Bánh tổ ngày tết
Ảnh: Phương Kiều
(TNO) Đối với nhiều người, có lẽ món ăn của những ngày thơ ấu đều là những món ăn ngon. Cho nên, đối với tôi, cái món bánh tổ đơn sơ và hơi “quê mùa” vào những ngày tết ở một vùng chợ huyện xa không có quà bánh gì nhiều, là một món ăn không thể nào quên.
Tôi đã lăng xăng bên mẹ, chờ bà sai biểu để sung sướng tiếp một tay làm thứ bánh này. Tôi nhớ bánh tổ được làm bằng bột nếp trộn đường chảy - một loại đường làm bằng mía còn ở dạng thô, chứa trong khạp da bò - mè, cùng với một vài ống va-ni nhằm tăng mùi thơm hấp dẫn.
Sau khi hòa trộn vừa ý, mẹ tôi cho bánh vào một cái giỏ tre đường kính khoảng gang tay, cao chừng hai lóng tay, đã được lót lá chuối tươi thoa dầu láng bóng. Rắc một lớp mè làm mặt, sau đó xửng bột được cho vô nồi, đem hấp. Bánh chín, bốc ra cho vào dĩa, thoa một lớp nước đường thắng trộn gừng giã nát khiến mặt bóng láng và thơm lừng. Nếu muốn có một chiếc bánh đẹp hơn, người ta quấn quanh chiều cao bánh một lớp giấy hồng điều, phần tiếp giáp mặt bánh được cắt hình răng cưa. Rồi sau đó đem bánh phơi một hoặc hai nắng cho bánh se mình lại.
Những chiếc bánh tổ này được bày cúng rước ông bà chung với các thức ăn khác. Sau khi cúng, ăn uống xong, người ta cắt bánh ra từng miếng nhỏ ăn chơi cho vui miệng. Cái vị ngọt của đường chảy, vị beo béo của bột nếp, mùi thơm của va-ni và vị cay cay của gừng cứ quẩn quanh bên cánh mũi người ta. Ăn như thế đã thích lắm rồi, nhưng bánh tổ còn một cách ăn khác, hấp dẫn hơn, đó là chiên.
Người ta cắt bánh thành từng lát mỏng cho vô chảo mỡ đang sôi. Miếng bánh ểnh cong mình trong chảo được lật lại, và khi mặt này có màu vàng sậm như mặt kia thì bánh được vớt ra. Đợi bánh hơi nguội một chút, cắn một miếng, sẽ nghe mùi thơm của mè cùng vị béo của mỡ hòa thấm vào miếng bánh giòn rụm, dai dai. Ăn “bắt ngây”! Nhưng “ngây” nhất là vào những ngày trời trở lạnh, ăn miếng bánh nóng có vị hơi ngọt của đường, có vị thơm của mè và va-ni, béo ngậy của mỡ, dẻo của gạo nếp được chiên giòn thì quả thật không còn gì sung sướng bằng!
Bánh tổ chỉ xuất hiện trong “ba ngày tết”, một năm mới được ăn một lần, nên nó là “món ngon trông đợi” của nhiều người. Bánh tổ không chỉ có mặt ở trong Nam mà còn phổ biến ở Quảng Nam và là đặc sản của Hải Phòng. Ở địa phương này, bánh tổ có tên thông dụng là bánh cấu, ngoài ra nó còn được gọi là bánh “xì liền cấu”, bánh “xì lồng cấu”…, những cái tên mang đậm âm hưởng Trung Quốc.
Thật vậy, theo người địa phương, bánh cấu có xuất xứ từ Trung Quốc và là một thứ quà biếu tặng dịp tết của người dân vùng biển Hải Phòng. Bánh được làm theo công thức trên có thêm bột gạo pha đường cát trắng. Đây là món quà được nhiều người thích thú khi đến tham quan thành phố biển này vào những dịp xuân về tết đến.
Bánh hồng đào
Ảnh: Phương Kiều (TNO) Mỗi năm, cứ vào dịp gió bấc lao rao thổi, trong ba tuần lễ đầu tháng Chạp, người Tiều (Triều Châu, Trung Quốc) sống tại Việt Nam bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Mỗi gia đình chọn một ngày thuận tiện để làm lễ tạ ơn thần, cầu an, cầu phước tại chùa hoặc tại nhà. Lễ vật không thể thiếu trong ngày này là bánh hồng đào.
Bánh hồng đào còn có tên gọi bánh lá liễu hoặc bánh ba góc. Đây là loại bánh được cách điệu từ quả đào tiên theo quan niệm của người Trung Quốc vốn tượng trưng cho sự trường thọ.
Bánh gồm hai phần: da bánh làm bằng bột há cảo trộn bột nếp nhồi nước sôi pha vài giọt phẩm đỏ để có màu hồng đẹp mắt. Bột ngắt từng viên, cán mỏng. Nhân bánh gồm thịt nạc dăm, tôm khô, nấm đông cô, đậu phộng, tất cả xắt nhỏ, ướp thấm gia vị rồi xào cho thơm.
