Trường Nữ Trung học Lê văn Duyệt năm xưa, sẽ tổ chức Đại hội Thế giới kỳ 2 vào ngày Chủ nhật, 21 tháng Tám 2011 tại San Jose. Trong thời gian chuẩn bị, tình cờ tôi có dịp được gặp nhiều chuyện khi vui khi buồn và có lúc cũng làm tôi nhức cái đầu. Số là tôi và quí Cô trong ban Cố Vấn mới kết nghĩa làm anh em ruột (dư) nên có tham vọng lập ra ban Tứ ca, mục đích để hát hỏng giải trí và dự định sẽ tưng bừng khai trương vào ngày thứ Bẩy, tiền ĐH sắp tới. Tuy già đầu nhưng chắc còn ngây thơ, nên tôi nghĩ cứ đem nhau lên sân khấu...đồng ca là vui rồi, đâu có gì phải lo lắng nữa. Ai ngờ sự đời lại không dản dị như vậy. Tôi bèn hăng hái rủ Ba Cô đến nhà tập hát, nhân thể cô con gái út mới tặng cái máy karaoke nên rất thuận lợi. Thật bất ngờ, Cô Năm Thu hỏi : hát live hả ? Tôi bèn : yes, chứ sao! Cô cười vô tư, thế thì tôi chỉ làm thợ "vịn" thôi đấy nhé, sức mấy mà hát với hò, không sợ khán giả đòi lại tiền hả ! Quay qua Cô Ba Vân, như thường lệ, Cô trả lời rất tự nhiên : ai sao tôi vậy nghĩa là cũng "vịn" cho tiện việc...sổ sách. Riêng Cô Tư Mai, đã học 4 khoá về ca hát nên có nhiều kinh nghiệm, phân tích một cách khôn ngoan : Anh Hai à, đến ca sỹ nhà nghề cũng không dám hát live, lựa là ca sỹ tài tử như anh em mình, ta cứ "nhép" là chắc ăn như bắp, phải không Anh ? Té ra, từ thuở ban đầu đến nay, Quí Cô và quí em thân mến đều đã đồng lòng hát giả vờ, và các bài hát đã được thâu từ trước cả rồi. Chỉ riêng Thầy Đ ngồi dưới, thộn mặt ra, cứ ngỡ là được thưởng thức những giọng ca vàng thứ thiệt, thật bé cái lầm ! Đúng ra tôi cũng không quá ngố như vậy, nhưng cái chuyện "nhép" tôi tưởng chỉ để dành cho ca sỹ chuyên nghiệp vì nồi cơm manh áo, còn phe ta gặp nhau, văn nghệ văn gừng cốt cho vui, việc gì phải kỹ quá cho tốn tiền. Nhưng trên thực tế, ĐH có bán vé cho các thân hữu và gia đình nên không muốn để mọi người thất vọng, phần nữa lại quay phim thu vào dvd đàng hoàng nên phải sửa soạn cẩn thận là đúng dzồi.
Tôi còn một thắc mắc nho nhỏ là dù có thu âm trước, nếu giọng ca của mình quá tệ thì biến hoá làm sao cho thành hay được ? Đặng Mỹ, một em tương đối có chút kinh nghiệm, đã giải thích như sau : ở phòng thu, với những tay phù thuỷ nhà nghề, họ sửa được hết những khuyết điểm của ca sỹ như : ngắn hơi, yếu hơi, tiếng rè, tiếng khé, lên cao, xuống thấp v..v..đều sửa được ráo. Nếu hợp ca nhiều bè, sợ không đều, họ thu riêng rồi ráp lại, nếu không ưng ý, sẽ thu đi thu lại, mãi cũng phải hay và dĩ nhiên là...tốn tiền.
Sau khi đã nghiên cứu và phân tích lợi hại về mọi mặt, tôi bèn quyết định như sau. Nếu cứ đòi hát live cho đỡ hao xu thì quí Cô sẽ bỏ chạy. Còn ép quá, quí Cô lại nhất trí chỉ làm thợ " vịn" và như vậy thì chít ngộ dzồi. Ba Cô mà "vịn" thì thân già này chịu sao thấu, chắc về với Phật Chúa sớm mà thôi. Thế thì dắt nhau ra phòng thu hay sao ? Cái lày cũng hổng được vì ngộ hổng có đô la. Từ thuở tặng cho đời mất một mắt, Nàng không cho ngộ giữ tiền nữa, sợ bị cướp và đếm tiền không bảo đảm...v...v...Phần nữa, nhiều bất tiện, ai đưa đón ngộ ra phòng thu? Chao ơi, một triệu thứ phiền toái, thôi thì ngộ cũng chạy luôn cho khoẻ. À mà mình đã lỡ hứa với các đệ tử là Thầy Đ sẽ hát để trả món nợ năm xưa với các em lớp Chín rồi mà ? Thêm nữa, "khúc ruột" Kiều Ng. đòi phải có Thầy Đ biểu diễn em mới hăng hái tham gia và doạ sẽ ngồi hàng ghế đầu để vỗ tay ủng hộ, dù Thầy có hát dở ẹc...v...v... Thế thì Thầy Đ đâu nỡ phụ lòng các em mà thụt lùi được, nghĩa là phải hát, dù có solo mình ên cũng đành chịu vậy.
