Cám ơn Ngọc Đoá nhiều

Mời Đoá và cả nhà đọc về đám cưới công chúa triều Nguyễn trích trong “Huế Của Một Thời” của Võ Hương An -tốt nghiệp Cao Học Sử, thân phụ là một vị Nhất Đẳng Thị Vệ triều Nguyễn.
nguồn: khoahoc.net
Buổi sáng ngày 15/11/2005, tại một khách sạn thuộc Hòang gia Nhật Bản ở Tokyo, lễ cưới của Công chúa Sayako và chàng thường dân Yoshiki Kuroda đã diễn ra trước sự chứng kiến của 130 khách mời. Sakyo, 37 tuổi, là con gái út của đương kim Nhật Hòang Akihito và Nhật Hậu Michiko, còn chàng rể Yoshiki Kuroda, 40 tuổi, công chức của thành phố Tokyo, vốn là bạn của Hòang tử Akishino, anh trai của Công chúa.
Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này – nói theo kiểu Việt Nam là Con trời lấy chú chăn trâu -- khiến cho hôn lễ của Công chúa không được cử hành chính thức tại đền thờ Nữ thần Amatersaru, mẹ của vị Hòang đế Nhật Bản đầu tiên,như điển lễ hòang gia qui định, và Sayako mất luôn tước hiệu Công chúa, không còn hưởng đặc quyền đặc lợi do tước vị hòang gia mang lại, và trở thành một thường dân như bao người khác. Vì thế, nàng phải lo học lái xe, tập đi siêu thị, tập làm bếp, nói chung là việc tề gia nội trợ bình thường của một phụ nữ. Điều an ủi là Sayako có được món hồi môn trị giá 1.3 triệu Mỹ kim để lo cho cuộc sống tương lai, sống cho ra thể thống con vua, dù không được mang danh hiêu Công chúa nữa.
Cái tin này sẽ làm cho người Việt Nam hòai cổ tự hỏi: vậy công chúa Việt Nam hồi xưa lấy chồng ra sao? Chuyện xa xưa thuộc các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, thì không rõ lắm, nhưng đối với các công chúa Nhà Nguyễn (1802-1945) thì quả thật có nhiều chuyện để nói.
Công chúa, Trưởng Công chúaAi cũng biết khi lên đường vào nam để giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hòang đã mở đường cho hai triều đại mới gồm 9 đời chúa và 13 đời vua cho họ Nguyễn sau này.
Dưới thời 9 đời chúa, con gái của các chúa được gọi là công nữ [1]. Công nữ Ngọc Vạn, vợ vua Chey Chette II, vua Chân Lạp, và công nữ Ngọc Khoa, vợ vua Chiêm Thành, Po Romé, đều là con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), đã vì quyền lợi của dân tộc mà đi làm dâu xứ người.
Dưới thời Nhà Nguyễn, con gái của vua được gọi là Công chúa, ví dụ Công chúa Ngọc Lâm (con gái lớn của vua Đồng Khánh, chị của vua Khải Định), Công chúa Tân Phong, con gái của vua Dục Đức, em vua Thành Thái.
Khi nói tới các công chúa Nhà Nguyễn, người ta lại bắt gặp các danh hiệu như Trưởng Công chúa hay Thái trưởng Công chúa. Cũng như các hòang tử, các công chúa cũng được phong tước. Trưởng Công chúa là một tước hiệu, không có nghĩa là công chúa lớn, công chúa trưởng, như khi ta gọi con trưởng, con thứ. Vì vậy vua có thể có nhiều trưởng công chúa. Năm 1839. vua Minh Mạng đã gia phong lần lượt cho bốn bà trưởng công chúa thứ nhất, thứ nhì, thứ ba và thứ năm các tước hiệu là Bình Thái Công chúa, Bình Hưng Công chúa, Bảo Lộc Công chúa và Bảo Thuận Công chúa, và ban cho ruộng để ăn lộc. Còn Thái Trưởng Công chúa là tước hiệu của vua gia phong cho công chúa thuộc hàng chị hay em của vua cha.
