Thoại 1 Thủa xưa có một gia đình được ba người con trai. Họ rất mực thương yêu nhau và tuy ba người con đều đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn cùng nhau phụng dưỡng cha già. Trước lúc lâm chung người cha gọi ba con đến trước mặt dặn rằng:
- Trước khi nhắm mắt cha rất yên lòng thấy các con biết thương nhau. Các con đã hết lòng lo cho ta từng miếng ăn đến giấc ngủ, nay cha đã quá yếu, đó là lẽ trời. Nếu cha có nhắm mắt, các con hãy nhớ làm đúng như lời cha dặn, các con hãy khiêng cha đi, khi nào sợi dây quàng quan tài đứt, thì các con đặt cha tại đó, dù ở trên đá hay ở dưới khe suối. Các con hãy nhớ kỹ mà làm đúng như vậy.
Ba người con trai cúi đầu vâng dạ. Người cha trăn trối vừa dứt lời thì cũng tắt thở.
Ba người con làm đúng như lời cha dặn . Sau khi liệm kỹ, họ dùng dây quàng quan tài cẩn thận rồi nhằm hướng tây mà khiêng đi. Ba anh em khiêng quan tài đã mấy hôm nhưng sợi dây vẫn chưa đứt. Một hôm, khi đi trên một tảng đá lớn thì bỗng nhiên sợi dây đứt. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều. Ba anh em bèn hạ quan tài người cha xuống ngay trên tảng đá nọ. Người anh nói với hai em rằng :
- Chúng ta không thể nào đào huyệt trên tảng đá này được các em ạ. Bây giờ hai em hãy trở về nhà xem xét nhà cửa, vì ta đã đi lâu rồi. Ta sẽ lần lượt túc trực, khi nào thi thể cha tiêu tan mới thôi.
Tối hôm ấy người anh cả chất củi, nổi lửa ngồi túc trực bên quan tài. Khoảng gà gáy canh đầu, chàng thấy mỏi, dựa lưng vào gốc cây thiu thiu ngủ. Bỗng chàng giật mình vì có tiếng rên to ngay dưới chỗ để quan tài, nơi chàng nằm cũng chuyển động mạnh. Chàng choàng dậy nhìn chiếc quan tài bị lún xuống đến nửa vào đường nứt ấy. Rồi chàng lại nghe tiếng rên than cầu cứu từ kẽ nứt dưới quan tài vọng lên.
- Ôi, ngột ngạt khó thở quá, ai làm ơn lôi dùm chiếc quan tài này lên, ta sẽ biếu một hũ vàng. Chàng cả nghe vậy bèn hỏi lại rằng :
- Chẳng hay quái vật tên là gì? Hũ vàng đó hiện ở đâu? Nếu điều người vừa nói là đúng là sự thật thì ta sẽ cứu cho.
Tiếng kêu cứu ấy liền trả lời:
- Ta chính là Khổng Long nằm tại chân núi này. Chiếc quan tài ai vừa đặt lên đây đã lọt vào miệng ta khi ta vặn mình ngáp mạnh. Vậy xin chàng hãy làm ơn kéo lên giúp, ta sẽ trả công hậu. Hũ vàng vừa rồi ta chôn dưới gốc cây bồ đề ngay chân núi này về phía mặt trời mọc.
Nghe quái vật nói vậy chàng nửa tin nửa ngờ bèn lần đến chân núi, nơi con quái vật chỉ, để xem hư thật ra làm sao. Bỗng mắt chàng hoa lên, một hũ vàng khối đầy ắp lộ quá nứa. Chàng vần hũ vàng lên. Lúc ấy trời cũng vừa rạng sáng.
Hôm sau đến lượt người em thứ hai. Anh cả dặn dò em kỹ rồi mang hũ vàng về. Tối hôm ấy người em thứ cũng làm đúng như lời người anh cả dặn. Chàng chất củi đốt lửa rồi ngồi canh quan tài cha. Và chàng cũng nghe có tiếng rên than cầu cứu của Khổng Long. Rồi chàng được một hũ bạc mà Khổng Long mách là chôn ở phía tây gốc cây bồ đề.
Ðến phiên người em út, chàng cũng đốt lửa, rồi ngồi dựa vào gốc cây đại thọ cạnh quan tài. Khoảng đầu canh tư, chàng đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng kêu rên từ dưới quan tài vọng lên:
- Xin chàng trai hãy làm ơn kéo chiếc quan tài này lên khỏi miệng ta, ta sẽ biếu một bầu linh dược cải tử hoàn sinh.
Nghe vậy chàng út lấy làm thắc mắc, tại sao quái vật lại không cho ta hũ vàng, hũ bạc như hai anh , mà lại cho một bầu nước thuốc. Nghĩ vậy chàng lên tiếng hỏi quái vật:
- Tại sao lại chỉ cho ta một bầu nước? Nước ấy dùng để làm gì? Cho ta biết ta sẽ cứu.
