
Đón người bạn gái rất thân về thăm đất nước sau nhiều năm xa cách, tôi muốn bạn ở chơi với tôi lâu lâu cho thỏa lòng mong nhớ. Tôi đưa bạn đi thăm núi Ngũ Hành, chùa Non Nước, thánh địa Mỹ Sơn, chùa Cầu Hội An, bảo tàng Chăm

a, sông Hàn tươi đẹp…Khỏi cần hướng dẫn viên du lịch, tôi thao thao về văn hóa Chăm, kể cho bạn nghe sự tích vũ điệu Tiên Sa…Bạn tôi khen ngợi lắm:
- Nè, định dành nghề người khác hả, sao thuyết minh rành dữ vậy! Tôi cười thanh minh:
- Không phải đâu. Chồng mình chính gốc Quảng mà!
Danh lam thắng cảnh nơi tôi đang ở cùng gia đình riêng tuy không nổi đình đám bằng Huế nhưng cũng thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Còn hai nơi chưa kịp đến: Suối Hoa và Bà Nà thì Hạnh nôn nao bảo:
- Mình nhớ Huế quá, mai về thăm thôn Vỹ để ngắm nắng hàng cau cho thỏa… Tôi đành phải chìu ý cô nàng.
Tôi không dám nói với Hạnh: Thôn Vỹ ngày xưa thuở hai đứa và lũ bạn gái học Văn Khoa đèo nhau trên mấy chiếc xe đạp cà tàng về Vỹ Dạ ăn chè Cồn, bắp luộc, thả hồn theo câu thơ Hàn Mặc Tử, giờ chỉ còn trong… mơ! Sợ bạn tôi bỡ ngỡ nên tôi cũng có vài câu rào giậu, che chắn:
- Chừ, Huế vẫn giữ nét cổ kính nhưng cũng có phần hiện đại hơn một chút, quang cảnh có nơi hơi đổi khác đôi nét.
Hình như bạn đang thả hồn về quá khứ nên không trả lời.
Xe qua Đập Đá rồi xuôi về Vỹ Dạ… Hạnh tâm sự :
- Xa quê, mình nhớ nhất là hàng cau trong nắng ban mai, đẹp dễ sợ! Những giọt sương lung linh đọng trên những tàu cau như muôn ngàn ngọn nến ai đó thắp lên trong bầu trời trong vắt ánh bình minh!...
Tôi cắt lời Hạnh:
- Vỹ Dạ đây rồi! Mình xuống xe rồi đi ăn chè bắp.
Nhưng Hạnh không chịu :
- Còn xa mới tới thôn Vỹ. Vỹ Dạ nhiều cau và cây xanh lắm mà. Nhà rất rộng thường có cổng và những khu vườn thì bát ngát…
Hạnh đưa mắt có ý tìm những hàng giậu xanh ngày trước, những hàng cau thẳng tắp bao quanh khu vườn và những ngôi nhà cổ kính có bức bình phong chữ điền ẩn sau cành trúc mảnh mai… Tôi nghe Hạnh lẩm bẩm giọng Huế “mô rồi hè?”… Hình như Hạnh đang cố tìm lại vẻ mộc mạc nhưng đài các của Vỹ Dạ xưa thì phải…
Trước mắt Hạnh bây giờ là con đường bê – tông thẳng tắp, nhà cửa san sát, quán xá dày đặc, người qua lại đông đúc, xe cộ nghìn nghịt xông bụi vào mặt… Hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng rất mới che khuất những ngôi nhà cổ còn sót lại bên trong những con đường nhỏ. Thỉnh thoảng cũng có vài khu vườn và những cây cau đẹp dáng lấp lánh ánh nắng ban mai nhưng hình như cau cảm thấy lạc lõng chơ vơ trước một rừng nhà hiện đại nên không còn nét thơ mộng của ngày trước! Tôi nghe được một tiếng thở dài ngao ngán…
Tôi cười an ủi Hạnh:
- Thôi mà, theo thời gian, vật đổi sao dời có chi mà lạ chứ. Ngày trước, ngôi nhà xưa xây theo mỹ quan phong kiến, bây chừ kiểu dáng tân thời cho văn minh mà. Bạn nên gọi chính tên Vỹ Dạ chứ đừng nói là thôn Vỹ mà sinh ra buồn bã, bâng khuâng vì ám ảnh một vùng thôn quê xanh mướt cây lá…
Tôi cũng định trêu Hạnh: “ Thì cũng như bạn - trước đây mặc áo dài trắng tinh đi guốc mộc, hàng ngày qua con đò Thừa Phủ đến trường Đồng Khánh. Trong sương mù dày đặc của xứ Huế mộng mơ ai đó “ nhìn không ra” mà! . Chừ thì bạn mặc váy đầm mang giày bốt, đeo kiếng mát màu đen kiểu dáng rất hợp thời trang.”