Khi được phong, công chúa được được ban mũ áo và ngân sách. Ngân sách là cuốn sách làm bằng những tờ bạc dát mỏng, khâu lại bằng những vòng bạc, khắc chạm bản văn sắc phong.
Công chúa hạ giáXin đừng nghe hai chữ hạ giá mà nghĩ rằng công chúa cũng được hạ giá để sale, như thường thấy xảy ra trên thị trường.
Công chúa hạ giá nghĩa là công chúa lấy chồng.
Hạ 下ở đây có nghĩa là hạ mình khiêm tốn; giá 嫁 là lấy chồng. Công chúa vốn thuộc hàng cao quí, cành vàng lá ngọc, không có người môn đăng hộ đối để kết duyên nên phải khiêm tốn hạ mình để lấy chồng (dù chồng cũng thuộc hàng con quan lớn chứ chẳng phải dân giả tầm thường gì).
Léon Sogny, trùm mật thám Trung kỳ thời Pháp thuộc (trước 1945) khi viết bài về việc việc gả chồng các bà công chúa Nhà Nguyễn, có nhắc đến một truyền thuyết nói rằng khi công chúa đi lấy chồng thì được ban cây kiếm, chứng tỏ uy quyền, còn người đi cưới công chúa, chỉ được cho cây roi mây, chứng tỏ thân phận thấp kém hơn. Theo Sogny, chắc chuyện đó xảy ra thuở xa xưa đâu ở bên Trung Hoa, chứ ở Việt Nam thì không thấy dấu vết sử sách gì. [2]
Sáu lễ lấy chồngQui định đầu tiên về nghi lễ gả chồng cho công chúa được ban hành vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Sau đó, trải qua các triều , từ Gia Long (1802-1819) -- là lúc cử hành đám cưới công chúa đầu tiên vào năm 1805-- cho tới Duy Tân (1907-1916), thì thủ tục công chúa hạ giá đã được thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, trong nét chính vẫn không ngòai sáu lễ (lục lễ)
Khi công chúa được 16 tuổi, vua ra lệnh cho Bộ Lại và Bộ Binh lập danh sách con trai các công thần văn võ từ chánh nhị phẩm trở lên, với tờ trình chi tiết, để dâng lên vua. Trong danh sách, kê rõ tên họ, quê quán tuổi tác (tối thiểu phải 16 tuổi). Chỉ những thanh niên chưa vợ, không tàn tật, mặt mày sáng sủa, nếu không đẹp trai thì cũng dễ coi, thông minh, có học, mới được đưa vào danh sách. Bấy giờ vua mới ra chiếu chỉ cử một Hòang thân [3] làm Chủ hôn, tức người thay mặt vua chủ trì hôn lễ, và một viên đại thần làm Chiếu liệu, nghĩa là người đứng ra tổ chức lễ cưới. Hai quan Chủ hôn và Chiếu liệu mời các ứng viên có tên trong danh sách đến gặp mặt, hỏi chuyện, kiểu như những cuộc phỏng vấn tuyển người ngày nay, rồi lựa ra năm sáu người được xem là khá nhất, tâu lên vua. Vua sai Khâm Thiên Giám so đôi tuổi, tuổi nào hợp thì tâu lên. Vua duyệt lần cuối, chấp thuận người nào thì chấm một chấm son (châu điểm) lên tên người đó. Với quyết định này, guồng máy cưới hỏi bắt đầu chạy. Vị Chủ hôn thông báo cho nhà trai biết quyết định của vua để phối hợp tiến hành. Khâm Thiên Giám được lệnh chọn ngày lành tháng tốt để công chúa hạ giá và nhà trai đi sáu lễ. Người chồng tương lai của công chúa sẽ được phong làm Phò mã Đô úy, một phẩm hàm vào hàng tòng tam phẩm, nên Phủ Nội vụ [4] cũng được lệnh cấp triều phục, và cấp tiền bạc để chú rể có phương tiện tậu nhà cửa mới (gọi là phủ đệ) và vật dụng trong nhà ngõ hầu công chúa về ở cho ra thể thống con vua. Có lẽ tùy gia tư của chú rể giàu hay nghèo, và tùy tình hình tài chánh của quốc gia, mà số tiền trợ cấp này thay đổi chứ không có lệ nhất định. [5]
