Tháng 4 đen lại về, chúng ta đều là nhân chứng sống của cuộc đổi đời bi thảm, bị xâm lăng, cướp của, tàn sát dân Việt bởi bọn giặc cộng.
Mời cả nhà cùng ôn lại những kỷ niệm cùng anh Đắc Ứng mà chúng ta ít nhiều cũng trải qua.
(Bài trích từ đặc san Kỹ Sư Công Nghệ.)
Cám ơn anh Đắc Ứng.
PD
--------------------------------------

dacung
Những ngày cuối tháng Tư 1975, tâm trí ngổn ngang, không biết nên đi hay nên ở!
Mấy ngày thứ Ba vẫn đến trường nhưng không vào lớp vì cả thầy lẫn trò đều cùng tâm trạng hoang mang; những ngày khác trong tuần vẫn lên nhà máy giấy CogiMeko đi làm job thứ 2. Từ nhà máy nhìn ra xa lộ Biên Hòa thấy giòng người di tản hướng về Sài Gòn càng thêm rối trí, chứng tỏ dân thường cũng “ích kỷ” sợ Việt Cộng vô cùng chứ không chỉ có một mình tôi, như có lần ở quân trường Quang Trung trong giờ ra chơi, bàn về hòa bình thống nhất đang đến với một anh Trung Úy Huấn Luyện Viên, tôi nói “hòa bình kiểu nầy chắc là sẽ chết chóc, đổ máu nhiều!” Anh Trung Úy người Huế trả lời “Phải thống nhất thôi, sợ như vậy là ích kỷ!”
Hòa Bình!Rôi hòa bình đã đến, mặc dầu đến không như ý của mình, không như ý của đa số người dân miền Nam. Mọi người lo sợ bị trả thù. Những chuyên viên khoa học kỹ thuật và nhất là nhân viên giảng huấn như chúng tôi ngây thơ tự trấn an “mình chỉ đi dạy, chắc không có tội!” Đâu ngờ sau này “nhờ ơn cách mạng“ chúng tôi mới biết là mình đã tiếp tay Mỹ-”Ngụy” đầu độc thanh niên nam nữ xây dựng một miền Nam “phồn vinh giả tạo”, điên cuồng chống phá “cách mạng”. Ngay cả y tá cũng mắc tội vì đã đỡ đẻ cho “Ngụy” quân và “Ngụy” quyền! (1)
Khoảng 1 tháng sau thì quân nhân công chức miền Nam được lịnh chuẩn bị đi “học tập cải tạo”.
Đợt đầu là từ Hạ Sĩ Quan trở xuống học tập tại làng xóm 3 buổi tối. Ban ngày được tự do làm ăn. Sau đó đến đợt thứ 2, từ Thiếu Tá trở lên được gọi “chuẩn bị lương thực 1 tháng” để đi “học tập”. Một tuần sau, trong khi Tá và Tướng còn “học tập” thì đến phiên cấp Úy được gọi “chuẩn bị lương thực 10 ngày” để đi học.
Thật là cực kỳ logic. Thời gian “học tập” rất tương xứng với cấp bậc. Lịch trình cũng được sắp xếp có chủ ý: Binh Sĩ và Hạ Sĩ Quan học tập tại chỗ còn cấp Tá đi 1 tháng chưa về thì làm sao cấp Úy có thể nghi ngờ thiện chí của “cách mệnh” để phải trốn “học tập”. Nhờ cái logic “tự nhiên” đó mà cách mệnh đã không tốn một viên đạn mà vẫn lùa được hằng trăm ngàn cựu chiến binh miền Nam vào rọ một cách dễ dàng.
Lúc các vị Tướng, Tá đang tập trung 3 ngày tại Trung Tâm KT Phú Thọ, chúng tôi dọ hỏi chú Ba Mân “mấy ổng làm gì trong thời gian đó?” Chú trả lời “Không thấy làm gì hết. Ngày 3 bữa có nhà hàng Đồng Khánh (một nhà hàng Tàu nổi tiếng trước 1975) đến phục vụ. Sáng ăn bánh mì hột gà ốp la, trưa ăn cơm chiên, chiều đến còn có beef steak, cà phê cũng không thiếu!”
Đến phiên cấp Úy được gọi trình diện, riêng sĩ quan biệt phái phải trình diện tại trường Nguyễn Bá Tòng. Vì phải hỏi Ban Quân Quản trường KSCN cho rõ là chúng tôi sẽ học tập tại trường hay phải “đi” học tập cho nên tôi đến trễ và không được nhận. Đành phải trở về nhà, vừa ăn trưa vừa lo nghĩ “đất nước hòa bình rồi. Thôi kệ, đi 10 ngày rồi về làm ăn như mọi người!” Thế là đến trường Petrus Ký xin vô, được mấy anh bộ đội mở cửa, mừng quá ... vô ngay! Không ngờ bữa ăn trưa đó là bữa cuối với vợ đang mang thai sắp sanh. Không phải là bữa ăn để từ giã và hẹn tái ngộ vào10 ngày sau mà là gần 3 năm sau đó; nhưng vẫn còn may hơn nhiều người tù cải tạo khác, phải đến 10 năm sau, thậm chí có người không bao giờ trở về nhà. Không biết anh chàng Trung Úy Huấn Luyện Viên người Huế hôm đó có được bữa cơm trưa với gia đình như tôi hay đã vội đi trình diện cho đúng giờ, hay là chàng đã được thăng cấp “Thượng Úy”? (2)
Trong 2, 3 ngày ở trường Petrus Ký, chúng tôi được một nhà hàng Tàu đến lo cơm nước ngày 3 bữa. Không được Đồng Khánh thì cũng đúng vì mình chỉ là cấp ... Úy thôi mà!
Một ngày sau đó, vào nửa đêm, chúng tôi được đưa lên xe Motolova, che bít bùng và đưa đi “học tập”. Bị nhét như cá hộp làm ngộp thở, có người bị xỉu. Đoàn xe chạy gần như liên tục. Xe ngừng 2, 3 lần nhưng không ai được ra khỏi xe cho nên có người đái cả trên xe. Đến sáng thì đổ vào một căn cứ quân đội cũ, mọi người tự tìm lấy chỗ ngồi trong hangar mái tôn trốn nắng. Có anh nhận ra được đó là căn cứ Công Binh ở Trảng Lớn, Tây Ninh,
Học Tập Cải TạoChờ đến khoảng 1 giờ trưa, không thấy nói gì đến cơm nước, anh em cứ ngóng về cổng đợi nhà hàng đem thức ăn đến. Quá trưa vẫn không thấy xe nhà hàng đâu cả thì được lịnh cử người đi lãnh thực phẩm. Khi toán người trở về với gạo, muối, và mấy cái chảo gang khổng lồ thì mọi người ngạc nhiên “ủa, không có nhà hàng lo cho ăn nữa sao?”
Trong khi chờ “đại diện” nấu ăn, mọi người bắt đầu làm quen nhau và ... tán dóc.