Con quái vật nói:
- Bầu linh dược ấy linh nghiệm, dùng để cải tử hoàn sinh, người hay vật, dù mới chết hay chết lâu chỉ cần đem nước thuốc vẩy qua thì sẽ sống lại.
Nghe thần Khổng Long nói vậy, chàng út liền đến ngay cây bồ đề trèo lên xem thử. Chàng thấy nơi ngọn cây có một chiếc bầu nhỏ trong đựng đầy nước. Chàng vừa đem được bầu nước ấy xuống thì trời cũng vừa rạng sáng. Chàng định trở lại chỗ quan tài để vẩy nước thuốc cứu người cha, đồng thời cũng là xem thử sự linh nghiệm của thuốc. Nhưng khi trở lại thì không thấy chiếc quan tài nữa, và nơi kẽ đá núi cũng liền lại. Chàng út bèn xách bầu linh dược ra về.
Trên đường về chàng chú ý nhìn xem có con vật nào nằm chết ngang đường để thử xem nước có linh nghiệm không. Bỗng trước mặt một con chó chết trương đã lâu ngày. Chàng bèn cho thử ngay, vẩy linh dược lần thứ nhất thì thấy da thịt con chó liền lại. Vẩy lần thứ hai thì chó thở đều rồi mở mắt sống lại. Chàng út vô cùng mừng rỡ ôm bầu thuốc đi về nhà và kể chuyện xẩy ra với hai người anh.
Từ khi có bầu linh được, mỗi khi nghe tin có ai chết ở đâu là chàng tìm tới. Vì chàng có tài cải tử hoàn sinh chẳng bao lâu đồn khắp xa gần.
Một hôm, trong lúc chàng đi vắng, một bọn côn đồ xông vào nhà lục soát. Bọn cướp tra khảo người vợ chàng, bắt nộp vàng bạc, khi không có gì chúng bèn mổ bụng vợ chàng, moi hết ruột gan vứt đi rồi chuồn thẳng.
Chàng út trở về thấy người vợ hiền đã nằm chết trên vũng máu. Trong lúc đang nghĩ cách cứu sống người vợ, thì con chó trước kia từ ngoài chạy vào. Chàng gọi con chó lại và nói với nó:
- Này chó, trước kia mi đã chết, nhưng ta lại cứu sống cho mi. Nay vợ ta gặp nạn, bị bọn cướp lấy mất ruột gan, mi hãy vui lòng cho ta mượn tạm bộ lòng cho vợ ta rồi ta sẽ lại hoàn sinh cho mi, được không ?
Con chó ngoe nguẩy đuôi bằng lòng. Chàng út mổ lấy bộ lòng của con chó đặt vào thi hài người vợ rồi lấy linh dược vẩy lên khắp thân hình vợ. Bỗng chốc nàng cựa mình rồi mở mắt nhìn chàng vẻ ngơ ngác như vừa qua một giấc ngủ mê. Chàng ôm lấy vợ kể hết cho nàng nghe những việc đã qua. Sau đó chàng bảo vợ lấy miếng giẻ rách để bện làm ruột gan cho chó. Chàng đem đoạn giẻ nhúng bùn non rồi đặt vào bụng chó, dùng linh dược vẩy lên. Con chó sống lại .
Thấy chồng có thứ thuốc lạ, người vợ vô cùng ngạc nhiên và đâm ra tò mò.
Một hôm nhân lúc vắng chồng, nàng bèn lấy bầu linh dược ra, thò hai ngón tay vào bầu lấy nước bôi lên mặt. Nàng soi gương thấy mặt mình trở lên quái dị như mặt quỷ thì hoảng lên, bèn xách cả bầu linh dược trút hết khắp từ đầu đến chân.
Thật kỳ lạ, khi soi lại mình, nàng như không nhận ra mình nữa. Tóc dài chấm gót, nước da trắng như ngọc, mịn màng hồng hào. Nàng xinh đẹp tựa như tiên nữ giáng trần. Sự hoá thân cực kỳ xinh đẹp của nàng làm cho người chồng khi trở về cũng hết sức ngạc nhiên, ngơ ngác.
Thấy chồng nhìn mình không chớp mắt, nàng mỉm cười, rồi nhỏ nhẹ kể lại cho chàng nghe về sự lỡ lầm của mình, và mong chàng tha thứ.
Chàng út hết sức vui mừng khi thấy người vợ trở nên xinh đẹp tuyệt vời như vậy. Nhưng nghĩ lại tiếc linh dược nên chàng đem trồng vào nơi có nước thuốc một khóm hành và một cây quế.
Chưa đầy tuần trăng cây quế đã cao một thước rưỡi, bụi hành cao hơn hai thước.
