ý rằng thế hệ hiện nay luôn luôn phải bị hy sinh một cách không thương xót cho thế hệ sau được hạnh phúc.
“Cuộc Cải Cách Ruộng Đất mới đây chỉ tạo ra nạn đói. Mọi người trong chúng tôi chẳng có gì bỏ bụng. Cái chủ nghĩa duy vật của CS đã thành con yêu tinh mút hết màu mỡ đất đai của chúng tôi. Thoạt tiên chủ nghĩa yêu nước của Việt Minh đạt được dường như có vẻ phù hợp với công lý đích thực. Nhưng rồi sau đó trở thành một thứ bố láo thực thụ. Khoa xã hội học mới đã dẫn tới sự tố giác lẫn nhau trong gia đình, tự phê tự kiểm và sự nghi kỵ. Dân làng chúng tôi đã bị hy sinh một cách tàn nhẫn cho ý tưởng lợi ích kinh tế. Chưa từng bao giờ có sự độc ác có hệ thống và tổ chức như vậy.
“Tất cả chúng tôi cùng có một ý nghĩ – bỏ trốn – thế là chuẩn bị mấy tuần lễ. Ngày nào chúng tôi cũng giấu những nắm cơm nhỏ. Không nói cho ai biết về ý định trốn thoát. Làm gì cũng phải giấu giấu giếm giếm. Viên chủ tịch xã trước kia là người phe chúng tôi, nhưng nay ông ta là cán bộ Việt Minh, và đã trở nên độc ác vì niềm tin mới của ông ta. Ở đâu ông ta cũng có chân tay nằm sẵn, tại khu chợ, tại mỗi căn lều.
“Chúng tôi làm kế hoạch, nhưng không dám họp nhau. Theo luật lệ mới, không được hội họp trên 4 người. Chúng tôi chuyền khẩu cho nhau khi cúi lưng trên đồng ruộng, hay khi dân chài chúng tôi đổ cá lên bờ, hay khi đám phụ nữ đi chợ.
“Cuối cùng các kế hoạch và lời cầu nguyện đạt đến đỉnh cao. Đêm đó đã đến. Trời không trăng, tối như mực. Biển lặng. Từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, chúng tôi chuồn lén xuống thuyền từng người một, hay từng 2 người. Trong khi đó thì một anh chàng tên là Mai Văn Thinh, la hét và hát cao giọng làm náo động ở cuối làng. Sự ồn ào kéo chú ý của cảnh sát và cán bộ và binh lính VC. Họ kéo nhau đến xem chuyện gì xảy ra. Trong khi đó thì chúng tôi tiếp tục lên thuyền.
“Những chiếc thuyền này được đóng để chỉ chở được 25 người thôi. Đêm ấy mỗi chiếc chở gần 100. Lẳng lặng như đêm khuya thinh lặng, chúng tôi nhẹ nhàng chèo thuyền ra khơi của biển Đông.
“Vâng, chúng tôi đã thành công trong việc rời làng. Nhưng chúng tôi không hoàn toàn vui, vì cứ mải nghĩ đến anh chàng Mai. Chẳng bao lâu bọn họ sẽ biết anh ta đóng vai trò gì trong cuộc vượt thoát của chúng tôi. Lúc ấy số phận anh ta sẽ ra sao?
“Cha mẹ Mai đều bị giết trong chiến tranh, rồi năm 1953, người em độc nhất của anh ta tên Châm đã bị thiêu sống, vì là thủ lãnh phong trào thanh niên Công Giáo. Chiều ngày 16-1-1953 Châm bị trói vào một gốc cây, bị đánh dã man bằng gậy tre già. Rồi cái thân sũng máu của anh bị tưới xăng, châm lửa đốt cháy cho đến chết.
“Vừa dùng chèo, vừa dùng buồm, chúng tôi ra khơi thật nhanh hết sức mình có thể được, nóng lòng vượt hết 3 dặm giới hạn để vào hải phận quốc tế, là an toàn. Khoảng hửng sáng thì chúng tôi không còn thấy bờ nữa, và cảm thấy đã tương đối an toàn. Nghĩa là chúng tôi đã thoát được một mối nguy. Bây giờ phải chiến đấu với biển cả, một mối nguy khác.
“Chúng tôi muốn đi về hướng Bắc. Nhưng không có địa bàn, và cũng chẳng có bao nhiêu kiến thức về hải hành. Tuy nhiên chúng tôi cố để mặt trời ở bên phải và hướng về Hải Phòng. Chúng tôi được biết tại đây người Pháp và người Mỹ sẽ sẵn sàng vớt chúng tôi. Rồi họ sẽ đưa chúng tôi vào Sài Gòn.