Tôi bèn kiểm điểm lại vốn liếng của mình xem có dám đem bêu xấu trước quí vị khán thính giả không ? Thôi... để cho tiện, cứ lôi ban tam ca MTV, vốn được các em đánh giá cao, ra để so sánh. Cô Ba Vân thì tôi đã được thưởng thức giọng ca truyền cảm qua bài Biệt Ly trên net rồi. Cô Tư Mai, hôm lại nhà chơi, đã biểu diễn live một bài làm tôi rất khâm phục, khỏi phải bàn nữa. Riêng Cô Năm Thu thì quả thật tôi chưa được hân hạnh nghe Cô hát mình ên bao giờ cả vì Cô rất khiêm tốn và kín đáo, nên mọi người không biết đâu mà mò ! Sau khi cân nhắc đại khái, tôi tự xếp hạng ngang bằng hay dưới Cô Năm chút xíu và như vậy là ta cứ yên tâm liều mạng, chắc cũng chẳng chết thằng Tây nào đâu !
Bây giờ đến mục kế tiếp, rất quan trọng là : chọn bài hát. Một ngày đẹp trời, tôi đến tiệm mua luôn một lúc 6 đĩa karaoke, toàn nhạc tiền chiến với giá rất nhẹ nhàng chỉ có 20 đô, vì loại này quá cũ, không ai thèm mua nữa nên bán rẻ rề. Tất cả khoảng 120 bài, tôi bèn bày la de và đồ nhậu ra nhâm nhi rồi bắt các ca sỹ hát tuốt luốt từ bài đầu cho đến khi tôi ngủ lúc nào cũng không hay. Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng thưởng thức đủ 120 bài và... than ôi, không chọn được bài nào vừa ý cả. Lý do, các ca sỹ hát thì bài nào cũng đặng, nhưng hễ mình thò miệng vào hét thì bài nào cũng thành dở, đó là sự thật phũ phàng 100%. Tôi chợt nẩy sáng kiến là đi tìm một bài thật mới lạ, chưa có ai hát để một mình một chợ thì thiên hạ lấy ai để so sánh đây ! Cái khó là tìm đâu ra cái bài mắc...gió đó, chỉ trừ do chính mình sáng tác ? Chợt loé ra một tia sáng...Trò không làm được nhờ Thầy phụ giúp, có sao đâu, không chừng còn hơn cả tuyệt vời nữa đấy!
Thầy tôi, nhạc sỹ Phạm duy Nhượng, để lại cho đời 4 bản nhạc, trong đó có một bản khá hay với tựa đề " Chiều đô thị ", tên cũ là "Cười đổ kinh thành", đã được ca sỹ Thái Thanh hát cách đây hơn nửa thế kỷ ? Bản nhạc, tuyệt tích giang hồ từ lâu, không có ai hát và ngay cả bản nhạc cũng đã thất truyền, chỉ còn để lại có lời ca. May quá, nhờ Thầy phù hộ nên tôi nhớ được gần hết bản nhạc và có ý định sẽ đem trình diễn vào kỳ ĐH sắp tới. Thầy đã sáng tác bài này trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 1947, tỉnh Thái Nguyên lúc đó ở trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Thầy là Trưởng đoàn Văn nghệ, đang hoạt động tại thị xã và tôi là một đoàn viên. Đứng trước cảnh hoang tàn đổ nát của một đô thị, mới ngày nào còn sống trong cảnh đầm ấm thanh bình, nhà nhà yên vui, có con sông Cầu uốn khúc thơ mộng, mà nay chỉ còn là đống gạch vụn, điêu tàn,Thầy đã xúc động và sáng tác bản nhạc có tên đầu tiên là "Cười đổ kinh thành" .Viết đến đây tôi lại rưng rưng nước mắt vì Thái Nguyên chính là nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên trong suốt quãng đời thơ ấu.