Nếu đọc những qui định trong Hội điển về hôn lễ của công chúa, có lẽ nhức đầu mất, vì thủ tục thay đổi luôn, thay đổi qua từng triều đại(ví dụ Gia Long khác Minh Mạng), thay đổi trong chính triều đại đó (ví dụ qui định của năm Gia Long thứ 7, 1809, khác với năm Gia Long thứ 4, 1805). Sự khác nhau này thể hiện ở chủng lọai và số lượng lễ vật, nơi làm lễ, và nhật kỳ làm lễ. Hãy lấy một vài ví dụ để thấy rõ sự đổi thay đó. Năm Minh Mạng thứ 14 (1834), vua xuống dụ quị định 6 lễ đi cưới công chúa cùng lễ vật như sau:
- Lễ nạp thái (lễ hỏi): vàng 20 lượng, bạc 100 lượng, trầu 2 mâm, cau 2 mâm;
- Lễ Vấn danh (hỏi tên tuổi): trâu 1 con, heo 2 con lớn, rượu hai bình;
- Lễ Nạp cát (báo tin đôi tuổi đều tốt): gấm 4 tấm, lĩnh màu 10 tấm, sa màu 10 tấm;
- Lễ Nạp trưng (báo ngày cưới ): trầu 2 mâm, cau 2 mâm, rượu 2 bình;
- Lễ Thỉnh kỳ (xin ngày cưới):bò 1 con, dê 2 con, rượu 3 bình;
- Lễ Điện nhạn (nộp chim nhạn, nộp lễ để rước dâu): chim nhạn 1 đôi, 1 hộp kim chỉ, 100 đồng tiền cổ, vàng 20 lượng, bạc 100 lượng;
Trong những qui định dưới triều Minh Mạng vào các năm 1824 (Minh Mạng thứ5), 1833 (Minh Mạng thứ 14), khi nói về 6 lễ, không thấy nói đến lễ Thân nghinh, là rước dâu, mà có vẻ như lễ này gồm luôn trong lễ Điện nhạn. Qua các đời sau, lại không thấy đề cập tới Thỉnh kỳ, nhưng lại có lễ Thân nghinh tiếp theo sau Điện nhạn.[6]
Đến năm 1846, khi gả hai người con gái, vua Thiệu Trị đã xuống dụ đại ý nói rằng, ngày xưa, vua Nghiêu gả hai người con gái cho vua Thuấn và Vi Nhuế, có đòi hỏi lễ vật gì đâu, chỉ lấy hai tấm da hươu là sính lễ; nay vua gả hai con gái cho các đại thần, vốn thanh liêm và trung thành, tại sao lại đòi nhiều lễ vật. “Vậy 6 lễ cưới, cho tùy theo cảnh nhà giàu nghèo mà sắm sửa, không nên ấn định lễ vật. Bộ Lễ bàn định các thứ phẩm vật, chớ nên bày đặt quá nhiều.” [7]
Lại trước kia, sau khi chỉ định quan Chủ hôn, thì mọi tiếp xúc và tiến nạp lễ phẩm đều diễn ra ở dinh phủ Chủ hôn, nay vua quyết định rằng (1843) khi đám cưới các công chúa, sẽ dựng tạm một ngôi nhà, gọi là Thể bằng, trong khuôn viên Tôn Nhơn Phủ [8] , để có chỗ thuận tiện cho quan Chủ hôn làm việc với cả hai bên, mọi lễ nghi đều diễn ra ở đó. Mặt khác, trước kia, để tiến hành 6 lễ, Khâm Thiên Giám phải chọn 6 ngày khác nhau, công việc kéo dài, nên năm 1845, theo đề nghị của các quan, vua quyết định rút lại trong ba ngày, mỗi ngày tiến hành hai lễ.