“Chuyến đi của chúng tôi dài 5 ngày 5 đêm. Chúng tôi không có lửa vì củi trên thuyền quá ướt. Chúng tôi ăn cơm đẫm nước. Trà thì pha nước mặn và càng làm cho chúng tôi bệnh hơn. Chúng tôi có quá ít nước uống, đúng ra là chẳng có nước. Mỗi đợt sóng lớn lại làm sàn thuyền ngập tràn nước biển. Thật là cực khổ. Sáng sớm hôm nay chúng tôi tới được chốn lạ lùng này, và đoán mình đã vào được vịnh Hạ Long. Khi thấy chiếc thủy phi cơ của các ông, thì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn. Và bây giờ chúng tôi đã được tự do...”
Mấy người thủ lãnh dân làng kể chuyện này một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng. Vừa sợ hãi vừa thán phục, chúng tôi chăm chú nghe câu chuyện về sự dũng cảm và niềm hy vọng cao cả của họ.
Rồi bỗng tiếng hát vang từ bên ngoài sân tầu vọng vào. Chúng tôi bước ra để nghe những lời thánh ca diu dàng của đám đông tỵ nạn. Chúng tôi nghe tiếng được tiếng mất. Mấy thủ lãnh ngân nga theo bài hát rồi dịch ra tiếng Pháp cho chúng tôi.
Dân làng đang hát lời cảm tạ Thượng Đế đã cứu giúp họ trong cơn nguy nan trong cuộc đời của họ:
“Chúa ôi, chúng con kính yêu vẻ đẹp huy hoàng của nhà Chúa, và nơi mà sự vinh quang Chúa hằng ngự trị. Xin cho chúng con được sống những ngày bình an với Chúa.”
Ngày Lễ Các Thánh dài nhất của Phát Diệm (chương XII) Ủy hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (CIC) do Hiệp Định Genève thành lập thường có nhiều toán quan sát đặt tại Sài Gòn, Hà Nội, Vientiane (thủ đô Ai Lao) và PhnomPenh (thủ đô Cam Bốt) và một số thành phố lớn ở Đông Dương. Ngoài ra còn có nhiều toán lưu động đi đến những nơi có khiếu nại tranh chấp về việc thi hành hiệp định...
Theo nguyên tắc, ai cũng có quyền tìm gặp thành viên của Ủy Hội bất cứ lúc nào. Vậy ai có khiếu nại gì chống một bên trong hai bên, đều có thể trình bày trước mặt đại diện của UH (Ủy Hội Quốc Tế, CIC). Nhưng UH đã không giúp được gì mấy trong vấn đề quyền di cư của người tỵ nạn.
Thực ra UH cũng muốn giúp và ngay cả VM cũng không muốn bị UH báo cáo là vi phạm hiệp định.
Nhưng UH chỉ có thể tìm ra sự việc và báo cáo. Họ không có quyền lực gì để bắt buộc VM phải cho người tỵ nạn ra đi.
Nếu UH đến thăm một làng nào đó, họ có thể đặt một cái bàn hội nghị tại một công viên (hay đình làng) chẳng hạn và cho loan báo là ai muốn nói gì với UH thì cứ đến. Nhưng ngay ở bên ngoài công viên đó, VM có thể đặt những chướng ngại cấm người làng lai vãng công viên. Họ viện cớ bảo vệ an ninh cho các đại diện của UH. Vì vậy các đại diện của UH chỉ có thể nhận được khiếu nại và tin tức khác từ một số rất ít người trong một vùng đất rất nhỏ.
Và những ai dám khiếu nại luôn luôn sợ bị trả thù và thường bị trả thù thật. Đại diện UH có thể đặt một chiếc xe lớn bên cạnh bàn hội nghị, và sau khi nghe lời khiếu nại sẽ bỏ phiếu cho phép người dân ra đi và thông báo cho xã trưởng VM. Nhưng như vậy không đủ. Phải làm sao người ra đi leo được lên xe và được chở đi khỏi làng thì mới thành công. Nhưng UH không có phương tiện chuyên chở hữu hiệu đó.
Trong nội bộ UH, còn có những vấn đề thường gặp phải mỗi khi một cơ quan hỗn hợp nào có thành phần CS trong đó. Đại diện Ba Lan (CS) xem ra cương quyết gây trở ngại. Và chính tôi nhiều lần đã chứng kiến những hành động cản trở của họ.
Tôi đưa một người tỵ nạn đến UH. Người này đã bị VM đánh đập tàn tệ. Có một cuộc họp của hội đồng đại diện UH. Người tỵ nạn kể chuyện mình bị đánh. Sau nhiều giờ tranh luận, người này bị trả về trại. Xem ra lúc nào đại diện Ba Lan cũng đòi phải đưa bằng chứng là điều đã rõ không thể nào làm được. Vết thương là bằng chứng có bị đánh. Nhưng làm sao chứng minh được những vết thương đó là do VM gây nên?
(...)