Có bài rồi, bây giờ đến phần khó nuốt nhất là tập hát. Cái vất vả đích thực là đã không còn bản nhạc, lên bổng xuống trầm hoàn toàn theo trí nhớ và phóng tác, riêng lời ca thì cóp trong hồi ký của Phạm Duy cũng tạm ổn. Nhưng còn vấn đề nữa : tôi chỉ nhớ lời ca cũ, sau này Thầy tôi, không hiểu vì lý do gì đã đổi cả tựa đề và một số lời ca, chắc cho ca sỹ dễ hát ? Người già thường nhớ kỹ cái gì thuộc về quá khứ, còn chuyện xẩy ra ngay bây giờ thì lại hay quên, thật là khổ. Khi tập hát tôi cứ lộn lời ca cũ với lời ca mới loạn xà ngầu, chỉ riêng 2 câu đầu tiên mà tập hoài vẫn cứ lẫn lộn. Hễ mở miệng ra là : Chiều xuống, hồn kinh kỳ...v...v...
Hai câu đầu tiên,
Cũ :
Chiều xuống, lạc kinh thành.
Tôi ngồi trong trong điêu linh
Mới :
Chiều lắng, hồn kinh kỳ.
Cây dài trong bơ bơ. Nhà cô gái út của chúng tôi được ngăn đôi để tiết kiệm : gia đình bố mẹ, ưu tiên được chiếm phía trước, phần đằng sau thuộc gia đình bà con bên sui gia. Nhân dịp Hè, cô con gái bên đó, còn độc thân và cũng là Cô Giáo về nghỉ hè với gia đình. Sáng sớm, sau khi điểm tâm, cà phê cà pháo và các thủ tục thường lệ đã hoàn tất, tôi bèn vác đàn ra vật nhau với bài hát của Thầy để chuẩn bị cho ĐH. Chỗ ca sỹ ngồi tập hát trông ngay ra phía cửa sổ đối diện, thỉnh thoảng Cô Giáo đi qua lại hóm hỉnh liếc vào, cười khúc khích, làm tôi đang há miệng lại phải từ từ hạ xuống, thật quê một cục. Có bữa mẹ cô qua chơi nói : con gái tôi khen Bác đã già mà còn hát hỏng vui vẻ yêu đời như vậy là hạnh phúc lắm đó. Tôi đành cám ơn và âm thầm tìm cách giải quyết vấn đề. Bữa sau tôi đóng tuốt luốt các cửa sổ lại nhưng quên... không kéo màn, vì quả thật cũng có ý đồ dễ thương là hàng ngày muốn ngắm người đẹp qua lại chút xíu cho mát mắt.
Bóng hồng thấp thoáng bên song
Tiếng cười khúc khích, khiến lòng bâng khuâng
Mai về còn lại trong sân
Hương xưa ngây ngất, tìm đâu bóng hồng ? Hàng ngày, trong lúc tôi luyện hát thì Ngọc vừa làm vườn, tưới cây, lại được thưởng thức giọng ca khàn khàn của ca sỹ già đang lên, Tiện thể cũng xin bật mí với quí vị, ngoài bài chính của Thầy, tôi cũng chuẩn bị thêm vài bài phòng hờ cho phong phú. Chẳng lẽ, qua bao nhiêu năm bỏ nghề, lần đầu tiên lên sân khấu, biết đâu chẳng là lần...cuối cùng! ngộ nhỡ các đệ tử ưu ái hô bis bis mà mình lại lờ đi thì cũng hơi mắc cở? Vì thế tôi đã chọn thêm vài bài dễ, nghĩa là cái "ton" cứ lơ lửng con cá vàng ở khoảng giữa, không cao mà cũng không thầp, để hát cho khoẻ.
Ở ngoài vườn, thỉnh thoảng N lại thò đầu vào hỏi : ai hát đấy hả anh ? Thì ra tôi cứ để cho ca sỹ hát tự nhiên, còn tôi, khi thì hát ké theo, khi thì nghỉ mệt, N không phân biệt được lúc nào là thứ thiệt và lúc nào là thứ dỏm, nên cứ hỏi hoài, giống như đố vui để học vậy. Chao ôi,hạnh phúc là đây, đâu phải tìm chỗ nào nữa, thưa qui vị độc giả thân mến của tôi ?
Đến đây tôi xin phép được tạm ngưng câu chuyện Phiếm về Hát Hò vì viết mãi, mắt đã sắp toét ra rồi. Thôi thì còn một mắt ráng để dành cho vợ, cho nó fair, kẻo N kiện lên đến tận Thượng Đế thì kẻ hèn này biết trốn nơi đâu ? Hẹn gặp lại tất cả quí vị vào ngày thứ Bẩy 20/8/11 tại San Jose, tức là ngày tiền ĐH. Riêng các đệ tử của Thầy Đ, mong các em cố gắng tham dự cho đông để vỗ tay ủng hộ, vì quả thật lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Mỹ quốc, Thầy cũng hơi...rét đấy !

Chuyện Phiếm
Nguyễn ngọc Đường