Tin người vợ chàng út có sắc đẹp tuyệt trần đến tai vua. Nhà vua liền cho quân đến bắt nàng về cung làm vợ. Hai vợ chồng rất mực thương nhau nhưng không giám cãi lệnh vua. Hai người ngậm ngùi chia ly, hẹn ngày đoàn tụ.
Thế rồi, một hôm đang lúc thẫn thờ nhớ vợ, chàng út nghĩ lại được một kế hay. Chàng nhổ hết bụi hành và cây quế bỏ vào hai cái thúng, rồi gánh đi. Ðến ngoài cổng thành nhà vua, chàng rao to:
- Ai mua hành hai thước, quế một thước rưỡi không?
Cứ thế chàng rao đi rao lại ngày một to hơn.
Riêng về người vợ chàng út từ khi bị bắt về kinh thì tự nhiên cấm khẩu, nhà vua đã cho mời các lương y giỏi đến chữa chạy nhưng đều không khỏi. Nhà vua cho bầy mọi trò tiêu khiển, nhưng cũng đều vô hiệu. Vua đã ra lệnh ban thưởng rất hậu cho ai có tài chữa khỏi bệnh cho nàng. Nhưng mọi người đều bó tay.
Bỗng nghe có tiếng rao hàng lạ vào cung thất, nàng định tâm nghe kỹ. Rồi nàng vui sướng gọi một nàng hầu đứng gần đó đến, bảo nó xuống lầu, mời người giao hàng nọ đem hàng vào cho nàng mua. Nhưng vừa nghe tiếng nàng thốt ra, nhà vua đã cho dẫn chàng đến. Nhà vua cho đuổi hết những quân hầu ra ngoài rồi bắt chàng đổi quần rách rưới cho mình. Nhà vua muốn chính mình từ nay sẽ làm cho nàng được khuây khỏa để chịu làm vợ chồng với mình.
Sau khi mặc xong bộ cẩm bào, đội xong hia mão của nhà vua vừa đổi, chưa kịp để cho tên vua ham dâm sắc làm trò mua vui cho nàng, thì chàng út đã ra lệnh cho quân lính bắt trói hắn lại, và truyền lệnh nổi lửa hoả thiêu ngay.
Thấy có lửa hỏa thiêu dưới lầu, người vợ chàng út tưởng nhà vua đã truyền lệnh thiêu sống chồng mình nên từ trên lầu nhảy xuống để cùng được chết chung với chồng trên giàn hoả. Chàng út thấy vợ mình quyên sinh theo vua thì cho rằng nàng đã bội nghĩa, nên cũng đành hủy thân cho xong, bèn nhẩy luôn vào đống lửa tự thiêu.
Khi lửa tàn, bá quan trong triều bàn nhau định lập đền thờ vua và hoàng hậu nhưng không làm cách nào để phân biệt được đâu là sọ vua, nên đành cho lập đền thờ chung và ban lệnh cho bàn dân từ nay muốn đốt lửa bắt kiềng phải dùng ba hòn đá chụm lại, tựa như ba cái đầu của ba người đã chết thiêu chung vậy. Ðó chính là sự tích táo quân.
Thoại 2 Hai vợ chồng nghèo làm nghề thuê mướn. Tuy nhà nghèo nhưng rất thương yêu nhau. Buổi tối thường ngồi bên bếp lửa kể chuyện ca hát cho nhau nghe... Xảy đến một năm mất mùa gây ra tình trạng đói kém khắp nơi. Hai vợ chồng đi tìm việc làm, nhưng không ai nhận thuê nữa. Túng bấn quá, phải đi mò cua bắt ốc, đào củ hái rau về ăn đỡ đói. Không thể chịu đựng được nữa, một hôm chồng bảo vợ: Tôi phải đi nơi xa kiếm ăn, may ra mới thoát khỏi được tình cảnh này. Mình ở nhà chờ tôi trong ba năm, nếu hết ba năm không thấy tôi về, ấy là tôi đã bỏ xác nơi quê người, mình cứ đi lấy chồng khác.
Người vợ khóc lóc thảm thiết nhhưng đành lòng để chồng ra đi. Sau đó, người vợ kiếm được một chỗ làm mướn ở nhà một người tuy không giàu có nhưng vì thương cảnh ngộ nàng nên cố ý giúp đỡ nàng qua khỏi cái khốn khổ. Thời hạn ba năm trôi qua mau chóng. Người vợ vẫn mong ngóng chồng về. Giữa lúc ấy, người vợ của chủ nhà chết. Sẵn có cảm tình với nàng, người chủ ngỏ ý muốn nối duyên cùng nàng. Nàng trả lời:
- Chồng tôi hẹn trong ba năm trở về. Bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng ba năm nữa cho trọn đạo trước đã.