- “Ủa, sao anh mang theo có một cái bao nhỏ xíu vậy?”
- “Mang chi nhiều. Chỉ cần 2 cái xà lỏn và cái bàn chải đánh răng, Tuần nầy mặc 1 cái, tuần sau dzục đi, thay cái mới là ... về rồi!”
Có máu hướng đạo “sắp sẵn” cho nên tôi đã mang theo 1 cái áo lạnh, 2 bộ đồ, và 3 cái xà lỏn. Ít nhất cũng có một bộ tươm tất để thay trong ngày ... về!
Sáng hôm sau, cuộc đời bắt đầu ... rắc rối khi cần phải giải quyết cái khoái thứ tư. Vì không có nhà cầu cho nên tìm một khúc cây, ra càng xa chỗ ở càng tôt, bươi một cái lỗ vừa đủ, sau khi xong thì lấp đất lại. Không ai đào sâu hơn cho 1 lần đi hết cũng vì “Mẹ, có 10 ngày ...” Vài ngày sau thì đào cái lỗ sâu hơn. Sau 10 ngày thì bắt đầu đào cái hố sâu cả thước và bắc 2 thanh gỗ ngang, thế là từ đó có nhà cầu công cộng.
Hai tuần trước, tôi buồn vì không được vô trường NBTòng nơi dành cho sĩ quan biệt phái, nhưng sau đó mới biết mình hên, vì bên trại Biệt Phái (cạnh trại tôi) bị “đì” tối đa, dù có tiền cũng không được gởi mua nhu yếu phẩm. Tình cờ tôi biết có một anh CN2 ở bên đó cho nên tôi làm muối xả bỏ vô hũ chao kèm theo 1 trái chanh và nhảy rào mang qua cho anh. Anh mừng lắm!
Chờ mãi chả thấy học hành gì hết, thiên hạ bắt đầu thắc mắc “còn có mấy ngày làm sao học hết bài của 10 ngày? Rốt cuộc là có lịnh chuẩn bị học tập, ngày mai lên lớp. Bò ra đất vẽ biểu ngữ, có anh đang ngồi nắn nót vẽ “bác” bị một anh quản giáo đi ngang hét lên “Ai cho anh vẽ Bác? Các anh chưa đủ tư cách để vẽ Bác!”
Quản giáo lên lớp, bắt đầu hướng dẫn làm bản “Tự Khai”, phải khai đến 3 đời làm 1 anh phát bịnh. Sau đó đến phần trả lời thắc mắc. Có người hỏi, đại khái:
- “Gần hết 10 ngày, bây giờ mới học, làm sao kịp 10 ngày để về?”
Quản giáo tỉnh queo:
- “Ai nói với các anh là đi học 10 ngày?”
- ???
- “Cách mạng” lịnh cho các anh “mang theo lương thực 10 ngày, chứ đâu có nói “học tập 10 ngày”
- !!!
- “Bây giờ, các anh đã vào đây thì gắng mà học tập cho tốt”
- “Bao giờ thì chúng tôi được về?”
- “Việc đó thì tùy các anh. Khi nào học tập tốt thì được về!”
Người ở trong trại thì bị lừa “học tập tốt thì sẽ được về”, còn người ở bên ngoài thì bị dụ “đi kinh tế mới thì chồng, cha sẽ được về”. Một lần nữa “cách mạng” lại thắng lợi vẻ vang. Hằng triệu người có liên hệ đến Việt Nam Cộng Hòa bị đuổi ra khỏi thành phố, tài sản bị cướp một cách công khai, trắng trợn mà không xảy ra “một cuộc tắm máu” như Mỹ-”Ngụy” đã tuyên truyền trước đây. Sau ngày “giải phóng”, kinh tế “phồn vinh giả tạo” của miền Nam bị san bằng để người dân 2 miền được bình đẳng với nhau. Đời sống vô cùng cơ cực, người dân miền Nam ví mình bị đẩy lui về những thời kỳ “đồ đá”, “đồ đồng”, v.v..., nhưng đúng nhất chắc phải là “đồ đểu!”
Đói, đói, và đói ... Chúng tôi ăn gần như mọi thứ kiếm được trong trại, trong rừng. Châm ngôn của năm đầu tiên là “cái gì nhúc nhích thì ăn được”, qua năm sau khi “tài nguyên” trở nên khan hiếm thì “cái gì không gây bịnh là được ráo!” Đặc sản số 1 là rắn và nhiều nhất là rắn lục. Hễ gặp là lấy xẻng xắn cái đầu, moi cục mật màu tim tím bỏ miệng nuốt cái ực, rồi nhóm lửa, nướng, lột da, ăn ngấu nghiến, Lúc đầu thấy cục mật cũng hơi nhợn nhưng nghe kháo là mật rắn chữa được nhiều thứ bịnh cho nên cũng ráng mà nuốt.
Ai bảo khoai mì sống là độc? Tôi và một tên nữa, mỗi thằng chơi hơn 1kg, gần chết, không phải vì độc mà tại khi uống nước vô thì nó nở ra. Muốn ị không được, muốn ói cũng không ra, chỉ có nằm ... thiền qua đêm mới khỏe lại. Hai thằng thề sẽ không ăn nữa, nhưng chỉ vài ngày sau là quên mất lời thề!
Trộm bắp thì rất ư là thiện nghệ: nhảy vô rẫy bắp, tuốt lá xuống, nghiêng đầu theo trái bắp, cạp lia lịa, xong tuốt lá ngay ngắn lại rồi dzọt.
Vào mùa trái cây thì sáng ra khi đi rừng lấy cây làm nhà, bọn tôi chạy đua để lượm trái rừng nhét cho đầy bụng. Trái Trân lớn bằng ngón tay cái, rất ngọt nhưng rất nhớt, chỉ cần chơi 1 trái là Tào Tháo rượt ngay, vậy mà chẳng thằng nào sợ. Nuốt 1, 2 chục trái xong là bay vào rừng “thăm bác”!
Hễ không đi rừng, không có gì để độn thì “mời bác xơi nước”. Cứ khoảng 9 giờ sáng, đói run lẩy bẩy, chạy đến chảo nước to tổ bố, ôm lấy cây cột và tu một hơi 2 bi đông (chừng 2 lít) cho đỡ đói. “Nhờ” đói triền miên mà bỗng nhiên miếng cơm cháy trét chao dòn, thơm, và ngon vô cùng. Mãi cho đến hôm nay, kể cả lúc ở Paris được ăn miếng bánh mì baguette và fromage, tôi vẫn chưa bao giờ thấy tuyệt như vậy!