Nhiều người trong số dân tỵ nạn cho tôi biết là có hàng ngàn người ở Phát Diệm và xung quanh đó muốn trốn vào Nam, mà không đi được. Chúng tôi bàn với Cauvin rồi chọn mấy người khỏe mạnh nhất và can đảm nhất, cả đàn ông lẫn đàn bà, gây cảm tình, tạo lòng tin rồi cho họ biết kế hoạch của chúng tôi và phần vụ của mỗi người trong đó. Họ rời Hải Phòng quay trở lại bên kia bức màn tre.
Những người đó loan tin rỉ tai cho người trong vùng biết rằng nếu họ muốn đi Nam thì hãy tập trung tại nhà thờ Phát Diệm vào dịp Lễ Các Thánh đầu tháng 11. “Ở đó sẽ có đại diện của UH đến gặp các bạn và nghe các bạn trình bày và sẽ cho các bạn đi tìm tự do.
Lúc ấy VM chưa đóng cửa nhà thờ Phát Diệm. Giáo dân có quyền công khai tới đó dự Lễ Các Thánh là lễ buộc theo Giáo Luật. Và họ tới rất đông, đứng chật nhà thờ và ra cả ngoài sân. Cùng lúc đó tại Hải Phòng và nhiều nơi khác có một chiến dịch rộng rãi nhằm thuyết phục UH quốc tế nên tới Phát Diệm để điều tra về những khiếu nại là có sự cấm đoán di cư. Đô Đốc Querville (Pháp), Đại Tướng O’Daniel (Mỹ) ở Sài Gòn, Đô Đốc Sabin từ soái hạm ngoài khơi, Thị Trưởng Mai Văn Bột của Hải Phòng, và nhiều người khác đều gửi thư và điện tín đến trưởng toán lưu động đặc biệt của UH.
Nhưng có cái gì đó không ổn. Tôi không rõ tại sao, họ chẳng bao giờ giải thích. Thành viên của toán lưu động đã không tới Phát Diệm ngày mồng một, ngày mồng hai, rồi ngày mồng ba cũng không.
Tin bí mật chuyền cho dân trong nhà thờ cứ ở lại đó chờ đợi kiên nhẫn. Đô Đốc sẵn sàng để toán lưu động UH xử dụng máy bay của ông, mặc dù họ đã có hai máy bay trực thăng. Thêm nhiều thư tín thúc dục họ nên đi Phát Diệm. Nhưng họ vẫn trì hoãn.
Tại Phát Diệm thì Việt Minh đâm nghi: Tại sao lễ các thánh một ngày lại kéo dài thành 3 ngày? Họ ra lệnh mọi người phải về nhà. Nhưng dân không về. VM đặt lính gác xung quanh sân nhà thờ, cấm chỉ không ai được bán hay cho thực phẩm cho những người ở bên trong. “Hãy để chúng cứ đọc kinh, nhưng không cho ăn, hay uống”. Đó là lệnh.
Để đói là vũ khí chiến tranh đã có từ thời đoàn lê-dương Carthage, và chắc hẳn từ xa xăm trước nữa. Nó đã được VM đem dùng một cách tàn nhẫn vào năm 1954.
Tuy nhiên dân vẫn không về. Chỉ có mấy người yếu quá về. Tất cả những người khác vẫn kiên nhẫn chờ phái đoàn của UH, vì họ tin những lời đã nói cho họ biết như thế. Sự chạy đua kiên nhẫn không bền. Nhiều người yếu chịu đựng đã mang nhiều thứ bệnh khác nhau. Nhưng dầu sao lòng tin của họ vào giấc mơ Tự Do cũng mạnh đủ để cho họ lương thực (thiêng liêng) mà họ cần trong thời gian căng thẳng này.
Những ngày cứ kéo dài ra. Bốn thành năm, năm thành sáu, rồi thành bảy. Trẻ con đói la khóc. Vì mẹ chúng đã cạn sữa. Vì không có vệ sinh, nên nhiều người sinh bệnh. Nhưng họ vẫn chờ đợi và cầu nguyện.
Cuối cùng, vào khoảng ngày 10 tháng 11 những đại diện của UH đã tới Phát Diệm. Thành viên trong đoàn về sau nói với tôi rằng họ không chịu nổi mùi hôi thối đến phải nôn mửa, khi họ hãy còn cách xa khu nhà thờ cả trăm mét. Những thành viên người Canada nói ngay cả những người Ba Lan trong đoàn cũng ngạc nhiên về sự dơ dáy bẩn thỉu mà dân tỵ nạn phải chịu đựng.
Nhân viên UH đã lập tức ra lệnh cho dân được ăn uống và đi lại tự do trong khuôn viên nhà thờ. Họ mạnh mẽ phản đối nhà cầm quyền Việt Minh, và ra tuyên bố ở Hà Nội chống chính phủ Hồ Chí Minh đã áp bức dân Phát Diệm.
(xem tiếp phần 2 )