Do đó, khi nói về lễ cưới của một công chúa nhà Nguyễn cũng nên biết rõ lễ cưới đó diễn ra dưới triều vua nào, trong khỏan thời gian nào, để khỏi hiểu lầm có sự đúng, sai hay mâu thuẩn giữa cái biết của người đọc và sự trình bày của người viết.
Đám cưới điển hình của một công chúa Nhà NguyễnNăm 1907, Công chúa Châu Hòan,[9] con vua Dục Đức, em vua Thành Thái, được 16 tuổi. Triều đình phải lo kiếm chồng cho công chúa. Giữa các ứng viên, ông Nguyễn Hữu Liễn (Khâm) -- con trai của Vĩnh Lại Quận công Nguyễn Hữu Độ -- nổi bật, lại được sự ủng hộ của Khâm sứ Trung kỳ, nên trúng tuyển Phò mã. Sau khi được vua chấp thuận [10], Bộ Lễ yêu cầu Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt để cử hành các lễ nghi cần thiết. Chú ruột của cô dâu, Hưng Nhơn Công Vĩnh Liêm, tục gọi là Ông Hòang Mười, được cử làm Chủ hôn, và Thống chế Tôn Thất Phương được cử làm Chiếu liệu. Theo qui định đã được ban hành từ đời Thiệu Trị (1843), quan Chiếu liệu cho người dựng lên trong khuôn viên Tôn Nhơn Phủ,một nhà rạp lớn, ba gian hai chái, kết hoa đẹp đẽ, nghiêm trang, để tiện cho hai bên tiếp xúc và làm lễ. Gian giữa đặt một hương án, trước hương án là một cái bàn sơn son dùng để những lễ vật quí hoặc không kềnh càng; khi làm lễ, gian bên trái là vị trí của quan Chủ hôn, gian bên phải là vị trí của quan Chiếu liệu. Bộ Lễ cũng yêu cầu Tôn Nhơn Phủ chọn một người trong Hòang tộc, đang làm quan lớn, vợ chồng song tòan, để đại diện cho nhà gái; chọn hai viên chức làm Chấp sự để lo tổ chức đòan đưa dâu, lại chọn hai nữ quan để giúp đở và chuẩn bị cho Công chúa những việc cần thiết khi về nhà chồng. Một viên quan khác(văn hoặc võ), đang tại chức, vào hàng chánh tam phẩm trở lên, vợ chồng song tòan, cũng được đề cử để thay mặt nhà trai trình lễ vật lên Chủ hôn. Theo tờ tâu ngày 18/11 năm Duy Tân thứ 1 (22/12/1907) của Bộ Lễ, do Sogny dẫn lại trong B.A.V.H., ngày đám cưới được ấn định là 21 tháng 11 âm lịch, tức 25/12/1907, và thấy ghi lại có 4 lễ chính là Nạp thái, Nạp trưng, Điện nhạn và Thân nghinh, thay vì 6 lễ như xưa nay.
Trước khi đi vào các lễ chính thức , hai bên nhà gái và nhà trai đều có những lễ chuẩn bị riêng. Sau khi đã định ngày cưới, quan Chủ hôn và đại diện Bộ Lễ phải làm một lễ tế tại điện Long Ân [11]để kính cáo với tổ tiên về việc gả chồng cho Công chúa Hòan Châu. Trước ngày cưới 3 ngày, vào ngày 18/11, dưới sự hướng dẫn của quan Chủ hôn, Công chúa mặc lễ phục đến làm lễ tại điện Long Ân, bái biệt tổ tiên để đi lấy chồng. Ngày 19/11, các quan Chủ hôn, Chiếu liệu và Phò mã tương lai đều mặc phẩm phục đại triều vào điện Cần Chánh làm lễ bái mạng, [12] để thi hành nhiệm vụ vua giao. Hôm trước ngày rước dâu, chú rể cũng lo tổ chức một lễ cúng tổ tiên tại nhà để kính cáo về việc sắp cưới vợ.