“Cách mạng” nuôi tù chả tốn kém bao nhiêu. Lán trại và dụng cụ canh tác thì tù tự xây cất lấy và làm ra mà dùng. Liềm thì cắt tôn từ thùng phuy, búa rìu thì rèn từ mấy cái chốt thép hình vuông nối vỉ sắt phi đạo dã chiến. Cách mệnh chỉ mua cho búa tạ và quạt gió bơm bằng tay. Lò rèn thì cũng tự xây lấy và dùng than củi, vừa bơm vừa phun nước vô lửa (cho lửa nóng thêm). Tất cả đều nhờ anh em gốc kỹ thuật làm nên. Ngay đến cái võng, anh em cũng chỉ nhau tự làm lấy mà nằm: gỡ sợi từ các bao cát cũ, se thành dây rồi móc thành võng.
Gần suốt năm đầu tiên, tù được ăn gạo (chắc là) mang ra từ các mật khu. Gạo mục, sâu nhiều, nhiều đến nỗi lúc đầu khi cơm bắt đầu sôi, anh em còn ráng lấy cái giá vớt sâu ra nhưng vớt mãi mệt quá, vả lại vớt hết sâu thì còn được bao nhiêu cơm để mà ăn; thôi thì, sâu cũng là nguồn protein đành nhắm mắt mà nuốt.
Chỉ có lúc ở Long Khánh thì tương đối đỡ khổ, có cá biển ăn. Đa số là cá Ngừ nên rất nhiều anh bị dị ứng, lở loét đến nỗi có người phải lấy khăn quấn làm xà rông chờ tự nhiên mà lành chứ chẳng có thuốc men gì ráo. Dị ứng chẳng chết được, có chết thì cũng nhẹ gánh cho cách mệnh. Những lúc có anh em bị bịnh bỏ ăn thì các anh em khác mừng thầm đúng như tục ngữ mới “một con ngựa đau, cả tàu ... mừng rỡ!”
Từ lúc nào cũng không hay, con người bỗng trở thành gần như con vật, không hơn không kém, không phải chỉ trong trại mà ngay cả người dân ở bên ngoài, chỉ biết tranh nhau từng miếng cơm, manh áo. Bấy giờ mới hiểu được những lời lẽ chất phác trong một bức thư của một anh bộ đội gởi về cho mẹ ở miền sâu ngoài Bắc trước khi lên đường vô Nam: “Con bây giờ sướng lắm, cơm ngày 3 bữa, quần áo mặc cả ngày!”
Chúng tôi cũng có dịp kiểm chứng những bài thuốc dân gian. Có anh bị sạn thận, đau quá chịu không nổi, nghe nói đu đủ sống có thể chữa được cho nên hái lấy 1 trái xanh ngay trên cây trước trại, nấu lấy nước, vừa uống vừa “mẹ nó, đắng quá!”. Thuốc đắng nhưng vẫn không dã tật! Có một anh khác bị suyển, nghe nói máu của con Trúc (có vảy, bắt kiến bằng cách đi vô ổ kiến, giương vảy lên cho kiến vô rồi xếp vảy lại, nhảy xuống nước, giương vảy ra, kiến nổi lên rồi xơi) có thể chữa được bịnh, anh bắt được 1 con nhưng trước khi uống máu thì bạn bè lo lắng “nghe nói, Trúc có vi trùng cùi”. Chàng dứt khoát “mẹ họ, cùi nhưng ... thở được chắc khỏe hơn?” Rồi, anh không bị cùi mà vẫn cứ hụt hơi!
Tiếp xúc với bộ đội thấy các anh cũng có tinh thần dân tộc lắm. Có lần, một anh bộ đội đến đòi lại cái tông đơ cho chúng tôi mượn, vì nghe nói các anh thích dùng tiếng Ta hơn là tiếng ngoại cho nên tôi tò mò hỏi “cái nầy anh gọi là cái gì?” Anh ta nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi nói như cái máy “Ối giời, ‘nịch’ sử, địa ‘ný’ Mỹ thì các anh thuộc ‘nàu nàu’, có cái “lầy” mà các anh cũng không biết gọi ‘nà‘ gì”. Tôi cố nén “là gì vậy anh?” Anh ta trả lời “Giời, có cái tông mà cũng không biết!”
Hãi hùng nhất là phẫu thuật của “cách mạng”. Có anh bị đau ruột dư, được đưa lên bàn mổ, không thuốc mê, anh hét rầm trời, cả trại đều nghe. Không biết có phải vì y khoa tiên tiến của cách mệnh mà em tôi, một Bác Sĩ Y Khoa Sài Gòn, phải vất vả từ bỏ “thiên đường” để đi Mỹ dù không biết tương lai sẽ ra sao!
Khổ như vậy nhưng anh em vẫn không quên ráng tìm cho được cái cười. Một lần, trong khi quản giáo đang lên lớp thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng khúc khích, hỏi tên bên cạnh, nó không biết tại sao, hỏi tên ngồi trước thì nó nói “bia lên”. Tôi không hiểu gì hết. Đến khi nhìn lên khán đài, chỉ thấy 1 cái đầu đội nón cối nhô lên khỏi cái bục giảng giống như tấm bia ở xạ trường được quay lên sau mỗi lần huấn luyện viên hô “bia lên”. Khi 2 tiếng “bia lên” vang to hơn thì quản giáo ngừng lại, với giọng rất nghiêm chỉnh “Vào đây rồi mà các anh vẫn còn mơ tưởng đến bia. Bia đâu mà bia!”
Một tối, trong giờ họp tổ, 1 tờ giấy được chuyền quanh với những cái miệng cố giữ cho tiếng cười khỏi bật ra. Đến tôi, thì đúng là không thể không cười. Tờ giấy vẽ cảnh chụp hình tù cải tạo: 1 tấm vải đen trùm lên 1 cái nón cối đang lom khom sau máy hình, thò ra 1 bàn tay cầm súng lục chĩa về người tù ngồi phía trước và nói “cười đi!”
Thỉnh thoảng chính các anh bộ đội hay các mẩu chuyện từ bên ngoài cũng giúp chúng tôi giải khuây dăm ba phút. Có anh bộ đội hỏi tôi “đi dạy anh có lận súng theo không?” thì ra các anh tưởng giáo chức biệt phái là công an gài vô trường học. Và những chuyện xảy ra ngay sau khi đất nước thống nhất, như dân ở ngoài Bắc đã mang theo 1 chục chén đá hay 1kg đường cát để làm quà đã làm trò cười cho bà con trong Nam!
Khoảng một năm sau mới được thăm nuôi. Có lần bắt gặp 1 bản tin đăng trên báo “Giải Phóng” lên án Chính Quyền Thái Lan dã man, vô nhân đạo, bắt giữ tù chính trị giam cả tháng không cho thăm nuôi, chúng tôi cắt lấy và dán lên bảng tin. Mấy ngày sau bị gỡ xuống; cũng mua vui được vài trống canh!