Nhân bánh hấp chín để nguội, đặt lên miếng bột cán mỏng, túm mép vo tròn, nhận vào khuôn đã thoa sẵn dầu ăn. Gõ khuôn, bánh rơi ra, mặt bánh hiện chữ Thọ trên nền hoa văn đẹp đẽ trên nền bánh hình chiếc lá liễu. Sau cùng đem bánh hấp lại chừng 15 phút. Ngoài ăn bình thường, người ta thường chiên bánh để có cảm giác giòn xốp mà dẻo thơm của da bánh khi thưởng thứ
Loại bánh này khi ăn chấm nước tương pha tương ớt. Bánh hồng đào còn được làm nhưn ngọt (đậu xanh hoặc dừa nạo với đường cát trắng). Loại này vỏ bánh màu trắng, hình tròn, dùng để cúng trả lễ, tạ ơn hoặc mừng thọ.
Bánh tét Trà Cuôn
(TNO) Bánh tét là thức ăn có mặt trong các ngày lễ lạc, giỗ chạp, đặc biệt nhất là dịp Tết Nguyên đán. Có thể nói “không có bánh tét thì không có Tết”. Ở đồng bằng sông Cửu Long, bánh tét phổ biến ở tất cả các tỉnh, nhưng nổi tiếng nhất là bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ và bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).
Trà Vinh là một tỉnh nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng khá “giàu có” về phương diện danh lam thắng cảnh và văn hóa ẩm thực. Bên cạnh ao Bà Om, chùa Cò, biển Ba Động… được nhiều người biết đến, còn có bún nước lèo, bánh giá, bánh ống, bánh gừng, bánh canh Bến Có, trong đó có bánh tét Trà Cuôn.
Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, cách thị xã Trà Vinh khoảng 10km theo hướng quốc lộ 53 đi từ cầu Long Bình. Từ nhiều năm qua, tại chợ Trà Cuôn đã hình thành một “làng” bánh tét “hoành tráng”, thu hút được nhiều khách gần xa đến mua mang về nhà làm quà. Được vậy nhờ hương vị độc đáo của bánh tét Trà Cuôn.
Bánh tét thì khắp Nam Bộ nơi nào chẳng có. Ngoài được gói cúng trong những dịp giỗ chạp, tết nhứt, bánh tét còn là hàng hóa được bày bán ở khắp các chợ. Trong số “hàng hà sa số” bánh tét đó, nổi lên một vài loại bánh tét đặc trưng. Bánh tét ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được gói bằng lá mật cật và bánh tét lá cẩm của Cần Thơ có màu tím đẹp mắt, được nhiều người ưa thích. Để sánh vai cùng bánh tét hai địa phương vừa kể, bánh tét Trà Cuôn có một số đặc điểm độc đáo.
Đầu tiên, để có đòn bánh tét ngon, cần phải có nếp ngon. Đó là loại nếp đặc chủng của địa phương được “ướp” với nước cốt lá bù ngót xay nhuyễn. Hỗn hợp này, khi nấu chín cho màu xanh cẩm thạch đẹp mắt và hấp dẫn với mùi thơm thoang thoảng của nếp và lá bù ngót. Lá bù ngót còn là một dược liệu giúp giải nhiệt, thông tiểu. Riêng nếp dẻo một cách “lạ lùng”. Đặc biệt, bánh tét Trà Cuôn ngon còn nhờ có “bộ” nhưn phong phú. Bánh có 4 loại nhưn: nhưn đậu, mỡ, thịt (10.000 đồng/đòn); nhưn đậu, mỡ, thịt, lòng đỏ hột vịt muối (15.000 đồng/đòn); nhưn tôm khô, lạp xưởng (20.000 đồng/đòn) và nhưn chuối xiêm chín (10.000 đồng/đòn) dành cho những người ăn chay hoặc những ai “ngán” cái sự béo ngậy của thịt mỡ.
Lần dò tung tích, theo tư liệu thì bà cụ Thạch Thị Lý (năm nay khoảng 70 tuổi), người dân tộc Khmer, sống ở xã Hiệp Hòa (Cầu Ngang) được xem là “thủy tổ” của làng bánh tét Trà Cuôn. Những năm 1970, cụ Lý chuyển từ nghề bán bún tươi kiếm sống sang bánh tét vì loại sau này để được nhiều ngày rủi có bị… ế.
Lâu ngày, bánh cụ bán sang Kim Hòa. Thấy cụ “mần” ăn được, bà con lối xóm xã này nghiên cứu cách làm nhưn và gạo nếp, rồi làm theo, hình thành làng bánh xôm tụ như bây giờ. Ngày thường, làng bánh tét Trà Cuôn sản xuất hàng trăm đòn, còn ngày lễ, tết thì hàng ngàn đòn có hơn. Nhờ bánh tét mà cụ Lý nuôi 12 người con trưởng thành, đa số đều gắn bó với nghề “gia truyền” và ai cũng khá giả.