Vào ngày tiến hành lễ Nạp thái và Nạp trưng, đúng giờ Tị (9-11 giờ sang)thì quan Chủ hôn cùng các quan và các mạng phụ (vợ quan lớn) mạng quan (vợ quan nhỏ) đều đã sẵn sàng tại nhà lễ trong Tôn Nhân Phủ. Quan Chiếu liệu hướng dẫn phái đòan nhà trai đến cổng Tôn Nhơn Phủ thì dừng lại và cho người vào báo cho Chủ hôn biết. Chủ hôn cử hai đôi vợ chồng quan cấp nhỏ ra cổng đón nhà trai vào. Các lễ vật quí, nhẹ, như: 10 lượng vàng, 100 lượng bạc, 4 cây the màu, 4 cây nhiểu màu thì đặt trên cái bàn sơn son đặt trước hương án. Còn các lễ vật cồng kềnh như 2 mâm cau, 2 mâm trầu, hai bình rượu, hai bò, hai heo lớn và hai dê đực thì để cả ngòai sân, ngay trước gian giữa. Quan Chủ hôn vào lạy 5 lạy, kế đó quan Chiếu liệu và tùy tùng lần lượt đến vái ra mắt Chủ hôn. Xong phần nghi thức này thì hai họ được mời vào ngồi vào bàn dùng trà, và dự tiệc rượu do nhà trai khỏan đãi. Chi phí của tiệc rượu do chú rể đài thọ.
Xong tiệc, nhà trai rút về, chuẩn bị cho lễ Điện nhạn và Thân nghinh, tức lễ chính thức vào hôm sau. Riêng quan Chủ hôn ở lại, viết tờ sớ tâu lên vua về diễn tiến của lễ Nạp thái và Nạp trưng vừa qua, xong giao cho một viên quan dưới quyền đem tờ sớ cùng lễ vật do nhà trai đem đến vào cửa Hưng Khánh [13]của Tử Cấm thành để đệ nạp lên vua.
Đến ngày làm lễ Điện nhạn và Thân nghinh, quan Chiếu liệu, sau khi kiểm sóat lễ vật đầy đủ, cho lệnh đòan nhà trai tiến đến Tôn Nhơn Phủ, chờ đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì xin vào nạp lễ. Lễ vật lần này có nữ trang, một hộp kim và chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền cổ, hai con ngỗng và các thứ khác. Phò mã vào lạy 5 lạy, xong nhà trai kéo đến túc trực trước chỗ cư ngụ của công chúa để chờ giờ rước dâu. Ở đó, tấp nập người ta, nào các quan và các mạng phụ, mạng quan, khăn áo chỉnh tề chờ đưa dâu, nào các nữ quan và thị nữ, nào lính hầu sẵn sàng với võng, lọng, kiệu, và dụng cụ khiên gánh tư trang v.v. Đúng giờ, Công chúa được phò ra, đưa lên kiệu. Phò mã cỡi ngựa đi trước dẫn đường, kế đến là quan Chủ hôn, rồi đến kiệu của Công chúa, sau đó là đòan đưa dâu. Tới phủ đệ mới của Công chúa, Phò mã xuống ngựa, chực sẵn ở cổng, chờ kiệu dừng, liền đến vén rèm để Công chúa bước xuống. Lần đầu tiên hai bên chào nhau, xong Phò mã đưa Công chúa vào nhà, buông rèm.
Trong khi nhà ngòai hai họ dự tiệc do nhà trai khỏan đãi thì nhà trong Phò mã và Công chúa làm lễ Hiệp cẩn [14] do Bộ Lễ hướng dẫn. Ngày hôm sau, 22/11, Công chúa làm lễ ra mắt cha mẹ chồng. Ngày 23/11, Công chúa làm lễ trình điện trước bàn thờ gia tiên nhà chồng. Ngày 26/11, cả hai vợ chồng mới cưới vào Tử Cấm thành lạy chào tạ ơn vua và các bà Thái hậu. Cũng hôm đó, họ đi cảm ơn quan Chủ hôn.