Vợ và các em tôi lên thăm tôi lúc ở Katum, gần biên giới Việt-Miên. Khệ nệ gần 40kg quà, các em tôi thắc mắc “nhiều thế nầy, làm sao ảnh khiêng hết vô trại được?” Trò chuyện được 1 tiếng thì hết giờ. Từ giã nhau xong, tôi lấy 1 cái cây dài bằng cái đòn gánh và 2 cái gióng tự chế, chất quà lên, hồ hởi te te gánh đi, trong khi vợ và các em tôi khóc ròng nhìn theo “anh nông dân” đen đủi, chân lấm tay bùn!
Gần sáng một đêm tháng 7/1977, một số người - trong đó có tôi – được gọi chuyển trại. Lúc bấy giờ, được chuyển trại thì may nhiều hơn rủi; không như mấy năm về trước, chuyển trại đồng nghĩa với thanh lọc để đưa đi Suối Máu hay ra Bắc. Trong lúc tôi rời lán trại thì có mấy tên nói vói theo “Ứng, ăn đầu rùa đâu có xui hả mậy?” Số là chiều hôm trước, tụi nó làm thịt 1 con rùa, chia phần đến cái đầu thì không tên nào chịu lấy hết. Tôi nói “sợ xui, thì đưa đây cho tao. Mẹ, vô đây rồi còn xui với xẻo!”
Được đưa về Hóc Môn. Vài ngày sau thì anh cả tôi cũng được đưa về đây. Thấy đa số toàn là những người có chuyên môn kỹ thuật và theo tin đồn thì nhà nước đang thả chuyên viên ra để phục vụ cho nên chúng tôi đoán là phen nầy sắp được thả. Hơn một tháng sau thì được thả thật! Thì ra, tại khác biệt ngôn ngữ Bắc Nam, anh em không để ý chứ trong buổi lên lớp đầu tiên, cán bộ có nói “các anh cứ yên tâm học tập, cách mạng sẽ tự ‘no’, không cần đến các anh”. Hơn 2 năm sau, khi cách mạng “no” rồi thì chúng tôi được về để lo tiếp.
Quê Hương Xã Hội Chủ NghĩaRa khỏi trại, đầu tiên tôi về nhà ba mẹ để thắp nhang cho hai người. Sau khi vô trại được 4 tháng thì ba tôi mất vì tuổi già và thương nhớ con, nhưng mọi người dấu kín cho đến lần thăm nuôi đầu tiên mới cho tôi biết. Còn mẹ tôi thì qua đời khoảng 2 tháng trước khi tôi được thả. Đúng ra thì mẹ tôi còn sống lâu hơn thế nữa nhưng vì thời thế khủng bố tinh thần, chồng mất, con cái bị chia lìa, 1 đứa đi Mỹ, 2 thằng đi cải tạo không biết ngày về, mấy đứa khác thì bỏ học, làm bà mất trí và lâm bịnh nặng. Thật không sai “không gì khổ hơn bằng thấy người thân mình bị khổ”. Cũng vì vậy mà trước 1975 thì bà góp nhặt vòng vàng đánh sẵn chờ khi nào nước nhà thống nhất thì bà cho các o ở Nghệ An, nhưng sau hòa bình, bà không tiếp ai hết!
Sau đó về nhà bố mẹ vợ. Dù vợ tôi đã chuẩn bị nhưng con gái tôi, đã được hơn 2 tuổi, cứ đứng nhìn mặc cho bố giang tay và gọi. Tôi kiên nhẫn làm quen với con. Mỗi sáng đạp xe đưa con đến trường mẫu giáo, chiều về hỏi con “hôm nay con học được gì?”, nó hát ngay “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ ...” Muốn hát theo “chưn bác dài, bác đạp xích lô” nhưng không dám, sợ ngày mai vô lớp nó “trả bài” thì khốn nạn! Đến cái ăn, cái nói tự nhiên của một con Người cùng không dám vì sợ trẻ thơ vô tình khai với cô thì chết cả lũ!
Ngày càng thân, tôi bắt đầu dạy con học dù không biết học để làm gì. Trong cái xã hội mà 2 chữ “Liêm, Sĩ” đã nhường cho nhúm cơm, hạt muối thì dạy con để làm người đàng hoàng, đứng đắn gần như là ảo tưởng; vả lại, với cái lý lịch “Ngụy” thì dù có chuyên nhưng không hồng, nó sẽ không thể nào lên đại học được. Nhưng vẫn cứ dạy, mong sao “Công Cha như Núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như Nước Trong Nguồn chảy ra” sẽ khử được “Công Đảng và Ơn Bác”!. Nhiều tên đường bị đổi và ai đó đã ghép tên mới với tên cũ lại thành ca dao như “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý” và “Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do” không biết có làm nhức nhối “mặt trận giải phóng miền Nam” hay không?
Được vài ngày thì các em tôi cho biết chúng sắp vượt biên. Vì mới ra trại, chân ướt chân ráo, tôi không quyết định được. Ngày tiễn chúng ra đi, đứng trên cầu Bình Triệu nhìn theo chiếc xà lan mà người bần thần, vừa buồn vừa lo. Buồn vì không có phần mình trong đó, lo vì sợ các em đi không thành. Chuyến đi của các em tôi thật trần ai. Vừa ra khơi là xà lan bị chết máy, bị gió thổi tấp vào Thái Lan, bị lính Thái đánh đập, đuổi ra. Cứ vô, ra như vậy, mất gần 2 tháng mới đến được Malaysia.
Nhờ cô chú của cô em dâu giới thiệu, tôi được nhận vô làm kỹ sư cho 1 hãng thầu hợp doanh xây cất cầu đường. Ông Phó Giám Đốc là chủ cũ của công ty đã được hiến cho nhà nước. Nói chung ông vẫn còn được quyền điều hành kỹ thuật cho công ty nên nhân viên được “nhẹ thở” rất nhiều. Ông và đa số nhân viên còn ráng bám lấy công ty là để kiếm đường vượt biên, vì công ty có công trình rải rác từ Sài Gòn ra đến Đà Nẵng. Vào đây, tôi cũng đã đưa được anh bạn tù (đã uống máu con Trúc) vào giữ sổ sách cho kho vật liệu. Anh sợ không làm được việc (vì hồi ở Quân Vận anh có làm gì về kỹ thuật đâu) cho nên tôi dặn anh “cứ nói anh biết đánh máy, biết kế toán” là xong. Cán bộ còn không dám đụng đến máy đánh chữ trong khi anh dám dùng 1 ngón để “oánh” nó thì sợ gì!
Đi ra, đi về miền Trung cũng đỡ buồn. Một lần trên con đường cái quan - Quốc Lộ 1, tôi và 1 anh thợ thấy 1 ông lão đang ngồi lấy dây kẽm mạng lại cái rổ rách tươm bươm, ngừng lại chọc ông “Sao bác không kiếm cái mới mà xài?” Ông nói “Mạ nó, thời Mỹ-”Ngụy” thì tui vứt nó rồi, bây giờ nhờ ơn cách mệnh cho nên phải sửa lại mà xài!” Sợ mang vạ, 2 thằng vội nhảy lên xe chạy tiếp.