Ba năm nữa cũng lại trôi qua, người chồng vẫn biệt tích. Người chủ thúc giục nhưng nàng còn xin nán chờ thêm một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua và lần này nàng mới tin chồng chết thật. Nàng làm một bữa rượu cúng chồng, đãi họ hàng rồi đến ở cùng người chồng mới.
Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ trở về, làm cho đôi vợ chồng mới cưới không biết ăn nói làm sao. Nhưng người chồng cũ tìm tới trấn an họ: "Tôi vắng nhà lâu quá hạn, nàng đã xử sự rất đúng. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi đây mãi mãi. Mặc dù người chồng mới xin trả lại vợ, và người vợ cũ năn nỉ người chồng cũ ở lại, người chồng cũ vì không nỡ phá hạnh phúc của họ, vẫn nhất quyết ra đi. Nhưng thực ra người chồng cũ trong lòng đau xót, không còn muốn sống, và đã treo cổ tự tử ở cây đa đầu làng. Cái chết của người chồng cũ làm cho nàng bàng hoàng ân hận, tự cảm thấy chính mình là thủ phạm, và tự trách mình không đủ kiên nhẫn chờ thêm ít lâu nữa. Thế là ngày hôm sau, khi dân làng đưa đám người chồng cũ chưa xong, thì mgười vợ mất tích và người ta đã tìm thấy xác người vợ tự vẫn dưới ao bên cạnh nhà. Người chồng mới, sau khi làm ma cho vợ, trở thành người mất trí vì xúc động ân hận trước hai cái chết như thể do mình gây ra: "Tại sao lại đi cướp vợ của người khác". Một hôm, ông ta quyết định đem hết gia sản chia cho họ hàng, đem cúng nhà chùa rồi uống thuốc độc tự tử.
Ở bên kia thế giới, cả ba người đều được đưa tới tòa án của Diêm Vương để định công tội. Theo các lời khai, người chồng cũ sở dĩ chọn cái chết vì vẫn thương yêu vợ không thể sống không có nàng, nhưng lại không nỡ phá vỡ hạnh phúc của người khác, người chồng mới lại nói tuy rất thương mến người vợ mới, nhưng so với người vợ cũ đã chết thì mối tình bên mười bên một, còn người đàn bà thì nói vẫn một lòng thương yêu người chồng cũ mặc dù nặng tình nghĩa với người chồng mới.
Diêm Vương nghe rất cảm động và nhận thấy những người như thế này thật hiếm có nên cần làm thế nào cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi suy nghĩ, Diêm Vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau, và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, Diêm Vương còn phong cho họ chức Táo Quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình trên trần thế
Thoại 3 Hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu không có con, buồn phiền thường cãi cọ nhau. Một hôm giận quá, Trọng Cao đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi gặp Phạm Lang rồi kết duyên với người đó.
Trọng Cao hết giận, hối hận cũng bỏ nhà ra đi tìm vợ. Tìm mãi không thấy, hết cả tiền ăn đường, phải ăn xin lần hồi.
Tình cờ một hôm vào một nhà ăn xin, bà chủ mang cơm ra cho, nhận ra chính là chồng mình. Đôi bên tỏ hết nỗi niềm cùng nhau, nhưng chợt Thị Nhi nghĩ nếu bất thần Phạm Lang trở về bắt gặp thì thật khó ăn nói. Nàng liền bảo Trọng Cao ra tạm ẩn ở đằng sau đụn rơm, để nàng thu xếp sao cho mọi việc được êm thấm. Khi tối Phạm Lang trở về, nhớ đến ngày mai chưa có tro bón ruộng, châm lửa đốt đống rơm để lấy tro... Trọng Cao vì đi nhiều mỏi mệt ngủ say nên bị đốt chết. Thị Nhi cũng đã ngủ, khi thấy đống rơm cháy, chạy ra thì đã muộn, xúc động, thương tiếc quá, nàng nhảy vào đống rơm chết theo người chồng cũ Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót cũng nhảy vào đống rơm chết nốt.
Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa nên mới phong cho làm Táo quan, mỗi người giữ một việc.
Thoại 4 Hai vợ chồng nghèo, chồng đi buôn, vợ làm ruộng nên chồng thường xa nhà thỉnh thoảng mới về, đôi khi đi suốt năm mới về.
Rồi một chuyến đi biền biệt không tin tức, không tiền bạc gởi về Người vợ chờ cả 10 năm vần biệt tích. Sau đó người vợ lấy một người chồng khác làm nghề săn bắn; người này nuôi một đầy tớ tên là Lốc.
Một hôm chồng mới và Lốc đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bất lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén.
Trong khi người đàn bà đi vắng, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy thế, rất đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.
Người chồng mới thương tiếc vợ, cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đày tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là "thằng Lốc". Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.