Đến đây thì hôn lễ của Công chúa Châu Hòan mới thực sự chấm dứt để trở lại đời sống bình thường.
Chuyện Công chúa và Phò mãMặc dầu lệ định rằng hễ công chúa được 16 tuổi là phải tiến hành việc kén phò mã, nhưng không phải bao giờ cái mốc 16 cũng được tôn trọng. Lý do là có những biến cố bất ngờ xảy ra làm trì hõan . Năm 1847. vua Thiệu Trị băng hà, sau non 7 năm trị vì. Đại tang kéo dài trong 3 năm phải tuyệt đối tuân thủ. Vì vậy, đến khi mãn tang vào năm 1851 thì tính ra có đến 30 công chúa con của các vua Minh Mạng và Thiệu Trị, nghĩa là hai thế hệ, ở trong tuổi lấy chồng, mà vua Tự Đức phải chu tòan. Bấy giờ xảy ra hiện tượng cầu lớn hơn cung, làm cho hai chữ hạ giá từ một nghĩa trang nghiêm ban đầu, giờ lại mang một ý nghĩa khác, rất thông tục, là “hạ giá”. Không kiếm đâu ra cho đủ số con trai chưa vợ, của các công thần từ nhị phẩm trở lên, để kén phò mã, triều đình quyết định chấp nhận ứng viên trong hàng quan lại văn võ từ tam phẩm. Theo sự ghi nhận của Sogny qua lời kể của những người hiểu biết thời đó, thi cứ một công chúa, người ta lựa lấy năm ba ứng viên có tuổi phù hợp theo can chi, viết tên, bỏ vào ống và bốc thăm, trúng tên ai thì người đó được kén làm Phò mã!

Công chúa và Phò mã trong đám cưới 1907Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua định rằng khi đi lấy chồng, các trưởng công chúa con của hòang hậu được trợ cấp 50,000 quan, còn các trưởng công chúa con của các phi tần được ấp 30,000 quan.. Qua năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua định lại rằng chỉ có trưởng công chúa là con gái đầu của hòang hậu mới được cấp 50,000 quan, còn các trưởng công chúa khác, cũng con của hòang hậu, thì được 40,000 quan. Đối với các công chúa do các phi tần sinh ra, thì người con gái đầu được cấp 30,000, còn các người khác chỉ được 20,000 mà thôi.
Như ta đã biết, chồng của công chúa được phong làm Phò Mã Đô úy. Đó là một vinh hàm, được hưởng trợ cấp nhưng không có thực quyền. Phò mã được cấp 50 lính hầu đặt dưới sự chỉ huy của một Đội trưởng, nhưng có lẽ cái đặc quyền này chỉ có từ đời Tự Đức trở về trước mà thôi. Làm Phò mã như thế thì cũng có vẻ danh giá thật, nhưng trong xã hội đa thê thời trước, Phò mã rất thiệt thòi, ấy là không được lấy vợ lẽ, ngọai trừ trường hợp bà chúa không con! Người ta không nói tới chỗ ở của Phó mã, người ta chỉ nói tới “phủ của Bà Chúa”. Các con của bà chúa đều được gọi là mệ, cũng giống như bên các ông hòang vậy. Ra ngòai xã hội, người ta không nói mệ là con của ông phò mã nào, nhưng nói “mệ X. là con Bà Chúa Y” Quả thật phò mã chỉ là một bóng mờ bên cạnh một bà vợ cành vàng lá ngọc. Điều này còn biểu hiện rõ rệt hơn khi trong cung đình có yến tiệc hay lễ hội gì đó thì bà chúa được mời còn phò mã thì không.