Làm được vài tháng, thấy không có gì “hấp dẫn” nên tôi đi tìm việc khác, làm cho một công ty xây cất nhà máy nước đá và cầu kè ở các thành phố gần biển. Sau khi nói chuyện với ông Trưởng Phòng Kỹ Thuật và đang chờ quyết định thì gặp 1 người bạn cùng khóa đi vô. Tôi hỏi “làm gì đây mậy?” Nó trả lời “mới ra trại, đi kiếm việc đây”. Tôi nói “Vậy à, để tao nói với ông TP mướn mầy trước vì tao đang có việc làm, chừng nào ổng cần người thêm thì kêu tao”. Khi ông TP trở ra cho biết sẽ mướn tôi và khi nghe tôi nói như vậy thì ông khựng lại “chờ đó để tui coi”, rồi ông trở vô phòng GĐ. Một lúc sau, ông đi ra cười cười “Được rồi, tui mướn cả 2 anh!”
Ông TP này là dân tập kết, bất mãn và không biết tại sao ông lại có vẻ thân thiện với tôi. Có lần ông hỏi “chừng nào anh đi”, bố tôi cũng không dám nói thật nên ỡm ờ “đi đâu hả chú?” “còn đi đâu nữa”. Tôi than “làm chó gì có tiền mà đi”. Ông ta nói nhỏ “mà thôi, có đi thì nhớ mang theo vợ con với, chứ ở nước ngoài một mình buồn lắm!” Chắc ông ta đang nhớ lại thời gian du học ở Đông Âu.
Trong một chuyến công tác đi Phan Thiết, 4 người - trong đó có ông Phó GĐ - ở chung 1 phòng ngủ với 2 cái giường 2 tầng. Khách sạn có 3 tầng lầu, mỗi tầng có 1 nhà cầu nhưng 2 cái trên lầu bị nghẹt hết, chảy lênh láng cả ra ngoài. Muốn giải quyết, phải xuống tầng dưới cùng có 1 cái còn thông, muốn tắm phải ra giếng bên ngoài, kéo nước lên mà tắm. Ông PGĐ, một dân “Tề” (cộng sản gọi dân ngoài Bắc trước 1954 ở lại thành không vô khu kháng chiến) và là kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa Hà Nội, nói nhỏ với tôi “anh thấy không, chiếm thì dễ nhưng giữ thì khó lắm!” Anh lãnh đạo nầy cũng thích “nói chuyện” với tôi, lần trò chuyện nào anh cũng “cười”.
Một sáng, lúc thấy anh đứng một mình trên cầu tàu nhìn ra biển, tôi đến sau lưng hỏi “anh đang nghĩ gì đó, tìm đường đi hả?” Anh có vẻ cam phận “sống sót hơn 20 năm rồi, đi đâu bây giờ!”
Sau khi nghỉ công ty, trở lại thăm bạn bè, gặp anh, anh hỏi đang làm gì, tôi phịa “dạ, làm cho một hợp tác xã cơ khí”, anh hỏi “làm sản phẩm gì vậy?”, “làm tông đơ”, anh tỏ vẻ ngạc nhiên “thật sao, có bán được không”, tôi nói “nhờ ơn cách mệnh, không có hàng ngoại cho nên cũng bán được!” Anh tủm tỉm “lại nói móc nữa!!!”
Cướp công là nghề của các đồng chí. Lúc đó tôi đã chuyển qua làm phòng Kế Hoạch. Một buổi sáng anh chàng phó phòng KH đến hỏi tôi “muốn đóng cừ làm kè phải làm sao?” Tôi nói “cần có xà lan và búa máy”. Xà lan nổi xa bờ, búa kéo một khối bê tông lên cao rồi thả tự do rơi xuống dộng vô cừ cắm xuống đất. Xong chỗ nầy thì chạy xà lan đến chỗ khác để đóng tiếp. Vừa nghe xong, chàng ta nói “Giời ơi, anh cứ như là còn làm cho Mỹ ấy”, tôi hỏi lại “vậy theo anh phải làm sao”, anh ta nói “ta kết bè tre, dựng cột cho công nhân kéo cục bê tông rồi cho rơi mà đóng, xong chỗ nầy thì ta lại kéo bè đến chổ khác” Thấy mình “lạc hậu” quá cho nên tôi im. Không ngờ sáng hôm sau vừa mới ngồi vào bàn thì anh Phó GĐ đến gọi tôi vô họp với Ban GĐ. Tôi hỏi “họp về việc gì vậy anh”, anh trả lời “Ông GĐ mời anh vô để bàn về phương án ... đóng cừ!” Tôi trả lời ngay “dạ, tôi có biết gì về việc đó đâu”. Anh ta ngạc nhiên “Ủa, sao anh phó phòng KH nói là anh biết” Thì ra anh chàng đó tính lập công nên đề nghị cách của tôi vừa nói hôm qua, nhưng khi bị hỏi đến chi tiết thì ... bí, nên đành phải chỉ tôi!
Có một dạo, trưa nào cũng ăn mì luộc “chay”, thỉnh thoảng mới có được một miếng khô cá sặc. Một trưa, ông Bí Thư công ty đi ngang (chắc ông đã để ý từ lâu nhưng hôm đó không ngăn nổi tò mò mới ngừng lại) hỏi “anh Ứng chỉ ăn có vậy thôi sao”, tôi trả lời “dạ, hàng nhà nước mua được gì thì ăn nấy thôi, chứ chú”. Ngày hôm sau tôi thấy ông từ phòng GĐ đi ra, mặt giận dữ nói với anh phó phòng KH vừa mới vào xin công ty hoàn tiền công tác “Mấy anh bây giờ đi liên hệ ở đâu cũng phải có thuốc lá ngoại vậy sao?” Ông Bí Thư nầy chắc là người có lý tưởng, không chịu nổi khi thấy cảnh một anh “học tập” về sống cơ khổ trong khi “cách mạng” đi đâu cũng “thuốc 3 số 5”. Thật tội cho ông, “một cây làm chẳng nên non”, không chừng nay mai mới ngộ chân lý “ăn như tu, ở như tù, về h(ư)u mới biết mình ngu!”
Từ ngày cách mệnh thành công thì hàng giả tràn ngập khắp nơi và tất cả nghề làm ăn cá thể đều ... lậu! Khổ nhất là khi có thân nhân bị bịnh. Dân tin tưởng vào bác sĩ “Ngụy” cho nên chỉ đến các vị bác sĩ cũ. Từ trước tới giờ chỉ có người mang một bịnh bị gọi là “lậu”, thế mà nay khi bị bịnh lại phải đi cầu cứu bác sĩ ... lậu! Một lần vào gần nửa đêm, con tôi bị nóng gần 40 độ C, tôi ẵm con chạy như điên đến gõ cửa nhà một bác sĩ năn nỉ khám bịnh và mua thuốc ... lậu! Cảnh tượng không khác gì trong phim chưởng: nửa đêm khiêng người bịnh đến gõ cửa nhà thầy Lang để cầu khẩn. Kinh hoàng nhất là khi nghèo mà bị bịnh nặng, phải gom góp bán gần như mọi thứ trong nhà để kiếm mua 1 chai nước biển giá mắc như vàng, khi mang đến bác sĩ hóa ra là ... giả. Thật khốn nạn cho kiếp người trong XHCN.
