Sau tết ta, nếu có dịp về miền Tây Nam bộ, trên chiếc xuồng máy nổ giòn giã, lướt theo sông Vàm Cỏ Tây rẽ vào các kinh rạch chằng chịt của vùng Đồng Tháp Mười, du khách có thể thấy hai bên bờ kinh màu hoa đào hồng thắm rực rỡ, nở rộ trên những cây ô môi.
Dân cư sống hai bên bờ kinh rạch Đồng Tháp Mười xưa nay đã trồng cây ô môi để ăn trái, thân cho gỗ, cành làm củi nấu bếp. Đến mùa trái chín, người ta leo lên cây hái trái thả xuống kinh, tiếng trái rơi bì bõm thật vui. Mấy đứa con nít bên bờ đua nhau dùng sào kéo trái vào, í ới rân cả đoạn kinh.
Loại cây đặc trưng ở Nam bộĐồng bằng Nam bộ cây trái phong phú khắp bốn mùa, nhưng riêng cây ô môi thì chỉ đơm bông kết trái một lần vào giữa mùa xuân, nên nó được xem là cây đặc sản theo mùa. Theo giải thích của một số người lớn tuổi thì "ô" là đen, "môi" là thịt, vì trái của nó đen từ vỏ ngoài cho đến phần cơm bên trong nên được đặt tên như vậy.
Vỏ trái ô môi có màu nâu đen, có gân nổi ôm tròn từng khía chạy dài từ đầu đến cuối. Trái ô môi hơi cong như mảnh trăng lưỡi liềm, đập vào nhau cành cạch nhưng không hề gãy. Ô môi già chín vừa hái xong có mùi khăn khẳn, chan chát, chẳng mấy ai ăn liền. Theo kinh nghiệm của dân địa phương, trái thu hoạch về đem bỏ dưới nền nhà, càng lâu càng tăng phẩm chất, có thể để đến giáp năm. Bấy giờ trong ruột ô môi càng ôn tính thanh ngọt thuần khiết, toả mùi thơm đặc biệt, ngào ngạt khắp nhà.
Khi gọt tách lớp vỏ bên ngoài, ruột ô môi có màu cà phê nâu đen thật đẹp mắt, hấp dẫn. Cho một miếng ô môi vào miệng, cơm bột mịn màng của nó tan nhanh trong miệng. Vị ngọt lịm như mật ong, hương thơm đặc trưng của ô môi cùng dư vị khăn khẳn, chan chát làm cho người ăn cảm nhận được cái đậm đà riêng biệt của một loài cây trái. Hương vị đồng nội như hoà quyện vào vị giác thật tuyệt vời.
Ô môi, món ngon tuổi học tròĐến mùa, trong các quán ven đường, nhất là trước cửa những trường học, ô môi được chặt ngắn từng khúc, tách vỏ sẵn, là một thứ quà vặt, một món ăn khoái khẩu luôn hấp dẫn các cô, cậu học trò. Ngày trước, thuở còn đi học, ai lại không một lần chia nhau những miếng ô môi ngọt ngào của tuổi hoa niên.
Đặc biệt, hàng hạt bên trong sắp thành chuỗi dài đều đặn, màu hơi ngà như những hạt nút áo. Đám con nít đứa nào cũng ưa, hễ có ô môi ăn là không quên xí phần hạt để chơi búng. Hạt ô môi đem ngâm nước qua hôm sau, lột bỏ vỏ ngoài, luộc lên cắn ăn chơi vừa giòn, béo. Nhai riết hồi lâu bắt ghiền chứ chẳng chơi. Nếu rảnh đem nấu chè, hạt ô môi có khi còn ngon hơn cả hạt me!
Vị thuốc của thiên nhiênTrái ô môi còn là một vị thuốc mà thiên nhiên của vùng đất phía Nam đã ban tặng cho cư dân khẩn hoang. Trong cơm của trái có chứa đường, tanin, saponin, oxalat calci, anthraglucozit… Ô môi ăn sống có tác dụng nhuận trường tốt. Nấu cơm và hạt thành cao có thể để lâu, đây là vị thuốc chữa đau lưng , nhức mỏi hay chữa cả lỵ. Cư dân ở nơi có ô môi thường dùng trái ngâm rượu, mùi thơm, màu lại đẹp. Mỗi bữa cơm làm vài ly vừa là thứ thuốc bổ, giúp ngon miệng, trợ tiêu hoá tốt, vừa trị cả chứng đau lưng nhức mỏi sau cả ngày quần quật lo việc đồng áng.
Gần đây, một số nơi ở miền Bắc thường dùng trái ô môi chín ngâm rượu với tên gọi là trái Canh-ki-na. Có lẽ vì rượu ngâm trái này có màu đỏ như màu của rượu Canh-ki-na, nên người ta gọi như vậy.
Đối với các cụ, khi ăn trầu xong mà có ô môi thế nào cũng phải ăn thêm miếng ô môi vì nó giúp thông cổ, tiêu đàm. Và cái độc đáo là loại cây trái này xoa dịu môi miệng nếu bị phỏng bởi những chất nóng gắt của vôi và cau trong khi ăn trầu gây nên. Còn cánh bợm nhậu lỡ khi quá chén, ăn vài miếng ô môi, nhờ nó mà giã rượu, đỡ bị say xỉn. Lá tươi của cây còn dùng ngâm rượu hoặc giã nát xức vào những chỗ da bị lang ben, lở ngứa cũng mau khỏi.
Theo cách của người Campuchia, dùng vỏ thân cây ô môi đắp lên chỗ bị rắn, bò cạp cắn cũng rất hiệu nghiệm cho việc trừ độc phần nào.
Cây, trái ô môi với nhiều đặc tính hữu dụng, rất gần gũi với người dân đồng bằng nhưng ngày nay ít thấy ở phố thị.
Theo SGTT
