Bài Nhạc Đường Xa là một hành khúc, không lãng mạn uỷ mị như những bài trước, mời quý vị thưởng thức để thay đổi không khí.Lời giới thiệu: Đây là bản nhạc thứ ba của Thầy tôi, nhạc sỹ Phạm duy Nhượng, đã sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hai bản nhạc đầu tiên Chiều Đô Thị và Say Thuốc Lào, quý vị đã có dịp thưởng thức rồi và bản Nhạc Đường Xa này là bản cuối cùng tôi hân hạnh đem trình diện cùng quý vị. Thật ra còn bản nhạc thứ tư nữa, tựa đề Tà Áo Văn Quân, nhưng bản này đã có nhiều ca sỹ thu âm trong cd nên tôi không dám...cạnh tranh, sợ hát dở Thầy tôi buồn, xin thành thật cáo lỗi cùng quý vị. Bản NĐX là một hành khúc có tác dụng kích thích lòng yêu nước của đám thanh niên, thúc dục họ rủ nhau lên đường đi kháng chiến chống ngoại xâm.
Hồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào cuối năm 1946, cả nước khí thế bừng bừng, toàn dân già trẻ lớn bé ai cũng muốn xông ra đường để đi đánh Tây cả. Phải công nhận bộ máy tuyên truyền của Việt minh rất lợi hại và hiệu quả. Lúc đó tuy mới 15, nhưng máu tôi cũng sôi sục muốn gia nhập bộ đội lắm nhưng vì thiếu tuổi và bị gia đình ngăn cản nên cuối cùng đành... nuốt giận ôm quần áo theo dân Hà Nội đi tản cư.
Các văn nghệ sỹ thi đua sáng tác các bản nhạc hùng, khuyến khích thanh niên thiếu nữ lên đường đi tòng quân hoặc về nông thôn tăng gia sản xuất. Riêng tôi vì nhát và làm biếng nên gia nhập đoàn văn nghệ do Thầy tôi làm trưởng đoàn để hát hò, kịch cọt cho khoẻ cái thân . Các bài hát phổ biến dạo đó như Chiến sỹ VN, Về đồng hoang, Đoàn lữ nhạc, Khởi hành, Ra đi khi trời vừa sáng...v...v... do các nhạc sỹ Văn Cao, Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Phạm đình Chương...sáng tác đều được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Thầy tôi cũng hăng hái tham gia bằng bài Nhạc Đường Xa, thai nghén trong lúc hướng dẫn đoàn văn nghệ đi lưu diễn. Gánh hát của chúng tôi khoảng 17,18 tài tử, bao gồm các thanh niên, thiếu nữ, bà già, con nít, hầm bà làng đủ loại. Ngoài đoàn viên còn một lũ nồi niêu, soong chảo được mấy bà già gánh gồng theo sau để nấu nướng phục vụ cái dạ dầy cho cả đoàn. Tất cả đều di chuyển bằng lô ca chân nên trông lếch thếch, luộm thuộm, mạnh ai nấy đi, không theo một hàng lối trật tự nào cả . Sau một thời gian bụi đời, đoàn mua được một cỗ xe ngựa cũ rích của một nông dân, với con ngựa ốm yếu gầy còm để Thầy tôi có chỗ ngả lưng, đỡ vất vả trong lúc di chuyển đường trường.
Khu vực hoạt động của chúng tôi thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh như Bắc kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... cư dân đa số là dân tộc thiểu số như Thổ , Mán, Mèo , Nùng, Mường, Thái đen, Thái trắng...v...v... Lúc đó đường xá khắp nơi đều bị bom đạn phá hoại liên miên đầy ổ gà, hầm hố. Về miền quê thì lối đi khấp khểnh, trèo đèo lội suối, băng rừng. Phong cảnh chung quanh lúc nào cũng nên thơ, hữu tình nhưng chỉ những lúc bụng no, còn khi đói thì mọi vật hình như lại được bao phủ toàn một mầu sám, u buồn ảm đạm. Ở miền Việt Bắc, trên đường đi, nhất là khi di chuyển trong rừng, ta hay gặp những cây cầu bằng gỗ hay bằng tre, cong cong bắc ngang qua các con suối nhỏ xinh xinh. Hai bên cầu thường được thiên nhiên trang trí bằng những bụi hoa dại đủ mầu sắc rực rỡ trông thật thơ mộng đáng yêu. Vó ngựa nện xuống sàn gỗ trên những nhịp cầu kêu lóc cóc, vang lên khi xa khi gần tạo nên một âm thanh gợi nhớ khiến người trẻ tuổi bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn vì không biết ngày nào kháng chiến mới thành công để được trở về gặp lại những người thân yêu trong gia đình. Nhờ ngoại cảnh lúc nào cũng sương khói giống như những bức tranh thuỷ mạc nên bài Nhạc Đường Xa đã có những lời hát rất trong sa'ng, tượng hình và đẹp như mơ :
Kìa lóc cóc vó ngựa rung rinh trên nhịp cầu cong bên suối
Hoà tiếng hát với nhịp xe đưa ta cười đón gió phiêu lưu.
Thầy Trưởng đoàn, ngự trên xe ngựa, có học trò ngồi cạnh cầm cương, vừa di chuyển vừa sáng tác khi thì nhạc, khi thì những vở kịch dài ngắn, ca ngợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Và bản nhạc Nhạc Đường Xa đã ra đời trong bối cảnh lịch sử và nên thơ đó.
Lời giới thiệu đến đây đã hơi dài, bây giờ mời quý vị thưởng thức hành khúc đặc biệt này do Thầy Đ, học trò chân truyền của nhạc sỹ trình bầy.

Kìa vầng hồng vừa dâng dâng lên. Nền trời mai, mây vàng lờ trôi chơi vơi.
Rừng cây cao xanh, ngàn hoa lá reo cười.
Đàn chim hót ca vang trời,chào mừng ngày mai ddang reo tươi vui.
Kìa một đoàn người đi lang thang về miền xa cung đàn nhịp theo câu ca.
Lòng trai say sưa tình yêu nước chan hoà.
Dục nhau bước ra xa nhà thẳng đường về miền sông núi xa xa.
Kìa lóc cóc vó ngựa rung rinh trên nhịp cầu cong bên suối
Hoà tiếng hát với nhịp xe đưa ta cười đón gió phiêu lưu
Gió êm êm thổi vi vu. Hu hu hù hu hu
Ru ru lòng phiêu du. Hu hu hù hu hư
Đoàn người cùng cười dấn bước
Vó câu theo nhịp rung rinh. Tinh tinh tình tinh tinh
Xe mơ cùng rung rinh. Tinh tinh tình tinh tinh
Nhạc hùng trầm trầm hoà vang vang. Đường