Sau khi làm cho công ty nầy được 2 năm, được phục hồi quyền công dân và có thường trú ở lại thành phố thì tôi bỏ công ty, ra ngoài đóng 1 cái tủ ngồi trên lề đường gần chợ Đa Kao để sửa đồng hồ. Làm cá thể để khi cần “đi” thì có thể nghỉ mà không phải báo cáo hay bị theo dõi.
“Nhất sĩ, nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ!” Thợ sửa đồng hồ kiếm được gấp đôi lương kỹ sư (chỉ được 73 tiền Hồ/tháng). Nghề nầy đến với tôi không định trước. Một hôm, đang đạp xe lang thang ngoài đường, thấy 1 tủ sửa đồng hồ trên lề đường, tôi ghé vô tán dóc với anh thợ rồi mua 1 cái đồng hồ “ba rọi”: vỏ Hồng Kông, ruột tân trang làm quà cho vợ. Một, hai tuần sau tôi ngỏ ý học sửa đồng hồ thì anh ta nói “nghề nầy cha truyền, con nối, tui học từ nhỏ, làm sao anh học nổi?” Tôi nói “cho anh biết nghe, bên trong cái đồng hồ chỉ là 1 đống bánh xe răng thôi, có khác là đồ nhỏ xíu, chỉ cần quen tay là làm được thôi. Cái khó là làm sao để kim chạy đến 12 giờ đêm thì lịch nhảy thêm 1 số.” Anh chàng gật gù, thấy một tên coi bộ khá thông minh, chưa tháo đồng hồ bao giờ mà nói nghe ngon quá. Để thuyết phục thêm, tôi đề nghị một chương trình: tôi sẽ trả cho anh 100 tiền Hồ, anh dạy tôi 2 tuần, sau đó tôi sẽ tự hành nghề buổi sáng, cái gì không biết sửa thì giữ đó chờ chiều anh đến sửa và chỉ cho tôi. Cái nào anh sửa thì anh lấy tiền. Thế là anh đồng ý ngay, chắc anh chàng nghĩ còn lâu tôi mới làm được. Chỉ khoảng 3 tháng sau, không những tôi sửa được mọi thứ mà còn có khách đông hơn các thợ khác ở quanh đó.
Cha mẹ đã mất, anh em đi gần hết, nhất là con thì không có tương lai, cho nên sau khi được tin các em tôi đã đến Malaysia thì tôi cũng kiếm đường. Ngay “chuyến đầu” vì tin vào một người quen mà “cạn láng” ngay lập tức. Một chiều đưa vợ con theo nó đến một căn nhà bên cạnh một con rạch ở Rạch Dừa để giao vàng cho “tổ chức”. Chúng hối “Đưa đây lẹ lên rồi ra chợ Vũng Tàu chờ ở đó”. Chờ đến 10 giờ tối thì có 1 thằng đến nói nhỏ “bể rồi, đừng đứng đây nữa, coi chừng công an!” “Trời!” Người tôi bàng hoàng, trống rỗng. Tôi không sợ công an vì biết là đã bị lừa. Bị lừa một cách quá dễ dàng, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ tôi đã đánh mất phần vàng của mẹ tôi để lại cho các em chia cho tôi!
Trong chế độ cộng sản, muốn gạt người không khó, chỉ cần la lên “công an” là mọi người chạy tứ tán, bất kể sống chết. Có lần tôi ghé xe gắn máy vô lê đường để mua xăng lậu, phải đưa tiền trước rồi con nhỏ bán xăng mới lôi 1 chai từ bao bố ra, úp vô bình xăng. Chai chưa cạn thì có tiếng hô “công an” thế là mạnh ai nấy chạy. Chạy được 1 đoạn thì xe khọt ... khẹt...! “Mẹ tổ, dầu hôi!”
Sau đó lại bị mất “lai rai” (tiền có được nhờ bán quà của anh em gởi về) trong vài chuyến và trở thành “bần cố nông” thứ thiệt cho đến khi một người bạn cùng khóa rủ đi chuyến do anh của nó tự đóng tàu để đi “bán chính thức”. Thấy thằng em tội quá, ông anh cả bàn để cho tôi đi trước và đưa cho tôi số vàng của ông để đóng cho bạn. Đến giờ chót thì tất cả các chuyến đi bán chính thức bị ngưng lại vì áp lực quốc tế nhằm chặn đứng làn sóng tị nạn mà phần lớn họ biết là do nhà nước tổ chức để vơ vét vàng của người Việt gốc Hoa.
Chờ mãi gần 2 năm thì đi được. Cũng nhờ Trời! Hôm đó tàu chuẩn bị đi nhưng tôi không hay biết gì hết. Sáng mồng 10 Tết năm Tân Dậu (14/2/1981), định đi sửa đồng hồ như mọi ngày nhưng tự nhiên người bồn chồn nên tôi đạp xe đến nhà 1 trong mấy người bạn cùng khóa và cũng đang ngóng ngày đi, thì mới hay là phải ra điểm hẹn ngay để đi!
Trên Đường Tạm DungChuyến vượt biên của chúng tôi tương đối suông sẻ (ngoài 1 lần bị tàu đánh cá Thái Lan rượt đuổi nhưng chạy thoát), mất có 3 ngày là đến 1 giàn khoan dầu và được kéo vào đảo Pulau Bidong, Malaysia.
Lên đảo, vợ tôi gặp lại cậu em đã vượt biên trước đó gần 2 năm, 2 chị em mừng mừng, tủi tủi. Cậu em đưa chúng tôi về nhà, nhường cho chúng tôi 1 cái nhà nhỏ có 1 giường vừa đủ 3 người nằm và thêm 1 cái bếp nhỏ. Bữa cơm đầu tiên, cơm trắng và gà kho do cậu em và các bạn nấu cho ăn ngon vô cùng! Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy đầu bếp Tây, Tàu nào kho gà ngon như vậy!
Trên đảo cũng có nhà cầu công cộng nhưng nhớp nhúa và hôi thúi cho nên mọi người thích ra bờ biển núp sau các ghềnh đá thoải mái hơn. Dân tị nạn nhớ “bác” lắm cho nên mỗi khi đi tìm cái khoái thứ tư thì họ bảo là đi “thăm bác!”