Nói thế, không phải phò mã nào cũng chỉ là cái bóng của bà công chúa. Có những phò mã có tài, ra làm quan, văn hoặc võ, lập công trạng lớn, làm quan to. Tiếng tăm trong lịch sử, có thể kể Chưởng Hậu quân Hòai Quốc Công Võ Tánh, em rể vua Gia Long,tử tiết ở thành Bình Định năm 1801, và Phò mã Nguyễn Lâm, con trai của Nguyễn Tri Phương,tử trận khi thành Hà Nội thất thủ vào tay Francis Garnier năm 1873. Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân,nhân vật quan trọng của chính trường Miền Nam thời Đệ I Cọng Hòa (1956-1963) là cháu ngọai của một bà công chúa. Đó là Công chúa Như Phiên, con vua Đồng Khánh (1885-1889) vợ của Học Bộ Thượng thư Thân Trọng Huề. Họ Thân là một trong những thế gia vọng tộc của Huế, và vì vậy, không phải chỉ có một Phò mã vừa nói.
VÕ HƯƠNG-AN
12/05
Tài liệu tham khảo:
-NỘI CÁC, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, bản dịch của Viện Sử Học, nxb Thuận Hóa, Tập IV, 2004. Gọi tắt Hội điển.
-ĐÒAN KHÓACH, Công chúa hạ giá, niên san Tiếng Sông Hương, Dallas, 1993.
-L. SOGNY, Cérémonial d’autrefois pour le mariage des princesses d’ Annam, B.A.V.H., No3, 7-9/1934
[1] Dưới thời các vua Nhà Nguyễn (1802-1945) công nữ là từ dùng để gọi con gái của c ác hòang tử.
[2] L. SOGNY, Cérémonial d’autrefois pour le mariage des princesses d’ Annam, B.A.V.H., No3, 7-9/1934, tr. 152
[3] Anh em chú bác của vua.
[4] Cơ quan trông coi mọi kho tàng của vua.
[5] Ví dụ; trong đám cưới con gái út của vua Minh Mạng dưới đời Tự Đức, phò mã được cấp 6,000 quan tiền, trong đó 2,000 quan để sắm phủ đệ, 2,000 quan để sắm lễ vật đi cưới, và 2,000 quan để sắm tư trang. Songy lại dẫn một trường họp khác, phò mã được cấp 3,000 quan để xây phủ đệ và 30,000 quan để sắm các thứ khác, chẳng hạn áo quần, nữ trang, vật dụng trong nhà v.v.
[6] Có lẽ vì vậy, các dịch giả của Viện Sử Học khi dịch tới phần Công chúa lấy chồng đã phải chú thích rằng “Việc qui định 6 lễ của lễ cưới, có nhiều chỗ ghi khác nhau. . . “ (Hội điển, tr. 250
[7] ĐNĐL, Tập IV, tr. 251
[8] Cơ quan quản lý những người thuộc Hòang tộc.
[9] Châu Hòan là tên lúc còn con gái; sau dược phong là Công chúa Tân Phong. Người Huế thời đó đều gọi là Bà Chúa Tám (vì là con thứ 8), có phủ đệ ở Kim Long. Sòng bài Bà Chúa Tám là một casino lón và hợp pháp ở Huế lúc bấy giờ.
[10] Nói “vua chấp thuận” là nói cho đúng bài bản. Sự thực là Hội đồng Phụ chính, vì lúc bấy giờ vua Thành Thái (1889-1907) đẽ bị ép thóai vị, và con là vua Duy Tân vừa lên ngôi, mới 8 tuổi, chưa đủ hiểu biết để quyết định.
[11] Điện Long Ân nằm trong An lăng, là lăng của vua Dục Đức. Trước kia, lễ kính cáo tổ tiên về việc gả chồng cho công chúa và việc công chúa làm lễ bái biệt tổ tiên để đi lấy chồng đều diễn ra tại các miếu. Năm Minh Mạng thứ 14 (1834), vua cho rằng tôn miếu là chỗ tôn nghiêm, không nên đem những việc tầm thường như thế ra làm ở đó.
[12] Lạy vua 5 lạy để thi hành nhiệm vụ đã giao. Trong trường hợp không có mặt vua, thì các quan hướng về cái sập để giữa điện Cần Chánh, lạy 5 lạy. Trong trường hợp này gọi là bái vọng.
[13] Cửa phía đông của Tử Cấm thành.
[14] Vợ chồng giao bái và cùng uống rượu, ăn món ăn chung.
__________________