May mà tôi kịp thấy giọt nước mắt rơi trên má Hạnh nên nín thinh. Hạnh rên rỉ :
- Mình định chụp nhiều kiểu ảnh đẹp của thôn Vỹ để sang khoe với bạn bè bên Pháp. Họ ngưỡng mộ thơ Hàn Mặc Tử lắm!
Tôi bật cười:
- Thì bạn cứ tha hồ chụp ảnh Vỹ Dạ, ai cấm chứ! Tôi lấy máy ảnh bảo Hạnh đứng tựa vào cây cau ở quán cà - phê Vỹ Dạ Xưa làm nền:
- Nè, chuẩn bị, mình bấm máy!
Hạnh xua tay nói:
- Thôi mình hơi mệt!
Tôi khẩn khoản:
- Thì chụp một kiểu cũng được mà, để làm kỉ niệm!
Tôi dắt bạn len lỏi vào một con đường nhỏ, tìm đến một ngôi nhà còn giữ lại khu vườn trồng cau và cả hàng giậu có cây đang ra hoa tim tím rất đẹp để bạn tôi chiêm ngưỡng cho nguôi ngoai bớt nỗi niềm nhớ thôn Vỹ ngày trước. Hạnh nhìn lên một cây cau, ngắm rất lâu, cảm động mắt ngân ngấn nước… Tôi thầm cảm ơn chủ nhân khu vườn vẫn duy trì sự hiện diện của hàng cau quí hiếm để bạn tôi ngắm nghía và để cho tôi còn gọi được tên : Vỹ Dạ mến yêu ơi! Tôi nói nhỏ với Hạnh:
- Vẫn còn cau và vài mảnh vườn xanh tốt… Ít còn hơn không có!
Hạnh trầm ngâm không nói chi hết.
Tối hôm đó Hạnh trằn trọc khó ngủ, sáng ra Hạnh đưa tôi đọc bài thơ:
NỖI NIỀM THÔN VỸ
Thôi đừng mơ hàng cau thôn Vỹ
Nắng ngủ quên cây cũng buồn lây
Vườn xanh mướt xa rồi một thuở
Nhớ nhung chi ai đó thầm thì !
Đường Vỹ Dạ còn đâu trầm mặc
Gió vẫn thổi, mây trôi xa lắc
Tìm nơi mô một chút hương xưa
Có chăng là ở trong đôi mắt!
Về quê hương chợt dạ ngẩn ngơ
Khách đường xa khao khát vần thơ
Dòng
sông trăng chìm trong dĩ vãng
Để cho ai mãi mãi đợi chờ!
Tôi biết Hạnh muốn tìm lại Huế xưa với những kỉ niệm thời con gái khi hai đứa còn cắp sách đến giảng đường đại học Văn Khoa nghe Thầy bình thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng làm sao bắt thời gian quay trở lại được… Mái tóc mượt mà của Hạnh và tôi cũng nhuộm màu sương muối, dòng đời thì mãi trôi…Tôi ngậm ngùi nhìn dòng Hương chảy lặng lờ phía trước mặt, lòng bâng khuâng nhớ đến câu thơ xưa “Thế gian biến cải vũng nên đồi…” mà nghe một nỗi buồn man mác len nhẹ vào hồn !
Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm
Huế, 2009
Chú thích của tác giả :
-Chữ in nghiêng trong bài thơ là của nhà thơ Hàn Mặc Tử .
-Ngôi nhà ở Vĩ dạ với những cây cau dẹp dáng