Biển mặn! Gió quyện mùi muối lẫn mùi hôi bốc từ các ghềnh đá dường như không làm bận lòng người tị nạn. Dù không được tinh khiết cho lắm nhưng hương Tự Do lại tuyệt diệu hơn cả “hương đồng, gió nội” ở “thiên đường cộng sản”. Đứng trên mỏm đá nhìn ra biển, mặc cho ưu tư chưa biết sẽ được quốc gia nào đón nhận, tôi thấy lòng vô cùng thanh thản, một sự thanh thản không vương chút sợ hãi đã bị cướp mất trong gần 6 năm sống trong lọc lừa dối trá. Càng nghĩ tôi càng xót xa cho những chữ “không gì quý hơn độc lập tự do” quỷ quyệt đang ra rả mỗi ngày trên quê hương tôi.
Ngay sau khi ổn định “nơi ăn chốn ở”, tôi tình nguyện đi dạy ... Anh văn do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tổ chức. Mục đích của Cao Ủy là dạy cho dân biết chữ nào hay chữ đó trước khi lên đường định cư. Thầy giáo chỉ cần biết hơn những người chưa biết chữ nào là được nhận hết, sau khi được huấn luyện cấp tốc dăm ba ngày. “Thằng Chột dẫn thằng Mù” là thế, giúp nhau tiến tới 1 tương lai sáng lạn trước mặt! Bấy giờ mới thấy tội cho dân mình, lâu ngày không được học, nay khỏi phải kiếm cơm mà lại được học cho nên học rất là chăm chỉ; vả lại, đến xứ người chắc là người ta không biết tiếng Việt đâu, nên càng ráng học, biết đâu thêm 1 chữ là đỡ mỏi tay 1 chút!
Nhờ đi dạy mà quen được các tình nguyện viên của Cao Ủy. tôi nhờ một cô người Mỹ mua cho một ít dụng cụ để mở lớp dạy sửa đồng hồ. Vì nghe nói nghề nầy ở các nước khác cũng kiếm ăn được cho nên tôi muốn chỉ cho người khác có một nghề để may ra họ kiếm được một việc làm khi đến xứ người. Người khách đầu tiên của tôi là cô Mỹ đó. Cô rất lấy làm thích thú khi thấy cái đồng hồ để bàn của cô chạy lại được và chạy đúng giờ.
Thật là may mắn, chúng tôi lên đảo vừa đúng lúc Mỹ thay đổi chính sách nhận người tị nạn. Cựu quân nhân và công chức VNCH được trở thành ưu tiên 1 cho nên chỉ trong vòng 4 tháng là chúng tôi được rời đảo về trại Sungai Besi ở Kuala Lumpur. Ở đó chúng tôi được học các tập quán của những xứ sắp đến để khỏi bị “va chạm văn hóa”, thí dụ như “dù có thích người bảo trợ cách mấy thì cũng đừng rủ nằm chung giường để trò chuyện cho vui, như bà con ta thường làm với bạn bè ở VN”. Khoảng 1 tháng sau, chúng tôi được đi Mỹ do anh em tôi bảo trợ!
Quê NgườiRời Kuala Lumpur, máy bay ghé Hong Kong nghỉ qua đêm (chắc để bốc thêm người tị nạn). Hôm sau đến Tokyo đổi máy bay và thẳng hướng về Mỹ. Trong lúc chờ máy bay ở Tokyo, một người đẩy xe nước cam mời gọi nhưng dân tị nạn chỉ dòm ngó thòm thèm rồi lắc đầu; đến khi nghe ông ta nói “free” thì “hàng ngàn cánh tay giơ lên” (kết quả của lớp Anh văn ở đảo) và vèo một cái, xe nước cam sạch trơn! Ông ta cười và đẩy xe đi. Ôi! Nụ cười của 1 người hoàn toàn xa lạ sao mà dễ thương như thế!
Ngày 21 tháng 7 năm 1981 máy bay đáp xuống Seattle, Washington rồi từ đó mọi người được đổi máy bay để về với người bảo trợ của mình. Nhân viên của Hội Thiện Nguyện USCC đã chờ sẵn tại phi trường Seattle, một ông Mỹ đến gần chúng tôi (cả nhà đều mang dép) và lấy ra 1 đối vớ trắng tinh mang cho con tôi làm vợ chồng tôi lại thêm một lần ngạc nhiên vì cách đối xử của một người dị chủng không hề quen biết!
Đổi máy bay đi Portland, Oregon. Vừa vào phi trường thì thấy tất cả anh em, chị em dâu, và các cháu đang chờ chúng tôi, trừ đứa em kế đang thực tập bác sĩ tại Louisiana. Tay bắt mặt mừng, khi thấy vợ tôi chỉ cầm 1 cái túi nhỏ, anh em hỏi còn gì nữa không để đi lấy, tôi nói “dạ, chỉ có vậy thôi!” Quây quần chụp hình xong, mọi người ríu rít kéo nhau ra xe và về Beaverton nơi anh em tôi ở.
Mấy ngày đầu, anh em tụ lại nói chuyện thâu đêm. Suốt một tuần, được anh chị em dẫn đi xin thẻ an sinh xã hội và trợ cấp xã hội, đi chơi khắp nơi làm quen với thành phố mới, và shopping. Cảm động nhất là ông anh kế tôi đã mua sẵn cái đồng hồ Sony điện tử có mấy hàng nút máy tính nhỏ xíu để chờ tôi qua (tôi vẫn còn giữ). Nhờ anh em mà chúng tôi đã hội nhập cuộc sống mới dễ dàng hơn nhiều người khác, nhất là không thiếu thức ăn VN. Ông anh kế tôi kể lại hồi ông mới dọn đến Portland, người Việt rất ít, chợ VN chưa có, nước mắm cũng không. Khi đi San Francisco ông mang về 1 chai nước mắm, bạn bè xúm lại mỗi người húp 1 muỗng, đã ơi là đã!
Sau đó, tôi quá giang anh tôi đi Community College vừa để học ESL vừa để ôn lại các môn kỹ thuật căn bản. Được hơn 1 năm thì anh em tôi dọn đi các tiểu bang khác tìm cơ hội mới. Em út của tôi bắt được job kỹ sư, là người cuối cùng dọn đi Colorado, đã cho chúng tôi chiếc Ford Maverick mới có 7 năm làm phương tiện di chuyển.
Học được 2 semesters thì tôi đi kiếm việc làm. Công việc đầu tiên là làm assembler cho 1 hãng điện tử ở Beaverton. Mỗi tuần 62 tiếng, làm bù đầu nhưng vui vì bắt đầu có tiền để dành, và có thêm cô bé thứ 2 ra đời chào mừng bố mẹ và chị!
Mặc dù đang được trợ cấp xã hội nhưng tôi muốn đi làm, dù việc làm thấp, để vừa tự nuôi gia đình vừa thực tập tiếng Anh. Nhờ người em út của tôi mà tôi tin rằng muốn bắt được job kỹ sư thì cần chứng tỏ mình có kinh nghiệm và khả năng Anh văn, chứ các công ty không phân biệt bằng cấp Mỹ hay VN. Do đó, thay vì trở lại trường để lấy bằng Mỹ thì tôi vừa đi làm vừa tự học ôn các môn kỹ thuật để thi lấy Professional Engineer License (PE). Một trong những điều kiện để được cấp PE là phải đậu 2 kỳ thi. Nghe nói tới thi thì tôi phát lãnh, nhưng nghĩ tới cái nợ tiền học 20 ngàn (chưa kể tiền ăn ở) đành phải hạ quyết tâm. Quyết tâm càng cao khi nghe văng vẳng tiếng hát vừa hăm dọa vừa dụ dỗ “anh chưa thi đỗ, thì chưa, thì chưa ... động … phòng!
Làm assembler được vài tháng thì bị laid-off vì hãng ít việc. Được em tôi cho biết ở Colorado có nhiều việc hơn cho nên chúng tôi dọn đi ngay. Colorado: xứ lạnh tình nồng! Vợ tôi làm ca ngày, chiều về vừa coi con vừa nấu cơm; trong khi tôi đi làm đến hơn nửa đêm mới về, ngủ vài tiếng, thức dậy vừa trông con vừa học bài. Cuối tuần 2 gia đình anh em chúng tôi đi chơi với nhau. Nghèo mà vui, như người em kế của tôi có lần đã nói.
Một năm sau tôi đậu được Phần 1. Trong khi tiếp tục học thi Phần 2 thì tôi gởi gần 100 resumes đi kiếm việc. Cuối cùng được gọi đi phỏng vấn và nhận job Designer cho một công ty chế tạo máy móc để tách khí đốt và nước ra khỏi dầu thô. Nhờ công việc nầy mà tôi học thêm được kinh nghiệm kỹ thuật và cách làm việc rất có ích để đi kiếm việc làm cao hơn sau nầy.
Vừa làm designer vừa tiếp tục kiếm việc kỹ sư. Nhờ em tôi giúp mà tôi được Ball Aerospace gọi phỏng vấn, và cũng nhờ đã gặp nhau trước cho nên tôi không khớp lắm khi gặp ông Manager. Sau khi quay tôi về các kinh nghiệm tôi đã làm được, ông Manager nói với tôi “Em của anh cứ thúc tôi mướn anh, tôi hỏi hắn tại sao, hắn nói là vì anh đã dạy nó Kỹ Nghệ Họa!” Ôi, 3 chữ Kỹ Nghệ Họa dễ thương làm sao!
Ông ta cũng hỏi tôi tại sao tôi không trở lại trường. Tôi trả lời:
- “Vì tôi thấy chuyện bằng cấp lấy ở đâu không quan trọng bằng kinh nghiệm và ngôn ngữ; cho nên tôi đã bỏ trợ cấp xã hội (có điểm lắm vì người Mỹ không ưa “ăn welfare”) mà đi làm ngay để tập nói tiếng Anh”
- “Cũng chưa chắc đúng ...” Ông ta nói và kể cho tôi nghe chuyện một Luật Sư bảo trợ một thanh niên từ Đông Âu, anh nầy đi làm thợ in ngay khi đặt chân đến Mỹ. Một tháng sau, ông Luật Sư mở tiệc để giới thiệu anh thợ in với các bạn của ông ta. Theo thói quen, một bà bạn luật sư hỏi thăm anh thợ:
- “Anh thấy nước Mỹ ra sao, anh có thích không?”
- Anh thợ trả lời “Oh, ít’s f__k’n good!!!”
Thế là anh thợ được phép ... trở vô bếp cho đến khi tiệc tàn!
Hai tuần sau, cũng vào một ngày tháng 4 nhưng là năm 1984, sau gần 3 năm cố gắng không ngừng tôi nhận được job kỹ sư. Vài tháng sau được PE License và năm sau nữa được quốc tịch Hoa Kỳ. Đời đẹp như mơ! Khi người Công Dân Mới được giới thiệu với mọi người trong một buổi họp của Division, tôi bồi hồi xúc động chứ không như lúc được phục hồi quyền công dân XHCN.
Bốn năm sau với kinh nghiệm nhiều hơn, tôi bắt được job khác dọn về Arizona làm cho Honeywell Space Systems. Hai cô bé con vẫn chăm chỉ học hành và đều tốt nghiệp đại học. Vợ chồng, con cái sống bình đẳng với mọi người và có công ăn việc làm xứng đáng với khả năng mà không cần cái “đạo đức cách mạng” của cộng sản.
Cũng như chúng tôi, đại đa số người tị nạn và con em của họ đều thành công, không bị xã hội trù dập vì lý lịch 3 đời. Đểu nhất là cộng sản thường hù dân ở bên nhà rằng dân tị nạn bị kỳ thị. Không biết có bao giờ dân ta tự hỏi nếu bị kỳ thị thì tại sao dân tị nạn lại thành công, không những nuôi sống được gia đình mà còn dư dả gởi về giúp đỡ họ hàng? Chắc là có, cho nên ngay đến ngày nay dân Việt vẫn còn tìm mọi cách để thoát khỏi cái “thiên đường” mà một cựu đảng viên cộng sản gọi là "thiên đưòng mù"!
****
Sau hơn 3 thập niên, đảng cộng sản đã làm được gì cho người dân? Chắc chắn là họ đã “thắng lợi vẻ vang” trong sự nghiệp chia rẽ dân tộc, gây nghi ngờ giữa mọi người làm cho không ai tin ai vì sợ đảng trả thù, sợ đến nỗi chỉ dám “chống” khi gần chết, chỉ dám nói ra khi tuổi về chiều như trong “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” của Tô Hải.
Oan nghiệt cho các tầng lớp dân chúng trước đây được khoác cho chiếc áo giai cấp “công, nông” nay vẫn hoàn nghèo, thậm chí có người phải “màn trời, chiếu đất” ra ở tại các công viên thành phố để lạy lục cán bộ trả đất, trả nhà! Tội nghiệp cho dân tôi, bị bịt mũi bóp cổ nghẹt thở gần chết, khi được nới lỏng ra một chút thì bị loạn trí cám ơn đảng đã “đổi mới” cho tự do!
Mỉa mai nhất là đảng lại làm gấp trăm ngàn lần những điều mà trước đây họ đã nguyền rủa lên án các chế độ Phong Kiến, Thực Dân Pháp, Đế Quốc Mỹ, và “Ngụy” như là cắt đất dâng cho ngoại bang, xây dựng kinh tế phồn vinh giả tạo, bán rẻ tài nguyên, và nhất là nạn tham quan, ô lại coi dân như nô lệ.
Ba mươi sáu năm sau ngồi nghĩ lại, tôi rất vui sướng đã cùng vợ con ra đi, không dùng dằng như những ngày cuối Tháng Tư năm đó.
dacung CN13
Tháng Tư, 2011
Chú thích:
(1) Cộng sản gọi Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam từ 1954-1975) là Ngụy.
(2) Captain: Quân đội miền Nam gọi là Đại Úy, còn miền Bắc gọi là Thượng Úy.